Hàng vạn quân Ba Lan đã cầm súng cho Hitler

Chủ Nhật, 22 Tháng Chín 20197:00 SA(Xem: 4171)
Hàng vạn quân Ba Lan đã cầm súng cho Hitler
bbc.com

Hàng vạn quân Ba Lan đã cầm súng cho Hitler

Nguyễn Giang bbcvietnamese.com

Ba Lan Bản quyền hình ảnh ullstein bild Dtl.
Image caption Adolf Hitler (giữa) cùng Wilhelm Keitel và Karl-Heinrich Bodenschatz thăm chiến trường Ba Lan ngay sau khi Đức đánh bại quân đội Ba Lan tháng 9/1939

Tháng Chín năm nay, toàn châu Âu làm lễ tưởng niệm các nạn nhân Thế Chiến 2, xảy ra 80 năm về trước khi nước Đức phát-xít tấn công CH Ba Lan.

Hôm 1/09, ở Warsaw, Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier đã dự lễ cùng người tương nhiệm Ba Lan Andrzej Duda.

Phát biểu bằng tiếng Đức và Ba Lan, ông Steinmeiner đã xin Ba Lan tha thứ cho tội ác của 'chế độ bạo chúa từ nước Đức' gây ra cho nước láng giềng.


Đây là sự thay đổi lớn về ngôn từ.

Trước đây, người ta chỉ nói đến 'tội ác của quân Hitler (Hitlerowcy)' ở Ba Lan và Đông Âu.

Nay ông Steinmeier công khai nói đó là 'tội ác Đức', một dấu hiệu mạnh mẽ về hối cải và sự dũng cảm nhìn vào quá khứ dân tộc mình.

Tuy thế, có những phái ở Ba Lan muốn Đức phải làm nhiều hơn nữa.

Theo Adam Easton viết cho BBC News từ Warsaw, một ủy ban Quốc hội Ba Lan đang xúc tiến việc kiểm kê lại thiệt hại khủng khiếp Đức gây ra trong Thế Chiến 2.


Họ nêu ra con số 5 triệu công dân Ba Lan, gồm nhiều người Do Thái và đủ các sắc tộc khác, bị thiệt mạng vì quân Đức bắn giết họ và vì chế độ chiếm đóng tàn bạo.

Hàng vạn làng mạc, hàng chục thành phố Ba Lan bị san phẳng.

Con số 850 tỷ USD bồi thường được nêu ra tuy chưa rõ chính phủ cánh hữu ở Ba Lan có nêu yêu sách tới Berlin một lúc nào đó hay là không.

Nhưng vấn đề Ba Lan - Đức phức tạp hơn thế.

Người Ba Lan là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến xâm lăng do Đế chế Nazi gây ra, nhưng làm nạn nhân cũng không đơn giản.

Lính Ba Lan trong quân đội Đức

Một con số đông đảo công dân CH Ba Lan đã bị cưỡng bức vào quân đội Đức và thành tác nhân giúp Hitler đánh sang Liên Xô và chiếm đóng châu Âu.

Các tài liệu Phương Tây ước tính con số 'lính Đức nói tiếng Ba Lan' có thể lên tới 200 nghìn, nhưng sách của Ba Lan cho rằng số thực có thể tới nửa triệu.

Cuốn 'Người Ba Lan trong quân đội phát-xít Đức' (Polacy w Wehrmachcie - Poles in the Wehrmacht) cùa GS Ryszard Kaczmarek đã nói về hiện tượng này.

Theo ông, việc đưa thanh niên Ba Lan nhập ngũ vào quân đội Đức có lý do từ nhu cầu tuyển quân của Hitler và tùy vào chính sách sắc tộc thời phát-xít.

GS Kaczmarek cho biết ngay sau khi xóa sổ nền Cộng hòa II của Ba Lan, các tỉnh phía Tây và Tây Bắc, vùng Đông Phổ (East Prussia) vùng núi Silesia phía Tây Nam bị sáp nhập ngay vào Đức.


Cho đến khi giành lại độc lập năm 1918, Ba Lan bị chia cắt và chiếm đóng bởi Đức, Áo-Hung và Nga trong 123 năm.

Hitler quyết định "cho hồi hương" nhiều tỉnh của Ba Lan từng thuộc đế chế Đức hoặc Áo Hung.

Nhưng hàng triệu dân sống ở các vùng này không phải là người thiểu số Đức dù có chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ, văn hóa Đức.

Vì tính đến 1939, người sắc tộc Đức ở Ba Lan chỉ chiếm 2,3% tổng dân số 36 triệu.

Thanh lọc sắc tộc

Chiếm Ba Lan, Hitler đặt ra danh sách 'thiểu số Đức' (Deutsche Volksliste - DVL) với bốn tiêu chuẩn về sự gắn bó với Đức, qua dòng máu (mẹ, cha, ông bà) hoặc liên hệ văn hóa (biết tiếng Đức).

Ai được coi là có gắn bó với cộng đồng sắc tộc Đức (deutsche Volksgemeinschaft) thì nhận được các ưu đãi nhất định, cùng trách nhiệm phục vụ chế độ Hitler.

Ngay từ tháng 3/1940, Đức lập ra ủy ban Wehrbezirkskommando để tuyển quân ở vùng chiếm đóng tại Ba Lan.


Ban đầu tiêu chuẩn này rất khắt khe, và số nhập tịch hoặc hồi tịch Đức không nhiều.

Nhưng đến năm 1942 thì tiêu chuẩn được nới ra, và vài triệu dân Ba Lan được cấp quốc tịch Đức với giá trị 10 năm, dạng thử thách, theo GS Kaczmarek.

Còn tại liệu của Wojciech Zmyślony thì cho rằng nhiều đợt tuyển quân của Đức đã không xem xét đến lý lịch, nhận cả các cựu hạ sỹ quan quân đội Ba Lan, thành viên các cuộc khởi nghĩa chống Đức ở Wielkopolska và Silesia.

Có một câu chuyện lạ là Hitler, trong cơn mơ mộng về chủng tộc thượng đẳng Ayan, đã coi dân miền núi Silesia (Slask - Schlesien) là cùng 'chủng tộc' với Đức.

Vì người vùng núi Thượng Silesia (Gornoslazacy) thờ đại bàng, giống hình đại bàng đen trên quốc huy Đức, và ở núi cao nên được cho là ít 'nhiễm văn hóa Ba Lan'.

Họ cùng dân Kaszub sống gần vùng biển Gdansk, được Hitler coi là một các dân tộc khác và 'thượng đẳng' hơn Ba Lan, điều hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Những nhóm này cũng đóng góp đông đảo quân lính cho Bộ binh Wehrmacht của Hitler.

Mở rộng bắt lính

Sau trận thua ở Stalingrad (1942), Đức thiếu quân nên nới rộng tiếp tiêu chuẩn 'sắc tộc' không chỉ với Ba Lan mà cả dân Ukraine ở Galicia từng thuộc Áo- Hung.

Hitler cho lập ra sư đoàn số 14, 'SS-Freiwilligen Division Galizien' toàn dân Ukraine.

Đức cũng lập cả các sư đoàn SS người Hồi giáo ở Bosnia, từng bị coi là 'thua kém' về văn hóa, chủng tộc, miễn là họ có tinh thần chống Bolshevik.

Ở Ba Lan, các chỉ huy cấp địa phương (gauleiter) ở vùng biển Pomerania và Silesia, trước sức ép tuyển quân từ Berlin, đã vứt bỏ luôn tiêu chuẩn 'chủng tộc Đức'.

Từ 1943, rất nhiều người Ba Lan thuần tuý nhất cũng bị cưỡng bức vào quân đội Đức.

Phản kháng lại có thể bị tử hình, hoặc hình phạt là cho cả nhà vào trại tập trung.

Tuy thế, các sử gia Ba Lan nay nêu lại nhiều vụ việc 'bất thường' cuối Thế Chiến 2, khi mà lễ ra quân của quân đội Đức ở nhiều vùng của Ba Lan bị chiếm đóng được tổ chức với ban nhạc Đức, và lời hát hùng tráng...bằng tiếng Ba Lan.

Đơn giản vì rất nhiều tân binh không hề biết tiếng Đức.

Con số không nhỏ, theo ông Wojciech Zmyślony, đã dùng tên Đức thay cho tên Ba Lan khi nhập ngũ: Henryk trở thành Heinrich, Karol - Karl, Kazimierz - Kasimir, Pawel - Paul. Đôi khi họ Ba Lan như Kaczmarek được ghi theo tiếng Đức là Katschmarek.

Vì nước Ba Lan đã bị xóa sổ, quân đội Đức không công nhận trong hàng ngũ của họ có người Ba Lan.

Trái lại, Đức dùng tên các vùng đất từng thuộc Ba Lan để xác định lý lịch quân lính, ví dụ, Schlesier (Silesia); Westpreußen (vùng biển Pomorze); aus Wartheland (Wielkopolska)...

Trong Thế Chiến 2 đã có nhiều trường hợp người Ba Lan trong quân đội Đức khi về phép đã mang theo súng và bỏ trốn, gia nhập các nhóm du kích chống Đức.

Tuy vậy, con số đông đảo sống chết với quân ngũ, bị thương, bị giết trong các chiến trường, ở cả ba quân binh chủng Bộ binh, Hải quân và Không quân của Đức.

Chia rẽ và chia cắt sau chiến tranh

Về quân đội Ba Lan, sau khi thua trận năm 1939, lực lượng này rút sang Liên Xô và Romania.

Nhóm ở Liên Xô bị bắt giữ và hơn 20 nghìn sỹ quan bị đặc vụ Stalin thảm sát ở Katyn.

Số còn lại bị bỏ tù đến tháng 9/1941 rồi được Stalin thả ra để gia nhập Lực lượng Vũ trang Ba Lan ở Liên Xô do tướng Wladyslaw Anders chỉ huy.

Theo một thỏa thuận của chính phủ Ba Lan đóng tại London với Stalin, tướng Anders được tiếp nhận tù binh người Ba Lan bị Liên Xô bắt.

Nhờ thế, đến cuối năm 1942, lực lượng Ba Lan tại Liên Xô có tới 77 nghìn quân, gồm con số đáng kể là tù binh từ quân đội Đức nhưng là người Ba Lan.

Czeslaw Knopp, một quân nhân như thế đã viết lại cuốn sách 'Từ Stalingrad đến đội quân Anders'.

Ông mô tả hành trình từ trận Stalingrad khi ông còn mang quân phục Đức, tới chỗ gia nhập quân của Tướng Anders, rời Liên Xô sang Iran và đến Tây Âu.

Như thế, người Ba Lan trong Wehrmacht đã có mặt cả ở hai chiến trường Đông và Tây.

Tài liệu của Anh nói từ 1940 đến 1945, quân Đồng Minh đã bắt được 68 nghìn tù binh Đức nói tiếng Ba Lan.

Trên 50 nghìn đã nhanh chóng xin gia nhập quân đội Cộng hòa Ba Lan (không cộng sản) bên cạnh quân Pháp, Anh, và Mỹ ở Tây Âu để đánh Đức.

Thế Chiến 2 kết thúc lại tạo ra một bước ngoặt nữa trong cuộc đời những người này.

Đài Deutsche Welle cho hay sau khi Đức thua trận, hàng vạn lính Wehrmacht gốc Ba Lan đã chạy sang Tây Đức tìm cách định cư.

Họ sợ trở về quê cũ hoặc rớt lại ở vùng Liên Xô chiếm đóng sẽ bị trả thù tàn khốc.

Cùng họ, ước tính có tới 12 triệu dân thường (có nguồn nêu 15 triệu) là người thiểu số Đức hoặc ủng hộ Hitler, đã bỏ chạy hoặc bị trục xuất khỏi Đông Âu.

Đế chế Hitler tan rã và nhưng bi kịch mất quê hương của dân 'Volksdeutche' mới bắt đầu, bất kể họ nhiệt tình theo chế độ Nazi hay chỉ là nạn nhân của thời cuộc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn