“Nọ bức dư đồ thử đứng coi”

Thứ Bảy, 14 Tháng Chín 20191:00 CH(Xem: 3873)
“Nọ bức dư đồ thử đứng coi”
ừ trước đến nay, chúng ta thường chú trọng đến sử học mà ít khi quan tâm đến địa lý học, nhất là ở nước Việt Nam ta. Đó là một khuyết điểm lớn cần phải bổ túc vì xét ra sử học và địa học phải đi đôi với nhau như hình với bóng.

Nếu sử học chú trọng về thời gian, tức bề sâu, thì địa học lại chú trọng về không gian, tức bề rộng. Hai ngành này liên hệ mật thiết với nhau như hoành độ và tung độ trong bài toán tiến hóa của nhân loại.

ADVERTISEMENT

Ngày nay, trong thời năm châu họp chợ, bốn biển một nhà, chúng ta cần hiểu biết địa lý để khỏi mang tiếng với thế gian là kẻ “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.

địa lý

Ngay như Tản Đà lúc bình sinh cũng thường quan tâm đến địa lý, hay đúng hơn: đất nước, tức là tổ quốc. Thi sĩ nhìn bản đồ Việt Nam tả tơi mà than rằng:

Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười,
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi!
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi!
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Khéo khéo rồi ta sẽ liệu bồi.

(Vịnh bức dư đồ rách)

Chúng ta không biết địa lý học ngày xưa đã xuất hiện ở nước ta vào thời kỳ nào. Sử Tàu có chép rằng: năm Tân Mão (1109 tr.TC), đời vua Thành Vương nhà Chu có nước Việt Thường ở phía Nam xứ Giao Chỉ, sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống. Nhà Chu phải tìm người thông ngôn đến ba lần mới hiểu được tiếng và ông Chu Công Đán phải chế ra xe chỉ nam đưa sứ Việt Thường về nước. Các nhà khảo cứu mới đây đã xác định vị trí xứ Việt Thường ở vùng trung châu sông Hồng, Bắc Việt và không phải là Tượng Lâm hay Lâm Ấp. (Xem Khảo Cổ Học, Hà Nội 1977).

Xem như trên, ta phỏng đoán rằng sứ giả nước Việt Thường ít nhất cũng có vài tài liệu hoặc ý niệm về địa dư mới dám dấn thân trên một quãng đường dài vạn lý trước khi đến Hạo Kinh (Thiểm Tây) là kinh đô nhà Chu. Đến lúc ra về, sứ giả Việt đã nắm được trong tay một địa bàn có kim nam châm do người Trung Hoa phát minh, ấy thế mà còn lạc đường, xuống tới Phù Nam, rồi đi vòng trở lên mới về tới xứ hơn một năm sau.

Căn cứ trên những tài liệu hiện hữu, chúng ta có thể chia địa lý học Việt Nam ra làm năm thời kỳ:

Thời Bắc thuộc:

Đến đời Cao Biền (thế kỷ thứ 10), vua nhà Đường đổi nước An Nam làm Tĩnh Hải, phong cho Cao Biền làm Tiết độ sứ. Cao Biền đắp thành Đại La trên bờ sông Tô Lịch. Thành ấy bốn mặt dài hơn 1982 trượng 5 thước, cao 2 trượng 6 thước, có thể chứa được 40 vạn nóc nhà.

Sử chép rằng Cao Biền dùng phép phù thủy khiến Thiên lôi phá những thác ghềnh ở các sông cho ghe thuyền đi lại dễ dàng. Cao Biền thấy đất Giao Châu hay phát đế vương nên “thường cỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn thủy đẹp và làm hại nhiều long mạch”.

Theo như trên, ta thấy Cao Biền không những là thầy địa bốc (géomancien) mà còn là một nhà địa lý nữa.

Thời nhà Lý:

Nhưng Cao Biền là người Trung Hoa, còn như người Việt chính thống chuyên về khoa địa lý thì phải đợi đến thế kỷ 11 mới thấy sử chép rằng năm 1075, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt vẽ hình thế núi sông 3 châu Ma Linh, Địa Lý và Bố Chinh, rồi đổi châu Ma Linh làm châu Minh Linh, châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Bố Chinh ra châu Bố Chính.

Qua năm Tân Mão (1172) và Nhâm Thìn (1173), vua Lý Anh Tông đi chơi “xem sơn xuyên hiểm trở, đường sá xa gần và sự sinh hoạt của dân gian rồi sai quan làm quyển địa đồ của nước Nam”.

Theo Lê Quý Đôn, thì năm 1172 đời vua Lý Anh Tông đã có một quyển địa lý học Việt Nam gọi là “Nam Bắc phiên giới địa đồ”.

Như vậy là ngành địa lý đã xuất hiện chính thức ở nước ta từ đời nhà Lý.

Thời nhà Lê:

Suốt đời Trần, không thấy sử sách chép gì về môn địa lý. Qua đời Lê thì chỉ có Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu Ức Trai, người xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (Thường Tín, Hà Đông) là người viết quyển địa dư đầu tiên của nước ta lấy tên là Địa dư chí, chuyên khảo về địa dư toàn quốc. Ông dâng lên vua Lê Thái Tông năm 1435. Vua sai Nguyễn Thiên Túng làm lời tập chú, Nguyễn Thiên Tích làm lời cẩn án (xét cẩn thận), và Lý Tử Tấn làm lời thông luận (bàn chung). Nguyễn Trãi đã viết theo lối văn thiên Vũ Cống trong kinh Thư, cho nên có bản chép tay lấy nhan đề là An Nam Vũ Cống. Quyển này lược khảo địa dư chính trị các triều trước đời vua Lê Thái Tổ, chép địa dư buổi Lê sơ, kể rõ các đạo trong nước, rồi cứ mỗi đạo xét về núi sông, sản vật và liệt kê các phủ, huyện, châu, xã.

Vua Lê Thái Tông sai khắc in vào bộ Quốc thư bảo huấn đại toàn.

Dư địa chí của Nguyễn Trãi là quyển địa lý học xưa nhất còn lại cho chúng ta đến ngày nay.

Năm 1490 tức năm Hồng Đức thứ 21, Lê Thánh Tông sai làm sách Thiên hạ bản đồ. Đến thế kỷ 17, người ta đã căn cứ vào sách Thiên hạ bản đồ mà soạn ra Hồng Đức bản đồ, trong đó có phụ chép cả bản đồ năm Trịnh Sâm đem quân đánh Thuận Quảng (1774).

Đầu thế kỷ 18 vào năm Bảo Thái thứ tư đời vua Lê Dụ Tông, Trịnh Cương sai định lại biên giới các châu huyện rồi làm ra sách Tân định bản đồ. Cuối đời vua Lê Hiển Tông, Dương Nhữ Ngọc người Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, viết một quyển địa lý học Việt Nam gọi là Thiên Nam lộ đồ thư.

Dưới thời nhà Lê trung hưng, có Ngô Thời Sĩ (l726-1784) tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, người xã Thanh Oai, huyện Thanh Oai (Hà Đông) đậu tiến sĩ năm 1766 đời Lê Cảnh Hưng thứ 27, làm quan đến Đốc trấn Lạng Sơn. Ông là tác giả Hải Dương Chí lược (hoặc Hải Đông Chí lược) chuyên khảo về lịch sử, địa dư và nhân vật tỉnh Hải Dương.

Cũng vào cuối thế kỷ 18, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Nhiễm, Nguyễn Tôn Quãi đã dựa vào Dư địa chí của Nguyễn Trãi mà soạn sách Nam quốc vũ cống.

Đồng thời có Lê Quý Đôn (l726-l784) tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người Duyên Hà (Thái Bình), đậu Bảng nhỡn năm 27 tuổi. Ông là người thông kim bác cổ, ngoài các sách bàn giảng về kinh truyện, khảo cứu về cổ thư, sưu tập thơ văn, ông còn biên soạn nhiều sách khảo về sử ký và địa lý như Đại Việt thông sử, có đoạn nói về tứ di (các nước bán khai chung quanh nước ta) như Phủ biên tạp lục (chép lẫn lộn về chính trị cõi biên thùy), gồm 6 quyển, tựa viết năm 1776. Sách này Lê Quý Đôn soạn ra trong khi làm Hiệp đồng kinh lý quân sự ở hai đạo Thuận Hóa, Quảng Nam năm 1776. Sách gồm các mục sau:

– Lịch sử việc khai thác và khôi phục hai đạo Thuận, Quảng, cùng liệt kê tên các phủ, huyện, xã.
– Núi sông, thành trì, đường sá.
– Ruộng đất, thuế khóa, quan chế, binh chế, trấn dinh.
– Việc cai trị đất thượng du: thuế đò, thuế chợ, kim khoáng, vận tải.
– Danh nhân, thi văn.
– Thổ sản, phong tục.

Khi đi sứ Trung Hoa về, ông viết bộ Bắc sứ thông lục (chép việc đi sứ sang Tàu) gồm 4 quyển tựa làm năm 1763, ghi chép các công văn, thư từ, núi sông, đường sá, ứng đối trong khi đi sứ (1760-1762).

Ngoài ra, Lê Quý Đôn còn sáng tác bộ Kiến văn tiểu lục (chép vặt những điều nghe thấy) gồm 12 quyển, tựa làm năm 1777, ghi chép những điều hiểu biết và suy luận trong khi đọc sách về lịch sử hoặc văn minh nước ta từ cuối đời Trần đến đời tác giả. Trong bộ sách này, có một phần nói về phong vực (bờ cõi).

Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, địa lý học để qua một bên, nhằm chuyên lo việc chinh chiến, được thể hiện bởi sông Gianh và lũy Thầy, mà tầm mức quan trọng được ghi rõ trong những câu ca dao lịch sử sau đây:

Thứ nhất thì sợ lũy Thầy,
Thứ nhì sợ lầy Võ Xá.

Có tài vượt nổi sông Gianh,
Dẫu thêm hai cánh, Trường thành khó qua!

Thời Lê mạt, Nguyễn sơ:

Dưới triều Tây Sơn, một số sách về địa lý học Việt Nam ra đời. Đó là các sách Cảnh Thịnh tân đồ, Cao Bằng phủ toàn đồ, Mục mã trấn doanh đồ, (các sách này bị người đời sau in lẫn vào sách Hồng Đức bản đồ).

Cuối thế kỷ 18 đầu 19 có Phạm Đình Hổ (1768-l839) tự Tùng Niên, hiệu Đông Dã Tiều, tục gọi là Chiêu Hổ, người xã Đan Loan, huyện Đường An (Hải Dương). Ông đã soạn rất nhiều sách thuộc loại địa lý như: An Nam chí, Ô châu lục, Kiền khôn nhất lãm (Ngó qua trời đất) trích sao các bộ Nhất thống chí đời Thanh và những bản đồ các đường đi ở nước Nam, Ai Lao sứ trình (đường đi sứ Ai Lao).

Nhưng bộ sách chính của ông là Vũ trung tùy bút gồm hai quyển, nói về:

– Tiểu truyện các danh nhân
– Du lãm thắng cảnh
– Khảo cứu về duyên cách, địa lý
– Khảo cứu về phong tục, v.v…

Đồng thời với Phạm Đình Hổ có Nguyễn Án (1770-1815) tự Kinh Phủ, hiệu Ngũ Hồ, người làng Du Lâm, huyện Đông Ngạn, Bắc Ninh, đỗ cử nhân năm 1807. Ông và Phạm Đình Hổ cùng sáng tác quyển Tang thương ngẫu lục. Sách in năm 1896 gồm hai quyển chừng 90 bài có ký tên từng tác giả. Sách gồm các mục: Danh nhân tiểu truyện, thắng cảnh, di tích v.v…

Hai bộ Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục đã cho ta tài liệu quý báu về lịch sử, địa lý và phong tục đời Lê.

Thời nhà Nguyễn:

Sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long khuyến khích việc viết sách về lịch sử và địa dư nước ta.

Đời Gia Long:

Vua Gia Long truyền quan Binh bộ thượng thư Lê Quang Định (l760-l813) soạn bộ Nhất thống địa dư chí, gồm 10 quyển và 1 quyển thủ.

Từ quyển 1 đến quyển 4, tác giả tả đường bộ từ Quảng Đức (kinh đô Huế) vào Trấn Biên (Biên Hòa) và từ Quảng Đức ra đến Lạng Sơn; tả đường thủy từ Gia Định (Sài gòn) đến Vĩnh Trấn (Vĩnh Long). Từ quyển 5 đến quyển 10, tác giả chép rõ về các trấn, doanh, dinh, cương giới, phong tục, thổ sản, dịch lộ (đường trạm), phân hạt (phủ, huyện, châu).

Ngoài ra còn có Trịnh Hoài Đức (l765-1825) hiệu Cấn Trai, tổ tiên nguyên là người Phúc Kiến bên Tàu, di cư sang Trấn Biên, giúp vua Gia Long lập nhiều công trạng. Ông đi sứ Tàu năm 1802, soạn quyển Gia Định thông chí, chép lịch sử và địa lý Gia Định về đời các chúa Nguyễn. Quyển này đã được Gabriel Aubaret, trung tá hải quân Pháp, dịch 5 thiên sang tiếng Pháp dưới tựa đề Histoire et description de la Basse-Cochinchine-Pays de Gia Định tại Ba lê năm l863; thiên 6 về thành trì chí chưa được dịch.

Đời Minh Mệnh:

Dưới triều Minh Mệnh, Phan Huy Chú soạn Địa dư chí, một phần quan trọng của Lịch triều hiến chương loại chí.

Lịch triều hiến chương loại chí là một bộ bách khoa toàn thư về nước Nam thời cổ, tác giả là Phan Huy Chú (1782-1840), tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, quán ở xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, xứ Nghệ An nay là Can Lộc, Nghệ Tĩnh. Đậu tú tài hai khoa (l807 và l810), ông được bổ làm Biên tu Hàn lâm. Tháng tư năm ấy, ông dâng Lịch triều hiến chương. Năm 1824, ông được cử là Ất phó sứ sang Tàu. Năm 1830 lại được cử đi một lần nữa, nhưng lúc về, hai ông Chánh, Phó sứ đều bị cách chức vì lạm quyền đối với địa phương. Cuối năm ấy, ông được cử tham dự phái đoàn ngoại giao đi Giang Lưu Ba (Batavia). Khi trở về vào cuối năm 1833, ông cáo bệnh về Thanh Mai (Sơn Tây) dạy học.

Bộ Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển mà 5 quyển đầu nói về địa dư chí, chép bờ cõi các triều và phong thổ các đạo. Ngoài ra Phan Huy Chú còn sáng tác Hoàng Việt địa dư chí (2 quyển), Dương trình ký kiến, ghi chép những điều nghe thấy khi ông sang Batavia.

Trong Hoàng Việt địa dư chí, Phan Huy Chú có phác họa bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1834 (Minh Mệnh thứ 14). Bản đồ này mới nhìn hơi giống bản đồ trong quyển tự vị của đức giám mục Jean Louis Tabert mang tên Dictionarium Latino-Anamiticum, ấn hành năm 1838 ở Serempore, Pondichery, Ấn Độ, nơi ấn quán J.C. Marshman của giáo hội Tin Lành. Bản đồ này mang tên An Nam đại quốc họa đồ-Tabula Geographica Imperii Anamitici, với hình thể sông núi, duyên hải, cù lao rõ ràng, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa như trong bản đồ của Phan Huy Chú đã phác họa bốn năm về trước.

Về miền Bắc thì có bộ Bắc thành địa dư chí do một số văn thần giúp việc quan Tổng trấn Bắc thành Lê Chất soạn ra về đời Minh Mệnh, gồm 12 quyển, chép về thành Thăng Long và 11 trấn ở Bắc Thành, có các mục nói về cương giới, diên cách, phân hạt, hình thế, khí hậu, thổ sản, v.v..

Ngoài ra còn có quyển Phương đình địa chí loại của Nguyễn Văn Siêu (1799-l872) tự Tốn Ban, hiệu Phương Đình, người thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Ông đậu phó bảng năm 1838, đi sứ Tàu năm 1839. Bộ này gồm 5 quyển. Quyển 1 trích các sách Tàu nói về nước Nam; quyển 2 chép địa lý nước Nam về đời Hậu Lê; quyển 3, 4 và 5 chép thời đại cận kim.

Đời Thiệu Trị:

Năm 1841, vua Thiệu Trị sai soạn sách Đại Nam thống chí, một quyển địa lý học sơ lược về nước Đại Nam.

Đời Tự Đức:

Đến đời Tự Đức, nhà vua truyền cho Quốc sử quán soạn bộ Đại Nam nhất thông chí, bắt đầu soạn từ năm 1865 cho đến năm 1882 mới xong. Bộ này đầy đủ nhất, chép theo từng tỉnh, mỗi tỉnh gồm các mục: cương giới, diên cách (sự thay đổi tên đất và bờ cõi), phân hạt (các phủ, huyện, châu), hình thế, khí hậu, thành trì, hộc hiệu, số dân sinh, ruộng đất, núi sông, suối đầm, cổ tích, lăng mộ, đền miếu, chùa chiền, quan tân (cửa đi vào bờ biển), nhà trạm, đường cái, bến đò, cầu cống, đê điều, phố chợ, nhân vật hạnh nghĩa, liệt nữ, thổ sản.

Đời Đồng Khánh:

Năm 1886 tức năm Đồng Khánh thứ hai, theo lệnh triều đình Huế, Hoàng Hữu Xứng soạn xong bộ Đại Nam quốc cương giới vựng biên gồm 7 quyển. Sau đó triều đình lại sai Quốc sử quán biên soạn bộ Đồng Khánh địa dư chí mà người ta còn gọi là Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược hoặc Đồng Khánh địa dư chí lược gồm 27 quyển và nhiều bản đồ. Nam kỳ lúc này đã là thuộc địa của Pháp nên Đồng Khánh địa dư chí không nói đến các tỉnh thuộc đất Gia Định cũ mà chỉ nói đến các tỉnh thuộc Trung kỳ và Bắc kỳ mà thôi.

Đời Duy Tân:

Đến năm 1909 (Duy Tân thứ 3), quan Học bộ thượng thư kiêm Tổng tài Quốc sử quán là Cao Xuân Dục (1842-1923) tự Tử Phát, hiệu Long Cương, người xã Thịnh Khánh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, có dọn lại bộ này nhưng vẫn giữ tên cũ là Đại Nam nhất thống chí gồm 17 quyển, mỗi quyển chép về một tỉnh ở Trung Việt. Người Pháp thường gọi là Géographie de Duy Tân. Để phân biệt, bộ này được gọi là Đại Nam nhất thống chí mới, khác với bộ Đại Nam nhất thống chí cũ soạn đời Tự Đức. Bộ mới này chỉ nói về các tỉnh thuộc Trung kỳ mà thôi, còn đất Nam kỳ bị coi là thuộc địa Pháp, đất Bắc kỳ là đất bảo hộ của Pháp không hề được nói đến.

Tiếp xúc với Tây phương, nước ta bắt đầu cải tổ, trang bị kiều lộ xuyên ba miền Bắc Trung Nam, hành khách đi lại tấp nập với:

Xe tàu điện tàu nước tàu bay!

(Đăng đàn cung)

và cũng từ đó:

Ông Tây giăng dây thép,
Họa địa đồ nước Nam.

(Ca dao)

Trong tất cả các sách về địa lý học kể trên thì Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức là bộ sách địa lý học Việt Nam đầy đủ nhất của nước ta từ xưa tới nay. Bộ này phỏng theo bộ Đại Thanh nhất thông chí của Trung quốc, chia ra các mục như: phương vi, phân dã, kiến trí, duyên cách, phủ huyện, hình thế, khí hậu, phong tục, thành trì, học hiệu, hộ khẩu, điền phú, sơn xuyên, quan tấn, dịch trạm, thị lập, từ miếu, tự quán, phân việt, thổ sản, v.v… Ngoài ra, Đại Nam nhất thống chí còn có những quyển chép riêng về Cao Miên, Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Vạn Tượng.

Ở tất cả các mục, Đại Nam nhất thống chí có rất nhiều tài liệu, không những về địa lý mà cả về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn học nghệ thuật. Về tất cả các tỉnh của Việt Nam, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên, Đại Nam nhất thống chí cung cấp cho người đọc rất nhiều tài liệu quý báu.

Sau khi công việc biên soạn Đại Nam nhất thống chí đã hoàn tất, vua Tự Đức sai sửa lại và soạn thêm một quyển Bổ biên nữa, ghi chép các sự kiện cho đến hết năm 1881. Quyển Bổ biên vừa làm xong thì đêm hôm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 xảy ra trận Tôn Thất Thuyết đánh úp quân Pháp ở Huế và ngày 5 xảy ra trận quân Pháp phản công. Bản thảo Bổ biên bị thất lạc. Đại Nam nhất thống chí Tự Đức vì vậy mà thiếu mất một phần.

Những sách địa lý bổ túc

Ngoài các sách kể trên, các sách sau đây cũng có nhiều tài liệu về địa lý học rất cần cho những ai muốn nghiên cứu lịch sử hoặc địa lý Việt Nam thời trước: An Nam chí lược của Lê Tắc; quyển hai trong số tám quyển còn lại của bộ Thiên Nam dư hạ tập biên soạn đời Lê Thánh Tông; quyển Hộ thuộc, một trong ba quyển còn lại của bộ Lê triều hội điển soạn hồi thế kỷ 18; Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư soạn vào khoảng cuối thế kỷ 17 đầu 18; Thời thực ký văn (quyển chép về phong vực) của Trương Quốc Dụng soạn đời Minh Mệnh; Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng v.v…

Về địa lý địa phương, hiện chúng ta có: Ô châu cận lục của Dương Văn An đời Mạc chép về núi sông, thành trì, phong tục xứ Thuận Quảng; Hưng Hóa phong thổ chí của Hoàng Bình Chính; Bắc thàth địa dư chí 12 quyển; Nghệ An chí của Bùi Dương Lịch; Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật; Cao Bằng ký lược của Phạm An Phủ…

Ngoài ra còn có thể kể: Việt dư thặng chí toàn biên của Lý Trần Tấn đời Gia Long; Hoàng Việt địa dư chí gồm hai quyển Đại Nam địa dư toàn biên mà chúng ta vẫn thường gọi là Phương Đình địa chí của Nguyễn Văn Siêu; Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng; Đại Việt cổ kim duyên cách địa chí của Nguyễn Thụy Trân; Nam quốc địa dư chí, Tân đính Nam quốc địa dư giáo khoa thư của Lương Trúc Đàm; Hiện kim Bắc kỳ địa dư sử ký của Ngô Giáp Đậu, v.v…

Sau khi đã duyệt qua hầu hết những địa chí xưa, liên tưởng đến tình trạng Việt Nam hiện tại, một quốc gia tả tơi, rách nát, lòng chúng ta chẳng khỏi đau xót như Tản Đà:

Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi?

ngậm ngùi như Á Nam Trần Tuấn Khải :

Coi lịch sử gương kia còn tỏ,
Mở dư đồ đất nọ chưa tan.
Giang san này vẫn giang san,
Mà nay sảy nghé tan đàn vì ai?

(Hai chữ nước nhà)

Đứng trước tình cảnh đau thương ấy, Tản Đà đã có mấy lời nhắn nhủ:

Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son
Dư đồ rách nước tô lại,
Đồng bào ta trai gái đứng lên.

Ngày nay, hơn lúc nào hết, lời khuyến dụ của Tản Đà vang dội trong tâm trí nhân dân ta, như oán hờn, như chê trách, như thúc giục toàn dân quang phục quê hương, tô bồi lại bản đồ xưa được muôn phần tốt đẹp.

Hương Giang Thái Văn Kiểm
Việt Nam Gấm Hoa; trang 237
Làng Văn xb, 1997

Đăng lại từ Fanpage Thư Viện Người Việt
Mời độc giả quan tâm ghé thăm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn