Greenland: Để Mỹ mua, ở với Đan Mạch hay độc lập?

Thứ Ba, 27 Tháng Tám 20196:00 CH(Xem: 4699)
Greenland: Để Mỹ mua, ở với Đan Mạch hay độc lập?

Ông Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên muốn mua Greenland, lãnh thổ đang có xu hướng muốn tách hẳn khỏi Đan Mạch.

Trung Quốc, Bắc Cực, Mỹ Bản quyền hình ảnh Lev Fedoseyev
Image caption Du khách TQ đã đến Greenland

Lịch sử hòn đảo trên 2 triệu km vuông này cũng có những gắn bó "không dứt được" với Hoa Kỳ, và ý tưởng của ông Donald Trump không đến một cách vu vơ mà nằm trong một chiến lược ngăn Nga và Trung Quốc khai thác Bắc Cực.

Ngoài ra, quan hệ của Greenland với "chính quốc" Đan Mạch cũng không phải luôn "cơm lành canh ngọt" mà có nhiều thăng trầm.

1. Greenland từng do Hoa Kỳ bảo hộ

Tháng 4 năm 1940, Đan Mạch bị phát-xít Đức tấn công và thua trận nhanh chóng.

Khác với hoàng gia Na Uy, Hà Lan, Hy Lạp, Nam Tư và các chính phủ Ba Lan, Tiệp Khắc đều di tản sang Anh để tiếp tục kháng chiến, Vua Charles X cùng chính phủ ở Copenhagen đã đầu hàng Đức.


Adolf Hitler cho lập ra một chính quyền bù nhìn thân Berlin và điều này gây ra những hệ lụy quốc tế nghiêm trọng cho Đan Mạch.

Chính quyền này đã không bảo vệ được thuộc địa Greenland nằm gần Canada.

Đặc sứ Đan Mạch tại Hoa Kỳ, Henrik Kauffmann đã tự ký một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đến đóng ở Greenland, thuộc địa của Đan Mạch từ thế kỷ 18.

Copenhagen coi ông Kauffmann là kẻ phản quốc, nhưng phái chống Đức trong cộng đồng Đan Mạch hải ngoại và một số người trong nước coi ông là anh hùng.

Đan Mạch không thừa nhận thỏa thuận Kauffmann tự ký nhưng Mỹ vẫn đặt Greenland dưới quyền bảo hộ (protective custody) trong suốt Thế chiến 2.

Greenland trở thành điểm trung chuyển phương tiện quân sự cho Hoa Kỳ sang giúp Anh và Đồng minh châu Âu đánh Đức.

Sau Thế Chiến, nghị viện Đan Mạch xóa tội cho ông Kauffmann và ông được phong làm đại sứ chính thức của Vương quốc Đan Mạch tại Mỹ.

Tuy thế, quan hệ của Đan Mạch với Greenland bị sứt mẻ, trong khi vai trò của Hoa Kỳ tại đây tăng lên.

Người địa phương Greenland cho rằng 'mẫu quốc' đã không bảo vệ nổi họ khi bị Đức tấn công và sau đó lại cho Hoa Kỳ đóng căn cứ.

Năm 1946, Tổng thống Harry Truman nêu đề nghị mua Greenland với giá 100 triệu đô la (1,3 tỷ theo thời giá ngày nay) nhưng Đan Mạch từ chối.

Đó không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ mua lãnh thổ từ chính Đan Mạch.

Năm 1917, Đan Mạch đã bán đảo Virgin Islands cho Mỹ.

Hoa Kỳ cũng từng mua Louisiana từ Pháp, Florida từ Tây Ban Nha và Alaska từ Nga.

Dù không bán Greenland cho Mỹ, Đan Mạch đã phải ký thỏa thuận để Washington tiếp tục đóng quân ở Greenland thời Chiến tranh Lạnh.

Hiện nay, dù đã bỏ một điểm đóng quân trên đảo, Hoa Kỳ vẫn giữ căn cứ không quân và hàng không vũ trụ Thule, nằm trong Vòng Bắc cực.

Căn cứ Thule đóng vai trò ngày càng quan trọng khi cả Nga và Trung Quốc đều muốn có mặt tại Bắc Cực.

The construction of Camp Century in Greenland Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Camp Century, căn cứ Hoa Kỳ từng dùng để phóng tên lửa hạt nhân nay bị Mỹ bỏ hoang

2. Các vụ kiện quan trọng

Lịch sử Greenland gắn liền với cuộc di cư từ Alaska xuống của người Inuit, thổ dân vùng Bắc Cực, gốc từ Siberia.

Trang web của chính phủ Greenland nói có hai nhóm người xuất hiện tại đây rất lâu trước khi Đan Mạch chiếm hòn đảo.

Khoảng thế kỷ 10, các nhóm săn bắn thuộc sắc tộc Inuit đến đảo, cùng lúc với người châu Âu, do Erik the Red (Erik Đỏ) chỉ huy, tới từ Na Uy vào năm 982.

Erik the Red chỉ thấy một hòa đảo phủ băng tuyết trắng xóa nên đặt trên nó là 'Greenland' với hy vọng thấy màu xanh của cây.

Nhưng đến thế kỷ 16, dân Na Uy biến mất khỏi Greenland và chỉ còn người Inuit.

Sang đầu thế kỷ 20, Đan Mạch có nhiều hoạt động thám hiểm ở Tây Greenland, nhưng cùng thời gian, Vương quốc Na Uy cũng có mặt ở phía Đông hòn đảo.

Năm 1922 Na Uy tuyên bố lập trạm thông tin vô tuyến ở Mygg-Bukta, gây phản đối từ Đan Mạch.

Trên thực tế, Na Uy và Đan Mạch đã tranh chấp về Greenland từ cuối thế kỷ 19 và tới năm 1919, các vấn đề ngoại giao bùng nổ.

Na Uy thách thức chủ quyền của Đan Mạch trên toàn đảo Greenland trước tòa quốc tế.

Lập luận của Na Uy nói rằng các hoạt động của người Đan Mạch tại Greenland chỉ hạn chế ở một khu vực rất nhỏ ở phía Tây và Nam hòn đảo, nên họ không thể đòi chủ quyền cho cả lãnh thổ 2,16 triệu km vuông, gồm cả vùng Đông Greenland mà Na Uy cũng có mặt từ lâu.

Năm 1931, phán quyết của Tòa quốc tế (Permanent Court of International Justice-PCIJ) cho rằng Đan Mạch có chủ quyền toàn bộ ở Greenland.

Tuy vậy, tòa cho công bố ý kiến phản bác lại phán quyết chung của thẩm phán người Ý, ông Dionisio Anzilotti, nêu ra sơ hở trong lập luận của Đan Mạch.

Cũng vì vấn đề chủ quyền của Đan Mạch không vững chắc 100% tại Greenland, và do sức ép từ cộng đồng dân địa phương ngày càng cao, Đan Mạch đã phải từ bỏ quy chế chiếm đóng ở Greenland.

Năm 1959, Greenland không còn là thuộc địa của Đan Mạch mà nhận quy chế lãnh thổ phụ thuộc.

Năm 1979, Đan Mạch ra luật, cho người Greenland quyền tự trị, có chính phủ, nghị viện riêng.

Copenhagen nay nắm ngoại giao, quốc phòng của Greenland và viện trợ cho hệ thống an sinh xã hội, còn chính phủ đị́a phương tự lo chính sách kinh tế.

Tuy thế, một vụ kiện khác của người Inuit đã cho thấy thái độ nước đôi của Đan Mạch với cộng đồng này.

Nhóm Hingitaq 53 kiện chính phủ Đan Mạch hồi năm 1953 đã trục xuất họ trong vòng bốn ngày phải bỏ nhà cửa để Hoa Kỳ lấy đất làm căn cứ quân sự ở Thule.

Năm 1999, tòa tối cao Đan Mạch thừa tnận quyết định 45 năm về trước của chính phủ Đan Mạch là bất hợp pháp.

Tuy vậy, tòa không cho nhóm dân Inuit quyền hồi hương và nhận bồi thường gì hết.

Phải đến 2003, người Inuit tiếp tục kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu thì tòa Đan Mạch mới cho mỗi nguyên đơn hoặc con cháu họ 2780 đô la tiền bồi thường.

3. Xu hướng độc lập và tương lai

Nhiều ý kiến trên các báo châu Âu "chê cười" ông Trump nêu ý tưởng đòi mua đứt Greenland, bị Đan Mạch bác bỏ.

Nhưng các tờ báo cũng nhắc rằng thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen không hề nói Đan Mạch sẽ quyết định việc này.

Bà nhấn mạnh rằng, "Greenland không phải Đan Mạch (Greenland is not Danish), mà thuộc về người Greenland."

Điều này phản ánh một thực tế là Đan Mạch đã phải tính đến việc chấp nhận một ngày Greenland sẽ tách hẳn ra.

Morten Hilmer Bản quyền hình ảnh Morten Hilmer
Image caption Nhiếp ảnh gia Morten Hilmer và Đội tuần tra Sirius bằng chó kéo xe trượt tuyết ở Greenland

Năm 2018, bốn đảng ủng hộ độc lập đều giành phiếu vào nghị viện Greenland.

Hiện thủ tướng là ông Kim Kielsen, thuộc đảng Siumut cũng theo xu hướng độc lập.

Sau khi đảo Faroe, một lãnh thổ cựu thuộc địa khác của Đan Mạch đã có trưng cầu dân ý để chuẩn bị tiến tới độc lập, người Greenland lại có thêm khích lệ.

Liên minh cầm quyền hiện đang tiếp tục việc chuẩn bị soạn thảo hiến pháp riêng của Greenland.

Hiện chưa rõ nếu độc lập, tương lai Greenland sẽ ra sao với dân số rất nhỏ (58 nghìn), và quy chế hiện thời rất đặc biệt.

Sau khi cho Greenland quyền tự trị (1979), Đan Mạch cũng công nhận quyền công dân Đan Mạch và cũng là công dân EU cho mọi cư dân hòn đảo.

Nhưng đến 1985, Greeland lại tuyên bố rút khỏi EU nhưng vẫn thuộc chủ quyền Đan Mạch.

Aleqa Hammond Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Bà Aleqa Hammond, cựu thủ tướng Greenland nói sự hiện diện của Hoa Kỳ không "vì lợi ích của người dân địa phương"

Điều chắc chắn là với diện tích rất rộng, nằm ở vị trí địa chính trị chiến lược, Greenland đang là miếng mồi ngon cho nhiều nước lớn.

Việc đóng quân của Hoa Kỳ tại Thule hiện bị người địa phương cho là "chẳng đem lại lợi ích gì cho họ", theo một bài trên BBC News.

Di sản của sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ là các căn cứ bỏ hoang, gây hại cho môi trường.

Tham vọng của Mỹ tại đây cũng đang đặt Greenland vào vị thế nguy cơ đối đấu với Nga ở Bắc Cực.

Cùng lúc Bắc Kinh đang nhắm tới nguồn đất hiếm nằm dưới các lớp băng ở Greenland.

Trung Quốc còn tính chuyện dùng cảng ở đây làm điểm trung chuyển hàng tới Canada và Hoa Kỳ.

Tóm lại, dân số ít, kinh tế phụ thuộc vào nghề cá và khai khoáng và trợ cấp từ Đan Mạch, tương lại độc lập của Greenland có thể thỏa mãn nhu cầu dân tộc tự quyết, nhưng cũng có thể khiến nước này phải đối phó với các cường quốc bên ngoài.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn