Những cô gái nếm đồ ăn cho Hitler

Chủ Nhật, 25 Tháng Tám 20191:00 SA(Xem: 4073)
Những cô gái nếm đồ ăn cho Hitler
bbc.com

Những cô gái nếm đồ ăn cho Hitler

Holly Williams BBC Culture

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Câu chuyện không được biết cho đến tận năm 2013, là có một nhóm khoảng 15 phụ nữ được chọn làm công việc nếm thử thức ăn dành cho Quốc trưởng Hitler để đảm bảo là đồ ăn không bị bỏ thuốc độc. Một vở kịch mới được trình diễn trong Liên hoan Edinburgh Fringe Festival kể lại câu chuyện.

Hãy tưởng tượng rằng mỗi đĩa thức ăn bạn ăn vào đều có thể là phần ăn cuối cùng của bạn. Có thể là bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối, bữa nào cũng có khả năng gây chết người cả. Và bạn thì vẫn phải ăn, bất kể thế nào.


Với một nhóm phụ nữ trong Đệ Tam đế chế, đây quả là thực tế hàng ngày của họ: họ phải nếm đồ ăn dành cho Hitler trong thời gian hai năm rưỡi trước khi kết thúc Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Hitler đòi những phụ nữ trẻ người Đức phải cất mẫu phẩm toàn bộ các bữa ăn được làm cho ông, để đề phòng quân Đồng minh hoặc từ chính người trong hàng ngũ Đức phát xít tìm cách đầu độc. Nhiệm vụ đó được coi là một niềm vinh dự.

Câu chuyện kỳ lạ về những gì nhóm phụ nữ trẻ này từng trải qua chỉ được công bố vào năm 2013, khi Margot Wölk, năm đó đã 95 tuổi, kể với tạp chí Đức Der Spiegel về nhiệm vụ mà bà từng làm.

Nay, Những người nếm thử đồ ăn cho Hitler, vở kịch của Michelle Kholos Brooks, thoả sức tưởng tượng về nguy cơ mất mạng qua từng dĩa thức ăn trong thực tế sẽ là như thế nào.

Vở kịch đã được diễn ở nhiều nhà hát trên khắp nước Mỹ, và trong 8/2019 được đưa tới tham dự Fringe Edinburgh - lễ hội nghệ thuật lớn nhất thế giới - trong một tháng.

Được thể hiện bởi một dàn diễn viên toàn nữ, vở kịch tập trung vào bốn phụ nữ trẻ (trong thực tế, khoảng 15 người thay phiên nhau làm nhiệm vụ nếm thử thức ăn) sống trong một ngôi trường nằm cạnh Hang Sói (Wolf's Lair), tức đại bản doanh của Hitler tại Mặt trận phía Đông ở Đông Phổ (nay là Ba Lan).

Brooks nghe được câu chuyện về những người nếm thức ăn cho Hitler một cách hoàn toàn tình cờ - một người hợp tác viết kịch với bà nhắc tới nó khi họ ngồi giết thời gian trong lúc chờ đợi chuyến bay.


"Tôi nói, 'cậu sẽ viết nó chứ? Nếu không thì tôi sẽ viết," bà nhớ lại.

Câu chuyện dường như ngay lập tức được Broooks mường tượng ra một cách phong phú. "Nó tác động tới mọi suy nghĩ và lo lắng của tôi: những phụ nữ trẻ đó được đối xử như thế nào, những thiếu niên bị sử dụng ra sao nơi chiến trường, sẽ khó khăn tới mức nào khi là một phụ nữ trẻ bị thao túng về mặt chính trị..."

Tất cả đều nghe có vẻ nặng nề, nhưng vở kịch thực sự khôi hài - dẫu cho đó là sự khôi hài u ám.

Brooks đặt câu chuyện vào đúng thời điểm lịch sử của nó trong khi hình dung những phụ nữ trẻ bị mắc kẹt này cũng giống như những thiếu nữ đương đại.

Các cô gái nhảy theo nhạc pop và tạo dáng chụp ảnh tự sướng, nhưng bàn tán về việc thích Frank Sinatra, Clark Gable và - thật phát ói - chính Hitler; họ nói chuyện như những cô gái ở thung lũng California, gọi nhau là "bạn gái" hay "kẻ thua cuộc", nhưng sau đó lại tuôn ra những lời hận thù người Do Thái.

"Tôi thấy những cô gái trẻ này chụp ảnh selfie, nhìn thấy họ hết sức chú tâm để có cho được những bức ảnh selfie như ý, và tôi nhận ra rằng họ đều giống nhau. Không khác gì, trừ về mặt thời gian," Brooks nói. "Tôi không muốn các nhân vật này trở thành người nhạt nhoà trong lịch sử. Tôi muốn rằng họ được cảm nhận theo cách của thời nay."


Vở kịch sử dụng phần kỳ lạ này trong lịch sử Đại chiến Thế giới lần thứ hai để khai thác trải nghiệm là một phụ nữ trẻ thời đó - trong một môi trường phải đối diện cực nhiều hiểm nguy.

Có một điều là bên cạnh những nguy cơ mất mạng thường trực lơ lửng trong từng miếng thức ăn họ phải nuốt vào, thì cuộc sống của những phụ nữ trẻ này cũng lại vô cùng tầm thường, nhàm chán.

So với những gì mà nhiều người khác phải trải qua trong cuộc chiến thì ít nhiều gì họ cũng được dễ thở ở một cấp độ nào đó - vào năm 1944, nhiều người ở Đức đã rơi vào cảnh rất đói khát, nhưng họ thì được ăn ba bữa một ngày.

Tất nhiên, đó là những bữa ăn chay - Hitler nổi tiếng là kiêng thịt - và bà Wölk đã mô tả một chế độ ăn gồm rau, gạo, mì ống, mì và các loại trái cây lạ, rất hiếm vào thời điểm đó.

Mặc dù thức ăn "ngon - rất ngon", bà nói thêm, nhưng họ không thể nuốt một cách thích thú.

"Một số người rớt nước mắt khi bắt đầu ăn, vì họ rất sợ hãi," bà kể trong cuộc phỏng vấn năm 2013. "Chúng tôi phải ăn hết sạch những gì được đưa ra. Sau đó sẽ phải chờ đợi một tiếng, và lần nào chúng tôi cũng hoảng sợ rằng chúng tôi sẽ bị trúng độc. Chúng tôi đã từng khóc như điên vì mừng là thấy mình còn sống."

Các nhân viên SS, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Phát xít Đức, sẽ chờ một tiếng đồng hồ để xem các cô gái có bị làm sao không; nếu không phát sinh gì thì thức ăn sẽ được đưa đến phục vụ Hitler. Nhưng ở giữa mỗi bữa ăn, các cô gái trẻ không có việc gì để làm ngoại trừ ngồi chơi suông và chờ chết.

Vở kịch nhằm tìm hiểu xem bên trong các cô gái nghĩ gì, "họ giết thời gian bằng cách nào, họ vượt qua sự nhàm chán như thế nào," Brook Brooks nói.

"Họ nói về chuyện gì? Tôi cảm thấy là để sống sót, họ phải tiếp tục tồn tại như những cô gái: tết tóc cho nhau, và cười nói, tìm cách hiểu cho được sự điên rồ đang xảy ra."

Theo những gì mà chúng ta biết cho đến nay thì trên thực tế không có cô gái nào bị đầu độc do nếm thức ăn. Nhưng câu chuyện của họ hầu như không được ghi chép lại - nếu như không có lời kể của bà Wölk thì có lẽ đây sẽ là câu chuyện không bao giờ được biết đến.

Có vẻ như đó là người duy nhất còn sống trong số những người nếm thức ăn của Hitler: khi lực lượng Nga tiến lên, một viên trung úy đã lén đưa cô Wölk ra khỏi đoàn tàu của Joseph Goebbels, khi đó đang chạy về hướng Berlin. Người ta cho rằng toàn bộ các cô gái khác trên tàu đã bị lính Liên Xô bắn chết.

Tạo ra sự hài hước từ tình huống như vậy có thể là chuyện không dễ dàng gì, bà thừa nhận. Và đã có người hỏi bà rằng liệu có ổn không khi cười vào vở kịch, hay thậm chí là từ chối xem vở diễn.

"Một số người nói rằng họ không muốn xem vì chúng tôi cười vào những chuyện đáng sợ - nhưng nếu bạn xem, bạn sẽ biết [chúng tôi không phải như vậy]."

"Chúng tôi không phải là người hợp tác với Hitler, chúng tôi thực sự là không ưa ông ta!" Brooks nói đùa.

Vở kịch Những người nếm thử đồ ăn cho Hitler là để cười cùng những phụ nữ trẻ, thực chất là vô tội này - và để nhìn nhận rằng cười vào những kẻ phát xít điên khùng là một cách để làm suy giảm sức mạnh của họ.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn