Xung khắc Ấn Độ-Pakistan từ ngày lập quốc quanh Kashmir

Thứ Sáu, 23 Tháng Tám 201911:00 CH(Xem: 3380)
Xung khắc Ấn Độ-Pakistan từ ngày lập quốc quanh Kashmir
bbc.com

Ấn Độ-Pakistan thù địch từ ngày lập quốc


Kashmir Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Trẻ em Hồi giáo tại Kashmir hô khẩu hiệu trong một ngày lễ tôn giáo

Xung đột tại Kashmir chỉ là một phần của quan hệ không thân thiện giữa hai nước lớn ở Tiểu lục địa Nam Á.

Ngày 15/02/2019, Ấn Độ tuyên bố sẽ 'cô lập toàn bộ' Pakistan sau vụ 46 binh sỹ Ấn bị bom cảm tử giết chết tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14/02.

Vụ đánh bom Pulwama được Dehli cho là do nhóm chiến binh Hồi giáo Jaish-e-Mohammad đóng ở Pakistan gây ra.

Sang ngày 19/02, tin tức nói có thêm bốn binh sĩ Ấn Độ bị bắn chết trong cuộc đọ súng với dân quân Hồi giáo mà Ấn Độ cho rằng Pakistan ủng hộ.

Nhưng xung khắc giữa Ấn Độ (1,3 tỷ dân) với Pakistan (212 triệu) đã có từ ngày hai quốc gia này hình thành năm 1947, khi các vùng thuộc địa Anh giành độc lập.


Xung đột Ấn Độ - Pakistan

Thời thuộc địa Anh, tiểu lục địa Ấn Độ được chia làm trên 500 vương quốc, công quốc, lãnh địa nhỏ do các ông hoàng bản địa lãnh đạo về hình thức, còn quyền lực thật do người Anh nắm giữ.

Người Anh làm chủ bộ máy hành chính, quân đội, hệ thống hỏa xa, bưu chính, và ngoại giao nhưng không can thiệp vào các tập tục văn hóa, tôn giáo bản địa.

Jammu và Kashmir chỉ là hai trong số hàng trăm lãnh địa nhỏ.

Vùng đất của đa số người Hồi giáo nằm về phía Tây tiểu lục địa cũng chỉ mới có tên là Pakistan vào năm 1933.

Hậu thuộc địa và chia cắt

Vào tháng 8/1947, Anh Quốc quyết định trao trả độc lập cho vùng Nam Á, và cắt Pakistan thành nước cho người theo Hồi giáo.

Còn Ấn Độ sẽ là quốc gia cho đa số người theo Ấn giáo và các đạo khác.

Chừng 14 triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa, phải chọn trở thành công dân của một trong hai quốc gia mới, trong cuộc chia cắt vĩ đại, gọi là Partition.

Khoảng 2 triệu người bị giết trong xung đột theo sau cuộc di cư khổng lồ đó, tạo ra không khí thù địch mang màu sắc tôn giáo, sắc tộc đầu tiên cho hai nước.

Các tiểu vương quốc đều phải chọn hoặc trở thành bộ phận của Dominion of Pakistan, hoặc Dominion of India.

Nhưng Jammu và Kashmir không chọn theo Pakistan.

Tháng 10/1947, một nhóm vũ trang từ Pakistan đem quân vào chiếm Kashmir.

Vị tiểu vương ở Kashmir kêu gọi Ấn Độ trợ giúp và giao tranh Ấn Độ - Pakistan lần 1 tại Kashmir nổ ra.

Tháng 5/1948, quân chính quy Pakistan lên biên giới và giao tranh với quân đội Ấn Độ.

Cuộc chiến chỉ tạm ngưng vào tháng 1/1949.

Nhiều thập niên thù địch

Sau cuộc chiến 1949, Liên Hiệp Quốc phải cử quân gìn giữ hòa bình vào phân giải tranh chấp tại Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.

Nhưng lời hứa mở trưng cầu dân ý để người địa phương tự quyết đã không được thực hiện.

Năm 1954, Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn luật đưa Jammu và Kashmir vào lãnh thổ Cộng hòa Ấn Độ.

Nhưng phần do Ấn Độ kiểm soát chỉ chiếm 2/3 Kashmir, nay có khoảng 12 triệu dân.

Năm 1957, bang Kashmir thuộc Ấn Độ thông qua hiến pháp, dựa trên căn bản Hiến pháp Ấn Độ.

Bên phía Pakistan, vùng bán tự trị Azad Jammu và Kashmir được thành lập.

Từ 'azad' có nghĩa là tự do, hàm ý đây là sự lựa chọn của người địa phương.

Nhưng một vùng lớn hơn, gồm cả lãnh địa cũ của hai vương quốc cổ Hunza và Nagar, thì do chính quyền Pakistan trực tiếp quản trị.

Pakistan không công nhận bang Kashmir do Ấn Độ lập ra.

Năm 1962 và 1963, sau chiến tranh Trung - Ấn ở vùng núi Himalaya, Ấn Độ và Pakistan đồng ý mở đàm phán về biên giới ở Kashmir dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ và Anh Quốc mà không đạt kết quả gì.

Năm 1965: chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lại nổ ra từ tháng 4 đến tháng 9.

Năm 1971: giao tranh Ấn Độ - Pakistan bùng nổ ở diện rộng vì vấn đề Đông Pakistan, vùng nói tiếng Bengal, nằm cách biệt khỏi Tây Pakistan và muốn độc lập.

Ấn Độ đưa quân vào trợ giúp người bản địa chống lại quân đội Pakistan, là bắt sống 90 nghìn tù binh Pakistan ở Dhaka.

Đông Pakistan tuyên bố độc lập, thành nước Bangladesh vào cuối 1971.

Năm 1974, Islamabad công nhận Bangladesh, và ký đường Kiểm soát Hành chính tại Kashmir với Ấn Độ dài 450 dặm nhưng không công nhận bang Kashmir thuộc Ấn Độ.

Các năm 1987-89: nhóm đấu tranh Kashmir nổi lên chống quyền lực của Dehli.

Phong trào vũ trang Hồi giáo Jammu và Kashmir chống Ấn Độ được Pakistan công khai hỗ trợ "về đạo lý và ngoại giao".

Năm 1998, cả Pakistan và Ấn Độ đều thử vũ khí nguyên tử.

Pakistan phóng thành công tên lửa tầm xa Ghauri, mang tên một chiến binh Hồi giáo từng chinh phục Ấn Độ vào thế kỷ 12.

Tháng 5/1999, lần đầu từ 30 năm, Ấn Độ oanh kích lực lượng do Pakistan yểm trợ tại vùng núi phía Bắc Kargil, nằm về bên do Ấn Độ kiểm soát.

Sau đó, trong nhiều tháng liền, Ấn Độ cho pháo kích hàng trăm nghìn lần vào các vị trí trong khu vực họ cho là 'quân khủng bố' kiểm soát, làm 50 nghìn dân ở hai bên đường giới tuyến phải sơ tán, trở thành người tỵ nạn.

Cuối 1999, tướng Pervez Musharraf làm đảo chính, lên nắm quyền ở Pakistan.

Năm 2002: căng thẳng lại lên cao. Ấn Độ thử hỏa tiễn Agni có khả năng mang đầu đạn nguyên tử. Musharraf tuyên bố đáp trả toàn diện mọi tấn công của Ấn Độ nếu xảy ra.

Năm 2010-17: phong trào đòi độc lập cho Kashmir lên cao. Các vụ tấn công vào quân đội Ấn Độ cũng xảy ra rải rác.

Năm 2015: lần đầu thủ tướng Narendra Modi sang thăm Lahore, chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Ấn Độ sang Pakistan trong một thập niên.

Năm 2016: tình hình lại xấu đi với vụ tấn công của du kích Hồi giáo vào quân đội Ấn Độ, làm chết 18 quân nhân Ấn ở Uri.

Xung đột Ấn Độ - Pakistan cũng chịu ảnh hưởng của địa chính trị khu vực.

Năm nay, 2019, sau vụ đánh bom tại Pulwama, Ấn Độ muốn đưa tên ông Masood Azhar, lãnh đạo nhóm Jaish-e-Mohammed, vào danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc.

Tin mới nhất cho hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước đồng minh của Pakistan, không ủng hộ điều đó.

Pakistan từng nhượng cho Trung Quốc một phần Kashmir và nay nhận nhiều tiền đầu tư vào Hành lang Kinh tế khổng lồ nối vùng phía Bắc nước họ với Biển Ả Rập.

Ấn Độ phản đối Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Nam Á.

Những năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc có đối đầu nhỏ tại vùng núi cao.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn