Ấn Độ đẩy chuyện Kashmir đến chỗ không thể vãn hồi?

Thứ Sáu, 23 Tháng Tám 20193:00 SA(Xem: 5414)
Ấn Độ đẩy chuyện Kashmir đến chỗ không thể vãn hồi?
bbc.com

Ấn Độ đẩy chuyện Kashmir đến chỗ không thể vãn hồi?


Kashmiri women shout slogans during a protest after the scrapping of the special constitutional status for Kashmir by the Indian government, in Srinagar, August 11, 2019 Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Đã có các cuộc biểu tình phản đối việc tước bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir

Vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý từ tuần trước đã bị đặt trong tình trạng kiểm soát chưa từng thấy, sau khi Ấn Độ hủy bỏ Điều 370, quy định về quy chế đặc biệt dành cho Kashmir, của Hiến pháp nước này.

Sumantra Bose, giáo sư chính trị quốc tế và chính trị đối sánh tại Trường London School of Economics (LSE), giải thích lý do vì sao quyết định này làm bùng lên những phản đối, thách thức.


Từ cuối tháng Mười trở đi, Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của Ấn Độ nữa.

Tuần trước, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua với đa số phiếu tán thành quyết định của chính quyền liên bang, theo đó chia bang này thành hai vùng lãnh thổ liên hiệp - Jammu và Kashmir, và Ladakh.

Các vùng lãnh thổ liên hiệp được chính quyền liên bang trao cho ít quyền tự trị hơn so với các bang, và phải chịu sự cai trị trực tiếp từ Delhi.

Gần 98% dân số nơi này sẽ sống ở vùng lãnh thổ liên hiệp Jammu và Kashmir, gồm hai vùng là thung lũng Kashmir có đa số là người Hồi giáo, nơi có khoảng tám triệu người, và vùng Jammu có đa số dân là người theo Ấn giáo, khoảng sáu triệu người.

Vùng thứ ba, vùng lãnh thổ liên hiệp vừa được thành lập, Ladakh, là một sa mạc trên cao, nơi rất thưa dân, chỉ có khoảng 300 ngàn người, gồm cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo với số lượng gần như tương đương nhau.

Các sự kiện tuần trước đáp ứng được đòi hỏi của những người Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan vốn có từ hồi đầu thập niên 1950: xóa bỏ Điều 370.Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ấn giáo từ suốt bảy thập niên nay đã mạnh mẽ lên án Điều 370 và coi đó là "sự thỏa hiệp vô nguyên tắc" đối với bang duy nhất có đa số dân là người Hồi giáo tại Ấn Độ.

Các phương án chia nhỏ Jammu và Kashmir

Sự phản đối này cũng phù hợp với niềm tin về ý thức hệ của những người Hindu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan rằng Ấn Độ phải là một quốc gia thống nhất, trung ương tập quyền.

Việc "tái tổ chức" Jammu và Kashmir cũng phản ánh đường lối từ lâu nay của họ.Vào năm 2002, Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), tổ chức nòng cốt của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo, đòi bang này phải bị chia thành ba phần: một bang Jammu riêng rẽ với đa số dân Hindu; vùng thung lũng Kashmir với đa số dân là người Hồi giáo; và vùng Ladakh, cần được trao quy chế lãnh thổ liên hiệp.


Vishwa Hindu Parishad (VHP), một chi nhánh của RSS, thì kêu gọi phải chia bang này thành bốn phần: Jammu trở thành một bang riêng rẽ, còn vùng Ladakh trở thành vùng lãnh thổ liên hiệp.


Một vùng có diện tích tương đối đáng kể nằm trong thung lũng Kashmir cũng cần được trao quy chế vùng lãnh thổ liên hiệp. Đây là nơi chỉ có duy nhất cộng đồng người Bramin ở Kashmir (còn gọi là Pandit Kashmir) sinh sống. Cộng đồng Hindu thiểu số, ít dân này đã bị buộc phải ra đi sau khi có cuộc nổi dậy nổ ra tại thung lũng hồi 1990.

Phần còn lại của Thung lũng Kashmir, theo kế hoạch của VHP, sẽ được để lại cho cộng đồng Hồi giáo đa số.

Mang tính biểu tượng

Quyền tự trị hầu như đã bị tước bỏ hết bởi một loạt biện pháp hợp nhất mà chính phủ liên bang áp dụng lên bang này trong thời gian từ giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1960.

Sau thời kỳ giữa thập niên 1960, những phần còn lại trong Điều 370 chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng - một lá cờ của bang, một bản hiến pháp từ thời những năm 1950 không có ý nghĩa gì hơn một xấp giấy, và một bộ luật hình sự của bang còn sót lại từ thời nơi này còn là tiểu vương quốc Jammu và Kashmir, 1846-1947.

Điều 35A, với nội dung cấm người ngoài vào mua đất đai, bất động sản tại bang này và đảm bảo ưu tiên việc làm trong các cơ quan nhà nước cho người dân địa phương, sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung này không phải là điều chỉ áp dụng duy nhất cho Jammu và Kashmir.

Một số bang, trong đó có các bang miền bắc Himachal Pradesh, Uttarakhand và Punjab, cũng như một số bang ở vùng ngoại vi đông bắc Ấn Độ, cũng có chế độ bảo hộ tương tự đối với người dân địa phương.

Nguyên do thực sự của "chủ nghĩa ly khai" ở bang này, vốn đã bùng nổ thành cuộc nổi dậy hồi 1990, là việc hủy bỏ trên thực tế quyền tự trị của bang trong các thập niên 1950 và 1960, và cách mà bang này bị ảnh hưởng: chính quyền địa phương chỉ là một chính thể bù nhìn do Delhi thành lập và nơi này bị biến thành một bang với các luật định hà khắc.

Với việc tước bỏ khỏi Jammu và Kashmir quyền là một bang và chia cắt nơi này thành các phần khác nhau, một hành động chưa từng xảy ra kể từ khi Ấn Độ giành độc lập cho đến nay, chính quyền của đảng Bharatiya Janata Party (BJP) đã đi xa hơn nhiều so với trước.

Cấu trúc Liên bang Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở các bang (29 bang, và sắp tới sẽ chỉ còn là 28 bang), trong đó mỗi bang được hưởng quyền tự trị tương đối đối với Delhi.

Các vùng lãnh thổ liên hiệp của Ấn Độ - hiện có bảy, và sẽ thành có chín vùng kể từ 31/10 - hầu như không có vị thế, quyền lực gì mà các bang được hưởng.

Phân cực

Việc phân chia Jammu và Kashmir thêm nữa có thể xảy ra như phương án mà RSS và VHP ủng hộ hồi năm 2002. Điều đó có thể tạo nên sự phân cực giữa các cộng đồng dân theo đạo Hindu và đạo Hồi trong khu vực.

Người Hồi giáo Shia chiếm thế thượng phong ở quận Kargil, tây Ladakh cũng không hài lòng với việc họ bị đưa vào vùng lãnh thổ liên hiệp Ladakh mới.

Phản ứng của những người theo đạo Phật vốn nắm ưu thế ở Leh, quận ở khu vực đông Ladakh, cũng như trong cộng đồng những người Hindu Jammu, là đành chịu khuất phục, bởi họ bị mất quyền được trao theo Điều 35A.

Ông Modi đã hứa hẹn với người dân trong khu vực một tương lai phát triển và tiến bộ rất huy hoàng.

Ông cũng tuyên bố rằng các cuộc bầu cử sẽ sớm được tổ chức để hình thành cơ quan lập pháp cho vùng lãnh thổ liên hiệp Jammu và Kashmir (Ladakh trở thành một vùng lãnh thổ liên hiệp nhưng không có cơ quan lập pháp).

Bất kỳ cuộc bầu cử nào như vậy nhiều khả năng sẽ bị tẩy chay ở thung lũng Kashmir và bởi hầu hết người Hồi giáo Jammu, và tạo ra một chính quyền vô quyền năng do BJP lãnh đạo ở vùng lãnh thổ liên minh này.

Sáng kiến cực đoan về Jammu và Kashmir mà chính phủ đưa ra hoàn toàn đi chệch khỏi các chính sách độc tài, trung ương tập quyền mà nhiều chính phủ Ấn Độ trước đây đã từng theo đuổi ở hai khía cạnh quan trọng.

Trước hết là các chính phủ liên bang trước đây luôn dựa vào các thành phần trung gian: khách hàng từ giới tinh hoa chính trị của thung lũng Kashmir. Ông Modi và ông Shah đã giải tán các thành phần trung gian đó và chọn cách tiếp cận siêu trung dung.

Thứ hai, sự đàn áp của Delhi ở Jammu và Kashmir từ những năm 1950 trở đi luôn được biện minh bằng lập luận kỳ dị rằng việc duy trì Jammu và Kashmir có đa số dân là Hồi giáo làm một phần của Ấn Độ bằng mọi cách là điều cần thiết để làm hợp lệ tuyên bố của Ấn Độ rằng họ là "nhà nước thế tục".

Ông Modi và ông Shah, cả hai đều theo đuổi đường lối chủ nghĩa dân tộc Hindu cứng rắn, thì không cần tới các lý do đó.

Bước đi cực đoan

Trong cách tiếp cận mang tính cực đoan của mình, có lẽ họ đã làm những điều quá sức.

Nước cờ thí tốt ở Kashmir có thể giúp BJP đạt kết quả khả quan trong các cuộc bầu cử ở một số bang Ấn Độ vào tháng 10 tới đây, và nó có thể tạm thời làm lạc hướng chú ý ra khỏi nền kinh tế đang chững lại của Ấn Độ.

p05cbwjv

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Lịch sử phân chia Ấn Độ - Pakistan

Tuy nhiên, sự cực đoan của bước đi này có thể sẽ đẩy mạnh thêm tình trạng xung đột ở Kashmir theo cách thức mà hai ông sẽ thấy khó mà kiểm soát được trong tương lai.

Nhiều nền dân chủ cũng gặp vấn đề với việc có các vùng đòi ly khai dai dẳng: Scotland ở Vương quốc Anh, Quebec ở Canada, hay Catalonia ở Tây Ban Nha.

Những gì mà chính phủ BJP làm thì giống như những gì chế độ Milosevic của Serbia đã làm vào năm 1989, khi đơn phương hủy bỏ quyền tự trị của Kosovo và áp đặt một nhà nước cảnh sát đối với cộng đồng người Albania chiếm đa số ở Kosovo.

Nhưng cách tiếp cận của chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa BJP đối với Kashmir vượt xa những gì Milosevic định làm đối với người Albania ở Kosovo: đòi họ phải khuất phục.

Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Hindu dường như cuối cùng khao khát đồng hóa những người Hồi giáo nổi loạn ở Jammu và Kashmir biến họ thành một dạng bản sắc dân tộc Ấn Độ. Cách tiếp cận này gần giống với chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Hindu biết rằng Ấn Độ không phải là một quốc gia độc đảng.

Tương lai quả là u ám.

Sumantra Bose là Giáo sư Chính trị Quốc tế và Đối sánh tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn