Fukuoka, nơi ươm mầm khởi nghiệp ở Nhật Bản

Thứ Ba, 20 Tháng Tám 20195:00 SA(Xem: 6088)
Fukuoka, nơi ươm mầm khởi nghiệp ở Nhật Bản
bbc.com

Fukuoka, nơi ươm mầm khởi nghiệp ở Nhật Bản

Edd Gent BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nằm kẹp giữa các dãy núi và biển ở góc cực tây của nước Nhật, Fukuoka là một thành phố đang cố gắng định hình lại mình.

Ở một thành phố từ lâu đã bị các đại tập đoàn và sức hút không thể cưỡng lại của Tokyo chi phối, đô thị phát triển nhanh chóng nhất của Nhật này muốn trở thành câu trả lời của Nhật Bản đối với Thung lũng Silicon.

Tâm huyết của thị trưởng

Bất chấp danh tiếng của Nhật về những phép màu công nghệ cao, bức tranh khởi nghiệp ở Nhật vẫn còi cọc một cách đáng kinh ngạc.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này chỉ có duy nhất một 'con kỳ lân', tức công ty tư nhân có giá trị trên 1 tỷ đô la Mỹ - so với con số 127 của Mỹ và 78 của Trung Quốc.

Vị thị trưởng trẻ đầy sức cuốn hút của Fukuoka quyết tâm thay đổi điều đó và ông tin rằng thành phố của ông có đủ các yếu tố để lặp lại thành công của các đầu mối sáng tạo ở Bờ Tây nước Mỹ.

Hồi năm 2011, ông tuyên bố Fukuoka sẽ trở thành thành phố khởi nghiệp của Nhật, và kể từ đó thành phố này đã leo lên vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng sáng tạo của các doanh nghiệp.

Liệu thành phố này có thể thật sự thách thức thủ đô Tokyo hay không là điều vẫn còn phải chờ xem, do ngân quỹ và các nhân tài vẫn đang tiếp tục tập trung đổ về Tokyo.

Tuy nhiên, các lãnh đạo thành phố đã có sự vận động thuyết phục.

Một cộng đồng khởi nghiệp gắn kết chặt chẽ, một lực lượng lao động trẻ và một thành phố có giá cả sinh hoạt vừa phải vốn hứa hẹn mục tiêu có sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc - mục tiêu khó đạt được - điều mà họ hy vọng sẽ có sức lôi cuốn đối với một thế hệ mới các doanh nhân háo hức muốn tránh cuộc sống bon chen ở Tokyo.

Không lâu sau khi đắc cử trở thành thị trưởng trẻ nhất thành phố từ trước tới này vào năm 2010, Sōichirō Takashima, 44 tuổi, vốn từng là người dẫn chương trình truyền hình, đã đi thăm Seattle và bị ấn tượng trước những điểm tương đồng với thành phố quê nhà của ông.


Cả hai đều là thành phố ven biển dồn vào một chỗ, thiên nhiên bao quanh với cơ sở hạ tầng giao thông rất phát triển và nguồn nhân lực dồi dào, ông nói.

Ở Seattle, những yếu tố đó đã hỗ trợ cho những tập đoàn khổng lồ như Amazon và Microsoft vào, tạo thành hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh.

Takashima tin rằng Fukuoka có thể lặp lại thành công đó và giúp đưa nền kinh tế Nhật Bản ra khỏi lối mòn mà họ đã đi từ đầu những năm 1990.

"Sự hiện diện của các công ty khởi nghiệp vốn có những sáng tạo mới và tạo ra giá trị mới là cần thiết để phá vỡ thế trì trệ kinh tế," ông nói. "Với ý nghĩ đó, tôi xác định hỗ trợ cho khởi nghiệp là chiến lược tăng trưởng của thành phố chúng tôi."

Vườn ươm khởi nghiệp

Kể từ đó ông rất bận rộn.

Vào năm 2014, chính phủ trung ương chấp thuận yêu cầu của ông xếp thành phố này là 'đặc khu chiến lược quốc gia' dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Điều này cho phép thành phố cắt giảm thuế doanh nghiệp cho những công ty mới ra đời và phát hành loại thị thực mới cho các doanh nhân nước ngoài.

Nó cũng cho phép họ nới lỏng những quy định về quy hoạch để họ có thể tái phát triển khu vực trung tâm thành phố và các quy định không dây để tạo ra quy trình cấp phép nhanh hơn và đơn giản hơn cho những thí nghiệm và công nghệ sử dụng trong các đồ vật Internet (Internet of Things - IoT) vốn cài đặt các cảm ứng, phần cứng truyền thông và tính toán trong những đồ vật chúng ta sử dụng hàng ngày.

Takashima cũng quyết liệt quảng bá cho thành phố của ông ở trong và ngoài nước. Ông dẫn đầu các phái đoàn doanh nghiệp và ký các thỏa thuận hợp tác với những đầu mối khởi nghiệp như San Francisco, Đài Bắc và Helsinki, qua đó hỗ trợ và giới thiệu cho các công ty khởi nghiệp của Fukuoka đang muốn mở rộng ra nước ngoài và các công ty khởi nghiệp nước ngoài muốn thâm nhập Nhật Bản.

Quay trở lại Fukuoka, chính quyền đã sửa sang lại một ngôi trường cũ ở khu trung tâm thương mại Tenjin để tạo ra khu vực văn phòng được đặt tên là Fukuoka Growth Next (FGN), đầu mối một cửa cho những doanh nhân chớm nở.

FNG được khai trương vào năm 2017. "Nói một cách đơn giản, sứ mạng của chúng tôi là nuôi dưỡng những kỳ lân tương lai," ông Yasunari Tanaka, tổng giám đốc ban thư ký của FGN, nói.

Những tiện ích ở đây bao gồm diện tích văn phòng được giảm giá thuê, phòng thí nghiệm nguyên mẫu, quán khởi nghiệp nơi các nhà tư vấn cung cấp những lời khuyên miễn phí về kinh doanh, pháp luật và kiểm toán, và Trung tâm Khởi nghiệp Toàn cầu để giúp đỡ những nhà sáng lập ngoại quốc thiết lập trụ sở ở Fukuoka, hay những doanh nhân tại chỗ muốn mở rộng ra nước ngoài.

Ngoài ra cũng có một quán rượu để tạo thuận lợi cho quá trình kết giao và lịch trình thường xuyên các cuộc trò chuyện, các hội thảo và các sự kiện kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với khách hàng và nhà đầu tư.

Mặc dù kỳ lân đầu tiên của thành phố có lẽ còn ở đâu đó trong tương lai, nhưng đã có những tiến bộ đáng khích lệ.


Mục tiêu ban đầu của FGN là các công ty thuê chỗ ở đây tính đến 9/2018 sẽ huy động được 500 triệu yen (3,37 triệu bảng Anh). Thế nhưng họ đã vượt xa mục tiêu đó và huy động được 7,1 tỷ yen (khoảng 50 triệu bảng Anh).

Fukuoka cũng có tỷ lệ tạo ra doanh nghiệp mới, tức là tỷ lệ phần trăm các công ty mới đăng ký trong năm, cao nhất ở Nhật ở mức 7%, cao hơn nhiều so với mức 4% của Tokyo.

Nhiều thế mạnh

Thành phố này có một số điểm mạnh cơ bản làm lợi thế. Dân số già đi của Nhật và lực lượng lao động thu nhỏ lại đang khiến cho các chính trị gia và kinh tế gia mất ăn mất ngủ, nhưng Fukuoka là thành phố phát triển nhanh nhất nước và có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất.

Tiền thuê văn phòng chỉ vào khoảng 60% mức của Tokyo và thành phố này gần Seoul và Thượng Hải hơn Tokyo, khiến nó được xem là 'cửa ngõ vào châu Á' của Nhật Bản.

Sự kết hợp đó chính là điều đã khiến ông Yasuhiro Ide, cư dân Fukuoka, chuyển tổng hành dinh công ty dịch vụ thương mại trực tuyến New World của ông trở lại quê nhà.

Trước đó, hồi 2015 ông đã chuyển đến Tokyo để tìm cơ hội kinh doanh, nhưng năm ngoái ông quyết định rằng mục tiêu mở rộng vào Trung Quốc của ông sẽ dễ dàng hơn nếu ông đi từ Fukuoka.

"Ở Fukuoka sẽ dễ dàng tuyển dụng được kỹ sư và thiết kế viên với chi phí thấp và chi phí văn phòng cũng thấp hơn," ông nói. "Và nếu tôi muốn đi đến Trung Quốc thì tôi chỉ mất hai giờ bay. Nếu đi từ Tokyo sẽ là bốn giờ."

Tính chất gói gọn của thành phố cũng có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp vừa gắn kết chặt chẽ vừa đa dạng, ông Hashimoto Masanori, CEO của công ty phần mềm Nulab và là một doanh nhân kỳ cựu của không gian khởi nghiệp ở Fukuoka, nói.

Điều này khiến cho việc xây dựng công ty và xây dựng dễ dàng hơn nhiều. "Nếu tôi đi uống bia tôi sẽ đụng phải ai đó ở một công ty công nghệ thông tin có liên quan," ông nói. "Ở Tokyo, tôi đi đến những sự kiện cộng đồng và ở đó chỉ có lập trình viên, nhưng ở Fukuoka tôi đi đến những sự kiện tương tự và gặp được các lập trình viên, nhà thiết kế và nhà tiếp thị."

Một trụ cột chủ chốt khác trong đề án vận động của chính quyền là 'sự đáng sống' của thành phố.

Sân bay quốc tế chỉ cách trung tâm 15 phút đi bằng tàu điện và bạn có thể đi bộ hoặc đạp xe đi làm tương đối thuận tiện.

Bạn sẽ không bao giờ ở xa thiên nhiên với núi non hiện lên ở rìa thành phố và những bãi biển đẹp như tranh vẽ chỉ cách một khoảng lái xe ngắn.

"Fukuoka có không khí xuề xòa hơn," Tanaka nói. "Nếu bạn muốn tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thì Fukuoka là một thành phố rất hấp dẫn."

Thị thực khởi nghiệp

Đó chính là điều thu hút các doanh nhân Pháp như Yasmine Djoudi và Thomas Pouplin đến lập nghiệp ở nơi này.

Lúc đầu, họ đến Fukuoka theo chương trình trao đổi sinh viên và khi họ quyết định mở dự án khởi nghiệp Ikkai, nền tảng trực tuyến cho sinh viên tìm công việc ngắn hạn, họ đã lựa chọn ở lại Fukuoka thay vì chuyển đến Tokyo.

"Cuộc sống ở đây thật sự dễ chịu," Djoudi cho biết và nói thêm rằng chi phí thấp cũng là một lợi thế lớn khi khởi nghiệp.

"Chúng tôi không hề hối tiếc, bởi vì chúng tôi đã nhận ra rằng tỷ lệ đốt tiền để khởi nghiệp thấp hơn nhiều. Chúng tôi có thể đã không thể làm được một nửa những gì làm được ở Fukuoka nếu chúng tôi chuyển đến Tokyo."

Hai người đàn ông Pháp này là những người đầu tiên được cấp thị thực khởi nghiệp ở Fukuoka và họ đã giúp định hình quá trình xin thị thực.

Pouplin thừa nhận rằng hàng rào ngôn ngữ và những quy định cứng nhắc vẫn khiến nước Nhật là một nơi khó nhằn đối với người nước ngoài nhưng anh nói rằng Fukuoka đã đi trước xu thế trong việc khiến cho mọi thứ dễ dàng hơn đối với các doanh nhân khởi nghiệp nước ngoài.

Chiến dịch định hình lại thành phố đã tạo ra được sự quan tâm đáng kể trong cả báo chí trong nước và nước ngoài, nhưng cho dù báo chí có đưa tin tích cực đi nữa thì hai yếu tố then chốt vẫn còn bị thiếu hụt - nhân tài và nguồn vốn.

Nguồn vốn khởi nghiệp ở Fukuoka bị hạn chế, Pouplin nói, do đó khi các dự án khởi nghiệp phát triển, nhìn chung họ phải tìm đến thủ đô để có vốn đầu tư và khách hàng.

"Fukuoka là nơi tuyệt vời để khởi đầu, nhưng không phải là nơi phù hợp để phát triển," anh nói.

Thiếu vốn và nhân tài

Một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất từ 'lò' của FGN là Skydisc. Công ty này sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp khách hàng tăng cường năng suất làm việc tại nhà máy và đã được tờ nhật báo tài chính The Nikkei gọi là 'kỳ lân tương lai'.

Ông Yoshihiko Suenaga, quản lý chiến lược hải ngoại của hãng, đưa ra một tràng những lời khen cho cách làm của chính quyền và nói rằng thời gian họ hoạt động ở FGN đã mở ra rất nhiều cánh cửa.

"Họ cho chúng tôi thuê với giá rẻ và trao cho chúng tôi rất nhiều cơ hội," ông nói. "Chúng tôi thật sự gặp một trong những đối tác của mình cũng như một trong bốn khách hàng lớn tại một sự kiện kết nối ở đó."

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng họ ở lại Fukuoka chỉ là vì đó là quê hương nhà sáng lập. Hoạt động của họ giờ đây được tách ra giữa văn phòng Fukuoka và văn phòng Tokyo vốn mở cửa ba năm trước bởi vì trụ sở của đa số các khách hàng của họ đặt ở thủ đô.

Nhân tài cũng là động lực rất lớn - mặc dù vẫn có thể tìm thấy những nhà phát triển có năng lực ở Fukuoka, nhưng năng lực kỹ thuật tiên tiến vẫn tập trung ở thủ đô Tokyo nhiều hơn. "Các kỹ sư tập trung vào trí tuệ nhân tạo tương đối khó tìm ở những nơi ngoài Tokyo," ông giải thích.

Trong nỗ lực chiêu dụ những tài năng trong lĩnh vực này đến với thành phố, chính quyền mới đây đã tuyên bố đây là 'thành phố thân thiện với kỹ sư' và sau đó tổ chức các sự kiện tuyển dụng ở Tokyo.

Nhưng ngay cả những người kỹ sư tài ba nhất của Fukuoka khó mà cưỡng nổi sức hút của thủ đô, ông Suenaga, người dành 15 năm ở Tokyo, nói. Ông đến từ thành phố Kitakyushu kế cận và chỉ quay về vì lý do gia đình. "Sau khi tốt nghiệp anh sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài đi đến Tokyo," ông cho biết. "Đó là tâm lý phổ biến."

Điều đó không có nghĩa là cảm nhận về Fukuoka ở Tokyo không có gì thay đổi. Ông Shun Nagao, người điều hành văn phòng Tokyo của công ty vốn đầu tư toàn cầu White Star Capital, nói rằng trong hai năm vừa qua mọi người đã nói rất nhiều về thành phố chủ yếu là nhờ vào những nỗ lực của thị trưởng.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Fukuoka vẫn được xem là một hệ sinh thái tương đối chưa đủ chín muồi.

Không tự thỏa mãn

"Tôi không nghĩ rằng mọi người hiểu được Fukuoka vượt bậc ở điểm nào," ông phân tích.

Ông cho rằng thành phố này cần phải làm tốt hơn việc tạo thương hiệu. Ông chỉ ra trường hợp Kyoto đã xây dựng được danh tiếng là vùng đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp phần mềm bằng cách tạo dựng được một hệ sinh thái xung quanh Đại học Kyoto đẳng cấp thế giới và những tập đoàn điện tử lớn của thành phố như Kyocera, Omron và Rohm.

Một thuận lợi lớn của Fukuoka, Nagao nói, là sự gần gũi với châu Á, vốn có thể giúp nơi này thu hút nhân tài từ nước ngoài.

Tuy nhiên, trong vấn đề thu hút thêm nguồn vốn, ông cho rằng cần có những câu chuyện thành công rõ ràng hay giá trị vốn hóa lớn trước khi các nhà đầu tư cam kết những nguồn lực nghiêm túc cho thành phố.

Đó là điều mà giới chức ở Fukuoka đã nhận ra, nhưng họ cũng nhận thức được rằng đặt nền tảng cho thành công như thế cần thời gian. Mục tiêu hiện tại của họ là tạo ra 100 doanh nghiệp khởi nghiệp có trị giá mỗi công ty 1 tỷ yen trong vòng năm năm tới, ông Naokatsu Matono, giám đốc phòng khởi nghiệp của thành phố, nói.

"Để tạo ra một kỳ lân, chúng tôi tin rằng trước hết chúng tôi cần nhiều công ty khởi nghiệp," ông nói thêm. "Trong tương lai, mục tiêu của chúng tôi là giúp cho một trong số 100 công ty này trở thành kỳ lân."

Và thành phố cũng không ngủ quên trên hào quang. FGN đã đóng cửa để sửa sang lại vào cuối tháng Ba và khi nó mở cửa trở lại với ban quản lý mới vào tháng Năm, nó sẽ kết hợp với cơ quan thúc đẩy khởi nghiệp nổi tiếng để hướng dẫn và giúp cấp vốn cho một loạt dự án khởi nghiệp mới.

Xây dựng hệ sinh thái gồm các tài năng, chuyên môn và nguồn vốn cần thiết để hỗ trợ cho kiểu 'phòng thí nghiệm sống' mà vị thị trưởng đã nói đến trước đó là ông muốn đó là đích đến cho Fukuoka sẽ mất thời gian.

Tuy nhiên, sự kết hợp độc đáo của năng lượng doanh nghiệp, chất lượng cuộc sống và chính quyền hết lòng hỗ trợ khiến thành phố này trở thành một nơi tốt như bất cứ nơi đâu cho những ai muốn xây dựng một tương lai đáng sống.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn