Chuyện trạng Bùng đưa hạt giống cây ngô về Việt Nam

Thứ Năm, 01 Tháng Tám 20197:00 SA(Xem: 3867)
Chuyện trạng Bùng đưa hạt giống cây ngô về Việt Nam

Cây ngô đã trở thành ngũ cốc quen thuộc của người dân đất Việt, nhưng để đưa được giống ngô về Việt Nam là cả một câu chuyện ly kỳ. Trong dân gian có truyền thuyết rằng trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là người đầu tiên đưa giống ngô từ Trung Hoa về Việt Nam khi ông đi sứ nhà Minh vào năm 1597.

ADVERTISEMENT

Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạnh Thất, tỉnh Hà Tây. Ông chính là người em cùng mẹ khác cha với người anh là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phùng Khắc Khoan là người học rộng tài cao, thông hiểu khoa thuật số, lại sống giữa thời loạn lạc nên rất chăm lo cứu dân giúp nước, dân gian vẫn gọi ông là Trạng Bùng vì ông sinh ở làng Bùng.

Chuyện trạng Bùng đưa hạt giống cây ngô từ Trung Quốc về Việt Nam

Ly kỳ chuyện đưa hạt giống về Việt Nam

Năm 1597, khi đã gần 70 tuổi, Phùng Khắc Khoan vẫn được tin tưởng cử đi sứ nhà Minh để xin cầu phong cho vua Lê Thế Tông. Trên đường đi sứ, ông luôn tìm hiểu cách làm ăn của người dân ở mỗi địa phương đi qua, nhằm giúp cho dân mình khi trở về nước.

Dạo ấy, vào cuối tháng Ba, trên các sườn đồi, sườn núi bạt ngàn, chỗ nào ông cũng thấy trồng một thứ cây xanh ngắt một màu. Trạng Bùng không biết đó là cây gì, lấy làm lạ lắm, bèn lân la dò hỏi. Mãi sau ông mới biết đó là “ngọc mễ” (tức gạo ngọc), thứ ngũ cốc hạt to gấp mấy lần hạt gạo, ăn thay gạo rất bùi. Ông nghĩ bụng, người dân ở đây có tới hàng vạn, hàng triệu người sống bằng thứ “gạo ngọc” quý giá này, vậy phải tìm cách đưa về nước trồng.

Đến kinh thành, nhà Minh có ý khinh thường không tiếp, phái đoán của ông phải nằm trực ở ngoài dịch xá. Phùng Khắc Khoan liền làm 36 bài thơ chúc thọ rồi nhờ quan Tể Tướng tiến dẫn. Đọc thơ, vua Minh Thần Tông hết lời ca ngợi, biết đây là nhân tài hiếm có nên mới mời ông vào gặp mặt.

Nhờ tài năng đối đáp cùng học vấn uyên bác của Phùng Khắc Khoan mà vua nhà Minh mới nhân nhượng nhiều điều. Lúc sắp về, nhà Vua thết đãi ông một bữa yến sào, Phùng Khắc Khoan nói: “Thưa Đức Vua, bấy lâu nay tôi ăn ‘ngọc mễ’ đã quen dạ, xin phép được ăn thay yến”.

Vua Minh sai người đưa hầu ông mọt bát “ngọc mễ” bung. Mọi người ăn tiệc yến vui vẻ, riêng ông vẫn ăn “ngọc mễ” bung ngon lành. Ông còn xin vua Minh cho đem theo “ngọc mễ” để ăn dọc đường. Vua Minh bằng lòng.

Trên đường về, mỗi ngày Phùng Khắc Khoan ăn một bữa, nhịn một bữa, dành dụm để đem về làm giống. Nhưng về đến cửa ải Nam Quan, bỗng phía trước có một tốp lính nai nịt gọn gàng, phóng ngựa tới.

Sứ giả nhà Minh lễ phép nói: “Thưa tiên sinh! Lệnh nhà vua không cho đem hạt ‘ngọc mễ’ nào ra khỏi biên giới. Đây là pháp lệnh, xin tiên sinh hiểu cho.”

Phùng Khắc Khoan lúc này bàng hoàng cả người, không biết phải làm sao. Ông vốn muốn đưa giống “ngọc mễ” này về giúp người dân. Giả như lúc còn ở kinh thành mà Phùng Khắc Khoan biết được lệnh cấm này, thì ông còn có thể dùng tài năng của mình mà thuyết phục nhà vua cho đem hạt giống về nước. Thế nhưng đã gần đến biên giới rồi, không lẽ bây giờ lại phải quay ngược trở lại kinh thành hỏi xin vua Minh.

Không còn cách nào khác, ông đành bốc lấy một nắm bỏ vàọ túi áo, còn bao nhiêu dỡ cả xuống đường, trước mặt sứ giả, rồi đánh xe đi. Đến quãng đường vắng, ông ra lệnh cho tất cả mọi người dừng lại và nói: “Bên này có giống gạo quý, dễ trồng, thu hoạch cao, thế nào cũng phải đưa về một ít làm giống. Mỗi người phải mang về kì được hai hạt. Các ông lại đây nhận lấy!”

Để đảm bảo đưa được hạt giống về nước, ông còn nhấn mạnh: “Đây là quốc pháp, không ai được làm mất. Ai không làm tròn bổn phận, phải chịu tội nặng”. Mọi người loay hoay tìm cách giấu “ngọc mễ”.

Đến cửa ải Nam Quan, lính tráng nhà Minh khám xét rất kỹ, nắn từ đầu đến chân, mở cả hành lý ra. Khi không tìm thấy gì, viên quan coi ải mới tỏ vẻ nhã nhặn: “Thưa tiên sinh! Xin thứ lỗi cho chúng tôi việc làm hồ đồ này. Vả lại đấy là lệnh vua”.

Đến lúc qua ải Nam Quan, khi cửa quan từ từ khép lại, mọi người mới thấy mình nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng. Họ hồ hởi đến nộp lại “ngọc mễ” cho ông. Riêng người lính đi tiền trạm vẻ mặt lo lắng, bần thần. Mọi người đã nộp xong mà anh ta vẫn đứng ì ra đó.

Ông bèn bảo: “Nộp đi!”

Anh lính lúng túng: “Thưa… thưa…”

Ông vội hỏi: “Thưa gì? Sao, làm mất rồi hả?”

Anh lính sợ hãi thanh minh: “Thưa… con đi trước, đến cửa Nam Quan bị khám kĩ quá. Hắn bóp má, nhòm lỗ mũi, vạch lỗ tai, con sợ quá nuốt mất!”

Mọi người cười ồ cả lên.

Thế là hạt “ngọc mễ” được đưa vào nước ta từ hồi ấy. Vì giống này lấy từ đất Ngô, nên Phùng Khắc Khoan gọi là “cây ngô”. Cũng chính trạng Bùng là người nhân giống cây ngô này cho người dân cả nước.

Mãi về sau này, năm 1723, một vị quan khác là ông Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong (Sơn Tây) khi đi sứ nhà Thanh cũng lấy được một ít hạt “ngọc mễ” mang về trồng.

Dạy dân trồng trọt, thủy lợi, truyền lại nghề thủ công

Ngoài công đưa “ngọc mễ” về nước ra, Phùng Khắc Khoan cũng rất chăm lo, dạy người dân cách trồng và chăm sóc các loại cây khác. Dân gian cho rằng một số bài thơ về nông nghiệp là của trạng Bùng, sau được người ta dịch lại thành thơ lục bát, ví như:

Trồng dưa chớ để mùa qua
Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê
Quanh vườn thả đậu sừng dê
Mướp trâu dưa chuột bốn bề leo dong

Ông cũng những câu thơ hướng dẫn người dân cách nhận biết những loại cây khó tìm:

Đỏ tươi chon chót bông dum
Lành đem ngăn ngắt màu um lá chàm

Phùng Khắc Khoan còn nhọc công sưu tầm được nhiều giống rau, hoa quả với lòng mơ ước:

Ngày nhiều vật lạ của tươi
Che chở nghìn đời, dân ấm dân no

Trong việc đi sứ, ngoài việc lấy được hạt giống ngô về, ông còn học được nghề dệt the, lượt. Khi đó, dù tuổi cao ông vẫn lưu tâm học hỏi về kỹ thuật. Đã nhiều lần ông đến xưởng dệt, tìm cách lưu lại để quan sát rồi kín đáo ghi chép công thức, phương pháp dệt. Về nước, ông truyền nghề này cho người dân làng Bùng, dệt ra thứ lượt bằng tơ đẹp nổi tiếng được gọi là “lượt Bùng”.

Chuyện trạng Bùng đưa hạt giống cây ngô từ Trung Quốc về Việt Nam
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Lê Quý Đôn có viết về “Trạng Bùng” trong Kiến văn tiểu lục như sau:

Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài bảy mươi, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh vua, mà còn làm mạnh mẽ được thể thống trong nước. Đến như ba mươi vần thơ dâng mừng khánh tiết và hơn mười vần thơ đáp lại chánh phó sứ nước Triều Tiên, tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp y như lúc còn trẻ tuổi. Như thế chẳng phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?

Phùng Khắc Khoan còn dạy dân về nông nghiệp, hướng dẫn làm công tác thủy lợi. Chính ông là người cho đào mương tiêu nước lưu cữu quanh núi Thầy, rồi đào mương dẫn nước từ núi Thầy về tưới cho cả vùng Bùng Xá, Đặng Xá, Hoàng Xá. Nhờ vậy, dân làm ruộng quanh năm không bị úng, không bị hạn. Năm 1613, ông lâm bệnh nặng con cháu đến bên giường. Ông mỉm cười và bảo đọc thơ. Một người cháu đã đọc bài “Bệnh trung thư hoài” mà ông đã viết năm 1548:

Bình sinh chính trực lại trung thành,
Nhật nguyệt nêu cao chí khí mình.
Hạt bút, bốn bề mưa gió động,
Thành thơ, khắp chốn quỷ thần kinh.

Sau khi ông mất, con cháu nghèo quá, nghèo đến mức phải đem bán cả bức tranh truyền thần vẽ chân dung ông! Lúc đem đi bán, có người xin mở ra xem. Xem tranh, người đó kinh ngạc thốt lên: “Hẳn là bức vẽ cụ cố của các ông ngày trước. Nếu muốn bán được giá thì nên tìm đến vị quan đang hiển đạt trong triều mà bán”.

Nghe theo lời, con cháu Phùng Khắc Khoan đến dinh thự của Thượng thư Nguyễn Quý Đức và bán được bộn tiền. Có một điều lạ là trước lúc xảy ra chuyện này, quan Thượng thư đã nằm mộng thấy trạng Bùng đến báo trước! Khi nhìn thấy tranh, Nguyễn Quý Đức khen ngợi mãi không thôi và cảm kích xin triều đình cấp thêm ruộng tự cho cháu Phùng Khắc Khoan để phụ vào việc thờ cúng hàng năm. Điều này cho thấy, dù sinh thời làm quan ngất ngưởng danh vọng, nhưng ông Tổ nghề dệt lượt đã sống rất trong sạch.

Trần Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn