Bahrain, nơi ổn định và thu nhập cao cho lao động nước ngoài

Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy 201911:00 CH(Xem: 3661)
Bahrain, nơi ổn định và thu nhập cao cho lao động nước ngoài
bbc.com

Xứ sở có thu nhập cao cho lao động nhập cư

Louise Redvers BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Alaa Nofal đã chuyển từ quê nhà của anh ở Jordan đến Bahrain vào lúc 25 tuổi để làm nhân viên kinh doanh cho một hãng cung cấp phần mềm.

Trong vòng ba năm, ông đã được thăng lên làm giám đốc kinh doanh. Giờ đây, ở tuổi 37, cử nhân ngành kỹ sư máy tính này đã là tổng giám đốc hoạt động toàn cầu của hãng 01 Systems vốn phục vụ những ngân hàng hàng đầu trên khắp Trung Đông và Ấn Độ.

'Có nhiều cơ hội'

"Có nhiều cơ hội tốt ở Bahrain cho những ai làm việc chăm chỉ," Nofal giải thích. Mặc dù có thể làm việc từ Jordan, nhưng ông nói rằng Bahrain là nơi tốt hơn để sống và làm việc, và 'người dân ở đây rất chuyên nghiệp và cởi mở'.

Vốn là một đất nước ít được biết đến ở Vùng Vịnh, quốc gia nhỏ xíu Bahrain - vốn có diện tích nhỏ hơn tiểu bang Florida của Mỹ 200 lần - có dân số chỉ khoảng 1,5 triệu người.

Vào những năm gần đây, nền kinh tế của vương quốc này đã trải qua giai đoạn khó khăn do giá dầu, sản phẩm xuất khẩu chính của họ, xuống thấp.

Ngoài ra còn có căng thẳng chính trị sâu sắc giữa dòng tộc cai trị theo Hồi giáo dòng Sunni với người dân vốn đa số là dòng Shia. Việc này đã dẫn tới những cuộc biểu tình đường phố bạo lực chống chính phủ hồi năm 2011, và ngay sau đó là sự đàn áp những nhóm đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền, và những lời chỉ trích mạnh mẽ liên tục từ các tổ chức nhân quyền.

Mặc dầu vậy, một khảo sát mới đây xếp Bahrain - thật ra là một quần đảo gồm hơn 30 hòn đảo - là nơi tốt thứ hai trên thế giới cho người ngoại quốc đến làm việc, xếp sau Đức nhưng đứng trước những trung tâm rất được kiều dân ưa chuộng nhưng Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Singapore và Hong Kong.

Nghiên cứu này, được HSBC Expat công bố hồi đầu tháng Giêng, đã phân tích ý kiến của trên 22.000 người làm việc toàn cầu về những tiêu chí như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, an ninh công việc, sự thăng tiến trong sự nghiệp, phúc lợi cho nhân viên và triển vọng kiếm tiền.

'Hòa nhập nhiều hơn'

Khi nói về Bahrain, gần 60% những người được hỏi nói rằng văn hóa làm việc ở đây tốt hơn là ở đất nước của họ. Vương quốc này cũng ghi điểm tốt về an ninh công việc, sự viên mãn cá nhân và cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.


Trong khảo sát chính của HSBC Expat có tên là Expat Explorer thường niên, được công bố hồi tháng 10/2018, trên tổng thể Bahrain được xem là nơi tốt thứ 5 cho người ngoại quốc sinh sống.

Cô Sadaf Karim chuyển đến Bahrain 13 năm trước cùng với chồng, người có công việc ở ngân hàng, và cô đi dạy bán thời gian. Khi cuộc hôn nhân của họ kết thúc, cô lựa chọn ở lại và nuôi dạy con gái ở Bahrain.

"Tôi ở lại bởi vì tôi có công việc tốt và tôi thích môi trường ở đây. Tôi đã thành công về phương diện lương bổng và thăng tiến trong sự nghiệp, và giờ đây tôi giữ vai trò đồng điều phối," cô Karim, người đến từ Pakistan và hiện đang dạy tiếng Anh và âm nhạc, cho biết. "Về kiến thức và kinh nghiệm thì tôi cũng học hỏi được rất nhiều ở đây."

Nofal nói rằng trong trải nghiệm của ông thì mọi người ở Bahrain cảm thấy an toàn trong công việc và trung thành với công ty của họ.

Trong công ty của mình, ông cho biết những người ra đi gần như toàn bộ là vì phải về nước chứ không phải là nhảy sang công ty khác hay xin vào một vị trí khác dành cho người ngoại quốc.

Ông cũng cảm thấy rằng Bahrain mang tính hòa nhập nhiều hơn các quốc gia Vùng Vịnh khác.

"Có rất nhiều quốc tịch cùng chung sống ở đây," ông nói. "Tuy nhiên anh được tưởng thưởng dựa vào thành tích chứ không phải quốc tịch. Mọi người ở đây rất chuyên nghiệp."

Tiền lương cao

Tiền lương được miễn thuế và còn được trả thêm cho chi phí nhà cửa, giáo dục và đi lại cũng là điều khích lệ những người có trình độ cao đến làm việc ở Bahrain.

Trên hai phần ba những người được khảo sát nêu việc có cơ hội kiếm tiền tốt và có thêm những khoản lợi tức trong gói tiền lương là một lợi ích khác nữa. Đồng dinar của Bahrain được gắn chặt với đồng đô la Mỹ vốn hiện tại đang vững mạnh và điều đó có nghĩa là đồng lương của họ có giá trị cao hơn.

"Tiền lương cao là một nhân tố quan trọng khiến người ngoại quốc chuyển đến Bahrain," ông Bahrain, người đứng đầu HSBC Expat, nói.

Nhưng ông cũng nói rằng sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc và cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo cũng là những nhân tố chủ chốt khiến cho nước này đạt điểm cao và nhảy lên 10 trong bản xếp hạng về sự nghiệp so với năm ngoái.

Ông Pierre De Vuyst, người Bỉ, đến Bahrain vào năm 1992 để tổ chức hoạt động cho công ty kỹ sư Nhật Yokogawa và hiện giờ là CEO phụ trách Trung Đông và châu Á của công ty, nói với BBC Capital: "Lương có thể không cao như ở những nơi như Dubai, nhưng chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều so với hầu hết phần còn lại của Vùng Vịnh và điều đó có nghĩa là đồng tiền đem lại cho bạn được nhiều thứ hơn."

Lực lượng lao động nước ngoài chiếm hơn 50% tổng số dân Bahrain.


Cũng giống như các quốc gia Vùng Vịnh khác, phần lớn những công nhân này đến từ Nam Á và Đông Nam Á làm những công việc tay chân như công nhân xây dựng và các công việc dịch vụ.

Họ chủ yếu được thuê mướn theo chương trình tài trợ gây tranh cãi Kafala vốn ràng buộc họ với công ty tài trợ sở tại. Công ty này phải đồng ý thì họ mới được cấp thị thực, giấy phép ra đi để chuyển tới công việc khác và đã có những lời chỉ trích về cách đối xử của họ.

Công nghiệp dầu khí

Trong những năm gần đây, Bahrain đã có những nỗ lực cải cách hệ thống này để cải thiện điều kiện và quyền của người lao động mặc dù tiếp tục có những lời chỉ trích về cách đối xử của họ.

Tiền lương có khác biệt rất lớn tùy vào ngành nghề và cấp bậc. Theo dữ liệu do tạp chí Gulf Business có trụ sở ở Dubai thu thập, mức lương tổng thể trung bình ở Bahrain vào năm 2018 là 7.867 đô la một tháng.

CEO của một tập đoàn đa quốc gia có thể được trả 33.000 đô la một tháng, luật sư 8.133 đô la và một giám đốc nhân sự có lương 7.438 đô la, nhưng một nhân viên tiếp tân chỉ được 1.699 đô la và người làm công và hầu phòng còn nhận được ít hơn nữa.

Lĩnh vực dầu khí thuê mướn nhiều lao động nước ngoài có trình độ. Quốc gia này chỉ có trữ lượng ít ỏi nhưng nhiều người chọn sống ở Bahrain nhưng làm việc ở bên kia biên giới ở các tỉnh phía đông giàu dầu mỏ của Ả-Rập Saudi và hàng ngày họ phải đi về trên xa lộ Vua Fahd dài 25km.

Ngoài ra Bahrain cũng có sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ và Anh, do vị trí của họ ở gần eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường hàng hải tấp nập nhất trên thế giới đi qua Iran.

Ngân hàng là khu vực kinh tế phi dầu hỏa hàng đầu của nước này, vốn lâu nay đứng đầu khu vực tài chính trong thế giới Hồi giáo, cung cấp những cơ sở đầu tư, bảo hiểm và tín dụng tuân theo luật Hồi giáo Sharia.

'Thung lũng Silicon của Trung Đông'

Mới đây, nằm trong một chiến dịch rộng lớn hơn để đa dạng hóa nền kinh tế để giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu mỏ, Hội đồng Phát triển Kinh tế Bahrain (EDB) đã quảng bá đất nước như là Thung lũng Silicon của Trung Đông với việc chính phủ tung ra những gói ưu đãi hào phóng và môi trường hỗ trợ cho những dự án khởi nghiệp về thương mại điện tử và công nghệ tài chính cũng như những dự án đầu tư tư nhân khác.

Ông Goddard của HSBC nói rằng chiến dịch đa dạng hóa nền kinh tế và sự tập trung vào sáng tạo đã giúp tạo ra những cơ hội mới thú vị cho những người ngoại quốc có trình độ tìm kiếm một bước nữa để leo lên trên nấc thang sự nghiệp.

Vào năm 2016, doanh nhân Ấn Độ Amjad Puliyali đã chọn Bahrain thay vì UAE, nơi ông đã làm việc 10 năm, để tung ra công ty khởi nghiệp giao hàng tạp hóa lưu động GetBaqala.

Puliyali, 35 tuổi, đến từ Kerala, nói rằng Bahrain là một nơi tốt cho các doanh nhân rèn giũa bởi vì đó là một thị trường nhỏ vốn dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn để hoạt động so với các quốc gia láng giềng trong khu vực, nhưng lại có một lợi thế tăng thêm là có kết nối đường sá để tiếp cận với các khách hàng ở ẢRập Saudi.

"Có rất nhiều cơ hội cho các doanh nhân thương mại điện tử và công nghệ tài chính ở Bahrain," ông nói và đề cập đến những gói ưu đãi hào phóng của chính phủ như trả một phần lương cho những công dân Bahrain làm việc cho các công ty công nghệ.

"Ngoài ra cũng có sự cân bằng cuộc sống và công việc tuyệt vời ở đây," ông nói thêm. "Bạn có thể sống gần nơi làm việc và không bị kẹt giữa dòng xe cộ giống như ở những nơi đông đúc hơn như Dubai do đó thời gian của bạn có thể có năng suất hơn rất nhiều."

Puliyali nói rằng mặc dù Bahrain nhỏ hơn các nước vùng vịnh khác, ông cảm thấy quốc gia này ổn định hơn so với những nơi thường được người ngoại quốc ưa chuộng như Dubai.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn