Chữ Quốc Ngữ Chống Hán Hoá - Trần Văn Tích

Thứ Ba, 16 Tháng Bảy 20196:00 SA(Xem: 4229)
Chữ Quốc Ngữ Chống Hán Hoá - Trần Văn Tích
chu-quoc-ngu-0a

Vì tập thể đồng bào tỵ nạn cộng sản tại quốc ngoại đồng lòng kiên quyết giữ vững tên gọi Ngày Quốc Hận nên kẻ cầm quyền cộng sản trong nước phải nặn ra cái gọi là Ngày Thống Nhất giả tạo. Vì chúng ta luôn luôn giương cao quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ nên cờ máu Việt cộng chỉ có thể treo chui rúc nơi một vài địa điểm xó xỉnh. Đó là chuyện ở hải ngoại.

Trong nước, quê hương chúng ta đang lâm nạn Hán hoá trầm trọng vì thái độ quì gối qui phục của bọn chóp bu ViXi nhưng chúng ta may mắn có một vũ khí rất lợi hại để chống lại thảm nạn Hán hoá. Đó là chữ viết quốc ngữ với bộ chữ cái la-tinh abc.

La mã hoá chữ khối vuông

Chữ Hán của người Tàu là loại chữ khối vuông. Nó được cấu thành bằng những nét ngang, nét sổ, nét mác, nét chấm. Ngang ngay sổ thẳng là nguyên tắc viết chữ Hán bằng bút lông. Nhưng khi giao tiếp với văn tự các quốc gia khác, nhất là văn tự các quốc gia Tây phương, nhu cầu chuyển chữ khối vuông sang chữ cái la-tinh trở nên bức thiết. Đó là mục đích chủ trương la-mã-hoá chữ Hán, tức là tìm cách viết chữ Hán với vần chữ cái abc. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản chút nào vì có rất nhiều cách thức la-mã-hoá chữ Hán; do đó chúng ta mới có những tên gọi khác nhau như Beijing, Peking, Pékin. Khi chuyển cách viết từ ngữ bằng một hệ thống chữ cái này thành cách viết bằng một hệ thống chữ cái khác theo qui tắc tương ứng giữa hai hệ thống chữ cái, hầu như luôn luôn phải đối phó với hiện tượng thiếu nhất quán. Khi đổi từ bộ chữ cái xy-ri-lic của Nga ngữ sang bộ chữ cái la-tinh chẳng hạn cũng xảy ra trường hợp tương tự, bởi vậy tên của lãnh tụ Nga hiện thời thường có nhiều cách viết khác nhau, Putin, Putine, Poutin.

Nhiều chuyên gia Hán học uyên bác đã tham gia vào quá trình phiên âm la-tinh các từ ngữ Trung văn nhưng hầu như mỗi tác giả, mỗi nhà xuất bản lại sử dụng một lối chuyển tự riêng. P. Huard và M. Wong dùng lối của Trường Viễn đông Bác cổ Hà nội thời Pháp thuộc. Bên cạnh đó còn có các hệ thống Wade-Giles, hệ thống The Couvreur Romanization, hệ thống Karlgren‘s Mandarin Phonetic Reader. Các tác gia Hán tộc hiện đại sử dụng hệ thống chuyển tả đã được Quốc vụ viện Trung Hoa (tức Quốc hội Trung cộng) chính thức chấp thuận trong phiên họp khoáng đại ngày 11.02.1958. Tuy nhiên trong thực tế, công việc la-mã-hoá Hán tự chỉ có tính cách hàn lâm lý thuyết mà không thể áp dụng được vào thực tế. Chữ ai trong từ điển Từ Hải chẳng hạn tương đương với các từ ai, ái, ải, ngai, ngài, ngải.

Đặc tính và vai trò kinh điển của chữ quốc ngữ

 

Gia Định Báo (1865-1897)

Nhiều tác giả đã bàn về chữ quốc ngữ và chúng tôi xin chép lại vài nhận xét về đặc tính quí hoá của chữ quốc ngữ cũng như về vai trò tích cực của nó đối với nền văn hoá dân tộc.

Dương Quảng Hàm viết trong Việt-Nam Văn-học Sử-yếu: “Các giáo-sĩ người Âu đặt ra chữ quốc-ngữ, chủ-ý là có được một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng trong việc truyền-giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vì tình thế lịch sử xui nên, thứ chữ ấy nay thành thứ văn-tự phổ-thông của cả dân-tộc Việt-Nam ta. (…) ta nên nhận rằng ở trên hoàn-cầu này, không có thứ chữ nào tiện-lợi và dễ học dễ biết bằng thứ chữ ấy.“

Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên cho rằng: “Lại bước vào một thời mà sách vở báo chí nẩy nở, nó đem lại bao nhiêu tiện lợi về phương diện ấn loát và truyền bá. Ngoài ra, bước vào một thời mà tây phương hùng cứ thế giới với học thuật của họ, thứ chữ viết là la tinh ấy, mặc dầu ra đời chậm song cũng là trong một họ a, b, c, chính là một chiếc cầu tiện lợi bắc sang tây phương để cho người mình chuyên chở thâu thái những kiến thức học vấn tây phương, qua những phương cách dịch thuật, phiên âm, đồng hoá. Thử tưởng tượng nếu chúng ta chỉ có chữ Nôm thì con đường “học tây“ của chúng ta trong giai đoạn vừa qua rắc rối khó khăn thêm nhường nào.“

Lê Ngọc Trụ trong Việt Nam Khảo cổ Tập san, trình bày vào một dịp diễn thuyết trước công chúng: “Nhưng trong cái rủi có cái may, Chữ Quốc Ngữ nhờ đó được phổ biến sâu rộng và sự truyền bá tư tưởng tân tiến, mở mang dân trí về sau được xúc tiến mau lẹ.“

Trần Bích San trong Văn học Việt Nam nhìn chữ quốc ngữ như một vũ khí: “Tuy Pháp có lợi dụng Chữ Quốc Ngữ để củng cố chế độ bảo hộ ở Việt Nam, nhưng nhờ các nhà báo, văn gia, Chữ Quốc Ngữ rút cục trở thành lợi khí khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc chống lại sự đô hộ của người Pháp.“

Tính chất chính trị thời sự của chữ quốc ngữ

Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, viết bằng chữ Khoa Đẩu

Trong nước, ách đô hộ của Tàu cộng càng ngày càng lộ liễu. Những đặc khu kinh tế, những nhượng địa rộng rãi, những vùng cho người Tàu thuê mướn xây cất nhà cửa cứ càng ngày càng lan rộng. Người Tàu sang Việt Nam không cần giấy tờ nhập khẩu. Đồng nguyên trở thành tiền tệ lưu hành hợp pháp ở một số tỉnh miền cực Bắc.

Tuy nhiên khắp lãnh thổ quê hương, chữ quốc ngữ vẫn còn lưu hành phổ biến, không bị chữ Hán trấn áp đánh bạt. Học sinh từ lớp mẫu giáo trở đi vẫn học tiếng Việt và Việt ngữ vẫn là chuyển ngữ chính thức ở bậc đại học. Các văn kiện hành chánh vẫn được phổ biến bằng Việt ngữ. Báo chí, sách vở phổ thông dành cho đại chúng vẫn được ấn loát bằng vần chữ cái abc.

Vô hình trung, chữ quốc ngữ là một vũ khí chống Hán hoá hữu hiệu và triệt để. Chừng nào người Việt Nam còn viết tiếng Việt theo mẫu tự la-tinh, chừng đó hiện tượng Hán hoá còn bị ngăn chận thành công.

Lẻ tẻ có một vài đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ bị nghi ngờ là góp phần Hán hoá văn hoá Việt Nam, ví dụ chương trình viết chữ Việt mới theo kiểu Bùi Hiển. Tuy nhiên ngay cả những cải cách thuộc loại Bùi Hiển vẫn không thể nào áp đảo được cung cách viết chữ quốc ngữ hiện đang được vận dụng phổ biến.

Chừng nào dân tộc Việt Nam còn sử dụng bộ chữ cái la tinh, chừng đó người Việt vẫn còn bảo tồn được văn hoá Việt vì rõ ràng chúng ta là một cộng đồng thiện dụng bộ chữ cái la-tinh, khác hẳn, khác hoàn toàn với bọn người phương bắc chỉ biết viết bằng chữ khối vuông. Văn hoá Việt chỉ bị Hán hoá một khi đồng bào trong nước bị chế độ bán nước bắt phải quay sang đồng loạt sử dụng chữ khối vuông và đó là điều không thể tưởng tượng được là có thể xảy ra.

Dương Quảng Hàm chắc không bao giờ ngờ được rằng chữ quốc ngữ lại mang một vai trò độc đáo như là một vũ khí chiến lược vạn năng bảo vệ văn hoá dân tộc trước đại hoạ đồng hoá của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

BS. Trần Văn Tích

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn