Gulag- Lịch sử trại cải tạo lao động Xôviết

Thứ Sáu, 19 Tháng Bảy 20195:00 SA(Xem: 6804)
Gulag- Lịch sử trại cải tạo lao động Xôviết
gulag

Kính tặng hương hồn ông ngoại tôi, Lê Nguyên Chí, và em trai tôi, Lý Quốc Bảo

Tác giả Anne Applebaum

Giải Pulitzer 2004

Người dịch Lý Quốc Bảo

Về tác giả

Anne Applebaum sinh ngày 25/7/1964. Học Lịch sử và Văn học Nga tại Đại học Yale, học Khoa quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London và College St. Antony, Oxford. Bà từng là writer cho tạp chí Economist, làm biên tập (editor) mục nước ngoài cho tạp chí Spectator và làm columnist cho tờ Evening Standard và tờ Sunday Telegragh. Là columnist và thành viên của ban biên tập của tờ Washington Post từ 2002-2006. Lập gia đình với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski.

Lời cảm ơn
Có lẽ không một cuốn sách nào chỉ là công sức làm việc của một cá nhân, và cuốn sách này thực sự không thể viết ra nếu không có những đóng góp về kinh nghiệm, kiến thức, tư duy triết học và lao động của rất rất nhiều người, một số trong đó là những bạn thân nhất của tôi, và có một số tôi chưa hề được gặp mặt. Mặc dù nghe thật kỳ quặc, trong lời cảm ơn của tác giả dành cho những người viết đã qua đời từ lâu, tôi muốn được dành sự ghi nhận đặc biệt cho một nhóm nhỏ nhưng rất đặc biệt những người sống sót trải qua trại, mà hồi ký của họ tôi đã đọc đi đọc lại suốt thời gian viết cuốn sách này. Mặc dù rất nhiều người sống sót đã viết lại một cách sâu sắc và lưu loát kinh nghiệm của họ, đơn giản rằng không phải tình cờ mà cuốn sách này chứa đựng một lượng vượt trội những trích dẫn từ tác phẩm của Varlam Shalamov, Isaak Filshtinsky, Gustav Herling, Evgeniya Ginzburg, Lev Razgon, Janusz Bardach, Olga Adamova-Sliozberg, Anatoly Zhigulin, Alexander Dolgun và, tất nhiên, Alexander Solzhenitsyn. Một số trong số họ là những người sống sót nổi tiếng nhất của Gulag. Những người khác thì không – nhưng tất cả đều có chung nhau một điều. Trong số hàng trăm hồi ký mà tôi đọc, hồi ký của họ nổi bật không chỉ vì độ dài bút ký mà còn bởi vì khả năng của họ giúp khảo sát được những gì chìm dưới bề mặt của nỗi khủng khiếp hàng ngày và giúp tìm thấy sự thực ẩn sâu về tình cảnh của con người.

Tôi cũng vô cùng cám ơn sự giúp đỡ của một số người Moscow đã hướng dẫn tôi xuyên qua các lưu trữ, giới thiệu tôi gặp những người sống sót, cung cấp cho tôi các hiểu biết của chính họ về thời kỳ đó mà họ đã trải qua. Người đầu tiên trong số họ là nhà nghiên cứu lưu trữ và sử gia Aleksandr Kokurin – người tôi hy vọng sẽ có ngày được ghi nhớ như nhà tiên phong của lịch sử Nga viết thời hiện đại – cũng như Galya Vinogradova và Alla Boryna, cả hai cùng cống hiến bản thân cho dự án này với lòng hăng hái khác thường. Vào những thời điểm khác nhau, tôi được giúp đỡ bởi cuộc trao đổi với Anna Grishina, Boris Belikin, Nikita Petrov, Susanna Pechora, Aleksandr Guryanov, Arseny Roginsky và Natasha Malykhina thuộc Moscow Memorial, Simeon Vilensky thuộc Vozvrashchenie; cũng như Oleg Khlevnyuk, Zoya Eroshok, giáo sư Natalya Lebedeva, Lyuba Vinogradova và Stanislaw Gregorowicz, cựu thành viên Sứ quán Ba Lan tại Moscow. Tôi cũng vô cùng cám ơn nhiều người đã cho tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn kéo dài và nghiêm túc, tên tuổi họ được liệt kê tách bạch trong phần Thư mục.

Ngoài Moscow, tôi mang món nợ lớn với nhiều người đã sẵn sàng ngưng công việc và đóng góp những khoản thời gian lớn để cho một người nước ngoài chân ướt chân ráo, đôi khi như trên trời rơi xuống, để hỏi những câu hỏi ngây ngô về các chủ đề mà họ đã tìm hiểu từ nhiều năm trời. Trong số họ có Nikolai Morozov và Mikhail Rogachev ở Syktyvkar; Zhenya Khaidarova và Lyuba Petrovna ở Vorkuta; Irina Shabulina và Tatyana Fokina ở Solovki, Galina Dudina ở Arkhangelsk; Viktor Shmirov ở Perm; Leonid Trus ở Iskitim; Veniamin Ioffe và Irina Reznika thuộc St Petersburg Memorial. Tôi đặc biệt cám ơn các thủ thư của Thư viện Arkhangelsk Kraevedcheskaya, nhiều người trong số họ đã giúp tôi cả ngày để giúp tôi hiểu lịch sử vùng họ sống, đơn giản vì họ cảm thấy đó là một điều quan trọng đáng làm.

Tại Warsaw tôi được giúp đỡ nhiều bởi thư viện và lưu trữ của Viện Karta, cũng như bởi các cuộc trao đổi với Anna Dzienkiewicz và Dorota Pazio. Tại Washington DC, David Nordlande và Harry Leich đã giúp tôi trong Thư viện Library of Congress. Tôi đặc biệt cám ơn Elena Danielson, Thomas Henrikson, Lora Soroka và đặc biệt là Robert Conquest thuộc Viện Hoover. Sử gia Ý Marta Craveri góp công lớn giúp tôi hiểu về các cuộc nổi dậy trong trại. Các cuộc trò chuyện với Vladimir Bukovsky và Aleksandr Yakovlev cũng giúp tôi hiểu thêm về thời hậu Stalin.

Tôi mang món nợ đặc biệt với Quỹ tài trợ Lynde và Harry Bradley, Quỹ the John M. Olin, Viện Hoover, Quỹ Marit và Hans Rausing và John Blundell ở Viện quan hệ Kinh tế vì các hỗ trợ tài chính và tinh thần của họ.

Tôi cũng cám ơn các bạn đồng nghiệp đã cho lời khuyên trong quá trình viết cuốn sách này.

Trong số đó có Antony Beevor, Colin Thubron, Stefan và Danuta Waydenfeld, Yuri Chris Joyce, Alessandro Missir, Terry Martin, Alexander Gribanov, Piotr Paszkowski và Orlando Figes, cũng như Radek Sikorski. Đặc biệt cám ơn Goerges Borchardt, Kristine Puopolo, Gerry Howard và Stuart Proffitt, người đã tiên đoán về sự hoàn thành cuốn sách này.

Cuối cùng, vì tình bạn, lời khuyên, sự hiếu khách và thực phẩm mà họ đã ban cho tôi, tôi muốn cám ơn Christian và Natasha Caryl, Edward Lucas, Yuri Senokossov và Lena Nemirovskaya, các vị chủ nhà Moscow tuyệt vời của tôi.

I. Nguồn gốc của Gulag (1917-1939)

1. Khởi đầu thời kỳ Bolshevik

Họng ta bị chúng đập nát,

Ôi thời tươi đẹp khốn khổ của tôi,

Nở một nụ cười ngu xuẩn

Ta nhìn lại, yếu ớt và tàn nhẫn,

Như con thú dữ khi về già,

Ngắm dấu vết cũ móng vuốt mình.

  • Osip Mandelstam, “Vek”

Một trong những mục tiêu của tôi là tiêu diệt huyền thoại cho rằng thời kỳ dữ dội nhất của sự đàn áp chỉ bắt đầu từ năm 1936-37. Tôi cho rằng trong tương lai, số liệu thống kê sẽ cho thấy làn sóng bắt bớ, xử án và đi đày đã bắt đầu ngay từ đầu năm 1918, thậm chí trước khi có tuyên bố chính thức vào mùa thu năm ấy về chính sách “Khủng bố Đỏ”. Kể từ khi ấy, cơn sóng chỉ luôn lớn dần lớn dần, cho tới khi Stalin chết…

  • Dmitri Likhachev, Vospominaniya, tr. 118.

Năm 1917, có hai làn sóng cách mạng lan ra khắp nước Nga, quét cái xã hội đế quốc Nga cũ sang bên lề như thể xô đổ căn nhà xếp bằng những lá bài. Sau khi Sa hoàng Nikolai II thoái vị vào tháng Hai, các sự kiện diễn biến cực kỳ phức tạp rất khó làm ngưng lại hoặc kiềm chế được. Aleksandr Kerensky, người cầm đầu Chính phủ Lâm thời hậu Cách mạng tháng Hai, sau này đã viết rằng trong khoảng trống phía sau sự sụp đổ của chế độ cũ, “mọi chương trình chính trị và mưu lược cũ, dù táo bạo và suy tính cẩn thận đến đâu chăng nữa cũng trở thành vô mục đích và bất dụng giữa khoảng không đó”[1].

Nhưng mặc dù Chính phủ Lâm thời có yếu đuối, mặc dù sự không hài lòng trong dân chúng có lan rộng, mặc dù lòng căm giận đối với cơn chém giết trong Thế chiến I có dâng cao, rất ít người nghĩ rằng quyền lực sẽ rơi vào tay người Bolshevik, một trong những đảng xã hội cấp tiến muốn thúc đẩy xã hội thay đổi nhanh chóng hơn nữa. Ở nước ngoài, những người Bolshevik rất ít được biết tới. Một giai thoại đơm đặt đã mô tả rất khéo thái độ này ở nước ngoài: giai thoại kể rằng, vào năm 1917, một công chức nhào vào phòng làm việc của Bộ trưởng Ngoại giao Áo và hét lên “Thưa đức ngài, có một cuộc cách mạng nổ ra ở Nga!”. Vị bộ trưởng khịt khịt mũi: “Ai có thể làm nổ ra một cuộc cách mạng ở Nga? Chắc chắn không phải là Quý ngài (Herr) vô hại Trotsky vẫn hay ngồi ở quán Café Central chứ hả?”

Nếu nguồn gốc của phe Bolshevik lúc đó là bí ẩn thì lãnh tụ của họ, Vladimir Ilyich Ulyanov – người mà cả thế giới sẽ biết tới qua bí danh hoạt động cách mạng là “Lenin” – thậm chí còn bí ẩn hơn. Trong suốt nhiều năm làm người cách mạng lưu vong, Lenin trở nên nổi bật nhờ sự uyên bác của mình, nhưng cũng không được ưa vì lối ăn nói không đúng mực và tính bè phái của mình. Ông thường gây chiến với những lãnh tụ xã hội khác và có khuynh hướng đẩy các bất đồng lặt vặt về những vấn đề giáo điều có vẻ không thích hợp vào các tranh luận quan trọng.

Trong những tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng Hai, Lenin vẫn còn xa mới có thể nắm giữ một vị trí lãnh đạo chủ chốt, thậm chí ngay cả trong đảng của mình. Mãi tới cuối tháng Mười năm 1917, một số lãnh đạo Bolshevik vẫn còn phản đối kế hoạch của ông muốn tiến hành cuộc đảo chính chống lại Chính phủ Lâm thời, cho rằng Đảng chưa được chuẩn bị để nắm quyền lực và không có đủ sự ủng hộ của quần chúng. Tuy nhiên ông đã thắng trong cuộc tranh luận này và ngày 25 tháng Mười cuộc đảo chính bắt đầu. Dưới ảnh hưởng từ tác động của Lenin, một nhóm người xông vào phá Cung điện Mùa đông. Những người Bolshevik bắt giữ các bộ trưởng Chính phủ Lâm thời. Sau vài giờ, Lenin đã trở thành lãnh tụ một quốc gia mà ông đổi tên là nước Nga Xôviết.

Tuy mặc dù Lenin đã thành công trong việc nắm quyền lực, các chỉ trích ông từ phía các lãnh đạo Bolshevik không phải là hoàn toàn sai. Những người Bolshevik thực tế đã chưa được chuẩn bị sẵn sàng. Hậu quả là hầu hết những quyết định ban đầu của họ, bao gồm cả việc tạo lập một nhà nước độc đảng, được thực hiện chỉ để đáp ứng nhu cầu của tình thế tại thời điểm đó. Sự ủng hộ của quần chúng đối với họ không cao, và hầu như ngay lập tức họ khơi ra một cuộc nội chiến đẫm máu, đơn giản là để vẫn giữ được quyền lực. Từ năm 1918, khi đám Bạch vệ tập hợp lại để chống Hồng quân non trẻ – do một đồng chí của Lenin là “Herr Trotsky” ở “quán Café Central” thành lập – những trận đánh dữ dội nhất trong lịch sử Châu Âu đã bùng lên trên khắp nước Nga. Không phải tất cả những hành động bạo lực đều diễn ra trên chiến trường. Những người Bolshevik đi chệch khỏi thông lệ của mình để nghiền nát các chống đối chính trị và trí thức bằng bất cứ cách nào, tấn công không chỉ các đại diện của chế độ cũ mà cả vào các thành phần xã hội khác: Menshevik, Vô chính phủ, Cách mạng Xã hội. Mãi tới năm 1921 Nhà nước Xô viết non trẻ mới có được hòa bình.

Trong bối cảnh đầy những đối phó và bạo lực như vậy, các trại lao động Xôviết đầu tiên ra đời. Cũng như nhiều cơ quan Bolshevik khác, chúng được tạo ra để đối phó, một cách vội vàng, như một biện pháp khẩn cấp giữa hơi nóng của cuộc nội chiến. Điều này không có nghĩa rằng ý tưởng thành lập nó không được suy tính từ trước. Ba tuần trước Cách Mạng Tháng Mười, chính Lenin đã đưa ra một kế hoạch được ông thừa nhận là còn mơ hồ để tổ chức thực hiện “trách nhiệm lao động cưỡng bức” cho những người tư bản giàu có. Tháng Giêng 1918, khó chịu vì các phản kháng chống Bolshevik quá mức, ông thậm chí còn kiên quyết hơn và viết rằng mình chấp nhận “cho bắt giữ những tên phá hoại triệu phú đang dạo chơi trên các toa tàu hạng nhất và hạng nhì. Tôi đề nghị kết án chúng một năm rưỡi lao động cưỡng bức trong mỏ than”[2].

Quan điểm của Lenin về trại lao động như một hình phạt dành riêng cho một số loại “kẻ thù” tư sản cá biệt phù hợp với các quan điểm khác của ông về tội ác và tội phạm. Một mặt, nhà lãnh đạo Xô viết hàng đầu này cảm thấy còn lấn cấn về việc giam giữ và trừng phạt đám tội phạm kiểu truyền thống – ăn cắp, móc túi, giết người – những kẻ mà ông xem như đồng minh tiềm tàng. Theo ông, nguyên nhân gây ra sự “vượt quá giới hạn xã hội” (tức là phạm tội) là do “sự bóc lột quần chúng”. Ông tin rằng nếu xóa bỏ nguyên nhân này sẽ “khiến những vượt quá giới hạn xã hội bị xóa sổ”. Khi đó sẽ không cần thiết có hình phạt đặc biệt nào để ngăn cản tội phạm: đến lúc nào đó, chính Cách mạng sẽ xóa sạch chúng. Một số lời lẽ trong luật hình sự đầu tiên của nhà nước Bolshevik có thể làm cảm động trái tim của những nhà hoán cải tội phạm cấp tiến và tiến bộ nhất ở phương Tây. Ngoài ra, bộ luật này tuyên bố rằng “không xem phạm tội chỉ là tội lỗi của cá nhân”, và rằng hình phạt “không nên được sử dụng như một sự trả thù”[3].

Mặt khác, Lenin – cũng như các nhà lý thuyết chính thống Bolshevik noi theo gương ông –suy tính rằng sự hình thành Nhà nước Xôviết sẽ tạo ra một loại tội phạm mới: “kẻ thù giai cấp”. Một kẻ thù giai cấp sẽ chống lại Cách mạng và sẽ hành động công khai hoặc phổ biến nhất là hoạt động bí mật để tiêu diệt Cách mạng. Kẻ thù giai cấp khó xác định hơn là tội phạm thông thường, và rất khó để cải tạo. Không như tội phạm thông thường, không bao giờ có thể tin tưởng hoàn toàn được rằng một kẻ thù giai cấp sẽ hợp tác với chính quyền Xôviết, và cần những hình phạt nghiêm khắc hơn là hình phạt đối với trộm cắp giết người thông thường. Do đó vào tháng Năm năm 1918, sắc lệnh Bolshevik đầu tiên về “tội hối lộ” tuyên bố rằng: “Nếu kẻ phạm tội nhận hoặc đưa hối lộ thuộc giai cấp hữu sản và sử dụng hối lộ để giành được hoặc duy trì đặc quyền liên quan tới những quyền sở hữu, người này phải bị kết án lao động cưỡng bức nặng nhất và khắc nghiệt nhất, đồng thời mọi tài sản của người này phải bị tịch thu”[4].

Nói một cách khác là ngay từ những ngày tháng đầu tiên của chính quyền Xôviết non trẻ, con người bị kết án không phải do họ đã làm những gì, mà do họ là ai.

Chẳng may, không một ai từng cung cấp được khái niệm rõ ràng rằng một “kẻ thù giai cấp” sẽ như thế nào. Kết quả là sự bắt bớ mọi loại người tăng đáng kể kể từ khi những người Bolshevik lên nắm quyền. Kể từ tháng Mười Một năm 1917, các phiên toà cách mạng, bao gồm những “người ủng hộ” Cách mạng được chọn ngẫu nhiên, bắt đầu kết án bừa bãi những “kẻ thù” của Cách mạng. Các án tù, lao động cưỡng bức và thậm chí tử hình được phân phát tùy tiện cho từ các ông chủ nhà băng, vợ các thương gia hay những kẻ “đầu cơ” – nghĩa là bất cứ ai liên quan tới hoạt động kinh tế tư nhân – cho đến các cựu cai ngục thời Sa hoàng và bất cứ ai có vẻ đáng ngờ[5].

Định nghĩa về ai là hoặc ai không là “kẻ thù” cũng khác nhau từ vùng này đến vùng khác, đôi khi nhập nhằng cả với định nghĩa “tù binh chiến tranh”. Sau khi chiếm một thành phố mới, Hồng quân của Trotsky thường bắt làm con tin các người tư sản, những người này sẽ bị xử bắn trong trường hợp quân Bạch vệ quay trở lại, và điều này thường xuyên xảy ra do tình hình mặt trận thay đổi thất thường. Trong thời gian này họ bị bắt phải lao động cưỡng bức, thường là đào chiến hào và xây dựng chiến lũy[6]. Sự phân biệt giữa tù chính trị và tù thường phạm khá tùy tiện. Những thành viên ít học của các ủy ban lâm thời và tòa án cách mạng có thể, lấy ví dụ, đột nhiên kết luận rằng một người bị bắt khi đi lậu vé trên tàu điện là đã chống lại xã hội và kết án anh ta là phạm tội chính trị[7]. Cuối cùng, những quyết định như vậy được dành cho công an hoặc binh lính đi bắt giữ thực hiện. Feliks Dzerzhinsky, người sáng lập Cheka – cơ quan công an mật thời Lenin, tiền thân của KGB – bản thân có giữ một cuốn sổ đen nhỏ trong đó ông nguệch ngoạc tên và địa chỉ những “kẻ thù” ngẫu nhiên mà ông tình cờ bắt gặp trong khi đang làm nhiệm vụ[8].

Những sự phân biệt này tồn tại mù mờ mãi cho tới tận khi Liên Xô sụp đổ tám mươi năm sau. Tuy nhiên, sự tồn tại hai loại tù – “chính trị” và “thường phạm” – có ảnh hưởng sâu sắc lên việc hình thành hệ thống hình luật Xôviết. Trong thập kỷ đầu tiên của thời đại Bolshevik, các trại cải tạo Xôviết thậm chí bị tách làm hai loại dành cho mỗi loại tù nói trên. Việc chia tách phát sinh tự phát như là một phản ứng đối với tình trạng hỗn loạn của hệ thống trại giam hiện hữu. Trong những ngày tháng đầu của Cách mạng, tất cả tù nhân bị giam dưới quyền hạn pháp lý của các bộ hành pháp “truyền thống”, đầu tiên là Dân ủy Tư pháp và về sau là Dân ủy Đối nội, và giam trong hệ thống nhà giam “thông thường”. Có nghĩa là họ bị ném vào hệ thống nhà tù còn sót lại từ thời Sa hoàng, thường là vào những nhà giam bằng đá bẩn thỉu tăm tối nằm ở trung tâm của mỗi thị trấn lớn. Trong những năm Cách mạng từ 1917-1920, các cơ quan này bị xáo trộn hoàn toàn. Đám đông hỗn tạp xông vào phá nhà giam, đám chính ủy tự phong sa thải lính gác, tù nhân được nhận ân xá vô thời hạn hoặc đơn giản là tự bỏ đi[9].

Vào thời điểm người Bolshevik nắm quyền, một vài nhà tù còn hoạt động trở nên chật chội và thiếu thốn. Chỉ vài tuần sau Cách mạng, chính Lenin đã yêu cầu “thực hiện các biện pháp tối đa để cải thiện lập tức việc cung cấp thực phẩm cho các nhà tù ở Petrograd”[10]. Vài tháng sau, một thành viên của Cheka Moscow tới thanh sát nhà tù Taganskaya của thành phố và báo cáo rằng “bẩn thỉu và lạnh kinh khủng”, cũng như đang có dịch sốt chấy rận và thiếu đói. Hầu hết tù nhân không thể thực hiện án lao động cưỡng bức vì họ không có quần áo. Một tờ báo ghi lại rằng nhà tù Butyrka ở Moscow được thiết kế để giam 1.000 tù, nhưng đang chứa 2.500 tù. Một tờ báo khác than phiền rằng Cận vệ Đỏ đang “bắt giữ không có hệ thống hàng trăm người mỗi ngày, và rồi không biết phải làm gì tiếp theo với họ”[11].

Tình trạng quá tải dẫn đến những giải pháp “sáng tạo”. Thiếu điều kiện nâng cấp, chính quyền mới giam giữ tù nhân trong các tầng hầm, tầng áp mái, các dinh thự bỏ hoang và nhà thờ cũ. Một người sống sót sau này kể lại mình bị nhét vào tầng hầm của một căn nhà hoang, trong một phòng lèn tới 50 người, không có thiết bị vệ sinh và giường chiếu, rất ít thức ăn: những ai không được người nhà tiếp tế thì chỉ có cách nhịn đói[12]. Tháng 12 năm 1917, một ủy ban Cheka phải nhóm họp để bàn về số phận nhóm tù hỗn hợp 56 người, bao gồm tội ăn trộm, say rượu và nhiều hạng tội phạm “chính trị” khác nhau, đang bị giam dưới tầng hầm của Điện Smolny, trụ sở của Lenin ở Petrograd[13].

Không phải tất cả mọi người đều phải gánh chịu khó khăn trong tình trạng hỗn loạn đó, ví dụ như Robert Bruce Lockhart, một nhà ngoại giao Anh bị tố cáo tội gián điệp (cáo buộc này chính xác, theo như những gì đã xảy ra), bị giam từ năm 1918 trong một căn phòng ở Điện Kremlin. Ông này được thoải mái chơi bài Patience, đọc Thucydides và Carlyle. Thỉnh thoảng, một cựu hầu phòng từ thời Sa hoàng lại đem đến cho ông trà nóng và mấy tờ báo[14].

Nhưng thậm chí cả ở trong các nhà giam cũ còn lại thì chế độ tù cũng thất thường còn cai ngục thì thiếu kinh nghiệm. Một tù tại thành phố Vyborg miền bắc Nga khám phá ra rằng, trong cái xã hội hậu cách mạng tất cả đều đảo lộn nháo nhào thì tay lái xe của ông ta đã đổi sang nghề cai tù. Anh này vui vẻ giúp cho ông chủ cũ của mình được chuyển sang phòng giam tốt và khô ráo hơn, và cuối cùng giúp ông trốn thoát[15]. Một đại tá Bạch vệ cũng nhớ lại rằng trong nhà tù Petrograd vào tháng 12 năm 1917 tù nhân có thể tới và bỏ đi tùy thích, còn ban đêm thì dân vô gia cư chui vào phòng giam để ngủ. Nhìn lại thời kỳ này, một quan chức Xôviết hồi tưởng rằng “kẻ duy nhất không bỏ trốn là những người quá lười biếng không buồn nhúc nhích”[16].

Sự lộn xộn buộc Cheka phải đưa ra các giải pháp mới: người Bolshevik khó có thể cho phép những kẻ thù “đích thực” của mình được giam trong hệ thống nhà tù thông thường. Tình trạng giam giữ hỗn loạn và lính gác lười nhác có thể thích hợp đối với tội móc túi và thanh thiếu niên phạm tội vặt, nhưng đối với bọn phá hoại, đám ăn bám, lũ đầu cơ, sĩ quan Bạch vệ, tu sĩ, bọn tư sản và những kẻ cản đường chế độ Bolshevik thì cần có những giải pháp sáng tạo hơn.

Một giải pháp mới được tìm ra. Ngày 4 tháng Sáu năm 1918, Trotsky đã yêu cầu dẹp yên, giải giáp và chuyển một nhóm tù binh chiến tranh người Czech bất kham tập trung vào một kontslager: một trại tập trung. Mười hai ngày sau, trong một bản ghi nhớ gửi cho chính quyền Xôviết, Trotsky lại nhắc lại về các trại tập trung, các nhà tù ngoài trời trong đó “bọn tư sản thành thị và nông thôn … sẽ bị tập trung và tổ chức thành các tiểu đoàn hậu cần để làm các công việc phục vụ (lau dọn doanh trại, căn cứ, đường phố, đào chiến hào v.v.). Những ai không chịu làm sẽ bị phạt và bắt giam cho tới khi trả được tiền phạt”[17].

Đến tháng Tám, Lenin cũng tiến tới sử dụng biện pháp này. Trong một điện tín gửi cho dân ủy vùng Penza, nơi đang có cuộc nổi loạn chống Bolshevik, ông kêu gọi dùng “khủng bố tập thể chống lại bọn kulak (phú nông), tu sĩ và Bạch vệ” và bọn “không đáng tin cậy” phải bị “nhốt trong một trại tập trung ngoài thị trấn”[18]. Phương tiện như vậy là đã sẵn sàng. Trong mùa hè năm 1918 – ngay sau khi có Hiệp ước Brest-Litovsk chấm dứt sự tham gia của nước Nga vào Thế chiến thứ I – chính quyền thả ra hai triệu tù binh chiến tranh. Các trại giam trống lập tức được chuyển giao cho Cheka[19].

Vào lúc này, Cheka dường như là cơ quan lý tưởng để nhận lấy nhiệm vụ giam giữ “kẻ thù” trong những trại “đặc biệt”. Là một tổ chức hoàn toàn non trẻ, Cheka được cơ cấu để trở thành “thanh kiếm và lá chắn” của Đảng Cộng sản, không có bổn phận phải trung thành với chính quyền Xôviết hoặc bất cứ cơ quan nào khác của chính quyền. Tổ chức này không có truyền thống tổ chức hợp pháp, không có nguyên tắc buộc phải tuân theo luật pháp, không cần phải tham khảo công an hay các tòa án thuộc Dân ủy Tư pháp. Ngay tên gọi của nó đã nói lên tính chất đặc biệt: Ủy ban Đặc biệt Toàn Nga chống Phản Cách mạng và Phá hoại – hoặc, viết tắt theo tiếng Nga của “Ủy ban Đặc biệt” là Ch-K, hay Cheka. Nói “đặc biệt” là chính xác bởi nó tồn tại nằm ngoài luật pháp “thông thường”.

Ngay sau khi được thành lập, Cheka được giao một nhiệm vụ đặc biệt. Ngày 5 tháng Chín 1918, Dzerzhinsky được hướng dẫn thực hiện chính sách Khủng bố Đỏ của Lenin. Được áp dụng vào lúc có vụ ám sát Lenin, làn sóng khủng bố này – bao gồm bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu – có tổ chức chặt chẽ hơn nhiều so với những khủng bố bừa bãi vài tháng trước đó, thực ra là một phần quan trọng của cuộc nội chiến, được chỉ đạo để chống lại những kẻ tình nghi có âm mưu tiêu diệt Cách mạng ngay tại “cái nôi” của nó. Thật đẫm máu, thật tàn nhẫn và thật dữ dội – đó là những gì mà các tác giả của nó muốn hướng tới. Krasnaya Gazeta, cơ quan ngôn luận của Hồng quân, đã mô tả: “Không thương xót, không khoan nhượng, chúng ta cần tiêu diệt kẻ thù với số lượng hàng trăm, hàng ngàn, sao cho chúng phải ngập trong máu của chính mình. Vì một giọt máu đã đổ của Lenin… hãy để cho lũ tư sản phải tuôn ra hàng suối máu – sao cho càng nhiều càng tốt…”[20]

Khủng bố Đỏ là cần thiết để Lenin giữ được chính quyền. Các trại tập trung, được gọi là “trại đặc biệt”, là cần thiết để thực hiện Khủng bố Đỏ. Chúng được đề cập tới trong những sắc lệnh đầu tiên của Khủng bố Đỏ, theo đó yêu cầu không chỉ bắt bớ giam cầm những “đại diện quan trọng của bọn tư sản, địa chủ, bọn tư bản công nghiệp, thương nhân, tu sĩ phản cách mạng, bè lũ sĩ quan chống Xôviết” mà còn cần phải “cách ly chúng trong các trại tập trung”[21]. Mặc dù không có con số đáng tin cậy về số lượng tù nhân, vào cuối năm 1919 có hai mươi mốt trại được ghi nhận trên nước Nga. Đến cuối năm 1920 đã có 107 trại, tăng gấp năm lần[22].

Tuy nhiên, vào thời kỳ này, mục tiêu hoạt động của các trại vẫn còn chưa rõ ràng. Tù nhân phải thực hiện nghĩa vụ lao động – nhưng đến mức độ nào? Lao động có vai trò gì trong việc cải tạo tù nhân? Có phải là để làm nhục họ không, hay việc này nhằm giúp xây dựng nhà nước Xôviết non trẻ? Mỗi lãnh đạo Xôviết và mỗi cơ quan hữu trách lại có một câu trả lời khác nhau. Tháng Hai năm 1919, Dzerzhinsky đích thân có một bài phát biểu hùng hồn ủng hộ cho vai trò của các trại trong công cuộc cải tạo lý tưởng cho giới tư sản. Theo ông, các trại này sẽ:

sử dụng lao động của những người đang bị bắt giam; sử dụng lao động của các quý ông vốn quen sống không cần làm bất cứ nghề nghiệp gì, sử dụng lao động của những kẻ không muốn làm việc khi mà không bị bắt buộc phải làm việc. Các hình phạt này cần phải áp dụng cho những ai làm việc trong các cơ quan Xôviết nhưng lại thể hiện tinh thần đầy tắc trách hoặc lề mề chậm chạp trong công việc v.v. Theo cách này chúng ta sẽ tạo ra được các trường học dạy cách lao động[23].

Tuy nhiên, khi các sắc lệnh chính thức đầu tiên về những trại đặc biệt được công bố vào mùa xuân năm 1919, một số ưu tiên chút ít đã xuất hiện[24]. Các sắc lệnh, trong đó có một danh sách dài đến đáng ngạc nhiên những quy định và khuyến nghị, đề xuất mỗi thủ phủ vùng lãnh thổ cần lập một trại chứa không dưới 300 người, “nằm ở ngoại vi thành phố, hoặc trong các công trình vùng phụ cận như tu viện, nông trại, điền trang v.v.”. Trại này duy trì chế độ làm việc 8 giờ mỗi ngày, làm thêm giờ hoặc làm ca đêm chỉ được cho phép khi “phù hợp với luật lao động”. Không cho phép người nhà gửi thực phẩm. Cho phép gặp người thân trực tiếp trong gia đình, nhưng chỉ vào chủ nhật hoặc trong các dịp lễ. Tù tìm cách trốn trại sẽ bị tăng án lên gấp mười. Trốn trại lần thứ hai sẽ bị kết án tử hình – một hình phạt đặc biệt nặng nếu so với luật lệ lỏng lẻo thời Sa hoàng xử tội trốn tù, điều mà những người Bolshevik vốn biết quá rõ. Quan trọng hơn là các sắc lệnh cũng nêu rõ rằng lao động của tù nhân không phải nhằm giáo dục bản thân họ, mà là để bù đắp cho chi phí duy trì trại. Tù tàn tật được chuyển đi nơi khác. Các trại tự bù đắp duy trì kinh phí. Những người sáng lập ra các trại này lạc quan cho rằng họ sẽ tự trang trải được[25].

Do tình hình tài chính của đất nước trồi sụt thất thường, những người điều hành trại lập tức thấy hấp dẫn bởi ý tưởng tự trang trải kinh phí hoặc ít nhất là sử dụng sức lao động của tù nhân vào sản xuất thực tế. Tháng Chín năm 1919, một báo cáo mật được chuyển lên Dzerzhinsky than phiền rằng điều kiện vệ sinh tại một trại trung chuyển là “dưới mức phê bình”, chủ yếu là do người ta đã bắt quá nhiều người bệnh phải đi làm việc: “Dưới điều kiện ẩm ướt mùa thu bọn họ không thể bố trí làm chung với mọi người mà không gieo rắc mầm bệnh dịch và đủ thứ bệnh khác”. Ngoài ra, tác giả bản báo cáo còn đề nghị rằng những ai không đủ khả năng làm việc nên được gửi đi chỗ khác, nhờ thế sẽ giúp trại hoạt động hiệu quả hơn – một phương thức mà sau này sẽ được áp dụng nhiều lần bởi lãnh đạo của Gulag. Vậy là, những người chịu trách nhiệm về trại rất quan tâm vấn đề bệnh tật và cái đói, chủ yếu vì các tù bị bệnh và đói thì không còn hữu ích nữa. Phẩm cách và nhân tính của họ, chưa kể đến tính mạng họ, không còn khiến những người chịu trách nhiệm quan tâm chút nào nữa[26].

Trong thực tế, không phải tất cả chỉ huy trại đều quan tâm tới việc cải tạo tù hay tự túc tài chính. Thay vào đó, họ thích trừng phạt những kẻ từng có thời giàu có bằng cách làm nhục họ, bắt họ phải nếm trải cuộc sống của người công nhân. Một báo cáo từ thành phố Poltava thuộc Ukraina, được lập bởi một ủy ban điều tra Bạch vệ sau khi tạm chiếm lại thành phố này, đã ghi nhận rằng các tư sản bị bắt giam khi phe Bolshevik chiếm đóng đã bị giao công việc được “dự định theo cách nhằm giễu cợt và hạ thấp con người. Ví dụ như một người bị bắt đã bị buộc phải dùng… tay không lau chùi đất cát trên sàn nhà bẩn thỉu. Một người khác bị bắt phải lau dọn nhà xí, và được giao cho… một tấm khăn trải bàn để làm việc đó”[27].

Trong thực tế, những khác biệt nho nhỏ có tính toán nêu trên có lẽ tạo ra rất ít khác biệt đối với số phận hàng chục ngàn tù nhân, những người mà bản thân việc bị bắt giam vô nguyên cớ đã là quá đủ nhục nhã rồi. Chúng có lẽ cũng không ảnh hưởng mấy đến điều kiện sinh hoạt của tù, vốn đã rất kinh khủng. Một tu sĩ bị đày tới một trại ở Siberi sau này nhớ lại là súp được nấu từ ruột lợn, trong lán không có điện và hoàn toàn không có sưởi trong mùa đông[28]. Aleksandr Izgoev, một nhà chính trị hàng đầu thời Sa hoàng, bị đày tới một trại phía Bắc Petrograd. Trên đường, nhóm tù của ông dừng lại tại thị trấn Vologda. Thay vì ăn bữa nóng và ở trong nhà ấm mà họ được hứa hẹn, tù nhân phải đi bộ từ chỗ này sang chỗ khác để tìm nơi trú. Chẳng có trại trung chuyển nào được chuẩn bị trước cho họ. Cuối cùng, họ được trú trong một trường học cũ, trang bị thêm “tường gạch mộc và các băng ghế”. Những ai có tiền đem theo cuối cùng phải tự mua lấy thức ăn cho mình tại thị trấn[29].

Nhưng kiểu ngược đãi bừa bãi ấy không chỉ dành riêng cho tù. Trong thời gian ác liệt của nội chiến, nhu cầu cấp bách của Hồng quân và chính quyền Xôviết đã đạp lên mọi thứ khác, từ chuyện cải tạo cho tới trả thù và tôn trọng pháp luật. Tháng Mười 1918, tư lệnh mặt trận phía bắc gửi một yêu cầu tới ủy ban quân sự Petrograd đề nghị cấp 800 công nhân, rất cần để làm đường xá và đào chiến hào. Kết quả là, “một số công dân thuộc tầng lớp cựu thương gia được mời tới trình diện tại trụ sở Xôviết, lấy lý do là để đăng ký nghĩa vụ lao động trong thời gian tới. Khi những công dân này có mặt tại điểm đăng ký, họ bị bắt giam và chở tới trại Semenovsky để chờ bị chuyển ra mặt trận”. Khi thậm chí cả cách ấy vẫn chưa gom đủ số nhân công, Xôviết địa phương – tức hội đồng điều hành của địa phương – đơn giản là quây lại một phần của khu Nevsky Prospekt, phố mua bán chính ở Petrograd, bắt giữ tất cả những ai không có thẻ đảng hay đem theo giấy tờ chứng tỏ họ đang làm việc cho một cơ quan của chính quyền, và lùa họ tới một doanh trại gần đó. Tại đấy, phụ nữ thì được thả ra, còn đàn ông bị tống lên phương bắc: “không một ai trong nhóm người bị động viên theo cái lối kỳ lạ như vậy được phép về thu xếp chuyện gia đình, được chào tạm biệt người thân hay để lấy thêm quần áo ấm và xà cạp”[30].

Trong khi đối với những khách bộ hành bị bắt như thế rõ ràng là một cú sốc, vụ này dường như chỉ là chuyện vặt trong mắt giới công nhân Petrograd. Thậm chí ngay vào thời kỳ đầu của lịch sử Liên Xô, ranh giới giữa “lao động cưỡng bức” và lao động thông thường có vẻ rất mong manh. Trotsky công khai phát biểu về việc biến cả quốc gia thành một “đội quân ‘công nhân’” theo kiểu Hồng quân. Công nhân thoạt đầu bị buộc phải tới đăng ký tại các văn phòng phân phối lao động, tại đó họ sẽ được gửi đi làm việc ở bất cứ nơi nào trên đất nước. Các sắc lệnh đặc biệt được gửi đi cấm công nhân thuộc những nghề đặc thù – ví dụ như công nhân khai khoáng – rời bỏ công việc. Công nhân tự do, trong cái thời kỳ cách mạng hỗn loạn ấy, được hưởng điều kiện sống không khá gì hơn tù nhân. Nếu nhìn từ bên ngoài, không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được nơi nào là nhà máy, nơi nào là trại tập trung[31].

Nhưng điều này cũng là điềm báo hiệu cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo: sự hỗn loạn mù mờ sẽ bao lấy những khái niệm về “trại”, “nhà tù” và “lao động cưỡng bức” trong suốt gần một thập kỷ sau đó. Quyền điều hành các cơ quan hình sự sẽ liên tục được đổi tay. Các cơ quan có hữu trách liên tục bị đổi tên và tái cơ cấu bởi các quan chức và dân ủy khác nhau luôn tìm cách tranh giành quyền kiểm soát hệ thống này[32].

Tuy nhiên, rõ ràng rằng vào cuối thời kỳ nội chiến, một công thức đã định hình. Liên Xô đã phát triển hai hệ thống nhà tù riêng biệt với luật lệ riêng, truyền thống riêng và tiêu chuẩn riêng. Dân ủy Tư pháp, mà sau này là Dân ủy Đối nội, điều hành hệ thống nhà tù “thông thường”, quản lý chủ yếu những gì mà chế độ Xôviết gọi là “tội phạm”. Mặc dù trong thực tế hệ thống này cũng rất lộn xộn, tù nhân của nó được giam trong các nhà tù kiểu truyền thống, và ban quản lý của nó tuyên bố rằng mục tiêu của hệ thống này, như được ghi trong một bản thông báo nội bộ, rất giống với ở các quốc gia “tư bản” khác: nhằm cải biến kẻ phạm tội thông qua lao động cải tạo – “tù nhân phải lao động để học được những kỹ năng cần thiết cho việc xây dựng được một cuộc sống lương thiện” – và nhằm ngăn ngừa tù phạm thêm tội khác[33].

Đồng thời, cơ quan Cheka – sau này đổi tên thành GPU, rồi OGPU, rồi NKVD và cuối cùng là KGB – điều hành một hệ thống nhà tù khác, ban đầu được xem là hệ thống “trại giam đặc biệt” hay “trại giam chuyên biệt”. Mặc dù Cheka cũng sử dụng vài phương cách “cải tạo” hay “giáo dục lại” khá hùng hồn nhưng các trại này không hoàn toàn giống với các cơ quan hình pháp thông thường. Chúng nằm ngoài quyền hạn pháp lý của các cơ quan Xôviết khác, và vô hình đối với con mắt dân thường. Chúng có quy chế riêng, án phạt tội trốn trại nặng hơn, chế độ khắc nghiệt hơn. Tù nhân bên trong không buộc phải bị tuyên án bởi tòa án thông thường, nếu không nói là không cần phải có kết án của bất cứ loại tòa án nào. Được xây dựng như một phương thức khẩn cấp, chúng ngày càng phình to và nhiều quyền lực hơn, bởi khái niệm “kẻ thù” ngày càng được mở rộng và quyền hạn của Cheka ngày càng tăng. Và tới lúc cuối cùng khi hai hệ thống này, thông thường và đặc biệt, sáp nhập lại, chúng kết hợp theo luật lệ của hệ thống thứ hai. Cheka đã nuốt trọn đối thủ của mình.

Ngay từ đầu, hệ thống tù “đặc biệt” có nghĩa là phải làm việc với những tù đặc biệt: tu sĩ, cựu sĩ quan Sa hoàng, bọn tư bản đầu cơ, các kẻ thù của chế độ mới. Nhưng có một loại tù đặc biệt mang nhãn “chính trị” được ban quản lý quan tâm hơn hẳn so với các loại khác. Đó là thành viên các đảng phái phi Bolshevik và có khuynh hướng cách mạng xã hội, chủ yếu những người vô chính phủ, Đảng Cách mạng Xã hội cánh tả và cánh hữu, phe Menshevik và bất cứ ai đã từng chiến đấu vì Cách mạng nhưng lại không biết trước để gia nhập phái Bolshevik của Lenin, hoặc không tham gia nhiệt tình trong biến chính tháng Mười 1917. Do là cựu đồng minh trong cuộc chiến cách mạng chống lại chế độ Sa hoàng, họ được hưởng các đối đãi đặc biệt. Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản liên tục bàn luận về số phận của họ mãi cho tới cuối những năm 1930, khi hầu hết những người nào còn sống đều bị bắt giam hoặc xử bắn[34].

Phần nào, loại tù đặc biệt này khiến Lenin lo lắng bởi, cũng như lãnh tụ của mọi đảng phái chuyên quyền nào khác, ông đặc biệt căm ghét những kẻ bội giáo. Trong một cuộc tranh luận điển hình, ông gọi một trong những nhà xã hội chỉ trích mình là “kẻ lừa đảo”, là “đồ chó cún mắt toét”, là “tên bợ đỡ bọn tư bản” và là “kẻ tán thành với bọn hút máu và vô lại”, chỉ phù hợp với “đống phân của bọn phản bội”[35]. Thực tế là từ trước cách mạng rất lâu Lenin đã biết cần phải làm gì đối với những đồng chí đảng xã hội từng phản đối mình. Một người bạn cách mạng trung thành của ông nhớ lại cuộc trò chuyện về chủ đề này như sau:

Tôi nói với anh ấy rằng: “Vladimir Ilyich, nếu anh nắm được quyền lực, anh sẽ treo cổ bọn Menshevik ngay ngày hôm sau”. Anh ấy nhìn tôi rồi đáp: “Chỉ sau khi chúng ta đã treo cổ tên Cách mạng Xã hội cuối cùng, ta mới xử đến bọn Menshevik”. Và anh nhăn mặt rồi phá lên cười[36].

Nhưng những tù thuộc loại “chính trị” đặc biệt này vô cùng khó kiểm soát. Rất nhiều người từng trải qua các nhà tù thời Sa hoàng, biết rõ cách tổ chức tuyệt thực để phản kháng, biết cách gây sức ép lên cai ngục, biết cách liên lạc giữa các phòng khám để trao đổi thông tin và biết tổ chức các cuộc phản đối mang tính phối hợp. Quan trọng hơn cả là họ cũng biết rõ cách để bắt liên lạc với thế giới bên ngoài và ai người cần liên lạc. Hầu hết các đảng xã hội phi Bolshevik ở Nga vẫn còn duy trì những chi nhánh lưu vong nước ngoài, thường là tại Berlin hoặc Paris, các thành viên này có thể gây phương hại lớn tới hình ảnh quốc tế của phe Bolshevik. Tại Đại hội Quốc tế vô sản lần 3 năm 1921, đại diện của những chi nhánh quốc tế của Đảng Cách mạng Xã hội – về lý tưởng là gần gũi nhất với Bolshevik (một số thành viên của 2 đảng này cộng tác chặt chẽ với nhau) – đã đọc lớn một bức thư của các đồng chí của họ đang bị giam cầm tại Nga. Bức thư này gây xúc động mạnh tại Đại hội, chủ yếu bởi nó xác nhận rằng điều kiện trong nhà tù ở nước Nga cách mạng còn tồi tệ hơn cả thời kỳ Sa hoàng. “Các đồng chí của chúng ta đang chết đói,” – bức thư viết, “nhiều người trong số họ bị giam cầm hàng tháng trời mà không được phép gặp gỡ người thân, không được viết thư, không được tập thể dục”[37].

Các đảng viên xã hội lưu vong có thể và đã tranh luận nhân danh các tù nhân, giống như họ vẫn từng làm thời trước Cách mạng. Ngay sau ngày phe Bolshevik làm biến chính, nhiều nhà cách mạng nổi tiếng, trong đó có Vera Figner, tác giả một hồi ký về thời gian trải qua trong nhà tù Sa hoàng, và Ekaterina Peshkova, vợ của nhà văn Maxim Gorky, đã cùng giúp sức mở lại Hội Chữ thập đỏ Chính trị, một tổ chức hỗ trợ tù nhân từng hoạt động bí mật thời trước Cách mạng. Peshkova biết rõ về Dzerzhinsky và thường xuyên trao đổi thân mật với ông này. Nhờ có mối liên lạc và uy tín của bà, Hội Chữ thập đỏ Chính trị được phép đến thăm những nơi giam giữ, được trò chuyện với tù nhân và gửi quà cho họ, thậm chí được gửi đơn xin tha cho những người bị bệnh, những đặc quyền này của hội được duy trì gần suốt thập kỷ 1920.[38] Nhưng theo nhà văn Lev Razgon, đi tù năm 1937, thì sau này những hoạt động ấy gần như là chuyện không tưởng, đến nỗi ông nghe người vợ sau của mình kể về hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Chính trị – cha của bà này từng là tù đảng viên xã hội – như thể “đang nghe kể chuyện cổ tích viển vông vậy”[39].

Hình ảnh không tốt trong con mắt công chúng do tác động của các đảng xã hội phương Tây và Hội Chữ thập đỏ Chính trị khiến những người Bolshevik vô cùng khó chịu. Rất nhiều người từng sống lưu vong khá lâu, do đó rất nhạy cảm với các ý kiến từ những người đồng chí quốc tế trước đây. Rất nhiều người cũng vẫn còn tin rằng Cách mạng sẽ lan sang phương Tây bất cứ lúc nào, nên không muốn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản bị ngăn trở bởi các tai tiếng. Năm 1922, họ hết chịu nổi các bài viết từ báo chí phương Tây nên đã tung ra những cố gắng đầu tiên nhằm bênh vực cho khủng bố đỏ bằng cách tấn công vào “sự khủng bố của bọn tư bản”. Để đạt được mục đích này, họ thành lập riêng một tổ chức xã hội “đối lập” cứu trợ tù nhân: tổ chức Xã hội Quốc tế Cứu trợ Nạn nhân của Cách mạng – viết tắt từ tiếng Nga là MOPR, hoạt động công khai để giúp đỡ “100.000 tù nhân của chủ nghĩa tư bản”[40].

Mặc dù chi hội Berlin của Hội Chữ thập đỏ Chính trị ngay lập tức lên án MOPR là đang cố gắng “bịt miệng nhưng người sắp chết đang rên rỉ trong các nhà tù, trại tập trung và chốn lưu đày ở Nga”, những người khác lại tiếp nhận nó. Năm 1924, MOPR tuyên bố đã có bốn triệu thành viên, thậm chí còn tổ chức một hội nghị quốc tế lần đầu tiên với đại diện đến từ khắp nơi trên thế giới[41]. Cú tuyên truyền này đã có tác dụng. Khi nhà văn Pháp Romain Roland được đề nghị nhận xét về một tập thư xuất bản từ những nhà xã hội bị giam trong nhà tù Nga, ông đã trả lời rằng “Những chuyện y như vậy vẫn diễn ra tại các nhà tù Ba Lan; anh cũng có thể gặp chúng ở nhà tù bang California, tại đấy người ta đang hành hình các công nhân của IWW – Hiệp hội Công nhân thế giới; anh cũng gặp các cảnh này trong nhà ngục ở Quần đảo Andaman nước Anh…”[42].

Cheka cũng tìm cách cải thiện dư luận báo chí bằng việc chuyển các nhà xã hội gây rắc rối kia đi xa khỏi mối liên lạc của họ. Một số bị đày tới, căn cứ theo mệnh lệnh của ban quản lý, những điểm lưu đày viễn xứ, giống như chế độ Sa hoàng từng làm. Những người khác bị chuyển tới các trại hẻo lánh gần thành phố phương bắc Arkhangelsk, còn những người đặc biệt bị đưa tới một trại sử dụng cơ sở của một tu viện bỏ hoang vùng Kholmogory, cách Petrograd hàng trăm dặm về phía bắc, gần Bạch Hải. Tuy nhiên, thậm chí ở những nơi lưu đày xa xôi nhất vẫn có thể tìm thấy các phương thức liên lạc. Từ Narym thuộc Siberi, một nhóm nhỏ tù “chính trị” trong một trại tập trung bé xíu đã tìm cách gửi thư cho một tờ báo xã hội lưu vong than phiền rằng họ bị “cách ly khỏi thế giới còn lại chặt chẽ tới mức chỉ các bức thư liên quan tới sức khỏe những người thân hoặc sức khỏe của chính họ mới có hy vọng đến được nơi. Tất cả các thư từ khác … bặt vô âm tín”. Trong số họ, thư viết, có Olga Romanova, một nữ vô chính phủ mười tám tuổi, bị chuyển tới vùng đặc biệt hẻo lánh của tỉnh “tại đó cô ta bị cho ăn ba tháng liền chỉ có bánh mì và nước nóng”[43].

Nhưng lưu đày viễn xứ cũng không đảm bảo cho đám cai ngục được yên tâm. Ở hầu khắp những nơi nào họ tới, các tù xã hội, đã quen với các đối xử ưu đãi mà tù chính trị từng được hưởng thời Sa hoàng, đòi hỏi được đọc báo, sách vở, đi dạo, quyền được quan hệ thư từ không giới hạn, và trên hết là quyền được chọn người phát ngôn cho riêng mình trong các việc liên quan với chính quyền. Khi nhân viên Cheka địa phương thiếu kinh nghiệm từ chối các đòi hỏi trên – những nhân viên này khó mà phân biệt nổi giữa kẻ vô chính phủ (anarchist) với một gã đốt nhà (arsonist) – thì đám xã hội phản kháng, đôi khi dùng tới bạo lực. Theo như một mô tả về trại Kholmogory, một nhóm tù đã nhận thấy:

cần thiết phải dấy lên cuộc đấu tranh đòi những điều cơ bản nhất, ví dụ như dành lại cho những người xã hội và vô chính phủ các quyền thông thường của tù chính trị. Trong cuộc đấu tranh này, họ phải hứng chịu tất cả các hình phạt phổ biến như bị biệt giam, đánh đập, bỏ đói, ném vào rào kẽm gai, cho đơn vị quân đội bắn vào tòa nhà v.v. Thế là quá đủ để thông báo rằng vào cuối năm nay hầu hết tù nhân Kholmogory sẽ kiêu hãnh, với những gì họ đã làm trong quá khứ, thực hiện cuộc tuyệt thực toàn phần trong ba mươi đến ba mươi lăm ngày…[44]

Cuối cùng, nhóm tù ấy bị dời từ Kholmogory tới một trại khác ở Petrominsk, cũng một tu viện khác. Căn cứ đơn thỉnh cầu sau đó họ gửi cho chính quyền, ở đấy họ được đón chào bằng những “quát tháo và đe dọa thô lỗ”, bị nhốt từng nhóm cứ sáu người vào một phòng khổ tu chật chội, trong chỉ có các giường tầng “sống chung với rận rệp ký sinh”, bị cấm tập thể dục, đọc sách và viết lách[45]. Chỉ huy trại Petrominsk, đồng chí Bachulis, đã cố gắng bẻ gãy ý chí tù bằng cách cắt đèn điện và lò sưởi cho họ – và lâu lâu lại bắn vào cửa sổ phòng họ[46]. Để đáp trả, họ tiến hành một loạt cuộc tuyệt thực khác không ngưng nghỉ và gửi thư phản đối. Cuối cùng, họ yêu cầu được chuyển khỏi trại, tuyên bố rằng trong trại có dịch sốt rét[47].

Lãnh đạo các trại khác cũng than phiền về các tù nhân dạng này. Trong bức thư gửi Dzerzhinsky, một người viết rằng tại trại của mình “bọn Bạch vệ tự cho mình là tù chính trị đã tổ chức tập hợp lại thành một “nhóm tinh thần”, khiến lính gác không thể làm việc được: “chúng nói xấu chính quyền, bôi nhọ tên tuổi của họ… chúng xem thường danh dự và tiếng tăm của người công nhân Xôviết”[48]. Một số nơi lính gác đã tự tìm cách giải quyết. Tháng Tư 1921, một nhóm tù ở Petrominsk từ chối làm việc và yêu cầu được cấp khẩu phần tốt hơn. Phát chán với sự bất phục tùng này, chính quyền vùng Arkhangelsk đã ra lệnh xử tử 540 người trong số họ. Họ bị xử bắn lập tức[49]

Ở một vài nơi, chính quyền cố gắng giữ yên bình theo cách khác, tức là chấp nhận cho cánh xã hội mọi điều họ đòi. Bertha Barbina, thành viên Đảng Xã hội Cách Mạng, nhớ lại bà được chuyển tới “cánh nhà xã hội” của nhà tù Butyrka tại Moscow phơi phới niềm vui được đoàn tụ với bạn bè, những người “từng hoạt động bí mật ở St Petersburg từ thời sinh viên của tôi, và đến từ các thị trấn và thành phố khác nhau nơi chúng tôi từng cùng sống lang thang với nhau”. Tù nhân được phép tự do đi khỏi khám tù. Họ tổ chức các buổi tập thể dục buổi sáng, lập một ban nhạc và dàn đồng ca, dựng lên một “câu lạc bộ” trong có các tạp chí nước ngoài và một thư viện phong phú. Theo truyền thống – có từ thời tiền cách mạng – mỗi tù để lại đó mọi sách vở sau khi anh ta được mãn hạn. Một chi bộ tù được tổ chức trong mỗi phòng, một số phòng còn được trang trí rất đẹp với thảm treo tường và trải sàn. Một tù khác nhớ lại rằng “chúng tôi tản bộ dọc hành lang như thể chúng là các đại lộ”[50]. Với Barbina, cuộc sống tù ở đây có vẻ như không thực: “Chẳng lẽ họ không thể giam chúng tôi nghiêm túc được sao?”[51]

Lãnh đạo Cheka cũng đang nghĩ giống vậy. Trong một báo cáo gửi Dzerzhinsky vào tháng Giêng 1921, một thanh tra nhà tù bực mình than phiền rằng tại nhà tù Butyrka “đàn ông và phụ nữ thoải mái trò chuyện với nhau, các khẩu hiệu vô chính phủ và phản cách mạng treo đầy trên tường phòng giam”[52]. Dzerzhinsky đề nghị một chế độ nghiêm ngặt hơn – nhưng khi có chế độ nghiêm ngặt thì tù lại chống đối.

Chẳng bao lâu khúc điền viên Butyrka mau chóng kết thúc. Tháng Tư 1921, căn cứ lá thư do một nhóm Cách mạng Xã hội gửi cho chính quyền, “khoảng giữa 3 đến 4 giờ sáng, một nhóm người vũ trang xông vào phòng giam và tấn công … phụ nữ bị nắm tay chân và tóc lôi khỏi phòng, những người khác bị nện nhừ tử”. Trong các báo cáo nội bộ sau đó, Cheka mô tả “sự cố” này như một cuộc nổi loạn vượt tầm kiểm soát – và kiên quyết không để lặp lại việc cho phép quá nhiều tù chính trị được tập trung ở Moscow[53]. Đến tháng Hai 1922, “cánh nhà xã hội” của nhà tù Butyrka bị giải tán.

Đàn áp không có tác dụng. Nhượng bộ cũng không có tác dụng. Thậm chí ngay trong những trại đặc biệt, Cheka cũng không thể cai quản được các tù đặc biệt của mình. Cũng không thể ngăn cản tin tức về chúng lọt ra thế giới bên ngoài. Rõ ràng là cần có giải pháp khác, dành cả cho họ lẫn cho tất cả đám phản cách mạng bất trị khác đang tập hợp trong hệ thống nhà tù đặc biệt. Đến mùa xuân năm 1923, một giải pháp đã được tìm ra: Solovetsky.

2 . “Trại Gulag đầu tiên”

b.jpg

Ngồi đây linh mục cùng tu sĩ,

Lẫn với lũ điếm và cướp đường,

Chung cùng nam tước và quận công –

Trên đầu mũ miện không còn nữa…

Nơi đảo này, người giàu cũng tay trắng

Đâu lâu đài, đâu cung điện thủa xưa…

– Thơ của một tù vô danh, viết trên đảo Solovetsky năm 1926[54]

Ngày nay đứng nhìn xuống từ trên đỉnh tháp chuông ở góc xa của tu viện cổ Solovetsky, ta vẫn trông rõ được hình thù của trại tập trung Solovetsky. Một bức tường đá dày vẫn bao quanh cung Solovetsky, nơi tập trung các công trình và nhà thờ của tu viện, được xây từ thế kỷ mười lăm, nơi sau này chuyển thành chỗ trú đóng của ban quản lý trại và các khối lán trung tâm. Phía tây là bến tàu, giờ có mấy chiếc thuyền đánh cá đang đậu, có thời từng chen chúc tù nhân được chở đến mỗi tuần, đôi khi là mỗi ngày trong mùa biển lặng ngắn ngủi vùng cực bắc. Phía sau đó là Bạch Hải trải dài. Từ đây có thuyền đi Kem, trại trung chuyển chính từ đất liền mà từ đó tù từng có thời lên thuyền khởi hành ra đảo, chuyến đi mất nhiều giờ đồng hồ. Chuyến tàu đi Arkhangelsk, cảng lớn nhất ở Bạch Hải và là thủ phủ vùng, hết mất cả ngày trời.

Nhìn về phía bắc, ta chỉ có thể thấy đường viền lờ mờ của Sekirka, nhà thờ trên đỉnh đồi mà tầng hầm của nó từng chứa các khám phạt nổi tiếng của Solovetsky. Phía đông là trạm phát điện do tù nhân xây dựng, ngày nay vẫn còn hoạt động liên tục. Ngay sau đó là dải đất nơi vốn có vườn ươm thực vật. Tại đấy, trong những ngày đầu của trại, một số tù đã thử ươm cây làm thí nghiệm, cố gắng tìm hiểu xem loài nào hữu ích có thể canh tác tại miền cực bắc này.

Cuối cùng, phía sau vườn thực vật là những đảo khác thuộc chuỗi đảo Solovetsky. Rải rác dọc bờ Bạch Hải là đảo Bolshaya Muksalma, nơi tù có thời đến nuôi giống cáo lông xám bạc để lấy da; đảo Anzer, nơi có trại đặc biệt dành cho người tàn tật, phụ nữ có con nhỏ và các cựu tu sĩ; hòn Zayatsky Ostrov, nơi có trại trừng phạt dành cho tù nữ[55]. Không phải vô cớ mà Solzhenitsyn đã chọn hình ảnh “quần đảo” để ám chỉ hệ thống trại tù Xôviết. Solovetsky, trại Xôviết đầu tiên được thiết kế và xây dựng với mong đợi sẽ hoạt động lâu dài, phát triển trên đúng là một quần đảo, lan rộng dần từ đảo này sang đảo khác, biến dần những nhà thờ và công trình cũ của một tu viện cổ thành của mình.

Quần thể tu viện xưa kia cũng từng là một nhà tù. Các tu sĩ Solovetsky, những đầy tớ trung thành của Sa hoàng, kể từ thế kỷ 16 đã giúp vua giam cầm các đối thủ chính trị của mình – trong đó có những cha cố ngang ngạnh và các nhà quý tộc nổi loạn[56]. Sự cô đơn, những bức tường cao, gió lạnh và hải âu, từng có thời thu hút các tu sĩ thuộc dòng tu đặc biệt thích biệt lập, nay cũng hấp dẫn trí tưởng tượng của những người Bolshevik. Ngay từ tháng Năm năm 1920, một bài viết trên ấn bản vùng Arkhangelsk của thông tấn xã Izvestiya đã mô tả nhóm đảo này là nơi lý tưởng cho một trại lao động: “môi trường và chế độ lao động khắc nghiệt, việc chống chọi với các điều kiện thiên nhiên sẽ hình thành một trường học tốt cho mọi loại tội phạm”. Nhóm tù nhân đầu tiên được chuyển tới đây vào mùa hè năm đó[57].

1.jpg

Những người khác thuộc giới lãnh đạo chóp bu cũng rất quan tâm tới nhóm đảo này. Bản thân Dzerzhinsky đã đứng ra thuyết phục chính quyền Xôviết chuyển giao các tài sản của tu viện đã bị quốc hữu hóa, cùng với tài sản của các tu viện Petrominsk và Kholmogory cho Cheka – lúc này được đổi tên thành GPU, và sau đó thành OGPU hay Cơ quan Quản lý Chính trị Toàn Liên bang – ngày 13 tháng Mười 1923. Cả ba tu viện được đổi tên thành “trại mục đích đặc biệt”[58]. Sau này, chúng sẽ được biết dưới cái tên “cụm trại mục đích đặc biệt phương bắc”: Severnye lagerya osobogo naznacheniya, hay SLON. Trong tiếng Nga, slon có nghĩa là “con voi”. Cái tên này sẽ trở thành nguồn gốc nhiều chuyện tiếu lâm, mỉa mai hoặc mang tính đe dọa.

Theo lời kể của những người sống sót, Solovetsky sẽ mãi mãi được nhắc tới như là “trại Gulag đầu tiên”[59]. Mặc dù gần đây các chuyên gia ngày càng làm rõ rằng những trại và nhà tù khác cũng có tồn tại với phạm vi rộng vào thời điểm đó, Solovetsky hiển nhiên vẫn giữ một vị trí đặc biệt không chỉ trong ký ức những người sống sót mà cả trong ngành mật vụ Xôviết[60]. Có thể Solovetsky không phải là nhà tù duy nhất tại Liên Xô vào những năm 1920, nhưng đó là nhà tù cho họ, cho tù của OGPU, nơi OGPU lần đầu tiên học được cách sử dụng lao động khổ sai cho hữu ích. Trong một bài giảng năm 1945 về lịch sử hệ thống trại cải tạo, đồng chí Nasedkin, lúc ấy là thủ trưởng điều hành hệ thống trại, đã tuyên bố rằng hệ thống trại không chỉ bắt nguồn từ Solovetsky năm 1920, mà toàn bộ hệ thống “lao động cưỡng bức với mục đích cải tạo tù” của Liên Xô cũng khởi đầu từ đó vào năm 1926[61]

Tuyên bố trên thoạt đầu có vẻ kỳ cục, bởi lao động cưỡng bức đã được xem là một hình thức của hình phạt tại Liên Xô kể từ năm 1918. Tuy nhiên ta sẽ thấy bớt kỳ cục hơn nếu nhìn lại sự phát triển của khái niệm lao động cưỡng bức trên chính cụm đảo Solovetsky. Bởi mặc dù tất cả cùng làm việc trên đảo, trong những ngày đầu tù nhân không được tổ chức thành một thứ gì gần giống như một “hệ thống”. Và cũng đầy đủ chứng cứ để thấy rằng lao động của họ ban đầu không đem lại lợi ích gì.

2.jpg

Trước hết là, một trong hai loại tù chính ở Solovetsky ban đầu không phải làm bất cứ việc gì. Đó là khoảng 300 tù “chính trị” phe xã hội, những người này chỉ được chuyển tới đảo vào tháng Sáu năm 1923. Đến từ trại Petrominsk, cũng như từ Butyrka và các nhà tù khác ở Moscow và Petrograd, họ được đưa thẳng tới tu viện nhỏ hơn Savvatyevo, nằm cách quần thể tu viện chính vài cây số về phía bắc. Tại đây, lính gác Solovetsky được yên tâm rằng họ bị cách ly khỏi các tù nhân khác, không thể gây ảnh hưởng đến họ bằng các trò tuyệt thực và chống đối quá khích của mình.

Ban đầu, cánh xã hội được hưởng các “ưu tiên” của tù chính trị mà họ đã đòi hỏi từ lâu: báo chí, sách vở và, phía sau hàng rào kẽm gai, tự do đi lại và tự do làm việc. Với mỗi đảng chính trị chủ chốt – Cách mạng Xã hội tả khuynh, Cách mạng Xã hội hữu khuynh, Vô chính phủ, Dân chủ Xã hội và sau là Xã hội phục quốc Do Thái – đã chọn ra lãnh tụ của riêng mình, dành lấy những căn phòng cho riêng phe mình trong khu tu viện cũ[62].

Đối với Elinor Olitskaya, một đảng viên Cách mạng Xã hội tả khuynh trẻ tuổi bị bắt năm 1924, thoạt đầu Savvatyevo có vẻ như “không giống nhà tù một tẹo nào”, đã khiến bà thấy choáng sau nhiều tháng trải qua trong nhà tù Lubyanka tối tăm ở Moscow. Căn phòng của bà, một phòng tu cũ thuộc khu nay trở thành khối nữ của phe Cách mạng Xã hội, như sau:

sáng sủa, sạch sẽ, lau chùi thường xuyên, có hai cửa sổ cao rộng đang mở. Phòng giam mà tràn ngập ánh sáng và không khí. Dĩ nhiên là không có song sắt chắn cửa sổ. Giữa phòng giam là một chiếc bàn nhỏ phủ khăn trắng. Dọc theo tường có bốn cái giường, trải ga gọn gàng. Đầu mỗi giường có bàn ngủ nhỏ, trên bàn có sách, sổ tay và bút.

Trong khi bà còn đang ngạc nhiên với căn phòng thì trà được dọn ra trong ấm sứ kèm theo đường mía đựng trong bát sứ, bạn cùng phòng giải thích rằng tù nhân chủ động tạo ra không khí thân mật như vậy là có chủ đích: “chúng tôi muốn sống cho ra con người”[63]. Olitskaya mau chóng nhận thấy rằng mặc dù đang phải chịu bệnh lao phổi và các căn bệnh khác, cũng như thường phải ăn không đủ no, tù chính trị Solovetsky được tổ chức vô cùng chặt chẽ, có “starosta” của mỗi phòng chịu trách nhiệm về việc tích trữ, nấu nướng và phân phối thức ăn. Bởi vì họ vẫn thuộc chế độ “chính trị” đặc biệt, họ cũng được phép nhận bưu phẩm, cả từ thân nhân lẫn từ Hội Chữ thập Đỏ Chính trị. Mặc dù Hội Chữ thập Đỏ Chính trị đã bắt đầu gặp khó khăn – năm 1922 các văn phòng hội bị tấn công và tài sản bị tịch thu – Ekaterina Peshkova, vị chủ tịch có quan hệ rộng của hội, vẫn được phép tự đứng ra gửi hỗ trợ cho tù chính trị. Năm 1923, bà gửi cả một toa tàu đầy thực phẩm cho tù chính trị Savvatyevo. Một chuyến thuyền chất đầy quần áo cũng khởi hành lên phương bắc vào tháng Mười cùng năm[64].

Khi đó đây là giải pháp cho vấn đề về mối liên hệ với công chúng do tù chính trị đưa ra: dù ít dù nhiều cũng cho họ những gì họ muốn, nhưng giữ họ cách ly khỏi đám người nhân đạo càng xa càng tốt. Đó là một giải pháp không có hồi kết: chế độ Xô viết không thể chấp nhận các ngoại lệ mãi mãi được. Đến một lúc thì ảo tưởng cũng chấm dứt – số tù trên Solovetsky ngày càng tăng thì như thế mãi không được. “Ngay khi đặt chân lên Solovets, tất cả chúng tôi đều cảm thấy đang trải qua một quãng đời mới mẻ và kỳ lạ”, một tù chính trị viết. “Qua trò chuyện với bọn tội phạm, chúng tôi biết được chế độ hà khắc đáng kinh hoàng mà ban quản trại đang áp dụng với họ…”[65]

Kém tráng lệ và kiểu cách hơn nhiều, khu lán chính ở cung Solovetsky đã mau chóng đầy tràn tù nhân có thân phận vô định. Từ con số vài trăm năm 1923, từ từ đã tăng lên tới 6.000 năm 1925[66]. Trong số họ có các sĩ quan và cảm tình Bạch vệ, “bọn đầu cơ”, đám cựu quý tộc, những thủy thủ từng tham gia nổi loạn ở Kronstadt và cả bọn tội phạm chính cống. Với các tù nhân này, trà đựng trong ấm sứ và đường đựng trong bát khó lòng mà với được. Hoặc đúng hơn là khó với tới đối với một số người, nhưng dễ hơn với một số kẻ khác; trên hết cả là mọi khía cạnh của cuộc sống trong lán “tội phạm” ở trại đặc biệt Solovetsky trong những năm tháng đầu tiên ấy đều rất bất hợp lý, và không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra ngay vào lúc người tù đặt chân lên đảo. Cựu tù nhân Boris Shiryaev sau này viết hồi ký kể lại, trong đêm đầu tiên ở trại, ông và những người mới đến khác được đồng chí A. P. Nogtev, giám đốc thứ nhất của trại Solovetsky, đón tiếp. “Tôi xin chào đón các anh,” ông ta nói với họ bằng một giọng mà Shiryaev tả là “đầy mỉa mai”: “Như các anh đã biết, ở đây không có chính quyền Xôviết mà chỉ tồn tại chính quyền Solovetsky. Các anh có thể quên sạch mọi thứ quyền trước đây các anh từng có đi được rồi. Tại đây chúng ta có luật lệ riêng”. Cụm từ “không có chính quyền Xôviết mà chỉ tồn tại chính quyền Solovetsky” sẽ được lặp đi lặp lại, như xác nhận từ những người viết hồi ký khác[67].

Trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau, hầu hết tù nhân sẽ được nếm trải “chính quyền Solovetsky” là gì: một pha trộn giữa việc vừa mặc cho tội phạm hoàn thành, vừa hành động tàn ác bừa bãi. Điều kiện sống trong các phòng tu và nhà thờ cũ chuyển mục đích rất thô sơ, cũng không mấy ai quan tâm cải thiện nó lên. Trong đêm đầu ở lán của mình tại Solovetsky, nhà văn Oleg Volkov được phân chỗ ngủ tại sploshnye nary – giường tầng mà thực chất là những phản gỗ phẳng (chúng ta sẽ nghe kể nhiều hơn về nó ở những phần sau) trên đó một loạt người nằm ngủ thành hàng dài. Khi nằm xuống, rệp bắt đầu rơi xuống người ông “hết con này tới con khác như kiến vậy. Không tài nào ngủ được”. Ông bỏ ra ngoài thì lập tức bị bao vây bởi “một đám mây muỗi… Tôi nhìn đầy vẻ ghen tỵ những người đang nằm ngủ ồn ào trong kia, mình lúc nhúc đầy lũ hút máu”[68].

Bên ngoài khu tu viện chính mọi thứ còn khắc nghiệt hơn. Chính thức thì SLON bao gồm 9 trại riêng biệt rải khắp quần đảo, mỗi trại lại chia thành những tiểu đoàn lao động. Nhưng một số tù còn bị sống trong những điều kiện thô sơ hơn nữa trong rừng, gần điểm khai thác gỗ[69]. Dmitri Likhachev, sau này trở thành một trong những nhà bình luận văn học nổi tiếng nhất nước Nga, cảm thấy mình may mắn khi không bị phân vào làm ở một trong nhiều trại vô danh đóng giữa rừng. Ông đã tới một trại và viết lại như sau: “tôi phát rùng mình vì kinh hãi khi nhìn thấy nó: mọi người ngủ ngay trong những con hào vừa mới đào lúc ban ngày, đôi khi phải đào cả bằng tay”[70].

Ở ngoài trời, ban quản lý trung ương trại kiểm soát hành vi cá nhân lính gác và chỉ huy trại còn lỏng lẻo hơn. Trong hồi ký của mình, tù nhân Kiselev đã tả lại trại ở Anzer, nằm trên một hòn đảo nhỏ hơn. Do một nhân viên Cheka tên là Vanka Potapov chỉ huy, trại này gồm ba lán và một trụ sở cho lính gác đóng trong một nhà thờ cũ. Tù nhân đi đốn cây, không nghỉ lấy sức, không ngưng tay, thức ăn rất thiếu thốn. Tuyệt vọng mong được nghỉ lấy sức vài ngày, họ tự chặt vào tay chân mình. Theo Kiselev, Potapov xiên những “viên ngọc” ấy trên một cây sào dài và cho khách đến thăm xem, khoe khoang với họ rằng mình đã tự tay giết đến hơn 400 người. “Không ai còn sống sót từ đấy trở về”, Kiselev viết về Anzer. Thậm chí nếu ông này có quá phóng đại thì tự điều ấy cũng nói lên nỗi khủng khiếp của các trại ngoại vi đối với tù nhân[71].

Trên toàn cụm đảo, điều kiện vệ sinh đã đến mức thảm họa, lao động quá sức và chất lượng thức ăn tồi dẫn tới bệnh tật, và trên hết là dịch sốt chấy rận. Trong số 6.000 tù do SLON quản thúc năm 1925, có khoảng một phần tư chết trong mùa đông 1925-1926 trong một đợt bệnh dịch dữ dội. Theo một số tính toán thì con số chết bệnh ở mức khá cao: có từ một phần tư đến một nửa tù chết vì sốt chấy rận, thiếu ăn và vì các bệnh dịch khác hàng năm. Một tài liệu ghi nhận 25.552 ca sốt chấy rận tại các trại của SLON trong mùa đông 1929-1930 (vào lúc này thì SLON đã phình ra khá lớn)[72].

Nhưng đối với một vài tù nhân thì Solovetsky còn đáng sợ hơn cả thiếu thốn và bệnh tật. Trên đảo, tù là đối tượng cho mọi hình thức bạo lực xa đích và hành hạ vô nghĩa theo kiểu mà trong Gulag về sau này ít gặp hơn – như Solzhenitsyn mô tả – “quản nô đã trở thành một hệ thống có trù tính kỹ lưỡng”[73]. Mặc dù có nhiều hồi ký mô tả lại những hành động này, các kiểu hành hạ được thống kê đầy đủ nhất trong báo cáo của một ủy ban điều tra do Moscow gửi tới đây một thập kỷ sau. Trong quá trình điều tra, các quan chức Moscow kinh hoàng phát hiện ra rằng lính gác Solovetsky thường xuyên nhốt tù bị lột quần áo trong những tháp chuông cũ lạnh lẽo của nhà thờ vào mùa đông, tay chân họ bị trói quặt sau lưng bằng một mẩu thừng. Lính gác cũng vứt tù lên “băng ghế”, nghĩa là họ bị thúc phải ngồi trên các cây cọc có khi lâu tới 18 tiếng đồng hồ không được nhúc nhích, đôi khi với vật nặng buộc vào chân và bàn chân lơ lửng không chạm sàn nhà, cách này đảm bảo khiến tù tàn tật vĩnh viễn. Đôi khi, tù phải trần truồng đi tắm, điểm tắm cách đấy 2 cây số giữa thời tiết băng giá. Hoặc họ bị cho ăn thức ăn thối một cách có tính toán. Hoặc bị bỏ mặc không được chăm sóc y tế. Có những thời kỳ tù bị giao các công tác vô nghĩa không cần thiết như chuyển hàng khối tuyết từ nơi này qua nơi khác, hay phải nhảy từ trên cầu xuống dòng sông phía dưới trong khi lính gác hô to “Cá heo!”[74]

 Một hình thức hành hạ khác đặc trưng của đảo này, được đề cập trong cả hồ sơ lưu trữ lẫn các hồi ức, đó là “cho đi ngủ với muỗi”. Klinger, một sĩ quan Bạch vệ sau trở thành một trong số ít người chạy trốn thành công khỏi Solovetsky, đã viết rằng ông từng thấy kết quả kiểu hành tội này trên người một tù chỉ vì đòi lính gác cho nhận gói bưu phẩm từ nhà gửi đến. Đám lính gác bực mình đã phản ứng bằng cách lột hết quần áo ông này, kể cả đồ lót, trói ông vào một cái cột giữa khu rừng mà vào mùa hè vùng cực bắc lúc nhúc đầy muỗi. “Trong vòng nửa giờ, khắp thân thể bất hạnh của ông ấy bao kín những vết muỗi đốt”, Klinger viết. Cuối cùng, người đàn ông kia ngất đi vì đau và mất máu[75].

Xử tử hàng loạt dường như được thực hiện tùy tiện, nhiều tù nhớ lại cảm giác khiếp hãi trước cái chết không thể đoán trước. Likhachev tuyên bố đã thoát chết trong gang tấc trong một cuộc xử bắn hàng loạt vào cuối tháng Mười 1929. Tài liệu lưu trữ cũng cho thấy khoảng năm mươi người (chứ không phải 300 như Likhachev viết) bị hành quyết vào thời điểm đó với tội danh tổ chức một cuộc khởi loạn[76].

Cũng tương đương với án tử nếu dính phải án giam trong Sekirka, một nhà thờ có toàn bộ tầng hầm biến thành khám biệt giam Solovetsky. Thực ra, mặc dù có nhiều câu chuyện kể về những gì đã xảy ra dưới tầng hầm nhà thờ, có quá ít người trở về được từ Sekirka đến nỗi thật khó biết rõ thực tế ở đó ra sao. Một nhân chứng đã thấy cả một đội lao động từ đó đi tới chỗ làm việc: “một đoàn những con người đầy vẻ khiếp sợ, ánh mắt man dại, vài người chỉ có bao vải làm quần áo, tất cả đều đi chân trần, xung quanh là lính gác vũ trang đầy đủ…”[77]

Theo như các truyền thuyết của Solovetsky, chuyến hành trình dài 365 bậc thang lót gỗ dẫn từ nhà thờ Sekirka xuống dưới chân đồi dốc đứng cũng giết người không ít. Vào thời kỳ sau khi chính quyền trại cấm lính gác không được bắn vào tù nhân Sekirka nữa, bọn họ nghĩ ra cách dàn xếp các “tai nạn” và xô họ xuống các bậc thang[78]. Trong những năm gần đây, hậu duệ của tù Solovetsky đã dựng một thập giá bằng gỗ ở chân chuỗi bậc thang để đánh dấu nơi được cho là nhiều tù đã chết. Giờ đây đó là một điểm rất yên bình và khá đẹp – đẹp đến nỗi cuối những năm 1990 bảo tàng lịch sử địa phương Solovetsky đã cho in một thiếp Giáng Sinh với cảnh Sekirka, các bậc thang và cây thánh giá.

Trong khi tinh thần bất công và bất lường thống trị khiến hàng ngàn người phải chết trong các trại của SLON trong những năm 1920, cũng sự bất công và bất lường ấy đã giúp cho nhiều người không chỉ sống sót mà còn – đúng theo nghĩa đen – được ca hát và nhảy múa. Năm 1923, một số tù đã tổ chức được nhà hát đầu tiên của trại. Thoạt đầu các “diễn viên”, nhiều người trong số đó phải đi đốn gỗ trong rừng sâu mười giờ mỗi ngày trước khi đến buổi tập, không có cả đến kịch bản, chỉ diễn các vở kinh điển dựa theo trí nhớ. Nhà hát đã cải thiện đáng kể vào năm 1924, khi có trọn một nhóm cựu diễn viên chuyên nghiệp được chuyển tới trại (tất cả đều cùng bị kết án là thành viên một tổ chức hoạt động “phản cách mạng”). Cũng vào năm đó, họ đã đưa lên sân khấu vở Chú Vania của Chekhov và Những đứa con của Mặt trời của Gorky[79].

Về sau, nhiều vở opera và operetta đã được diễn tại nhà hát Solovetsky, tại đây cũng đã tổ chức được các buổi trình diễn nhào lộn và chiếu phim. Tiết mục biểu diễn âm nhạc buổi chiều bao gồm một đoạn trình diễn hòa tấu, một khúc ngũ tấu, một trích đoạn đồng ca hay aria từ một vở opera Nga[80]. Tiết mục biểu diễn vào tháng Ba 1924 bao gồm một vở kịch của nhà văn Leonid Andreev (con trai ông này là Danil, một nhà văn, sau cũng là một tù Gulag), một vở kịch Gogol và một buổi chiều tưởng niệm diễn viên Pháp Sarah Bernhardt[81].

3.jpg

Nhà hát không phải là nơi duy nhất diễn ra hoạt động văn hóa. Solovetsky cũng có một thư viện với 30.000 đầu sách, và một vườn thực vật, nơi tù nhân thí nghiệm ươm giống các loại cây vùng cực bắc. Tù Solovetsky, với nhiều người từng là các nhà khoa học St. Petersburg, cũng tổ chức một bảo tàng thực vật, động vật, nghệ thuật và lịch sử địa phương[82]. Một số tù quý phái hơn còn cầm theo gậy chống – ít nhất là dựa theo ảnh chụp – vốn đầy chất tư sản. Các ảnh chụp cho thấy một chiếc dương cầm, sàn nhà lót gỗ, trên tường treo chân dung Marx, Lenin và Lunacharsky – Bộ trưởng Văn hóa đầu tiên của Liên Xô – mọi thứ trông rất ấm cúng[83].

Sử dụng chiếc máy in cũ của các tu sĩ, tù Solovetsky cũng xuất bản hàng tháng các tạp chí và báo với tranh biếm họa, những khổ thơ đầy nỗi nhớ nhà, thậm chí cả một tiểu thuyết có tính hiện thực đến bất ngờ. Trong ấn bản Solovetskie ostrova (Đảo Solovetsky) tháng 12 năm 1925 có một truyện ngắn kể về một nữ diễn viên tù đi đày tại Solovetsky, bị buộc phải làm nhân công lau dọn, đã không thể thích nghi với cuộc sống mới. Truyện kết thúc với câu kết “Solovetsky đã bị nguyền rủa”.

Trong truyện ngắn khác, một cựu quý tộc từng được hưởng “những buổi chiều ấm cúng trong Cung điện Mùa Đông” nay tìm kiếm sự thoải mái trong môi trường mới chỉ bằng cách đến thăm một nhà quý tộc khác và trò chuyện về thời đại đã qua[84]. Rõ ràng là lối văn sáo rỗng hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được quán triệt. Không phải tất cả các câu chuyện đều có kết thúc có hậu vốn sau này trở thành sự bắt buộc, và không phải tất cả những nhân vật tù nhân hư cấu này đều vui vẻ thích ứng với hiện thực Xôviết.

Các tạp chí ở Solovetsky cũng in những bài viết khá uyên bác, từ các phân tích của Likhachev về chiêu mánh cờ bạc của tù tội phạm, cho tới các nghiên cứu về nghệ thuật và kiến trúc của các nhà thờ Solovetsky đổ nát. Trong khoảng từ 1926 tới 1929, nhà in SLON thậm chí còn xuất bản được hai mươi chín bộ tổng tập do Hội Bách khoa địa phương Solovetsky thực hiện. Các cư dân ở đây đã tiến hành nghiên cứu về động thực vật trên đảo, tập trung vào các loài sinh vật độc đáo – nai vùng cực bắc hay các loài thực vật địa phương – và xuất bản các bài viết về sản xuất gạch, các luồng gió, các khoáng chất có ích và thuộc da thú. Một vài tù quá nhiệt tình với chủ đề cuối đến nỗi vào năm 1927, khi hoạt động sản xuất trên đảo đã đạt tới đỉnh điểm, một nhóm tù đã nhập mấy con cáo lông xám bạc từ Phần Lan để “tự nuôi lấy” nhằm cải tạo chất lượng giống cáo địa phương. Ngoài ra, nhóm biên soạn bách khoa địa phương đã thực hiện khảo sát địa chất đảo, kết quả khảo sát ngày nay vẫn còn được giám đốc bảo tàng lịch sử địa phương đảo sử dụng[85].

Những tù nhân được ưu đãi ấy cũng tham gia các buổi lễ và ngày kỷ niệm của chính quyền Xôviết, những dịp mà các thế hệ tù sau này của trại luôn cố ý lờ đi. Tại một bài viết vào tháng Chín 1925 trong ấn bản Solovetskie ostrova có tả lại Lễ Mùng Một tháng Năm trên đảo. Chán thay, thời tiết lại rất xấu:

Vào ngày Mùng Một tháng Năm, trăm hoa đang đua nở trên khắp đất nước Liên Xô, nhưng tại Solovetsky biển vẫn còn đầy băng chưa tan, trên đảo tuyết vẫn phủ kín. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ vô sản. Từ sáng sớm, sự phấn khích đã bao trùm khắp các lán. Một số người tắm rửa. Một số cạo râu. Một số sửa soạn quần áo tươm tất, số khác thì đánh bóng ủng…[86]

Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn – xét theo quan điểm của những năm sau này – là sự bền bỉ ngoan cố duy trì các buổi lễ tôn giáo trên đảo. Một cựu tù, V. A. Kazachkov, đã nhớ lại buổi Lễ Phục Sinh “hoành tráng” năm 1926 như sau:

Không lâu trước ngày lễ, tay giám đốc nhà tù mới nhận chức yêu cầu tất cả những ai muốn đến nhà thờ phải tới trình diện hắn ta đem theo một tờ khai. Thoạt đầu hầu như không một ai làm theo – mọi người đều sợ lãnh hậu quả. Nhưng ngay trước Phục Sinh, một số đông đã làm tờ khai… Dọc con đường dẫn tới nhà thờ và nhà nguyện Onufrievskaya, mọi người đi thành nhiều hàng, tạo thành một đám rước lớn. Tất nhiên chúng tôi không thể chui tất vào trong nhà nguyện. Mọi người đứng bên ngoài, những ai đến muộn thậm chí không thể nghe được lễ[87].

Thậm chí trong ấn bản tháng 5/1924 của tờ Solovetskii Lager, một tạp chí khác của trại tù, được biên tập cẩn trọng nhưng vẫn khẳng định Lễ Phục Sinh là “một ngày lễ cổ truyền mừng mùa xuân đang tới”, mà “dưới ngọn cờ hồng, ta vẫn cần rất trân trọng”[88].

Cùng với những ngày lễ tôn giáo, một số ít các tu sĩ chính cống vẫn tiếp tục sống sót trong sự ngạc nhiên của đám tù, mãi đến tận nửa cuối thập kỷ 1920. Họ được giao nhiệm vụ làm “thày tu trợ giáo”, nhằm truyền đạt cho tù các kỹ năng cần thiết để điều hành những nông trại và xưởng chế biến cá trước đây từng rất phát đạt – cá trích Solovetsky từng nằm trong thực đơn trên bàn ăn của Sa hoàng – cũng như các bí mật của hệ thống kênh đào phức tạp họ vẫn dùng để nối giữa các nhà thờ trên đảo trong suốt nhiều thế kỷ. Nhóm các tu sĩ được bổ sung thêm, qua nhiều năm trời, khoảng vài chục thầy tu Xôviết và nhiều thành viên các dòng Thiên chúa, gồm cả Chính thống lẫn Công giáo, là những người đã chống lại việc tịch thu tài sản của nhà thờ hoặc đã vi phạm “sắc lệnh về việc tách Nhà thờ khỏi Nhà nước”. Giới tăng lữ, có gì đó giống như các tù chính trị cánh xã hội, được phép sống biệt lập trong một khu riêng biệt thuộc phạm vi nội cung nhà thờ và cũng được phép làm lễ trong căn nhà nguyện nhỏ của nghĩa trang mãi cho đến năm 1930-1931 – một biệt đãi bị cấm với những tù khác ngoại trừ trong các dịp đặc biệt.

Những “đặc quyền” đó hóa ra đã gây những khó chịu, đã có vài căng thẳng giữa đám tăng lữ với tù thường. Một nữ tù, bị chuyển đến biệt khu dành cho bà mẹ có con nhỏ trên đảo Anzer sau khi sinh con, đã nhớ lại các bà xơ trên đảo “giữ khoảng cách xa với đám tín đồ chúng tôi… họ cáu kỉnh, không ưa lũ trẻ và thù ghét chúng tôi”. Các tu sĩ khác, như nhiều hồi ký có nhắc đến, có thái độ trái ngược hẳn, cống hiến hết bản thân cho hoạt động truyền bá tích cực và các công tác xã hội, đối với cả tù thường phạm lẫn tù chính trị[89].

Đối với những người có chút tiền thì có thể dùng tiền mua chuộc để được miễn làm việc trong rừng hoặc tránh không bị hành hạ đến chết. Solovetsky có một nhà hàng có thể (bất hợp pháp) phục vụ cho tù. Những ai có đủ món tiền hối lộ cần thiết cũng có thể mua tại đây thực phẩm cho mình[90]. Ban quản lý trại có thời gian thậm chí còn tổ chức các “cửa hàng” trên đảo, ở đấy tù có thể mua nhu yếu phẩm như quần áo, với giá gấp hai lần các cửa hàng Xôviết bình thường[91]. Một nhân vật khẳng định mình từng hối lộ để thoát khỏi cảnh hành hạ là “Bá tước Violaro”, một gã du côn có tên tuổi xuất hiện (được phát âm với nhiều biến thể khác nhau) trong rất nhiều hồi ký. Tay bá tước, thường được mô tả là “Đại sứ Mexico ở Ai Cập”, đã mắc sai lầm khi quyết định đến thăm gia đình nhà vợ ở nước Cộng hòa Xôviết Grudia ngay sau Cách Mạng. Cả anh ta lẫn vợ đều bị bắt và bị đầy lên phương bắc. Mặc dù ban đầu có bị giam – tại đây nữ bá tước được giao việc giặt giũ – huyền thoại trong trại kể rằng với khoản tiền 5.000 rúp, tay bá tước đã mua được quyền cho cả hai sống trong một căn nhà biệt lập có ngựa và người hầu[92]. Nhiều người khác nhớ lại sự có mặt của một thương nhân Ấn Độ giàu có đến từ Bombay, sau này được thoát tù nhờ tác động từ lãnh sự quán Anh tại Moscow. Hồi ký của ông này về sau đã được các nhà in lưu vong xuất bản[93].

Các câu chuyện thật ấn tượng kể trên và những ví dụ khác về các tù nhân giàu có vẫn sống khỏe – và sớm được chuyển đi – ấn tượng đến nỗi vào năm 1926 một nhóm tù ít được ưu đãi hơn đã viết một bức thư gửi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, tố cáo “sự hỗn loạn và bạo lực đang ngự trị tại trại tập trung Solovetsky”. Sử dụng các cụm từ nhằm thu hút sự chú ý của các lãnh đạo cộng sản, họ than phiền rằng “những kẻ có tiền có thể thu xếp mọi việc ổn thỏa bằng tiền, do đó trút mọi gánh nặng lên vai các công nhân và nông dân rỗng túi”. Trong khi bọn giàu có mua được cho mình công việc nhẹ nhàng, họ viết, thì “người nghèo làm việc 14-16 tiếng mỗi ngày”[94]. Hóa ra, họ không phải là những người duy nhất cảm thấy không hài lòng với phương pháp xử lý tùy tiện của các chỉ huy trại Solovetsky.

Nếu bạo lực bừa bãi và đối xử bất công khiến tù khó chịu, thì những người ở cao hơn trong chính quyền Xôviết lại bực mình vì các vấn đề có khác biệt đôi chút. Đến giữa thập kỷ 1920, mọi sự đã rõ rằng các trại của SLON, cũng như phần còn lại của hệ thống trại tù “thông thường”, đã không thể đạt được mục đích quan trọng nhất mà họ đã đề ra: có thể tự cân đối tài chính[95]. Trong thực tế, không chỉ các trại tập trung Xôviết – cả “đặc biệt” và “thông thường” – đã thất bại trong việc tạo ra thu nhập, mà cả chỉ huy của chúng cũng đang thường xuyên yêu cầu cấp thêm nhiều tiền hơn.

Về mặt này thì Solovetsky cũng giống như các nhà tù Xôviết khác cùng thời kỳ. Trên đảo, những tột cùng của sự tàn nhẫn và an nhàn sung sướng có lẽ là trần trụi hơn bất cứ nơi nào khác, lý do bởi hoàn cảnh đặc biệt của tù và lính gác, nhưng cũng cùng mức độ bất hợp lý tùy tiện đặc trưng cho các trại và nhà tù khác trên khắp Liên Xô vào thời kỳ đó. Về lý thuyết, hệ thống nhà tù thông thường cũng bao gồm các “khối” lao động liên thông với những nông trại, xưởng sản xuất và nhà máy, và các hoạt động sản xuất của chúng cũng được tổ chức kém và có năng suất thấp y như vậy[96]. Một báo cáo thanh tra năm 1928 về một trong những trại như vậy tại vùng quê Karelia – có 59 tù, cùng 7 con ngựa, 2 con lợn và 21 con bò sữa – than phiền rằng chỉ có nửa số tù là có chăn đắp; rằng tình trạng lũ ngựa rất tệ (một con đã bị bán lén cho dân Digan); rằng những con ngựa còn lại thường xuyên phải chạy việc vặt cho lính gác trại; rằng khi tay thợ rèn tù nhân của trại hết hạn tù, anh ta bỏ đi ngay cùng tất cả dụng cụ của mình; rằng không một căn nhà nào của trại được sưởi ấm, thậm chí không được che chắn cẩn thận, chỉ trừ nơi ở của giám đốc trại. Còn tệ hơn nữa, cũng chính tay giám đốc ấy có đến ba tới bốn ngày mỗi tuần không có mặt trong trại; thường xuyên thả tù sớm hơn hạn mà không có sự cho phép; “khăng khăng từ chối” dạy nghề nông cho tù; và công khai ý kiến của mình cho rằng việc cải tạo tù là “vô ích”. Một số vợ tù vào sống ngay trong trại; các bà vợ khác đến thăm chồng một thời gian dài và biến vào rừng cùng với chồng mình. Lính gác thì suốt ngày “cãi cọ những chuyện vớ vẩn và say xỉn bét nhè”[97]. Không có gì ngạc nhiên rằng các lãnh đạo cao hơn đã quy trách nhiệm cho chính quyền vùng Karelia năm 1929 là “không quán triệt được tầm mức quan trọng của lao động cưỡng bức như một biện pháp phòng vệ xã hội và ưu điểm của biện pháp này đối với nhà nước và xã hội”[98].

Những trại như vậy hiển nhiên là không đem lại lợi ích kinh tế ngay từ lúc ban đầu, theo như số liệu lưu trữ cho thấy. Ngay từ tháng Bảy 1919, các lãnh đạo Cheka ở Gomel, Belorussia, đã gửi một lá thư cho Dzerzhinsky đề nghị bổ sung cho họ một khoản phụ trợ khẩn cấp 500.000 rúp: việc xây dựng các trại địa phương của họ đã phải dừng lại hoàn toàn vì thiếu kinh phí[99]. Hơn một thập kỷ sau, các cơ quan và bộ ngành khác nhau được giao nhiệm vụ quản lý trại tù vẫn tiếp tục cãi cọ nhau về chuyện kinh phí cũng như chia sẻ quyền lực. Các đợt ân xá tù được tuyên bố nhằm giảm áp lực cho hệ thống trại, đạt đỉnh điểm trong đợt đại ân xá mùa thu năm 1927, nhân kỷ niệm lần thứ mười Cách Mạng Tháng Mười. Có trên 50.000 người được thả khỏi hệ thống nhà tù thường, chủ yếu vì nhu cầu giảm sự quá tải và để tiết kiệm chi phí[100].

Ngày 10/11/1925, nhu cầu cần “sử dụng tù nhân hiệu quả hơn” đã được nhận thức ở cấp cao nhất. Vào thời điểm này, G. L. Pyatakov, một nhà Bolshevik nắm giữ một loạt các vị trí có ảnh hưởng đến nền kinh tế, đã viết cho Dzerzhinsky như sau: “Tôi phải đi đến một kết luận rằng,” trong thư ông này giải thích, “nhằm tạo điều kiện cơ bản nhất cho nền văn hóa lao động, các khu định cư lao động cưỡng bức cần phải được thành lập tại các khu vực cụ thể. Những khu định cư như vậy sẽ giảm áp lực quá tải cho các điểm giam giữ. GPU cần được hướng dẫn để khai thác giải pháp này”. Sau đó ông nêu ra bốn khu vực cần được phát triển ngay, cả bốn – gồm quần đảo Sakhalin vùng Viễn Đông, vùng đất quanh cửa sông Yenisei vùng cực bắc, vùng thảo nguyên Kazakh và khu vực quanh thành phố Nerchinsk ở Siberi – sau này đều trở thành các trại. Dzerzhinsky thống nhất với bản ghi nhớ và gửi nó cho hai đồng sự khác để cùng nghiên cứu triển khai[101].

Thoạt đầu đã chẳng có gì xảy ra, có lẽ bởi bản thân Dzerzhinsky mất sớm ngay sau đó. Tuy nhiên, bản ghi nhớ đã báo hiệu cho một sự thay đổi. Cho tới giữa thập kỷ 1920, giới lãnh đạo Liên Xô vẫn chưa làm rõ liệu hệ thống nhà tù và trại cải tạo nhằm vào nhiệm vụ hàng đầu là cải tạo tù nhân, hay trừng phạt tù nhân, hay để tạo lợi ích kinh tế cho chế độ. Giờ đây, nhiều cơ quan nắm giữ vận mệnh của hệ thống trại tập trung đã dần dần đạt được sự nhất trí: các nhà tù phải tự trang trải kinh phí. Đến cuối thập kỷ, thế giới hỗn loạn của hệ thống nhà tù Xôviết thời hậu cách mạng cần được biến đổi và một hệ thống mới sẽ ra đời từ cõi hỗn mang. Solovetsky không chỉ trở thành một đơn vị kinh tế có tổ chức mà cần trở thành một trại kiểu mẫu, một ví dụ để được nhân rộng hàng ngàn lần trên khắp lãnh thổ Liên Xô.

Thậm chí nếu không một ai ý thức được chuyện đó vào thời điểm ấy thì tầm quan trọng của Solovetsky cũng đã trở nên rõ ràng trong quá khứ. Sau này, khi báo cáo kết quả trong một cuộc họp Đảng bộ Solovetsky năm 1930, một lãnh đạo địa phương tên là đồng chí Uspensky đã tuyên bố rằng “kinh nghiệm công tác của trại Solovetsky đã thuyết phục Đảng và chính quyền rằng hệ thống nhà tù khắp đất nước Liên Xô cần được chuyển thành hệ thống trại lao động cải tạo”[102].

Một số thay đổi đó đã được tiên đoán ngay từ đầu, ở cấp cao nhất, giống như bản ghi nhớ gửi Dzerzhinsky đã cho thấy. Nhưng các kỹ thuật cần thiết cho hệ thống mới – các phương pháp mới để điều hành trại, để tổ chức tù nhân và chế độ làm việc cho họ – chỉ được hình thành trên chính quần đảo này. Hỗn loạn có thể ngự trị trên Solovetsky giữa những năm 1920, nhưng chính trong sự hỗn loạn đó hệ thống Gulag tương lai đã ra đời.

Câu trả lời có thể nằm phần nào trong việc làm cách nào và tại sao SLON đã bị biến đổi xoay quanh nhân vật Naftaly Aronovich Frenkel, một tù đã vươn lên vượt cấp để trở thành một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của Solovetsky. Một mặt, như Solzhenitsyn đã nêu ra trong cuốn Quần đảo Gulag rằng Frenkel đã tự sáng tạo ra kế hoạch định mức khẩu phần cho tù dựa trên khối lượng công việc họ làm được. Hệ thống lao động chết người này, vốn sẽ hủy hoại các tù sức yếu chỉ trong vòng vài tuần, sau này sẽ gây ra vô số cái chết, như chúng ta sẽ thấy. Mặt khác, một số đông các nhà sử học Nga và phương Tây lại tranh cãi về tầm quan trọng của Frenkel, xem vô số giai thoại về quyền lực vô hạn của Frenkel chỉ là huyền thoại[103].

Trong thực tế, Solzhenitsyn có lẽ đã đánh giá vai trò của Frenkel quá cao: tù nhân trong những trại tù Bolshevik thời trước hoặc thời tiền-Solovetsky cũng nhắc tới việc được phụ cấp thực phẩm cho công việc làm thêm, và trong mọi trường hợp thì ý tưởng đó là bình thường, không cần phải có một người như Frenkel sáng tạo ra[104]. Tuy nhiên, theo các lưu trữ mới được giải mật gần đây, đặc biệt lưu trữ của vùng Karelia – nước Cộng hòa Xô viết mà Solovetsky trực thuộc – tầm quan trọng của Frenkel đã được làm rõ. Thậm chí nếu Frenkel không sáng tạo được mọi khía cạnh của hệ thống này thì ông ta cũng đã tìm ra được cách để biến một nhà tù thành một đơn vị kinh tế đem lại lợi ích cụ thể rõ ràng, và ông làm được việc đó vào một thời điểm, tại một địa điểm và theo cách thức đã khiến ý tưởng trên thu hút được sự quan tâm của Stalin mạnh mẽ nhất.

Nhưng sự mập mờ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Tên của Frenkel xuất hiện trong rất nhiều hồi ký viết về những ngày đầu tiên của hệ thống trại tù, từ các hồi ký này ta thấy rõ là thậm chí chính cuộc đời ông ta cũng có xuất thân nhuốm đầy huyền thoại. Các bức ảnh chụp chính thức cho thấy một người đàn ông có cái nhìn nham hiểm đầy tính toán, đội cái mũ da với hàng ria xén tỉa cẩn thận; một người viết hồi ký nhớ lại rằng ông ta “ăn vận như một gã công tử”[105]. Một đồng nghiệp OGPU của Frenkel, rất ngưỡng mộ và thán phục ông ta về trí nhớ tuyệt vời và khả năng tính nhẩm trong đầu: “ông ấy không bao giờ viết bất cứ điều gì ra giấy”[106]. Hệ thống tuyên truyền Xôviết sau này cũng tô vẽ cho “khả năng ghi nhớ phi thường của ông”, ca ngợi “kiến thức tuyệt vời về khai thác gỗ và về công tác lâm nghiệp nói chung” của ông, chuyên môn cao về nông nghiệp và hoạch định kỹ thuật, cũng như kiến thức tổng hợp rất bao quát:

Lấy ví dụ, một hôm, anh sa vào tranh luận với hai công nhân của tổ hợp sản xuất xà phòng, nước hoa và mỹ phẩm. Chẳng mấy chốc anh đã khiến họ phải im bặt sau khi thể hiện vốn kiến thức khổng lồ của mình về ngành sản xuất nước hoa, thậm chí còn là một chuyên gia về thị trường quốc tế và biết rõ những tính chất khác thường của sở thích hay ác cảm khứu giác của cư dân quần đảo Mã Lai![107]

4

Frenkel đứng ngoài cùng bên phải

Những người khác vừa sợ vừa ghét ông ta. Trong một loạt những cuộc họp đặc biệt của Đảng ủy khám Solovetsky năm 1928, các đồng sự của Frenkel tố cáo ông đã tự tổ chức mạng lưới cấp tin cho riêng mình, “nhờ thế anh ta biết mọi chuyện về từng người một sớm hơn bất kỳ ai”[108]. Ngay từ năm 1927, những câu chuyện về ông ta đã len lỏi tới tận Paris. Tại một trong những cuốn sách đầu tiên về Solovetsky, một người Paris chống cộng đã viết về Frenkel rằng “nhờ có sự khởi đầu lạnh lùng kinh khủng của ông ta mà hàng triệu con người bất hạnh đã phải lãnh chịu bao thứ lao động khổ sai và đau khổ bạo tàn”[109].

Những người đương thời cũng không nắm rõ về thân thế ông ta. Solzhenitsyn gọi ông ta là “một gã Thổ Nhĩ Kỳ gốc Do Thái sinh ra tại Constantinople”[110]. Một người khác mô tả ông ta là một “nhà công nghiệp người Hungary”[111]. Shiryaev thì tuyên bố ông ta đến từ Odessa, trong khi những người khác nói ông ta đến từ Áo, hoặc Palestine, hoặc rằng ông ta từng làm việc trong nhà máy Ford ở Mỹ[112]. Câu chuyện trên được xác nhận một phần bởi hồ sơ tù của ông ta, theo đó ghi rõ ông ta sinh năm 1883 ở Haifa – lúc này Palestine đang là một bộ phận của Đế quốc Ottoman. Từ đây, ông ta lần lần tới (có lẽ hoặc qua ngả Odessa, hoặc qua ngả Áo-Hung) Liên Xô, nơi ông ta khai bản thân là một “thương gia”[113]. Năm 1923 chính quyền bắt giữ ông ta về tội “vượt biên trái phép”, có lẽ do ông ta là thương gia có liên quan tới buôn lậu, hoặc đơn giản do ông là một thương gia quá thành công đến nỗi không thể chấp nhận tại đất nước Liên Xô. Họ kết án ông ta mười năm lao động khổ sai tại Solovetsky[114].

Chính xác làm cách nào để Frenkel hóa thân từ một tù nhân trở thành chỉ huy trại vẫn còn là bí ẩn. Huyền thoại cho rằng sau khi vừa tới trại, ông choáng váng vì sự thiếu tổ chức, tốn phí vô ích tiền bạc và sức lao động đến nỗi lập tức ngồi xuống viết một bức thư cực kỳ chuẩn xác, mô tả tỉ mỉ những sai lầm trong mỗi đội lao động của trại – đốn gỗ, nông trại và sản xuất gạch. Ông đặt bức thư vào “hộp thư góp ý” của tù nhân, nó đã khiến một quản lý chú ý và gửi nó một cách đầy hiếu kỳ tới cho Genrikh Yagoda, người nhân viên Cheka khi đó đã mau chóng nhảy dần từng cấp trong cơ quan công an mật và cuối cùng trở thành lãnh đạo cơ quan. Người ta cho là Yagoda đã ngay lập tức yêu cầu được gặp tác giả bức thư. Theo như một người đương thời (và cả Solzhenitsyn, cũng không nêu nguồn) thì chính Frenkel tuyên bố rằng ông ta đã có lúc chuồn về Moscow, tại đó ông ta trao đổi ý mình với Stalin và Kaganovich, cũng là một tay chân của Stalin[115]. Đó là lúc huyền thoại trở nên mù mờ hơn nữa: mặc dù các lưu trữ cho thấy Frenkel đúng là có gặp Stalin trong những năm 1930, và mặc dù ông ta được Stalin che chở trong những năm khủng bố Đảng sau đó, nhưng không có ghi nhận về bất cứ cuộc gặp gỡ nào vào những năm 1920. Không thể khẳng định rằng điều này đã không xảy ra: đơn giản là có thể các lưu trữ này đã bị hủy[116].

Một số bằng chứng tường tận chứng minh cho những giả thuyết trên. Lấy ví dụ, Naftaly Frenkel đã được thăng từ tù nhân lên thẳng lính gác trong một thời gian ngắn đến đáng ngạc nhiên, thậm chí cả với các tiêu chuẩn lộn xộn của SLON. Tháng 11/1924, khi Frenkel cư trú trong trại được chưa đầy một năm, quan bản lý SLON đã làm thủ tục cho ông ta được tha. Đề nghị cuối cùng được chấp thuận vào năm 1927. Cho đến lúc này, ban quản lý trại thường gửi báo cáo cho OGPU mô tả Frenkel với các cụm từ tích cực như : “trong trại anh ta đã chứng tỏ bản thân là một công nhân tài năng nổi bật khiến anh giành được sự tin tưởng của ban quản lý SLON, và đã được đối xử theo đúng thẩm quyền… anh ta là một công nhân hiếm hoi rất có tinh thần trách nhiệm”[117].

Chúng ta cũng biết rằng Frenkel đã tổ chức và rồi điều hành Ekonomicheskaya kommercheskaya chast – Ban Kinh tế Thương mại của SLON, và tại đó khả năng cố gắng để trại Solovetsky không chỉ tự cân đối tài chính, như sắc lệnh về trại tập trung đã yêu cầu, mà còn thực sự thu lợi – đến mức họ bắt đầu giành bớt việc làm của các đơn vị sản xuất khác. Mặc dù đó là các đơn vị của Nhà Nước, không phải tư nhân, thành phần cạnh tranh này vẫn tồn tại trong nền kinh tế Liên Xô vào thập niên 1920, và Frenkel đã giành mất lợi nhuận của chúng. Tháng 9/1925, với Frenkel đang nắm Ban kinh tế, SLON đã giành được quyền đốn 130.000 mét khối gỗ rừng tại vùng Karelia, vượt qua mặt công ty lâm nghiệp địa phương. SLON cũng trở thành cổ đông trong Ngân hàng Cộng đồng Karelia, giành được quyền xây một con đường từ Kem tới thành phố Ukhta vùng cực bắc[118].

Ngay từ đầu chính quyền Karelia đã mất bình tĩnh với những hoạt động kể trên, đặc biệt từ khi họ bắt đầu chống lại việc xây dựng trại[119]. Càng ngày lời than phiền của họ càng lớn tiếng. Tại một cuộc họp trên danh nghĩa để bàn về việc mở rộng SLON, chính quyền địa phương than phiền rằng trại này có khả năng sử dụng lao động giá rẻ nên cạnh tranh bất công, do đó khiến những công ty lâm nghiệp bình thường mất việc làm. Ngay sau đó, thái độ trong cuộc họp thay đổi hẳn, và những người tham dự đã phản đối dữ dội. Tại cuộc họp của Hội đồng Dân ủy Karelia – chính quyền nước Cộng hòa Karelia – tháng 2/1926, nhiều lãnh đạo địa phương đã chỉ trích SLON vì đòi hỏi họ quá nhiều và vì đang yêu cầu cấp thêm tiền để xây con đường từ Kem tới Ukhta. “Đã rõ ràng rằng”, đồng chí Yuzhnev giận dữ kết luận, “SLON là một kommersant, một con buôn với đôi tay khổng lồ luôn quơ quào, và mục tiêu cơ bản của nó chỉ là kiếm lợi nhuận”[120].

Công ty thương mại vùng Karelia, một công ty quốc doanh, cũng xắn tay áo chống lại quyết định mở cửa hàng của SLON tại Kem. Các công ty quốc doanh không đủ điều kiện để thực kiện một việc như vậy, nhưng SLON, vốn có thể bắt các nhân viên tù của mình làm việc nhiều giờ hơn và có thể trả công họ rẻ hơn nhiều – gần như không phải trả gì – thì có thể làm được[121]. Chính quyền địa phương than phiền rằng, tệ hơn nữa là SLON có mối liên hệ đặc biệt với OGPU cho phép nó không thèm đếm xỉa tới luật pháp địa phương và không phải nộp tiền vào ngân sách vùng[122].

Cuộc tranh cãi quanh vấn đề lợi nhuận, tính hiệu quả và sự công bằng trong phân công lao động tù được tiếp diễn trong suốt một phần tư thế kỷ sau đó (và sẽ được phân tích nhiều hơn ở những phần sau của cuốn sách này). Nhưng đến giữa thập kỷ 1920, chính quyền vùng Karelia đã thất bại trong cuộc chiến này. Trong báo cáo của mình năm 1925 về tình hình kinh tế của trại Solovetsky, đồng chí Fyodor Eichmanns – lúc này là phó của Nogtev, mặc dù về sau ông lên làm chỉ huy trại – đã khoác lác về các thành tựu kinh tế của SLON, tuyên bố rằng nhà máy sản xuất gạch của nó, trước đấy trong “tình trạng rất khó khăn”, nay đang rất phát đạt, các công ty đốn gỗ của nó hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, nhà máy điện của nó đã xây dựng xong, còn sản lượng cá đã tăng lên gấp đôi[123]. Nội dung của các báo cáo đó sau này xuất hiện cả trên tạp chí của Solovetsky lẫn khắp nơi trên đất nước Liên Xô để phổ biến cho công chúng[124]. Nội dung của chúng bao gồm những tính toán rất cẩn thận: một báo cáo cho biết chi phí cho khẩu phần trung bình hàng ngày là 29 kopek, chi phí quần áo hàng năm là 34 rúp 57 kopek. Tổng chi phí cho mỗi tù nhân, gồm cả chăm sóc sức khỏe và di chuyển, được tính ra là 211 rúp 67 kopek một năm[125]. Mặc dù tới cuối năm 1929, trong thực tế trại này đã thâm hụt một khoản tiền 1,6 triệu rúp[126] – rất có thể do OGPU có rút thêm từ ngân quỹ – thành công kinh tế giả định của Solovetsky vẫn được ca ngợi vang xa và rộng khắp.

Sự thành công ấy trở thành tâm điểm bàn cãi về việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống nhà tù Xôviết. Nếu kết quả đó đạt được với mức khẩu phần thấp hơn và điều kiện sống cho tù tồi tệ hơn thì cũng chẳng làm sao[127]. Nếu kết quả đó đạt được với cái giá phải trả là khiến quan hệ với chính quyền địa phương xấu đi, cũng chẳng khiến ai thấy phiền.

Bản thân bên trong trại, chẳng mấy người nghi ngờ về việc ai là người đem lại cái kết quả được coi là thành công ấy. Mọi người đều nhất trí Frenkel là người đã thương mại hóa trại này, và cũng rất nhiều người vô cùng ghét ông ta vì điều ấy. Tại một cuộc họp chi bộ Solovetsky đầy ganh ghét năm 1928 – có nhiều ganh ghét đến nỗi một phần của biên bản họp được đánh giá là quá bí mật để được giữ lại trong hồ sơ lưu trữ, đồng thời bị xem là không có giá trị – một chỉ huy trại, đồng chí Yashenko, than phiền rằng Ban Kinh tế-Thương mại của SLON đã thu nắm được quá nhiều ảnh hưởng: “mọi thứ đều nằm trong tay họ”. Ông này cũng chỉ trích Frenkel, “một cựu tù được tha sau ba năm trong trại chỉ bởi vì vào lúc ấy không có đủ người (lính gác) làm việc cho trại”. Frenkel đã trở nên quan trọng đến nỗi, Yashenko than phiền (lời lẽ ông này có thái độ bài Do Thái rõ rệt), “khi có tin đồn là anh ta sắp chuyển đi, mọi người liền bảo ‘Chúng ta không thể làm việc thiếu anh ấy được’”.

Yashenko ghét Frenkel tới mức, theo như ông ta thừa nhận, ông ta đã ngầm tính thủ tiêu Frenkel. Những người khác tự hỏi tại sao Frenkel, một cựu tù nhân, lại được hưởng các chế độ đặc biệt và được mua hàng giá rẻ tại các cửa hàng của SLON – cứ như thể ông ta là chủ nhân vậy. Một số người nói rằng SLON đã trở nên thương mại hóa đến mức quên hết các nhiệm vụ khác: mọi hoạt động tái giáo dục con người trong trại đều bị ngưng lại, còn tù thì phải thực hiện các định mức lao động đầy bất công. Đến mức các vụ tù tự chặt chân tay mình để thoát khỏi công việc đã không được điều tra chi hết[128].

Nhưng ngay vào lúc SLON thắng trong cuộc tranh cãi với chính quyền vùng Karelia thì Frenkel cũng chiến thắng trong cuộc tranh cãi trong nội bộ SLON – có lẽ nhờ mối quan hệ của ông ta với Moscow – về vấn đề trại Solovetsky sẽ nên phát triển theo hình thức nào, tù nhân cần lao động trong trại ra sao, và họ cần được đối xử như thế nào.

5.jpg

6.jpg

Như tác giả đã đề cập, Frenkel có lẽ đã không tự sáng tạo ra hệ thống nổi tiếng anh-được-ăn-theo-mức-anh-làm-việc, theo đó tù được phát khẩu phần theo khối lượng công việc họ hoàn thành. Tuy nhiên, ông ta đúng là đã điều phối việc phát triển và nảy nở của hệ thống đó, ban đầu chỉ từ các thu xếp tùy tiện để đôi khi công việc được “trả công” bằng thức ăn, cho tới khi hình thành một phương pháp rất chính xác và được điều hành trật tự để phân phối thực phẩm và tổ chức tù nhân.

Trong thực tế, hệ thống của Frenkel khá là rõ ràng. Ông chia tù của SLON thành ba nhóm dựa theo khả năng lao động: nhóm được đánh giá là có thể lao động nặng, nhóm có thể lao động nhẹ và nhóm tàn phế. Mỗi nhóm được nhận các nhiệm vụ khác nhau và một định mức khối lượng phải hoàn thành. Và họ được cho ăn dựa theo đó – mức chênh lệch khẩu phần giữa ba nhóm là khá đáng kể. Một bảng phân cấp, được lập trong khoảng từ 1928 đến 1932, chia 800 gram bánh mì và 80 gram thịt cho nhóm thứ nhất; 500 gram bánh mì và 40 gram thịt cho nhóm thứ hai; 400 gram bánh mì và 40 gram thịt cho nhóm thứ ba. Loại người lao động thấp nhất, nói cách khác, sẽ được nhận chỉ phân nửa thực phẩm so với loại cao nhất[129].

Trong thực tiễn, hệ thống này rất mau chóng phân tù thành hai loại: loại có thể sống sót và loại không thể. Được nuôi ăn tốt, các tù khỏe càng khỏe hơn. Bị thiếu thức ăn, các tù yếu sẽ càng yếu hơn, cuối cùng sẽ mắc bệnh hoặc chết. Tiến trình này được đẩy nhanh tới tột cùng bởi định mức công việc thường được lập khá cao – tới mức không thể hoàn thành đối với một số người, đặc biệt với dân thành thị chưa từng đào than hoặc hoặc đốn gỗ. Năm 1928, chính quyền trung tâm đã phạt một nhóm lính gác bởi họ bắt 128 người phải làm việc trong rừng suốt đêm giữa mùa đông để hoàn thành định mức sản lượng. Một tháng sau, 75 phần trăm số tù này vẫn còn ốm nặng vì bị giá ăn nghiêm trọng[130].

Dưới tay Frenkel, bản chất của lao động ở SLON cũng bị thay đổi: ông ta không thèm quan tâm tới những trò hoa hòe hoa sói như nuôi thú lấy lông hay ươm trồng các giống cây lạ miền cực bắc nữa. Thay vào đó, ông cho tù đi xây dựng đường xá và đốn cây, rất thuận tiện nhờ lượng lao động trình độ thấp và không tốn tiền công mà SLON có rất nhiều[131]. Bản chất của lao động đã mau chóng thay đổi bản chất của trại tù, hay đúng hơn là của các trại tù, bởi giờ đây SLON đang bắt đầu mở rộng trong phạm vi quần đảo Solovetsky. Đặc biệt, Frenkel không còn quan tâm việc giữ tù bên trong phạm vi trại tù hay bên trong một nhà tù, đằng sau hàng rào kẽm gai. Ông gửi các đội tù lao động đi khắp Cộng hòa Karelia và vùng Arkhangelsk thuộc nội địa nước Nga, cách xa Solovetsky hàng ngàn cây số, tới những nơi cần đến họ nhất[132].

Như một chuyên gia quản lý nắm quyền điều hành một công ty đang thua lỗ, Frenkel cũng “phân loại” các khía cạnh khác của cuộc sống trong trại, dần dần hủy bỏ mọi thứ không đem lợi cho hoạt động sản xuất kinh tế của trại. Mọi hoạt động tái giáo dục giả tạo mau chóng ngưng lại. Theo như lời than phiền của những kẻ gièm pha Frenkel, ông ta đã đóng cửa các tờ tạp chí và báo của trại, cho ngừng các cuộc họp của Hội Bách khoa địa phương Solovetsky. Bảo tàng và nhà hát Solovetsky tiếp tục tồn tại, nhưng chủ yếu để tạo ấn tượng với các nhân vật quan trọng tới thăm.

Đồng thời, bạo lực bừa bãi cũng trở nên ít phổ biến hơn. Năm 1930, Ủy ban Shanin, đoàn công tác đặc biệt của OGPU, đã tới đảo để điều tra tin đồn về việc đối xử tệ với tù. Báo cáo của họ xác nhận các câu chuyện về việc hành hạ và đánh đập tù quá mức trên đảo. Với chính sách trái hẳn tiền lệ đến đáng ngạc nhiên, ủy ban này đã kết án và hành quyết mười chín thủ phạm là nhân viên OGPU[133]. Lối hành xử như vậy giờ đây được xem là không phù hợp với một cơ quan có trudosposobnost – “năng lực làm việc” – đáng giá trên hết mọi thứ.

Cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Frenkel, khái niệm “tù chính trị” đã thay đổi. Mùa thu năm 1925, lằn ranh giả tạo từng được vạch ra giữa những ai bị lãnh án tội phạm và những người bị kết án phản cách mạng đã biến mất do cả hai nhóm này đều bị gửi về nội địa để làm việc trong các dự án lâm nghiệp và xưởng chế biến gỗ khổng lồ của Karelia. SLON không còn chấp nhận các ưu tiên cho tù mà xem mọi tù đều là những lao động có thể sử dụng[134].

Các cư dân đảng xã hội của lán Savvatyevo đem lại một vấn đề lớn hơn. Rõ ràng, quan điểm xã hội không phù hợp với bất cứ ý tưởng nào về tính hiệu quả kinh tế do họ đều từ chối, về nguyên tắc, thực hiện bất cứ hình thức lao động cưỡng bức nào. Họ thậm chí còn từ chối việc tự chặt lấy củi cho mình. “Chúng tôi đã bị chính quyền cho đi đày”, một người than phiền, “vậy thì chính quyền phải cung cấp cho chúng tôi mọi thứ cần thiết”[135]. Không ngạc nhiên rằng tình thế này bắt đầu khiến cho ban quản lý trại bực bội. Mặc dù bản thân đã từng thương lượng với tù chính trị ở Petrominsk dạo mùa xuân năm 1923, và đã từng hứa cho họ một chế độ tự do hơn trên Solovetsky nếu họ chấp nhận chuyển đến đây một cách yên bình, chỉ huy trại Nogtev tỏ ra vô cùng bực mình vì những đòi hỏi bất tận của họ. Ông này tranh cãi với tù chính trị về chuyện họ muốn tự do đi lại, về quyền họ được đến khám bác sĩ, và về quyền của họ được liên lạc với thế giới bên ngoài. Cuối cùng, ngày 19 tháng 12 năm 1923, vào cao điểm của cuộc tranh luận hết sức gay gắt về giờ giấc giới nghiêm của tù, lính gác lán Savvatyevo đã nổ súng vào một nhóm tù chính trị, giết chết sáu người.

Vụ này gây ra náo động lớn ở nước ngoài. Hội Chữ thập đỏ Chính trị tuồn các báo cáo về cuộc nổ súng qua biên giới. Các bài tường thuật có mặt trên báo chí phương Tây thậm chí trước cả khi chúng được xuất hiện tại Nga. Những bức điện tín giữa quần đảo và các lãnh đạo Đảng chuyền qua chuyển lại như con thoi. Thoạt đầu, chính quyền trại bênh vực cho việc nổ súng, tuyên bố rằng tù đã vi phạm giờ giới nghiêm và rằng lính gác đã có cảnh cáo ba lần trước khi nổ súng.

Sau đấy, vào tháng Tư năm 1924, trong khi vẫn không thừa nhận là lính gác đã không có bất cứ cảnh cáo nào – còn tù thì thống nhất là họ không được cảnh cáo – ban quản lý trại cung cấp một bản phân tích tỷ mỉ về những gì đã xảy ra. Tù chính trị, theo như báo cáo này giải thích, thuộc một “giai cấp khác” với những người lính được giao nhiệm vụ canh giữ họ. Các tù đã sử dụng thời gian của họ để đọc sách báo; lính thì không có sách và báo. Tù ăn bánh mì trắng, bơ và sữa; còn lính thì một miếng như vậy cũng không có. Đó là một “tình thế bất bình thường”. Sự căm giận đã hình thành một cách tự nhiên, công nhân thì phải căm ghét bọn không làm việc, và khi tù vi phạm giờ giới nghiêm thì máu phải đổ là không thể tránh khỏi[136]. Để hỗ trợ cho kết luận này, ban quản trại đã đọc to các bức thư của tù trong cuộc họp Ủy ban Trung ương Đảng tại Moscow: “Anh cảm thấy khỏe, anh ăn uống ngon miệng… bây giờ không cần thiết phải gửi quần áo và thực phẩm cho anh nữa”. Các bức thư khác mô tả cảnh quan tuyệt đẹp trên đảo[137]. Khi một vài bức thư như vậy xuất hiện trên mặt báo chí Xôviết, tù nhân khăng khăng rằng họ đã viết những mô tả điền viên về cuộc sống trên đảo như vậy cốt chỉ để người thân họ bình tĩnh không phải lo lắng nữa[138].

Đầy phẫn nộ, Ủy ban Trung ương Đảng ra tay hành động. Một ủy ban do Gleb Boky, một lãnh đạo OGPU chịu trách nhiệm về các trại tập trung, đã thực hiện chuyến đến thăm trại Solovetsky và nhà tù trung chuyển ở Kem. Một chuỗi các bài viết trên tờ Izvetstiya đã tiếp nối trong tháng Mười năm 1924. “Những ai tin rằng Solovetsky là một nhà tù ảm đạm buồn thảm, nơi con người ngồi giết thời gian trong các nhà ngục chật kín, rõ ràng đã hoàn toàn sai lầm”, N. Krasikov viết. “Toàn trại là một tổ chức làm kinh tế khổng lồ bao gồm 3.000 lao động, làm việc trong những hoạt động sản xuất rất đa dạng”. Sau khi ngân nga ca ngợi nền công nghiệp và nông nghiệp của Solovetsky, Krasikov tiếp tục mô tả cuộc sống tại lán Savvatyevo của các tù xã hội:

Cuộc sống của họ có thể mô tả là trí thức vô chính phủ, với đầy đủ mọi khía cạnh tiêu cực của hình thức tồn tại đó. Ăn không ngồi rồi ngày này qua ngày khác, lải nhải về những bất đồng chính trị, các cãi cọ trong gia đình, các tranh luận bè phái, và trên hết là thái độ hung hăng và thù địch đối với nhà nước nói chung và với ban quản lý địa phương và các lính gác Hồng quân nói riêng… tất cả kết hợp lại khiến cho ba trăm con người rảnh rỗi đó trở nên thù địch với mọi biện pháp và mọi cố gắng của chính quyền địa phương nhằm đưa sự quy củ và có tổ chức vào cuộc sống của họ[139].

Trên một tạp chí khác, chính quyền Xôviết tuyên bố rằng tù xã hội được hưởng khẩu phần còn hơn cả trong Hồng quân. Những tù ấy cũng được tự do gặp gỡ thân nhân – nếu không làm cách nào họ có thể tuồn tin ra ngoài? – và được rất nhiều bác sĩ chăm sóc, còn nhiều hơn cả trong các khu ở công nhân bình thường. Một cách mỉa mai, bài báo cũng tuyên bố rằng các tù đó đòi được dọn ăn “sơn hào hải vị” với hàm răng bịt vàng lấp lánh trong miệng[140].

Đó chỉ là khởi đầu cho sự kết thúc. Sau một chuỗi các cuộc tranh luận, tại đấy Ủy ban Trung ương đã cân nhắc và gạt đi ý tưởng cho đi đày tù chính trị ra nước ngoài – họ lo rằng sẽ ảnh hưởng tới các đảng xã hội phương Tây, và đặc biệt, vì lý do gì đấy, ảnh hưởng tới Đảng Lao động Anh quốc – họ đã đi tới một quyết định[141]. Mờ sáng ngày 17 tháng Sáu năm 1925, binh lính tỏa ra bao vây tu viện Savvatyevo. Họ cho tù hai giờ đồng hồ để gói ghém đồ đạc. Sau đó họ dẫn tù ra bến cảng, dồn lên tàu và đưa tù về các nhà tù xa xôi hẻo lánh tại vùng Trung Nga – Tobolsk, miền Tây Siberi, và Verkhneuralsk, trong dãy Ural – nơi những người này phải chịu điều kiện sống còn tệ hơn tại Savvatyevo[142]. Một tù viết lại

phòng giam bị khóa chặt, không khí bên trong vấy đầy mùi của chiếc xô đại tiểu tiện cũ hôi thối; các tù chính trị bị cách ly không được liên lạc với nhau… khẩu phần của chúng tôi còn tệ hơn cả ở Solovetsky. Ban quản tù từ chối chấp nhận các starosta (nhóm trưởng) do chúng tôi bầu lên. Không có cả bệnh viện lẫn hỗ trợ y tế. Nhà tù có hai tầng: các phòng giam tầng dưới ẩm ướt và tối tăm. Trong đó giam cầm các đồng chí bị bệnh, một số trong đó bị mắc bệnh lao phổi…[143]

Mặc dù họ vẫn tiếp tục chiến đấu đòi hỏi quyền lợi, vẫn gửi các bức thư ra nước ngoài, vẫn gõ lên tường phòng giam các thông điệp gửi mọi người và vẫn tiến hành các cuộc tuyệt thực, hệ thống tuyên truyền Bolshevik đang nhấn chìm dần các chống đối của phe xã hội. Tại Berlin, Paris và New York, các tổ chức cứu trợ tù nhân bắt đầu cảm thấy khó khăn hơn mỗi khi cần quyên góp tiền bạc[144]. “Khi sự kiện ngày 19 tháng 12 xảy ra”, một tù viết cho một người bạn bên ngoài nước Nga, ý nói đến cuộc nổ súng bắn chết sáu tù năm 1923, “dường như chúng tôi đã chủ quan cho rằng “thế giới sẽ bị chấn động” – tức thế giới đảng xã hội của chúng tôi. Nhưng hóa ra nó đã không chú ý đến sự kiện Solovetsky, và rồi một tràng cười nhạo tiếp nối theo tấn thảm kịch”[145].

Đến cuối thập niên 1920 tù chính trị xã hội không còn mang một thân phận khác biệt nữa. Họ phải ở chung với những người Bolshevik, Trotskyit và đám tội phạm. Trong vòng một thập kỷ những tù chính trị – hay đúng hơn là “phản cách mạng” – sẽ được xem không còn là tù được ưu đãi mà chỉ là thứ tù chiếu dưới, thấp kém hơn tù tội phạm trong hệ thống thứ bậc của trại. Không còn là các công dân với những quyền chính trị được bảo vệ, họ khiến đám cai tù quan tâm chỉ khi nào họ còn có thể làm việc được. Và chỉ khi họ còn có thể làm việc thì mới được cho đủ ăn để tiếp tục sống sót.

3 . Năm 1929: Thời kỳ Đại chuyển hướng

Khi người Bolshevik lên nắm quyền, họ đã nương tay và dễ dãi với đám kẻ thù… chúng ta đã bắt đầu bằng việc mắc một sai lầm. Khoan dung với thứ quyền lực như vậy là một tội ác chống lại giai cấp lao động. Điều ấy sẽ sớm rõ ràng ngay thôi…

– Joseph Stalin[146]

Ngày 20 tháng Sáu năm 1929, con tàu Gleb Boky đậu lại một bến cảng nhỏ dưới chân tu viện Solovetsky. Phía trên cao, các tù theo dõi cảnh này với nhiều dự cảm. Thay vì một đám tù hốc hác lặng lẽ bước xuống từ boong chiếc Gleb Boky, một nhóm người khỏe mạnh và đầy sinh lực – có cả một phụ nữ – vừa trò chuyện và khoa chân múa tay vừa bước đi trên bãi biển. Trong các tấm ảnh chụp ngày hôm đó, hầu hết đều mặc quân phục: trong số đó có nhiều nhân viên Cheka cao cấp, gồm cả đích thân Gleb Boky. Một người trong bọn họ, cao hơn tất cả những người còn lại, có bộ râu mép rậm, ăn bận giản dị hơn, đội cái mũ lưỡi trai công nhân và khoác chiếc áo choàng dài vải thô. Đó là nhà văn Maxim Gorky.

Dmitri Likhachev là một trong những tù đứng theo dõi từ sau cửa sổ, ông nhớ lại có cả các hành khách khác: “Có thể nhìn rõ cái gò đất mà Gorky đứng trên đó một lúc rất lâu, cùng với một nhân vật vẻ buồn rầu mặc áo khoác da và quần túm ống bằng da, ủng cao cổ và đội mũ da. Đó là con gái dượng của Gorky, vợ con trai Maxim của ông. Cô này rõ ràng đang ăn mặc, với lối mà theo ý cô, là trang phục của một “chekistka” chân chính”. Sau đó nhóm người này lên một xe ngựa của tu viện, kéo bởi “một con ngựa mà chỉ Trời biết là lôi ở đâu ra”, và rồi đi một vòng quanh đảo[147].

7

Maxim Gorky (đứng giữa), đội cái mũ vải, mặc áo choàng và đeo cà vạt, đến thăm Solovetsky năm 1929, chụp ảnh cùng con trai, con dâu và các chỉ huy trại. Đằng sau là nhà thờ Sekirka, nơi có khám trừng phạt.

Đúng như lời Likhachev, Gorky không phải là một khách tham quan bình thường. Vào thời điểm này của cuộc đời ông, Gorky là đứa con hoang toàng được tán thưởng và ca tụng nhất của phe Bolshevik. Là một người xã hội tận tâm từng rất gần gũi với Lenin, tuy nhiên Gorky đã phản đối cuộc biến chính của phe Bolshevik năm 1917. Trong các bài báo và phát biểu sau đó, ông liên tục kịch liệt lên án sự kiện này và nền khủng bố tiếp sau, nói về “chính sách điên rồ” của Lenin và về việc Petrograd đã trở thành một “đống phân”. Cuối cùng ông đi lưu vong năm 1921, rời nước Nga để đến Sorrento, tại đấy ông vẫn tiếp tục, ban đầu là tung ra hàng loạt thư từ giận dữ lên án những bạn bè mình tại quê nhà.

Qua thời gian, lời lẽ của ông có thay đổi, đến nỗi vào năm 1928 ông quyết định quay trở về, với những lý do cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Solzhenitsyn đã tuyên bố khá nhỏ mọn rằng ông quay về vì ông không được nổi tiếng ở phương Tây như đã mong đợi, và đơn giản là vì hết tiền. Orlando Figes lại nhận thấy rằng ông đã vô cùng bất hạnh khốn khổ trong cảnh lưu vong, và không thể chịu đựng được những nhóm lưu vong người Nga khác, hầu hết đều chống cộng điên cuồng hơn ông nhiều[148]. Bất kể động cơ của ông là gì, ngay sau khi quyết định sẽ quay trở về, ông liền hạ quyết tâm giúp đỡ chế độ Xôviết càng nhiều càng tốt. Hầu như ngay lập tức, ông tiến hành một loạt các chuyến đi ồn ào khắp đất nước Liên Xô, trong đó tính toán một cách kỹ lưỡng việc chọn Solovetsky là điểm khởi đầu. Mối quan tâm từ rất lâu của ông đối với nhà tù bắt nguồn từ kinh nghiệm của chính ông đã bị ngồi tù khi còn trẻ.

Vô số hồi ký nhắc lại chuyến tới thăm Solovetsky của Gorky, và tất cả đều thống nhất rằng việc chuẩn bị công phu cho nó đã được thực hiện từ rất sớm. Một số người nhớ lại rằng luật lệ của trại bị thay đổi trong những ngày đó, rằng chồng được cho phép gặp vợ, có lẽ để mọi người trông có vẻ tươi tắn hơn[149]. Likhachev viết rằng những cây tán rộng được trồng quanh khu lao động để khiến chúng đỡ ảm đạm hơn, và rằng tù được chuyển bớt khỏi lán để lán đỡ đông đúc hơn. Nhưng các hồi ký lại không thống nhất về việc Gorky đã thực sự làm gì khi ông tới đây. Theo Likhachev, nhà văn đã biết rõ tất cả những cố gắng nhằm che mắt ông. Khi được đưa đi xem khu bệnh viện, thấy tất cả nhân viên quản lý tại đây đều mặc áo choàng mới, Gorky đã hít một hơi, “Tôi không thích xem diễu hành,” và rồi ông bỏ đi. Ông bỏ ra mười phút tại khu lao động – theo lời Likhachev – và rồi ông ngồi riêng với một cậu bé tù mười bốn tuổi, nhằm được nghe “sự thật”. Ông xuất hiện bốn mươi phút sau, mắt ứa lệ[150].

Mặt khác, Oleg Volkov, người cũng có mặt trên đảo Solovetsky khi Gorky tới thăm, đã tuyên bố rằng nhà văn này “chỉ tới xem nơi nào ông ta được bảo cho xem”[151]. Và, mặc dù câu chuyện về cậu bé mười bốn tuổi xuất hiện ở nhiều nguồn – theo một nguồn thì cậu bé lập tức bị bắn chết sau khi Gorky rời đảo – những người khác cho rằng mọi tù cố gắng tới gần Gorky đều bị xua đi[152]. Chắc chắn các lá thư của tù gửi tới Gorky sau này đều bị chặn lại, và theo một nguồn thông tin thì ít nhất một trong số các tác giả của chúng sau đó đã bị hành quyết[153]. V. E. Kanen, một nhân viên OGPU bị cách chức đã từng là tù nhân, thậm chí còn tuyên bố rằng Gorky đã đến thăm các phòng biệt giam của Sekirka, tại đấy ông đã ký lên cuốn tạp chí của nhà tù. Một trong các lãnh đạo OGPU ở Moscow đi cùng Gorky đã viết vào “khi tới thăm Sekirka, tôi thấy mọi thứ đều trật tự, đúng theo cách chúng phải như vậy”. Dưới dòng chữ ông này, theo lời Kanen, Gorky đã viết thêm lời bình luận: “Tôi phải nói là – thật tuyệt vời”[154].

Nhưng mặc dù chúng ta không biết chắc điều gì ông đã thực sự làm hoặc chứng kiến trên đảo, chúng ta có thể đọc bài tiểu luận ông viết sau đó, có hình thức của một phác thảo du lịch. Gorky khen ngợi cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của của quần đảo và mô tả những công trình đẹp như tranh cùng các cư dân đẹp như vẽ của nó. Trên thuyền đi tới đảo, ông thậm chí còn gặp vài cựu tu sĩ Solovetsky. “Thế chính quyền đã đối xử với các tu sĩ ra sao?” ông hỏi họ. “Chính quyền muốn mọi người đều phải làm việc. Vậy là chúng tôi làm việc,” họ trả lời[155].

Gorky cũng viết ca ngợi về điều kiện sống, rõ ràng muốn định hướng để người đọc hiểu rằng một trại lao động Xôviết không giống chút nào với một trại lao động tư bản (hay một trại lao động thời Sa hoàng), mà hoàn toàn là một loại hình mới. Trong một số phòng, ông viết, ông trông thấy “bốn hay sáu chiếc giường, mỗi chiếc trang trí bằng những đồ đạc cá nhân… trên bậu cửa sổ có trồng hoa. Không hề có ấn tượng về một cuộc sống bị sắp đặt quá đáng. Không, không có chút gì giống với một nhà tù, thay vì đó dường như những căn phòng này được cư trú bởi các hành khách được cứu thoát từ một con tàu đắm”.

Bên ngoài ở khu công trường lao động, ông gặp gỡ “những anh chàng khỏe mạnh” mặc áo sơ mi vải mịn và đi ủng cứng. Ông có gặp vài tù chính trị và, theo ông, ông đánh giá họ là “đám phản cách mạng, các dạng dễ bị khích động, lũ bảo hoàng”. Khi họ nói với ông rằng họ đã bị bắt đầy bất công, ông cho rằng họ nói dối. Có lúc, ông dường như đã nói bóng gió về cuộc trò chuyện đầy bí hiểm với cậu bé mười bốn tuổi. Về cuộc tới thăm nhóm tù tội phạm, ông viết lại rằng một người trong bọn chúng đưa cho ông một đơn phản đối. Để đáp lại, có những “tiếng la ó” từ phía đám trẻ con, gọi gã thanh niên này là “thằng mách lẻo”.

Nhưng không chỉ có điều kiện sống đã khiến Solovetsky, theo như mô tả của Gorky, trở thành một kiểu trại mới. Cư dân của nó, “những hành khách được cứu thoát”, không chỉ hạnh phúc và khỏe mạnh mà còn đóng vai trò sống còn trong một cuộc thí nghiệm vĩ đại: sự chuyển đổi từ những kẻ tội phạm và chống đối xã hội trở thành các công dân Xôviết hữu ích. Gorky đang hồi sinh ý tưởng của Dzerzhinsky để trại không chỉ là nơi hối cải mà còn là “trường học dạy lao động”, được thiết kế đặc biệt để rèn luyện tạo ra loại công nhân hữu ích cho hệ thống Xôviết mới mẻ. Theo quan điểm của ông, mục tiêu sau cùng của cuộc thí nghiệm này là để đảm bảo “việc thủ tiêu các nhà tù” – và nó đang thực hiện thành công. “Nếu bất cứ quốc gia Châu Âu nào được xem là có văn hóa dám thực hiện một cuộc thử nghiệm như tại đây”, Gorky kết luận, “và nếu cuộc thử nghiệm đó đạt được thành quả như chúng ta đã làm được, quốc gia đó ắt hẳn sẽ đánh trống thổi kèn ca ngợi rùm beng thành tựu của nó”. Chỉ có “sự khiêm tốn” của các lãnh tụ Xôviết, ông nhận định, mới ngăn họ không làm chuyện như vậy.

Sau này, Gorky vin cớ để nói rằng không một câu nào trong bài viết trên của ông về Solovetsky không bị “ngòi bút kiểm duyệt đụng tới”. Chúng ta không thể biết được, trong thực tế, ông viết ra như vậy là do ngây thơ, do mong muốn một cách có chủ đích được bị lừa bịp, hay do người kiểm duyệt đã buộc ông phải làm thế[156]. Bất kể do động cơ nào, bài viết năm 1929 của Gorky về Solovetsky đã trở thành nền tảng quan trọng để hình thành nên cả quan điểm công chúng lẫn quan điểm chính thức đối với hệ thống trại mới mẻ và phình rộng hơn nhiều sẽ được lên kế hoạch hình thành cùng trong năm đó. Quan điểm tuyên truyền Bolshevik trước đấy xem việc bênh vực cho bạo lực cách mạng là cần thiết, chấp nhận cái ác nhất thời như một phương tiện tạm để làm thanh sạch xã hội. Gorky, mặt khác, đã khiến thứ bạo lực có hệ thống tổ chức của Solovetsky dường như là hợp lý và là thành phần tự nhiên của trật tự mới, đồng thời dẫn dắt công chúng thông cảm và chấp nhận thứ quyền lực chuyên chính đang lớn mạnh của chế độ[157].

Nhưng hóa ra, năm 1929 sẽ được ghi nhớ vì nhiều chuyện khác hơn là bài luận của Gorky. Cho đến năm này, Cách mạng đã trưởng thành. Đã gần một thập kỷ trôi qua kể từ khi Nội chiến kết thúc. Lenin mất cũng đã lâu. Đã tiến hành đủ các kiểu thử nghiệm kinh tế – Chính sách Tân Kinh tế, Cộng sản Thời chiến – đã thử và đã từ bỏ. Vào lúc khu trại tập trung xiêu vẹo trên quần đảo Solovetsky đã hóa thân thành hệ thống trại được biết với cái tên SLON, cũng là lúc sự khủng bố bừa bãi trong những năm đầu của Liên Xô đã lắng xuống, dọn đường cho một chính sách ngược đãi có tính hệ thống hơn của chế độ đối với những thành phần chống đối.

Đến năm 1929, Cách mạng cũng đòi hỏi một loại người lãnh đạo mới. Trong suốt thập niên 1920, Joseph Stalin đã đánh bại hoặc loại trừ trước hết là những kẻ thù của người Bolshevik, sau đó là đến kẻ thù của chính ông, một phần nhờ tự đặt mình vào vị trí nắm quyền quyết định mọi nhân sự trong Đảng, một phần nhờ việc tự do sử dụng các thông tin mật do cơ quan mật vụ thu nhập nhân danh ông, cá nhân ông hết sức quan tâm tới cơ quan này. Ông tiến hành một loạt cuộc thanh trừng trong Đảng, ban đầu là khai trừ Đảng, rồi sắp xếp để họ bị đưa ra đấu tố trước những buổi mít tinh quần chúng đầy kích động. Trong năm 1937 và 1938, những cuộc thanh trừng này trở nên đầy chết chóc: khai trừ khỏi Đảng thường được nối tiếp bằng một án tù hoặc bị hành quyết.

Với sự mưu mẹo đáng kể, Stalin cũng thủ tiêu được đối thủ quan trọng nhất trong cuộc đấu giành quyền lực, Lev Trotsky. Ban đầu ông khiến Trotsky mất uy tín, sau đó trục xuất ông này đến một hòn đảo gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, rồi sử dụng trường hợp của Trotsky để làm tiền lệ. Khi Yakov Blyumkin, một nhân viên OGPU hết sức có cảm tình với Trotsky, tới thăm vị anh hùng của mình tại chốn lưu đày Thổ Nhĩ Kỳ – và quay về với một thông điệp của Trotsky gửi cho những người ủng hộ mình – Stalin đã kết án và xử bắn Blyumkin ngay sau khi ông ta trở về. Bằng việc này, ông cho thấy sự kiên quyết của chế độ khi sử dụng toàn bộ sức mạnh của các tổ chức đàn áp của mình, không chỉ để chống lại thành viên các đảng xã hội khác và chế độ cũ, mà còn để chống lại những kẻ bất đồng quan điểm trong chính nội bộ Đảng Bolshevik[158].

Tuy nhiên, vào năm 1929, Stalin vẫn chưa là một nhà độc tài như cái cách ông sẽ thực hiện vào cuối thập niên sau đó. Chính xác hơn thì phải nói là vào năm này Stalin thực hiện những chính sách mà cuối cùng sẽ thần thánh hóa quyền lực của chính ông và đồng thời biến đổi nền kinh tế và xã hội Xôviết ngoài sức tưởng tượng. Các sử gia phương Tây có cách đánh giá những chính sách ấy rất khác nhau như “Cách mạng từ trên xuống” hay “Cách mạng theo chủ nghĩa Stalin”. Bản thân Stalin thì gọi đó là “Thời kỳ Đại chuyển hướng”.

Trọng tâm cuộc cách mạng của Stalin là một chương trình mới về việc – có vẻ như rất kích động – mau chóng công nghiệp hóa toàn diện. Cho đến lúc này, cuộc Cách mạng Xôviết vẫn chưa đem lại cải thiện thực tế nào về mặt vật chất cho cuộc sống của hầu hết người dân. Trái lại, những năm tháng Cách mạng, nội chiến và thử nghiệm kinh tế đã dẫn tới sự bần cùng hóa còn lớn hơn trước. Giờ đây Stalin, có lẽ do cảm thấy sự bất bình của quần chúng đối với Cách mạng đang lớn dần lên, đã bắt tay vào để thay đổi điều kiện sống của nhân dân một cách căn bản.

Cuối cùng, chính quyền Xôviết năm 1929 đã thông qua một “Kế hoạch Năm năm” mới, một chương trình kinh tế kêu gọi tăng 20 phần trăm sản lượng công nghiệp hàng năm. Khẩu phần thực phẩm tăng trở lại. Trong một thời gian, chế độ hàng tuần – năm ngày làm việc, hai ngày nghỉ – bị hủy bỏ. Thay vào đó, công nhân nghỉ theo ca, cốt để không cho các nhà máy đóng cửa mà phải hoạt động hết công suất. Đối với các dự án được ưu tiên hàng đầu, ca làm ba mươi giờ không phải là không có, một số công nhân làm việc tăng ca trung bình 300 giờ mỗi tháng[159]. Tinh thần của thời đại, được ép từ trên xuống nhưng được hưởng ứng nhiệt tình từ dưới lên, trở thành một hình thức để giành lợi thế, theo đó các lãnh đạo và ban quản lý nhà máy, công nhân và thư ký, tất cùng trông vào nhau để hoàn thành kế hoạch, để vượt chỉ tiêu kế hoạch hay ít nhất là đưa ra những cách thức mới và nhanh chóng hơn nhằm vượt mức chỉ tiêu. Đồng thời, không ai được phép nghi ngờ lý do đặt ra chỉ tiêu như vậy. Điều này cũng đúng ở cấp cao nhất: các lãnh đạo Đảng nào nghi ngờ ý nghĩa của việc gấp rút công nghiệp hóa sẽ không thể tồn tại lâu trên ghế. Và cũng đúng đối với cấp thấp nhất. Một người sống qua thời kỳ này nhớ lại đã diễu hành vòng quanh phòng nhà trẻ của mình, tay cầm cây cờ nhỏ và hô khẩu hiệu:

Năm trong Bốn,

Năm trong Bốn,

Năm trong Bốn,

Chứ không phải trong Năm!

Nhưng than ôi, ý nghĩa của những câu ấy – tức là Kế hoạch Năm năm phải được hoàn thành trong bốn năm – thì cậu bé lại không hiểu gì[160].

Cũng như những gì diễn ra trong mọi bước ngoặt chính yếu thời Xôviết, việc khởi đầu công nghiệp hóa toàn lực tạo ra những loại tội phạm hoàn toàn mới mẻ. Năm 1926, Bộ luật Hình sự Liên Xô được sửa đổi để bao gồm, ngoài những tội khác, một khái niệm bổ sung cho Điều 58, dùng để định nghĩa tội “phản cách mạng”. Vốn trước đấy chỉ có một hoặc hai câu, nay Điều 58 chứa đến mười tám Khoản – và OGPU sử dụng tất cả những Khoản này, đáng kể nhất là dùng để bắt giữ các chuyên gia kỹ thuật[161]. Có thể đoán trước rằng nhịp độ chuyển biến cao khiến việc thực hiện được là gần như không thể. Các khoa học kỹ thuật cơ bản, được áp dụng quá nhanh, đã dẫn tới nhiều sai lầm – cần phải có ai đó để gánh trách nhiệm. Do đó cần bắt giữ những “kẻ phá hoại” và “bọn gây hại” có mục tiêu xấu xa là ngăn không cho nền kinh tế Liên Xô đạt được những gì mà bộ máy tuyên truyền đề ra. Một số những phiên tòa đầu tiên nhất – vụ án Shakty năm 1928, vụ án Đảng Công nghiệp năm 1930 – trong thực tế là các vụ xử án những trí thức kỹ sư và kỹ thuật gia. Cũng như vậy là phiên tòa xử vụ Metro-Vickers năm 1933, vốn thu hút rất nhiều sự quan tâm của quốc tế vì trong đó có cả các công dân Anh bên cạnh người Nga, tất cả đều bị tố cáo tội “do thám và phá hoại” nhân danh nước Anh[162].

Nhưng cũng còn những nguồn khác cung cấp tù. Bởi vào năm 1929, chế độ Xôviết đã đẩy nhanh tiến trình tập thể hóa cưỡng bức ở nông thôn, một biến đổi đột ngột rộng khắp mà trong vài khía cạnh còn sâu sắc hơn cả bản thân Cách mạng. Trong một thời gian ngắn kỷ lục, các chính ủy vùng thôn quê đã buộc hàng triệu nông dân phải từ bỏ phần ruộng đất nhỏ bé của mình và gia nhập những nông trang tập thể, thường là trục xuất họ khỏi mảnh đất mà gia đình họ được thừa hưởng đã hàng thế kỷ. Sự biến đổi này tạm thời làm suy yếu nền nông nghiệp Liên Xô, tạo nên một nạn đói khủng khiếp tàn phá ở Ukraine và miền nam nước Nga năm 1932 và 1934 – nạn đói này đã giết khoảng từ sáu đến bảy triệu người[163]. Tập thể hóa cũng phá hủy – một cách mãi mãi – tình cảm gắn bó chặt chẽ với quá khứ ở nông thôn Nga.

Hàng triệu người chống lại tập thể hóa, giấu thóc lúa dưới tầng hầm hoặc từ chối hợp tác với chính quyền. Những kẻ chống đối đó bị dán nhãn kulak, tức là phú nông, một thuật ngữ (rất giống như khái niệm “kẻ gây hại”) quá rộng đến nỗi gần như ai cũng có thể vướng phải. Có nhiều hơn một con bò sữa hay một phòng ngủ, thế là đủ để gán nó cho một người nông dân rõ là nghèo, chỉ căn cứ theo lời tố cáo của tay hàng xóm ghen tỵ. Để bẻ gãy sự chống đối của đám kulak, chính quyền đã phục hồi lại hiệu lực một truyền thống cũ từ thời Sa hoàng cho phát lệnh đi đày. Ngày này qua ngày khác, xe tải và xe ngựa tới làng và hốt đi trọn cả gia đình. Một vài kulak bị xử bắn, một số bị bắt giam và kết án đi trại. Tuy nhiên, cuối cùng chính quyền đã tống đi đày gần hết. Trong khoảng từ 1930 tới 1933, hơn hai triệu nông dân kulak đã bị đày đi Siberi, đi Kazakhstan và tới những vùng ít người khác trên đất nước Liên Xô, tại đó họ sống nốt đời mình như những kẻ “lưu đày đặc biệt”, bị cấm rời khỏi ngôi làng lưu đày của mình. 100.000 người khác bị bắt và bị gom vào Gulag[164]

Khi nạn đói bung ra, bị đẩy mạnh vì trời thiếu mưa, có thêm nhiều người nữa bị bắt. Mọi thóc lúa còn lại bị thu khỏi làng, bị từ chối để lại cho kulak một cách có tính toán. Những ai bị bắt đang ăn trộm dù chỉ chút ít, thậm chí chỉ đủ để cho con cái ăn, cũng bị tống vào tù. Bộ luật ngày 7 tháng Tám 1932 kết án tử hay một án tù trại thời hạn dài cho tất cả những “tội xâm phạm tài sản quốc gia” như vậy. Chẳng bao lâu sau, một đám “người mót lúa” đã xuất hiện trong trại: những nữ nông dân đi nhặt thóc rơi để sống sót. Họ được gia nhập bởi các nhóm người khác, ví dụ như những người đói khát bị lãnh án mười năm vì ăn cắp một cân khoai tây hay mấy quả táo[165]. Những luật này giải thích tại sao nông dân đã chiếm đa số trong các trại Liên Xô suốt thập niên 1930, và tại sao nông dân sẽ vẫn là một bộ phận đáng kể của cộng đồng tù mãi cho tới khi Stalin chết.

Ảnh hưởng của những bắt bớ hàng loạt ấy lên hệ thống trại là vô cùng lớn. Hầu như ngay sau khi luật mới có hiệu lực, ban quản lý trại bắt đầu yêu cầu có sự tổng rà soát lại mau chóng và căn bản toàn bộ hệ thống. Hệ thống nhà tù “thường”, vẫn do Dân ủy Đối nội quản lý (và vẫn còn rộng lớn hơn Solovetsky do OGPU quản lý), đã trở nên quá chật chội, thiếu tổ chức và tốn kém ngân sách quá nhiều trong suốt một thập kỷ trước đó. Ở cấp độ quốc gia, tình thế này quá tệ đến nỗi có những lúc Dân ủy Đối nội tìm cách giảm bớt số tù nhân bằng cách kết án thêm cho họ phải “lao động cưỡng bức mà không bị mất quyền tự do” – tức là giao việc làm cho họ nhưng không nhốt họ lại – nhờ thế giảm được áp lực cho trại[166].

Tuy nhiên, khi tiến độ tập thể hóa và sức đàn áp mạnh lên – do hàng triệu kulak bị đuổi khỏi quê nhà – những giải pháp như vậy dường như không còn thích hợp về mặt chính trị nữa. Một lần nữa, chính quyền quyết định rằng những tội phạm nguy hiểm như vậy – kẻ thù của đường hướng tập thể hóa vĩ đại của Stalin – cần một hình thức giam giữ an ninh hơn, và thế là OGPU chuẩn bị xây dựng một thứ như vậy.

Biết rõ rằng hệ thống nhà tù đang bị xuống cấp khi số lượng tù ngày càng tăng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản lập ra một ủy ban năm 1928 để đối phó với vấn đề. Bề ngoài thì ủy ban này mang tính trung lập, bao gồm đại diện của Dân ủy Đối nội và Dân ủy Tư pháp, cũng như của OGPU. Đồng chí Yanson, đại diện Dân ủy Tư pháp, được giao làm người cầm trịch. Nhiệm vụ của ủy ban này là tạo ra “một hệ thống các trại tập trung, tổ chức theo cách thức của trại OGPU”, và phạm vi bàn luận của nó được thực hiện trong các giới hạn rõ ràng. Mặc dù bài văn trữ tình của Maxim Gorky ca ngợi giá trị của lao động trong việc hoán cải tội phạm, tất cả những người tham gia ủy ban đều sử dụng ngôn ngữ đậm chất kinh tế. Tất cả đều bộc lộ cùng mối quan tâm về “lợi nhuận” và nói liên tục về “sử dụng hợp lý lao động”[167].

Biên bản viết sau cuộc họp của ủy ban ngày 15 tháng Năm 1929 đúng là có ghi nhận một vài phản đối mang tính thực tiễn đối với việc tạo ra một hệ thống trại quy mô lớn: trại như vậy rất khó tổ chức, không có đường xá đi tới vùng cực bắc, v.v. Đại diện Dân ủy Lao động cho rằng sai lầm nếu để đám tội phạm vặt phải cùng chịu hình phạt giống như bọn tái phạm. Đại diện Dân ủy Đối nội, Tolmachev, chỉ ra rằng ngoại quốc sẽ nhìn nhận xấu về hệ thống này: bọn “lưu vong Bạch vệ” và báo chí tư bản nước ngoài sẽ la lối là “thay vì xây dựng một hệ thống cải tạo để hoán cải tù nhân thông qua lao động cải tạo, chúng ta lại dựng lên những pháo đài Cheka”[168].

Quan điểm của ông này cho rằng hệ thống trại sẽ được nhìn nhận xấu, chứ không phải nó xấu. Không người nào có mặt phản ứng về vấn đề hệ thống trại “theo kiểu Solovetsky” là tàn bạo hay chết chóc. Hoặc không có ai đề cập về lý thuyết loại trừ của luật tội phạm mà Lenin đã vô cùng thích thú, khái niệm cho rằng tội ác sẽ biến mất cùng với chủ nghĩa tư bản. Rõ ràng không có ai nói về việc hoán cải tù, về “sự biến đổi bản chất con người” vốn được Gorky ca ngợi trong bài viết của mình về Solovetsky và trở nên rất quan trọng trong các giới thiệu cho công chúng về loạt trại đầu tiên. Thay vào đó, Genrikh Yagoda, đại diện OGPU trong ủy ban, đã nêu rất thẳng thắn mối quan tâm thực sự của chính quyền: 

Đã đến lúc có thể và hoàn toàn cần thiết để chuyển 10.000 tù nhân khỏi những nơi giam giữ ở Cộng hòa Nga, lao động của họ sẽ được tổ chức và sử dụng tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta đã nhận được lưu ý rằng các trại và nhà tù ở Cộng hòa Ukraina cũng đang quá tải. Hiển nhiên là chính sách Xôviết sẽ không cho phép xây thêm nhà tù mới. Không ai sẽ cấp tiền cho nhà tù mới. Mặt khác việc xây dựng những trại lớn – những trại sẽ sử dụng hợp lý tù nhân – là vấn đề hoàn toàn khác. Chúng ta gặp nhiều khó khăn để lôi kéo công nhân đến làm việc ở phương Bắc. Nếu chúng ta đưa nhiều ngàn tù tới đấy, chúng ta có thể khai thác tài nguyên của phương Bắc… kinh nghiệm của Solovetsky cho thấy những gì có thể làm được tại khu vực này.

Yagoda tiếp tục giải thích rằng việc tái định cư sẽ trở nên thường xuyên. Sau khi được thả, tù sẽ ở lại: “với nhiều biện pháp khác nhau, cả hành chính lẫn kinh tế, chúng ta có thể buộc tù được tự do phải ở lại phương Bắc, nhờ thế tăng dân số ở các vùng ngoại biên của chúng ta”[169].

Ý tưởng cho rằng tù nhân sẽ trở thành những người thực dân – rất giống với kiểu mẫu thời Sa hoàng – không phải là suy nghĩ mới nảy ra. Trong khi Ủy ban Yanson còn đang cân nhắc, một ủy ban khác của chính quyền Xôviết cũng bắt đầu khảo sát thảm họa thiếu lao động ở vùng cực bắc, nhiều lần đề nghị gửi người không có việc làm hoặc dân di cư gốc Trung Quốc đến để giải quyết vấn đề[170]. Cả hai ủy ban đều tìm kiếm giải pháp cho cùng một vấn đều vào cùng một thời điểm, lại không có gì gây ngạc nhiên. Để hoàn thành Kế hoạch Năm năm của Stalin, Liên Xô cần một lượng khổng lồ than đá, khí đốt, dầu thô và gỗ rừng, tất cả đều nằm sẵn ở Siberi, Kazakhstan và miền cực bắc. Đất nước cũng cần vàng để mua máy móc mới từ nước ngoài, các nhà địa chất gần đây đã tìm thấy vàng ở vùng Kolyma cực đông bắc. Mặc dù thời tiết giá buốt, điều kiện sống hết sức hoang sơ và không thể tiếp cận được, những nguồn tài nguyên này cần phải được khai thác với tốc độ nhanh chóng mặt.

Với tinh thần cạnh tranh khốc liệt giữa các bộ ngành, Yanson cuối cùng đề xuất rằng Dân ủy của chính ông sẽ đảm nhiệm quản lý hệ thống và thành lập một loạt trại khai thác gỗ nhằm gia tăng sản lượng xuất khẩu gỗ của Liên Xô, một nguồn chính để thu về ngoại tệ. Dự án này bị gạt sang bên, có lẽ bởi vì không ai muốn đồng chí Yanson và cơ quan luật pháp của ông ta quản lý nó. Thực tế, khi dự án đột nhiên được hồi sinh vào mùa xuân năm 1929, kết luận của Ủy ban Yanson có hơi khác ở trên một chút. Ngày 13/4/1929, ủy ban đã đề nghị thành lập ra một hệ thống trại mới và hợp nhất, loại trừ mọi khác biệt giữa trại “thường” và trại “đặc biệt”. Đáng kể hơn, ủy ban đã chuyển trực tiếp quyền điều hành hệ thống trại mới và hợp nhất này thẳng cho OGPU[171].

OGPU nắm quyền quản lý tù ở Liên Xô với một tốc độ nhanh đến giật mình. Tháng 12/1927, Ban Đặc biệt của OGPU đã quản lý 30.000 tù, chiếm khoảng 10 phần trăm tổng số tù nhân, hầu hết ở trại Solovetsky. Nó sử dụng không đến 1.000 nhân viên, và ngân sách của nó khó mà vượt trên 0,05 phần trăm ngân sách quốc gia. Trái lại, hệ thống nhà tù của Dân ủy Đối nội có 150.000 tù và sử dụng 0,25 ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, trong khoảng giữa 1928 và 1929, tình thế đã đảo ngược. Do các cơ quan khác của chính quyền đã từ từ chuyển giao tù, nhà tù, trại tù và các công ty công nghiệp do mình quản lý, số lượng tù nằm dưới quyền hạn pháp lý của OGPU đã phình to từ 30.000 lên đến 300.000[172]. Năm 1931, cơ quan mật vụ này cũng nắm quyền quản lý hàng triệu người “lưu đày đặc biệt” – hầu hết là kulak bị đi đày – là những lao động cưỡng bức khá hiệu quả, do họ bị cấm rời khỏi nơi cư trú và nơi làm việc được đăng ký của mình nếu không muốn chết hoặc bị bắt giữ[173]. Đến giữa thập kỷ này, OGPU đã điều hành tất cả lực lượng lao động tù khổng lồ của Liên Xô.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ mới này, OGPU tái cơ cấu Ban Đặc biệt quản lý các trại và đổi tên nó thành Tổng ban Quản lý Trại Lao động Cải tạo và Khu định cư Lao động. Về sau, tên gọi lòng thòng này được rút gọn thành Tổng ban Quản lý Trại, trong tiếng Nga là Glavnoe upravlenie lagerei. Do lấy từ các chữ cái đầu tên của ban này, cuối cùng hệ thống được gọi tên là: GULAG[174].

Thậm chí ngay từ khi các trại tập trung đầu tiên của Liên Xô đi vào hoạt động với quy mô lớn, tù của chúng và các nhà chép sử của chúng đã tranh cãi về động cơ nằm đằng sau việc thành lập ra chúng. Phải chăng chúng xuất hiện do sự tùy tiện, như là hiệu quả phụ của tập thể hóa, công nghiệp hóa và các tiến trình khác được thực hiện trên đất nước này? Hay do Stalin đã cẩn thận tính toán được sự phát triển của Gulag, lên kế hoạch trước khi bắt giam hàng triệu người?

Trong quá khứ, một số nhà nghiên cứu có tuyên bố rằng không hề có kế hoạch vĩ đại nào nằm sau việc thành lập hệ thống trại. Sử gia James Harris đã cho rằng chính các lãnh đạo địa phương chứ không phải giới quan chức Moscow đã dẫn dắt tới việc xây dựng các trại mới ở vùng Ural. Một mặt bị buộc phải tuân theo các yêu cầu khó có thể hoàn tất của Kế hoạch Năm năm, mặt khác lại phải đối diện với việc thiếu hụt lao động nghiêm trọng, chính quyền vùng Ural đấy nhanh tiến độ và mức độ tàn nhẫn của tập thể hóa nhằm điều chỉnh cái vòng luẩn quẩn ấy: mỗi lần họ đuổi một kulak khỏi mảnh đất của anh ta thì họ lại có thêm một nô lệ lao động[175]. Một sử gia khác, Michael Jakobson, có cùng một lối lập luận cho rằng căn nguyên của hệ thống tù quy mô lớn của Liên Xô là rất “tầm xoàng”: “Đám công chức quan liêu theo đuổi những mục tiêu không tưởng nhằm có nhà tù tự cân đối kinh phí và tù được hoán cải. Các quan chức tìm kiếm quyền lực và thu nhập, mở rộng phạm vi hành chính của mình và cố gắng đạt được các mục tiêu phi thực tế. Những người điều hành và cai ngục nhắm mắt áp dụng luật lệ và quy tắc. Các lý thuyết gia thì duy lý và ba phải. Cuối cùng, mọi thứ bị đảo lộn, hoặc bị thay đổi, hoặc bị hủy bỏ”[176].

Thực ra, nếu căn nguyên của Gulag chỉ là ngẫu nhiên thì cũng không có gì ngạc nhiên. Trong suốt khởi đầu thập kỷ 1930, lãnh đạo Liên Xô nói chung và Stalin nói riêng thường xuyên thay đổi đường hướng, bổ sung các chính sách và sau đó lại đảo ngược chúng, rồi có các tuyên bố trước dư luận được tính toán với chủ đích nhằm che lấp thực tế. Khi đọc lịch sử thời kỳ này, rất khó để tìm thấy một kế hoạch tổng thể ma mãnh do Stalin hoặc một ai khác vạch ra[177]. Ví dụ như, bản thân Stalin khi phát động tập thể hóa, cũng đã thay đổi suy nghĩ của mình có lẽ vào tháng Ba năm 1930, khi ông công kích các quan chức địa phương quá sốt sắng đã trở nên “Choáng váng với Thành công”[178]. Bất kể chủ ý là gì khi ông đưa ra tuyên bố này, nó có ảnh hưởng không đáng kể trong thực tế, và việc tiêu diệt kulak vẫn tiếp tục không giảm sút nhiều năm sau đó.

Các quan chức OGPU và công an mật đã lên kế hoạch mở rộng Gulag dường như cuối cùng cũng thấy rõ mục tiêu cơ bản của mình. Bản thân Ủy ban Yanson ra quyết định, vậy mà sau đó đã thay đổi nó. OGPU cũng thực hiện các chính sách với sự mâu thuẫn hệt như vậy. Lấy ví dụ, trong suốt thập niên 1930, OGPU thường xuyên ban bố các đợt ân xá, mục đích nhằm chấm dứt sự quá tải trong nhà tù và các trại. Lần nào cũng vậy, ân xá thường được nối tiếp bằng các làn sóng đàn áp mới cùng các đợt xây mới trại tập trung, cứ như thể Stalin và đám đao phủ của ông không bao giờ biết chắc rằng họ có muốn hệ thống của mình phát triển thêm hay không – hay như thể là do những người khác nhau đang ban ra các mệnh lệnh khác nhau trong các thời điểm khác nhau vậy.

Cũng như vậy, hệ thống trại trải qua rất nhiều vòng biến chuyển: lúc thì gia tăng đàn áp, lúc thì giảm bớt, lúc lại đàn áp mạnh hơn nữa. Thậm chí sau năm 1929, khi các trại đã được dựng vững chắc theo hướng đạt hiệu quả kinh tế, một vài bất thường vẫn tồn tại trong hệ thống. Lấy ví dụ như vào cuối năm 1937, nhiều tù chính trị bị giam trong khám tù và tại đấy họ bị tuyệt đối cấm làm việc – một thực tế dường như trái ngược với đường hướng chung nhằm đạt tính hiệu quả[179]. Hay như có nhiều cơ quan bị thay đổi với ý nghĩa quá rõ ràng. Mặc dù sự phân chia về hình thức giữa trại của công an mật và trại của công an thường đã chấm dứt trong thập niên 1930, dấu vết của sự phân chia vẫn tồn tại giữa các “trại”, được thiết kế dự định cho loại tù chính trị và nguy hiểm hơn, với các “khu”, dự định cho loại tội phạm vặt chịu án ngắn hơn. Trong thực tế, việc tổ chức lao động, thực phẩm và cuộc sống hàng ngày ở trại và khu là như nhau.

Và vâng – giờ đây cũng vẫn còn một sự nhất trí mạnh dần cho rằng bản thân Stalin, nếu không phải là một nhà chiến lược hoạch định kỹ càng, thì ít nhất cũng có niềm tin kiên định vào ưu điểm to lớn của lao động tù, niềm tin này được ông duy trì cho tới tận cuối đời. Tại sao?

Một số người, như Ivan Chukhin, là cựu nhân viên công an mật và là sử gia về hệ thống trại thời kỳ đầu, suy đoán rằng Stalin khuyến khích công tác xây dựng Gulag quá tham vọng thời kỳ đầu nhằm tạo nên uy thế riêng cho mình. Vào lúc ấy, ông chỉ mới nổi lên làm lãnh đạo đất nước sau một cuộc giành giật quyền lực kéo dài và cay đắng. Có lẽ ông suy nghĩ rằng bằng kỳ tích công nghiệp đó, đạt được với sức giúp đỡ của lao động tù khổ sai, ông sẽ đảm bảo được quyền lực cho mình[180].

Stalin cũng có thể đã lấy cảm hứng từ một tiền lệ trong lịch sử. Robert Tucker đã chứng minh đầy đủ mối quan tâm đầy ám ảnh của Stalin đối với Piotr Đại đế, một nhà cai trị khác của nước Nga đã sử dụng quy mô lớn lao động của nông nô và tù nhân để đạt được những kỳ tích về kỹ thuật và công trình xây dựng vĩ đại. Trong một bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng, thực hiện ngay khi ông sắp chuẩn bị tung ra chương trình công nghiệp năm 1928 của mình, Stalin đã nhấn mạnh một cách đầy khâm phục rằng:

Khi Piotr Đại đế, để tiến hành buôn bán với các nước tiên tiến hơn ở phương Tây, vội vã cho xây dựng nhà máy xay và xưởng máy để cung cấp cho quân đội và củng cố quốc phòng, đó là một hình thức nỗ lực đặc biệt nhằm nhảy vọt qua các giới hạn lạc hậu của ông[181].

Phần in nghiêng là do tôi muốn nhấn mạnh mối liên hệ giữa “Thời kỳ Đại chuyển hướng” của Stalin với chính sách của bậc tiền bối thế kỷ mười tám của ông. Theo truyền thống lịch sử của nước Nga, Piotr được ghi nhớ như một vị lãnh tụ vừa vĩ đại vừa tàn bạo, và điều này không được xem như một sự mâu thuẫn. Xét cho cùng, không ai nhớ được có bao nhiêu nông nô chết trong khi xây dựng St. Petersburg, nhưng ai cũng khâm phục vẻ đẹp của thành phố này. Stalin có lẽ đã ghi nhớ tận tâm khảm hình mẫu của Piotr Đại đế.

Sự quan tâm của Stalin đối với trại tập trung không cần có một căn nguyên hợp lý nào: có lẽ mối quan tâm đầy ám ảnh của Stalin đối với các dự án xây dựng khổng lồ và những đội lao động cưỡng bức khốn khổ có quan hệ, một cách nào đó, với triệu chứng hoang tưởng điên rồ đặc biệt của ông. Mussolini có lần từng nói rằng Lenin là “một nghệ sĩ sáng tạo trên chất liệu con người cũng giống như các nghệ sĩ khác sáng tạo trên cẩm thạch hay kim loại vậy”[182]. Sự mô tả này có lẽ đúng hơn nếu áp dụng với Stalin, người đúng theo nghĩa đen là thích xem cảnh vô số con người đi diễu hành hoặc nhảy múa đồng diễn[183]. Ông bị cuốn hút bởi ba lê, các cuộc đồng diễn thể dục trên nền nhạc và những cuộc diễu hành của các kim tự tháp khổng lồ ghép từ những hình người uốn éo mặc đồng phục[184]. Cũng như Hitler, Stalin bị ám ảnh bởi điện ảnh, đặc biệt với phim âm nhạc Hollywood có vô số cảnh kết hợp giữa ca hát và nhảy múa. Ông chắc hẳn tìm thấy trong cảnh tượng hàng nhóm tù đông đảo đang đào kênh hay thi công tuyến đường ray xe lửa theo lệnh mình một kiểu niềm vui tuy hơi khác nhưng vẫn có chút liên quan.

Bất kể cảm hứng của ông lấy từ đâu, chính trị, lịch sử hay từ tâm lý, rõ ràng rằng từ những ngày đầu tiên của Gulag, Stalin đã có mối quan tâm cá nhân sâu sắc tới hệ thống trại, và đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới sự phát triển của chúng. Lấy ví dụ, quyết định cốt yếu chuyển toàn bộ các trại và nhà tù ở Liên Xô khỏi hệ thống luật pháp thông thường để giao vào tay của OGPU hầu như rõ ràng là thực hiện theo mệnh lệnh của Stalin. Năm 1929, Stalin đã có quan tâm cá nhân hết sức sâu sắc tới cơ quan này. Ông quan tâm tới quá trình hoạt động của các nhân viên mật vụ cao cấp và theo dõi việc xây dựng những ngôi nhà tiện nghi cho họ và gia đình họ[185]. Trái lại, ban quản lý nhà tù của Dân ủy Đối nội tuyệt đối không được ông ưu đãi: lãnh đạo của nó đã ủng hộ các đối thủ của Stalin trong cuộc chiến cay đắng giữa các phe phái nội bộ Đảng thời kỳ này[186].

Mọi thành viên tham gia Ủy ban Yanson đều biết rõ tất cả những chi tiết ấy một cách cặn kẽ, điều này có thể đã là quá đủ để khiến họ trao các nhà tù vào tay OGPU. Nhưng Stalin cũng can thiệp trực tiếp vào những suy tính cân nhắc của Ủy ban Yanson. Có những lúc khi cuộc tranh luận trở nên rối rắm, Bộ Chính trị đã thực sự đảo ngược quyết định ban đầu của nó, tuyên bố dự định muốn tước hệ thống nhà tù khỏi cơ quan mật vụ một lần nữa và trao trở lại vào tay Dân ủy Đối nội. Viễn cảnh này khiến Stalin nổi giận. Trong một bức thư năm 1930 gửi cho người cộng sự gần gũi Vyacheslav Molotov của mình, ông lên án ý tưởng đó là một “mưu đồ” do Dân ủy Đối nội, những kẻ “đã thối rữa tận xương tủy”, dàn dựng. Ông ra lệnh cho Bộ Chính trị thi hành quyết định ban đầu của họ, đồng thời đóng cửa cả Dân ủy Đối nội[187]. Quyết định của Stalin giao các trại cho OGPU đã định đoạt đặc điểm của chúng trong tương lai. Nó lôi chúng khỏi sự giám sát thông thường của luật pháp và đặt chúng vững chắc trong tay một cơ quan mật vụ có nguồn gốc xuất phát từ thế giới bí hiểm đứng vượt trên luật pháp của Cheka.

Trong khi có ít bằng chứng vững chắc để hỗ trợ về lý thuyết, cũng có thể việc thường xuyên nhấn mạnh đến nhu cầu cần thiết phải xây dựng “các trại theo kiểu Solovetsky” là do Stalin gợi ý. Như đã có đề cập từ trước, trại Solovetsky chưa bao giờ mang lại lợi nhuận thực sự, cả trong năm 1929 lẫn trong thời kỳ trước đó. Trong thời gian lao động từ tháng 6/1928 tới tháng 6/1929, SLON vẫn phải nhận 1,6 triệu rúp bổ sung từ ngân sách nhà nước[188]. Mặc dù SLON có vẻ thành công hơn các xí nghiệp địa phương khác, bất cứ ai hiểu biết đôi chút về kinh tế đều biết rằng cạnh tranh như thế không công bằng. Lấy ví dụ, các trại lâm nghiệp sử dụng lao động tù luôn luôn có sản lượng cao hơn các công ty lâm nghiệp bình thường đơn giản bởi vì nhân công nông dân của công ty lâm nghiệp chỉ làm việc vào mùa đông, là khi mà họ không thể làm nông được[189].

Tuy nhiên, trại Solovetsky được cho là đem lại lợi nhuận – hoặc ít nhất Stalin cho là chúng đem lại lợi nhuận. Stalin cũng tin rằng chúng đem lại lợi nhuận chính bởi vì phương pháp “hợp lý” của Frenkel – cách ông này phân phối thực phẩm dựa theo năng suất lao động của tù nhân, và cách ông ta loại bỏ các “thành tố phụ” không cần thiết. Bằng chứng để thấy rằng hệ thống của Frenkel đã giành được sự chấp thuận ở cấp cao nhất nằm ở kết quả sau: hệ thống trại không chỉ mau chóng được phát triển gấp đôi khắp đất nước, mà bản thân Frenkel cũng được phong làm chỉ huy công trường xây dựng Kênh đào Bạch Hải, dự án lớn đầu tiên của Gulag thời đại Stalin, một chức vụ cao chót vót dành cho một cựu tù nhân[190]. Chúng ta sẽ thấy, về sau này, ông ta được bảo vệ thoát khỏi bị bắt và hành quyết nhờ có sự can thiệp từ chính cấp cao nhất ấy.

Bằng chứng về sự ưu ái lao động tù hơn lao động bình thường có thể tìm thấy trong mối quan tâm thường xuyên của Stalin đối với các chi tiết riêng tư của ban quản lý trại. Trong suốt cuộc đời mình, ông đòi hỏi phải cung cấp thường xuyên các thông tin về mức độ “năng suất lao động tù” trong các trại, thường là thông qua các số liệu thống kê chi tiết: họ đã khai thác được bao nhiêu than đá và dầu mỏ, họ sử dụng bao nhiêu tù nhân, các ông chủ ở đó đã được nhận bao nhiêu huân chương[191]. Ông đặc biệt quan tâm đến các mỏ khai thác vàng của Dalstroi, tổ hợp trại miền cực đông bắc vùng Kolyma, và yêu cầu cung cấp thông tin thường xuyên chính xác về địa chất Kolyma, kỹ thuật khai mỏ của Dalstroi và chất lượng cũng như sản lượng chính xác của sản phẩm vàng. Để chắc chắn rằng mệnh lệnh của mình được thực hiện tại các trại xa xôi đèo heo hút gió, ông gửi tới đó các nhóm thanh tra, và cũng thường xuyên yêu cầu các chỉ huy trại có mặt định kỳ tại Moscow[192].

Khi một dự án đặc biệt khiến ông thấy thích thú, ông thường can thiệp vào sâu hơn. Kênh đào chẳng hạn, cuốn hút trí tưởng tượng của ông, đôi khi dường như thể ông muốn đào chúng bất kể hay dở. Yagoda có lần đã buộc phải viết thư cho Stalin, nhã nhặn phản đối ham muốn phi thực tế của ông chủ muốn xây một kênh đào sử dụng lao động nô lệ ở ngay giữa Moscow[193]. Do Stalin nắm quyền hành nhiều hơn trong bộ máy quyền lực, ông cũng ép các đồng sự phải tập trung chú ý tới hệ thống trại. Năm 1940, hầu như tuần nào Bộ Chính trị cũng bàn luận về hết trại này tới trại khác trong dự án Gulag[194].

Sự quan tâm của Stalin không đơn giản chỉ về lý thuyết suông. Ông cũng có mối quan tâm trực tiếp tới những con người liên quan trong công việc của trại: những ai đã bị bắt, anh ta hoặc cô ta bị xử án tại đâu, số phận cuối cùng của anh ta hoặc cô ta ra sao. Ông đích thân đọc và đôi khi còn viết thêm nhận xét vào các đơn xin tha do tù hoặc vợ họ gửi cho ông, thường chỉ trả lời bằng một hoặc hai từ (“giữ lại” hoặc “thả”)[195]. Sau này, ông thường xuyên yêu cầu cung cấp thông tin về những tù hoặc nhóm tù mà ông quan tâm, ví dụ như đám dân tộc chủ nghĩa Tây Ukraina[196].

Cũng có bằng chứng về mối quan tâm của Stalin đối với các tù nhân đặc biệt mà không phải lúc nào cũng là tù chính trị, và cũng không chỉ bao gồm các địch thủ chính trị của ông. Từ đầu năm 1931, trước khi củng cố được vững chắc địa vị, Stalin đã thông qua Bộ Chính trị để ban hành một nghị quyết cho phép ông có ảnh hưởng tuyệt đối đến việc bắt giữ những chuyên gia kỹ thuật thuộc một số ngành nhất định[197]. Và – không phải là ngẫu nhiên – mô hình bắt bớ các kỹ sư và chuyên gia trong thời kỳ đầu đó đã dẫn tới một số kế hoạch ở tầm mức cao hơn. Có lẽ không hoàn toàn là tình cờ mà nhóm tù đầu tiên nhất bị gửi tới trại mới ở khu mỏ vàng Kolyma bao gồm có bảy chuyên gia khai mỏ nổi tiếng nhất, hai chuyên gia tổ chức lao động và một kỹ sư thủy động lực có kinh nghiệm[198]. Hoặc có lẽ chỉ là tình cờ mà OGPU đã cố gắng bắt giữ một trong những nhà địa chất hàng đầu của Liên Xô vào ngay trước khi có một cuộc thám hiểm được lên kế hoạch để xây dựng một trại gần túi dầu thuộc Cộng hòa Komi, mà chúng ta sẽ xem kỹ hơn sau này[199]. Những sự ngẫu nhiên như vậy không thể được lập kế hoạch bởi các ông chủ Đảng cấp tỉnh để đối phó với áp lực nhất thời.

Cuối cùng, có một bằng chứng hoàn toàn gián tiếp, nhưng tuy nhiên lại rất thú vị, cho thấy cuộc bắt bớ hàng loạt cuối các thập kỷ 1930 và 1940 cũng có thể được tiến hành, ở một mức độ nào đó, để đáp ứng nhu cầu lao động nô lệ của Stalin, và không phải – ít nhất là không có vẻ – để trừng phạt những kẻ thù tiềm tàng của ông. Các tác giả viết về lịch sử trại cải tạo Nga đáng tin cậy nhất tính cho đến ngày nay đã chỉ ra được “mối liên hệ rõ ràng giữa các hoạt động kinh tế thành công của trại và số lượng tù được gửi đến cho chúng”. Họ cho rằng, chắc chắn không phải tình cờ mà bản án dành cho các hành vi tội phạm thường đột nhiên trở nên khắc nghiệt hơn vào lúc các trại được mở rộng, cũng là lúc cần thêm cấp thiết nhiều lao động tù hơn nữa[200].

Một số tài liệu lưu trữ rải rác cũng gợi ý tới cùng một lập luận như vậy. Lấy ví dụ, năm 1934, Yagoda đã viết một bức thư gửi cấp dưới ở Ukraina, yêu cầu 15.000 – 20.000 tù, tất cả phải “phù hợp với công việc”: họ được cần khẩn cấp để hoàn tất Kênh đào Moscow-Volga. Bức thư đề ngày 17 tháng Ba, trong đó Yadoga cũng yêu cầu các ông chủ OGPU địa phương phải “có các biện pháp bổ sung” để đảm bảo tù tới nơi đúng ngày 1 tháng Tư. Tuy nhiên, 15.000 – 20.000 tù đó lấy từ đâu thì không được giải thích hướng dẫn rõ. Phải chăng họ bị bắt để đáp ứng nhu cầu của Yagoda?[201] Hay – theo như nhà sử học Terry Martin – Yagoda chỉ đơn giản là đang cố gắng nhằm đảm bảo có được dòng lao động khỏe mạnh thường xuyên đổ vào hệ thống trại của mình, một mục tiêu trong thực tế không bao giờ ông ta đạt được?

Nếu sự bắt bớ dự định nhằm bổ sung cho trại, vậy thì họ đã làm việc ấy kém hiệu quả đến đáng buồn cười. Martin và những người khác cũng chỉ ra rằng mỗi đợt sóng bắt bớ hàng loạt dường như đã khiến các chỉ huy trại hoàn toàn bị bất ngờ, thậm chí làm cho họ gặp khó khăn để đạt được cái có vẻ như là hiệu quả kinh tế. Hoặc các sĩ quan đi bắt người không bao giờ chọn nạn nhân một cách hợp lý: thay vì giới hạn vào việc bắt những thanh niên khỏe mạnh có thể làm việc tốt ở vùng cực bắc, họ cũng giam cả phụ nữ, thiếu niên và người già với số lượng lớn[202]. Sự hoàn toàn bất hợp lý của bắt bớ hàng loạt dường như phản bác lại ý kiến cho rằng lực lượng lao động nô lệ đã được lập kế hoạch cẩn thận – dẫn nhiều người tới kết luận rằng việc bắt bớ được tiến hành trước hết là để loại trừ các kẻ thù tiềm tàng của Stalin, và chỉ thứ đến mới là để điền đầy vào các trại của Stalin.

Cuối cùng, vẫn không có cách giải thích nào về việc phát triển các trại là hoàn toàn chiếm ưu thế. Stalin có lẽ đã dự định tiến hành các cuộc bắt bớ để vừa loại trừ kẻ thù vừa tạo ra lực lượng lao động nô lệ. Động cơ của ông có thể vừa do trí hoang tưởng của mình, vừa do nhu cầu lao động của các lãnh đạo địa phương. Có lẽ công thức tốt nhất đơn giản chỉ là: Stalin đề nghị áp dụng “kiểu mẫu Solovetsky” cho các trại tập trung đối với cơ quan mật vụ, Stalin lựa chọn nạn nhân – và cấp dưới của ông bám ngay lấy cơ hội ấy để chiều lòng ông.

4. Kênh đào Bạch Hải

Nơi vách đá rong rêu và biển thiu thiu ngủ

Tại đây, với sức lao động

Nhà máy sẽ mọc lên

Thị trấn sẽ lan rộng.

Ống khói sẽ vươn cao

Dưới bầu trời phương Bắc,

Các công trình cửa sổ sáng đèn

Nào thư viện, nào nhà hát, nào câu lạc bộ.

– Medvedkov, một tù Kênh đào Bạch Hải, 1934[203]

Cuối cùng, chỉ có một phản đối trong các cuộc họp của Ủy ban Yanson là khiến mọi người lo lắng. Mặc dù họ tin chắc rằng đất nước Xôviết vĩ đại sẽ vượt qua việc thiếu thốn đường xá, mặc dù họ không mấy e dè về việc sử dụng tù làm lao động nô lệ, Stalin và các đao phủ của mình tiếp tục thấy lo lắng đặc biệt về từ ngũ mà người nước ngoài sẽ dùng để nói về các trại tù của họ ở ngoài nước.

Trong thực tế – trái hẳn với sự tin tưởng của công chúng – người nước ngoài thời kỳ này mô tả trại tù Xôviết khá thường xuyên. Khá nhiều điều được phổ biến ở phương Tây về các trại tập trung Xôviết vào cuối thập kỷ 1920, có lẽ còn nhiều hơn những gì được phổ biến vào cuối thập kỷ 1940. Các bài viết dài về nhà tù Xôviết xuất hiện trên báo chí Đức, Pháp, Anh và Mỹ, đặc biệt là báo chí cánh tả, vốn có quan hệ rộng với các thành viên đảng xã hội Nga bị cầm tù[204]. Năm 1927, một nhà văn Pháp tên là Raymond Duguet xuất bản một cuốn sách chính xác đến đáng ngạc nhiên về Solovetsky, Un bagne en Russie rouge (Một nhà tù ở nước Nga Đỏ), mô tả mọi thứ từ gốc gác của Naftaly Frenkel cho đến nỗi khủng khiếp của trò tra tấn bằng muỗi. S. A. Malsagov, một sĩ quan Bạch vệ Gruzia trốn thoát khỏi Solovetsky và vượt biên an toàn, đã xuất bản cuốn Đảo Địa ngục tại London năm 1926, một tư liệu khác về Solovetsky. Từ tin đồn lan rộng về sự lạm dụng lao động tù Xôviết, Hội Chống sử dụng nô lệ Anh quốc thậm chí còn tiến hành một điều tra về việc này và viết báo cáo phàn nàn về các bằng chứng của bệnh scoócbuýt thiếu vitamin và bị ngược đãi[205]. Một nghị sĩ Pháp viết một bài báo dẫn chứng dài dòng dựa trên lời kể của những người Nga tỵ nạn, so sánh tình hình ở Liên Xô với những gì Hội Quốc Liên điều tra thấy về nạn nô lệ tại Liberia[206].

Tuy nhiên, sau việc mở rộng hệ thống trại năm 1929 và 1930, sự quan tâm của nước ngoài với hệ thống trại đã thay đổi, chuyển từ số phận của các tù xã hội sang tập trung vào hiểm họa kinh tế mà các trại tác động tới những ưu tiên thương mại của phương Tây. Các công ty hăm dọa và các ủy ban thương mại hăm dọa dần được lập ra. Áp lực gia tăng, đặc biệt là tại Anh và Mỹ, nhằm tiến hành tẩy chay hàng hóa Liên Xô giá rẻ được cho là sản xuất bởi lao động cưỡng bức. Thật nghịch lý, hành động tẩy chay đã che mờ toàn bộ vấn đề trong con mắt của các đảng cánh tả phương Tây, vốn vẫn ủng hộ Cách mạng Nga, đặc biệt là tại Châu Âu, thậm chí cả khi nhiều lãnh đạo của họ vẫn còn khó chịu về số phận những người anh em xã hội của mình. Đảng Lao động Anh quốc, lấy ví dụ, đã phản đối một lệnh cấm hàng hóa Liên Xô bởi vì đảng này nghi ngờ động cơ của các công ty muốn thực hiện nó[207].

Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, các ủy ban thương mại – trong đó đáng lưu ý nhất là Liên đoàn Lao động Mỹ – đã đồng ý ủng hộ một cuộc tẩy chay. Họ đã mau chóng thành công. Đạo luật Tariff ra đời năm 1930 quy định “Mọi loại hàng hóa… sản phẩm khai khoáng, sản phẩm chế tạo hoặc sản phẩm công nghiệp… sử dụng lao động của tù nhân hoặc/và lao động cưỡng bức… sẽ không được cấp phép nhập khẩu tại mọi cửa khẩu vào Hoa Kỳ”[208]. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính Mỹ đã cấm việc nhập khẩu lõi gỗ làm giấy và gỗ diêm của Liên Xô.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ không tán thành lệnh cấm, lệnh này chỉ tồn tại được trong vòng một tuần, cuộc tranh cãi quanh vấn đề này vẫn tiếp diễn[209]. Tháng 1/1931, Ủy ban Đường lối và Phương pháp của Quốc hội Mỹ nhóm họp để cân nhắc về dự thảo luật “liên quan tới việc cấm hàng hóa sản xuất bởi lao động của tù nhân tại nước Nga”[210]. Trong các ngày 18, 19 và 20 tháng Năm năm 1931, tờ Times của London in một loạt bài viết chi tiết đến đáng ngạc nhiên về lao động cưỡng bức ở Liên Xô, gồm cả một xã luận lên án quyết định gần đây của Chính phủ Anh công nhận quy chế ngoại giao chính thức với Liên Xô. Bài xã luận viết, việc cho nước Nga vay tiền sẽ “đặt thêm quyền lực vào tay những kẻ đang công khai thực hiện ý đồ lật đổ và hủy diệt Đế quốc Anh”.

Chế độ Xôviết thực sự đã xem xét rất nghiêm túc về nguy cơ bị tẩy chay, và một số biện pháp được thực hiện để ngăn ngừa nó cản trở dòng tài chính thô đổ vào đất nước. Một số biện pháp như vậy mang tính bề nổi: lấy ví dụ, Ủy ban Yanson cuối cùng đã bỏ cụm từ kontslager, tức “trại tập trung”, khỏi tất cả các tuyên bố công khai của mình. Từ ngày 7/4/1930, tất cả các tài liệu chính thức đều dùng cụm từ ispravitelno-trudovye lagerya (ITL) hay “trại lao động cải tạo” để diễn tả về trại tập trung Liên Xô. Từ đó về sau sẽ không có bất cứ cụm từ nào khác được sử dụng để thay thế cụm từ này[211].

Chính quyền trại cũng thực hiện ngay lập tức các thay đổi bề ngoài khác, đặc biệt trong ngành công nghiệp khai thác gỗ. Có những lúc, OGPU đã thay đổi hợp đồng giữa họ với Karellis – Xí nghiệp đốn gỗ Karelia – sao cho có vẻ như không còn sử dụng lao động tù nữa. Đến thời điểm này, 12.090 tù đã bị chuyển “trên giấy tờ” khỏi các trại của OGPU. Trong thực tế, họ vẫn làm việc, nhưng sự hiện diện của họ được che đậy dưới lớp mập mờ sổ sách quan liêu[212]. Một lần nữa, mối quan tâm chính của các lãnh đạo Liên Xô cũng chỉ là bề ngoài, không phải là thực tế.

Có vài nơi, tù nhân đang làm việc trong các trại đốn gỗ đã thực sự bị thay thế bởi công nhân tự do – hay, phổ biến hơn cả là “những người định cư” bị lưu đày, tức các kulak có số phận không còn lựa chọn nào khác hơn so với tù[213]. Theo các hồi ức, sự xoay chuyển này đôi khi xảy ra hầu như chỉ trong vòng một đêm. George Kitchin, một thương gia Phần Lan từng trải qua bốn năm trong trại OGPU trước khi được thả nhờ tác động của chính quyền Phần Lan, đã viết rằng ngay trước khi có cuộc đến thăm của một phái đoàn nước ngoài

Một điện tín mật được gửi tới từ văn phòng trung ương tại Moscow, hướng dẫn chúng tôi việc xóa sạch hoàn toàn khu trại của mình trong vòng ba ngày, và làm với cách thức sao cho không còn một chút dấu vết nào… các bức điện được gửi tới tất cả các điểm lao động ra lệnh ngưng làm việc trong vòng hai mươi bốn giờ, tập hợp tất cả tù nhân tại trung tâm sơ tán, xóa bỏ dấu vết của khu biệt giam, ví dụ như các khu rào kẽm gai, tháp canh và biển chỉ dẫn; tất cả nhân viên quản lý phải đổi sang quần áo dân sự, giải giới lính gác và chờ cho tới khi có các chỉ dẫn mới.

Kitchin, cùng với nhiều ngàn tù nhân khác, bị dẫn đi vào rừng. Ông này cho rằng có hơn 1.300 tù đã chết tại đó và trong các cuộc sơ tán trong đêm khác[214].

Tháng Ba năm 1931, Molotov, lúc này là Chủ tịch Hội đồng Dân ủy, cảm thấy tin tưởng rằng không còn tù nhân đang lao động trong ngành lâm nghiệp Liên Xô nữa – hay ít nhất không trông thấy tù nào nữa – và ông mời tất cả những người nước ngoài nào quan tâm tới thăm và tận mắt chứng kiến[215]. Một số đã thực sự tới: hồ sơ lưu trữ Đảng ủy Karelia ghi nhận sự có mặt vào năm 1929 của hai nhà báo Mỹ, “đồng chí Durant và đồng chí Wolf”, cộng tác viên của TASS, thông tấn xã Liên Xô, cũng như “các tờ báo tiến bộ khác”. Cả hai được đón tiếp bởi một cuộc trình diễn bài Quốc tế ca, và đồng chí Wolf hứa sẽ “kể cho công nhân Mỹ biết công nhân Liên Xô đã sống và xây dựng cuộc đời mới của mình như thế nào”. Đó không phải là cuộc dàn cảnh cuối cùng giống vậy[216].

Nhưng mặc dù áp lực tẩy chay đã sụp đổ năm 1931, chiến dịch tại phương Tây chống lại lao động nô lệ Liên Xô đã không hoàn toàn mất tác dụng: Liên Xô đã và vẫn rất nhạy cảm đối với hình ảnh của mình ở nước ngoài, thậm chí dưới thời Stalin. Một số người như sử gia Michael Jakobson hiện đang giả định rằng mối đe dọa bị tẩy chay thậm chí còn có thể là một yếu tố quan trọng ẩn sau các thay đổi lớn khác về đường lối chính sách. Việc khai thác gỗ, vốn cần một lượng lớn lao động trình độ thấp, là cách lý tưởng để sử dụng lao động tù. Nhưng xuất khẩu gỗ là một trong những nguồn ngoại tệ thô chủ yếu của Liên Xô nên không được phép để cho nó chịu rủi ro của việc bị tẩy chay. Tù có thể bị chuyển đi một nơi khác – tốt nhất là tới những nơi mà sự hiện diện của họ dễ dàng được ca tụng, không cần phải che dấu. Không thiếu những nơi như thế, nhưng có một nơi đặc biết hấp dẫn đối với Stalin: công trường xây dựng một kênh đào vĩ đại nối từ Biển Trắng tới Biển Baltic, băng qua một cảnh quan lổn nhổn toàn đá hoa cương.

Với bối cảnh của thời đại đó, Kênh đào Bạch Hải – Belomorkanal trong tiếng Nga, hay tiết tắt là Belomor – không phải là cái gì độc nhất vô nhị. Vào thời kỳ mà việc xây dựng kênh này bắt đầu, Liên Xô đã bắt tay vào thực hiện rất nhiều dự án vĩ đại và sử dụng nhiều lao động tương tự như vậy, bao gồm cụm nhà máy thép lớn nhất thế giới tại Magnitogorsk, các nhà máy máy kéo và xe hơi khổng lồ, cùng những “thành phố xã hội chủ nghĩa” mới dựng lên ngay giữa các vùng đầm lầy. Tuy nhiên, thậm chí ngay trong số những con đẻ của chứng mê cuồng sự khổng lồ thập niên 1930, Kênh đào Bạch Hải cũng vẫn đứng đầu bảng.

Ví dụ, kênh đào này đại diện cho – theo suy nghĩ của nhiều người Nga – sự hoàn tất một mơ ước có từ lâu đời. Kế hoạch đầu tiên nhằm xây dựng một kênh đào như vậy được vạch ra từ hồi thế kỷ mười tám, khi các thương gia của Sa hoàng tìm kiếm một lối để đưa tàu chở gỗ và khoáng sản từ vùng biển lạnh giá của Bạch Hải đến các cảng thương mại của vùng Baltic mà không phải thực hiện chuyến đi 370 dặm xuyên qua Bắc Băng Dương, dọc theo bờ biển dài dằng dặc của Na Uy[217].

Đó cũng là một dự án quá tham vọng, thậm chí là dại dột, có lẽ vì thế mà trước đó chưa có ai dám thử. Toàn tuyến dài 227 cây số, vây quanh bởi hàng trăm cây số kênh rạch hiện hữu, yêu cầu phải có năm đập chắn và mười chín cửa van khóa nước. Các kế hoạch gia Xôviết dự định xây dựng nó với kỹ thuật đơn giản nhất có thể, tại một vùng cực bắc trình độ tiền công nghiệp chưa bao giờ được khảo sát đúng mức và, theo lời Maxim Gorky, là “vùng đất ngập nước không ai biết đến”[218]. Tuy nhiên, tất cả những điều này có thể là một phần khiến Stalin bị dự án cuốn hút. Ông muốn có một thắng lợi lớn về mặt kỹ thuật – một trong những điều mà chế độ cũ không bao giờ làm được – và ông muốn nó đến càng sớm càng tốt. Ông yêu cầu không chỉ xây được kênh đào, mà nó phải được xây chỉ trong vòng hai mươi tháng. Khi hoàn thành, nó sẽ được mang tên ông.

Stalin là người khởi xướng chủ yếu của dự án Kênh đào Bạch Hải – và Stalin đặc biệt muốn con kênh được xây dựng bởi lao động tù. Trước khi khởi công, ông lên án dữ dội những ai chất vấn về sự cần thiết thực hiện một dự án tốn kém như vậy, lấy lý do nhu cầu lưu thông ở Bạch Hải khá thấp. “Tôi được cho biết,” ông viết cho Molotov, “rằng Rykov và Kviring muốn đạp đổ dự án kênh đào biển bắc, trái với quyết định của Bộ Chính trị. Bọn họ phải bị dồn cho thụt vòi và đập cho rụt tay lại”. Trong một cuộc họp Bộ Chính trị bàn về con kênh này, Stalin cũng nguệch ngoạc viết lại một lưu ý cáu kỉnh nói lên niềm tin của ông đối với lao động tù: “Đối với khu vực phía bắc của kênh đào, tôi bắt buộc phải dựa vào GPU (lao động tù). Đồng thời chúng ta phải giao cho ai đó tính toán lại chi phí xây dựng tại khu vực này… Như thế là quá cao”[219].

Stalin cũng không che dấu sự ưu ái của mình. Sau khi kênh đào hoàn thành, ban quản lý cấp cao của nó công nhận rằng chính nhờ có “lòng dũng cảm” của Stalin trong quá trình thực hiện “gã khổng lồ trị thủy” này, và nhờ “thực tế tuyệt vời rằng công trình này không thể hoàn thành chỉ bằng sức lao động thông thường”[220]. Ảnh hưởng của Stalin cũng có thể nhìn thấy trong tốc độ khởi đầu của công trường. Quyết định khởi công được ký tháng 2/1931, và, sau tròn bảy tháng lao động thiết kế và khảo sát đồng hành, công trình được khởi công vào tháng Chín.

Về mặt hành chính quản lý, về mặt vật chất và thậm chí về mặt tâm lý, trại tù đầu tiên kết hợp với Kênh đào Bạch Hải trở thành một phát triển vượt tiến của SLON. Trại tù của kênh đào được tổ chức theo mẫu của SLON, sử dụng trang bị của SLON và do cán bộ của SLON thực hiện. Ngay khi bắt đầu, các lãnh đạo công trường đã lập tức chuyển nhiều tù từ các trại của SLON trong nội địa và từ đảo Solovetsky tới làm việc trong dự án mới. Trong một thời gian, bộ máy cũ của SLON và ban bệ mới của Kênh đào Bạch Hải thậm chí còn cạnh tranh nhau để nắm điều hành dự án – nhưng cuối cùng kênh đào thắng. Cuối cùng, SLON giảm xuống chỉ còn là một thực thể độc lập[221]. Cung Solovetsky được thiết kế lại thành một nhà tù có an ninh cao, và quần đảo Solovetsky chỉ còn là phân khu của Trại Lao động Cải tạo Belomor-Baltiiskii (Bạch Hải-Baltic), viết tắt là “Belbaltlag”. Một số lính gác và quản lý cấp cao của OGPU cũng chuyển từ SLON qua kênh đào. Cần lưu ý, trong số đó có Naftaly Frenkel, chỉ huy quản lý lao động hàng ngày của kênh đào từ tháng 11/1931 cho tới khi nó hoàn tất[222].

Theo hồi ký của những người sống sót, sự hỗn loạn đồng hành với việc xây dựng kênh đào hiện diện tới mức độ huyền thoại. Nhu cầu phải tiết kiệm tiền nghĩa là tù phải dùng gỗ, cát và đá thay vì kim loại và xi măng. Người ta cắt gọt tiết kiệm ở bất cứ chỗ nào có thể. Sau nhiều tranh luận, kênh được đào với độ sâu chỉ 3,6 m, khó mà đủ cho tàu đi biển. Do kỹ thuật hiện đại vừa quá tốn kém vừa không thể áp dụng, các kế hoạch gia của dự án sử dụng số lượng lớn lao động trình độ thấp. Khoảng 170.000 tù và “người lưu đày đặc biệt” làm việc cho dự án trong thời gian thi công 21 tháng, sử dụng xẻng gỗ, cưa tay lưỡi thô, cuốc chim và xe cút kít để đào kênh và xây các đập nước và cửa van vĩ đại[223].

Theo các bức ảnh chụp thời kỳ này, những dụng cụ đó rõ ràng rất thô sơ, nhưng chỉ khi nhìn kỹ mới thấy nó thô sơ như thế nào. Một số hiện vẫn được trưng bày tại thị trấn Medvezhegorsk, ở ngay cửa kênh và là “thủ đô” của Belbaltlag. Hiện là một ngôi làng Karelia bị quên lãng, Medvezhegorsk chỉ đáng chú ý với cái khách sạn to tướng trống rỗng lúc nhúc gián của nó, và nhà bảo tàng lịch sử địa phương nhỏ bé. Những cuốc chim trưng bày ở đây thực tế được làm từ các khúc kim loại được đập cho nhọn, buộc vào cán bằng dây da hoặc thừng. Các chiếc cưa là những tấm thép phẳng được giũa sơ cho có răng. Thay cho thuốc nổ thì tù phải đập vỡ các phiến đá to bằng cách dùng “búa” – là các khúc kim loại cắm vào chuôi cầm bằng gỗ – để đóng những thanh sắt vào đá.

8

Tù đập đá bằng dụng cụ thô sơ tự chế

Mọi thứ, từ chiếc xe cút kít cho tới giàn giáo, đều làm bằng tay. Một tù nhớ lại rằng “chẳng có cái kỹ thuật gì cả. Thậm chí muốn kiếm một xe ôtô thôi cũng đỏ cả mắt. Mọi thứ phải làm bằng tay, đôi khi nhờ đến sức ngựa. Chúng tôi dùng sức người đào đất, rồi chở đi bằng xe cút kít, chúng tôi đào xuyên các ngọn đồi và khuân dọn đá cũng bằng sức người”[224]. Thậm chí bộ tuyên truyền Liên Xô còn huênh hoang là đá tảng được dọn khỏi công trường trên “những chiếc xe Ford Belomor… là một loại xe tải hạng nặng đặt trên bốn bánh xe nhỏ bằng gỗ cứng làm từ gốc cây”[225].

910

11

“Mọi thứ phải làm bằng tay… Chúng tôi dùng sức người đào đất, rồi chở đi bằng xe cút kít, chúng tôi đào xuyên các ngọn đồi cũng bằng sức người…”

Điều kiện sống cũng tạm bợ không kém, mặc cho có các nỗ lực của Genrikh Yagoda, vị lãnh đạo OGPU chịu trách nhiệm về mặt nhân sự cho dự án. Ông ta đã thành thật tin tưởng rằng tù sẽ được nhận các điều kiện sống tử tế nếu họ hoàn thành kênh đào đúng thời hạn, và thường xuyên đôn đốc các chỉ huy trại chăm sóc tù tốt hơn, “quan tâm tối đa sao cho tù có đủ ăn mặc và giày dép”. Các vị chỉ huy tuân thủ sát sao, giống như những gì chỉ huy phân khu Solovetsky của dự án kênh đào đã làm năm 1933. Ngoài ra, Yagoda còn hướng dẫn thuộc cấp xóa bỏ việc xếp hàng nhận thức ăn cuối buổi chiều, loại bỏ tình trạng trộm cắp tại bếp ăn và giới hạn thời gian điểm danh buổi chiều xuống còn một giờ. Nói chung, khẩu phần thực phẩm chính thức cao hơn những gì tù được nhận vài năm sau đó, có xúc xích và trà nóng bên cạnh các thực phẩm theo quy định. Về lý thuyết, tù được nhận một bộ quần áo lao động mới mỗi năm[226]

12

Genrikh Grigoryevich Yagoda (1891-1938)

Tuy nhiên, tiến độ quá sức nhanh và thiếu hoạch định hiển nhiên dẫn tới nhiều thiệt hại. Trong quá trình thực hiện, các khu lán trại mới phải được xây dọc theo lộ trình thực hiện đào kênh. Khi tù và người lưu đày tới được các khu lập trại mới đó, họ thấy mọi thứ đều chưa có gì. Trước khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, họ phải dựng lán gỗ và tổ chức việc tiếp phẩm cho chính mình. Tới lúc ấy, thường là họ đã chết gục dưới giá rét mùa đông của miền Karelia trước khi hoàn thành nhiệm vụ. Theo một số tính toán, hơn 25.000 tù đã chết, mặc dù con số này không bao gồm những người được tha do mắc bệnh hoặc bị tai nạn, và những người bị chết sau đó[227]. Một tù nhân, A. F. Losev, đã viết thư cho vợ kể rằng anh ta dài cổ mong được quay về ngục tối của nhà tù Butyrka, bởi ở đây anh ta phải nằm trên các giường tầng chen chúc đến nỗi “nếu ban đêm anh muốn đảo mình từ bên này qua bên kia thì ít nhất bốn hay năm người khác cũng phải xoay cùng lúc.”. Thậm chí lời kể dưới đây của một cậu bé, con một kulak bị lưu đày cùng toàn bộ gia đình tới một trong những khu cư trú vừa xây xong dọc dòng kênh, nghe còn bi thảm hơn nữa:

Cuối cùng chúng tôi ở lại trong một lán gỗ với hai dãy giường tầng. Do có trẻ nhỏ, gia đình chúng tôi được phân cho chiếc giường tầng dưới. Chiếc lán rất dài và lạnh lẽo. Lò sưởi được đốt suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày, cũng may là nhờ củi đốt ở miền Karelia thì không thiếu… cha tôi, người cung cấp lương thực chủ yếu, đi lãnh phần thay cho tất cả chúng tôi, chỉ có một phần ba cái xô đựng thứ xúp xanh lè, trong làn nước xám xịt ấy có hai hoặc ba quả cà chua hoặc một quả dưa chuột, vài mẩu khoai tây giá cứng, hòa lẫn với 100-200 gram lúa mạch hoặc đậu côve.

Cần nói thêm là cậu bé còn nhớ rằng cha mình, người đi xây các căn nhà mới cho người định cư, được cấp 600 gram bánh mì. Chị gái cậu được nhận 400 gram. Với tất cả chừng ấy họ phải nuôi chín thành viên của gia đình[228].

Sau này, một số vấn đề được phản ánh trong các báo cáo chính thức. Tại một cuộc họp Đảng ủy chi bộ Belbaltlag tháng 8/1932, xuất hiện những than phiền về tổ chức kém việc phân phối thực phẩm, bếp núc bẩn thỉu và sự gia tăng bệnh scoócbuýt (do thiếu vitamin). Bí thư chi bộ đã viết lại đầy bi quan rằng “Tôi không nghi ngờ gì rằng con kênh sẽ không được hoàn thành đúng thời hạn…”[229]

Nhưng với phần đông thì không có lựa chọn để nghi ngờ. Trong thực tế, các bức thư và báo cáo do những cán bộ quản lý dự án kênh đào viết trong thời gian xây dựng chứa đầy sợ hãi quá mức. Stalin đã ra lệnh kênh đào phải được làm xong trong vòng hai mươi tháng, và những người xây nó hiểu rõ rằng manh cơm bát áo của họ, có thể là cả sinh mạng của họ, đều tùy thuộc vào việc nó có hoàn thành trong hai mươi tháng hay không. Để đẩy nhanh tiến độ, các chỉ huy trại áp dụng các phương pháp đã được dùng trong xã hội lao động “tự do”, gồm cả việc tổ chức các cuộc “thi đua xã hội chủ nghĩa” giữa các đội lao động – cũng như các đợt “cơn lốc lao động” làm việc suốt đêm, trong đó tù “tình nguyện” làm hai mươi tư hoặc bốn mươi tám tiếng liên tục. Một tù nhớ lại rằng có lần đèn điện được thắp sáng quanh công trường để công việc có thể tiếp tục hai mươi bốn tiếng một ngày[230]. Một tù khác được cấp 10 ký bột mì trắng và 5 ký đường để thưởng cho thành tích lao động. Anh ta đưa bột cho đám thợ nướng bánh của trại và họ nướng cho anh rất nhiều ổ bánh trắng – anh ta đã một mình ăn hết sạch ngay lập tức[231].

Ngoài thi đua, chính quyền cũng áp dụng phong trào nêu gương udarnik hay “công nhân xung kích”. Về sau, các công nhân xung kích được đổi tên là “những người Stakhanov” – Stakhanovets, nhằm vinh danh Aleksey Stakhanov, một thợ mỏ lao động vượt chỉ tiêu đến phi lý[232]. Các udarnikStakhanovets tù nhân hoàn thành vượt chỉ tiêu được cấp thêm thực phẩm và các ưu đãi khác, gồm cả quyền (điều này sẽ không thể mơ tới trong những năm sau đó) được cấp một bộ quần áo mới mỗi năm, cộng thêm một bộ quần áo lao động cứ mỗi sáu tháng[233]. Những người đạt thành tích hàng đầu cũng được nhận thực phẩm chất lượng tốt hơn đáng kể. Tại nhà ăn họ được ăn tại bàn riêng, ngay dưới khẩu hiệu với dòng chữ “Thức ăn ngon nhất dành cho những công nhân tốt nhất”. Những người kém hơn ngồi dưới tấm khẩu hiệu “Ai phải ăn thức ăn kém hơn: những kẻ không hăng hái, hay rong chơi, biếng nhác”[234].

13

“Các công nhân xung kích giỏi nhất”: tranh cổ động treo tại vị trí danh dự.

14

“Hỡi các chiến sĩ đào kênh! Tinh thần làm việc càng hừng hực nóng thì hạn tù càng tan chảy nhỏ lại”

Rốt cục, những người đạt thành tích hàng đầu thì được tha sớm hơn: cứ ba ngày hoàn thành 100 phần trăm chỉ tiêu trở lên thì mỗi tù được giảm án bớt một ngày. Khi kênh đào cuối cùng được hoàn thành đúng thời hạn vào tháng 8/1933, 12.484 tù được thả. Rất nhiều người khác được nhận huân chương và bằng khen[235]. Một tù đã ăn mừng việc được sớm mãn hạn tại một buổi lễ kết thúc với lời mời bánh mì và muối truyền thống của Nga, trong khi những người chứng kiến đồng thanh hô “Hoan hô những Người xây dựng Kênh đào!”. Trong niềm hân hoan, anh ta ôm hôn một phụ nữ không hề quen biết. Họ cùng nhau trải qua đêm ấy trên dải bờ của con kênh đào[236].

Công trình Kênh đào Bạch Hải nổi bật bởi nhiều yếu tố: vì sự hỗn loạn tràn lan của nó, vì tốc độ thi công nhanh tột cùng, và vì ý nghĩa của nó đối với Stalin. Nhưng thuật hùng biện dùng để mô tả dự án mới đúng là độc đáo: Kênh đào Bạch Hải là dự án Gulag đầu tiên, duy nhất và cuối cùng được hệ thống tuyên truyền Liên Xô bộc lộ toàn bộ, cả trong lẫn ngoài nước. Và người được chọn để dẫn giải, động viên và biện hộ cho con kênh đối với nhân dân Liên Xô và toàn thể phần còn lại của thế giới không phải ai khác hơn chính là Maxim Gorky.

Ông không phải là lựa chọn đáng ngạc nhiên. Vào lúc này, Gorky đã là một phần cốt yếu và mật thiết của chính quyền Xôviết. Sau chuyến đi tàu mừng thắng lợi tháng 8/1930 của Stalin dọc con kênh đào vừa hoàn tất, Gorky dẫn 120 nhà văn Xôviết thực hiện một chuyến tương tự. Các nhà văn đã (theo lời họ nói) rất phấn khích trong chuyến đi đến nỗi xúc động không cầm nổi sổ tay: ngón tay họ “run lên vì kinh ngạc”[237]. Những ai sau này quyết định viết lại thành một cuốn sách về công trình xây dựng kênh đào cũng nhận được nhiều khích lệ về vật chất, bao gồm “một bữa trưa sang trọng tại khách sạn Astoria” – một khách sạn lớn từ thời Sa hoàng ở Leningrad – để ăn mừng đóng góp của mình vào dự án xây dựng[238].

Thậm chí với các tiêu chuẩn không đòi hỏi quá nhiều của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, cuốn sách bật ra từ các nỗ lực của họ – cuốn Kanal imeni Stalina (Kênh đào mang tên Stalin) – là một chúc thư đặc biệt về sự tha hóa của giới văn sỹ và trí thức trong xã hội toàn trị. Cũng như những gì Gorky viết về Solovetsky, Kanal imeni Stalina biện hộ cho một sự không thể bào chữa được, ngụ ý không chỉ ghi lại sự biến chuyển tinh thần của các tù nhân để trở thành những hình mẫu chói sáng của Homo Sovieticus (Con người thời đại Xô viết), mà còn nhằm tạo ra một kiểu văn học mới. Mặc dù được giới thiệu và kết luận bởi Gorky, trách nhiệm trong gần hết cuốn sách thuộc về không thể chỉ là một cá nhân mà phải là cả tập thể 36 nhà văn. Sử dụng thứ ngôn ngữ hoa mỹ, cường điệu và ve vuốt sự thật, họ cạnh tranh nhau trong việc nắm bắt cho được tinh thần của thời đại mới.

Một trong những ảnh chụp in trong sách đã tóm bắt được vấn đề này: nó chụp một người phụ nữ mặc bộ quần áo tù, đang sử dụng chiếc khoan một cách đầy cả quyết. Phía dưới cô ta là dòng chữ “Khi thay đổi bản tính, con người cũng thay đổi chính mình”. Không có gì trái ngược với thứ ngôn ngữ lạnh lùng của Ủy ban Yanson và chương trình kinh tế của OGPU mạnh mẽ rõ ràng hơn thế.

Với những ai không quen với vấn đề này, một số diện mạo của cuốn hiện thực xã hội chủ nghĩa Kanal có thể có chút gì đó đáng ngạc nhiên. Ví dụ, cuốn sách dường như không cố gắng chút nào để che dấu sự thật, bởi nó mô tả các sai lầm thiệt hại là do thiếu kỹ thuật và chuyên gia có kinh nghiệm. Tại một đoạn, cuốn sách trích lời Matvei Berman, lúc đó là chỉ huy của Gulag: “Anh sẽ được giao một ngàn người khỏe mạnh”, Berman nói với thuộc cấp OGPU của mình:

“Họ đã bị chính quyền Xôviết kết án nhiều tội khác nhau. Anh phải cùng với những con người đó hoàn thành xong công việc”.

“Nhưng xin cho tôi hỏi, có lính gác đi theo không?” nhân viên OGPU hỏi lại.

“Anh sẽ tổ chức lính gác ngay tại chỗ. Anh phải tự chọn ra họ”.

“Tốt thôi; nhưng tôi không biết gì về dầu mỏ”.

“Lấy tù nhân kỹ sư Dukhanovich đi theo làm trợ lý cho anh”.

“Ông ta có kiến thức không? Lĩnh vực của ông ta là cán thép nguội mà”.

“Thế anh còn muốn gì nữa? Muốn chúng ta làm án bắt các giáo sư anh cần đi trại tập trung à? Không có mục ấy trong Bộ luật Hình sự. Còn chúng ta thì không phải là nghiệp đoàn Dầu mỏ”.

Với những lời lẽ ấy, sau đó Berman gửi nhân viên OGPU kia đi làm nhiệm vụ. “Một công tác điên rồ”, các tác giả cuốn Kanal nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong vòng chỉ một hoặc hai tháng, tay OGPU và người của mình đã khoe với người này người khác về thành công họ đạt được với nhóm tù tả tơi của họ. “Tôi có một gã đại tá đốn gỗ giỏi nhất trong toàn trại”, một người rao lên; “Tôi có một kỹ sư thi công đào đất – từng là một thủ quỹ phạm tội tham ô,” một người khác nói[239].

Thông điệp ở đây rất rõ ràng: điều kiện vật chất rất khó khăn, nhân lực lại hạn chế – nhưng các công an an ninh Xôviết vốn điều gì cũng biết và không bao giờ cam chịu thất bại đã đạt được thành công, vượt mọi trở ngại và biến cải tù thành những công dân Xôviết tốt đẹp. Do đó những chuyện có thật – kỹ thuật thô sơ, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm – được đưa ra nhằm tạo được một chân dung mặt khác lại hấp dẫn và có vẻ chân thật về đời sống trong trại.

Gần hết cuốn sách thực tế là những câu chuyện vừa cảm động vừa sùng tín của các tù đang “rèn luyện” mình thông qua lao động tại kênh đào. Nhiều tù được tái sinh như vậy vốn là tội phạm, nhưng không phải tất cả. Không như bài luận của Gorky về Solovetsky phủ nhận hoặc giảm thiểu sự có mặt của tù chính trị, cuốn Kanal mô tả một số tù chính trị nổi bật đã hối cải. Bị ràng buộc bởi “những thành kiến giai cấp, kỹ sư Maslov, từng là một ‘kẻ gây hại’”, đã cố gắng “dùng một bức màn sắt để giấu đi quá trình cải biến tăm tối và sâu sắc của lương tâm đang cuộn dâng bên trong bản thân”. Kỹ sư Zubrik, cũng từng là một kẻ phá hoại xuất thân từ giai cấp lao động, đã “vẻ vang giành lại quyền trở về trong lòng giai cấp mà anh ta được sinh ra”[240].

Nhưng Kanal imeni Stalina ở mọi khía cạnh không phải là tác phẩm văn học duy nhất của thời đại đi tán dương sức mạnh hoán cải của trại tù. Vở kịch Aristokraty (Những nhà quý tộc) của Nikolai Pogodin – một hài kịch về Kênh đào Bạch Hải – là một ví dụ điển hình khác, ít nhất là vì nó dựa theo một chủ đề ưa thích của Bolshevik thời kỳ đầu: “tính đáng mến” của bọn trộm cắp. Được công diễn lần đầu tháng 12/1934, vở kịch của Pogodin (thậm chí còn được chuyển thể thành bộ phim mang tên Những người tù) đã lờ đi đám kulak và tù chính trị chiếm phần lớn số tù đào kênh, thay vào đó mô tả những trò đùa cợt vui nhộn của đám trộm cướp trong trại (vốn được mệnh danh là “những nhà quý tộc”) sử dụng một hình thức rất hòa nhã của tiếng lóng bọn tội phạm. Thật ra là có một hoặc hai chỗ khá u ám trong vở kịch. Ở một cảnh, một tội phạm “thắng được” một cô gái sau ván bài, nghĩa là kẻ thua phải bắt lấy cô ta và ép cô ta phục tùng kẻ thắng. Trong vở kịch, cô gái trốn thoát được; trong đời thực, có lẽ cô ta đã không thể may mắn như vậy.

Dù vậy, cuối cùng mọi người đều thú nhận những tội lỗi trước đó của mình, nhìn thấy được ánh sáng và bắt tay vào lao động nhiệt thành. Và một bài ca cất lên:

Tớ là tên cướp hung hãn, ừ,

Tớ trộm cắp của nhân dân, thù ghét lao động,

Và đời tớ tăm tối như bóng đêm.

Nhưng giờ đây tớ được cho đến đào kênh,

Mọi điều trước đây trôi đi như ác mộng.

Cứ như thể tớ vừa được tái sinh.

Tớ muốn được lao động, được sống và ca hát…[241]

 Vào lúc này, những thứ như vậy được ca ngợi như một hình thức mới mẻ và cơ bản của sân khấu. Jerzy Gliksman, một đảng viên xã hội Ba Lan được xem vở Aristokraty biểu diễn tại Moscow năm 1935, đã kể lại:

Thay vì diễn ra ở chỗ thông thường, sân khấu lại được dựng ở giữa nhà hát và khán giả ngồi thành vòng xung quanh. Mục đích của đạo diễn là thu hút khán giả gần hơn với diễn biến của vở kịch, nhằm tạo cầu nối giữa diễn viên và người xem. Không có màn, và sân khấu được dựng thô sơ quá mức, gần như nhà hát thời Elizabeth vậy… chủ đề kịch – cuộc sống trong một trại lao động – bản thân nó cũng đủ đáng sợ rồi[242].

Bên ngoài trại, những tác phẩm văn học như vậy có một chức năng kép. Một mặt, nó giữ vai trò trong một chiến dịch đang tiếp diễn nhằm biện hộ cho việc phát triển nhanh chóng hệ thống trại tù đối với công luận nước ngoài đang hoài nghi. Mặt khác, nó có thể cũng để làm dịu các công dân Liên Xô đang bất an do quá trình tập thể hóa và công nghiệp hóa quá dữ dội, bằng cách hứa hẹn với họ một kết cục tốt đẹp: thậm chí các nạn nhân cuộc cách mạng của Stalin cũng được có cơ hội để xây lại đời mình trong trại lao động.

Lời tuyên truyền đã có tác dụng. Sau khi xem Aristokraty, Gliksman xin được tới thăm một trại lao động thực sự. Có đôi chút ngạc nhiên, ông mau chóng được tới khu trại “trình diễn” tại Bolshevo, cách Moscow không xa. Sau này ông nhớ lại “mấy chiếc giường phủ chăn ga trắng tinh đẹp tuyệt, phòng tắm đẹp mắt. Mọi thứ sạch như li như lau”, và được gặp một nhóm tù trẻ để nghe họ kể những câu chuyện riêng tư mang tính hướng thiện cũng giống như những gì Pogodin và Gorky đã mô tả. Ông gặp một tên trộm giờ đây đang học thêm để trở thành kỹ sư. Ông gặp một gã lưu manh nay đã nhận ra sai lầm của mình và hiện đang trông coi nhà kho của trại. “Thế giới này mới đẹp làm sao!” một đạo diễn phim người Pháp thì thầm vào tai Gliksman. Mọi thứ đảo lộn khi năm năm sau chính Gliksman đứng trên một toa tàu chứa súc vật nhét kín người hướng về một khu trại chẳng có chút gì liên quan với khu trại kiểu mẫu ở Bolshevo, cùng với các tù nhân rất khác so với những người trong vở kịch của Pogodin[243].

Bên trong trại, kiểu tuyên truyền tương tự cũng có vai trò đáng kể. Những xuất bản và “tờ báo tường” của trại – là các tờ báo dán trên bảng tin để tù đọc – chứa cùng một dạng các chuyện kể và thơ ca viết cho người ngoài, chỉ có chút khác biệt ở những điểm được nhấn mạnh. Tờ báo Perekovka (“Cải tạo”), được viết và xuất bản bởi các tù của Kênh đào Moscow-Volga, là một điển hình. Chứa đầy những ca ngợi các công nhân xung kích và mô tả các ưu đãi dành cho họ (“Họ không phải đứng xếp hàng, họ được phụ bếp dọn thức ăn ngay tại bàn!”), tờ Perekovka cần ít thời gian hơn các tác giả của Kanal imeni Stalina để ca tụng các ưu điểm của sự biến chuyển tinh thần, và dùng nhiều thời gian hơn để bàn về các ưu tiên thực tế mà tù có thể có được nếu họ làm việc hăng hái hơn.

Cũng có khá nhiều những vờ vịt về sự công bằng hơn của hệ thống Xôviết. Ấn bản ngày 18/1/1933 in lại một bài phát biểu của Lazar Kogan, một trong các lãnh đạo trại: “Chúng ta không thể phán xét người này người kia bị bắt giam là  đúng hay sai. Đó là việc của công tố viên… Các anh có nghĩa vụ làm được điều có ích với đất nước thông qua công việc của mình, và chúng tôi có nghĩa vụ tạo cho các anh trở thành người có ích cho đất nước”[244].

Một thứ cũng đáng chú ý là bộ phận “than phiền” khá cởi mở và vô cùng vô tư của Perekovka. Tù viết trong đó những than phiền về một mặt là “các cãi vã và mắng chửi” trong lán nữ, mặt khác là “việc hát quốc ca”; viết về các chỉ tiêu không thể hoàn thành được; về sự thiếu giày hoặc đồ lót sạch; về việc không cần thiết phải đánh ngựa; về khu chợ đen ở trung tâm Dmitrov – trụ sở của trại; và về việc sử dụng sai máy móc (“không có máy móc tồi, chỉ có quản lý kém”). Kiểu cởi mở đó về những sai sót trong trại sau này sẽ biến mất hoàn toàn, dành chỗ cho các báo cáo riêng giữa các thanh tra trại và ông chủ của họ ở Moscow. Tuy nhiên, đầu thập kỷ 1930, sự cởi mở như vậy khá phổ biến bên ngoài trại cũng như bên trong trại. Đó là một phần tự nhiên của định hướng cấp bách và điên rồ nhằm cải thiện điều kiện sống, cải thiện tiêu chuẩn lao động và – trên hết tất cả – để theo kịp với các yêu cầu ráo riết của ban lãnh đạo Stalinist[245].

15.jpg

Ngày nay, đi dọc đôi bờ Kênh đào Bạch Hải, khó mà gợi lên cho được cái không khí cuồng loạn thời đó. Tôi đến thăm nơi này vào một ngày uể oải tháng 8/1999, cùng với nhiều nhà sử học địa phương. Chúng tôi dừng lại đôi chút để quan sát cái tượng đài nhỏ của các nạn nhân của con kênh tại Povenets, mang dòng chữ ngắn gọn “Cho những con người vô tội đã chết khi xây dựng Kênh đào Bạch Hải, 1931-1933”. Trong khi chúng tôi đứng đó, một trong những người đi theo khăng khăng đòi hút kỷ niệm một điếu thuốc “Belomor”. Anh ta giải thích rằng nhãn thuốc lá “Belomor”, một trong các loại phổ biến nhất của Liên Xô, trong nhiều thập kỷ đã là tượng đài duy nhất dành cho những người đi xây kênh đào.

Đứng gần đó là ông trudposelok già, tức là một “người định cư lưu đày”, lúc này đây trông thật vô hồn. Những ngôi nhà lớn một khối, làm bằng gỗ theo kiểu Karelia, đã bị đóng ván bít kín cửa. Nhiều căn đã bị lún sâu. Một người địa phương, gốc là người Belorussia – thậm chí ông ta còn nói một chút tiếng Ba Lan – kể cho chúng tôi rằng vài năm trước ông đã tìm cách mua một căn nhà như vậy, nhưng chính quyền địa phương không bán cho ông. “Giờ đây chúng đang rã cả ra”, ông nói. Trong khu vườn nhỏ sau căn nhà ông trồng bí, dưa chuột và dâu. Ông cho chúng tôi uống thứ rượu nhà làm. Với khu vườn này và lương hưu 550 rúp – tỷ giá lúc ấy bằng 22 đôla một tháng – là đủ, theo lời ông, để sống. Tất nhiên không có công việc gì khác để làm bên dòng kênh.

Và cũng không có gì ngạc nhiên: dọc theo bản thân con kênh, bọn trẻ đang bơi và ném sỏi. Lũ bò lội trong dòng nước nông u ám, còn cỏ dại mọc đầy xuyên qua các khe hở bê tông. Dọc bên một trong những cửa van, có một căn chòi nhỏ có treo rèm hồng và các chiếc cột kiểu thời Stalin ngoài hiên, một phụ nữ đơn độc đang điều khiển mực nước lên xuống kể cho chúng tôi rằng có lẽ có bảy chiếc tàu đi qua cầu mỗi ngày, thường là chỉ khoảng ba hay bốn chiếc. Thế là còn nhiều hơn số mà Solzhenitsyn thấy năm 1966, khi ông này ở suốt cả ngày bên dòng kênh và thấy mỗi hai cái xà lan, cả hai đều chở củi đốt. Hầu hết hàng hóa lúc đó, cũng như bây giờ, đều chở bằng đường sắt – và, như một công nhân quản lý kênh kể cho ông, tuyến đường thủy này nông đến nỗi “thậm chí tàu ngầm cũng không thể tự mình đi qua được; phải chở chúng trên phà”[246].

Tuyến tàu thủy từ biển Baltic tới Bạch Hải dường như cũng không phải là cần thiết cấp bách.

5 . Hệ thống trại được mở rộng

Chúng tôi tiến tới, sau lưng

Là toàn đội vui vẻ bước.

Phía trước – vinh quang của những người Stakhanov

Mở ra một con đường mới…

Lối cũ chúng tôi đã quên hẳn,

Từ ngục tối chúng tôi vươn lên theo lời kêu gọi

Theo con đường của những người Stakhanov vinh quang

Xin hãy tin, chúng tôi đang đi tới cuộc đời tự do…

– Trích từ tạp chí Kuznitsa, in tại Sazlag, 1936[247].

Về chính trị, Kênh đào Bạch Hải là dự án Gulag quan trọng nhất thời đại đó. Nhờ sự can thiệp cá nhân của Stalin, mọi nguồn lực đều ưu tiên cho việc xây dựng nó. Bộ máy tuyên truyền rộng rãi cũng đảm bảo để sự hoàn thành vẻ vang của nó được vang xa và rộng khắp. Nhưng con kênh này không phải là điển hình cho các dự án mới của Gulag – nó không phải là đầu tiên, cũng không phải là lớn nhất.

Trong thực tế, thậm chí trước cả khi bắt đầu việc xây dựng kênh đào, OGPU đã âm thầm bắt tay vào phân phối lao động tù đi khắp đất nước, kém ồn ào và bớt tuyên truyền hơn nhiều. Đến giữa thập kỷ 1930, hệ thống Gulag đã có 300.000 tù trong tay, rải khắp hơn chục tổ hợp trại và một số khu nhỏ hơn. Có 15.000 người làm việc tại Dallag, một trại mới ở vùng viễn đông. Hơn 20.000 người đang xây dựng và điều hành các xưởng hóa học ở Vishlag, một trại tổ chức trên cơ sở phân khu Vishersky của SLON, nằm ở phía tây dãy Ural. Tại Siblag, miền tây Siberi, tù đang xây dựng tuyến đường sắt phương bắc, làm gạch và đốn gỗ, trong khi 40.000 tù của SLON đang xây đường, đốn gỗ để xuất khẩu và đóng gói 40 phần trăm sản lượng cá đánh bắt ở Bạch Hải[248].

16.jpg

17.jpg

Không như Kênh đào Bạch Hải, những trại mới này không phải để trình diễn. Mặc dù chúng rõ ràng có ý nghĩa kinh tế lớn hơn đối với đất nước Liên Xô, không có nhóm nhà văn nào tới để kể về chúng. Sự tồn tại của chúng không phải là hoàn toàn bí mật – vẫn chưa đến lúc – nhưng cũng không ai phổ biến chúng: các thành tựu “thực tế” của Gulag không phải để cho nước ngoài biết, thậm chí trong nước cũng không được biết.

Khi các trại lan rộng, bản chất của OGPU cũng thay đổi. Như trước kia, công an mật Xôviết tiếp tục dọ thám các kẻ thù của chế độ, hỏi cung những người bất đồng chính kiến, tìm kiếm các “âm mưu” và “mưu đồ”. Từ 1929 trở đi, công an mật cũng gánh thêm một phần trách nhiệm phát triển kinh tế Liên Xô. Trong hơn một thập kỷ sau, thậm chí họ sẽ là tiên phong, thường xuyên tổ chức các cuộc thám hiểm cũng như việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên ở Liên Xô. Họ lên kế hoạch và trang bị cho các đoàn thám hiểm địa chất đi tìm những mỏ than, dầu, vàng, nickel và các kim loại khác nằm dưới vùng đài nguyên băng giá của Bắc cực và vùng cận cực bắc của miền viễn đông Liên Xô. Họ sẽ quyết định xem vùng gỗ rừng khổng lồ nào sẽ bị đốn để trở thành gỗ khối xuất khẩu đầy giá trị. Để chuyển những tài nguyên đó vào các thành phố chính và các trung tâm công nghiệp của Liên Xô, họ lập ra một mạng lưới đường bộ và đường sắt khổng lồ, trải khắp một hệ thống giao thông vận tải thô sơ xuyên qua hàng ngàn cây số những vùng hoang dã không có người ở. Đôi lần, họ cũng đích thân tham gia những chuyến mạo hiểm đó, đi bộ băng qua vùng đài nguyên, mình khoác áo lông thú dày và đi ủng cao cổ, đánh điện gửi kết quả về cho Moscow.

Tù cần được giao các nhiệm vụ mới bên cạnh những người giam cầm họ. Mặc dù một số tiếp tục phải làm việc vất vả sau hàng rào kẽm gai, đào than hay đào hào, trong suốt nửa đầu thập niên 1930 tù cũng chèo xuồng đi xuôi dòng sông lên phía bắc Bắc cực, mang theo các dụng cụ cần thiết để khảo sát địa chất và xuyên lòng đất để tìm mỏ than đá và giếng dầu mới. Họ xây lán trại, trải dây thép gai và dựng các tháp canh cho khu trại mới. Họ xây các nhà máy tinh luyện cần thiết để chế biến tài nguyên, đóng cọc để làm đường sắt và trải nhựa làm đường. Cuối cùng, họ cũng ở lại tại vùng đất mới khai phá, định cư trên chốn hoang vu chưa từng có bóng người.

Sau này, các sử gia Xôviết sẽ gọi chương này trong lịch sử Liên Xô một cách nên thơ là “Khởi đầu cho miền Cực Bắc”, và đúng là nó tiêu biểu cho việc cắt đứt thực sự với quá khứ. Thậm chí trong những thập kỷ cuối cùng của chế độ Sa hoàng, khi một cuộc cách mạng công nghiệp muộn màng cuối cùng đã nổ ra trên khắp nước Nga, vẫn không có ai cố thử thám hiểm và định cư tại khu vực cực bắc của đất nước với mức độ mãnh liệt như vậy. Thời tiết quá khắc nghiệt, khả năng chịu đựng của con người có giới hạn và kỹ thuật nước Nga quá thô sơ. Chế độ Xô viết ít để ý tới những vấn đề đó hơn. Mặc dù kỹ thuật không khá hơn, chế độ mới không mấy chú ý tới mạng sống những người mà nó đưa đi thực hiện việc “khởi đầu”. Nếu một số trong bọn họ phải chết – không sao, có thể tìm người khác thay vào.

Tai họa rất nhiều, đặc biệt là vào khởi đầu của thời đại mới này. Gần đây, tính xác thực về một sự kiện đặc biệt kinh hoàng, là một phần của những gì mà những người sống sót truyền miệng bấy lâu nay, đã được xác nhận bởi một tài liệu tìm thấy trong kho lưu trữ ở Novosibirsk. Được ký bởi một người hướng dẫn Đảng của Đảng ủy Narym miền tây Siberi, và được gửi vào tài liệu lưu ý riêng của Stalin tháng 5/1933, nó mô tả chính xác việc tới nơi của một nhóm nông dân lưu đày – được diễn tả là “các thành phần chậm tiến” – trên hòn đảo Nazino giữa sông Ob. Các nông dân bị đi đày, do đó phải định cư tại doi đất, có lẽ để canh tác trên đó:

Chuyến đầu tiên tới nơi chở 5.070 người, chuyến thứ hai chở 1.044; tổng cộng 6.114 người cả thảy. Điều kiện vận chuyển rất kinh khủng: số thực phẩm ít ỏi được phát thì không thể nuốt được và người đi đày bị nhồi nhét trong toa tàu ngột ngạt… Kết quả là tỷ lệ chết mỗi ngày lên đến 35-40 người. Tuy nhiên, điều kiện sống như vậy là quá sang so với những gì chờ đợi họ trên đảo Nazino… Doi Nazino là một nơi hoàn toàn không có người ở, xung quanh không có thôn xóm nào… Không có dụng cụ, không có thóc và không thức ăn. Với ngần ấy mà phải bắt đầu để sống. Ngày đầu tiên sau khi đến, ngày 19 tháng 5, tuyết bắt đầu rơi trở lại và gió thổi mạnh. Đói khát, suy kiệt nhiều tháng nay vì thiếu thực phẩm, không có chỗ trú và không có dụng cụ… họ bị lâm nguy. Thậm chí không thể đốt lửa để bớt lạnh. Càng thêm nhiều người nữa chết…

Trong ngày đầu tiên, 295 người được chôn. Mãi đến ngày thứ tư hay thứ năm sau khi được tàu chở tới đảo, chính quyền mới gửi bằng thuyền tới nơi một ít bột, không nhỉnh hơn một vài cân cho mỗi người. Ngay khi nhận được phần ít ỏi đó, mọi người chạy tới bờ nước để gắng trộn chút bột với nước ấy trong lòng mũ, ống quần hoặc áo khoác. Hầu hết mọi người đều cố ăn chúng không do dự, thậm chí một số đã bị ngẹn đến chết. Khẩu phần bột nhỏ bé ấy là thực phẩm duy nhất mà những người đi đày được nhận trong suốt thời gian họ ở trên đảo…

Ba tháng sau, ngày 20 tháng Tám, khi người công chức Đảng kia viết tiếp, đã có gần 4.000 trong tổng số 6.114 người “định cư” chết. Những người sống sót tồn tại được vì họ đã ăn thịt những người chết. Theo một người tù khác đã gặp những người sống sót đó ở nhà tù Tomsk, họ “trông như những xác chết biết đi”, và tất cả đều bị bắt giam – vì tội ăn thịt người[249].

18.jpg

19.jpg

Thậm chí trong những trường hợp tỷ lệ chết không đến nỗi kinh khủng như vậy thì điều kiện sống tại nhiều dự án nổi tiếng đầu tiên của Gulag cũng gần như không thể chịu đựng nổi. BAMlag, một trại tổ chức xung quanh khu vực xây dựng tuyến đường sắt từ Baikal tới Amur ở miền viễn đông nước Nga – thuộc một phần của mạng lưới đường sắt tốc hành Xuyên-Siberi – là một ví dụ điển hình cho thấy mọi việc có thể tồi tệ tới mức nào chỉ đơn giản là do thiếu kế hoạch. Cũng như Kênh đào Bạch Hải, việc xây dựng tuyến đường sắt được thực hiện với tốc độ quá nhanh, không hề có các chuẩn bị kỹ lưỡng. Những người lên kế hoạch cho trại thực hiện thám hiểm địa hình, thiết kế tuyến đường sắt và xây dựng công trình đồng thời; việc xây dựng bắt đầu trước cả khi khảo sát hoàn tất. Thậm chí nếu làm như vậy thì những người khảo sát cũng đã phải báo cáo về tuyến dài 2.000 km trong vòng không đầy bốn tháng, trong điều kiện không đầy đủ giày trượt tuyết, quần áo ấm và dụng cụ cần thiết. Bản đồ cũ rất ít, vì thế đã gây ra nhiều sai lầm đắt giá. Theo lời một người sống sót, “các tổ hai công nhân (mỗi tổ đi khảo sát một chiều dài tuyến riêng rẽ) nhận ra là họ không thể nối tuyến và kết thúc công việc bởi vì hai con sông mà họ đang đi khảo sát dọc theo, trên bản đồ có hợp dòng lại với nhau, trong khi thực tế chúng tách hẳn ra với nhau”[250].

Các chuyến tàu vận tải bắt đầu đổ tới trụ sở trại ở thị trấn Svobodny (tên gọi này có nghĩa là “Tự do”) không ngưng nghỉ, ngay sau khi công tác được khởi công. Trong khoảng từ tháng 1/1933 tới 1/1936, số lượng tù tăng vọt từ vài ngàn lên hơn 180.000. Nhiều người đã yếu mệt trong chuyến đi, không giầy ủng và quần áo ấm, mắc các bệnh thiếu vitamin, giang mai, kiết lỵ, trong đó có những người sống sót qua nạn đói đã quét qua vùng nông thôn Liên Xô đầu thập kỷ 1930. Trại hoàn toàn không được chuẩn bị. Một chuyến người ngay sau khi tới bị đưa vào các lán trại lạnh lẽo tối tăm và phát bánh mì phủ đầy bụi bặm. Các chỉ huy trại BAMlag không thể đối phó được với sự hỗn loạn, theo như lời họ thừa nhận trong các báo cáo gửi cho Moscow, và được trang bị quá sơ sài để lo cho các tù ốm yếu. Kết quả là, những người bệnh nặng không thể làm việc chỉ còn cách là cấp cho họ khẩu phần khắc khổ và bỏ mặc cho đói. Một chuyến có hai mươi chín người chết trong vòng ba mươi bảy ngày sau khi tới[251]. Trước khi tuyến đường sắt hoàn thành, có lẽ phải có hàng chục ngàn tù chết.

Những câu chuyện tương tự được lặp lại trên khắp đất nước. Tại công trường xây dựng đường sắt của Gulag ở trại Sevlag, đông bắc Arkhangelsk, vào năm 1929 các kỹ sư đã xác định rằng số lượng tù ấn định cho dự án của họ phải được tăng gấp sáu lần. Trong khoảng từ tháng Tư đến tháng Mười năm đó, các đoàn xe chở tù bắt đầu đến nơi đúng hẹn – nhưng không thấy có gì tại đó. Một tù nhớ lại: “Không có lán trại, không một ngôi làng. Chỉ có những lều bạt ở một bên trại dành cho lính gác và cho trang bị dụng cụ. Không có nhiều người, có lẽ chỉ khoảng ngàn rưởi. Phần lớn đều là nông dân trung niên, cựu kulak. Cùng với đám tội phạm. Không thấy có trí thức…”[252]

Tuy mặc dù tất cả các tổ hợp trại được lập đầu thập niên 1930 đều khởi đầu là thiếu tổ chức và tất cả đều chưa được chuẩn bị để tiếp nhận các tù nhân kiệt sức đến từ những vùng chịu nạn đói, không phải tất cả chúng đều rơi vào tình trạng lộn xộn chết người. Nhận thức đúng được hoàn cảnh – có liên hệ với các điều kiện thuận lợi tại chỗ và biết kết hợp với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Moscow – một số trại đã có thể phát triển. Với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên, họ phát triển cơ cấu ban bệ vững vàng hơn, xây dựng công trình thường xuyên hơn, thậm chí còn đẻ thêm ra nhóm NKVD chóp bu địa phương. Một số ít cuối cùng còn chiếm lĩnh trọn cả một vùng đất, biến đổi toàn vùng lãnh thổ đó thành thành trại tù. Trong số các trại được thành lập thời kỳ này, có hai trại – Đoàn Thám hiểm Ukhtinskaya và Tập đoàn trại Dalstroi – cuối cùng đã đạt tới kích thước và vị thế của các đế chế công nghiệp khổng lồ. Nguồn gốc của chúng xứng đáng để được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Đối với các hành khách không hay quan sát, một chuyến ôtô đi dọc tuyến đường lộ trải xi măng lổn nhổn ổ gà ổ voi dẫn tới thành phố Syktyvkar, thủ phủ của Cộng hòa Komi và thành phố Ukhta, một trong những trung tâm công nghiệp của Komi, dường như ít có gì đáng chú ý. Con đường dài 200 km, ở một vài chỗ đã hư hỏng gần hết bề mặt, dẫn xuyên qua các cánh rừng thông rộng vô tận và băng ngang nhiều đầm lầy. Mặc dù con đường có đi qua một số dòng sông, quang cảnh cũng không thay đổi là mấy: đây là vùng taiga, cảnh quan đẹp tuyệt nhưng đơn điệu miền cận cực bắc mà Komi (và trong thực tế là ở khắp phía bắc nước Nga) là nổi tiếng nhất.

Thậm chí mặc dù cảnh quan không có gì đặc sắc thì xem xét kỹ hơn sẽ cho thấy một số điều kỳ dị. Nếu biết cách quan sát, có thể thấy tại một số nơi nhất định mặt đất hõm xuống, ngay dọc bên đường. Đó là những dấu vết còn lại của các khu trại có thời từng trải suốt chiều dài con đường, và của những nhóm tù đã xây dựng con đường. Do các công trình xây dọc đường chỉ là tạm thời, tù ở đây không ở trong nhà trại mà sống trong các zemlyanka, các nhà bán hầm: do đó mới có các dấu vết kia trên mặt đất[253].

Tại một khu vực khác của con đường còn lại các dấu vết nguyên vẹn hơn của khu trại từng gắn với một mỏ dầu nhỏ. Cỏ dại và cây bụi giờ đây phủ kín khu đất, nhưng có thể dễ dàng gạt chúng sang một bên để lộ ra các tấm gỗ đã mục – có lẽ chúng vẫn còn tồn tại nhờ bị thấm dầu từ đế giày của tù – và nhiều mẩu dây thép gai. Không có một đài kỷ niệm nào, mặc dù có một cái ở Bograzdino, một trại trung chuyển cách con đường xa hơn, từng giữ tới 25.000 tù. Không còn lại bất cứ dấu vết gì ở Bograzdino. Tại một điểm khác dọc con đường – đằng sau một trạm xăng thời hiện đại, có lẽ của Công ty Lukoil, một công ty Nga ngày nay – vẫn khấp khểnh một tháp canh gỗ đã cũ, xung quanh là nhiều mảnh kim loại và những đoạn dây thép gai đã rỉ quẹn.

Tiếp tục đi tới Ukhta cùng một ai đó biết rõ về thành phố này, lịch sử được che dấu của nó sẽ mau chóng được tiết lộ. Mọi ngả đường dẫn tới thị trấn đều từng được xây bởi tù, cũng như tất cả các khối nhà làm việc và chung cư ở trung tâm Ukhta. Ngay giữa thành phố là một công viên, được thiết kế và xây bởi các kiến trúc sư tù; một nhà hát trong đó các tù cựu diễn viên từng biểu diễn; và các căn nhà gỗ vững chãi, nơi các chỉ huy trại từng sống. Ngày nay, các giám đốc của Gazprom, một công ty mới khác thời hậu Liên Xô, đang đóng trong những công trình hiện đại trên cùng các con phố lá phủ.

Tại Cộng hòa Komi, Ukhta không phải là thành phố độc nhất như vậy. Mặc dù ban đầu khó thấy, dấu vết của Gulag còn có thể bắt gặp ở khắp Komi, vùng đất rộng lớn của rừng taiga và đài nguyên tundra nằm về phía đông bắc Sank Peterburg và ở phía tây dãy núi Ural. Tù nhân thiết kế và xây dựng tất cả những thành phố chính của nước cộng hòa này, không chỉ có Ukhta mà cả Syktyvkar, Pechora, Vorkuta và Inta. Tù xây các tuyến đường sắt và đường bộ của Komi, cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghiệp cơ bản của nó. Đối với những người tù bị đưa tới đây thập niên 1940 và 1950, Komi dường như không là gì ngoài một trại tù khổng lồ – như nó vốn thế. Nhiều ngôi làng của nó vẫn được người địa phương gọi theo tên từ thời Stalin: “Phố Tàu”, ví dụ, là nơi giữ một nhóm tù Trung Hoa; hay “Berlin” từng là nơi sống của các tù binh chiến tranh người Đức.

Nguồn gốc của đất nước cộng hòa tù khổng lồ này nằm ở một trong những chuyến thám hiểm đầu tiên nhất của OGPU, chuyến Thám hiểm Ukhtinskaya, bắt đầu vào năm 1929 để tìm hiểu vùng đất mà cho tới khi đó còn hoàn toàn hoang dã. Theo các tiêu chuẩn Xôviết, chuyến thám hiểm được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Nó tập hợp rất nhiều các chuyên gia, hầu hết đều đang là tù thuộc hệ thống Solovetsky: chỉ riêng trong năm 1928, có đến sáu mươi tám kỹ sư mỏ bị gửi vào SLON, là nạn nhân của các chiến dịch trong năm đó nhằm vào các “kẻ gây hại” và “bọn phá hoại” được cho là muốn cản trở đường hướng công nghiệp hóa của Liên Xô[254].

Tháng 11/1928, vào thời điểm thích hợp đầy bí ẩn, OGPU bắt giữ N. Tikhonovich, một nhà địa chất nổi tiếng. Tuy nhiên, sau khi ném ông vào nhà tù Butyrka ở Moscow, họ đã không thực hiện một cuộc hỏi cung như thông thường. Thay vào đó, họ đem ông đến một cuộc họp bàn kế hoạch. Sau này Tikhonovich nhớ lại, không cần mất thì giờ rào trước đón sau, một nhóm tám người – ông không được cho biết họ là ai – hỏi ông rất thẳng thắn cách thức chuẩn bị một cuộc thám hiểm tới Komi. Ông cần quần áo như thế nào để đem theo nếu ông tham gia? Có bao nhiêu bộ phận trong đoàn? Cần những dụng cụ gì? Phương thức di chuyển thế nào? Tikhonovich, người đã lần đầu tiên tới vùng này vào năm 1900, đề xuất hai tuyến đi. Các nhà địa chất có thể đi đường bộ, di chuyển bằng chân và trên lưng ngựa xuyên qua bùn lầy và rừng rậm của vùng taiga không có người ở để đến làng Syktyvkar, lúc ấy là làng lớn nhất trong khu vực. Theo cách khác, họ có thể đi đường thủy: từ Cảng Arkhangelsk ở Bạch Hải, dọc theo bờ biển phía bắc tới cửa sông Pechora, sau đó tiếp tục đi trên bộ theo các phân nhánh của sông Pechora. Tikhonovich đề nghị chọn tuyến thứ hai, nêu lý do rằng đi thuyền có thể đem theo nhiều trang thiết bị nặng hơn. Theo đề nghị của ông, chuyến thám hiểm tiến hành bằng đường biển. Tikhonovich, vẫn còn là một tù nhân, trở thành trưởng nhóm địa chất.

Không để phí thời gian và cũng không cần tiết kiệm chi phí, bởi lãnh đạo Xôviết xem chuyến thám hiểm này là một ưu tiên cấp thiết. Đến tháng 5, ban quản lý Gulag ở Moscow đưa ra hai ông trùm công an mật cao cấp để dẫn đầu đoàn: E. P. Skaya – từng là trưởng ban an ninh của Điện Smolny, trụ sở đầu tiên của Lenin trong Cách mạng, sau này trở thành trưởng ban an ninh của chính Điện Kremlin – và S. F. Sidorov, kế hoạch gia kinh tế hàng đầu của OGPU. Cùng lúc đó, các ông trùm nhóm thám hiểm lựa chọn “lực lượng lao động” cho mình – 139 tù khỏe mạnh nhất trong trại trung chuyển của SLON tại Kem, bao gồm tù chính trị, kulak và tù tội phạm. Sau hơn hai tháng chuẩn bị, tù bắt đầu chất đồ đạc thiết bị lên chiếc tàu hơi nước của SLON, chiếc Gleb Boky. Chưa đầy hai mươi bốn giờ sau, họ nhổ neo.

Không có gì ngạc nhiên, chuyến thám hiểm đường thủy gặp phải rất nhiều trở ngại. Nhiều lính gác bị nhiễm lạnh bàn chân và một người đã bỏ trốn tại chặng dừng ở Arkhangelsk. Các nhóm nhỏ tù cũng tìm cách bỏ trốn tại nhiều điểm trên chuyến đi. Khi chuyến thám hiểm cuối cùng đến được cửa sông Pechora, lại rất khó kiếm được người dẫn đường địa phương. Thậm chí nếu trả công thì người dân tộc Komi cũng không muốn dây dưa gì với tù nhân hay công an mật, và họ từ chối giúp dẫn con tàu đi ngược dòng. Tuy nhiên, sau bảy tuần cuối cùng con tàu cũng tới nơi. Ngày 21 tháng 8, họ dựng trại của mình tại làng Chibyu – sau này được đổi tên thành Ukhta.

Sau chuyến đi đầy mệt nhọc, tinh thần chung trở nên vô cùng ảm đạm. Họ đã đi được một chặng đường dài – vậy mà đã tới được đâu? Chibyu không cung cấp được nhiều những thứ cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Một trong những chuyên gia tù nhân, nhà địa lý Kulevsky, đã nhớ lại ấn tượng đầu tiên của mình về nơi này như sau: “Trái tim như thắt lại khi quan sát cảnh quan hoang dã trống vắng nơi đây: cái tháp canh lớn, đen thui và đơn độc trông thật ngớ ngẩn, hai ngôi lều thảm hại, rừng taiga và đầm lầy…”[255]

Ông hẳn có ít thời gian để ngẫm nghĩ lâu hơn. Đến cuối tháng 8, những cơn gió thu đã vờn trong không khí. Không còn thời gian để phung phí nữa. Ngay khi vừa đặt chân tới, các tù đã lập tức bắt đầu làm việc mười hai giờ mỗi ngày để xây trại và nơi làm việc cho mình. Các nhà địa chất khởi hành đi chọn các địa điểm tốt nhất để đào tìm dầu mỏ. Có thêm nhiều chuyên gia nữa tới đây vào mùa thu. Các chuyến tàu chở tù mới cũng đến nơi, ban đầu là hàng tháng và sau là hàng tuần trong suốt “mùa” 1930. Cuối năm đầu tiên của chuyến thám hiểm, số lượng tù đã tăng lên đến gần một ngàn.

Mặc dù đã lên kế hoạch trước, điều kiện sống của cả tù và người lưu đày trong những ngày đầu tiên ấy là rất khủng khiếp, cũng như mọi nơi khác. Hầu hết phải sống trong lều bạt, do ở đây không có lán trại. Hay cũng không có đủ quần áo và giày ủng mùa đông, hoặc không ở địa điểm nào có đủ thực phẩm. Bột mì và thịt chở tới với số lượng ít hơn yêu cầu, cũng như thuốc men. Số tù ốm và yếu sức tăng lên, theo như các chỉ huy chuyến thám hiểm đề cập tới trong một báo cáo họ lập sau này. Sự cô lập cũng khó chịu đựng không kém. Những khu trại mới này cách quá xa với văn minh – chúng cách quá xa các con đường, chưa kể đường sắt – đến nỗi ở Komi không cần dùng hàng rào thép gai tới tận năm 1937. Chạy trốn được xem là vô vọng.

Tuy vậy, tù vẫn đổ tới – và các chuyến thám hiểm bổ sung vẫn tiếp tục tiến hành từ trại căn cứ ở Ukhta. Nếu thành công, mỗi chuyến thám hiểm như vậy sẽ đến lượt mình lập ra một trại căn cứ mới – một lagpunkt – đôi khi tại những nơi xa không thể tưởng nổi, cách Ukhta nhiều ngày hay nhiều tuần đi bộ. Đến lượt mình, chúng sẽ lập ra những trại phụ để xây đường hoặc lập nông trại để cung cấp cho nhu cầu của tù. Theo cách ấy, các trại lan ra như những hạt giống lớn nhanh rải khắp vùng rừng hoang vắng của Komi.

Một số cuộc thám hiểm chỉ mang tính tạm thời. Đó cũng là số phận của một trong những chuyến đầu tiên, khởi hành từ Ukhta vào mùa hè năm 1930 để tới đảo Vaigach thuộc vùng Biển Bắc. Các chuyến khảo sát địa lý ban đầu đã tìm thấy quặng chì và thiếc trên đảo, mặc dù vậy Đoàn thám hiểm Vaigach – như nó được gọi tên – cũng vẫn được bổ sung nhiều tù là nhà địa chất. Một số các nhà địa chất ấy hành xử mẫu mực đến nỗi OGPU đã thưởng công cho họ: họ được phép đem theo vợ con đến sống cùng mình trên đảo. Chỗ ấy xa xôi đến nỗi các chỉ huy trại không sợ họ bỏ trốn, nên đã cho phép tù đi tới bất cứ nơi nào họ muốn, cùng với các tù khác hoặc các công nhân tự do, không cần có giấy phép đặc biệt hoặc giấy thông hành. Để khuyến khích “lao động xung kích ở miền cực bắc”, Matvei Berman, lúc ấy là ông trùm của Gulag, đã ban cho tù trên đảo Vaigach cứ mỗi một ngày làm việc như vậy thì được giảm án tù hai ngày[256]. Tuy nhiên, đến năm 1934 khu mỏ bị ngập nước và OGPU chuyển cả tù và trang thiết bị đi khỏi đảo một năm sau đó[257].

Các chuyến thám hiểm khác được thực hiện thường xuyên hơn. Năm 1931, một nhóm hai mươi ba người khởi hành từ Ukhta lên phía bắc bằng thuyền, xuôi theo các dòng nước trong đất liền, dự định để đào lên một lượng lớn quặng than – của vỉa than đá Vorkuta – tìm thấy vào năm trước tại vùng đài nguyên miền cực bắc ở phía bắc của Komi. Trong các chuyến thám hiểm như vậy, các nhà địa chất dẫn đầu đoàn, tù chèo thuyền còn một số ít nhân viên OGPU thì tùy tình hình mà chỉ huy chiến dịch, chèo xuồng và đi bộ xuyên qua hàng đàn côn trùng sống trong vùng đài nguyên vào các tháng hè. Họ trải qua những đêm đầu giữa đồng trống, sau đó họ xây trại và sống qua được mùa đông, đến mùa xuân năm sau thì dựng được một khu mỏ sơ sài: mỏ Rudnik số 1. Sử dụng cuốc chim, xẻng và xe kéo bằng gỗ, không hề có trang bị máy móc, tù bắt đầu đào than. Chỉ trong sáu năm, Rudnik số 1 đã lớn lên thành thành phố Vorkuta và có trụ sở của Vorkutlag, một trong những trại lớn và khắc nghiệt nhất của toàn hệ thống Gulag. Năm 1938, Vorkutlag có 15.000 tù và đã sản xuất ra 188.206 tấn than đá[258].

Về mặt kỹ thuật, không phải tất cả cư dân mới của Komi đều là tù. Từ năm 1929, chính quyền đã bắt đầu gửi “những người lưu đày đặc biệt” tới vùng này. Ban đầu hầu hết những người đó là kulak, tới cùng vợ con mình và được hy vọng sẽ bắt đầu sinh sống trên đảo. Bản thân Yagoda từng tuyên bố rằng người lưu đày sẽ được có “thời gian tự do” để trồng vườn, nuôi lợn, câu cá và xây nhà cho riêng mình: “ban đầu họ sẽ sống nhờ khẩu phần của trại, sau đó là tự họ kiếm ra”[259]. Trong khi mọi điều đó nghe rất hứa hẹn, thực tế thì gần 5.000 gia đình lưu đày như vậy khi tới đây năm 1930 – hơn 16.000 người – đã nhận thấy, như thường lệ, gần như chẳng có gì chờ sẵn hết. Có 268 lán trại được xây cho đến tháng 11 năm đó, mặc dù cần ít nhất 700 lán. Ba hoặc bốn gia đình chia chung một phòng. Không có đủ thức ăn, quần áo hay giày ủng ấm mùa đông. Các làng lưu đày thiếu nhà tắm, đường xá, dịch vụ bưu điện và cáp điện thoại[260].

Mặc dù có một số người chết và nhiều người tìm cách chạy trốn – 344 người đã bỏ trốn tính đến cuối tháng Bảy – việc lưu đày người đến Komi đã trở thành một bổ sung thường xuyên cho hệ thống trại Komi. Các làn sóng đàn áp sau đó đã đưa thêm nhiều người nữa tới vùng này, đặc biệt là người Ba Lan và người Đức. Do đó người địa phương đã gọi một số làng ở Komi là “Berlin”. Người lưu đày không phải sống đằng sau hàng rào thép gai, nhưng làm cùng loại công việc như tù, đôi khi tại cùng một nơi. Năm 1940, một trại khai thác gỗ đã được chuyển thành một làng lưu đày – chứng tỏ rằng, theo một khía cạnh nào đó, các nhóm người này có thể hoán đổi cho nhau được. Nhiều người lưu đày cũng chuyển thành lính gác hoặc người quản lý các trại[261].

Đến một lúc, sự phát triển địa lý phản ánh trong cách đặt tên gọi trong trại. Năm 1931, Đoàn Thám hiểm Ukhtinskaya được đổi tên thành Trại Lao động cải tạo Ukhto-Pechorsky, hay Ukhtpechlag. Qua hơn hai thập kỷ, bản thân Ukhtpechlag lại được đổi tên nhiều lần nữa – hoặc do tổ chức lại hoặc do chia tách ra – đã phản ánh sự thay đổi về địa lý của nó, về lãnh thổ đế chế luôn mở rộng của nó và bộ máy quản lý lớn mạnh dần của nó. Đến cuối thập kỷ, trong thực tế Ukhtpechlag không còn chỉ là một trại nữa. Thay vào đó, nó sinh sản ra cả một mạng lưới trại hàng khoảng hai tá, trong đó bao gồm: Ukhtpechlag và Ukhtizhemlag (dầu mỏ và than đá); Ustvymlag (lâm nghiệp); Vorkuta và Inta (mỏ than) và Sevzheldorlag (đường sắt)[262].

Trong tiến trình nhiều năm tiếp theo, Ukhtpechlag và các hậu duệ của nó cũng trở nên đông đúc tấp nập hơn, có thêm nhiều cơ quan đơn vị và các công trình mới phù hợp với những yêu cầu luôn phình rộng của chúng. Cần thêm bệnh viện, ban quản lý trại cho xây dựng chúng, lập ra các hệ thống để đào tạo dược sĩ tù và hộ lý tù. Cần thêm thực phẩm, họ xây dựng các nông trại của riêng mình, nhà kho của riêng mình và hệ thống phân phối của riêng mình. Cần có điện, họ xây nhà máy cho riêng mình. Cần vật liệu xây dựng, họ xây các nhà máy sản xuất gạch.

Cần thêm công nhân có trình độ, họ đào tạo những người họ có sẵn trong tay. Hầu hết lực lượng lao động gốc kulak vốn đều mù chữ hoặc ít học, việc này gây nhiều vấn đề nghiêm trọng khi phải thực hiện các dự án có độ phức tạp kỹ thuật cao. Ban quản lý trại do đó đã tổ chức các trường đào tạo kỹ thuật, và bởi thế đòi hỏi thêm nhiều công trình mới và nhân sự mới: giáo viên toán và lý, cũng như các “chính trị viên” để theo dõi công tác của họ[263]. Trong thập kỷ 1940, Vorkuta – một thành phố tại vùng đất băng giá vĩnh cửu, nơi đường sá phải được trải mặt lại và ống dẫn phải được sửa chữa định kỳ hàng năm – đã yêu cầu một viện nghiên cứu địa lý và một trường đại học, nhiều nhà hát, nhà hát múa rối, bể bơi và nhà giữ trẻ.

Nếu sự mở rộng của Ukhtpechlag không được công chúng biết nhiều thì tính ngẫu nhiên của nó cũng vậy. Không chút nghi ngờ gì, các chỉ huy trại ngay lập tức muốn dự án của họ phải phát triển, và uy tín của họ phải lớn lên cùng với nó. Sự cần thiết cấp bách, chứ không phải là theo kế hoạch tổng thể, đã dẫn đến việc tạo ra nhiều bộ phận cơ cấu mới của trại. Vẫn có một sự cộng sinh rõ ràng giữa các nhu cầu của chính quyền Xôviết (là một nơi để nhét vào các kẻ thù của nó) và các nhu cầu của khu vực (cần thêm người để đốn gỗ). Lấy ví dụ, vào năm 1930, khi Moscow viết đề nghị gửi những người định cư lưu đày đến, các lãnh đạo địa phương đã hết sức vui mừng[264]. Số phận của trại cũng được bàn cãi ở cấp cao nhất. Cần lưu ý rằng vào tháng 11/1932, Bộ Chính trị – có mặt của Stalin – đã dành gần hết một cuộc họp của nó đề bàn luận về tình trạng hiện tại và các kế hoạch tương lai cho Ukhtpechlag, trao đổi về viễn cảnh và các nguồn cung ứng cho nó chi tiết đến kinh ngạc. Từ biên bản cuộc họp, dường như Bộ Chính trị đã đưa ra mọi quyết sách, hay ít nhất cũng tán thành mọi thứ có giá trị quan trọng: trại cần phát triển loại mỏ khoáng sản nào; nó cần xây dựng loại đường sắt nào; cần bao nhiêu máy kéo, ôtô và tàu thuyền; nó có thể tiếp thu bao nhiêu gia đình lưu đày. Bộ Chính trị cũng định ra số tiền cần để xây trại: hơn 26 triệu rúp[265].

Không phải là tình cờ mà trong ba năm tiếp theo khi có quyết định này, số lượng tù đã gần như tăng gấp bốn, từ 4.797 giữa năm 1932 lên tới 17.852 giữa năm 1933[266]. Tại cấp cao nhất của bộ máy chính quyền Xôviết, có ai đó rất muốn Ukhtpechlag phát triển. Căn cứ vào quyền lực và uy tín của con người ấy – có lẽ chỉ có chính Stalin.

Cũng cùng với cách mà Auschwitz – khu trại biểu tượng cho tất cả các trại khác của Đức Quốc xã – đã hình thành, theo ký ức nhiều người, cái từ “Kolyma” đã tiêu biểu cho mức độ tàn bạo nhất của Gulag. Như lời một sử gia viết, “Kolyma là một con sông, một rặng núi, một vùng đất và là một lối ẩn dụ”[267]. Giàu khoáng sản – trên hết là rất nhiều vàng – vùng Kolyma rộng lớn ở cực đông bắc Siberi, bên bờ Thái Bình Dương, có lẽ là nơi khắc nghiệt nhất trên đất nước Nga. Kolyma còn lạnh hơn cả Komi – nhiệt độ tại đây thường xuống dưới âm 45oC trong mùa đông – thậm chí còn hơn thế ở những khu vực hẻo lánh[268]. Để tới được trại Kolyma, tù phải đi tàu hỏa xuyên suốt chiều dài đất nước Liên Xô – đôi khi chuyến đi dài tới ba tháng – để tới Vladivostok. Chặng còn lại thực hiện bằng tàu thủy, đi về phía bắc băng ngang Nhật Bản, qua Biển Okhotsk, tới cảng Magadan, cửa ngõ vào thung lũng sông Kolyma.

Thủ trưởng đầu tiên của Kolyma là một trong những nhân vật chói lọi nhất trong lịch sử Gulag. Eduard Berzin[269], một người Bolshevik lão thành, từng là Sư trưởng Sư đoàn bộ sinh Latvia số 1, canh gác Điện Kremlin năm 1918. Về sau, ông đã giúp đập tan phe Cách mạng Xã hội, địch thủ xã hội chính của Lenin, và lật mặt Bruce Lockhart trong “Âm mưu nước Anh”[270]. Năm 1926, Stalin giao cho Berzin nhiệm vụ tổ chức Vishlag, một trong những trại quy mô lớn đầu tiên. Ông nhận trách nhiệm với nhiệt tình sâu sắc, khiến một sử gia về Vishlag đã nói về triều đại của ông như là đỉnh cao của “thời kỳ lãng mạn” của Gulag[271].

20.jpg

OGPU xây Vishlag đồng thời với Kênh đào Bạch Hải, và dường như Berzin rất tán thành (hay ít nhất là nhiệt tình trong lời nói) ý tưởng của Gorky về hoán cải tù. Rừng rực với một thiện chí kiểu gia trưởng, Berzin cung cấp cho tù của mình rạp chiếu phim và các câu lạc bộ thảo luận, thư viện và các phòng ăn “kiểu restaurant”. Ông cho trồng vườn cảnh, có cả đài phun nước và một vườn thú nhỏ. Ông cũng trả công định kỳ cho tù, tiến hành cùng một chính sách “được thả sớm nếu lao động tốt” như các chỉ huy Kênh đào Bạch Hải. Không phải tất cả đều được hưởng lợi từ những thú vị ấy: tù nào bị cho là lao động kém hay đơn giản chỉ là không may, có thể sẽ bị gửi đến một trong số nhiều lagpunkt lâm nghiệp quy mô nhỏ trong rừng taiga, nơi điều kiện rất tệ, tỷ lệ chết cao hơn và tù sẽ bị âm thầm hành hạ, thậm chí bị giết chết[272].

Tuy vậy, ít nhất ý tưởng của Berzin là trại của ông phải có vẻ là một cơ quan đáng được tôn trọng. Tất cả những điều đó khiến ông dường như, thoạt đầu, có vẻ là ứng cử viên chiếu dưới đối với chức vụ ông trùm số một của Ban quản lý Công trường Cực Bắc – Dalstroi – một tập đoàn để phát triển vùng Kolyma. Bởi chẳng có gì đặc biệt lãng mạn hoặc lý tưởng để nói về việc thành lập Dalstroi. Mối quan tâm của Stalin ở vùng này bắt nguồn từ năm 1926, khi ông gửi một kỹ sư đại diện tới Hoa Kỳ để học kỹ thuật khai mỏ[273]. Sau đó, trong khoảng từ 20/8/1931 tới 16/3/1932, Bộ Chính trị đã bàn luận về địa chất và địa lý vùng Kolyma không dưới mười một lần – với đích thân Stalin thường xuyên có ý kiến trong tranh luận. Cũng như các cân nhắc trong Ủy ban Yanson về việc tổ chức Gulag, Bộ Chính trị đã dẫn dắt các tranh luận ấy, như lời của sử gia David Nordlander nói, “không theo ngôn ngữ lý tưởng hóa của lối biện chứng xã hội chủ nghĩa, mà đúng hơn là theo ngôn ngữ thực dụng về các ưu tiên đầu tư và kết quả tài chính”. Stalin sau đó đã dành riêng trao đổi giữa mình với Berzin để hỏi về năng suất làm việc của tù, chỉ tiêu lao động và sản lượng thực tế, không hề đề cập chút gì tới ý tưởng cải tạo tù nhân[274].

Mặt khác, tài năng của Berzin về việc tạo ra hình ảnh lạc quan trong lòng công chúng có lẽ lại chính là điều mà lãnh đạo Xôviết mong muốn. Bởi mặc dù Dalstroi sau này sẽ bị thu gom trực tiếp vào ban quản lý Gulag, vào lúc ban đầu tập đoàn này vẫn luôn như thể – trong con mắt công chúng – là một thực thể độc lập, một thứ cuội kết thương mại không có chút gì liên hệ với Gulag. Âm thầm, chính quyền đã thành lập Sevvostlag, một trại Gulag để cung cấp tù cho Tập đoàn kinh tế Dalstroi. Trong thực tế, hai cơ quan này không bao giờ phải cạnh tranh với nhau. Ông trùm của Dalstroi cũng là ông trùm của Sevvostlag, và không một ai nghi ngờ gì về điều đó. Tuy nhiên, trên giấy tờ, chúng được tách riêng rẽ, và với công luận thì chúng là những thực thể riêng biệt[275].

Có những lý lẽ nhất định để giải thích việc bố trí như vậy. Thứ nhất, Dalstroi cần thu hút những người tình nguyện, đặc biệt các kỹ sư và phụ nữ có khả năng kết hôn (Kolyma luôn luôn thiếu cả hai loại người này), và Berzin đã thực hiện nhiều đợt vận động tuyển người trong một cố gắng nhằm khuyến khích “công nhân tự do” di cư tới vùng này, thậm chí đã lập ra các văn phòng ở Moscow, Leningrad, Odessa, Rostov và Novosibirsk[276]. Chỉ riêng vì lý do đó thôi có lẽ đã đủ để Stalin và Berzin muốn tránh cho Kolyma quá gần gũi với với Gulag, do lo sợ mối liên hệ này có thể khiến những người muốn tới đây phải lảng ra xa. Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp, các mưu toan này có lẽ một phần cũng nhắm vào thế giới bên ngoài. Giống như gỗ xuất khẩu của Liên Xô, vàng của Kolyma được bán trực tiếp cho phương Tây, đổi lấy các công nghệ và máy móc đang cực kỳ cần thiết. Điều này có thể giúp giải thích tại sao lãnh đạo Xôviết muốn khiến cho các bãi đãi vàng của Kolyma trông giống như một công ty kinh doanh “bình thường” càng nhiều càng tốt. Một cuộc tẩy chay vàng xuất khẩu của Liên Xô có thể gây thiệt hại còn nhiều hơn cả đòn tẩy chay gỗ xuất khẩu.

Trong mọi trường hợp, sự can thiệp cá nhân của Stalin vào Kolyma cũng rất mạnh mẽ ngay từ đầu. Năm 1932, ông đã yêu cầu báo cáo hàng ngày về công nghiệp khai khoáng vàng, và như đã lưu ý ở trên, bản thân ông rất quan tâm tới các chi tiết về những dự án thám hiểm và mức hoàn thành chỉ tiêu của Dalstroi. Ông gửi các thanh tra tới xem xét tổ hợp trại, yêu cầu các lãnh đạo Dalstroi thường xuyên quay về Moscow báo cáo. Khi Bộ Chính trị phân phối tiền cho Dalstroi, họ cũng đưa ra các hướng dẫn chính xác về việc cần sử dụng tiền như thế nào, giống như cách họ làm với Ukhtpechlag[277].

Tuy vậy sự “độc lập” của Dalstroi không phải hoàn toàn là trong tưởng tượng. Mặc dù làm theo lời của Stalin, Berzin cũng đã tìm cách để lại dấu ấn trên Kolyma, đủ tới mức khiến cho “thời đại Berzin” sau này được nhớ tới với một số luyến tiếc. Berzin thực ra hiểu rõ nhiệm vụ của mình theo cách thức khá thẳng thắn: công việc của ông là làm sao khiến cho tù đào được càng nhiều vàng càng tốt. Ông không quan tâm tới việc phải bỏ đói họ, giết chết họ hay trừng phạt họ – chỉ có sản lượng là trên hết. Dưới quyền ông trùm đầu tiên của Dalstroi, điều kiện sống do đó không quá khắc nghiệt như về sau này, và tù không phải đến mức đói khát. Phần nào nhờ vậy mà sản lượng vàng của Kolyma đã tăng gấp tám lần trong vòng hai năm đầu hoạt động của Dalstroi[278].

21.jpg

Thực ra, mấy năm đầu tiên này đầy những hỗn loạn và thiếu tổ chức vốn tồn tại như vậy ở khắp nơi. Năm 1932, gần 10.000 tù làm việc trong vùng, trong số đó có nhóm tù kỹ sư và chuyên gia với kỹ năng vô cùng phù hợp với nhiệm vụ trước mắt, ngoài ra còn có hơn 3.000 “công nhân tự do” tình nguyện – tức là các công nhân làm việc trong trại nhưng không phải tù nhân[279]. Số lượng đông luôn kèm theo tỷ lệ tử vong cao. Trong số 16.000 tù đi Kolyma vào năm đầu của thời kỳ Berzin, chỉ có 9.928 người còn sống đến Magadan[280]. Số còn lại bị ném vào giữa những cơn bão mùa đông, áo quần không đủ và thiếu các bảo vệ cần thiết: những người sống sót qua năm đầu sau này tuyên bố rằng chỉ phân nửa trong số họ là còn sống[281].

Tuy thế, ngay khi sự hỗn loạn ban đầu qua đi, tình hình lại được cải thiện đáng kể. Berzin làm việc cật lực để cải thiện điều kiện ở đây, có lẽ ông tin tưởng – không phải là không hợp lý – rằng tù phải được mặc ấm và ăn uống đầy đủ để đào được nhiều vàng. Kết quả là Thomas Sgovio[282], một người Mỹ sống sót qua Kolyma, đã viết lại rằng “những người cũ” trong trại nói về triều đại Berzin rất trân trọng: “khi giá rét tụt xuống dưới âm 60 độ, họ không phải đi làm việc. Họ được cho ba Ngày Nghỉ mỗi tháng. Thực phẩm đủ và có chất. Đám zek (tù nhân) được phát quần áo ấm – mũ lông và ủng dạ…”[283] Varlam Shalamov[284], một người khác cũng sống qua Kolyma – truyện ngắn của ông, Những câu chuyện Kolyma, là một trong những tác phẩm cay đắng nhất về đề tài trại tù – cũng viết về thời kỳ Berzin như là một thời đại của

thức ăn tuyệt vời, ngày làm việc chỉ có bốn đến sáu tiếng trong mùa đông và mười tiếng vào mùa hè, tù được phát lương hậu hĩnh, cho phép họ quay về nội địa như một người sung túc sau khi mãn hạn… Nghĩa trang của những ngày ấy ít đến nỗi có cảm giác như các cư dân Kolyma thời đầu dường như bất tử so với những người đến đây sau này.[285]

22.jpg

Ngoài chuyện điều kiện sống lúc đó tốt hơn sau này, ban chỉ huy trại cũng đối xử với tù nhân nhân đạo hơn. Vào thời đó, ranh giới giữa công nhân tự do tình nguyện và tù khá mờ nhạt. Hai nhóm kết giao nhau bình thường; tù đôi khi còn được phép rời khỏi lán của mình để sống trong các làng của công nhân tự do, thậm chí còn được thăng lên làm lính gác có vũ trang, giống như đám các nhà địa chất và kỹ sư[286]. Mariya Ioffe, một người đi đày ở Kolyma giữa thập niên 1930, được phép giữ sách báo và nhớ lại rằng hầu hết các gia đình đi đày đều được phép ở chung với nhau[287].

Trong một thời kỳ, tù cũng được phép tham gia các phong trào chính trị của thời đại. Giống như Kênh đào Bạch Hải, Kolyma khuyến khích tù của mình phấn đấu trở thành các công nhân xung kích và những người Stakhanov. Một tù thậm chí còn trở thành “thuyết trình viên về các phương pháp lao động Stakhanov” của Dalstroi, và những tù thực hiện tốt có thể được thưởng một huy hiệu nhỏ, cho biết họ là “công nhân xung kích Kolyma”[288].

Như Ukhtpechlag, mạng lưới hạ tầng của Kolyma mau chóng phát triển chằng chịt hơn. Trong thập niên 1930, tù không chỉ xây hầm mỏ mà còn cả những cầu cảng và đê chắn sóng cho Cảng Magadan, cũng như con đường quan trọng và duy nhất vùng này, quốc lộ Kolyma, dẫn từ Magadan thẳng lên phía bắc. Hầu hết các trại căn cứ lagpunkt của Sevvostlag đều đóng dọc con đường này, và thực tế là chúng thường được gọi tên dựa theo khoảng cách tính đến Magadan (“Trại Bốn mươi bảy Cây số” chẳng hạn). Tù cũng xây dựng nên chính thành phố Magadan, vốn chứa đến 15.000 người vào năm 1936, và vẫn tiếp tục gia tăng sau đó. Quay về thành phố năm 1947 sau bảy năm phục vụ tại các trại nằm xa hơn, Evgeniya Ginzburg “suýt ngất vì ngạc nhiên và thán phục” trước tốc độ phát triển của Magadan: “Chỉ vài tuần sau tôi nhận ra mình có thể đếm được các công trình lớn ở đấy trên đầu ngón tay. Nhưng vào lúc ấy nó thực sự là một thủ đô vĩ đại đối với tôi”[289].

Trong thực tế, Ginzburg chỉ nằm trong một số ít những tù nhận ra một nghịch lý lạ thường. Thật kỳ quặc, nhưng đúng là thật: tại Kolyma, cũng như tại Komi, Gulag dần dần đem “văn minh” – nếu có thể gọi là như thế – tới những vùng hoang dã xa xôi. Đường xá được xây tại những nơi trước đấy từng là rừng rậm, nhà cửa xuất hiện ngay trên đầm lầy. Người bản địa bị gạt sang một bên để dọn đường xây thành phố, nhà máy và đường sắt. Mấy năm trước, một phụ nữ vốn là con gái của đầu bếp trại tại một tiền đồn hẻo lánh của Lokchimlag – một trong những trại xẻ gỗ Komi – đã hồi tưởng cho tác giả về mọi thứ ra sao khi trại vẫn còn hoạt động. “Ôi, thời xưa ở chỗ kia có cả một nhà kho đầy rau quả, những cánh đồng toàn bí ngô – chứ không phải toàn là đất cằn như ngày nay”. Cô ấy phẩy tay đầy ghê tởm về phía cái làng bé tí hiện đứng trên khu đất ấy, về phía những khám phạt cũ của trại mà hiện vẫn còn sử dụng. “Chỗ kia có bóng đèn điện thực thụ, các ông chủ đi xe hơi to đùng tới lui hầu như mỗi ngày…”

Evgeniya Ginzburg cũng có quan sát tương tự nhưng diễn tả hùng hồn hơn:

Trái tim con người thật kỳ lạ! Trọn vẹn tâm hồn tôi nguyền rủa những kẻ đã nghĩ ra ý tưởng xây một thị trấn tại vùng đất giá rét quanh năm này, hâm nóng mặt đất bằng máu và nước mắt của những con người vô tội. Nhưng đồng thời tôi lại nhận thức rõ một niềm tự hào đầy lố bịch… Nó đã lớn lên biết bao, và trở nên đẹp đẽ biết bao sau bảy năm tôi vắng mặt, ôi Magadan của chúng tôi! Khó mà không nhận ra được. Tôi thán phục từng cây đèn đường, mỗi vuông đường nhựa, thậm chí cả chiếc bảng quảng cáo cho biết Nhà Văn hóa đang trình diễn vở nhạc kịch Nàng Công chúa Đô la. Chúng tôi trân trọng từng mảnh cuộc đời mình, thậm chí cả những gì cay đắng nhất[290].

 Năm 1934, sự lan rộng của Gulag tại Kolyma, Komi, Siberi, Kazakhstan và mọi nơi ở Liên Xô sao chép cùng một kiểu mẫu như tại Solovetsky. Trong những ngày đầu tiên, sự nhếch nhác, hỗn loạn và vô trật tự đã gây ra rất nhiều cái chết vô nghĩa. Thậm chí nếu không kể đến những trò bạo hành xađích công khai, ngay sự tàn bạo thiếu suy nghĩ của lính gác, những kẻ hay đối xử với tù như với súc vật trong nhà, cũng đủ dẫn đến quá nhiều đau khổ rồi.

Tuy nhiên, khi thời gian trôi đi, hệ thống trại dường như dần dần run rẩy rơi vào ổn định. Tỷ lệ tử vong giảm dần từ mức cao năm 1933 do nạn đói trên khắp đất nước từ từ biến mất và các trại dần được tổ chức tốt hơn. Năm 1934, theo các thống kê chính thức, tỷ lệ này dao động ở mức khoảng 4 phần trăm[291]. Ukhtpechlag bắt đầu sản xuất ra dầu mỏ, Kolyma ra vàng, các trại ở vùng Arkhangelsk sản xuất ra gỗ khối. Đường sá được xây rải khắp Siberi. Các sai lầm và tai nạn đầy rẫy, nhưng điều này vẫn xảy ra khắp nơi trên đất nước Liên Xô. Tốc độ công nghiệp hóa nhanh, việc thiếu hoạch định và sự khan hiếm chuyên gia không tránh khỏi việc gây ra tai nạn và phí phạm, các ông trùm của những dự án lớn biết rõ điều này.

Mặc cho có thất bại, OGPU mau chóng trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng nhất cả nước. Năm 1934, Dmitlag, trại của dự án xây dựng Kênh đào Moscow-Volga, đã triển khai gần 200.000 tù, hơn cả số đã được sử dụng cho Kênh đào Bạch Hải[292]. Siblag cũng lớn dần, tự hào với 63.000 tù năm 1934, trong khi Dallag tăng kích thước gấp ba lần trong vòng bốn năm kể từ khi thành lập, có đến 50.000 tù năm 1934. Các trại khác cũng được thành lập rải khắp đất nước Liên Xô: Sazlag ở Uzbekistan, nơi tù lao động trong các nông trang tập thể; Svirlag gần Leningrad, nơi tù đốn gỗ và chế biến các sản phẩm gỗ cho thành phố; Karlag tại Kazakhstan, sử dụng tù làm nông dân, công nhân xí nghiệp và thậm chí làm ngư dân[293].

Cũng trong năm 1934 OGPU được tái tổ chức và đổi tên một lần nữa, phần nào phản ánh vị thế mới và trách nhiệm lớn hơn của nó. Trong năm đó, công an mật chính thức trở thành Dân ủy Nội vụ – và nổi tiếng với tên viết tắt: NKVD. Dưới cái tên mới, NKVD giờ đây quản lý số phận của hơn một triệu tù[294]. Nhưng sự yên ả không kéo dài được lâu. Rất đột ngột, hệ thống trại sắp sửa lật nhào chính nó, trong một cuộc cách mạng sẽ tiêu diệt cả các ông chủ lẫn đám nô lệ.

6 . Cuộc Đại Khủng bố và hậu quả của nó

Điều đó xảy ra, khi chỉ người hấp hối

Mới mỉm cười vui với an nghỉ vĩnh hằng.

Leningrad linh hồn đung đưa bên tù ngục

Như món thêm thừa thãi chẳng ai mang.

Khi hàng đoàn người đã bị tòa kết án

Phát điên vì đau khổ, bước trên đàng,

Và khúc ca chia ly ngắn ngủi

Được còi tàu bỗng lại tấu vang.

Những ngôi sao chết chóc treo trên ta

Còn Nước Nga vô tội đang giãy giụa

Dưới những gót ủng kia đẫm máu

Và chiếc xe đen bịt kín chở tù nhân.

– Anna Akhmatova,

Bản Cầu hồn 1935-1940[295]

Nói một cách khách quan, những năm 1937 và 1938 – vẫn được ghi nhớ như là năm của cuộc Đại Khủng bố – không phải là thời kỳ chết chóc nhất trong lịch sử hệ thống trại. Chúng cũng không đánh dấu sự lan tỏa mạnh nhất của trại: số lượng tù trong thập kỷ tiếp sau sẽ còn cao hơn nhiều, đạt đỉnh cao vào thời điểm rất lâu sau đó như mọi người thường nhớ tới, đó là năm 1952. Mặc dù các thống kê chưa được hoàn tất, vẫn thấy rõ là tỷ lệ tử vong trong trại hai năm trên không thể cao bằng vào cao trào của nạn đói vùng nông thôn năm 1932 và 1933, và vào thời kỳ khó khăn nhất của Thế Chiến thứ II năm 1942 và 1943, khi tổng số người bị giao vào các trại lao động cưỡng bức, nhà tù và trại tù binh vọt lên đến khoảng bốn triệu người[296].

Do là mối quan tâm của giới sử học, ta cũng có thể nghi ngờ rằng tầm quan trọng của hai năm 1937 và 1938 đã được phóng đại hơi quá. Thậm chí Solzhenitsyn cũng than rằng những người chỉ trích thói lộng quyền của chủ nghĩa Stalin “đang khăng khăng bám lấy những năm tháng vốn vẫn còn nghẹn ngang họng chúng ta, năm 37 và 38”, và ở khía cạnh nào đấy thì ông nói đúng[297]. Đại Khủng bố nói cho cùng cũng chỉ là sự nối tiếp của hai thập kỷ đàn áp. Kể từ 1918 trở đi đã thường xuyên có bắt bớ và đi đày tập thể, trước tiên là những chính trị gia chống đối vào đầu thập niên 1920, sau đó tới “bọn phá hoại” cuối những năm 1920, rồi tới dân kulak đầu 1930. Tất cả các giai đoạn bắt bớ tập thể đó đều đi kèm việc vây bắt thường xuyên những người chịu trách nhiệm về “mất trật tự xã hội”.

Đến lượt mình, Đại Khủng bố cũng được tiếp nối bởi thậm chí là nhiều cuộc bắt bớ và đi đày hơn nữa – người Ba Lan, Ukrania và người Baltic từ những vùng đất bị xâm lược năm 1939; những Hồng quân “phản bội” bị kẻ thù bắt làm tù binh; những dân thường lọt lại sau chiến tuyến khi bọn Quốc xã xâm lược năm 1941. Về sau, vào năm 1948, lại có bắt bớ trở lại những cựu tù từng chịu án đi trại, và sau sau đó, ngay trước khi Stalin chết, là cuộc bắt bớ tập thể người Do Thái. Mặc dù nạn nhân những năm 1937 và 1938 có lẽ được biết tới nhiều hơn, và mặc dù không có gì khiến mọi người chú ý hơn các “phiên tòa quần chúng” công khai diễn ra vào những năm đó – cuộc bắt bớ thời Đại Khủng bố bởi vậy được mô tả kỹ nhất nhưng không phải vào đỉnh điểm của sự đàn áp, nhưng đúng hơn là do nó là một trong những làn sóng đàn áp bất thường nhất quét qua khắp đất nước trong triều đại Stalin: nó ảnh hưởng nhiều nhất tới tầng lớp ưu tú – những nhà Bolshevik lão thành, những nhân vật hàng đầu của Đảng và Quân đội – nhìn chung bao gồm nhiều loại người hơn, và dẫn tới số trường hợp xử bắn cao bất thường.

Tuy nhiên, trong lịch sử của Gulag, năm 1937 đúng là có đánh dấu một sự phân tách. Bởi đó là năm mà trại tù Xôviết đột ngột tự biến đổi từ việc điều hành thờ ơ dửng dưng với tù khiến mọi người bị chết vì rủi ro tai nạn, đi đến việc biến thành những trại tù thực sự chết người nơi tù phải làm việc tới chết một cách có tính toán, hay thực sự bị giết hại, với một số lượng lớn hơn nhiều so với trước đấy. Mặc dù sự biến đổi còn lâu mới đi đến ổn định, và mặc dù sự chết người có tính toán của trại có giảm trở lại năm 1939 – tỷ lệ tử vong sau đó sẽ tăng hay giảm tùy theo cơn triều của chiến tranh và đường lối tư tưởng mãi cho tới khi Stalin chết năm 1953 – Đại Khủng bố đã để lại dấu ấn trên tâm lý của cả lính gác lẫn tù nhân của trại[298].

Cũng như phần còn lại của đất nước, các cư dân Gulag có lẽ đã thấy những dấu hiệu cảnh báo sớm của cuộc khủng bố đang tới gần. Theo sau vụ ám sát đầy bí ẩn vị lãnh đạo nổi tiếng của Đảng ủy Leningrad Sergei Kirov vào tháng 12/1934, Stalin thông qua một loạt sắc lệnh trao cho NKVD nhiều quyền lực hơn nữa nhằm bắt giữ, xử án và hành quyết những “kẻ thù của nhân dân”. Trong có vài tuần, hai lãnh đạo Đảng, Kamenev và Zinoviev – cả hai đều từng là đối thủ của Stalin – đã trở thành nạn nhân các sắc lệnh đó, bị bắt cùng hàng ngàn người ủng hộ hoặc được cho là ủng hộ họ, rất nhiều người thuộc Leningrad. Tiếp theo là khai trừ Đảng hàng loạt, mặc dù chúng không rộng khắp bằng những vụ khai trừ từng xảy ra ở thập kỷ trước.

Từ từ, cuộc khủng bố trở nên đẫm máu hơn. Suốt mùa xuân và mùa hè năm 1936, đám điều tra viên của Stalin làm việc với Kamenev, Zinoviev và một nhóm những người từng ủng hộ Lev Trotsky, cốt sao để họ “thú tội” trong một cuộc xử án quần chúng công khai tiến hành vào tháng 8. Tất cả sau đó đều bị xử tử, cùng với nhiều người thân của họ. Các phiên tòa khác xử những lãnh đạo Bolshevik, trong số đó có nhà hùng biện Nikolai Bukharin, diễn ra tiếp theo sau. Gia đình họ cũng phải chịu liên lụy.

23.jpg

Cơn điên cuồng bắt bớ và hành quyết lan từ bộ máy của Đảng sang khắp toàn xã hội. Nó được thúc đẩy từ trên cao bởi Stalin, người dùng nó nhằm loại bỏ kẻ thù của mình, tạo ra một giai cấp lãnh đạo trung thành mới, khủng bố quần chúng Xôviết – và đổ đầy các trại tập trung của mình. Bắt đầu từ năm 1937, ông ký những mệnh lệnh gửi tới các ông trùm NKVD cấp tỉnh, liệt kê chỉ tiêu cho từng loại người phải bị bắt giam (không nêu lý do) tại những vùng cụ thể. Một số bị kết án “loại một” phải bị trừng phạt – phải chết, những người còn lại được xếp “loại hai” – bị giam trong các trại tập trung với án từ tám tới mười năm. “Tệ” nhất đối với loại hai là bị đưa vào các nhà tù chính trị đặc biệt, có lẽ để giữ họ không lây hại tới các tù khác. Một số nhà nghiên cứu dự đoán rằng NKVD ấn định chỉ tiêu với những khu vực khác nhau của đất nước tùy theo thông tin họ biết về vùng nào tập trung nhiều nhất “kẻ thù”. Mặt khác, điều này cũng có thể chẳng có ý nghĩa gì[299].

Đọc các chỉ tiêu này rất giống đọc mệnh lệnh quan liêu của một Kế hoạch Năm năm mới. Lấy ví dụ, dưới đây là một bản ký ngày 30/7/1937:

Loại một Loại hai Tổng cộng
CH XHCN Azerbaijan 1.500 3.750 5.250
CH XHCN Armenia 500 1.000 1.500
CH XHCN Belorussia 2.000 10.000 12.000
CH XHCN Gruzia 2.000 3.000 5.000
CH XHCN Kirgiz 250 500 750
CH XHCN Tadzik 500 1.300 1.800
CH XHCN Turkmen 500 1.500 2.000
CH XHCN Uzbek 750 4.000 4.750
CH XHCN Tự trị Bashkiria 500 1.500 2.000
CH XHCN Tự trị Buryat Mông Cổ 350 1.500 1.850
CH XHCN Tự trị Dagestan 500 2.500 3.000
CH XHCN Tự trị Karelia 300 700 1.000
CH XHCN Tự trị Kabardino-Balkar 300 700 1.000
CH XHCN Tự trị Krym 300 1.200 1.500
CH XHCN Tự trị Komi 100 300 400
CH XHCN Tự trị Kalmyk 100 300 400
CH XHCN Tự trị Mari 300 1.500 1.800

v.v.[300]

24.jpg

Rõ ràng, cuộc thanh trừng không có chút gì là tự phát: các trại mới cho những tù mới thậm chí đã được chuẩn bị sẵn. Cuộc thanh trừng cũng không gặp phải nhiều chống đối. Ban quản lý NKVD tại Moscow muốn thuộc cấp các tỉnh phải tỏ ra nhiệt tình, và họ đã hăng hái tuân theo. “Chúng tôi đề nghị cho phép bắn thêm 700 tên thuộc băng Dashnak và các thành phần chống Xôviết khác”, NKVD Armenia đã kiến nghị Moscow như vậy vào tháng 9/1937. Cá nhân Stalin đã ký duyệt một đề nghị tương tự, cũng như ông hay Molotov đã ký nhiều thứ khác: “Tôi tăng số lượng tù Loại Một ở tỉnh Krasnoyarsk lên 6.600”. Tại một cuộc họp Bộ Chính trị tháng 2/1938, NKVD Ukraina đã được cho phép bắt thêm 30.000 “kulak và các thành phần chống Xôviết khác”[301].

Một số nước cộng hòa Xôviết đã thông qua các cuộc bắt bớ mới: việc bất ngờ phát hiện sự tồn tại của số lượng lớn những “kẻ thù”, nhiều người nằm trong cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, rõ ràng đã giải thích tại sao – mặc dù đã có cuộc Đại Chuyển hướng của Stalin, mặc dù đã có tập thể hóa, mặc dù có Kế hoạch Năm năm – Liên Xô vẫn còn nghèo đói và lạc hậu. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều quá sợ hãi và bối rối trước cảnh những nhà cách mạng nổi tiếng đứng thú tội và đám hàng xóm nhà mình biến mất giữa đêm khuya để có bất kỳ ý kiến gì về những điều đang xảy ra.

Bên trong Gulag, cuộc thanh trừng trước tiên để lại dấu ấn trên các chỉ huy trại – theo cách loại bỏ nhiều người trong số họ. Nếu, trên khấp phần còn lại của đất nước, năm 1937 được ghi nhớ như năm mà Cách Mạng ăn thịt những đứa con của mình, thì trong hệ thống trại nó được ghi nhớ như một năm mà Gulag thiêu đốt những kẻ đã thành lập ra nó, bắt đầu từ chính cấp cao nhất: Genrikh Yagoda, ông xếp công an mật chịu trách nhiệm chính về việc mở rộng hệ thống trại, bị kết án và xử bắn năm 1938, sau khi đã cầu xin tha mạng trong một bức thư gửi Hội đồng Xôviết Tối cao. “Chết đi thật khó quá”, con người từng đưa bao kẻ khác tới cái chết đã viết như vậy. “Tôi quỳ gối trước Nhân dân và Đảng xin tha thứ cho tôi, xin hãy tha mạng tôi”[302].

Người lên thay Yagoda, gã lùn Nikolai Yezhov (ông ta chỉ cao thước rưỡi), lập tức bắt tay vào xử lý bạn bè và thuộc cấp của Yagoda trong NKVD. Ông ta tấn công cả gia đình của Yagoda – cũng như tấn công gia đình của những người khác – bắt giam vợ, cha mẹ, các bà chị và cháu trai cháu gái của ông này. Một trong những người cháu nhớ lại phản ứng của bà cô, tức mẹ của Yagoda, vào cái ngày cô và toàn thể gia đình bị tống đi đày.

“Giá như Gena (tức Yagoda) được thấy những gì họ đang làm với chúng ta”, có ai đó khẽ nói.

Đột nhiên Bà, người không bao giờ lên giọng, quay mặt về phía căn hộ trống rỗng và gào lớn, “Cầu cho nó bị nguyền rủa!” Bà bước qua bậu cửa và cánh cửa đóng sập lại. Âm thang vang lên trong buồng cầu thang tựa như tiếng vọng lời nguyền rủa của người mẹ.[303]

Rất nhiều ông trùm trại và quản trị trại, từng được Yagoda ưu ái và thăng cấp, nay phải chịu chung số phận. Cùng với hàng trăm ngàn công dân Liên Xô khác, họ bị cho là liên can tới những mưu đồ rộng lớn, bị bắt và hỏi cung trong những vụ án phức tạp liên quan tới hàng trăm người. Một trong những vụ nổi bật nhất trong số đó được lập quanh Matvei Berman, ông trùm của Gulag từ 1932 tới 1937. Dù ông có thâm niên phục vụ Đảng – ông vào Đảng từ năm 1917 – cũng không giúp ích gì. Tháng 12/1938, NKVD tố cáo Berman cầm đầu “tổ chức khủng bố và phá hoại cực hữu Trốtkít” đã tạo ra “những điều kiện ưu đãi” cho tù trong trại, có chủ đích nhằm làm suy yếu “quyết tâm chiến đấu và ý thức chính trị” của lính gác trại (do đó dẫn tới vô số vụ bỏ trốn), và đã phá hoại các dự án xây dựng của Gulag (khiến làm chậm tiến độ thực hiện).

Không chỉ có mình Berman bị lật đổ. Trên khắp đất nước Liên Xô, các chỉ huy và nhà quản lý hàng đầu của trại Gulag bị phát hiện cùng trong “tổ chức khủng bố và phá hoại cực hữu Trốtkít” và bị kết án chung một đợt. Biên bản về vụ án của họ có nội dung thật kỳ quặc: cứ như thể tất cả thất bại trong những năm trước đó – không hoàn thành chỉ tiêu, đường sá xây dựng chất lượng kém, các nhà máy do tù xây gặp trục trặc – đạt tới mức độ điên rồ đỉnh điểm.

Ví dụ như, Aleksandr Izrailev, xếp phó của Ukhtpechlag, đã bị kết tội “cản trở sự gia tăng công tác đào than”. Aleksandr Polisonov, một đại tá làm việc trong bộ phận lính gác vũ trang của Gulag, bị kết tội đã sắp xếp “những điều kiện không thể thực hiện được” cho lính gác. Mikhail Goskin, lãnh đạo bộ phận xây dựng đường sắt của Gulag, bị ghi là đã “vạch ra những kế hoạch không tưởng” cho tuyến đường sắt Volochaevka-Komsomolets. Isaak Ginzburg, lãnh đạo bộ phận y tế của Gulag, bị quy trách nhiệm về tỷ lệ tử vong cao của tù, và bị kết tội đã tạo những điều kiện đặc biệt cho các tù phản cách mạng khác, cho phép họ được sớm tha vì lý do bệnh tật. Hầu hết những người đó bị kết án tử, mặc dù nhiều người chỉ bị án tù hoặc đi trại, và một số ít thậm chí còn sống cho tới khi được phục hồi danh dự năm 1955[304]

Một con số rất ấn tượng những người quản lý đầu tiên nhất của Gulag phải chịu chung số phận. Fyodor Eichmanns, từng là ông trùm của SLON, sau này lãnh đạo Ban Đặc biệt của OGPU, bị xử bắn năm 1938. Lazar Kogan, ông trùm thứ hai của Gulag, bị bắn năm 1939. Người kế nhiệm Berman làm xếp Gulag, Izrail Pliner, chỉ trụ thêm được một năm trong công tác và cũng bị bắn năm 1939[305]. Dường như hệ thống cần một lời giải thích tại sao nó làm việc kém như vậy – tựa như nó cần kiếm người để quy trách nhiệm. Hay có lẽ “hệ thống” ở đây là một diễn đạt sai lầm: có lẽ chính Stalin là người cần giải thích tại sao các dự án lao động nô lệ được hoạch định ngon lành của mình lại tiến triển chậm chạp và có kết quả phức tạp đến vậy.

Có một số ngoại lệ đáng tò mò về sự phá hủy cơ cấu tổng thể này. Bởi Stalin không chỉ từng điều khiển sai khiến những người bị bắt, mà đôi khi ông cũng quyết định ai sẽ không bị bắt. Một thực tế đáng tò mò rằng, mặc dù trong khi gần như tất cả cộng sự cũ bị giết chết hết, Naftaly Frenkel vẫn thoát được phát đạn của đội hành quyết. Năm 1937, ông ta là trùm của BAMlag, tuyến đường sắt Baikal-Amur, một trong những trại hỗn loạn và chết chóc nhất vùng viễn đông. Ngay cả khi bốn mươi tám “tên Trốtkít” bị bắt tại BAMlag năm 1938, ông ta vẫn sao đó không phải nằm trong số họ.

Sự vắng mặt của ông ta trong danh sách bị bắt trở nên vô cùng lạ lùng khi có thực tế rằng tờ báo trại đã tấn công ông và công khai tố cáo ông tội phá hoại. Tuy nhiên, trường hợp của ông bị chặn lại một cách bí ẩn ở Moscow. Công tố viên địa phương của BAMlag, người thực hiện điều tra Frenkel, đã thấy mình bị trì hoãn không thể giải thích nổi. “Tôi không hiểu tại sao vụ điều tra lại bị đặt dưới ‘sắc lệnh đặc biệt’, và ai là người ra cái ‘sắc lệnh đặc biệt’ ấy”, ông viết cho Andrei Vyshinsky, Chánh Ủy viên công tố Liên Xô: “Nếu không bắt giữ những tên gián điệp Trốtkít gây chệch hướng, vậy chúng ta sẽ phải bắt ai đây?” Dường như Stalin vẫn còn có khả năng chịu đứng ra che chở các bạn bè mình[306].

Có lẽ huyền thoại kịch tính nhất về các trùm trại năm 1937 là một sự kiện xảy ra cuối năm đó, tại Magadan, bắt đầu bằng việc bắt giữ Eduard Berzin, ông trùm Dalstroi. Do là thuộc cấp trực tiếp của Yagoda, Berzin phải nghi ngờ ngay rằng hoạt động của mình sẽ sớm bị thu hẹp. Ông cũng phải nghi ngờ khi, vào tháng 12, ông nhận được toàn bộ một nhóm “cấp phó” NKVD mới, trong đó có thiếu tá Pavlov, một sĩ quan NKVD có hàm còn cao hơn chính Berzin. Mặc dù Stalin thường giới thiệu các quan chức sẽ-sớm-bị-thất-sủng trước người kế nhiệm bằng cách ấy, Berzin không tỏ dấu hiệu nghi ngờ điều gì. Khi thấy chiếc tàu hơi nước mang cái tên đầy điềm gở Nikolai Yezhov tiến vào Vịnh Nagaevo chở theo ban cơ cấu mới của mình, Berzin đã tổ chức một ban nhạc tiếp đón họ. Sau đó ông mất nhiều ngày để giới thiệu quy trình làm việc cho “ban bệ” mới – mặc dù họ thực tế chẳng thèm quan tâm – trước khi chính mình leo lên chiếc Nikolai Yezhov.

Khi tới Vladivostok, ông tiếp tục một cách khá bình thường bắt tàu tốc hành Xuyên-Siberi đi Moscow. Nhưng mặc dù Berzin rời Vladivostok như một hành khách hạng nhất, ông tới nơi là một tù nhân. Chỉ còn cách Moscow 70 cây số, tại thị trấn Aleksandrov, đoàn tàu của ông bị dừng lại. Giữa đêm khuya ngày 19/12/1937, Berzin bị bắt trên sân ga – bên ngoài thủ đô để không gây ồn ào giữa Moscow – và dẫn về Lubyanka, nhà tù trung tâm Moscow, để thẩm vấn. Ông mau chóng bị buộc tội “hoạt động gây phá hoại phản cách mạng”. NKVD kết tội ông tổ chức một “tổ chức gián điệp-chệch hướng Trốtkít tại Kolyma”, được cho là đang chở vàng tới chính phủ Nhật Bản và âm mưu gây một cuộc lật đổ tại vùng viễn đông nước Nga cho người Nhật. Họ cũng kết tội ông làm điệp viên cho Anh và Đức. Rõ ràng, ông trùm Dalstroi từng là một người rất bận rộn. Ông bị bắn tháng 8/1938 tại sân trong nhà tù Lubyanka.

Sự phi lý của lời buộc tội không làm giảm bớt độ chết người của vụ việc. Đến cuối tháng 12, Pavlov, làm việc rất nhanh lẹ, đã bắt giữ hầu hết thuộc cấp của Berzin. T. G. Filippov, ông trùm trại Sevvostlag, sau khi bị tra tấn, đã khai nhiều điều liên lụy tới tất cả bọn họ. Thú tội rằng ông ta đã “tuyển” Berzin từ năm 1934, ông ta thừa nhận “tổ chức chống phá Xôviết” của họ đã lên kế hoạch lật đổ chính quyền Xôviết thông qua “việc chuẩn bị một cuộc nổi loạn có vũ trang chống lại chế độ Xôviết ở Kolyma… chuẩn bị và thực hiện hoạt động khủng bố chống lại các lãnh đạo Đảng Cộng sản và chính quyền Xôviết… kích động cộng đồng người dân tộc… và khuyến khích phá hoại lan rộng”, v.v. Phó của Berzin, Lev Epshtein, sau đó thú nhận đã “thu thập thông tin mật cho Pháp và Nhật trong khi tiến hành phá hoại, gây chệch hướng và gây hư hại”. Lãnh đạo bộ phận y tế tại phòng khám đa khoa Magadan bị kết tội có “liên lạc với các thành phần lạ mặt và hai mang”. Khi kết thúc, hàng trăm người có quan hệ với Berzin, từ nhà địa chất, quan chức cho tới kỹ sư, đều hoặc bị giết hoặc trở thành tù nhân[307].

Xét về toàn cảnh, giới ưu tú Kolyma không phải là mạng lưới quyền lực duy nhất bị tiêu diệt năm 1937 và 1938. Vào cuối năm ấy, Stalin tiến hành thanh trừng một loạt các nhân vật nổi tiếng trong Hồng quân, bao gồm Phó Dân ủy Quốc phòng, Nguyên soái Tukhachevsky, Tư lệnh Tập đoàn quân Ion Yakir và nhiều người khác, cùng với vợ con họ, hầu hết bị xử bắn, nhưng một số bị tống vào trại[308]. Các nhân vật trong Đảng cũng phải chịu số phận tương tự. Cuộc thanh trừng không chỉ vươn tới những kẻ thù tiềm tàng của Stalin trong giới lãnh đạo Đảng mà cả tới tầng lớp ưu tú cấp tỉnh trong hệ thống Đảng, các Bí thư thứ nhất, lãnh đạo của các hội đồng địa phương và khu ủy, cùng lãnh đạo của những xí nghiệp và cơ quan quan trọng.

Làn sóng bắt bớ tại những khu vực nhất định và trong những tầng lớp xã hội nhất định thực hiện triệt để đến nỗi, như sau này Yelena Sidorkina viết lại – bản thân bà bị bắt tháng 11/1937 – “Không một ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau. Mọi người sợ đến không dám nói chuyện hay gặp mặt người khác, đặc biệt với các gia đình có cha hoặc mẹ đã bị ‘cô lập’. Những cá nhân hiếm hoi quá dại dột liều lĩnh dám đứng ra bảo vệ những người bị bắt sẽ tự động biến mình thành kẻ ‘bị cô lập’”[309].

Nhưng không phải tất cả đều chết, và không phải trại nào cũng bị quét sạch. Thực ra, các ông trùm trại nào càng ít người biết đến thì bị phạt càng nhẹ so với mức trung bình trong giới sĩ quan NKVD, giống như trường hợp V. A. Barabanov, người được Yagoda ưu ái che chở. Năm 1935, khi đang làm chỉ huy phó của Dmitlag, Barabanov bị bắt cùng với một đồng nghiệp vì tội đi đến trại “trong tình trạng say rượu”. Kết quả là ông ta bị mất chức vụ, lãnh một án tù nhẹ và phải nhận công tác tại một trại xa xôi miền cực bắc năm 1938, khi diễn ra cuộc bắt bớ hàng loạt các tay sai của Yagoda. Trong hỗn loạn, sự tồn tại của ông này đã bị bỏ quên. Năm 1954, thói nghiện rượu của ông được tha thứ, một lần nữa ông leo từng cấp lên đến chức phó chỉ huy của toàn bộ hệ thống Gulag[310].

25.jpg

26.jpg

Trong ký ức truyền miệng của trại, năm 1937 không chỉ được ghi nhớ như năm của cuộc Đại Khủng bố: nó cũng là năm chấm dứt sự tuyên truyền về niềm vinh dự hoán cải tội phạm, cùng với mọi cơ quan bộ phận còn lại phục vụ cho lý tưởng này. Một phần, nó có thể có lý do từ cái chết và sự bắt bớ những người liên quan gần gũi nhất với chiến dịch tuyên truyền. Yagoda, trong suy nghĩ của quần chúng vẫn gắn chặt với Kênh đào Bạch Hải, đã biến mất. Maxim Gorky đã qua đời đột ngột tháng 6/1936. I. L. Averbakh, người đã hợp tác với Gorky trong cuốn Kanal imeni Stalina và là tác giả cuốn Từ Phạm pháp cho tới Lao động, đã bị tố cáo là Trốtkít và bị bắt tháng 4/1937. Nhiều nhà văn khác từng tham gia tuyển tập về Kênh đào Bạch Hải với Gorky cũng có số phận tương tự[311].

Nhưng sự thay đổi có bản chất sâu sắc hơn thế. Khi thuật hùng biện chính trị phát triển căn bản hơn, khi cuộc săn lùng tội phạm chính trị diễn ra quyết liệt hơn, vai trò của các trại, nơi đám tù chính trị nguy hiểm đó cư trú, cũng phải được thay đổi. Trên một quốc gia bị kìm kẹp bởi chứng hoang tưởng và cơn điên cuồng săn lùng phù thủy, chính sự tồn tại của những trại dành cho “đám kẻ thù” và “bọn gây hại” đã trở thành, nếu không phải là một bí mật (cảnh tù lao động bên đường hay trong những khối nhà chung cư rất thường gặp ở nhiều thành phố lớn thập niên 1940) thì ít nhất cũng là một chủ đề không bao giờ được thảo luận chốn công cộng. Vở kịch của Nikolai Pogodin, vở Aristokraty, bị cấm năm 1937, để lại được hồi sinh, dù chỉ trong thời gian ngắn, vào năm 1956, vừa sau cái chết của Stalin[312]. Cuốn Kanal imeni Stalina của Gorky cũng bị đặt vào danh sách những sách bị cấm, với những lý do cho tới nay vẫn chưa được làm rõ. Có lẽ các ông trùm mới của NKVD không thể chịu được lâu việc ca ngợi phù phiếm ông Yagoda nay đã xuống chó. Hay có lẽ việc nó mô tả quá sáng sủa thành công của sự cải hoán những “kẻ thù” nay không còn phù hợp trong một thời đại mà bọn kẻ thù xuất hiện ở khắp nơi, và khi hàng trăm ngàn những kẻ như chúng đang bị hành quyết hay vì được hoán cải. Rõ ràng câu chuyện của nó về những nhân viên Cheka nhã nhặn cái gì cũng biết giờ này khó mà phù hợp với các cuộc thanh trừng tập thể của NKVD. 

Không muốn tỏ ra lỏng lẻo trong nhiệm vụ cách ly những kẻ thù của chế độ, các chỉ huy Gulag ở Moscow cũng ban hành những quy định bí mật nội bộ mới, đòi hỏi những chi phí mới khổng lồ. Tất cả liên lạc thư từ giờ đây phải được gửi bởi các liên lạc viên đặc biệt. Chỉ riêng trong năm 1940, các liên lạc viên NKVD đã chuyển đi hai mươi lăm triệu gói kiện mật. Những ai viết thư gửi trại giờ đây phải viết riêng cho những hộp thư nhất định, bởi địa điểm các trại hiện đã trở thành bí mật. Bản thân các trại đã biến mất khỏi những bản đồ. Thậm chí trong thư từ nội bộ NKVD cũng viết trại chúng đi thành những “vật thể đặc biệt” (spetsobekty) hay “tiểu khu” (podrazdeleniya) nhằm che dấu hoạt động thật của chúng[313].

Để phổ biến cụ thể hơn, cả cho các trại lẫn cho hoạt động của những cư dân trong trại, NKVD bày ra một mật mã phức tạp có thể áp dụng cho các bức điện tín công khai. Một tài liệu năm 1940 liệt kê danh sách những tên gọi mã hóa ấy – một sáng tạo kỳ quái. Phụ nữ có thai được viết là “Cuốn sách”, còn phụ nữ có con nhỏ là “Hóa đơn”. Ngược lại, đàn ông là “Bản kế toán”. Người lưu đày là “Rác rưởi”, còn tù đang bị thẩm vấn là “Phong bì”. Một khu trại là một “Tập đoàn”, một phân trại là một “Nhà máy”. Một trại được mã hóa là “Tự do”[314].

Ngôn ngữ sử dụng bên trong trại cũng thay đổi. Cho tới mùa thu năm 1937, trong văn bản chính thức và thư từ thường xuyên đề cập tới tù trại theo nghề nghiệp của họ, ví dụ như, xem họ chỉ đơn giản là “đám thợ đốn gỗ”. Đến năm 1940, cá nhân một tù không còn là một thợ đốn gỗ, mà chỉ là một tù: một zaklyuchennyi, hay z/k như trong hầu hết văn bản – được phát âm là zek[315]. Một nhóm tù trở thành một kontingent (định mức sản lượng), là một thuật ngữ quan liêu và phi nhân cách. Tù cũng không thể có được danh hiệu Stakhanovets đáng ham muốn nữa: một cán bộ quản lý trại gửi thuộc cấp của mình một lá thư đầy phẫn nộ ra lệnh cho họ phải xem những tù lao động tích cực là “tù nhân, làm việc như công nhân xung kích” hay “tù nhân, làm việc theo phương pháp lao động Stakhanovets”.

Tất nhiên, bất cứ cách sử dụng tích cực nào của cụm từ “tù chính trị” phải bị xóa bỏ từ lâu. Các ưu tiên cho tù chính trị xã hội đã chấm dứt từ khi họ bị chuyển khỏi Solovetsky năm 1925. Nhưng giờ đây, thuật ngữ “chính trị” trải qua một bước biến đổi toàn diện. Nó bao gồm bất cứ ai bị kết án theo Điều 58 nổi tiếng của Luật hình sự, bao gồm tất cả những tội “phản cách mạng” – và nó bao hàm các ý nghĩa tiêu cực rất rộng. Tù chính trị – trước đây đôi khi còn gọi là “KR” (kẻ phản cách mạng), kontra hay kontriki – nay ngày càng hay được xem là vragi naroda: “kẻ thù của nhân dân”[316].

Cụm từ này, một tính ngữ Jacobin được Lenin sử dụng lần đầu tiên năm 1917, được hồi sinh bởi Stalin năm 1927 để mô tả Trotsky và những đệ tử của ông. Nó bắt đầu được dùng với hàm nghĩa rộng rãi hơn năm 1936 sau khi có bức thư mật – “của tác giả Stalin”, như theo lời của Dmitri Volkogonov, nhà viết tiểu sử Stalin người Nga – gửi từ Ủy ban Trung ương tới các Đảng bộ tỉnh và nước cộng hòa. Bức thư giải thích rằng, khi một kẻ thù của nhân dân “tỏ ra quy phục và không còn chống đối”, tức là hắn đã làm mọi điều có thể để “âm thầm luồn vào cơ cấu chủ nghĩa xã hội”, mặc dù hắn “bí mật không thừa nhận điều ấy”. Nói cách khác, bọn kẻ thù không còn có thể bị lật mặt nhờ xem xét quan điểm tuyên bố công khai của chúng. Ông trùm sau này của NKVD, Lavrenty Beria, cũng sẽ thường xuyên trích lời của Stalin, lưu ý rằng “một kẻ thù của nhân dân không chỉ là kẻ thực hiện hành động phá hoại, mà còn là những ai nghi ngờ sự đúng đắn của đường lối Đảng”. Vậy thì, “kẻ thù” có nghĩa là bất cứ ai chống lại nguyên tắc của Stalin, vì bất cứ lý do gì, ngay cả khi hắn không công khai tỏ ra như vậy[317].

Trong trại, “kẻ thù của nhân dân” giờ trở thành một thuật ngữ chính thức sử dụng trong các văn bản chính thức. Phụ nữ bị bắt vì là “vợ của kẻ thù của nhân dân” sau khi một sắc lệnh năm 1937 của NKVD cho phép những bắt giữ như vậy, cũng áp dụng tương tự đối với trẻ em. Họ bị kết án chính thức là “ChSVR”: “Thành viên Gia đình của một Kẻ thù của Cách Mạng”[318]. Rất nhiều “bà vợ” như vậy bị giam chung với nhau ở trại Temnikovsky, còn được gọi là Temlag, tại nước Cộng hòa Mordovia miền trung nước Nga. Anna Larina, vợ của Bukharin, nhà lãnh đạo Xôviết thất thế, nhớ lại rằng ở đó “Chúng tôi đã trở nên bình đẳng với nhau trong cơn nguy khốn – nhà Tukhachevsky với Yakir, nhà Bukharin với Radek, nhà Uborevich với Gamarnik: “Bất hạnh chia sẻ cùng nhau nên cảm thấy cũng vơi bớt!”[319]

Một người khác từng sống qua Temlag, Galina Levinson, nhớ lại rằng chế độ trong trại tương đối thoải mái, có lẽ bởi vì “chúng tôi không bị kết án, chúng tôi chỉ là ‘vợ’ ”. Phần lớn phụ nữ trong trại, bà nhận xét, là những người cho tới lúc đó vẫn là “những công dân Xôviết chân chính”, và vẫn tin rằng họ bị bắt do những âm mưu của một tổ chức phát xít bí mật nằm trong Đảng. Nhiều người dành hết tâm trí để hàng ngày viết thư cho Stalin và Ủy ban Trung ương, giận dữ kêu ca về âm mưu đang chống lại họ[320].

Bên cạnh những cách dùng chính thức, vào năm 1937 “kẻ thù của nhân dân” cũng chuyển thành một thuật ngữ có tính lăng mạ. Kể từ thời Solovetsky, những người sáng lập và thiết kế ra trại đã tổ chức một hệ thống phát triển quanh ý tưởng rằng tù không phải là con người mà đúng hơn là “những đơn vị lao động”: thậm chí ngay từ thời xây dựng Kênh đào Bạch Hải, Maxim Gorky đã mô tả đám kulak là “những kẻ nửa người nửa thú”[321]. Tuy nhiên, giờ đây bộ máy tuyên truyền còn mô tả những “kẻ thù” là thứ gì đó thậm chí còn tệ hơn cả một con súc vật hai chân. Từ cuối thập kỷ 1930, Stalin cũng bắt đầu công khai xem “kẻ thù của nhân dân” như “lũ sâu mọt”, “bọn nhơ bẩn” và “ô uế”, hay đôi khi đơn giản chỉ như đám “cỏ dại” cần phải bị xới bật gốc rễ[322].

Thông điệp rất rõ ràng: bọn zek không còn được xem là những công dân chính thức của Liên Xô nữa, nếu không muốn nói là không còn được xem như những con người. Một tù đã nhận xét rằng họ trở thành đối tượng của “một kiểu bị rút phép thông công khỏi đời sống chính trị, và không còn được phép tham gia các nghi thức lễ tế của nó nữa”[323]. Sau năm 1937, không lính gác nào còn sử dụng từ tovarishch – “đồng chí” – để gọi tù nữa, và tù có thể bị đánh nếu dùng từ này để gọi lính gác, những người mà họ phải gọi là grazhdanin – “công dân”. Ảnh của Stalin và các lãnh tụ khác không còn xuất hiện trên tường trong trại hay trong nhà tù nữa. Cảnh tượng khá phổ biến thời giữa thập niên 1930 – đoàn tàu chở tù có toa tàu trang trí chân dung Stalin và các khẩu hiệu thông báo những người đạt danh hiệu Stakhanovets – đã trở thành thứ không tưởng sau năm 1937. Lễ kỷ niệm ngày hội công nhân Mùng Một tháng Năm như những gì từng được tổ chức trong cung Solovetsky cũng phải chung số phận[324].

Nhiều người nước ngoài rất ngạc nhiên trước tác động mạnh mẽ của sự “rút phép thông công” khỏi xã hội Xôviết như thế ảnh hưởng lên các tù nhân Liên Xô. Một tù người Pháp, Jacques Rossi, tác giả cuốn Cẩm nang Gulag, một sổ tay bách khoa toàn thư về cuộc sống trong trại, đã viết rằng cái từ “đồng chí” có thể kích động những tù nhân không được nghe thấy nó trong một thời gian dài: “Một đội lao động vừa hoàn thành ca làm việc mười một tiếng rưỡi đã đồng ý ở lại và làm tiếp ca nữa chỉ bởi vì viên kỹ sư trưởng… nói với tù rằng: ‘Tôi kêu gọi các bạn làm điều này, các đồng chí ạ’ ”[325].

Từ việc làm mất nhân tính của “tù chính trị” dần dần dẫn tới việc tiếp theo là những thay đổi rất dễ nhận thấy, tại một vài nơi còn rất quyết liệt, trong điều kiện sống của tù. Gulag những năm 1930 từng hoàn toàn vô tổ chức, thường xuyên tàn bạo và đôi khi còn chết người. Tuy nhiên, tại một vài nơi và vào một số thời điểm trong thập niên 1930, thậm chí tù chính trị còn được có khả năng thực sự để chuộc tội. Những người lao động tại Kênh đào Bạch Hải còn có thể đọc báo Perekovka, bản thân tên gọi tờ báo có nghĩa là “Cải tạo”. Phần kết luận vở kịch Aristokraty của Pogodin đã mô tả sự “biến đổi” của một cựu phá hoại. Flora Leipman – con gái một phụ nữ Scotland lấy chồng người Nga, đã chuyển tới St Petersburg và sớm bị bắt vì tội gián điệp – đã tới thăm người mẹ bị tù của mình tại một trại cưa gỗ miền bắc năm 1934 để thấy rằng “ở đấy cũng vẫn còn chút nhân tính trong quan hệ giữa lính gác và tù nhân do KGB không phải quá phức tạp và có định hướng tâm lý như sau đó vài năm”[326]. Leipman biết rõ mình đang nói về cái gì, do bản thân cô cũng trở thành tù “vài năm sau đó”. Bởi sau năm 1937, thái độ đã thay đổi, đặc biệt đối với những người bị bắt theo Điều 58 Luật hình sự vì tội “phản cách mạng”.

27.jpg

28.jpg

Trong trại, tù chính trị bị chuyển khỏi các công việc họ đang nắm trong lĩnh vực lập kế hoạch và kỹ thuật, và bị buộc phải quay về làm “công tác chung”, nghĩa là lao động thể lực trình độ thấp trong hầm mỏ hoặc rừng rậm: “kẻ thù” không còn được phép nắm bất cứ vị trí nào quan trọng, do sợ họ sẽ tham gia phá hoại. Pavlov, lãnh đạo mới của Dalstroi, đã đích thân ký mệnh lệnh buộc một tù địa chất học, I. S. Davidenko, phải được “sử dụng như lao động phổ thông và không được phép thực hiện các công tác độc lập trong bất kỳ trường hợp nào. Nhiệm vụ của Davidenko phải được quản lý chặt chẽ và theo dõi giám sát hàng ngày”[327]. Trong một báo cáo lập tháng 2/1939, chỉ huy trại Belbaltlag cũng tuyến bố rằng ông ta đã “đuổi đi tất cả những công nhân không xứng đáng được tin tưởng về mặt chính trị” và đặc biệt là “tất cả những cựu tù bị kết tội phản cách mạng”. Kể từ lúc này, ông ta cam kết, các công việc điều hành và kỹ thuật cần được dành cho “các Đảng viên, Đoàn viên Komsomol và những chuyên gia được tin cậy”[328]. Rõ ràng, sản xuất kinh tế không còn là ưu tiên hàng đầu của trại.

Chế độ của trại trên khắp hệ thống trở nên khắc nghiệt hơn đối với cả tù tội phạm thường lẫn tù chính trị. Khẩu phần bánh mì cho “công tác chung” đầu những năm 1930 lên tới 1 ký mỗi ngày, thậm chí cả cho những người không hoàn thành được 100 phần trăm chỉ tiêu, và tới 2 ký cho những người Stakhanov. Tại trại lagpunkt chính của Kênh đào Bạch Hải, thịt được cung cấp mười hai ngày mỗi tháng[329]. Tới cuối thập kỷ, khẩu phần cơ bản chỉ còn một nửa, tụt xuống 400-450 gram bánh, còn những người hoàn thành 100 phần trăm được thêm 200 gram. Khẩu phần phạt tụt xuống còn 300 gram[330]. Nói về thời kỳ đó ở Kolyma, Shalamov viết

Để biến một thanh niên mạnh khỏe, bắt đầu công việc đào vàng trong không khí lạnh trong lành thành một kẻ “sắp chết”, chỉ cần khoảng hai mươi tới ba mươi ngày làm việc mười sáu tiếng, không có ngày nghỉ, cộng với ăn đói có hệ thống, quần áo rách rưới, nhiệt độ ban đêm lạnh âm sáu mươi độ trong căn lều vải thủng lỗ chỗ… trong toàn đội lao động bắt đầu của mùa đào vàng, không người nào có thể sống sót, ngoại trừ chính đội trưởng, cần vụ của đội trưởng và một vài bạn thân của đội trưởng[331].

Điều kiện cũng tệ dần bởi số lượng tù tăng lên, một vài nơi có tốc độ nhanh đáng kinh ngạc. Đúng là Bộ Chính trị có cố gắng chuẩn bị kỹ cho việc đổ người đến, hướng dẫn Gulag năm 1937 để bắt đầu xây dựng năm trại khai thác gỗ mới tại vùng Komi, cũng như thêm nhiều trại “ở những vùng xa xôi của Kazakhstan”. Để đẩy nhanh việc xây dựng, Gulag thậm chí còn nhận được một “khoản tiền 10 triệu rúp” để tổ chức những trại mới đó. Ngoài ra, Dân ủy Quốc phòng, Dân ủy Y tế và Dân ủy Lâm nghiệp còn được lệnh tìm ra 240 sĩ quan chỉ huy và chính trị viên, 150 thầy thuốc, 400 trợ lý y tế, 10 chuyên gia lâm nghiệp xuất sắc và “50 học viên tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật rừng Leningrad” để làm việc trong Gulag – ngay lập tức[332].

Tuy nhiên, các trại sẵn có một lần nữa bị tràn ngập những người mới tuyển dụng, và sự quá tải đầu những năm 1930 lại lặp lại. Tại một lagpunkt xây cho 250-300 người thuộc Siblag, trại lâm nghiệp Siberi, một người sống qua đoán rằng con số tù thực sự năm 1937 phải vượt quá 17.000. Thậm chí nếu con số thực chỉ là một phần tư như vậy thì sự đánh giá quá cao cũng cho thấy chúng đã khiến người ta cảm thấy đông đúc đến độ thế nào. Thiếu lán trại, tù xây những zemlyanka, hầm đào âm xuống đất; thậm chí những hầm ấy cũng quá chật đến nỗi “không thể đi lại nếu không dẫm lên tay người khác”. Tù không muốn đi ra ngoài, sợ rằng sẽ mất chỗ nằm trên sàn. Không có bát ăn, không có thìa, xếp hàng lấy thức ăn dài dằng dặc. Xuất hiện dịch kiết lỵ và thế là tù chết rất nhanh.

Trong một cuộc họp Đảng bộ sau đó, thậm chí ban quản lý trại Siblag còn long trọng nhớ lại “bài học khủng khiếp năm 1938”, ít nhất là vì “số ngày lao động bị mất” trong cuộc khủng hoảng đó[333]. Trên khắp hệ thống trại, số tử vong chính thức tăng gấp đôi từ 1937 tới 1938. Số liệu thống kê không có sẵn ở khắp nơi, nhưng tỷ lệ tử vong có thể đoán sẽ cao nhất tại những trại miền viễn bắc – Kolyma, Vorkuta, Norilsk – nơi tù chính trị bị gửi tới với số lượng lớn[334].

Nhưng tù không chỉ chết vì đói và làm quá nhiều. Trong bầu không khí mới, việc giam giữ lũ kẻ thù dường như đã có vẻ là chưa đủ: tốt hơn cả là chúng không nên tồn tại. Do đó, ngày 30/7/1937, NKVD ban hành mệnh lệnh trấn áp “bọn cựu kulak, trộm cắp và các thành phần chống Xôviết” – một mệnh lệnh bao gồm ấn định chỉ tiêu hành quyết cho tù Gulag cũng như các nơi khác[335]. Do đó, ngày 25/8/1937, Yezhov ký một mệnh lệnh khác kêu gọi hành quyết những tù bị giam trong những nhà tù chính trị yêu cầu an ninh cao. NKVD, ông ta viết, phải “chấm dứt trong vòng hai tháng chiến dịch trấn áp những thành phần phản cách mạng hung hăng nhất… những kẻ bị kết án gián điệp, chuyển hướng, khủng bố, hoạt động nổi loạn và băng đảng, cũng như những kẻ bị kết án là thành viên của các đảng chống Xôviết”[336].

Đối với tù chính trị, ông ta thêm vào “các thành phần băng đảng và tội phạm” hoạt động tại Solovetsky, vốn vào lúc đó cũng đã bị chuyển thành một nhà tù chính trị an ninh cao. Chỉ tiêu của Solovetsky được nêu như sau: 1.200 tù vẫn đang bị giam trong Solovetsky phải bị xử bắn. Một nhân chứng nhớ lại cái ngày mà một số người bọn họ bị gọi đi:

Không hề báo trước, chúng buộc mọi người trong khám ngoài trời của Cung Solovetsky ra ngoài tổng điểm danh. Khi điểm danh, chúng đọc to một danh sách dài các tên họ – tới hàng trăm người – phải bị chuyển đi. Chúng cho họ hai giờ để chuẩn bị, sau đó phải tập trung lại ở cùng chỗ quảng trường trung tâm. Một sự hỗn loạn khủng khiếp diễn ra sau đó. Một số người chạy đi gom đồ của mình, những người khác đi chia tay bạn bè. Trong hai giờ, hầu hết những người phải chuyển đi đã đứng vào hàng… Đoàn tù cất bước đi đem theo vali và túi xách trên vai…[337]

Một số trong họ có lẽ đã đem theo dao, sau này họ dùng để tấn công những kẻ xử bắn họ ở gần khu làng Sandormokh miền bắc Karelia, khiến chúng bị thương nặng. Sau sự cố đó, NKVD cho lột hết đồ lót của tù trước khi bắn họ. Sau này, nhân viên NKVD chịu trách nhiệm về chiến dịch được thưởng một thứ mà lưu trữ chỉ mô tả là một “món quà có giá trị” vì lòng dũng cảm khi thực hiện nhiệm vụ. Vài tháng sau, ông ta cũng bị xử bắn[338].

Tại Solovetsky, việc lựa chọn tù bị giết chết là khá tùy tiện. Tuy nhiên, tại một vài trại, ban quản lý nhân cơ hội này để loại bỏ cho mình những tù đặc biệt khó chịu. Đó có lẽ cũng là trường hợp tại Vorkuta, nơi một nhóm lớn tù được chọn thực ra là những cựu Trốtkít – những người chân thành đi theo Trotsky, tức là một số người bọn họ từng tham gia các cuộc bãi công và gây loạn khác trong trại. Một nhân chứng cho rằng vào đầu mùa đông 1937-1938, ban quản lý Vorkuta đã giam khoảng 1.200 tù, hầu hết là Trốtkít, cộng thêm các tù chính trị khác và một ít tội phạm, trong một nhà máy gạch bỏ hoang và một chuỗi những lều lớn chật chội. Tù không được phát chút đồ ăn nóng nào: “khẩu phần hàng ngày chỉ gồm 400 gram bánh mì khô cứng”[339]. Họ ở lại đó cho đến cuối tháng Ba, khi có một nhóm sĩ quan NKVD từ Moscow đến. Các sĩ quan lập ra một “ủy ban đặc biệt” và gọi tù lên theo từng nhóm bốn mươi người. Họ được cho biết sẽ bị chuyển đi. Mỗi người được phát một mẩu bánh mì. Những tù trong lều nghe thấy tiếng họ cất bước lên đường – “và rồi vang lên tiếng súng nổ”.

Không khí ở trong lán trở nên khủng khiếp. Một nông dân, bị tù vì tội “đầu cơ” – ông ta đã bán con lợn của chính mình ngoài chợ đen – nằm trên giường mình, mắt trừng trừng, không nhúc nhích. “Tôi có chung cái gì với đám chính trị các anh đâu?” ông ta rên rỉ liên hồi. “Các anh đánh nhau dành quyền lực, dành địa vị, còn tôi chỉ cần được sống thôi mà”. Một người khác tự sát, theo như lời người chứng kiến. Hai người đã phát điên. Cuối cùng, khi chỉ còn lại khoảng 100 người, việc xử bắn chấm dứt, cũng đột ngột và không thể giải thích được giống như khi nó bắt đầu. Các ông trùm NKVD đã quay trở về Moscow. Những tù còn lại quay về khu mỏ. Trong toàn trại, có khoảng 2.000 tù bị giết.

Stalin và Yezhov không phải lúc nào cũng gửi người ngoài từ Moscow đi thực hiện những công việc như vậy. Để đẩy nhanh tiến độ trên khắp đất nước, NKVD cũng tổ chức các troika, hoạt động bên trong trại cũng như bên ngoài trại. Một troika đúng như tên gọi của nó: có ba người, thường gồm xếp NKVD của vùng, bí thư tỉnh ủy và một đại diện văn phòng công tố của chính quyền địa phương. Phối hợp với nhau, họ có quyền ra bản án cho một tù không có mặt trong phiên xử, không có quan tòa, ban hội thẩm, luật sư hay toà án[340].

Ngay khi sắp xếp xong, troika tiến hành rất nhanh. Ngày 20/9/1937, một ngày đẹp trời điển hình, troika của Cộng hòa Karelia đã kết án 231 tù của trại Kênh đào Bạch Hải, Belbaltlag. Giả sử là một ngày làm việc mười tiếng, không nghỉ, thì chỉ chưa đầy ba phút là xử xong số phận của một tù. Hầu hết những người bị kết án đã nhận bản án gốc của mình từ rất sớm, mãi đầu những năm 1930. Giờ đây, họ bị tố cáo những tội mới, thường liên quan tới các hành vi xấu hay thái độ không hay đối với cuộc sống trong trại. Trong số họ có các cựu tù chính trị – Menshevik, Vô chính phủ, Dân chủ Xã hội – và một cựu nữ tu “từ chối làm việc cho chính quyền Xôviết”, cũng như một kulak làm đầu bếp trong trại. Anh ta bị tố cáo đã gây ra sự không hài lòng trong những công nhân Stakhanovets. Chính quyền cho là anh ta đã cố ý gây ra “những hàng dài người đứng chờ để họ phải đứng xếp hàng, trong khi lại phát sớm thức ăn cho các tù thường”[341].

Cơn điên cuồng không kéo dài được lâu. Tháng 11/1938, cuộc bắn giết tập thể đột ngột ngưng lại, cả trong trại lẫn trên phần còn lại của đất nước. Có lẽ cuộc thanh trừng đã đi quá xa, thậm chí cả so với sở thích của Stalin. Có lẽ đơn giản là nó đã đạt được cái nó muốn đạt được. Hay có lẽ nó đã gây quá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế hãy còn quá mong manh. Bất kể vì lý do gì, Stalin đã nói tại Đại hội Đảng tháng 3/1939 rằng cuộc thanh trừng đã hoàn tất với “nhiều sai lầm hơn dự tính”[342].

Không một ai xin lỗi hay hối hận, và hầu như không có ai bị trừng phạt. Chỉ vài tháng trước đó, Stalin đã gửi một thông tư cho tất cả các ông trùm NKVD, khen ngợi họ đã “giáng cho bọn gián điệp-tạo phản của các cơ quan tình báo nước ngoài một thất bại trí mạng” và đã “loại bỏ khỏi đất nước các lực lượng tạo phản, nổi loạn và dọ thám”. Chỉ sau đó ông ta mới nêu ra một số “thiếu sót” trong chiến dịch như “quá đơn giản hóa thủ tục điều tra”, thiếu nhân chứng và bằng chứng chứng thực[343].

Bản thân cuộc thanh trừng của NKVD cũng không phải đã dừng lại hoàn toàn. Tháng 11/1938, Stalin loại bỏ khỏi công tác Nikolai Yezhov, người được cho là tác giả tất cả những “sai lầm” ấy, và kết ông ta tội chết. Việc hành quyết thực hiện năm 1940, sau khi Yezhov cầu xin tha mạng, giống như Yagoda đã làm với ông ta trước đó: “Xin hãy kể cho Stalin rằng tôi chết khi miệng vẫn đang gọi tên Người”[344].

Đám thân cận của Yezhov cũng thất thế cùng với ông này, hệt như bạn bè của Yagoda vài năm về trước. Trong phòng giam của mình, Evgeniya Ginzburg nhận thấy một ngày nọ bản nội quy nhà tù dán trên tường đã bị lột mất. Khi chúng được thay thế, khoảng trống ở góc trái phía trên, vốn có viết “Chấp thuận. Yezhov, Tổng Chính ủy An ninh Quốc gia”, đã bị dán chồng lên bằng giấy trắng. Nhưng việc thay đổi vẫn chưa chấm dứt: “Thoạt tiên tên của Weinstock (giám đốc nhà tù) bị dán đè lên và thay vào bằng Antonov; sau đó tên Antonov biến mất, thay chỗ ông ta là: Giám đốc Quản lý Nhà tù. ‘Điều này giúp chúng không phải thay đổi nó lần nữa’, chúng tôi phá ra cười”[345].

Sản lượng của hệ thống trại tiếp tục dần dần đi xuống. Tại Ukhtpechlag, việc bắt giết tập thể, số lượng gia tăng tù bị bệnh và yếu sức, kèm theo việc mất mát các tù chuyên gia đã khiến sản lượng trại tụt dốc mạnh trong thời gian từ 1936 đến 1937. Tháng 7/1938, một ủy ban Gulag đặc biệt được lập để thảo luận về số thiếu hụt tài chính khổng lồ của Ukhtpechlag[346]. Sản lượng các mỏ vàng của Kolyma cũng giảm mạnh. Thậm chí dòng chảy khổng lồ đổ tù tới cũng không vực được tổng sản lượng vàng khai thác lên bằng với mức đạt được trước đây. Trước khi bị phế truất, chính Yezhov đã đề nghị dùng thêm nhiều tiền hơn để nâng cấp kỹ thuật khai mỏ đã lỗi thời của Dalstroi – cứ như thể đấy chính là vấn đề cốt lõi vậy[347].

Trong khi đó, chỉ huy trại Belbaltlag – người từng tự hào khoe khoang thành tích của mình trong việc tống sạch tù chính trị ra khỏi cơ cấu quản lý của trại – than phiền về “nhu cầu cấp bách đối với nhân sự quản lý và kỹ thuật” hiện thời. Cuộc thanh trừng rõ ràng đã khiến cơ cấu kỹ thuật của trại “trong sạch hơn” về mặt chính trị, ông ta thận trọng viết, nhưng nó cũng đã “làm tăng các thiếu sót” của nó. Lấy ví dụ, trong phân trại số 14 của ông ta, có 12.500 tù, trong đó chỉ có 657 tù không phải là tù chính trị. Tuy nhiên, hầu hết những người này mang án trọng phạm, vì thế cũng loại họ khỏi các công tác như chuyên gia hay nhân viên quản lý, trong khi có 184 người mù chữ – chỉ còn lại 70 người có thể sử dụng làm thư ký hay kỹ sư[348].

Nhìn chung, doanh thu của các trại NKVD, dựa theo các thống kê chính thức, đã tụt từ 3,5 triệu rúp năm 1936 xuống còn 2 triệu rúp năm 1937. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp cũng giảm, từ 1,1 tỷ rúp xuống còn 945 triệu rúp[349].

Sự không sinh lợi và vô tổ chức diện rộng của hầu hết các trại, cũng như số lượng gia tăng tù bị bệnh và kệt quệ sắp chết, đã không thể không bị Moscow lưu ý, tại đấy những tranh luận cực kỳ thẳng thắn về kinh tế trại đã nổ ra trong các cuộc họp của Đảng ủy khối ban quản lý trung tâm của Gulag. Tại một cuộc họp tháng 4/1938, một quan chức đã than phiền về “tình trạng hỗn loạn và vô trật tự” ở tổ hợp trại Komi. Ông ta cũng cáo buộc các chỉ huy trại Norilsk đã thành lập một xưởng sản xuất nickel “được thiết kế tồi”, kết quả là gây phí phạm một khoản tiền lớn. Nêu ra số tiền đã được dùng để lập ra những trại lâm nghiệp mới, một nhà quản lý khác cằn nhằn: “Chúng ta đáng ra có thể mong đợi hơn thế. Các trại của chúng ta được tổ chức thiếu tính hệ thống. Những công trình chính được xây dựng trên bùn lầy, giờ đây phải dời đi chỗ khác”.

Tháng 4/1939, sự than phiền trở nên quyết liệt hơn. Tại các trại phía bắc, xuất hiện “tình huống đặc biệt rắc rối trong việc cung cấp thực phẩm”, dẫn tới “một tỷ lệ vô cùng lớn công nhân bị yếu sức, một tỷ lệ vô cùng lớn tù nhân không thể làm việc được, tỷ lệ tử vong và bị ốm rất cao”[350]. Trong cùng năm ấy, Hội đồng Dân ủy được cho biết rằng có tới 60 phần trăm tù mắc bệnh viêm da do thiếu chất hoặc do những bệnh khác liên quan tới thiếu dinh dưỡng[351].

Không phải tất cả những vấn đề ấy đều là do Đại Khủng bố, dĩ nhiên. Như đã lưu ý, thậm chí khu trại lâm nghiệp của Frenkel, được Stalin rất thán phục, cũng chưa bao giờ thực sự đem lại lợi nhuận[352]. Lao động tù đã luôn luôn – và sẽ luôn luôn – kém năng suất hơn lao động tự do. Nhưng bài học đó không bao giờ được thuộc. Khi Yezhov bị truất quyền lực tháng 11/1938, người thay thế ông làm xếp NKVD, Lavrenty Beria, hầu như đã ngay lập tức bắt tay vào thay đổi chế độ của trại, điều chỉnh luật lệ, sắp xếp lại nội quy, tất cả để hướng cho trại trở về chỗ mà Stalin mong muốn cho chúng: tại trung tâm của nền kinh tế Xôviết.

Beria đã không – vẫn chưa – kết luận được rằng bản thân hệ thống trại là kém hiệu năng và phí phạm bởi chính bản chất của nó. Thay vào đó, ông ta dường như tin rằng những người chịu trách nhiệm về hệ thống trại đã thiếu năng lực. Giờ đây ông ta bị quyết định rằng phải quay hệ thống trại trở về thành một phần thực sự sinh lợi của nền kinh tế Xôviết, lần này là phải làm thật.

Beria đã không, cả lúc ấy lẫn sau này, thả ra một số lớn tù nhân trong trại bị kết án bất công (mặc dù NKVD có thả ra một số từ nhà tù). Hệ thống trại đã không, cả lúc ấy lẫn sau này, trở nên nhân đạo hơn tẹo nào. Việc làm mất nhân tính của “kẻ thù” vẫn tiếp tục thấm sâu trong ngôn ngữ của lính gác và ban quản lý trại cho tới tận khi Stalin chết. Việc ngược đãi tù chính trị, thực ra là đối với mọi loại tù, vẫn tiếp tục: năm 1939, dưới con mắt cảnh giác của Beria, những tù đầu tiên bắt đầu làm việc trong các mỏ uranium của Kolyma với gần như không có gì để bảo vệ chống lại phóng xạ[353]. Beria chỉ thay đổi một nét diện mạo của hệ thống: ông yêu cầu các chỉ huy trại gắng giữ cho tù sống sót và sử dụng họ hiệu quả hơn.

Mặc dù chính sách không bao giờ rõ ràng, trong thực tế Beria cũng dỡ bỏ việc cấm “thuê” tù chính trị có chuyên môn kỹ sư, khoa học hay kỹ thuật làm việc tại các vị trí kỹ thuật trong trại. Tuy nhiên, các chỉ huy trại vẫn cảnh giác với việc sử dụng tù chính trị làm “chuyên gia”, việc này tồn tại mãi cho tới khi Gulag tiêu tùng giữa thậo niên 1950. Đến cuối 1948, những nhánh khác nhau của cơ quan an ninh vẫn còn tranh cãi về việc tù chính trị có có nên bị cấm nắm giữ các chức vụ chuyên gia hay không, một số cho rằng như vậy quá nguy hiểm về mặt chính trị, số khác tuyên bố hệ thống trại sẽ rất khó khăn nếu hoạt động không có họ[354]. Mặc dù Beria không bao giờ giải quyết triệt để tình trạng khó xử này, ông cũng kiên quyết trong việc biến NKVD thành một thành phần hiệu quả của nền kinh tế Xôviết nên không muốn tất cả những những nhà khoa học và kỹ sư quan trọng nhất của Gulag mất chân mất tay vì giá rét miền cực bắc. Tháng 9/1938, ông bắt đầu tổ chức các xưởng và phòng thí nghiệm đặc biệt cho tù khoa học gia, vốn thường được tù gọi là sharashka. Solzhenitsyn, người cũng làm việc trong một sharashka, đã mô tả một xưởng như vậy – một “cơ sở nghiên cứu tối mật, chỉ được nhắc đến chính thức bằng một con số mật mã” – trong tiểu thuyết của mình, cuốn Vòng địa ngục đầu tiên:

Một tá tù bị đưa từ trại đến căn nhà nông thôn cũ kỹ ở ngoại ô Moscow, xung quanh chằng chịt hàng rào thép gai… vào lúc đó, tù không hề biết chính xác họ bị đưa tới Mavrino để làm loại nghiên cứu gì. Họ túi bụi mở hàng đống thùng do hai đoàn tàu hàng đặc biệt chở tới, chọn lựa những chiếc ghế và bàn làm việc thoải mái cho riêng mình, rồi phân loại trang thiết bị…[355]

Cuối cùng, các sharashka được đặt tên là “Văn phòng Xây dựng Đặc biệt”. Sau này, chúng được gọi chung là “Ban Đặc biệt Số 4” của NKVD, và có khoảng 1.000 nhà khoa học thường xuyên làm việc trong đó. Trong một vài trường hợp, Beria đích thân truy tìm các nhà khoa học tài năng, ra lệnh đưa họ quay về Moscow. Các nhân viên NKVD cho họ đi tắm, cắt tóc, cạo râu và nghỉ ngơi khá lâu – rồi đưa họ đi làm trong các phòng thí nghiệm tù. Trong số những “phát hiện” quan trọng nhất của Beria có kỹ sư hàng không Tupolev, người đến với sharashka của mình đem theo một túi mẩu bánh mì và vài miếng đường (ông từ chối trao lại chúng, thậm chí cả sau khi đã được cho biết thực phẩm sẽ được cải thiện đáng kể).

Đến lượt mình, Tupolev đưa cho Beria một danh sách những người khác để liên hệ lại, trong số đó có Valentin Glushko, nhà thiết kế động cơ tên lửa hàng đầu của Liên Xô, và Sergei Korolev, sau này là cha đẻ của sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người – thực tế là cha đẻ của toàn bộ chương trình không gian Liên Xô. Korolev quay về Lubyanka sau mười bảy tháng ở Kolyma, mất nhiều chiếc răng do bệnh thiếu vitamin scoócbuýt, vẻ ngoài trông “đói khát và kiệt sức”, theo như lời một bạn tù của ông[356]. Tuy nhiên, trong một báo cáo soạn tháng 8/1944, Beria đã liệt kê hai mươi nội dung mới quan trọng của kỹ thuật quân sự được sáng tạo ra tại các sharashka của mình, và soạn thảo kỹ lưỡng về nhiều phương cách có thể áp dụng chúng trong nền công nghiệp quốc phòng Thế Chiến thứ II[357].

Theo một vài khía cạnh, triều đại của Beria dường như cũng muốn có một sự cải thiện đối với các zek bình thường. Nói chung, điều kiện thực phẩm có được cải thiện tạm thời. Như Beria đã nêu vào tháng 4/1938, khẩu phần trong trại 2.000 calori mỗi ngày là được lập cho những người ngồi trong nhà tù, không phải cho người làm việc tay chân. Bị bớt xén, bị lừa gạt và phạt bớt khẩu phần do làm việc kém thậm chí sẽ làm giảm lượng thực phẩm ít ỏi đó xuống còn có 70 phần trăm, khiến rầt nhiều tù bị đói. Ông tiếc về điều này, không phải do ông thương hại họ, mà vì tỷ lệ chết cao hơn và mức độ bệnh nặng hơn sẽ ngăn NKVD không hoàn thành được kế hoạch sản xuất năm 1939 của mình. Beria yêu cầu lập ra chỉ tiêu khẩu phần mới, sao cho “khả năng thể chất của lực lượng lao động của trại có thể được sử dụng tối đa trong bất kỳ ngành công nghiệp nào”[358].

Mặc dù khẩu phần có tăng, chế độ của Beria khó mà loan báo được một sự tái phục hồi nhân tính cho tù. Trái lại, sự chuyển đổi tù từ con người trở thành các đơn vị lao động đã phát triển thêm nhiều bước xa hơn. Tù vẫn có thể bị kết án tử trong trại – nhưng không phải chỉ do có khuynh hướng phản cách mạng. Thay vào đó, những người không chịu làm việc hay chủ động gây rối bị kết án “phải chịu chế độ trại khắc nghiệt hơn, nằm khám phạt, khẩu phần và điều kiện sống kém và những biện pháp kỷ luật khác”. “Kẻ trốn việc” cũng bị nhận các án phạt kiểu mới, bao gồm và có thể lên tới mức tử hình[359].

Các công tố viên địa phương tức khắc bắt tay vào điều tra những vụ trốn việc. Lấy ví dụ, trong tháng 8/1939, một tù bị xử bắn, không phải chỉ vì không chịu làm việc, mà còn do đã dụ dỗ người khác bỏ không làm việc. Trong tháng 10, ba nữ tù, chắc hẳn là các xơ Chính thống giáo, bị tố cáo vừa từ chối làm việc vừa ca hát các bài ca phản cách mạng trong trại: hai người bị bắn và người thứ ba bị nhận thêm án tù phụ[360].

Những năm Đại Khủng bố cũng để lại dấu ấn theo cách khác. Gulag sẽ không bao giờ đối xử với tù như những người xứng đáng được chuộc lỗi nữa. Hệ thống “tha sớm” vì thái độ cư xử tốt bị hủy bỏ. Trong một lần can thiệp vào hoạt động thường ngày trong trại được công chúng biết tới, đích thân Stalin đã chấm dứt việc thả sớm, lấy lý do là chúng gây tổn hại cho hoạt động kinh tế của trại. Trong phát biểu tại một cuộc họp Hội đồng Xôviết Tối cao năm 1938, ông nói

Chẳng lẽ chúng ta không thể nghĩ đến một số hình thức khen thưởng khác cho lao động của họ hay sao, như huân chương chẳng hạn? Chúng ta đang hành động sai, chúng ta đang gây cản trở công tác của trại. Thả những người đó có thể là cần thiết, nhưng trên quan điểm của nền kinh tế đất nước thì đó là sai lầm… chúng ta sẽ thả những người tốt nhất, để lại chỉ toàn kẻ kém cỏi[361].

Một sắc lệnh về điều này được ban hành tháng 6/1939. Vài tháng sau, một sắc lệnh khác cũng loại trừ việc “thả sớm có điều kiện” những người thương tật. Số tù bệnh tật cũng tăng lên tương ứng. Nguồn khích lệ chính cho các tù lao động tích cực giờ đây là được cải thiện “nhu yếu phẩm và thức ăn” – cũng như các huân chương mà Stalin nghĩ rằng có sức hấp dẫn. Năm 1940, thậm chí Dalstroi cũng đã bắt đầu phân phát chúng[362].

Nhiều sáng kiến như vậy đã đi ngược lại với luật pháp thời kỳ này, và thực sự đã gặp phải chống đối. Chánh ủy viên công tố, Vyshinsky, và Dân ủy Tư pháp, Richkov, đều chống đối việc loại bỏ tha sớm, cũng như việc bắt phạt án tử hình với những người bị tố cáo “gây rối cuộc sống trong trại”. Nhưng Beria, cũng như Yagoda trước đó, rõ ràng có sự hậu thuẫn của Stalin, và ông đã thắng trong trận chiến này. Từ ngày 1/1/1940, NKVD thậm chí còn được ban quyền bắt trở lại 130.000 tù đã được cho các bộ ngành khác “mượn”. Beria được xác định phải làm sao cho Gulag thực sự đúng là tạo ra lợi nhuận[363].

Với tốc độ đáng ngạc nhiên, sự thay đổi của Beria đã có tác động. Trong mấy tháng cuối trước khi Thế chiến thứ II nổ ra, hoạt động kinh tế của NKVD bắt đầu một lần nữa tăng trở lại. Năm 1939, doanh thu của NKVD là 4,2 triệu rúp. Năm 1940, nó là 4,5 triệu rúp. Khi tù bắt đầu đổ vào trại trong thời gian chiến tranh, những con số nêu trên bắt đầu tăng còn nhanh hơn nữa[364]. Theo thống kê chính thức, con số tử vong trong trại cũng giảm một nửa trong thời gian từ 1938 tới 1939, từ 5 phần trăm xuống còn 3 phần trăm, thậm chí ngay cả khi số lượng tù nhân tiếp tục tăng lên[365].

Giờ đây cũng có nhiều trại hơn trước kia, và chúng lớn hơn nhiều so với thời đầu thập kỷ. Số lượng tù nhân đã tăng gần gấp đôi từ ngày 1/1/1935 tới 1/1/1938, từ 950.000 lên 1,8 triệu, với khoảng một triệu người nữa bị án lưu đày[366]. Các trại vốn chỉ gồm không nhiều hơn vài căn nhà gỗ và hàng rào thép gai nay trở thành những khu công nghiệp khổng lồ thực sự. Sevvostlag, trại chính của Dalstroi, chứa gần 200.000 tù năm 1940[367]. Vorkutlag, trại khai mỏ phát triển từ trại Rudnik số 1 của Ukhtpechlag, chứa 15.000 tù năm 1938, đến 1951 nó đã chứa trên 70.000.

Nhưng cũng có các trại kiểu mới. Có lẽ tàn nhẫn nhất trong thế hệ trại mới này là Norillag, thường được biết với cái tên Norilsk. Cũng như Vorkuta và Kolyma, ở phía bắc của Cực Bắc, Norilsk ngồi ngay trên một vỉa nickel khổng lồ, có lẽ là lớn nhất thế giới. Tù của Norilsk không chỉ đào nickel mà còn xây những xưởng tinh luyện nickel và các trạm điện bên cạnh khu mỏ. Sau đó họ xây dựng thành phố – Norilsk – cho các cán bộ NKVD điều hành khu mỏ và nhà máy ở. Như những tiền bối của mình, Norilsk lớn lên rất nhanh. Trại chứa 1.200 tù năm 1935; năm 1940 nó chứa 19.500. Vào lúc lớn nhất năm 1952, 68.849 tù bị giam tại đây[368].

Năm 1937, NKVD cũng lập ra Kargopollag tại vùng Arkhangelsk, tiếp theo là Vyatlag năm 1938 ở miền trung Nga, và Kraslag ở tỉnh Krasnoyarsk miền bắc Siberi. Tất cả về cơ bản đều là trại lâm nghiệp, đòi hỏi các bộ phận hỗ trợ – nhà máy gạch, xưởng chế biến gỗ, xưởng làm bàn ghế. Tất cả được tăng quy mô gấp hai đến ba lần trong thập niên 1940, đến lúc đó mỗi trại chứa khoảng 30.000 tù[369].

Cũng có những trại khác, thành lập và đóng cửa rồi lại tự tái tổ chức thường xuyên đến nỗi khó mà có được con số chính xác trong một năm cụ thể. Một số khá nhỏ, được xây để phục vụ nhu cầu của một nhà máy, một dự án công nghiệp hay xây dựng cụ thể. Các trại khác chỉ là tạm thời, xây nhằm mục đích làm đường bộ hay đường sắt và bị bỏ hoang sau đó. Để điều hành số lượng khổng lồ và những vấn đề phức tạp của chúng, ban quản lý Gulag cuối cùng lập ra các phân ban: một Tổng Ban Trại Công nghiệp, một Tổng Ban Xây dựng đường bộ, một Tổng Ban Công tác Lâm nghiệp, v.v.

Nhưng không chỉ có quy mô của chúng thay đổi. Từ cuối những năm 1930, tất cả các trại mới có một đặc tính công nghiệp thuần túy, không có đài phun nước và “vườn cảnh” như Vishlag, không có các tuyên truyền lý tưởng hóa đi cùng như trong cuộc xây dựng Kolyma, không có các tù chuyên gia ở mọi cấp độ trong cuộc sống trại. Olga Vasileeva, một nhân viên quản lý làm công tác kỹ sư và thanh tra của Gulag và tại các công trường xây dựng khác vào cuối những năm 1930 và 1940, đã nhớ lại rằng trong thời kỳ đầu tiên “có ít lính gác hơn, ít nhân viên quản lý hơn, ít người làm hơn… Trong thập kỷ 1930, tù được đưa vào danh sách đi làm mọi loại công việc như thư ký, thợ cắt tóc, lính gác”. Tuy nhiên, trong thập kỷ 1940, bà nhớ lại rằng tất cả những chuyện ấy đã chấm dứt: “Tất cả bắt đầu tiếp nhận một đặc tính tổng thể… mọi việc trở nên khắc nghiệt hơn… do khu trại trở nên rộng hơn, chế độ cũng trở nên tàn bạo hơn”[370].

Trong thực tế, có thể nói rằng đến cuối thập kỷ đó, trại tập trung Xôviết đã đạt tới hình thức ổn định của mình. Vào lúc này, chúng đã thâm nhập gần như mọi vùng ở Liên Xô, tất cả mười hai múi giờ của nó và hầu hết nước cộng hòa của nó. Từ Aktyubinsk cho tới Yakutsk, không một điểm tập trung dân cư quan trọng nào giờ đây không có trại hoặc tiểu khu địa phương của mình. Lao động tù được sử dụng để làm mọi thứ từ đồ chơi trẻ em cho tới máy bay quân sự. Tại tại nhiều nơi trên Liên Xô thập niên 1940, thật khó mà đi làm công việc hàng ngày của mình mà không gặp một tù nhân.

Quan trọng hơn, hệ thống trại đã tiến hóa. Chúng giờ đây không còn là một nhóm công trường lao động hoạt động theo đặc tính khác biệt, mà đã là một “phức hợp trại kiểu công nghiệp hóa” phát triển đủ lông đủ cánh, với quy chế nội bộ và tập quán thực tiễn, hệ thống phân phối và hệ thống tổ chức đặc biệt[371]. Một chế độ quan liêu khổng lồ, cùng với thứ văn hóa đặc biệt của nó, đã cai trị đế chế bao la của Gulag từ tận Moscow. Trung tâm thường xuyên gửi các mệnh lệnh tới những trại địa phương, điều hành mọi thứ từ chính sách tổng thể cho tới từng tiểu tiết. Mặc dù các trại địa phương không (hoặc không thể) luôn luôn tuân theo từng câu từng chữ của quy tắc luật lệ này, bản chất đặc biệt trong những ngày đầu tiên của Gulag sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.

Vận may của tù nhân vẫn dao động theo các chính sách và nền kinh tế của Liên Xô và, trên hết tất cả, là tiến trình của Thế Chiến thứ II. Nhưng thời đại của các thử thách và thí nghiệm đã chấm dứt. Hệ thống giờ đây đã ổn định. Nhóm các thủ tục mà tù gọi là “cỗ máy nghiền thịt” – các phương pháp về bắt giữ, hỏi cung, vận chuyển, thực phẩm và lao động – đã, vào đầu những năm 1940, ổn định vững chắc. Về bản chất, những thứ này sẽ thay đổi rất ít cho tới khi Stalin chết.

[1] Pipes, tr. 336-7.

[2] Geller, tr. 23-24.

[3] Jakobson, tr. 18-26.

[4] Dekrety, tập II tr. 241-242; tập III tr. 80. Hoặc Geller, tr. 10; Pipes, tr. 793-800.

[5] Jakobson, tr. 18-26; Sắc lệnh “Về các phiên tòa Cách Mạng” in trên tờ Sbornik, ngày 19/12/1917, tr. 9-10.

[6] Hoover, Melgunov Collection, Box I, Folder 63.

[7] Okhotin và Roginsky, tr. 13.

[8] RGASPI, 76/3/1 và 13.

[9] Jakobson, tr. 10-17; Okhotin và Roginsky, tr. 10-24.

[10] Dekrety, tập I, tr. 401.

[11] Hoover, Melgunov Collection, Box I, Folder 4.

[12] Một người dấu tên, Vo vlasti Gubcheka, tr. 3-11.

[13] Hoover, Melgunov Collection, Box I, Folder 4.

[14] Lockhart, tr. 326-345.

[15] S. G. Eliseev, “Tyuremnyi dnevnik”, trong cuốn Uroki, tr. 17-19.

[16] Okhotin và Roginsky, tr. 11.

[17] Geller, tr. 43.

[18] Geller, tr. 44; Leggett, tr. 103.

[19] Ban đầu, cơ quan Cheka được giao trách nhiệm quản lý các trại có liên thông với Trung ương Hội Tù binh chiến tranh và Người tản cư (Tsentroplenbezh). Okhotin và Roginsky, tr. 11.

[20] Leggett, tr. 108.

[21] Sắc lệnh “Về Khủng bố Đỏ”, in trên tờ Sbornik, ngày 5/9/1918, tr. 11.

[22] Ivanova, Trại lao động XHCN, tr. 13.

[23] Istoricheskiy Arkhiv, tập I, 1958, tr. 6-11; Geller, tr. 52.

[24] Theo sử gia Richard Pipes, Lenin không muốn tên mình gắn với những khu trại đầu tiên này, đó là lý do các sắc lệnh này được ban hành không phải bởi Hội đồng Dân ủy Sovnarkom do ông đang làm chủ tịch, mà bởi Ủy ban Điều hành Trung ương Liên Xô (Pipes, tr. 834).

[25] Dekrety, tập V, tr. 69-70 và 174-181.

[26] RGASPI, 76/3/65.

[27] Hoover, Melgunov Collection, Box II, Folder 63.

[28] Một người giấu tên, Vo vlasti Gubcheka, tr. 47-53.

[29] Izgoev, tr. 36.

[30] Bunyan, tr. 54-65.

[31] Geller, tr. 55-64; Bunyan, tr. 54-114.

[32] Okhotin và Roginsky, tr. 11-12; cũng có thể tham khảo Jakobson hoặc Lin với số liệu đầy đủ về những thay đổi cơ cấu trong những năm 1920.

[33] RGASPI, 17/84/585.

[34] Ví dụ về các bàn luận này xin tham khảo Hoover, Fond 89, 73/25, 26 và 27.

[35] Volkogonov, Lenin, tr. 179.

[36] Service, Lenin, tr. 186.

[37] Hoover, Nikolaevsky Collection, Box 9, Folder I.

[38] Hoover, Nikolaevsky Collection, Box 99; RGASPI, Fond 76/3/87; Genrikh Yagoda, tr. 265.

[39] Razgon, tr. 266.

[40] Hoover, Nikolaevsky Collection, Box 99.

[41] Hoover, Nikolaevsky Collection, Box 99.

[42] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 1-15.

[43] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 20-28.

[44] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 162-165.

[45] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 162-165; Melnik và Soshina.

[46] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 162-165.

[47] Melnik và Soshina.

[48] RGASPI, 17/84/395.

[49] Doloi.

[50] Guberman, tr. 72-74.

[51] Bertha Barbina-Nevskaya, “Nhà tù đầu tiên của tôi, tháng Hai 1922”, trong Vilensky, Till My Tale is Told, tr. 97-109.

[52] RGASPI, 76/3/149.

[53] RGASPI, 76/3/227; Hoover, Fond 89, 73/25, 26 và 27.

[54] Ekran, số 12, 27 tháng Ba 1926.

[55] Mô tả về địa lý Solovetsky, các đảo khác và lịch sử của chúng có thể xem thêm Melnik, Soshina, Reznikova và Reznikov.

[56] “Solovetskaya monastyrskaya tyurma”, Solovetskoe Obshchestvo Kraevedeniya, Vypusk, VII, 1927 (SKM).

[57] Ivan Bogov, Izvestiya Arkhgubrevkoma i Arkhgubkoma RKP (b), số 4 tháng Năm 1920 (SKM); cũng có trích trong Brodsky, tr. 13.

[58] GARF, 5446/I/2. Xem thêm ý kiến của Nasedkin trao đổi với Dzerzhinsky tại GARF, 9414/I/77.

[59] Ví dụ xem Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập II, tr. 25-70.

[60] Tham khảo Jakobson về số liệu hệ thống nhà tù thập niên 1920.

[61] GARF, 9414/I/77.

[62] Juri Brodsky, tr. 30-31; Olitskaya, tập I, tr. 237-240; Malsagov, tr. 117-131.

[63] Olitskaya, tập I, tr. 237-240.

[64] Hoover, Nikolaevsky Collection, Box 99; và Hoover, Fond 89, 73/34.

[65] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 165-171.

[66] Juri Brodsky, tr. 194.

[67] Shiryaev, tr. 30-37.

[68] Volkov, tr. 53.

[69] Juri Brodsky, tr. 65.

[70] Likhachev, Kniga bespokoistv, tr. 98-100.

[71] Juri Brodsky, tr. 190.

[72] Juri Brodsky, tr. 195-197.

[73] Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập II, tr. 54.

[74] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 40-44; hay Chukhin, “Dva dokumenta”. Chukhin giải thích rằng những tài liệu này, được in lại đầy đủ, là một phần của “Bản điều tra tội hình sự số 885”. Chúng thuộc Lưu trữ của FSB Petrozavodsk nơi Chukhin làm việc. 

[75] Klinger, tr. 210; được nhắc lại trong Sever, tập 9, tháng Chín 1990, tr. 108-112. Hành hạ bằng muỗi cũng được nhắc tới trong tài liệu lưu trữ – xem Zvenya, tập I, tr. 383 – cũng như trong các hồi ký. Xem Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 165-171; Volkov, tr. 55.

[76] Chukhin, “Dva dokumenta”, tr. 359; Likhachev, Kniga bespokoistv, tr. 196-198.

[77] Juri Brodsky, tr. 129.

[78] Các hướng dẫn du lịch trên cụm đảo Solovetsky đều đề cập tới câu chuyện này. Ta cũng có thể tìm thấy trong Quần đảo Gulag của Solzhenitsyn, tập II, tr. 37-38.

[79] Tsigankov, tr. 196-197.

[80] Likhachev, Kniga bespokoistv, tr. 212.

[81] Kho lưu trữ báo và tạp chí của GARF : SLON, tập III, tháng Năm năm 1924.

[82] Shirayev, tr. 115-132; Likhachev, Kniga bespokoistv, tr. 201-205. Cũng có thể tham khảo sách và tạp chí tại SKM.

[83] SLON, tập III, tháng Năm năm 1924 (GARF).

[84] Solovetskie ostrova, tập 12, Tháng 12 năm 1925 (SKM).

[85] Qua trao đổi với giám đốc SKM Tatyana Fokina ngày 12/9/1998. Cũng có thể tham khảo Solovetskie ostrova, năm 1925, tập số 1-7 và năm 1930 tập số 1; hoặc tập san Solovetskie obshchestvo kraevedeniya, thuộc bộ sưu tập của bảo tàng và bộ sưu tập của AKB. Cũng có thể xem thêm Dryakhlitsin.

[86] Solovetskie ostrova, tập 9, tháng Chín 1925, tr. 7-8 (SKM).

[87] Reznikova, tr. 46-47.

[88] Solovetskii Lager, tập 3, tháng 5/1924 (SKM).

[89] Reznikova, tr. 7-36; Hoover, Melgunov Collection, Box 7, Folder 44.

[90] Nikolai Antsiferov, “Tri glavy iz vospominanii”, trong Pamyat, tập 4, tr. 75-76.

[91] Klinger, tr. 170-177.

[92] Klinger, tr. 200-201; Malsagov, tr. 139-145; Rozanov, tr. 55; Hoover, Melgunov Collection, Box 7.

[93] Tsigankov, tr. 96-125; Hoover, Melgunov Collection, Box 7.

[94] Istoriya otechestva v dokumentakh, Tập 2: 1921-1939, tr. 51-52.

[95] Jakobson, tr. 70-102.

[96] Krasilnikov, “Rozhdenie Gulaga”, tr. 142-143. Đây là một bộ sưu tầm các tài liệu được tái bản về sự tổ chức của Gulag, tất cả đều lấy từ kho lưu trữ của Phủ Tổng thống Liên bang Nga, các nhà nghiên cứu thường là không được tiếp cận nguồn tài liệu này.

[97] NARK, 689/1/(44/465).

[98] NARK, 690/6/(2/9).

[99] RGASPI, 17/3/65.

[100] Okhotin và Roginsky, tr. 18.

[101] Ivanova, Trại lao động XHCN, tr. 70-71.

[102] GAOPDFRK, 1051/1/1.

[103] Jakobson, tr. 121; các cuộc trao đổi năm 1998 và 1999 với Nikita Petrov, Oleg Khlevnuyk và Juri Brodsky. Solovki, bản tiếng Ý của cuốn sách của Brodsky, đã không hề đề cập tới Frenkel.

[104] Lấy ví dụ, Klementev; S. G. Eliseev, “Tyuremnyi dnevnik”, trong cuốn Uroki, tr. 30-32.

[105] Shiryaev, tr. 138.

[106] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 30-31.

[107] Gorky, Belomor, tr. 226-228.

[108] GAOPPDFRK, 1033/1/35.

[109] Duguet, tr. 75.

[110] Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập II, tr. 76.

[111] Malsagov, tr. 61-73.

[112] Shiryaev, tr. 137-138; Rozanov, tr. 174-191; Narinsky, Vremya tazhkikh potryasenii, tr. 128-149.

[113] Rozanov, tr. 174-191; Shiryaev, tr. 137-148.

[114] Hồ sơ tù của Frenkel, Hoover, St Petersburg Memorial Collection.

[115] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 30-31; Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập II, tr. 78.

[116] Xem “Posetiteli kabinetu I. V. Stalina”, Istoricheskii Arkhiv, số 4, 1998, tr. 180.

[117] Hoover, St Petersburg Memorial Collection.

[118] NARK, 690/6/(1/3).

[119] Baron, tr. 615-621.

[120] NARK, 690/3/(17/148).

[121] NARK, 690/3/(17/148).

[122] Kulikov, tr. 99.

[123] GAOPDFRK, 1033/1/15.

[124] Nogtev, “USLON”, tr. 55-60; Nogtev, “Solovki”, 1926, tr. 4-5.

[125] Juri Brodsky, tr. 75.

[126] Số tiền thâm hụt của Solovetsky được lấy theo Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”; cũng có trong GAOPDFRK, 1051/1/1.

[127] Baron, tr. 624.

[128] GAOPDFRK, 1033/1/35.

[129] Juri Brodsky, tr. 75.

[130] Juri Brodsky, tr. 114.

[131] Juri Brodsky, tr. 195.

[132] NARK, 690/6/(1/3).

[133] Chukhin, “dva dokumenta”.

[134] Juri Brodsky, tr. 115.

[135] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 183-188.

[136] Hoover, Fond 89, 73/32.

[137] Hoover, Fond 89, 73/34.

[138] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 218-220.

[139] Krasikov, tr. 2.

[140] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 215.

[141] Hoover, Fond 89, 73/34, 35 và 36.

[142] Hoover, Nicolaevsky Collection, Box 782; Melgunov Collection, Box 8.

[143] Hoover, Nicolaevsky Collection, Box 782, Folder 6.

[144] Hoover, Nicolaevsky Collection, Box 782, Folder 1.

[145] Những bức thư từ tù ngục nước Nga, tr. 160.

[146] Phát biểu khi Stalin được Emil Ludwig phỏng vấn năm 1934, theo Silvester, tr. 311-322.

[147] Likhachev, Kniga bespokoistv, tr. 183-189.

[148] Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập II, tr. 63; Figes, tr. 400-405 và 820-821.

[149] Juri Brodsky, tr. 188-189.

[150] Likhachev, Kniga bespokoistv, tr. 183-189.

[151] Volkov, tr. 168.

[152] Khetso, tr. 245.

[153] Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập II, tr. 62-63; Khetso, tr. 243-254; Juri Brodsky, tr. 185-188.

[154] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 36.

[155] Gorky, Sobranie sochinenii, tập XI, tr. 291-316. Mọi phát biểu của Gorky về Solovetsky đều trích từ nguồn này.

[156] Khetso, tr. 244-245.

[157] Tolczyk, tr. 94-97. Quan điểm của tác giả về bài viết của Gorky là dựa trên các nhận xét sắc sảo của Tolczyk.

[158] Tucker, Stalin in Power, tr. 125-127.

[159] Payne, tr. 270-271.

[160] Tucker, Stalin in Power, tr. 96.

[161] Sbornik, tr. 22-26.

[162] Số liệu có trong Tucker, Stalin in Power và Conquest, Stalin, cũng như trong Getty và Naumov.

[163] Theo cuốn Harvest of Sorrow của Conquest, hiện vẫn là tài liệu tiếng Anh toàn diện nhất về tập thể hóa và nạn đói. Ivnitsky cũng là một nguồn khai thác hồ sơ lưu trữ đáng tin cậy. Giống như những người lưu đày, câu chuyện về kulak đang chờ đợi có được người nghiên cứu sâu hơn.

[164] Ivnitsky, tr. 115; Zemskov, “Spetsposelentsy”, tr. 4.

[165] Getty và Naumov, tr. 110-112; Solomon, tr. 111-129.

[166] Jakobson, tr. 120.

[167] Krasilnikov, “Rozhdenie Gulaga”, tr. 143-144.

[168] Krasilnikov, “Rozhdenie Gulaga”, tr. 145-146.

[169] Krasilnikov, “Rozhdenie Gulaga”, tr. 145.

[170] Nordlander, “Thủ đô của Gulag”.

[171] Krasilnikov, “Rozhdenie Gulaga”; Jakobson, tr. 1-9.

[172] Jakobson, tr. 120.

[173] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”; Krasilnikov, Spetspereselentsy v Zapadnoi Sibiri, vesna 1931 g.-nachalo 1933 g., tr. 6.

[174] GARF, 5446/1/54 và 6401/1a/1; Jakobson, tr. 124-125.

[175] Harris.

[176] Jakobson, tr. 143.

[177] Để ví dụ có thể xem Kotkin để biết các mô tả về cách lên kế hoạch của một dự án khác của Stalin – nhà máy thép Magnitogorsk, vốn không có liên hệ gì với Gulag – cũng rất không thành công.

[178] Tựa đề một bài báo của Stalin phát hành khi nhận thấy tập thể hóa đã quá tay và đang vượt khỏi tầm kiểm soát (ND).

[179] Evgeniya Ginzburg, ví dụ, đã nhận một án tù không lao động vào cuối năm 1936. Xem E. Ginzburg, Chuyến đi về Miền gió xoáy.

[180] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 25.

[181] Tucker, Stalin in Power, tr. 64.

[182] Trích từ Bullock, tr. 374.

[183] Volkogonov, Stalin, tr. 127 và 148.

[184] Ví dụ xem Moynahan, tại các bức ảnh trang 156 và 157.

[185] Tucker, Stalin in Power, tr. 273.

[186] Jakobson, tr. 121.

[187] Lih, Naumov và Khlevnyuk, tr. 211; cũng có trong Krasilnikov, “Rozhdenie Gulaga”, tr. 152-154; Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”.

[188] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”, tr. 74.

[189] Jakobson, tr. 121.

[190] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”, tr. 74-76; Jakobson, tr. 121; Hoover, St Petersburg Memorial Collection.

[191] Có rất nhiều ví dụ nằm trong “osobaya papka” (hồ sơ cá nhân) của Stalin ở GARF, 9401/2. Lấy ví dụ, thư mục Delo 64 chứa một báo cáo bao quát về Dalstroi.

[192] Nordlander, “Origin of a Gulag Capital”, tr. 798-800.

[193] Genrikh Yagoda, tr. 434.

[194] Biên bản họp Bộ Chính trị, RGASPI, 17/3.

[195] Volkogonov, Stalin,

[196] GARF, 9401/2/199 (hồ sơ cá nhân Stalin).

[197] RGASPI, 17/3/746; Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[198] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[199] Kaneva, tr. 331.

[200] Okhotin và Roginsky, tr. 34.

[201] Genrikh Yagoda, tr. 375-376.

[202] Terry Martin đã nêu điều này với tác giả trong một trao đổi email vào tháng 6/2002.

[203] Trích từ Baron, tr. 638.

[204] Dallin và Nicolaevsky, tr. 218-219.

[205] Bateson và Pim.

[206] Dallin và Nicolaevsky, tr. 219.

[207] Dallin và Nicolaevsky, tr. 221.

[208] Dallin và Nicolaevsky, tr. 220.

[209] Dallin và Nicolaevsky, tr. 220; Jakobson, tr. 126.

[210] Dallin và Nicolaevsky, tr. 220.

[211] GARF, 5446/1/54 và 9401/1a/1.

[212] GARF, 9414/1/2920.

[213] Jakobson, tr. 127.

[214] Kitchin, tr. 267-270.

[215] Jakobson, tr. 127-128.

[216] GAOPDFRK, 26/1/41.

[217] Gorky, Belomor (bản dịch tiếng Anh của cuốn Kanal imeni Stalina), tr. 17-19.

[218] Gorky, Belomor (bản dịch tiếng Anh của cuốn Kanal imeni Stalina), tr. 40.

[219] Lih, Naumov và Khlevnyuk, tr. 225 và 212.

[220] Makurov, tr. 76. Đây là một sưu tập các tài liệu lấy từ lưu trữ vùng Karelia.

[221] Năm 1950, đảo Solovetsky trở thành khu điều dưỡng thương binh nặng của Chiến tranh Vệ quốc. Xem thêm http://www.armchairgeneral.com/forums/showthread.php?t=94246&highlight=invalids – ND

[222] Okhotin và Roginsky, tr. 163.

[223] Baron, tr. 640-641; cũng xem Chukhin, Kanaloarmeetsi.

[224] Makurov, tr. 86.

[225] Gorky, Belomor, tr 173.

[226] Makurov, tr. 96 và 19-20.

[227] Baron, tr. 643.

[228] Makurov, tr. 37 và 197.

[229] Makurov, tr. 43-44.

[230] Makurov, tr. 197.

[231] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 121.

[232] Aleksei Grigorievich Stakhanov khoan được 102 tấn than đá trong 6 giờ (gấp 14 lần chỉ tiêu đặt ra). Xem thêm http://en.wikipedia.org/wiki/Stakhanovite_movement (ND)

[233] Makurov, tr. 19-20.

[234] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 12.

[235] Makurov, tr. 72-73.

[236] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 127-131.

[237] Tolczyk, tr. 152.

[238] Baranov, tr. 165-168.

[239] Gorky, Belomor, tr. 46-47.

[240] Gorky, Belomor, tr. 158 và 165.

[241] Pogodin, tr. 109-183; Geller, tr. 151-157.

[242] Gliksman, tr. 165.

[243] Gliksman, tr. 173-178.

[244] GARF, 9414/4/1; Perekovka,  số 18/1/1933.

[245] GARF, 9414/4/1; Perekovka,  các số 20/12/1932-30/6/1934.

[246] Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập I, tr. 102.

[247] Kuznitsa, tháng 3-tháng 9/1936 (bộ sưu tập tạp chí của GARF).

[248] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”, tr. 75-76.

[249] Nicolas Werth, “A State against its People: Violence, Repression and Terror in the Soviet Union”, tr. 154. Một ghi nhận khác về sự kiện này được nhớ lại bởi một tù khuyết danh đã gặp những người sống sót tại nhà tù Tomsk được in trên Pamyat, tập I, tr. 342-343; cũng có trong Krasilnikov, Spetspereselentsy v zapadnoi Sibiri, 1933-1938, tr. 76-119.

[250] Elantseva. Bài viết này dựa trên các lưu trữ tìm thấy tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Tomsk thuộc vùng Viễn Đông, Liên Bang Nga.

[251] Elantseva; Okhotin và Roginsky, tr. 153.

[252] N. A. Morozov, GULAG v Komi krae, tr. 104.

[253] Nhà bán hầm mái gỗ ở vùng Siberi là một kỹ thuật làm nhà bản địa đào âm nửa chiều cao nhà xuống mặt đất để giữ nhiệt chống lạnh. – ND.

[254] Kaneva. Số liệu của tác giả dựa trên tài liệu của Kaneva, lấy theo hồ sơ lưu trữ của Cộng hòa Komi, cũng như các hồi ký trong bộ sưu tập của St Petersburg Memorial Collection.

[255] Kaneva, tr. 331 và 334-335.

[256] GARF, 9414/1/8.

[257] Mitin, tr. 22-26.

[258] Theo trưng bày tại bảo tàng Vorkuta Kraevedcheskii Muzei; cũng có trong “Vorkutinstroi NKVD” (tài liệu của MVD tháng 1/1941), thuộc bộ sưu tập của Syktyvkar Memorial, Cộng hòa Komi; Okhotin và Roginsky, tr. 192.

[259] Kaneva, tr. 339.

[260] Nadezhda Ignatova, “Spetspereselentsy v respublike Komi v 1930-1940 gg”, trong Korni travy, tr. 23-25.

[261] Nadezhda Ignatova, “Spetspereselentsy v respublike Komi v 1930-1940 gg”, trong Korni travy, tr. 25 và 29.

[262] N. A. Morozov, GULAG v Komi krae, tr. 13-14.

[263] Kaneva, tr. 337-338.

[264] Nadezhda Ignatova, “Spetspereselentsy v respublike Komi v 1930-1940 gg”, trong Korni travy, tr. 23-25.

[265] Kaneva, tr. 342.

[266] Kaneva, tr. 342.

[267] Stephan, The Russia Far East, tr. 225.

[268] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[269] Eduard Petrovich Berzin (1894-1938): là nhân viên Cheka kỳ cựu, ông bị bắt tháng 12/1937 trong cuộc Đại Thanh trừng của Stalin với tội danh làm gián điệp cho Anh và Đức. Bị xử bắn tại nhà tù Lubyanka ngày 1/8/1938. – ND

[270] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[271] Viktor Shmirnov thuộc Hội Ký ức Perm, qua trò chuyện với tác giả ngày 31/3/1998.

[272] Shmirnov, “Lager kak model realnosti”.

[273] Stephan, The Russia Far East, tr. 225.

[274] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[275] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[276] Stephan, The Russia Far East, tr. 226.

[277] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[278] Stephan, The Russia Far East, tr. 227.

[279] Kozlov, “Sevvostlag NKVD SSSR”.

[280] Stephan, The Russia Far East, tr. 226.

[281] Conquest, Kolyma, tr. 42.

[282] Thomas Sgovio (1916-1997): nghệ sĩ người Mỹ, cựu Đảng viên Cộng sản, cựu tù Gulag ở Kolyma. Tỵ nạn chính trị ở Liên Xô năm 1935. Bị NKVD bắt năm 1938 sau khi đến Sứ quán Mỹ để xin trở lại quốc tịch Mỹ. Sau khi được thả đã quay về Mỹ năm 1960. Xuất bản hồi ký về Gulag năm 1972.

[283] Sgovio, tr. 153.

[284] Varlam Tikhonovich Shalamov (1907-1982): nhà văn, nhà báo và thi sĩ người Nga. Tù tại Vishlag tới 1931. Bị bắt lần thứ hai năm 1937 và bị đưa tới Kolyma. Được tha năm 1951 nhưng chỉ được rời Madagan năm 1953 sau cái chết của Stalin.

[285] Shalamov, Kolyma Tales, tr. 369.

[286] Kozlov, “Sevvostlag NKVD SSSR”, tr. 81; Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[287] M. Ioffe, tr. 66-71.

[288] Kozlov, “Sevvostlag NKVD SSSR”, tr. 82.

[289] E. Ginzburg, Chuyến đi về Miền gió xoáy, tr. 201.

[290] E. Ginzburg, Chuyến đi về Miền gió xoáy, tr. 201.

[291] GARF, 9414/1/OURZ, thuộc bộ sưu tập của A. Kokurin.

[292] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trus”, tr. 78.

[293] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trus”, tr. 78; Okhotin và Roginsky, tr. 376, 399 và 285.

[294] Okhotin và Roginsky, tr. 38.

[295] Dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Người dịch xin cám ơn nick Nina trên nuocnga.net đã giúp tìm và dịch bài thơ này sang tiếng Việt. – ND

[296] Bacon, tr. 30 và 122. Bacon tổng hợp ra các số liệu trên từ nhiều nguồn khác nhau, cộng chung lại tất cả các loại lao động cưỡng bức. Xem thêm phần Phụ lục.

[297] Solzhenitsyn, Quần đảo Gulag, tập I, tr. 24.

[298] Số liệu về Đại Khủng bố lấy từ Conquest, The Great Terror; Khlevnyuk, 1937; Getty và Naumov; Martin, “The Great Terror”.

[299] Getty và Naumov, tr. 472.

[300] Trud, số 88 ngày 4/6/1992; in lại trong Getty và Naumov, tr. 472-477; nhiều tài liệu tương tự có trong Sabbo, tr. 297-304.

[301] Sabbo, tr. 297-304.

[302] Kokurin và Petrov, Lubyanka, tr. 15.

[303] Veronica Znamenskaya, “To This Day”, trong Vilensky, Till My Tale is Told, tr. 141-149.

[304] Yurasova.

[305] GARF, hồ sơ cá nhân. Cũng tham khảo Kokurin và Petrov, Gulag, tr. 797-857.

[306] GARF, 8131/37/99.

[307] Thông tin về vụ bắt giữ Berzin lấy từ cuốn “Capital of the Gulag” và “Magadan and the Evolution of the Dalstroi Bosses” của Nordlander.

[308] Conquest, The Great Terror, tr. 182-213.

[309] Yelena Sidorkina, “Years under Guard”, trong Vilensky, Till My Tale is Told, tr. 194.

[310] GARF, 9401/12/94.

[311] Conquest, The Great Terror, tr. 298.

[312] Geller, tr. 151-157.

[313] Ivanova, Labor Camp Socialism, tr. 96.

[314] Kokurin và Petrov, Gulag, tr. 863-869.

[315] Ivanova, Labor Camp Socialism, tr. 95-96; Makurov, tr. 183-184.

[316] Rossi, The Gulag Handbook, tr. 180.

[317] Rossi, The Gulag Handbook, tr. 60; Volkogonov, Stalin, tr. 279.

[318] Rossi, The Gulag Handbook, tr. 36 và 497; Sbornik, tr. 86-93.

[319] Larina, tr. 182.

[320] Levinson, tr. 39-42.

[321] Gorky, Belomor, tr. 341.

[322] Weiner, “Nature, Nuture and Memory in a Socialist Utopia”.

[323] Herling-Grudziński, tr. 10.

[324] Ivanova, Labor Camp Socialism, tr. 95.

[325] Rossi, The Gulag Handbook, tr. 449.

[326]  Leipman, tr. 38.

[327] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[328] Makurov, tr. 160.

[329] Chukhin, Kanaloarmeetsi, tr. 120.

[330] Shmirnov.

[331] Trích theo Shmirnov.

[332] Trud, số 88, ngày 4/6/1992, in lại trong Getty và Naumov, tr. 479-480; N. A. Morozov, qua trao đổi với tác giả vào tháng 6/2001.

[333] Papkov.

[334] GARF, 9414/1/OURZ, thuộc bộ sưu tập của A. Kokurin.

[335] Đó là Prikaz 00447, được phân tích bởi N. Petrov và A. Roginsky, “Polskaya operatsiya NKVD, 1937-1938 gg”, trong Guryanov, tr. 22-43.

[336] Memorialnoe kladbishche Sandormokh, tr. 3 và tr. 160-167 (một sưu tập tài liệu về cuộc hành quyết ở Sandormokh). Một nguồn khác trích ngày NKVD ra lệnh trấn áp tù là ngày 16/8/1937 (Binner, Junge và Martin).

[337] Florenskii, tr. 777-780, từ Chikov.

[338] Memorialnoe kladbishche Sandormokh, tr. 167-169.

[339] Hoover, Nikolaevsky Collection, Box 233, Folder 23; cũng có trong N. A. Morozov, GULAG v Komi krae, tr. 28.

[340] Conquest, The Great Terror, tr. 286-287.

[341] Lưu trữ của FSB, Petrozavodsk, Fond 42, tr. 55-140: Akt Zasedaniya Troiki NKVD KSSR số 13, 20/9/1937, thuộc bộ sưu tập của Yuri Dmitriev, Petrozavodsk Memorial.

[342] Conquest, The Great Terror, tr. 438.

[343] Getty và Naumov, tr. 532-537.

[344] Getty và Naumov, tr. 562.

[345] E. Ginzburg, Chuyến đi về Miền gió xoáy, tr. 256.

[346] N. A. Morozov, GULAG v Komi krae, tr. 28-29.

[347] Nordlander, “Capital of the Gulag”, tr. 253-257.

[348] Makurov, tr. 163.

[349] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”, tr. 73.

[350] Ivanova, Labor Camp Socialism, tr. 105-107.

[351] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[352] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”, tr. 73.

[353] Nordlander, “Capital of the Gulag”.

[354] GARF, 9401/1/4240.

[355] Solzhenitsyn, The First Circle, tr. 25 và 29.

[356] Golovanov; Raizman, tr. 21-23.

[357] Kokurin, “Osoboe tekhnicheskoe byuro NKVD SSSR”.

[358] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”, tr. 79.

[359] GARF, 7523/67/1.

[360] GARF, 9414/1/24 và 25.

[361] GARF, 7523/67/1.

[362] GARF, 8131/37/356, 7523/67/2 và 9401/1a/71.

[363] Knight, Beria, tr. 105-106.

[364] Khlevnyuk, “Prinuditelnyi trud”, tr. 80.

[365] Zemskov, “Zaklyuchennye”, tr. 63; Bacon, tr. 30.

[366] Zemskov, “Arkhipelag Gulag”, tr. 6-7; Bacon, tr. 30.

[367] Okhotin và Roginsky, tr. 308.

[368] Okhotin và Roginsky, tr. 338-339.

[369] Okhotin và Roginsky, tr. 200-201, 191-192 và 303.

[370] Vasileeva, trong phỏng vấn với tác giả.

[371] Cụm từ “tổ hợp trại kiểu công nghiệp hóa” được sử dụng bởi M. B. Smirnov, S. P. Sigachev và D. V. Shkapov, các đồng tác giả trong lời giới thiệu lịch sử cho tác phẩm của Okhotin và Roginsky

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn