Ngày Này Năm Xưa: 21/12/1988: Chuyến bay Pan Am 103 nổ tung trên bầu trời Scotland

Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 20175:10 SA(Xem: 5999)
Ngày Này Năm Xưa: 21/12/1988: Chuyến bay Pan Am 103 nổ tung trên bầu trời Scotland

21

Nguồn: Pan Am Flight 103 explodes over Scotland, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1988, chuyến bay Pan Am 103 từ London tới New York đã phát nổ trên bầu trời Lockerbie, Scotland, giết chết 243 hành khách và 16 nhân viên đoàn bay, cùng với 11 cư dân Lockerbie trên mặt đất. Một quả bom được giấu bên trong một chiếc máy cassette đã phát nổ trong khoang chứa hàng hóa khi máy bay ở độ cao 31.000 feet. Vụ tai nạn, vốn trở thành đối tượng điều tra hình sự lớn nhất của Anh, được cho là một cuộc tấn công nhằm chống lại nước Mỹ. Một trăm tám mươi chín trong số các nạn nhân là người Mỹ.

Những tay khủng bố Hồi giáo đã bị buộc tội gài bom trên máy bay khi nó đang đậu ở sân bay Frankfurt, Đức. Các nhà chức trách nghi ngờ cuộc tấn công này là để trả đũa đợt không kích của Mỹ chống lại Libya năm 1986, trong đó con gái của Muammar al-Qaddafi đã bị giết chết cùng với hàng chục người khác, hoặc một vụ tai nạn vào năm 1988, trong đó Mỹ đã bắn hạ một máy bay thương mại của hãng Iran Air đang bay qua vịnh Ba Tư, giết chết 290 người.

Mười sáu ngày trước vụ nổ Lockerbie, Đại sứ quán Mỹ ở Helsinki, Phần Lan, đã nhận được cuộc gọi cảnh báo rằng bom sẽ được cài trên một chuyến bay Pan Am từ Frankfurt. Có nhiều tranh cãi về việc Mỹ đã đánh giá mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa như thế nào và liệu các hành khách có được cảnh báo hay không, nhưng các quan chức sau đó nói rằng mối liên hệ giữa cuộc gọi và quả bom chỉ là ngẫu nhiên.

Năm 1991, sau một cuộc điều tra chung giữa chính quyền Anh và F.B.I., các điệp viên tình báo người Libya, Abdel Basset Ali al-Megrahi và Lamen Khalifa Fhimah, đã bị buộc tội giết người. Tuy nhiên, Libya đã từ chối giao nộp các nghi can cho Mỹ. Cuối cùng, vào năm 1999, nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với nước mình, Qaddafi đã đồng ý chuyển hai người này sang Scotland để xét xử tại Hà Lan nhưng sử dụng luật pháp và công tố viên của Scotland. Vào đầu năm 2001, al-Megrahi bị kết án tù chung thân, còn Fhimah đã được tha bổng. Dù vấp phải sự phản đối của chính phủ Mỹ, Al-Megrahi đã được phóng thích và trở lại Libya vào tháng 08/2009 sau khi các bác sĩ xác định rằng ông chỉ còn sống được vài tháng.

Năm 2003, Libya đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom, nhưng không hề bày tỏ lòng hối tiếc. Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã bãi bỏ lệnh trừng phạt chống lại Libya và Libya đồng ý trả cho gia đình các nạn nhân khoảng 8 triệu USD tiền bồi thường. Năm 2004, Thủ tướng Libya nói rằng thỏa thuận này là “cái giá vì hòa bình,” ngụ ý rằng đất nước của ông chỉ nhận trách nhiệm nhằm giúp dỡ bỏ lệnh trừng phạt, một tuyên bố làm các gia đình nạn nhân giận dữ. Hãng hàng không Pan Am, bị phá sản ba năm sau vụ đánh bom, đã kiện Libya và sau đó đã nhận được một khoản tiền dàn xếp trị giá 30 triệu đô la.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn