Chuyện tình của Từ Dụ thái hậu khi còn là cung nữ Phạm Thị Hằng

Thứ Bảy, 22 Tháng Sáu 20195:00 SA(Xem: 7438)
Chuyện tình của Từ Dụ thái hậu khi còn là cung nữ Phạm Thị Hằng

Chuyện tình của Từ Dụ thái hậu khi còn là cung nữ Phạm Thị Hằng

Trích sách "Từ Dụ thái hậu"

"Con thấy con gái Phạm Đăng Hưng nết na xinh đẹp, con rất muốn có người ấy, xin phụ hoàng chuẩn y cho phép", hoàng tử Miên Tông nói.

Từ Dụ thái hậu (tác giả Trần Thùy Mai) là tiểu thuyết lịch sử dạng cung đấu với bối cảnh hậu cung nhà Nguyễn. Được sự đồng ý của NXB Phụ nữ - đơn vị giữ bản quyền cuốn sách - Zing.vn trích đăng một phần nội dung tác phẩm. Dưới đây là nội dung trích trong chương 19 - Ân sủng của hoàng đế.

Ngày mồng một, tại điện Cần Chánh, vua Minh Mạng cho gọi Phạm Đăng Hưng vào chầu.

[...]

Vua Minh Mạng hết sức vui vẻ, đỡ Đăng Hưng đứng lên:

- Đứng dậy đi. Trẫm còn một tin mừng này nữa cho khanh, nay trẫm báo cho khanh biết.

- Tâu, thần xin chờ nghe thánh ý.

- Trẫm nghe nói khanh có một con gái, nay tuổi đã mười bốn, dung nhan xinh đẹp tính tình thảo hiền. Nay trẫm ban ơn cho con gái khanh vào làm cung tần cho hoàng tử. Khanh hãy về chuẩn bị, chờ chọn được ngày lành tháng tốt rồi trẫm sẽ cho tiến cung.

Đăng Hưng hoàn toàn bất ngờ, trong giây lát bỗng rụng rời tay chân. Lát sau mới lắp bắp:

- Tâu… Tâu…

Chuyen tinh cua Tu Du thai hau khi con la cung nu Pham Thi Hang hinh anh 1
Bìa sách Từ Dụ thái hậu.

Vua Minh Mạng cười lớn, hân hoan:

- Khanh đừng khiêm nhượng gì nữa, hãy vui nhận cái vinh dự này, vì khanh rất xứng đáng. Thái giám, hãy dẫn Phạm tổng tài ra nhà Tả vu nhận quà ban thưởng của trẫm.

Dứt lời vua đứng dậy đi vào cung.

Phạm Đăng Hưng đứng sững như trời trồng.

Cha được bổ phong chức mới, con gái được tiến cung, thật còn vinh dự nào hơn. Bao nhiêu nhà quan chỉ mong có vậy mà không được. Tối hôm ấy trong phủ Phạm, Đăng Hưng ngồi lặng trên ghế, suốt buổi không nói một tiếng nào.

Hằng thấy cha buồn cũng rơm rớm nước mắt:

- Dạ, con biết cha thương con, nhưng chối từ thì e hoàng thượng nổi giận, mang tội không nhỏ.

Đăng Hưng thở dài:

- Không phải cha sợ cái uy của hoàng thượng, mà khổ nhất là ràng buộc bởi cái tình. Hoàng thượng công tâm với cha như vậy, cha vừa nói cái mạng không tiếc, không lẽ việc này lại đắn đo với ngài cho được.

Hằng an ủi:

- Thôi cha đừng buồn nữa, cũng là cái số con nó xui nên vậy! Mà cha có nghe hoàng thượng nói vời con vào cung làm cung tần cho hoàng tử nào không?

- Hoàng thượng không nói! Nhưng cha nghe thái giám bảo là hình như bà Hiền tần họ Ngô có ý xin con cho hoàng tử Miên Hoằng.

Hằng kêu lên:

- Trời ơi! Miên Hoằng! Chết con rồi cha ơi!

Lâu nay ở trong cung Hiền tần, Hằng cũng biết rõ là Hoằng rất thích mình. Thật ra Miên Hoằng cũng là một chàng trai dễ thương, hồn nhiên, mạnh khỏe và hoạt bát. Nói cho đúng thì không có gì để chê. Nhưng tự nhiên Hằng không thấy thích, trước các trò trêu ghẹo của anh chàng, cô luôn tìm cách khéo léo tránh né. Nay cảm thấy mình sắp bị ghép đôi với anh ta, cảm giác sợ hãi chợt dâng trào trong lòng Hằng, không kiềm chế được.

Còn một lý do nữa, một lý do âm thầm khó mà thổ lộ cho cha biết... Mà thổ lộ để làm gì khi lệnh vua đã ban ra, chẳng còn cách gì chạy trốn được số phận đã an bài.

Cô buồn rầu khóc cả đêm, làm cho Phạm Đăng Hưng thương con đứt ruột mà không biết tính sao.

Chuyen tinh cua Tu Du thai hau khi con la cung nu Pham Thi Hang hinh anh 2
Từ Dụ thái hậu (bà Phạm Thị Hằng).

Mấy hôm sau, hết hạn nghỉ thăm nhà, Hằng trở lại hoàng cung. Hôm nay Đăng Quế dạy võ cho các hoàng tử. Trong vườn, các hoàng tử đang chia thành từng cặp tập so gươm với nhau, tay cầm những thanh gươm bằng gỗ tùng.

Hằng vẫn ngồi trên chiếc ghế quen thuộc trên hành lang nhìn ra, vẻ mặt buồn thiu.

Hết buổi học, Hằng về phòng riêng, đi lủi thủi một mình. Thình lình, Miên Tông nấp sau một bụi cây ven đường nghịch ngợm nhảy xổ ra.

Hằng giật mình, nhận ra Miên Tông, cô gượng cười.

Miên Tông vẻ hí hửng:

- Hằng đừng vội về, đến đây, tôi chỉ cho cái này hay lắm!

Dẫn Hằng chạy qua các lối đi loanh quanh, Miên Tông dừng trước một chiếc đu treo lủng lẳng dưới vòm hoa tường vi trắng.

Miên Tông rủ Hằng trèo lên chiếc đu, cả hai vừa đánh đu vừa nô đùa.

- Cả đời tôi chưa bao giờ thấy vui thế này đấy Hằng ạ!

Hằng đang cười, nghe Miên Tông nói vậy bỗng rầu rầu.

- Hằng sao vậy?

- Không, không có gì đâu!

Miên Tông nhìn kỹ mặt Hằng, hỏi gặng:

- Sao Hằng buồn. Tôi có làm gì khiến Hằng giận không?

- Không, hoàng tử tốt với Hằng lắm! Hằng chỉ buồn vì sợ mai đây không còn được vui với hoàng tử như vầy nữa.

Miên Tông tưởng Hằng nghi ngờ mình, liền quả quyết:

- Hằng không tin tôi sao? Tôi thề cả đời chỉ làm cho Hằng vui, không bao giờ để cho Hằng phải buồn, phải khổ đâu.

Hằng cúi mặt, thổn thức:

- Tạ ơn hoàng tử. Chỉ tiếc Hằng không có được cái may mắn được nhận tấm lòng của hoàng tử thôi. Nay mai Hằng đã trở thành cung tần của hoàng tử Miên Hoằng rồi!

Miên Tông khựng lại:

- Cái gì? Nàng? Thành cung tần của Miên Hoằng? Ai nói vậy?

Hằng rơm rớm nước mắt.

- Hoàng thượng. Chính hoàng thượng truyền cho cha Hằng, bảo là chuẩn bị sẵn chờ ngày tiến cung.

Miên Tông dậm chân, nhảy xuống đất:

- Thật có vậy ư? Trời ơi, làm sao bây giờ? Hoàng thượng có nói đích xác là vời nàng vào cung cho Miên Hoằng không?

- Hình như hoàng thượng chưa nói đích xác, nhưng thái giám bảo với cha Hằng như vậy! - Hằng nói rồi bưng mặt khóc.

Thấy Hằng khóc, Miên Tông cuống quýt:

- Nàng đừng khóc, đừng khóc! Hằng ơi, ta sợ nhìn thấy nàng khóc lắm. Nếu hoàng thượng chưa nói đích xác, thì ta nghĩ chưa hết hy vọng đâu…

Anh chàng vốn nhút nhát là Miên Tông, vì tình yêu với Hằng mà trở thành can đảm trong việc kêu cầu cho Phạm Đăng Hưng, nay lại vì tình yêu với Hằng mà làm thêm một chuyện liều lĩnh nữa…

Chuyen tinh cua Tu Du thai hau khi con la cung nu Pham Thi Hang hinh anh 3
Tạo hình vua Thiệu Trị (hoàng tử Miên Tông) và Từ Dụ thái hậu trong phim Phượng khấu

Cuối tuần trăng, trong điện Càn Thành, vua lại gọi Miên Tông đến cùng dùng cơm. Từ lúc thấy Tông đã trưởng thành và có vẻ cũng có tư chất, nhà vua thỉnh thoảng cho cậu được gần mình để bảo ban, uốn nắn. Việc ấy được thái hậu ủng hộ, nên đã thành một cái lệ trong cung.

Cố kiên nhẫn chờ cho vua cha dùng gần xong bữa, Miên Tông lấy hết can đảm nói một hơi:

- Tâu phụ hoàng, Ngô Hiền tần nói là sắp kén con gái nhà quan để làm cung tần cho con. Con thấy con gái Tổng tài Phạm Đăng Hưng nết na xinh đẹp, con rất muốn có người ấy, xin phụ hoàng chuẩn y cho phép!

Vua Minh Mạng hơi bất ngờ, nhíu mày nhìn Miên Tông, một lúc sau mới hỏi:

- Nội trong kinh thành biết bao nhiêu tiểu thư khuê các, sao ngươi không chọn? Lẽ nào trên đời chỉ có một người con gái sao?

Miên Tông vẫn chăm chăm:

- Tâu phụ hoàng, lòng con đã quyết, suốt đời chỉ chọn một mình Phạm tiểu thư thôi ạ!

Nhà vua hứ một tiếng:

- Nói bậy! Làm trai thường dân cũng đã năm thê bảy thiếp, làm vương công hoàng tử thì sau này trong viện ngoài phủ phải ít nhất năm sáu chục đàn bà. Càng nhiều thê thiếp càng chứng tỏ mức độ giàu sang cao quý. Ngươi là con vua, sao lại tự hạ mình xuống hạng cùng đinh khố rách, cái hạng ấy mới cả đời chỉ có một vợ.

Miên Tông vẫn cương quyết.

- Tâu phụ hoàng, con thường đến miếu thờ mẹ con thắp nhang, mỗi lần nhìn mẹ trong bức tranh con thấy cốt cách dịu dàng phảng phất như Phạm tiểu thư. Nếu không được con gái họ Phạm thì con không cần ai hết ạ!

Vua Minh Mạng lắc đầu, thở dài.

- Thôi hãy khoan nói việc này, để trẫm xem đã.

Miên Tông đi rồi, nhà vua về tẩm điện, vừa đi vừa nói với Trung Trực:

- Trung Trực, trẫm khó nghĩ quá. Không biết con gái Phạm Đăng Hưng có gì hay mà cả hai đứa nó đều thích. Bây giờ nạp cung cho đứa này thì đứa kia lại oán trẫm. Trẫm biết tính sao đây.

Trung Trực dò ý:

- Tâu hoàng thượng, làm con phải vâng mệnh cha, hoàng thượng phán cho hoàng tử nào thì hoàng tử ấy được ạ! Ai không được phải chịu chứ, lẽ nào lại dám oán trách hay sao?

- Hiền tần đã xin cho Miên Hoằng, không cho thì cũng tội nghiệp cho nàng. Mà cho thì phải từ chối Miên Tông, thực tình lòng trẫm cũng không nỡ. Chưa biết tính sao đây!

Trung Trực gõ trán:

- A, hạ thần có một kế này, chắc là dùng được!

- Kế làm sao, mau nói trẫm nghe.

- Hoàng thượng cho hai hoàng tử thi tài, ai thắng thì được lấy Phạm tiểu thư. Như vậy dù ai thua cũng cam tâm, không thể nói là hoàng thượng bất công.

Vua Minh Mạng gật gù:

- Thi tài? Ý ấy hay lắm! Cũng là nhất cử lưỡng tiện, nhân đây trẫm xem xét giữa hai anh em chúng nó ai hơn ai thua.

Vua nghĩ thầm, không nói: “Nạp phi là chuyện nhỏ, còn chuyện lớn hơn nữa kia… Để xem bản lĩnh hai đứa con ta ra sao!”.

(Còn nữa)

Trích sách "Từ Dụ thái hậu"

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn