LƯỢC SỬ QUÂN CẢNG SÀI GÒN

Thứ Tư, 22 Tháng Năm 20196:38 CH(Xem: 5416)
LƯỢC SỬ QUÂN CẢNG SÀI GÒN

Trần Đỗ Cẩm

Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử – Cám ơn.
Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả: camtran11@gmail.com

qc-bandoqc.gif

Theo sử sách, quân cảng Sài Gòn được thành lập đã lâu, phôi thai từ thời chúa Nguyễn tranh chấp với nhà Tây Sơn vào thế kỷ 18 cùng với đà Nam tiến của người Việt, rồi sau này được chính thức hóa khi Việt Nam tiếp xúc với nền văn minh Âu Châu. Vì vậy, để có một tầm nhìn tương đối đầy đủ và chính xác về lược sử hình thành cái nôi của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ/VNCH) này, chúng ta nên biết qua về sự ra đời của vùng đất sẽ trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông, cũng như những biến cố chính trị và quân sự liên quan tới sự can thiệp của người Pháp vào nội tình Việt Nam.

Vào khoảng thế kỷ thứ 16 xa xưa, vùng đất Sài Gòn hiện nay nguyên thuộc xứ Phù Nam là vương quốc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, nằm giữa hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp. Dần dần, Chiêm Thành bị người Việt lấn chiếm còn Phù Nam thuộc về Chân Lạp, thời đó chia làm hai miền gồm Thủy Chân Lạp là vùng đất có nhiều sông rạch bao gồm lưu vực sông Cửu Long và sông Đồng Nai, còn Lục Chân Lạp hay Thổ Chân Lạp là vùng đất “khô” có nhiều rừng núi, nay là đất Miên (Cambodia). Thủy Chân Lạp là khu vực rộng lớn nhưng vì là chỗ trũng lầy lội do phù sa bồi, nhiều sông rạch, đi lại khó khăn nên dân cư thưa thớt, chỉ qui tụ vào hai địa điểm chính là Prei Nokor (Thị Trấn Trong Rừng) và Kompong Krabey (Bến Trâu) còn gọi là Bến Nghé. Plei Nokor nguyên là tiếng Miên, người Việt phát âm trại ra là Brai Kor hay Brài Knòr, sau gọi là Sài Gòn. Cũng có giả thuyết khác cho rằng chữ “Sài” có nghĩa là củi gỗ, còn “Gòn” là bông gòn, như vậy “Sài Gòn” có là nơi có nhiều cây bông gòn, nhưng điều này không hợp lý vì vùng này hầu như không có cây gòn. Có người còn lý luận tên Sài Gòn bắt nguồn từ hai chữ “tây Cống” của người Tàu nhưng suy đoán này cũng không đủ thuyết phục.

Trong thời sơ khai này, vì áp lực của người Tàu phương Bắc nên nước ta luôn luôn tìm mọi cách mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Tới đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Nguyên tục gọi là Sãi Vương, con thứ sáu của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là một vị minh quân, lại có quân sư tài giỏi Đào Duy Từ phò tá, dùng chính sách “bang giao hòa bình” với Chân Lạp để tìm cách gây ảnh hưởng. Sãi Vương gả con gái là Công Chúa Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp Chey Chetta 2 vào năm 1620, đồng thời gửi quân binh và chiến thuyền giúp Chân Lạp chống lại Xiêm La. Lợi dụng mối bang giao tốt đẹp giữa cha vợ, con rể với Miên Vương, chúa Nguyễn từ từ thực hiện kế hoạch Nam Tiến, tương tự như trước đây vào năm 1306 vua Trần Nhân Tông gả con gái là Huyền Trân công chúa cho quốc vương Chiêm Thành Chế Mân (tiếng Phạn là Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý sau trở thành vùng đất từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên – Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay. Như vậy, hai vị công chúa Huyền Trân và Ngọc Vạn đã có ông rất lớn trong việc mở rộng bờ cõi nước ta.

Lúc bấy giờ, lưu dân người Việt từ Đàng Trong tức là miền Trung vì địa thế và thời tiết khắc nghiệt rất nghèo, khó sinh sống, ngày càng di chuyển nhiều xuống vùng đất mới mầu mỡ miền Nam. Năm 1623, chúa Nguyễn tạm mượn vùng đất Prey Knor tức Sài Gòn ngày nay để lập trạm thu thuế dân Việt đang sinh sống tại đây. Tới năm 1658, vua Chân Lạp mất, nội bộ lủng củng vì tranh giành ngôi vua, chúa Nguyễn Phúc Tần nhân dịp giúp hoàng thân Chân Lạp Barom Reachea lên ngôi vua nên được đưa một đội quân mạnh để gìn giữ an ninh, cai trị cũng như thu thuế và phát triển vùng Prey Knor mỗi ngày một thêm đông dân và trù phú. Tuy nhiên vì đất rộng nên di dân Việt Nam dù nhiều hơn nhưng tương đối vẫn còn thưa thớt, chưa đủ nhân lực để làm chủ toàn khu vực này.

Tới năm Kỷ Mùi (1679), một biến cố quan trọng xảy ra trong lịch sử Nam Tiến rất thuận lợi cho việc khai phá và làm chủ vùng Sài Gòn. Vào mùa xuân tháng Giêng, hai tướng cũ của nhà Minh là Long Môn (Quảng Tây) tổng binh Dương Ngạn Địch và Lôi Liêm (Quảng Đông) tổng binh Trần Thượng Xuyên đem hơn 3000 quân cùng gia đình và khoảng 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (Tư Hiền) và Đà Nẵng, xin tỵ nạn với chiêu bài “Bài Mãn Phục Minh” vì không chịu đầu phục nhà Thanh. Đội quân này xin được làm thần dân chúa Nguyễn nên được phép xuôi Nam để khai khẩn vùng đất mới Thủy Chân Lạp. Binh thuyền của Dương Ngạn Địch qua cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho, còn nhóm Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, ngừng lại ở vùng Cù Lao Phố, Biên Hòa. Họ định cư, khai phá đất hoang, xây dựng nhà cửa, phố xá, mở các tiệm buôn bán v.v… tạo hai nơi này thành những khu thị tứ buôn bán phồn thịnh, thương thuyền ngoại quốc của người Thanh và các nước Tây Phương ra vào trao đổi hàng hóa tấp nập. Hai nhóm thuyền nhân tỵ nạn này là nguồn gốc của các bang hội người Tàu tại khu vực Chợ Lớn về sau.

Năm 1698, vùng đất Sài Gòn ngày càng phát triển, đông dân Việt nên chúa Nguyễn cử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, thiết lập vương quyền, tạo dựng các đơn vị hành chính, chia đặt tỉnh lỵ, chính thức xác định chủ quyền của Đại Việt trên vùng đất mới. Nguyễn Hữu Cảnh đặt tên vùng Sài Gòn là huyện Tân Bình vì có nhiều di dân vùng Quảng Bình miền Trung đến lập nghiệp, chia thành hai dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định), cho quan chức Việt Nam vào cai trị. Từ thời điểm này, miền Thủy Chân Lạp trở thành lãnh thổ của Việt Nam với đất Sài Gòn coi như là thủ phủ.

Năm 1790, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho đắp thành Gia Định để làm căn cứ chinh chống quân Tây Sơn Đàng Ngoài. Thành xây theo kiến trúc hỗn hợp Đông-Tây dựa vào mô hình thành lũy Vauban thời Trung Cổ Âu Châu dễ phòng thủ, do kiến trúc sư người Pháp Olivier de Puymanel (có tên Việt là Ông Tín) vẽ kiểu. Thành Gia Định gồm 8 cạnh dựa theo Bát Quái, khi hoàn tất trông giống hình con rùa nên dân chúng gọi là Thành Qui.

Đến năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt nổi loạn chống triều đình Huế, chiếm Thành Qui làm căn cứ. Năm 1835, quân Nguyễn đánh bại giặc Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng hạ lệnh phá hủy toàn bộ Thành Qui cũ để xóa bỏ tàn tích “loạn quân”. Sang năm 1836 triều đình xây một thành mới khác nhỏ hơn ở đông bắc thành cũ, nằm trên khu vực thành phố Sài Gòn sau này. Thành chỉ có bốn góc nên gọi là “thành Phụng” hay “thành Phượng”. Vì vậy trong bài phú “Gia Định Thất Thủ Vịnh” của ông Phan Văn Trị có những câu:

“Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định !
Vực thẳm nên cồn, đất bằng nổi sóng.
Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, mờ lạt Bến Trâu,
Giây thép giăng chớp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu Thành Phụng”

“Bến Trâu” hay sông Bến Nghé còn mang tên Tân Bình tức là sông Sài Gòn; còn “Thành Phụng” là thành Gia Định thời đó. Mấy câu thơ này cho thấy cảnh chiến thuyền Pháp chạy bằng than đá nhả khói mịt mù dưới sông Sài Gòn, còn trên bờ người Pháp dựng nhiều trụ cột để giăng “giây thép” dùng trong việc truyền tin; mãi tới sau này, người ngoài Bắc vẫn còn gọi nhà bưu điện là “nhà giây thép” vì bưu điện là chủ các cột giăng giây thép điện tín này.

Về sự phôi thai của quân cảng, theo sử sách, vào năm 1774, ngay khi chiếm lại Sài Gòn, song song với việc xây thành Bát Quái vào năm 1790, chúa Nguyễn Ánh đã chọn nơi đây làm căn cứ thủy quân chính để củng cố lực lượng đánh lại quân Tây Sơn vì dạo đó mọi việc chuyển quân lớn đều phải dùng phương tiện thuyền bè. Ngoài những cơ sở đồn trú, tiếp vận cũng như huấn luyện thủy quân, đặc biệt nhà Nguyễn còn thiết lập xưởng Chu Sư gọi nôm na là Xưởng Thủy để sửa chữa và đóng chiến thuyền. Ông Trịnh Hoài Đức trong tập sách”Gia Định Thành Thông Chí” mô tả: “Xưởng Chu Sư ở cách phía Đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh theo sông Bình Trị, là nơi chế tạo thuyền bè cùng là dụng cụ thủy; chiến xưởng dài đến 3 dặm”. Sông Tân Bình là sông Sài Gòn và sông Bình Trị là rạch Thị Nghè ngày nay. Trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học ghi rõ: “Xưởng Thủy nằm phía Đông thành Bát Quái. Đến những năm đầu thế kỷ 19 xưởng đã mở rộng thành một công trường thủ công lớn, nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền, nơi đặt lò đúc các loại súng lớn nhỏ bằng đồng hay bằng gang, nơi tập trung hàng ngàn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau”.

Như vậy các tài liệu lịch sử chứng tỏ thủy xưởng Chu Sư coi như tiền thân của công xưởng hải quân, đã được lập ra từ năm 1790, dưới thời Nguyễn Ánh. Vị trí của thủy xưởng nằm trên doi đất giữa sông Bến Nghé và rạch Bình Trị. Sau này dân gian quen gọi Bình Trị là “Thị Nghè” vì bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân (thời chúa Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) là vợ của ông Nghè làm quan trong dinh Phiên Trấn có công khai phá, đắp bờ, bắc cầu tại vùng này cho tiện việc đi lại nên được dân gọi là Bà Nghè. Về sau các quan trong dinh đổi thành Thị Nghè vì không vừa ý gọi bà Khánh bằng Bà.

Về mục đính, thủy xưởng do chúa Nguyễn Ánh tạo dựng lúc bấy giờ không phải vì lý do thương mại mà chủ ý thiết lập một quân cảng quan trọng vì nơi đây sông nước thuận lợi, vị trí chiến lược quan trọng, có thể yên tâm xây dựng thủy quân hùng mạnh, lấy Gia Định làm kinh đô tiến quân trở ra Bắc đánh Tây Sơn. Dạo đó tại vùng bến đò Thủ Thiêm khu vực cuối đường Tự Do sau này còn có Thủy Các và Lương Tạ là nhà và bãi tắm của vua, cất trên bè tre vì vậy đời xưa còn được gọi là Bến Ngự, tương tự như Bến Ngự trên sông Hương thuộc kinh thành Huế. Bến đò Thủ Thiêm nổi tiếng từ đó với câu hò:

“Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”

Thủ Thiêm là khu đất đối diện Sài Gòn, dạo đó có trạm thu thuế đường sông do quan Thủ ngự tên là Thiêm cai quản. Sau này hãng đóng tàu CARIC lập trụ sở chính tại đây.

Về phần phát triển quân cảng, sử sách cũng ghi vào năm 1793, chúa Nguyễn Ánh mua một chiến hạm cũ của châu Âu về cho tháo ra từng mảnh để lấy mẫu. Sau đó, với sự giúp sức của người Pháp, thủy xưởng đã đóng được chín chiến hạm kiểu châu Âu mang tên Loan Phi, Ưng Phi, Long Ngư, Long Phượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi và Hùng Phi. Với hải đội hùng mạnh, nhà Nguyễn đã chính thức xác lập chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong thời gian này. Như vậy, quân cảng Sài Gòn đã hoạt động rất mạnh vào cuối thế kỳ thứ 18 dưới thời chúa Nguyễn. Học giả người Pháp Lelabousse nhận xét về quân cảng Sài Gòn dưới thời Nguyễn Ánh như sau: “Các xưởng thủy quân và quân cảng của ông làm người ngoại quốc ngạc nhiên và chắc sẽ khiến cả Âu châu thán phục nếu được nhìn thấy tận mắt …”.

Theo giòng lịch sử biến chuyển, sang đầu thế kỷ thứ 19, các cường quốc Âu Châu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan … đua nhau đem hải quân tới vùng đất mới Á Châu để chiếm làm thuộc địa. Đặc biệt sau khi cuộc chiến tranh Nha Phiến (1839 – 1842) với nhà Thanh bên Tàu kết thúc, người Pháp rất cần một vị trí thuận tiện không quá xa nước Tàu để thiết lập một căn cứ hải quân yểm trợ cho đội chiến thuyền và thương thuyền Pháp tại Viễn Đông. Những hải cảng tốt lúc đó phần lớn đã bị các nước phương tây như Bồ Đào Nha, Anh, Hòa Lan, Tây Ba Nha v.v chiếm giữ, chỉ còn Việt Nam là nơi chưa có ai nhòm ngó. Lợi dụng các mối quan hệ sẵn có từ thời chúa Nguyễn Ánh do việc giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine) đưa Hoàng Tử Nguyễn Phúc Cảnh sang Pháp cầu viện, và viện cớ nhà Nguyễn cấm đạo Gia Tô, bắt bớ và giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân, người Pháp ráo riết tiến hành âm mưu thôn tính Việt Nam.

Ngày 15 tháng 4 năm 1847, nhân vụ Giám Mục Lefèbvre bị triều đình nhà Nguyễn bắt giữ, hai pháo thuyền Pháp Gloire và Victorieuse vào bắn phá Đà Nẵng khiến 4 chiến thuyền Việt Nam bị chìm. Ngày 16 tháng 9 năm 1856, tàu chiến Pháp Catinat, sau khi ghé Đà Nẵng, đã ra cửa Thuận An lấy cớ đệ trình quốc thư của Hoàng đế Pháp Napoléon III yêu cầu được tự do buôn bán, tự do truyền giáo. Tuy nhiên. không đợi triều Nguyễn kịp trả lời, ngày 26, chiến thuyền này quay lại Đà Nẵng, nổ súng bắn vào các vị trí phòng thủ trên bờ rồi cho 50 lính đổ bộ tấn công, phá hủy một số đồn lũy và 66 khẩu thần công, bắt đi 40 quân lính làm tù binh. Sau đó, quân Pháp rút lên tàu ra ngoài khơi an toàn.

Sau hai trận thăm dò hệ thống phòng thủ và khả năng quân sự của Nhà Nguyễn nói trên, người Pháp quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi khởi đầu cuộc xâm chiếm Việt Nam. Lý do vì họ đã quen ra vào nơi này nhiều lần; đây cũng là một hải cảng sâu và rộng, thích hợp cho tàu chiến di chuyển, lại gần kinh đô Huế khoảng100 km, rất thuận lợi cho việc “đánh nhanh thắng nhanh” rồi tiến quân ra Huế dứt điểm hầu chiếm toàn cõi Việt Nam. Tuy đã có sẵn kế hoạch, nhưng phải chờ đến sau Hiệp ước Thiên Tân được ký kết ngày 28 tháng 6 năm 1858 với nhà Thanh, quân đội Pháp ở Viễn Đông mới có đủ lực lượng chuyển hướng sang chiến trường Việt Nam.

Cuối tháng 7 năm 1858, Phó Đô Đốc Rigault de Genouilly (gọi tắt là De Genouilly) được lệnh phối hợp với đạo quân Tây Ban Nha do Đại Tá Lanzarotte chỉ huy, khởi hành từ đảo Hải Nam (Tàu), đưa tàu chiến xâm nhập hải phận Việt Nam. Chiều tối ngày 31 tháng 8 năm 1858, lực lượng liên quân đã có mặt tại cửa biển Đà Nẵng. Ngoài số quân bộ chiến gồm khoảng 1,500 lính Pháp cùng 850 lính Tây Ban Nha và Philippines, hạm đội xâm lược có nhiều chiến hạm và tàu vận tải các loại, bao gồm:

– Hải quân Pháp với các chiến hạm Nemesis, Phlégéton, Primauguet, Laplace, Dargonne, Fusée, Alarme, Mitraile, Regent và 5 tàu vận tải. Nemesis được chọn làm soái hạm. – Hải quân Tây Ban Nha có pháo hạm El Cano và 2 tàu vận tải.

Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở màn của cuộc chiến tranh Pháp – Việt lần thứ nhất. Phía Việt Nam chống trả dữ dội nên suốt 5 tháng sau đó, liên quân không sao hoàn toàn chiếm được Đà Nẵng, lại bị thiệt hại và đau ốm nhiều vì thời tiết thủy thổ không hợp nên quân Pháp phải đổi kế hoạch. Ngày 2 tháng 2 năm 1859, Pháp rút đi hai phần ba số quân (tức 2.000 người) và 8 trong số 14 chiến thuyền ở mặt trận này để vào Nam đánh chiếm thành Gia Định.

Ngày 10 tháng 2, đại bác Pháp bắn phá Vũng Tàu. Ngày 11, đoàn tàu chiến vượt cửa Cần Giờ vào sông Lòng Tào là thủy lộ chính dẫn vào thành Gia Định, vừa đi vừa vất vả phá hủy những chướng ngại vật dưới sông và triệt hạ đồn lũy trên bờ. Mãi tới sáng sớm ngày 17, chiến hạm Pháp mới tiến được vào sông Sài Gòn ngay sát mặt thành Gia Định. Họ bắn phá thành dữ dội rồi cho một phân đội tàu nhỏ do chiến thuyền Avalanche dẫn đầu đi vào rạch Thị Nghè đổ bộ tấn công từ mặt Đông. Đến khoảng 10 giờ trưa, quân Pháp chiếm được thành. Sau này, người Pháp gọi rạch Thị Nghè là rạch Avalanche, tên của pháo hạm đầu tiên vào rạch. Tuy chiến thắng không mấy vất vả, nhưng sau đó Pháp chỉ để một đạo quân nhỏ chiếm giữ Gia Định, còn đại binh tức tốc trở lại mặt trận Đà Nẵng, vì lúc này quân Pháp ở đó đang bị hao hụt nhiều do thương vong và dịch bệnh.

Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định, vì nhu cầu cấp bách cần có nơi đồn trú và sửa chữa tàu bè nên vào năm 1860, người Pháp đã lập ngay một thủy xưởng gọi là Arsénal. Vị trí được lựa chọn chính là khu vực Xưởng Thủy của chúa Nguyễn trước đây, Thoạt tiên, người Pháp tạm tân trang và xử dụng chiếc ụ đất ghép ván sẵn có của triều Nguyễn để lại.

Về sau, khi chiếm thêm ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ vào năm Nhâm Tuất 1862, người Pháp gấp rút lập kế hoạch xây dựng Sài Gòn thành căn cứ chính tại Á Châu, đặc biệt chú trọng tới việc thiết lập một quân cảng tối tân đủ sức yểm trợ lực lượng Hải Quân của họ tại Viễn Đông, tương tự như căn cứ Singapore của người Anh hay Macau của Bồ Đào Nha. Vì vậy, ngoài việc xử dụng xưởng thủy cũ của nhà Nguyễn để tạm làm nơi sửa chữa tàu bè dùng cho các cuộc hành quân xâm chiếm và bình định Việt Nam, dần dần họ mở rộng quân cảng Sài Gòn thành một vị trí quan trọng có công xưởng lớn đủ khả năng sửa chữa và tu bổ cho toàn hạm đội Pháp tại Á Châu. Hơn nữa, họ còn xây dựng thêm những cơ sở tiếp vận cùng doanh trại rộng rãi và cầu tàu rộng vững chãi để yểm trợ và cung cấp mọi tiện nghi cho thủy thủ cũng như chiến hạm khi cập bến. Nhận thấy việc phát triển quân cảng Sài Gòn rất cần thiết trong kế hoạch bành trướng thế lực tại Á Đông nên người Pháp đã mau chóng thông qua phần tài chính.

Ngày 28/4/1863, chính phủ Pháp chính thức chấp thuận dự án tối tân hóa thủy xưởng Sài Gòn, đặt trực thuộc Bộ Hải Quân. Vì Xưởng Thủy cũ từ thời chúa Nguyễn dù đã tân trang thêm nhưng vẫn chỉ là tạm bợ không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết sửa chữa các chiến hạm, nên đầu tiên họ quyết định thiết lập một ụ nổi (dock flottant) trên sông Sài Gòn để sửa chữa các tàu bè lớn cập cảng Sài Gòn. Ụ nổi này trị giá 2.2 triệu quan tiền Pháp do Công ty Randolph ở Glasgow (Scotland) chế tạo, các bộ phận rời được sản xuất ở Glasgow và tháng 5-1863 được chở bằng 3 chiếc tàu qua Sài Gòn để ráp dựng. Ụ có cửa lớn, có thể cho nước vào nhận chìm một phần để tàu bè ra vào dễ dàng, rồi sau đó tháo khô nước khi sửa chữa.

Về mặt kỹ thuật, ụ nổi Sài Gòn có kích thước như sau:

– Chiều dài: 91.44m
– Chiều rộng phủ ngoài: 28.65m
– Chiều rộng bên trong:
– Chiều rộng phía trên: 21.33m
– Chiều rộng phía dưới 13.71m
– Chiều cao: 12.8m

Kích thước ụ nổi này đủ để tiếp nhận sửa chữa các tàu lớn nhất cập cảng Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cùng với các thương thuyền bắt đầu ra vào cảng Sài Gòn, dần dần người Pháp phát triển thủy xưởng thành một công xưởng hải quân tối tân với những may móc, tiện nghi cần thiết đủ để sửa chữa chiến thuyền cũng như thương thuyền và còn có khả năng đóng cả tàu, thuyền mới. Chiếc ụ nổi hoạt động đắc lực trong thời gian mấy thập niên đầu, nhưng về sau, các chiến hạm và nhất là thương thuyền ra vào cảng Sài Gòn ngày càng lớn và tối tân nên công xưởng cần có phương tiện sửa chữa thích hợp hơn. Do đó người Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng chiếc ụ lớn sửa tàu gọi là “Bassin de radoub”. Đây là chiếu ụ “chìm” sâu đào dưới lòng sông như một bể nước hình thù giống một vỏ tàu, có thể được làm ngập nước và đủ lớn để tàu bè ra vào, rồi sau đó tháo nước thành “bể khô” để sửa chữa. Chi phí xây dựng ụ chìm lên đến 7 triệu quan tiền Pháp thời đó.

Bước đầu trong việc xây dựng ụ chìm là thăm dò và khảo sát địa chất cần thiết như: đào giếng, đóng cọc, khoan sâu v.v… tại nơi dự trù thiết lập để xác định lớp đất đá nền đủ sức chịu đựng sức nặng của số lượng nước khổng lồ mà không bị lún. Ban đầu, ụ chìm được dự tính xây tại vùng Sở Thú ngang cây cầu trong rạch Thị Nghè, nhưng vì đất nền tại đây không thích hợp nên sau này vị trí được lựa chọn ngay trên mỏm đất giữa rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn, nơi đặt Xưởng Thủy của triều Nguyễn trước đây. Tuy vùng này không có lớp đá tự nhiên để làm nền cứng nhưng lại có tầng đất sét dày, sâu tới mấy chục mét, bền vững và không thấm nước. Kỹ sư Berrier Fontaine cho rằng như vậy là đủ điều kiện để xây dựng một công trình đồ sộ và bền vững. Kỹ sư Pavillier nghiên cứu thiết kế và thực hiện công trình xây dựng. Một công trường khai thác đá được thành lập ở Biên Hòa để lấy đá lót ụ. Sắt, thép, xi măng, gỗ và các vật liệu cần thiết được chở từ Pháp sang. Khởi công vào năm 1884 với hàng ngàn tấn vật liệu cần thiết và năm năm làm việc liên tục, mãi tới năm 1888 chiếc ụ chìm lớn xây bằng xi măng cốt sắt, nền và sườn lót bằng đá mới hoàn tất với kích thước dài 156m, rộng 21m, sâu hơn 10m. Ụ chìm lớn này còn dài hơn cả Arsenal ở cảng Toulon bên Pháp tới 12m. Vì tên của ụ lớn này là “Bassin de radoub” nên sau này người Việt gọi tắt thủy xưởng là xưởng sở Ba Son.

Ban đầu, xưởng do toàn nhân công người Pháp hay người Tàu tuyển mộ từ Hồng Kông, Ma Cao, Singapore v…. đảm trách việc sửa chữa hay đóng tàu bè, còn người Việt chỉ được làm thợ phụ làm việc lặt vặt. Trong cuốn “Giai cấp công nhân Việt Nam”, ông Trần Văn Giàu đã viết: “Xí nghiệp đầu tiên mà Pháp lập ở Việt Nam là sở Ba Son… Không bao lâu, sở Ba Son đã tập hợp gần nghìn thợ và “cu li”. Trong số người Việt làm trong xưởng tiện, có bác “cu li” Tôn Đức Thắng sau này làm tới chức Chủ Tịch nhà nước Việt Cộng.

Ngoài ụ lớn nói trên, công xưởng còn có một ụ khác với kính thước nhỏ hơn, dành cho các pháo hạm (canonnières), và các tàu có trọng tải nhỏ .Cũng nên nói thêm, vào đầu thế kỷ XX, niên giám Nam Kỳ năm 1910 cho biết ở Chợ Lớn cũng đã có một ụ sửa thuyền và tàu nhỏ, mang tên “De Lanessan”.

Vào lúc hiệp định Genève 1954 được ký kết, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 12/9/1956 Pháp chuyển giao sở Ba Son lại cho Hải Quân VNCH và được đổi tên là Hải Quân Công Xưởng, đặt trực thuộc Bộ Quốc Phòng.

Sau khi thành lập thủy xưởng sơ khởi để sửa chữa tàu bè, người Pháp còn cần xây dựng các cơ sở chỉ huy, yểm trợ trên bờ nên mãi tới năm 1875, quân cảng Sài Gòn mới được người Pháp chính thức thành lập. Việc xây dựng các trại “thủy binh” trên bờ cũng rất quan trọng vì binh lính Pháp phải sống trên tàu lâu ngày, lại không quen với khí hậu nóng bức và ẩm thấp tại Việt Nam nên bị đau ốm, bệnh hoạn rất nhiều. Do đó cần các bệnh viện và cơ sở trên bờ để binh sĩ chữa trị và nghỉ ngơi.

Doanh trại trên bờ gồm có những cơ sở chính như trại Francis Garnier và các tòa nhà cho Bộ Chỉ Huy, kho đạn và các cầu tàu cho các chiến hạm thuộc Phân Đoàn Hải Quân Đông Dương, kho đạn Thành Tuy Hạ và trại Thủy Phi Cơ tại Cát Lái. Francis Garnier (tên phiên âm Việt Nam là Ngạc Nhi) là một Đại Úy HQ Pháp bị quân Cờ Đen giết chết tại Ô Cần Giấy Hà Nội vào năm 1873. Trong bài “Văn Tế Ngạc Nhi” của cụ Nguyễn Khuyến có những câu mô tả rất hóm hỉnh như sau:

“Than ôi!
Một phút sa cơ, ra người thiên cổ.
Nhớ ông xưa:
Cái mắt ông xanh, cái da ông đỏ.
Cái tóc ông quăn, cái mũi ông lõ.
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó.
Ông đeo súng lục liên, ông đi giày có mỏ.
Ông ở bên Tây, ông sang bảo hộ.
Ông dẹp Cờ Đen, để yên con đỏ.
Nào ngờ:
Nó bắt được ông, nó chặt mất sỏ.
Cái đầu ông kia, cái mình ông đó.
Khốn khổ thân ông, đù mẹ cha nó”.

Cùng với các tiện nghi trên bờ, nhiều bến đậu tàu cũng được thiết lập dọc theo hữu ngạn (bờ Tây) sông Sài Gòn đối diện với Thủ Thiêm. Kéo dài từ rạch Thị Nghè ở phía Bắc tới rạch Bến Nghé về phía Nam, lần lượt gồm có các bến tàu “Quai de l’Argonne”, “Quai Le Myre de Vilers” phân cách nhau bằng Công Trường Rigault de Genouilly. Trong Rạch Bến Nghé có các bến “Quai de Belgique” và “Quai de la Marne”. Bến “Quai de l’Argonne” mang tên của một con sông bên Pháp, thuộc về quân cảng dùng cho tàu chiến; các bến còn lại , sau trở thành thương cảng để các tàu buôn dân sự xử dụng.

Ngoài ra, thương cảng Sài Gòn cũng được ra đời để đáp ứng nhu cầu chuyển vận dân sự từ Pháp Quốc. Ngày 22/2/1860, Đô đốc Francois Page tuyên bố mở Cảng Sài Gòn. Ngày 15/8/1862, hải đăng Vũng Tàu được khánh thành và chính thức hoạt động. Ngày 25/8/1862 bộ luật đầy đủ về cảng Sài Gòn được công bố. Ngày 23/11/1862, chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên khai trương chuyến đường biển Pháp – Sài Gòn. Hãng tàu Messageries Maritimes là một trong những công ty đầu tiên chạy đường viễn dương Sài Gòn – Marseille, ngoài ra còn có các hãng tàu khác nhỏ hơn như Chargeurs Reunis và Denis Frères chạy đường quốc tế ngắn hơn hay nội địa.

Năm 1864, Pháp khánh thành Bến Nhà Rồng được khởi công từ ngày 4/3/1863. Nhà Rồng là trụ sở của công ty Vận tải Messageries Impériales, hãng vận tải đường biển của Pháp xây dựng. Sau cuộc chiến Pháp – Đức năm 1870, chế độ quân phiệt bị bãi bỏ nên công ty Messages Imperials được đổi tên thành Công ty Messageries Maritimes. Trụ sở này được gọi là Nhà Rồng vì trên mái có hình “lưỡng long chầu nguyệt” (hai con rồng châu đầu vào nhau, ở giữa có hình mặt trăng). Trong kỳ thế chiến thứ 2, Nhà Rồng bị bom phi cơ Đồng Minh làm hư hại, sau đó được sửa chữa lại nhưng hình hai con rồng trên mái nhà lại quay đầu ra ngoài, không rõ vì lý do gì? Cũng nên nói thêm váo năm 1911, tay giang hồ tứ chiếng người Việt tên Nguyễn Tất Thành sau đổi thành họ Hồ, đã xin được chức phụ bồi bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville của Tây, chính thức khởi đầu sự nghiệp “bán … nước”. Sau này bác “Hồ bồi bếp” này đã làm lớn tới chức chủ tịch bán … nước Việt Cộng.

Đối diện với Nhà Rồng, trên mỏm đất gần sông Sài Gòn và bờ bắc của rạch Thị Nghè có cột cờ Thủ Ngữ tên Pháp là Le Mât Des Signaux (Cột Kỳ Hiệu) rất nổi tiếng được xây dựng vào tháng 10 năm 1865. Cột cờ rất cao này dùng để treo những kỳ hiệu hàng hải báo cho các tàu bè ra vào biết hiện trạng của thương cảng, như có thể cập bến hay không, neo hoặc đậu bến chỗ nào v.v… Dưới chân cột cờ Thủ Ngữ là một quán rượu lừng danh mang tên “Pointe Des Blagueurs” hay “Quán Tào Lao”, nơi các thủ thủy giang hồ nhậu nhẹt say sưa rồi tha hồ … tán dóc, như hồi thập niên 60 có một vũ sư khá nổi tiếng tại Sài Gòn quảng cáo trên báo chí “… là thủy thủ tuần dương hạm Lamotte-Picquet, đã từng đặt chân trên khắp các sàn nhảy Âu Á …”. Về sau, Quán Tào Lao được tân trang thành Ngân Đình Tửu Gia (Tour D’Argent) được giới thượng lưu ưa chuộng. Dưới sông bên cạnh cột cờ là bến đậu thường xuyên của nhà hàng nổi Mỹ Cảnh.

Tác giả Vương Hồng Sển ghi trong sách “Sài Gòn Năm Xưa” mô ta cột cờ Thủ Ngữ như sau: “Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn”.

Có người hiểu lầm cho rằng “Thủ” là gìn giữ như “phòng thủ” , còn “Ngữ” là địa điểm, như vậy “Thủ Ngữ” có nghĩa là “phòng thủ hải cảng”. Thật ra, “Thủ Ngữ” có nghĩa là “ngôn ngữ bằng tay” (hand signal) hay “truyền tin bằng cờ hiệu”, một lối liên lạc rất thông dụng của thuyền bè thời xưa khi chưa có máy truyền tin điện tử. Mỗi lá cờ màu sắc khác nhau là một mẫu tự như A, B, C … và có ý nghĩa khác nhau. Hiện nay, tàu bè vẫn còn dùng cờ hiệu quốc tế này để thông báo tình trạng hay ý định của mình. Thí dụ như cờ màu vàng (mẫu tự Q – đọc là Quebec) mang ý nghĩa đã được kiểm dịch nghĩa là trên tàu không có người đau ốm, bệnh tật; cờ màu đỏ (mẫu tự B (Bravo) là dấu hiệu cho biết tàu chở hàng nguy hiểm, như nhiên liệu hay đạn dược; cờ H (Hotel) dùng cho tàu chở hoa tiêu v.v… Quả bóng sơn đen ông Vương Hồng Sển mô tả bên trên mang ý nghĩa là tàu đang neo hay bị mắc cạn. Ngoài kỳ hiệu treo trên cột buồm, còn có cách truyền tin bằng “cờ tay” (semaphore) và quang hiệu với ánh đèn dài ngắn khác nhau theo kiểu “Morse” mà các sĩ quan hải quân và chuyên viên ngành giám lộ đều phải học thông thạo cách đọc và nói theo lối “cờ đèn” này.

Các bến thương cảng bắt đầu từ Công Trường Rigault de Genouilly, gồm Quai La Myre de Villers trên sông Sài Gòn. Trong rạch Bến Nghé người Pháp gọi là “Arroyo de Chinois” tên Việt là rạch Tàu Hủ, còn có các bến thương cảng “Quai de Belgique” gần cột cờ Thủ Ngữ và “Quai de la Marne” với Nhà Rồng chạy dài qua Khánh Hội. Thương cảng nằm ở vị trí rạch Tàu Hủ đổ ra sông Sài Gòn, rất thuận lợi cho tàu ghe buôn gạo từ Chợ Lớn đến.

Tại bến cảng Sài Gòn, hãng tàu Messageries Maritimes là một trong những công ty đầu tiên chạy đường viễn dương Sài Gòn – Marseille, ngoài ra còn có các hãng tàu khác như Chargeurs Reunis và Denis Frères chạy đường hàng hải ngắn hơn hay nội địa.

Càng ngày, thế lực của người Pháp càng mạnh tại Việt Nam, quân cảng Sài Gòn với những cơ sở chỉ huy và sửa chữa tối tân cũng đã trở thành căn cứ chính cho hạm đội Viễn Đông. Hạm đội này là lực lượng nồng cốt bảo vệ quyền lợi của họ tại Á Châu. Nhiều chiến hạm Pháp đặt căn cứ tại Sài Gòn đã đạt được thành quả khả quan trong cuộc chiến Pháp – Tàu vào năm 1884-1885 qua các trận hải chiến tại Shipu, Zhenhai, eo biển Đài Loan và Fuzhou v.v… dưới quyền chỉ huy của Đô Đốc Courbet. Vì bị thảm bại, Tổng Đốc Lưỡng Quảng Lý Hồng Chương của nhà Thanh buộc phải ký thỏa ước nhượng nhiều quyền lợi cho Pháp. Sau khi Pháp chính thức thiết lập liên bang Đông Dương gồm 3 nước Việt, Miên, Lào vào tháng 10 năm 1887, quân cảng Sài Gòn được coi như mạnh nhất vùng Đông Nam Á. Tại đây, hải quân Pháp đã có những giờ phút oanh liệt nhất như trong trận chiến tại Ko Chang (Thái Lan) vào năm 1941, hải đội Pháp với soái hạm Lamotte-Picket xuất phát từ Sài Gòn đã đánh bại hạm đội Thái Lan dễ dàng.

Vào thế chiến thứ hai, quân Nhật thay thế người Pháp tiếp tục chiếm giữ quân cảng Sài Gòn để làm căn cứ hải quân lớn. Ngày 10 tháng 12 năm 1942, các oanh tạc cơ hai máy Mitsubishi G3M “Nell” thuộc Hải Không Đoàn 22 của Nhật đặt căn cứ tại Sài Gòn đã đánh chìm Thiết Giáp Hạm Prince of Wales và Tuần Dương Hạm Repulse của Anh ngoài khơi Singapore. Trong thời điểm này, quân cảng Sài Gòn bị phi cơ Đồng Minh oanh tạc dữ dội. Khi thiến tranh chấm dứt vào năm 1945, quân cảng Sài Gòn lại thuộc về tay người Pháp.

Sau khi hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, toàn thể giang cảng Sài Gòn được Pháp chuyển giao cho Việt Nam.

Bo Tu Lenh HQVNCHẢnh của manhhai flickr

Qua thời VNCH, quân cảng Sài Gòn là nơi đặt Bộ Tư Lệnh Hải Quân và cũng là căn cứ chính cho các chiến hạm Hải Quân VNCH nghỉ bến cũng như sửa chữa. Thủy Xưởng Ba Son được đổi tên là Hải Quân Công Xưởng (HQCX). Đặc biệt trong rạch Thị Nghè gần HQCX còn có một con rạch nhỏ gọi là rạch Văn Thánh vì nơi này còn miếu Văn Thánh thờ Khổng Tử do chúa Nguyễn lập ra từ lâu để khuyến khích việc học hành. Trên bờ con rạch này có cư xá hải quân Văn Thánh là nơi các chiến sĩ áo trắng ngày xưa có nhiều kỷ niệm …

Trại Francis Garnier về sau trở thành tòa nhà đặt Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH. Các cơ sở lân cận dùng làm những cơ quan đầu não như Bộ Tư Lệnh Hải Quân Biệt Khu Thủ Đô, Trại Bạch Đằng 2, Bệnh Viện Hải Quân v.v… Trong Hải Quân Công Xưởng có Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Tiếp Vận, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn, Ty Quân Cảng, Thủy Xưởng Miền Đông v.v… Bến “Quai de l’Argonne” được đổi tên thành Bến Bạch Đằng dùng cho các chiến hạm gồm những cầu A, B, C, D v.v… Các bến thương cảng Quai La Myre de Vilers đổi tên thành Bến Chương Dương, Quai de Belgique thành Bến Hàm Tử và Quai de la Marne thành Bến Vân Đồn. Công Trường Rigault de Genouilly đổi thành Công Trường Mê Linh trong đó có tượng Đức Thánh Trần là Thánh Tổ Quân Chủng Hải Quân VNCH.

tuong duc tran hung dao, bo tu lenh hqvnchẢnh của manhhai flickr

Công Trường Mê Linh là một địa điểm rất quen thuộc mang nhiều ý nghĩa và kỷ niệm buồn vui lẫn lộn đối với các chiến sĩ Hải Quân VNCH. Cùng nhìn một cảnh sắc, nhưng lòng buồn rười rượi khi chiến hạm rời bến trực chỉ Vũng Tàu trong chuyến hải hành dài. Ngược lại, tâm tư như mở hội khi nhác thấy tượng Đức Thánh Trần từ xa khi về bến, chuẩn bị cập cầu. Hồi Pháp thuộc, nơi đây có tượng Đô Đốc De Genouilly, tới thời VNCH được thay thế bằng tượng Hai Bà Trưng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế thực hiện, khánh thành vào tháng 3-1962 do bà Ngô Đình Nhu chủ tọa. Bức tượng Hai Bà Trưng rất đặc sắc với nét cấu trúc tân kỳ phối hợp vẻ đẹp Âu Á mới mẻ, nhưng có nhiều người khó tính thích chỉ trích cho rằng tượng trông giống bà Ngô Đình Nhu và con gái là Ngô Đình Lệ Thủy. Vì vậy sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Đệ Nhất Công Hòa năm 1963, tượng bị phá bỏ, chỉ còn chiếc bệ ba chân.

Sau này mãi tới năm 1967, Hải Quân VNCH phối hợp với Hội Đức Thánh Trần tổ chức một cuộc thi tạc tượng Thánh Tổ Hải Quân, nhận được 13 đồ án, trong đó có cả điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, tác giả bức tượng nổi tiếng Tiếc Thương tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa tham dự. Sau cuộc tuyển lựa kỹ càng, đồ án của ông Phạm Thông trúng giải. Tượng Hưng Đạo Đại Vương uy nghi trong quân phục võ tướng, cao gần 6 m, đứng trên một bệ ba chân cao gần 10 m, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông tượng trưng cho lời thề sông Hóa ngày trước: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Điêu khắc gia Phạm Thông sau năm 1975 tị nạn Cộng Sản, định cư tại Houston, Texas; có thời ông làm chủ nhiệm báo Con Ong khá nổi tiếng.

22074979834_6a1b63384b_z

Ảnh của manhhai flickr

Trên bờ sông Sài Gòn, ngoài Công Trường Mê Linh, còn có những địa điểm khác được nhiều người ưa thích như khách sạn Majestic, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh.

Khách sạn Majestic được xây dựng vào năm 1925 tại góc đường Catinat và Quai Le Myre de Vilers, sau này là đường Tự Do và bến Bạch Đằng. Công trình do người Pháp thiết kế, với sự đầu tư của thương gia Việt gốc Hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn – Gia Định lúc bấy giờ là ông Hui Bon Hoa tên quen thuộc là chú Hỏa. Khách sạn Majestic có 3 tầng lầu, 44 phòng ngủ và là địa điểm ưa thích của giới thượng lưu và quan chức cấp cao Pháp thuộc bấy giờ. Đến năm 1965, khác sạn được tân trang theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và đổi tên thành khách sạn Hoàn Mỹ, nhưng vẫn được quen gọi với tên Majestic

Một địa điểm hấp dẫn khác của vùng bến Bạch Đằng là nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, thực sự một chiếc tàu dài 75m, rộng 25m, gồm 2 tầng, sức chứa 250 thực khách, có thể di chuyển trên mặt sông. Nhà hàng thường neo đậu bên bờ sông Sài Gòn, cạnh cột cờ Thủ Ngữ, nơi phong cảnh sông nước thơ mộng, rộng mát và hữu tình.

Nguồn: http://navygermany.gerussa.com/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn