Bùi Chu - Phát Diệm, vì sao là lịch sử? - Tuấn Khanh

Thứ Tư, 15 Tháng Năm 201910:00 CH(Xem: 5839)
Bùi Chu - Phát Diệm, vì sao là lịch sử? - Tuấn Khanh

Câu chuyện nhà thờ Bùi Chu đang đứng trước các cuộc tranh cãi là có nên phá bỏ, xây mới, lại rơi vào một thời điểm rất thú vị: kỷ niệm 65 năm những người miền Bắc di cư vào Nam theo tiếng gọi tự do (1954 – 2019).

Trong những điều mà người ta bàn tán, và nói Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu, thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) là di sản, là lịch sử bởi được xây vào năm 1884, bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, nhưng thật ra, ẩn sau đó, là một câu chuyện của niềm tin, máu, nước mắt, oan khiên… không chỉ riêng của người Công giáo, mà còn là cả một chặng dài lịch sử người Việt.

nhathobuichu

Nhà thờ Bùi Chu

Người ta vẫn hay kể những câu chuyện kinh hoàng về người ở lại miền Bắc sau 1954, với Cải cách ruộng đất, với các vụ án xét lại chống Đảng, chiến dịch thanh trừng Nhân văn-Giai phẩm… nhưng rất ít có tài liệu nào nói lại rằng những người chọn ở lại, những linh mục, những giáo dân… đã sống thế nào trong những tháng ngày ấy, cho đến 1975.

Từ tháng 7-1954, dòng người ngược xuôi khi chia cắt đất nước, dù không thống kê được đầy đủ, nhưng theo sách Ramesh Thakur, Peacemaking in Vietnam, ước tính rằng có khoảng gần một triệu người từ miền Bắc Việt Nam chạy vào Nam vì từ chối sống dưới chế độ cộng sản. Trong khi đó, chỉ có gần 4.500 người từ Nam ra Bắc. Đa phần họ được gọi tên là dân tập kết đời đầu. Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê cho đến hết tháng 7 năm 1955. Những cuộc đào thoát sau đó, từ Bắc vào Nam là còn chưa kể đến.

Trong số những giáo dân vào Nam, có không ít người từ Bùi Chu – Phát Diệm. Vì lẽ, hơn ai hết, từ năm 1945 họ đã hiểu cộng sản là gì. Đức giám mục Lê Hữu Từ (được tấn phong từ tháng 10/1945) đã nhận ra được ẩn đằng sau Mặt trận Việt Minh là bàn tay của Quốc tế Cộng sản. Chính vì vậy, ngài đã sớm hậu thuẫn cho tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc, nhằm tách biệt với hàng ngũ người Cộng sản, đặc biệt trong bối cảnh mọi người Việt Nam đều quyết kháng Pháp để đòi độc lập dân tộc.

Đó không phải là suy đoán, vì tài liệu nghiên cứu (2009) nằm trong tàng thư của Tòa tổng giám mục Sài Gòn, được tổ chức bởi Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn từ năm 2007, có ghi lại rằng Đức cha Lê Hữu Từ đã công khai tách bạch giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản với người đứng đầu của chế độ miền Bắc là chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, khi về Phát Diệm để tạo hòa hoãn với Đức cha Lê Hữu Từ, trong vai trò là Giám mục cố vấn chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe trực tiếp lời tuyên bố của Đức cha rằng “Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc chống thực dân Pháp, giành độc lập cho tổ quốc Việt Nam. Nhưng nếu Cụ là Cộng sản thì tôi chống Cụ, và chống Cụ từ phút này”. Nhưng vào lúc đó, ông Hồ Chí Minh vẫn không nhận mình là Cộng sản. Thậm chí ông còn nói với Đức cha Lê Hữu Từ rằng sẽ có một cuộc phổ thông đầu phiếu “toàn dân sẽ định đoạt, Cụ và tôi khỏi phải lo”.

Nhưng cuộc phổ thông đầu phiếu đúng nghĩa ấy, không bao giờ có với người miền Bắc sau 1954 và cả nước, sau 1975.

Nằm kề nhau, nên hai giáo phận Bùi Chu và và Phát Diệm có cùng một khuynh hướng về đạo và đời. Đó là chưa nói 2 nơi này có cùng một lãnh tụ tinh thần của người Công giáo miền Bắc từ năm 1954 đến 1967, là ngài Thaddeus Lê Hữu Từ, Giám quản Tông tòa hạt đại diện của cả hai nơi này qua từng thời kỳ.

Sự mâu thuẫn giữa tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc và Việt Minh tăng dần, dẫn đến những va chạm bằng vũ khí. Theo tài liệu Gibbs, “Battle of Indo-China”, Đức cha Lê Hữu Từ đã có một đội dân quân kháng Pháp và cũng để bảo vệ giáo dân trước Việt Minh, con số được ước tính trong sách nói có lúc đã lên đến 6.000 người. Ủng hộ và yểm trợ cho ngài về mặt chiến sự, được biết có ông Ngô Cao Tùng, chức danh thiếu tá, có nguồn gốc là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng vũ trang của ông Tùng được ước tính cũng có khoảng 1.700 người.

Đây là một tình cảnh không khác gì với Phật giáo Hòa Hảo ở miền Nam Việt Nam. Một mặt chống Pháp đòi độc lập, nhưng mặt khác người yêu nước phải luôn đề phòng Việt Minh tiêu diệt mình để gồm thâu về một mối cho chủ nghĩa cộng sản. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập đạo Hòa Hảo, đã cho hình thành Lực lượng Vũ Trang Hòa Hảo (1945), mà tiền thân là Đội Bảo An, sau đó có thêm lực lượng Hòa Hảo Dân Xã của tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) sát nhập vào nhằm bảo vệ mình, cũng như cho cuộc kháng Pháp.

Tháng 10-1949, người Pháp bất ngờ nhảy dù đổ bộ xuống đồng Lưu Phương, sát cạnh khu an toàn Phát Diệm, không ai trở tay kịp vào lúc đó. Và cũng chính vì lý do này mà Việt Minh coi hai vùng Bùi Chu-Phát Diệm là ngầm theo Pháp chống lại Việt Minh. Dĩ nhiên đó âm mưu chính trị, mà sau 1954, người công giáo ở Bùi Chu - Phát Diệm còn ở lại miền Bắc bị rơi vào hoàn cảnh khốn khó hơn hết dưới sự kiểm soát của chính quyền Bắc Việt cộng sản.

Theo tài liệu “Thái độ của các Giám Mục miền Bắc đối với Cộng sản từ 1945 đến 1954” do nhà chép sử Công giáo Vũ Sinh Hiên ghi lại cho thấy, dù ở trong vùng Pháp kiểm soát, nhưng suốt trong thời gian đó, Đức cha Lê Hữu Từ vẫn luôn bày tỏ sự bất mãn và chống đối công khai với người Pháp và vua Bảo Đại. Năm 1951, nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh thánh Jean Baptiste de la Salle, Đức cha Lê Hữu Từ đã lấy cớ đó, đọc bài diễn văn nảy lửa, tuyên bố rằng “Người Pháp hãy ở yên tại Paris và Bảo Đại nên về lại Sài Gòn”.

Nhưng dù vậy, đến 1954, khi người Pháp ra khỏi Bắc Việt, bắt đầu cuộc chia đôi đất nước, các giáo phận Bùi Chu-Phát Diệm vẫn nằm trong sự thù nghịch của chế độ mới. Tên gọi “những con quạ đen” được truyền thông Nhà nước Marxist đặt tên cho các linh mục và tuyên truyền từ đó. Và rồi, một chương khác đầy khổ nạn đã mở ra. Một chặng lịch sử vừa kiêu hãnh, vừa đau đớn của người Công giáo miền Bắc đã hằn nơi mảnh đất họ sinh sống, hằn nơi tiếng chuông nhà thờ và những phiến đá nham nhở, yếu ớt theo thời gian của các thánh đường, như thánh đường Bùi Chu vậy.

Và đó là một phần của câu chuyện dài, để giải thích thêm cho ý nghĩa Bùi Chu – Phát Diệm vì sao là lịch sử.

Tuấn Khanh
Nguồn Blog Tuấn Khanh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn