Vương quốc hoa phải bùng cháy để tái sinh ở Nam Phi

Thứ Ba, 14 Tháng Năm 20191:00 CH(Xem: 4849)
Vương quốc hoa phải bùng cháy để tái sinh ở Nam Phi
bbc.com

Những bông hoa bốc cháy ở Nam Phi

Bài: Robin Cherry, Hình ảnh: Thomas Lewton BBC Travel

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Vùng đất của những bụi câp lúp xúp với cái nắng như thiêu như đốt này có số lượng chủng loại thực vật nhiều gấp ba lần rừng nhiệt đới Amazon, và chúng cần bốc cháy để sinh tồn.

Vùng đất tươi tốt

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Nằm gần đỉnh phía tây nam Nam Phi, Cape Floral Kingdom là nơi tập trung nhiều loài thực vật nhất trên hành tinh.


Ở đó có số lượng giống loài cây cối nhiều gấp ba lần rừng nhiệt đới Amazon. 70% trong số 9.600 loài thực vật nơi không tồn tại bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất. Đó còn là một hệ sinh thái cần phải bốc cháy mới có thể sinh tồn.

Fynbos, từ có gốc từ tiếng Hà Lan được dùng để gọi chung cho các loài cây bụi nơi đây, chiếm 80% diện tích khu vực.

Nhìn từ xa, những bụi cây xanh này mọc lên không gây mấy ấn tượng, song khi lại gần nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy sửng sốt trước một vùng đất có nhiều loài thực vật đa dạng sinh sôi nảy nở mạnh mẽ trải rộng trên diện tích 90.000 km2 miền nắng cháy, gần to bằng đất nước Bồ Đào Nha.

Nơi tràn đầy nhựa sống

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Kể từ năm 2004, phần lớn mặt bằng Cape Floral Kingdom, là vùng đất gồm tám khu vực được bảo vệ, trong đó có cả Núi Bàn, đã trở thành địa điểm bảo tồn của Unesco.


Đây là vương quốc nhỏ bé nhất trong số sáu vương quốc hoa cỏ trên Trái Đất. Và trong số 36 điểm nóng gồm các địa điểm mà tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International) xác định là có hệ sinh thái phong phú có nguy cơ bị đe dọa hủy diệt nghiêm trọng thì Cape Floral Kingdom là nơi đa dạng nhất.

Các điểm nóng là những khu vực có ít nhất 1.500 loài thực vật đặc thù nhưng đã bị tuyệt chủng ít nhất 70% thảm thực vật nguyên thuỷ. Theo Conservation International, chúng chỉ chiếm 2,4% diện tích đất Trái Đất nhưng lại nuôi dưỡng hơn một nửa số loài thực vật đặc thù của thế giới và gần 43% các loài động vật đặc thù riêng của khu vực đó, như chim, động vật có vú, bò sát và các loài lưỡng cư.

Chỉ tính riêng Núi Bàn đã sở hữu nhiều loài thực vật hơn cả Quần đảo Anh (gồm Vương quốc Anh, Ireland, đảo Isle of Man, quần đảo Hebrides ngoài khơi Scotland và trên 6.000 đảo nhỏ).

Vùng Cape Floral Region chỉ chiếm chưa tới 0,5% tổng diện tích Châu Phi, song lại là nơi sinh trưởng của gần 20% hoa cỏ lục địa đen.

Fynbos 101

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Tên gọi "fynbos" được dùng để gọi chung cho khoảng 9.000 giống thực vật với đủ loại hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau.


Chúng bao gồm từ các loài cây bụi thấp có lá dầy mọng nước đến lau sậy lá nhọn, hoa lan rực rỡ, hoa huệ tây và các loài hoa thuộc họ thực vật Quắn hoa (Proteas). Những loài cây này phủ kín những ngọn núi gồ ghề, những ngọn đồi thoai thoải, những bình nguyên rộng lớn và mọc trên cả những bãi đá rải rác. Chúng rất đa dạng, như những nhánh sừng nổi u của bụi cây tê giác mộc mạc hay lại như những bông hoa hình chuông kiều diễm của chi thạch nam (Erica).

Trong fynbos, mạnh nhất là bốn chi họ thực vật: quắn hoa (Protea), thạch nam (Erica), Restio và chi chồi dưới (Geophyte).

Proteas là chi họ fynbos nổi tiếng nhất, trong đó có loài thảo đường (King Protea) là quốc hoa Nam Phi. Hoa này hiện diện trên quốc huy của Nam Phi, và theo chính phủ Nam Phi thì King Protea được chọn vì nó "biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp của vùng đất của chúng tôi, với ý nghĩa bông hoa to lớn mạnh mẽ chứa đầy mật ngọt này tượng trưng cho tiềm năng của Nam Phi là một quốc gia đang hướng tới sứ mệnh Phục hưng Châu lục đen".

Do có hình dạng và màu sắc phong phú, chi họ Proteas được đặt theo tên của vị thần Hy Lạp Proteus, người có thể tự thay đổi hình dạng. Tất cả các loài hoa Proteas, từ những bông Leucospermum "Spider" viền hồng tinh tế, cho đến Leucospermum "Flame Giant" khổng lồ màu đỏ lửa, đều có hoa nhọn như gai và thân gỗ dày có chứa mầm bên trong.

Những mầm cây ngủ yên này có thể không hoạt động dưới lòng đất trong nhiều thập kỷ, nhưng khi có đám cháy xảy ra, ngọn lửa sẽ kích thích chúng nảy mầm và tưng bừng sinh sôi nảy nở thành muôn vàn sắc màu rực rỡ.

Fynbos sinh trưởng theo phương thức kỳ lạ và chúng nhờ vào những đám cháy để sinh tồn. Những chồi non bắt đầu xuất hiện chỉ năm ngày sau khi đám cháy xảy ra. Ngày nay, đội tuyển Cricket của Nam Phi còn có biệt danh là Proteas do họ thường xuyên thi đấu bùng nổ quật cường sau khi bị dẫn điểm trước.

Những bông hoa bốc cháy

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Cape Floral Kingdom là một hệ sinh thái dễ dàng bùng cháy và cần được phóng hoả định kỳ từ 10 đến 20 năm một lần để hạt cây nảy mầm và để tiêu diệt các loài xâm thực không chịu được ngọn lửa.

Xưa kia, các đám cháy từng bùng lên hoàn toàn ngẫu nhiên trong mùa hè khô, nóng của vùng Cape Town. Ngày nay, hầu hết các 'đám cháy có kiểm soát' được chủ động lên kế hoạch tùy theo mục đích cần đạt được của các chuyên gia môi trường, và được khoanh vùng trong từng khu vực xác định trước.

Tro tàn từ những đám cháy này cung cấp trở lại khoáng chất và dưỡng chất cho đất để những lứa cây mới được phát triển tốt. Đám cháy đồng thời có tác dụng loại bỏ hầu hết các loài xâm thực, khiến nguồn nước và ánh sáng được tập trung phục vụ cho việc nảy mầm của các hạt cây fynbos.

Trải qua hàng triệu năm, fynbos đã sinh trưởng mạnh mẽ rộng khắp vùng đất cát khô cằn, tồn tại được qua bao mùa hè khô nóng và đầy gió với lượng mưa ít ỏi của Nam Phi. Điều này làm cho chúng trở thành thảm thực vật lý tưởng cho vùng Western Cape luôn có nguy cơ hạn hán.

Những nhà sinh vật học nổi tiếng từng đến nơi đây

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Charles Darwin, người tới thăm Nam Phi vào năm 1836, đã coi hình ảnh fynbos như điểm nhấn ấn tượng trong chuyến đi của mình.

Trong nhật ký, ông viết, "đất nước này rất hoang vắng; không có mấy chuyện thú vị, ngoại trừ niềm vui trước cảnh tượng của một thảm thực vật hoàn toàn mới lạ."

Sau khi nhà thực vật học vĩ đại người Thụy Điển Carl Linnaeus gọi Cape Floral Regions là 'thiên đường trên Trái Đất', hai nhà tự nhiên học khác là Anders Sparrman và Carl Peter Thunberg, đã đi vòng quanh Núi Bàn để thu thập các loài thực vật và gửi chúng trở lại cho Linneaus ở Thụy Điển.

Sparrman, vô cùng kinh ngạc trước sự phong phú đa dạng của khu vực sinh thái này, đã mô tả sự đốt cháy các loài fynbos: "Quả thực, mặt đất bị thiêu rụi như một cơ thể hoàn toàn trần trụi; nhưng chỉ là để ngay sau đó lại có thể xuất hiện trở lại trong một bộ cánh đẹp tuyệt vời hơn nhiều, bộ cánh ấy được trang trí với nhiều loại cỏ, thảo mộc và hoa lily lộng lẫy." Thunberg, được gọi là 'cha đẻ của thực vật học Nam Phi', là người đã phát hiện ra loài lan Disa được ưa chuộng.

Vương quốc động vật

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Quần thể thực vật fynbos là nơi trú ngụ của khoảng 320 loài chim, trong đó có chim hút mật ức cam (orange-breasted sunbird), một trong sáu loài chim đặc thù của khu vực.

Trong khi chim mái thường chỉ có màu xám nâu, thì chim trống lại đẹp long lanh; bộ lông óng ánh của anh chàng lấp lánh đủ màu đá quý: ngọc lục bảo, hồng ruby, xanh sapphire và màu vàng chanh. Khi hút mật từ hoa Proteas và Ericas, những chú chim nhỏ bé này bay lượn vòng vòng như chim ruồi hoặc đậu trên nhánh hoa.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Chuột dassie, hay còn gọi là chuột đá Rock Hyrax, được coi là linh vật không chính thức của vùng Núi Bàn. Mặc dù trông giống như chuột lang nhưng nó lại là họ hàng gần nhất với voi châu Phi.

Một số động vật có vú nhỏ như khỉ đầu chó và chó rừng jackal sống phụ thuộc vào fynbos.

Loài rùa mai mấu (geometric tortoise) rất hiếm cũng như loài ếch ma đang có nguy cơ tuyệt chủng của vùng Núi Bàn cũng phụ thuộc vào fynbos. Núi Bàn cũng là nơi cư trú của 22 loài rắn, trong đó năm loài có thể gây chết người và chỉ có 10 loài không có nọc độc.

Khủng hoảng thiếu nước

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Cape Town gần đây đã phải trải qua một trận hạn hán kéo dài nhiều năm, nên thảm thực vật fynbos đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn nguồn nước. Theo chuyên gia và hướng dẫn viên leo núi Dominic Chadbon, 20% lượng nước cư dân Nam Phi tiêu thụ được lấy nguồn từ vùng núi của Western Cape - bạn hình dung cứ trong 5 ly nước sử dụng thì 1 ly có được là nhờ fynbos.

Chadbon nói rằng ở những nơi núi được bao phủ bởi fynbos, có tới 80% lượng nước mưa chảy về tới hệ thống cấp nước của thành phố. Nhưng tại các khu vực mà fynbos đã bị thay thế bằng những loài cây xâm thực vốn đòi hỏi nhiều nước hơn, lượng nước mưa trên núi còn chảy về đến các hồ chứa của thành phố giảm mất hơn 60%.

Bị đe doạ

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Theo Quỹ bảo vệ Động vật hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund), có năm mối nguy cơ đe dọa chính đối với fynbos: đô thị hóa, các loài thực vật ngoại lai, hỏa hoạn bất thường, biến đổi khí hậu toàn cầu và các hình thức sản xuất nông nghiệp mới.

Dân số Cape Town tăng gần gấp đôi từ năm 1996 đến 2011, gây áp lực đáng kể cho cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên nước của thành phố.

Các loài thực vật ngoại lai cũng gây căng thẳng thêm đối với nguồn cung nước, vì chúng có xu hướng tiêu thụ nhiều nước hơn thảm thực vật bản địa.

Một trong những loài cây xâm thực tệ hại nhất là cây keo Úc, được mang đến vào Thế kỷ 19. Đây là loại cây trồng để lấy gỗ, giữ ổn định cho các đụn cát và cung cấp vỏ cây dùng cho ngành thuộc da. Thật không may, giống cây phát triển nhanh này đã dần dần đánh bật nhiều loài thực vật bản địa - bao gồm cả fynbos.

Các loài thực vật nhập khẩu khác, như thông và cây bạch đàn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các đám cháy mà fynbos cần, bởi chúng khiến những đám cháy nhỏ, lành mạnh bùng lên thành những trận hoả hoạn điên cuồng dữ dội, dẫn đến huỷ hoại cây cối. Mùa đông, thời tiết trở nên khô hơn, được cho là bởi nhiệt độ toàn cầu thay đổi, khiến các trận cháy rừng này xảy ra thường xuyên hơn, làm hỏng đất và tiêu diệt các fynbos đang từ từ mọc lên. Việc trồng nho để sản xuất rượu vang cũng khiến fynbos bị phá bỏ để nhường chỗ cho những vườn nho.

Những nỗ lực bảo tồn

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Để đối phó với các mối nguy cơ đe dọa hủy diệt hệ sinh thái fynbos, các nhóm hoạt động bảo tồn môi trường như Walker Bay Fynbos Conservancy và các hiệp hội do chính phủ tài trợ như Chương trình CAPE/ CAPE Programme đã cùng nhau cố gắng khôi phục và duy trì sự tồn tại lâu bền của thảm thực vật bản địa. Đến nay, CAPE Programme đã thành công trong việc bảo vệ hơn 20% quần thể thực vật fynbos và họ hy vọng sẽ bảo vệ được 30% tính đến năm 2028.

Một trong những bước đầu tiên trong việc bảo tồn fynbos là loại bỏ các loài thực vật ngoại lai xâm lấn cây cối bản địa. Các nhóm bảo tồn đã triển khai các chương trình để loại bỏ những loài cây ngoại lai và tìm cách ngăn ngừa sự tăng trưởng kinh tế vô trách nhiệm với môi trường cũng như tuyên truyền giáo dục cộng đồng trong các nỗ lực khôi phục và bảo tồn thiên nhiên bền vững.

Các sản phẩm làm từ Fynbos

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Trong thập kỷ qua, nhiều công ty địa phương đã bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng fynbos một cách bền vững.

Trước đây, một số loài fynbos như rooibos từng được sử dụng làm thức uống của người bản địa trong hàng trăm năm.

Ngày nay, fynbos có thể được tìm thấy trong mọi thứ, từ trà và mật ong đến mỹ phẩm và rượu. Trà Fynbos và mật ong fynbos có nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, có tác dụng trị ung thư.

Trà rooibos ngọt đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, mang hương vị fynbos được làm từ buchu, honeybush và hoa phong lữ có mùi hoa hồng. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng rooibos và honeybush có thể chứa các đặc tính chống ung thư.

Bà Jeanie McFarlane, người sáng lập thương hiệu Mayamara đã sử dụng tinh chất và dầu từ fynbos vào dòng mỹ phẩm Mayamara xa xỉ và dành một phần lợi nhuận của công ty để trồng 24.000 cây fynbos cùng hàng ngàn hạt giống trên đất của gia đình bà vào năm 2018.

Tại Công ty Woodstock Gin, chuyên gia chưng cất Simon Von Witt thêm vào rượu cả năm đến bảy loại hương vị fynbos khác nhau, như ông nói, "hương vị thảo mộc và một chút chanh cam quýt".

Một số loài fynbos mà ông sử dụng gồm có cây phong lữ hương hoa hồng, tạo thành "mùi hương như món bánh ngọt Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Delight vị hoa hồng dịu"; cây buchu, cho "mùi bạc hà nhẹ"; và rooibos, thứ đem đến "vị tanin khô rất đặc trưng, nhưng lại thoảng chút vị chanh cam quýt và thêm hương vị cay của thảo mộc rất dễ chịu".

Những kỳ quan nhỏ bé

Thomas Lewton Bản quyền hình ảnh Thomas Lewton

Nếu như Nam Phi nổi tiếng với những chuyến đi vào safari quan sát cuộc sống của năm loài động vật lớn, con mồi cho các cuộc đi săn, thì việc dạo bước giữa thảm thực vật fynbos lại cho ta thấy được cảnh huy hoàng của những thứ nhỏ xíu.

Cách hai giờ đi từ Cape Town, người đi bộ hiking sẽ có ba ngày đi trên đoạn đường mòn dài 26 km, Fynbos Trail, băng qua thảm thực vật ở vùng Overberg để ngắm nhìn hơn 800 loài fynbos dọc theo ven biển và triền núi. Đây là cơ hội để ta sống chậm lại và say sưa đắm mình trong sự đa dạng và vẻ đẹp vô tận của thiên nhiên.

Bao quanh Núi Bàn hùng vĩ và Mũi Hảo Vọng lộng gió là vương quốc hoa bốc cháy này, thứ luôn làm say lòng du khách với ống kính vạn hoa gồm những loài hoa quý hiếm, kỳ lạ, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn