Truyền thuyết về cổ sử và thái độ của chúng ta

Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Hai 201710:00 SA(Xem: 6574)
Truyền thuyết về cổ sử và thái độ của chúng ta

nam-viet

nước NAM VIỆT theo Lê Thành Khôi – Histoire du Viet Nam, des origins à 1858. Nxb Sud Est Asie, Paris 1982 và Le Viet Nam, Histoire et Civilisation. Nxb Minuit – Paris 1955.

Nguyễn Xuân Hưng

Nhân đọc bài báo dịch lại từ báo chí Trung Quốc nói về quan hệ Việt –Trung, tôi quan tâm đến đoạn nói về “truyền thuyết đẹp và các các hiểu khác nhau”. Đây quả là vấn đề đang tranh cãi, ngay cả bài học về lịch sử của Việt Nam hiện nay vẫn chưa lý giải thấu đáo. Tôi chỉ là một người công dân bình thường yêu sử học, tôi xin có ý kiến như sau:

Theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư, người Việt Nam ta tự nhận thuỷ tổ của mình là Kinh Dương vương, từ đó sinh ra Lạc Long Quân và lãnh thổ thời cổ của chúng ta “bắc giáp hồ Động Đình, Tây đến Ba Thục”. Phần cực bắc đó ngày nay nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.

Phải chăng điều đó nói lên rằng, chúng ta là từ người Trung Quốc sinh ra? Cách đặt vấn đề như vậy không đúng. Nói “người Trung Quốc” cũng không chính xác. Giờ đây, và từ thời cận đại, câu nói “người Trung Quốc” thường đồng nghĩa với từ “người Hán”.

Mặc dù có các triều đại ngoại tộc (Nguyên, Thanh), nhưng văn hoá Hán đã trở thành “sức mạnh mềm” đồng hoá những dân tộc khác trên lục địa Trung Quốc. Từ thượng cổ đến thời Xuân Thu, các dân tộc trên lục địa Trung Quốc thôn tính lẫn nhau, chinh phạt dẫn đến sáp nhập, chia tách. Trong biến động xã hội đó, các dân tộc Việt, gọi chung là Bách Việt cũng tham dự vào như một tất yếu lịch sử. Hiện nay, còn tồn tại nhiều chi tộc Việt vẫn có dáng dấp văn hoá ở các vùng Nam Trung Quốc, như Quảng Đông, Phúc Kiến… Đó là những chi tộc Việt như Bộc Việt, Mân Việt…một thời tồn tại cùng với Lạc Việt chúng ta. Như vậy, nói dân tộc Việt Nam xuất phát từ lục địa Trung Quốc thời cổ là đúng, và việc đó chỉ nói lên sức sống quật cường của người Lạc Việt, trong đó có việc giữ được văn hoá Việt, tiếng nói Việt, dù cho cương vực đất nước có thay đổi theo thời gian thì vẫn giữ được nước, tự hào là tên dân tộc vẫn gắn với quốc hiệu của nước mình.

Cho đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, thì văn hoá Hán vẫn chưa hoàn toàn áp đảo. Chỉ đến khi thất bại của nhà Sở, mà Hán mới bành trướng, áp đặt văn hoá Hán, chữ Hán cho các dân tộc khác.

Hệ luỵ của thắng lợi của Hán Cao tổ cũng ảnh hưởng lớn đến số phận của người Việt nói chung và người Lạc Việt nói riêng.

7110-2

về lãnh thổ nhà Hạ – Thương – Chu

7110-3

Nước Trung Hoa vào thế kỷ thứ IV – III ttl.-China’s Buried Kingdoms – 2003.

7110-3

Biên giới phỏng chừng của nhà Tần vào năm 221ttl.- Chronicle of the Chinese Emperors – Ann Paludan – 1998.

Điều này liên quan đến một vấn đề lịch sử của chúng ta, trong đó có thái độ nhìn nhận về nhà Triệu.

Như Đại Việt sử ký toàn thư viết rất rõ, cũng như các bộ sử Trung Quốc ghi lại. Tần Thuỷ hoàng lên ngôi, nhưng vẫn chưa bình định được các bộ tộc Bách Việt, ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh, gọi chung là phần đất Lĩnh Nam. Đó là phần lãnh thổ Nam Trung Hoa, đại lược là từ Quý Châu, Triết Giang, Phúc Kiến trở xuống. Như thế mới biết, lãnh thổ thời Tần của Trung Quốc thực chất là phần Bắc Trung Quốc mà thôi. Khi tướng của Tần chiếm Lĩnh Nam, Tần đặt thành 3 quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận, nằm ở khoảng Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ. Nam Hải (Quảng Đông) gồm 4 huyện, trong đó có huyện Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu bây giờ). Triệu Đà chỉ là một viên uý, làm huyện lệnh huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải. Khi nhà Tần mất, Hán -Sở mải tranh hùng, là lúc Triệu Đà nối cai trị Nam Hải, nổi lên làm chủ Lĩnh Nam, giết quan lại nhà Tần, ly khai với chính quyền Trung ương của nhà Tần.

Khi đó, trong phần đất Bắc Việt Nam bây giờ, tồn tại quốc gia Âu Lạc của người Lạc Việt do An Dương vương làm chủ. Cuộc xung đột giữa Triệu Đà và An Dương vương khiến Triệu Đà chinh phục được Âu Lạc, sáp nhập với phần đất 3 quận của Bách Việt, lập nên nước Nam Việt, lấy Phiên Ngung làm thủ đô.

Như vậy, việc Triệu Đà lập nên nước Nam Việt, là quốc gia độc lập của người Bách Việt ở phần đất phía Nam núi Ngũ Lĩnh, là một giai đoạn lịch sử đáng tự hào của người Việt, đã được lịch sử ghi nhận. Các sử gia phong kiến của nước ta luôn luôn coi Nam Việt là một phần lịch sử đất nước. Nguồn gốc nguời Hán của Triệu Đà không thể là một yếu tố kỳ thị, vì thực chất nhiều chi họ như Nguyên, Trần, Hồ từ phía Nam Trung Hoa di cư xuống Bắc Việt Nam, cũng sản sinh hậu duệ là những ông vua quật cường, có tinh thần độc lập dân tộc rất cao (nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ)

Quan niệm sáp nhập Âu Lạc và Bách Việt không thể được coi là Âu Lạc bị đô hộ. Bởi vì An Dương vương Thục Phán đã nhập Văn Lang với Tây Âu thành Âu Lạc cũng theo cách thức của Triệu Đà, tại sao chúng ta vẫn công nhận An Dương vương là vua của người Việt.

Có điều khác với An Dương vương, sau khi nhập Âu Lạc để thành lập nước Nam Việt, thì kinh đô của nhà Triệu đóng tại Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu) chứ không đóng tại phần đất của người Lạc Việt. Việc chọn kinh đô của nhà Triệu là thoả đáng, vì đó là trung tâm địa lý của nước Nam Việt, nước của các dân tộc Việt.

Các sử gia phong kiến của Việt Nam công nhận nhà Triệu là một phần của lịch sử đất nước, như vậy là thoả đáng, vì:

-Nhà Triệu là độc lập tự cường, đối lập với nhà Hán Trung Quốc. Những nỗ lực độc lập đó đã gián tiếp chống lại sự Hán hoá của nhà Hán với các dân tộc Việt.

-Nhà Triệu lập nên Nam Việt, quốc gia của những bộ tộc Việt trong Bách Việt.

-Công nhận nhà Triệu càng tỏ rõ khí phách của người Lạc Việt, từ đó thấy rõ sức sống mãnh liệt của người Lạc Việt. Chỉ có Lạc Việt còn giữ lại bản sắc của người Việt cổ đại, không hề bị đồng hoá. Hiện nay, người Trung Quốc vẫn gọi tiếng Quảng Đông là “Việt ngữ”. Văn hoá Việt sau này hoà lẫn vào văn hoá Hán, và người Hán được thừa hưởng nhiều từ nền văn hoá đa bản sắc của người Bách Việt.

-Do cách quan niệm như vậy, mà thời phong kiến, cho dù có ngoài mặt là phụ thuộc, nhưng thực chất nhà nước phong kiến Việt Nam vẫn tự hào là độc lập và là dân tộc duy nhất trong đại gia đình Bách Việt cổ giữ gìn được bản sắc Việt.

-Do quan niệm lịch sử liên tục như vậy, mà vua Quang Trung đã có ý định yêu sách đòi nhà Thanh trả đất Lưỡng Quảng cho ông. Ông mới là vua kế tục của nhà Triệu, nước độc lập cổ xưa của người Việt.

-Khởi nghĩa Hai Bà Trưng chắc chắn là cuộc kháng cự của người Việt trên phần đất Nam Việt cũ. Theo nghiên cứu của nhiều nhà sử học, người dân các tỉnh Nam Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam cũng đều có thờ Vua Bà. Việc dạy sử ở Việt Nam nói rằng, Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Bắc Việt Nam có lẽ là không chính xác.

Tóm lại: Với cách hiểu lịch sử về thời đại nhà Triệu như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào, đất nước tổ tiên của người Việt rộng lớn, mà nay phần lớn lãnh thổ đó đã bị nhà Hán xâm chiếm, bị Hán hoá. Và, người Việt Nam tự hào rằng, là dân tộc duy nhất trong các tộc Bách Việt giữ lại bản sắc văn hoá của mình.

Việc “phiên dịch” lịch sử như trên chắc chắn không có lợi cho chính sách Đại Hán bành trướng của Trung Quốc, mà chỉ có lợi cho niềm tự hào dân tộc Việt Nam. Chắc chắn Bắc Kinh rất sợ lập luận này. Phải chăng việc loại bỏ nhà Triệu, chỉ có lợi cho quan niệm rằng phần đất lưỡng Quảng đương nhiên thuộc về Trung Quốc, cố xoá nhoà giai đoạn thôn tính Bách Việt của nhà Hán. Các cụ sử gia của Việt Nam thời phong kiến, phải chăng đã công minh hơn những sử gia hiện đại bây giờ? Nguyễn Trãi trong Cáo Bình Ngô đã hào hùng tuyên bố “Từ Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần xây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương”

Việc thoái bỏ không chấp nhận Triệu Đà, thực chất là có lợi cho chính sách bành trướng của Trung Quốc, vì chưa bao giờ Triệu Đà và con, cháu nội của ông chịu công nhận lãnh thổ Nam Việt là của nhà Hán. Cũng như các triều đại sau này ở Việt Nam, có lúc triều đình Trung Quốc ngạo mạn chỉ phong cho các vua của ta là quận vương, quốc vương, thì không có nghĩa là đất đại của chúng ta thuộc về Trung Quốc.

Như vậy, người Việt Nam hoàn toàn có quyền và tự hào rằng, thuỷ tổ của chúng ta khởi phát từ Lĩnh Nam, ngày nay nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, qua biến chuyển của thời gian dằng dặc mấy nghìn năm, chúng ta vẫn giữ được bản sắc Việt và là dân tộc duy nhất trong đại gia đình Bách Việt không bị Hán hoá. Chúng ta không có tham vọng đòi lại lãnh thổ của tổ tiên, nhưng chúng ta ghi nhớ rằng, Nam Ngũ Lĩnh thời xa xưa trong truyền thuýết và Lưỡng Quảng “gần đây” theo lịch sử thành văn, vốn là một phần lãnh thổ của người Việt chúng ta.

Nguồn bài đăng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn