Ngũ hành và các triều đại trong lịch sử Việt Nam

Thứ Ba, 30 Tháng Tư 20197:00 SA(Xem: 5166)
Ngũ hành và các triều đại trong lịch sử Việt Nam

Có rất nhiều học giả phương Đông từng giải thích cặn kẽ ngũ hành ứng với tiến trình lịch sử và uyên nguyên của các triều đại Trung Hoa cổ đại. Nhưng với lịch sử Việt Nam thì liệu điều này còn đúng không?

Trước tiên chúng ta giới thiệu một chút về nguyên lý cơ bản của thuyết Ngũ hành. Ngũ hành là chỉ năm loại yếu tố cấu thành vật chất: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – Ngũ hành hình thành nên một loại tuần hoàn vòng đi vòng lại, giữa chúng còn tồn tại quan hệ tương sinh-tương khắc.

Ngũ hành và các triều đại trong lịch sử Việt Nam

Quan hệ sinh-khắc của Ngũ hành là ở gần thì tương sinh, cách một thì tương khắc. Cụ thể là Thủy sinh Mộc nhưng khắc Hỏa, Mộc sinh Hỏa nhưng khắc Thổ, Hỏa sinh Thổ nhưng khắc Kim, Thổ sinh Kim nhưng khắc Thủy, Kim sinh Thủy nhưng khắc Mộc.

Ngũ hành có “thiên, địa, nhân” – Hành của Thời Kỳ, Hành của Địa Phương phát sinh sự kiện, Hành của tên tuổi, xuất thân, số mệnh của nhân vật lịch sử. Ví dụ trong lịch sử Việt Nam, họ Lý, Trần là Mộc, họ Lê là Thủy. Ngũ hành cũng có tương ứng với phương hướng, hướng Đông – Mộc, hướng Tây – Kim, hướng Nam – Hỏa, hướng Bắc – Thủy, ở giữa – Thổ. Với Ngũ hành thì quyết định vẫn là Thiên Thời, phần Địa Lợi và Nhân Hòa chỉ là phụ.

Ngũ hành và các triều đại trong lịch sử Việt Nam
(Tranh minh họa)

Đối ứng Ngũ hành với sử Việt, chúng ta sẽ phát hiện thấy tất cả các triều đại chiến loạn, mất nước đều là thời đại thuộc Kim trong Ngũ hành: triều Ngô – loạn 12 sứ quân – triều Đinh (丁) đều thuộc Kim – 3 thời kỳ này tồn tại ngắn ngủi, chúng chỉ là sự kéo dài của 1000 năm Bắc thuộc, chưa tính là độc lập ổn định thật sự.

Tiền Lê (黎) là Thủy do Kim sinh. Sau đó là Thủy sinh Mộc: Lý, Trần thuộc Mộc. Triều Lý (李) – hành Mộc, triều Trần (陳) – Đông A – phía Đông là hành Mộc.

Bởi thuộc hành mộc nên hai triều Lý, Trần khá thịnh vượng. Thời Lý, Trần cũng là thời kỳ phát triển sản xuất rực rỡ, học thuật sôi nổi. Ấy cũng là ý nghĩa của Mộc. Lý, Trần đều thuộc Mộc nên sự chuyển đổi tương đối thuận lợi, không gây ra nạn binh đao.

Thời kỳ Hồ Quý Ly và mất nước vào tay nhà Minh là thuộc Kim. Hồ Quý Ly đặt đô ở Thanh Hóa, là thiên tượng nói rằng Trung Thổ sinh Kim, ông ta cũng gọi đích danh đó là Tây Đô – Tây là hành Kim.

Thời kỳ Kim chiến loạn mất nước, sau đó lại sinh ra Thủy – triều Hậu Lê.

Nhà Mạc (莫) là thuộc bộ Thảo, hành Mộc, nhưng chỉ là rong rêu nên hại Thủy được một chút chứ không dài lâu. Nhà Mạc cũng chỉ là mồi lửa cháy cho chiến loạn Kim nảy sinh mà thôi.

Tướng phục hưng nhà Lê là Nguyễn Kim (阮淦) – cái tên là chữ Thủy cạnh chữ Kim, hoàn toàn rõ ràng. Nhà Mạc cũng phải chạy lên phía Bắc – thuộc Thủy để nhờ Địa Lợi kéo dài sự sống thêm chút ít. Nhưng rồi cũng không kéo dài được lâu. Qua đó có thể thấy Địa không thể thắng Thiên.

Đến đời Lê Trung Hưng, Trịnh Nguyễn phân tranh là đã thuộc về hành Kim.

Tên của tất cả các chúa Trịnh đều có bộ Mộc, tên của tất cả các chúa Nguyễn đều có bộ Thủy.

Chúa Trịnh là Mộc áp bức vua Lê là Thủy, nhưng chúa Trịnh không chấm dứt chiến tranh Kim được. Nhân không thể thắng Thiên. Vì thế dù có vẻ Mộc thay thế Thủy (về lý thì triều đại Mộc ra đời thì triều Thủy bị thay thế) nhưng chúa Trịnh cũng không diệt chúa Nguyễn thống nhất đất đai được. Tương tự, chúa Nguyễn cũng vậy.

Tây Sơn hành Kim, Kim sinh Thủy nên cuối cùng cũng không chống lại dòng chúa Nguyễn (Thủy) được. Nguyễn Huệ định đặt đô ở Nghệ An – gọi là Trung Đô, nếu làm được thì chính là Trung Thổ sinh Kim, nhưng ông ta lại không làm được. Đó có thể coi là số trời.

Nhà Nguyễn là hành Thủy. Mà nước Pháp (法) thì chữ Pháp ấy có nghĩa là Khứ Thủy, lại có chữ Thổ ở trong – nên nhà Nguyễn mất về tay Pháp.

Nhật Bản là Phù Tang – cành dâu phía Đông – hành Mộc lấn Thổ nên Pháp thua Nhật.

Nhật thuộc Mộc đến cũng chỉ nhằm ám chỉ sau đó là thời Kim chiến loạn. Chính phủ Việt Nam thời kỳ này có thủ tướng tên là Trần Trọng Kim hẳn không phải ngẫu nhiên?

Đến đây là hết phần lịch sử Việt Nam cận đại xin mời độc giả theo đó tự diễn luận tiếp xem màn kịch nghìn năm này sẽ khép lại thế nào.

Lê Quang

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn