Nhà hát lớn Sài Gòn

Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 20194:00 SA(Xem: 4574)
Nhà hát lớn Sài Gòn

Trong số những công trình kiến trúc đặc thù Pháp quốc hơn trăm năm trước, Nhà hát lớn (Grand-Théâtre de Saigon) là hình ảnh tiêu biểu cho một Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông. Kiểu kiến trúc Nhà hát lớn theo lối Flamboyant, cửa chính mặt tiền nhà hát có vòm cong lõm với các bậc cấp đi vào tương tự như Viện Bảo tàng Nghệ thuật Petit Palais tại Paris xây cất cùng năm (1898). Công trình Nhà hát lớn do ba Kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret thực hiện đến năm 1900 thì khánh thành.

nha-hat-lon-sai-gon3
Nhà hát lớn Sài Gòn thuở trăm năm trước. Ảnh: bưu thiếp

Có lần tôi hỏi anh bạn lớn tuổi của tôi rằng anh từng đến Nhà hát lớn Sài Gòn hay từng có ấn tượng ra sao về một nhà hát có kiến trúc trang trí bên ngoài với các hình tượng rất đẹp của phương Tây này. Anh không kể ngay vào cái thời sinh viên của mình của cuối thập niên sáu mươi mà bắt đầu bằng những câu chuyện về cha anh thuở còn thanh niên với lý tưởng yêu nước. Lòng yêu nước của cha anh là đến xem một vở kịch thơ Đêm Lam Sơn do nhóm sinh viên từ Hà Nội vào Nhà hát lớn Sài Gòn trình diễn vào tháng 7 năm 1943. Vé ngồi vé đứng không còn chỗ, thậm chí nhiều người còn đứng bên ngoài không chịu về vì tiếc không còn vé.

Sài Gòn vào thời gian đó, người Nhật đã ép người Pháp cho họ vào Đông Dương, khởi đầu từ Hải Phòng rồi tiến vào Sài Gòn. Người Việt mình phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Tinh thần yêu nước của người Sài Gòn cũng bắt đầu ngày một mạnh hơn. Vở kịch Đêm Lam Sơn đã chạm đến ý thức đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp và Phát xít Nhật trong tình hình Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến giai đoạn quyết liệt hơn là sự thu hút của một thể loại sân khấu.

Người dân không chú ý nhiều đến các kiểu kiến trúc Tây trong thành phố, chỉ biết toà nhà này đẹp toà nhà kia thì trông bình thường chẳng gì nổi bật. Nhà hát lớn thành phố cũng vậy, đơn giản nó là một nhà hát phần đông ca hát cải lương thịnh hành lúc bấy giờ. Nhà hát thành phố một năm sau đó (1944) bị máy bay đồng minh đánh bom hư hại khá nhiều. Nhiều mảng trang trí phù điêu hình tượng bị tan nát. Sau đó chính quyền thành phố cho sửa chữa lại và ngưng hoạt động cho đến thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm biến thành Trụ sở Quốc Hội và sau này đến thời Đệ nhị Cộng Hoà, thành Trụ sở Hạ Nghị Viện. Tất cả tượng trang trí trên nóc, trên sảnh chính ra vào, tượng phù điêu trên các cửa hông, hoa văn trang trí trên tường đều được dỡ bỏ cho một công trình trang nghiêm mang chất chính trị.

nha-hat-lon-sai-gon2
Nhà hát lớn trở thành Quốc Hội thời TT Diệm. Nguồn: Manhhaiflicks

Nói riêng về nghề nghiệp, anh bạn tôi nguyên là kiến trúc sư, đúng ra là sếp nhỏ của tôi khi còn làm việc tại Viện Quy hoạch thành phố. Anh xem tôi như đứa em, tâm sự nhiều chuyện vui buồn nghề nghiệp hay thời cuộc được trưng dụng lại làm việc nhưng không đúng chuyên ngành thiết kế công trình của mình sau năm 1975. Nhà hát lớn thành phố, đối với anh đẹp và có ý nghĩa vào thời Pháp mới sang. Bắt tay vào quy hoạch Sài Gòn còn hoang sơ sau khi chiếm xong Nam Kỳ, người Pháp đã nghĩ ngay đến vấn đề giải trí cho binh lính viễn chinh mà thực chất là những sĩ quan, những chuyên gia quân sự cũng như dân sự có chỗ để thư giãn tinh thần. Lúc đầu, người Pháp cho dựng tạm sân khấu tại nhà gỗ của dinh Thuỷ sư đô đốc, sau đó dời sang vị trí khách sạn Caravelle một thời gian, rồi xây mới tại vị trí ngày nay theo đồ án quy hoạch Sài Gòn lúc đó do Hội đồng thành phố và ông Thị trường Paul Blanchy cho rằng Sài Gòn phải có một nhà hát tầm cỡ dùng cho hoạt động văn hoá.

Nhà hát lớn tiêu tốn kinh phí rất lớn cho việc xây dựng và trang trí nội ngoại thất, thuở đó đã lên hơn 2.5 triệu quan Pháp, khiến ngay cả 2500 cư dân người Pháp sinh sống tại Sài Gòn cũng phản ứng vì một công trình hao tốn của cải do cách trang trí quá phô trương rườm rà. Hơn nữa, những đoàn kịch hát mời từ Pháp sang Sài Gòn trình diễn tốn rất nhiều chi phí từ ngân sách thành phố. Trong khi đó, thời gian hoạt động của nhà hát rất ít, gây lãng phí; mỗi năm thỉnh thoảng hai ba đoàn hát mới sang Sài Gòn. Chính quyền thành phố từng có ý định chuyển thành nơi hoà nhạc nhưng cũng không thực hiện được. Sau đó, Hội đồng thành phố cho chỉnh trang, một vài mảng kiến trúc trang trí nhà hát lớn được gỡ bỏ. Chẳng hạn như tượng nữ thần nghệ thuật, các tràng hoa hồng được dỡ bỏ thay thế bằng kiểu trang trí đơn giản hơn.

Một trong những lý do khiến Nhà hát lớn không thu hút công chúng người Pháp và công chức trung lưu người Việt là thể loại kịch hát cổ điển Pháp không phù hợp thị hiếu ở Đông Dương, dân trung lưu ưa nhạc khiêu vũ. Những loại nhạc này thịnh hành và thường có ở các nhà hàng, hộp đêm sang trọng trong khắp thành phố. Người ta đến đây để thưởng thức rượu và các món ăn ngon, đồng thời lại được khiêu vũ giải trí một cách lãng mạn hơn là ngồi trong thính phòng nghe một vở kịch hát cổ điển. Tuy nhiên, những vở kịch hát này lại trở thành một ý tưởng sáng tạo mới cho lối ca cải lương ngày nay. Cụ Vương Hồng Sển đã viết trong Sài Gòn năm xưa: “Nhớ lại ngày 16-11-1918, có một nhóm ký giả già tổ chức tại rạp hát Tây đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) một buổi hát. Theo tôi, đó là buổi hát khởi đầu khiến người thuở ấy nảy ra ý nghĩ tiếp tục mãi, trình diễn và sửa đổi mãi và mở màn cho lối hát cải lương ngày nay”.

nha-hat-lon-sai-gon1
Cuộc họp quốc hội thời VNCH. Nguồn: Manhhaiflicks

Mặt khác, khi tôi đọc một tài liệu trích từ báo “La Vie Coloniale” năm 1909 ghi nhận cảm tưởng của ông bà Jottrand đến xem vở Opera Carmen như thế này: “Trong lúc hồi đầu (của vở Opera “Carmen”) được trình diễn thì một cơn mưa rào xảy ra, lớn đến nỗi hầu như người ta không nghe được hợp ca trong rạp. Nhưng may thay những trận mưa này tuy lớn nhưng thường thì cũng ngắn thôi; dầu vậy thì mùa xem hát rất là khó hòa giải được với mùa mưa”. Như thế thì xem ra phẩm chất công trình của một nhà hát hẳn có vấn đề cách âm. Có thể kỹ thuật cách âm ngày xưa còn kém trong khi mái mặt trước của nhà hát được lợp ngói Tây, mái bằng bên trên lại được lợp tôn mát. Tiếng mưa át tiếng hát trong thính phòng thì không thể chấp nhận được. Có lẽ, ông bà Jottrand quá xui đi xem hát gặp trận mưa lớn bất ngờ trút xuống mái tôn và xem đó là ấn tượng.

Sau năm 1945, Nhà hát lớn chuyên dành để hát cải lương, ca nhạc, hoặc tổ chức các buổi hội thảo. Đến năm 1954, nhà hát được trưng dụng làm nơi ở tạm cho một số thường dân Pháp di cư từ Hà Nội vào sinh sống tại Sài Gòn.

Ấn tượng của anh bạn tôi thời còn là sinh viên trường kiến trúc là nỗi thất vọng khi Nhà hát lớn sửa chữa lại sau khi bị máy bay đồng minh ném bom. Đến thuở thành niên của anh (1960) mái lợp của nhà hát vẫn bằng tôn sóng tròn, các trang trí cổ điển biến mất, bấy giờ dành làm trụ sở Quốc hội. Nhà hát lớn không còn nữa nhưng người dân vẫn gọi đó là Nhà hát lớn thành phố để ghi nhớ một công trình văn hoá nghệ thuật của Pháp, tuy rằng nó bị người Pháp sống ở Sài Gòn chê bai.

nha-hat-lon-sai-gon
Nhà hát lớn ngày nay đã được phục chế. Ảnh: Internet

Theo anh bạn, sở dĩ Nhà hát lớn được chọn trưng dụng làm Trụ sở Quốc hội thời VNCH là do nằm ở một vị trí đắc địa, ngay trung tâm Sài Gòn. Chung quanh được bao bọc bởi Công viên Lam Sơn và phía trước nhà hát có một quảng trường dành để diễn hành hay đậu xe hơi đi họp của các nghị sĩ. Nơi đây cũng diễn ra cuộc họp cuối cùng ngày 27/4/1975 của Tổng thống Trần Văn Hương với các nghị sĩ, tướng lãnh trao quyền cho tổng thống và thủ tướng mới trước khi Sài Gòn thất thủ. Sau năm 1975, Trụ sở Hạ nghị viện được trả lại cho việc tổ chức trình diễn nghệ thuật.

Rất may, anh bạn tôi là một trong những kiến trúc sư được chọn tham gia chỉnh trang và phục chế lại Nhà hát lớn Sài Gòn theo nguyên bản kiến trúc và trang trí từng có trăm năm trước. Công trình thực hiện vào năm 1998, phục hồi lại hai tượng thần nghệ thuật trước cửa ra vào, các dây hoa, hai cây đèn, các tượng đầu thần nghệ thuật liên kết với các tràng hoa. Tượng hai thiên thần dang cánh nâng cây đàn lyre trên vòm mái phía trước cũng như các tượng trang trí trên các cửa bên hông. Tuy vậy, nếu quan sát kỹ vẫn có một vài điểm trang trí khác biệt do nhóm thiết kế chủ tâm tiết giảm hay chỉnh sửa cho phù hợp. Chẳng hạn các tượng nhỏ ở đầu các cột dưới mái hay hoa văn hoạ tiết của ba cửa cái ở tầng trên. Các phần còn lại hầu như thực hiện theo mô hình từ tài liệu thu thập và lưu trữ bên Pháp.

TN

Fort Worth, TX

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn