Phi vụ ám sát Hitler: Bất thành nhưng được Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là "anh hùng"

Thứ Ba, 16 Tháng Tư 20197:00 CH(Xem: 2624)
Phi vụ ám sát Hitler: Bất thành nhưng được Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là "anh hùng"

Âm mưu ám sát Hitler

Với mưu đồ thống trị thế giới bằng chủ nghĩa phát xít tàn bạo, Adolf Hitler đã tuyên chiến không chỉ với giới chính trị và quân sự khắp châu Âu, mà còn gieo vào lòng chính người dân Đức thời đó nỗi căm hờn khôn xiết. Nhiều âm mưu ám sát đã được dàn dựng công phu nhắm vào kẻ độc tài khét tiếng này trong suốt thời gian hắn cầm quyền.

Nhiều người hẳn đã nghe đến vụ ám sát nổi tiếng của đại tá Claus von Stauffenberg vào năm 1944. Nhưng ít ai biết rằng ngay từ thời điểm Thế chiến thứ 2 mới bùng nổ, vào năm 1939, đã có một kế hoạch tài tình không kém được thực hiện bởi một người dân bình thường với mong muốn cứu cả thế giới khỏi thảm họa chiến tranh.

Ngày 8 tháng Mười một năm 1939, Hitler có một buổi phát biểu tại một quán bia ở Munich. Đó là sự kiện thường niên mà Đức Quốc xã dùng để gợi nhắc lại thời kì khó khăn của mình hồi những năm 1920. Và trong bài diễn thuyết lần này, Hitler đã giễu cợt các quốc gia chống đối cũng như huênh hoang về những chiến thắng bước đầu của mình trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Phi vụ ám sát Hitler: Bất thành nhưng được Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là anh hùng - Ảnh 1.

Nguồn: BBC

Nhưng có một điều mà cả Hitler lẫn các khán giả trung thành của Đức Quốc xã lúc ấy đều không thể ngờ đến: Chỉ cách chỗ nhà độc tài kia đang đứng vài bước chân, một quả bom đang chuẩn bị phát nổ.

Tiếng tích tắc của nó được cẩn thận che giấu bằng lớp vỏ bọc dày bên ngoài. Không ai nhận ra mối hiểm họa. Hitler bắt đầu bài diễn thuyết vào đúng thời điểm như mọi năm, nhưng lần này vì nôn nóng muốn trở về Berlin để gặp ban tham mưu của mình, hắn đã kết thúc và rời đi sớm hơn thường lệ.

Và đó là điểm mấu chốt làm thay đổi toàn bộ câu chuyện. Chỉ mười ba phút sau, quả bom phát nổ khiến tám người thiệt mạng và gây hư hại nghiêm trọng về vật chất. Trần nhà đổ sập ngay tại chỗ mà Hitler vừa đứng trước đó.

Phi vụ ám sát Hitler: Bất thành nhưng được Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là anh hùng - Ảnh 2.

Nguồn: BBC

Vậy ai là tác giả của phi vụ động trời này, và nó đã được thực hiện khéo léo ra sao?

Trong lúc tờ báo Voelkischer Beobachter thân Quốc xã gọi vụ thoát chết này của Hitler là "thần kỳ", thì chỉ không lâu sau thời điểm xảy ra vụ nổ, Gestapo (cơ quan mật vụ của Đức Quốc xã) đã bắt giữ một người đàn ông tên Georg Elser đang cố gắng vượt biên sang Thụy Sĩ cùng với những vật chứng không thể chối cãi mang theo bên mình. Và đó là lúc toàn bộ bí mật về vụ ám sát được đưa ra ánh sáng khiến Gestapo cũng phải sửng sốt.

Georg Elser là một người Đức chính gốc thuộc tầng lớp lao động, và dù có chút quan hệ với một nhóm đảng viên cộng sản nhưng anh không tham gia công khai vào hoạt động chính trị. Tuy vậy theo nhà sử học Roger Moorhouse, tác giả cuốn sách Killing Hitler, thì Elser "cảm nhận sâu sắc về công lý" khi anh lo ngại trước những vấn đề mà tầng lớp công nhân phải đối mặt dưới sự cai trị của chế độ độc tài.

Khi Đức Quốc xã vươn lên lớn mạnh, Elser bắt đầu tỏ ra phản đối bằng những hành động đơn giản như không chịu "ngoan ngoãn" lắng nghe những bài diễn thuyết của Hitler được đưa tin rộng rãi. Và sau sự kiện Đức Quốc xã thôn tính Áo và Tiệp Khắc vào cuối những năm 1930, anh lại lo lắng về tâm địa hiếu chiến của Hitler.

Theo bản ghi chép cuộc thẩm vấn của Gestapo được phát hiện vào những năm 1960, Georg Elser đã bắt đầu biết sử dụng các loại chất nổ khi còn là nhân viên của một công ty sản xuất vũ khí gần vùng quê Swabia của mình.

Sau đó anh chuyển sang làm việc tại quán bia Buergerbraeuhaus tại Munich, chính là địa điểm diễn ra buổi diễn thuyết thường niên của Hitler. Đó là nơi mà tay nghề làm mộc của anh "có đất diễn" khi được kết hợp với tinh thần đấu tranh cho lẽ phải. Elser đã bắt đầu lên kế hoạch ám sát Hitler từ một năm trước đó, khi nhận ra sự cai trị của kẻ độc tài này tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh.

Suốt hơn 30 đêm, Elser đến quán ăn tối thật trễ và nấp lại khi quán đóng cửa để "làm việc" vào lúc mọi người đều đã ra về. Anh đục một hốc chứa bom trên cây cột gần sân khấu phát biểu, và cẩn thận để không gây ra bất kì tiếng động nào.

Vì ngay cả âm thanh nhỏ nhất cũng sẽ gây động trong đêm tối tĩnh mịch, nên anh phải canh thời gian sao cho những công việc gây ồn nhất trùng với tiếng xả nước tự động cách nhau mỗi 10 phút của nhà vệ sinh trong quán. Ngoài ra mọi vết bụi gỗ cũng phải được dọn sạch để tránh nguy cơ bị phát hiện.

Kế hoạch diễn ra thuận lợi khi Elser đã cài bom thành công mà không ai hay biết. Nhưng một chút không may ngoài dự tính đã phá hỏng tất cả. Chỉ đúng 13 phút đồng hồ mà thôi.

Đơn thương độc mã vì lẽ phải

Suốt nhiều thập kỉ sau đó, Elser luôn bị nghi ngờ là có liên quan đến những tổ chức lớn, như mật vụ Anh chẳng hạn. Nhưng sự thật lại đơn giản hơn nhiều, và Georg Elser vẫn chỉ là một người dân bình thường, đơn thương độc mã chiến đấu cho lẽ phải mà thôi. Dù biết quả bom của mình có thể sẽ giết hại nhiều người khác ngoài Hitler, nhưng anh vẫn làm vì "muốn ngăn đổ máu thêm nhiều hơn nữa".

Sau khi bị bắt giữ, Elser đã được giam tại một trại tập trung trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh, và rốt cuộc chỉ bị hành quyết vào năm 1945. Gia đình anh cũng bị trục xuất khỏi địa phương nơi sinh sống như một hình phạt dành cho những người chống Đức Quốc xã.

Phi vụ ám sát Hitler: Bất thành nhưng được Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là anh hùng - Ảnh 4.

Về sau, Georg Elser được Thủ tướng Đức Angela Merkel ghi nhận là "anh hùng của phong trào chống Đức Quốc xã". Ảnh: German Resistance Memorial Center

Về phần Hitler, hắn đã sống sót để tiếp tục đưa nước Đức vào thảm họa chiến tranh và gây ra tội ác diệt chủng đối với người Do Thái. Có thể đế chế của Quốc xã sẽ vẫn tồn tại khi thiếu vắng Hitler, ít nhất là trong ngắn hạn dưới sự dẫn dắt của các nhân vật lãnh đạo dưới trướng hắn, nhưng các sử gia đều tin rằng nếu vụ ám sát năm 1939 thành công, thì chiến tranh có thể đã được rút ngắn bớt và người Do Thái đã không bị thảm sát đau thương đến vậy.

Dù kế hoạch thất bại nhưng hành động quả cảm của Georg Elser vẫn đáng được ngợi ca cho đến tận ngày hôm nay. Đạo diễn Oliver Hirschbiegel, được biết đến với các tác phẩm Downfall (2004) và Diana (2013) đã thực hiện một bộ phim lấy cảm hứng từ 13 phút định mệnh của Elser và đã công chiếu tại Đức vào năm 2015.

Johannes Tuchel, người viết tiểu sử về Elser kiêm giám đốc Trung tâm Tưởng niệm Kháng chiến của nước Đức tại Berlin, hi vọng bộ phim sẽ giúp đưa câu chuyện đầy ý nghĩa này đến với đông đảo khán giả hơn, bởi Elser "là người mà trong thời kì đen tối của nước Đức đã cho chúng ta thấy rằng không phải người Đức nào cũng theo phe Đức Quốc xã."

Nhưng sự tưởng thưởng lớn nhất dành cho Georg Elser có lẽ là việc Thủ tướng Đức Angela Merkel vào năm 2014 đã ghi nhận anh là anh hùng của phong trào chống Đức Quốc xã, và là người "tự mình nỗ lực đứng lên… để cố gắng ngăn chặn cuộc chiến."

Bài viết sử dụng nguồn: BBC

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn