Hồ nước ở nơi tận cùng thế giới

Thứ Sáu, 22 Tháng Ba 20199:00 CH(Xem: 4725)
Hồ nước ở nơi tận cùng thế giới
bbc.com

Hồ nước ở nơi tận cùng thế giới

Tara Isabella Burton BBC Travel

Lake Bohinj Bản quyền hình ảnh Thinkstock

“Chúng tôi ở Slovenia có câu châm ngôn,” Grega Silc, hướng dẫn viên du lịch của Hike&Bike Slovenia, nói khi chúng tôi đang đạp xe xung quanh núi. “Ở Bohinj, chúng tôi đi sau thế giới một, hai ngày.”

Cách ly hoàn toàn

Silc cười toe. Một hai ngày thì có sao. Sự tụt hậu đã từng tệ hơn thế nhiều.

Trong hàng trăm năm, các ngôi làng chăn cừu và dân xung quanh hồ nước đóng băng Bohinj bị cách ly hoàn toàn với phần còn lại của Slovenia bởi đường sá rất tệ và địa hình hiểm trở.

Những ngôi làng này quần tụ dưới chân dãy núi Julian Alps. Để đến được Ukanc, một xóm nhỏ nằm ở phía bên xa nhất của hồ mà tên của nó dịch ra là ‘nơi tận cùng thế giới’, có thể phải mất hàng tuần.

Wooden houses make Bohinj feel timeless Bản quyền hình ảnh Thinkstock

Tuy nhiên, vào năm 1906, trong thời kỳ suy tàn của Đế chế Áo-Phổ, người ta đã phá núi làm đường hầm và một tuyến đường sắt được xây dựng để kết nối thành phố khai mỏ Jesenice ở phía bắc với hải cảng Trieste nằm trên bờ biển Adriatic nằm về phía nam đế chế hùng mạnh một thời này.

Mặc dù vùng Bohinj đã trở nên ít cách biệt hơn về mặt địa lý, nhưng sau đó nó lại trải qua hàng chục năm trở thành một phần lãnh thổ của nước Nam Tư cộng sản. Chính vì vậy, nó bị cách biệt chính trị với phần còn lại của châu Âu.

Mặc dù Slovenia đã giành được độc lập vào năm 1991 và gia nhập khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Eurozone, vào năm 2007, quá khứ vẫn còn có ảnh hưởng sâu đậm và nhịp sống chậm rãi vẫn được duy trì.

Ở đây, giữa những căn nhà gỗ và những vựa cỏ khô của những ngôi làng thưa thớt nằm rải rác ở vùng Bohinj, người ta dễ nghĩ rằng đế quốc Áo-Phổ chưa từng sụp đổ.

Những người chăn cừu và chăn bò vẫn đi lên đỉnh núi Vogel để chăn thả gia súc. Và vào mỗi tháng Chín, dân làng vẫn tổ chức ăn mừng ngày trở lại bên bờ hồ với các điệu nhảy và bài hát dân gian.

Mặt hồ tĩnh lặng

Vào một ngày mùa xuân khi mà tôi cùng Silc đạp xe qua nơi này, chúng tôi chỉ nhìn thấy một hay hai người.

Mặt hồ tĩnh lặng đến nỗi khó mà nói được rặng núi phủ rừng thông kết thúc ở đâu và hồ nước bắt đầu ở đâu. Một bầu không khí yên lặng bao trùm.

Ở làng Ribčev Laz, chúng tôi tạm nghỉ chân và đứng ở mép hồ cạnh nhà thờ St. John the Baptist màu sữa.

“Một điều bí ẩn,” Silc nói. Không ai biết được chính xác nhà thờ có từ lúc nào – nó được xây dựng vào khoảng trước thế kỷ 15 – và không ai biết được ý nghĩa của những bức tranh tường bên trong: một con quỷ ngồi trên vai.

Tuy nhiên, như lời Silc giải thích thì việc giáo lý của đạo Thiên chúa pha trộn cùng với tín ngưỡng dân gian ở một nơi cách biệt trong suốt chiều dài lịch sử như Bohinj cũng là điều bình thường.

Nằm ở phía bên kia hồ là một bức tượng đồng Zlatorog sậm màu mảnh khảnh, tức Sừng Vàng, con hươu huyền thoại được tin là đã bảo vệ cho rặng núi xung quanh hồ. Dưới ánh nắng ban trưa, nó trông gần giống như thật.


Nằm cách nhà thờ 20 phút đạp xe, ‘Cầu Quỷ’ bắc ngang qua một vực sâu hun hút.

Theo truyền thuyết thì Quỷ dữ đã xây dựng cây cầu này để đổi lấy linh hồn của người đầu tiên bước qua cầu. Tuy nhiên, những người dân làng khôn ngoan đã đã đánh lừa nó khi cho một con chó qua cầu.

Đây là một vùng đất thấm đẫm các truyền thuyết. Đó là nơi mà trí tưởng tượng của con người bay bổng nhất.

Chúng tôi tiếp tục đạp xe xuyên qua làng.

Những đồng cỏ trên núi điểm xuyết những bông hoa dại và những rừng cây đan vào nhau trên đầu. Màu trắng của mây, tương phản với màu trời xanh, nhạt nhòa dần trước những đỉnh núi tuyết. Tôi nghĩ đây là nơi mà bạn có thể quên hết mọi nơi khác trên đời.

Đỉnh núi phủ tuyết

“Nữ văn sĩ Agatha Christie đã từng đến đây,” Silc nói với tôi một cách đầy tự hào. “Nhưng bà không lấy nơi đây làm bối cảnh cho bất kỳ tác phẩm nào của bà. Bà ấy nói nơi này quá đẹp nên không thể làm bối cảnh cho các vụ sát nhân.”

Christie không phải là nhà văn duy nhất bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của Bohinj. Triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre là người thường xuyên đến Ukanc. “Một người theo chủ nghĩa hiện sinh đến nơi tận cùng thế giới. Cũng hợp lý chứ nhỉ,” Silc nói.

Chúng tôi dừng lại dưới chân núi Vogel nơi có một khu trượt tuyết theo mùa. Chúng tôi đi cáp treo lên đỉnh. Một bảng hiệu so sánh thời gian chờ đợi hiện tại – 15 phút – so với sáu tiếng đồng hồ dưới chế độ cộng sản khi mà cơ sở vật chất hạn chế và hàng người xếp hàng vào lúc bình minh với hy vọng được đi lên và đi xuống núi.

Khi chiếc cáp treo đi lên cao, những cánh rừng nhường chỗ cho những vách núi trơ trọi.

Silc chỉ cho tôi thấy một con sơn dương giống như một con dê đang nhảy qua rãnh tuyết. Mùa xuân hay mùa hè không hề tồn tại ở đỉnh núi Vogel. Trong khi ở hồ nước dưới kia có người đang bơi thì trên này, tuyết phủ trắng xóa đến tận chân trời.

Chúng tôi ngồi bên trong căn nhà gỗ ở đỉnh của cáp treo, ngồi quây quanh nồi bắp cải hầm với xúc xích và đậu hạt. Silc chạy đến chỗ hai người bạn cũng là hướng dẫn viên du lịch đang dựa đầu vào tường chợp mắt trong khi khách của họ đi dạo xung quanh núi.

“Cuộc sống thật vất vả,” một người trong số họ nháy mắt với tôi. “Tôi sẽ bỏ nghề. Tôi sẽ quay lại làm việc trong nhà máy.”

Vùng Bohinj chỉ cách thủ đô Ljubljana của Slovenia có một giờ đồng hồ, nhưng chúng tôi như đứng giữa chốn hư vô. Thật là kỳ diệu!

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn