Nền văn minh của chúng ta tồn tại đến khi nào

Thứ Sáu, 22 Tháng Ba 20191:00 SA(Xem: 5659)
Nền văn minh của chúng ta tồn tại đến khi nào
bbc.com
Luke Kemp Đại học Cambridge

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Trong bài Vì sao các nền văn minh vĩ đại lại sụp đổ, chúng ta đã biết rằng các vấn đề thay đổi khí hậu, môi trường suy thoái, bất bình đẳng và chế độ tập trung quyền lực vào tay một số ít người, tình trạng phức tạp và quan liêu của xã hội, các tác động ngoại cảnh và vận rủi hoặc những yếu tố ngẫu nhiên khác là những yếu tố tác động lớn nhất, dẫn đến sự sụp đổ của một nền văn minh.

Chúng ta có thể xem xét, đánh giá các chỉ dấu cho thấy những mối nguy hiểm này, để biết liệu nền văn minh hiện nay của chúng ta sẽ phát triển hay sẽ lụi tàn.


Dưới đây là bốn trong các chỉ dấu, được tính toán dựa trên vài thập kỷ qua:

Nigel Hawtin Bản quyền hình ảnh Nigel Hawtin

Nhiệt độ là một chỉ dấu rõ ràng về tình trạng thay đổi khí hậu, GDP thì đại diện cho sự phức tạp trong xã hội, còn dấu vết chúng ta lưu lại trong hệ sinh thái là một chỉ dấu về sự suy thoái của môi trường. Mỗi chỉ dấu này hiện đều có xu hướng tăng lên nhanh chóng.


Sự bất bình đẳng thì khó tính toán hơn. Biện pháp điển hình vốn được dùng để đo lường mức độ bất bình đẳng trong xã hội là Chỉ số Gini, hiện cho thấy tình trạng bất bình đẳng có giảm nhẹ trên toàn cầu (tuy tại một số quốc gia thì tăng).

Tuy nhiên, Chỉ số Gini có thể gây hiểu sai, bởi nó chỉ đo lường những thay đổi có liên quan tới thu nhập. Nói cách khác, nếu hai cá nhân, một người kiếm được 1 đô la và một người kiếm được 100 ngàn đô la, cùng tăng gấp đôi thu nhập, thì Chỉ số Gini sẽ không thể hiện sự thay đổi trong vấn đề bất bình đẳng. Tuy nhiên, trong ví dụ này thì khoảng cách bất bình đẳng giữa hai cá nhân đã tăng từ 99.999 đô la lên tới 199.998 đô la.

Vì lý do này mà tôi cũng đã mô tả về tình trạng phân chia thu nhập trong số 1% những người giàu nhất thế giới. Số 1% này đã tăng phần thu nhập của họ trong tổng thu nhập toàn cầu từ khoảng 16% vào năm 1980 lên tới trên 20% ngày nay.

Điều quan trọng là sự bất bình đẳng giàu nghèo thậm chí còn đang trở nên tồi tệ hơn. Tổng số tài sản mà nhóm 1% giàu nhất thế giới nắm giữ đã tăng mạnh, từ 25-30% trong thời thập niên 1980 lên khoảng 40% trong năm 2016.

Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn nữa do các số liệu chính thức không bao gồm khối tài sản và các khoản thu nhập được chuyển tới các thiên đường thuế ở nước ngoài.

Các nghiên cứu cho thấy EROI đối với các nguồn năng lượng hoá thạch đã giảm xuống đều đặn qua năm tháng, bởi các nguồn trữ lượng dễ tiếp cận nhất, nhiều nhất nay đã bị khai thác cạn kiệt.

Thật không may là hầu hết các nguồn năng lượng thay thế thuộc dạng có thể tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, lại có mức EROI thấp hơn một cách đáng kể, chủ yếu là do mật độ tập trung năng lượng của chúng, do chi phí cần thiết để có các kim loại đất hiếm cần có cũng như quá trình sản xuất cần thiết để biến chúng thành dạng năng lượng sử dụng được.

Điều này dẫn tới cuộc tranh luận về nguy cơ dẫn đến "bờ vực năng lượng" do EROI giảm xuống tới điểm mà các cấp độ sử dụng năng lượng trong xã hội như hiện thời sẽ không còn có thể tiếp tục duy trì được nữa.

"Bờ vực năng lượng" không nhất thiết sẽ dẫn tới giới hạn cuối cùng, nếu như các công nghệ về năng lượng tái tạo tiếp tục được cải thiện, và các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả được triển khai nhanh chóng.

Các biện pháp chống đỡ, phục hồi

Có một tin dẫu sao cũng khiến ta yên tâm phần nào. Đó là khả năng phục hồi của xã hội có thể sẽ làm trì hoãn, thậm chí ngăn chặn được tình trạng sụp đổ.

Ví dụ như "sự đa dạng kinh tế" toàn cầu - là biện pháp đo lường mức đa dạng và phức tạp trong việc xuất khẩu của một quốc gia - trong thời nay là cao hơn so với hồi thập niên 1960 và 1970, theo cách tính toán của Chỉ số Mức độ Phức tạp Kinh tế (Economic Complexity Index - ECI).

Các quốc gia ngày nay nhìn chung ít dựa vào những loại hình xuất khẩu đơn lẻ hơn so với trước.

Chẳng hạn như một quốc gia đã đa dạng hoá tới mức không chỉ xuất khẩu hàng nông sản nhiều khả năng sẽ chống đỡ được tình trạng suy thoái môi trường hoặc việc mất đi các đối tác thương mại một cách dễ dàng hơn.

ECI cũng đo lường cả cường độ xuất khẩu tri thức. Những xã hội với dân số có trình độ sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn khi xảy ra các cuộc khủng hoảng.

Tương tự, sáng chế - là yếu tố được đánh giá dựa trên các phát minh, sáng chế được đưa ra ứng dụng tính trên đầu người - cũng đang tăng lên. Về lý thuyết, một nền văn minh sẽ ít rơi vào tình trạng mong manh dẫn đến sụp đổ hơn, nếu như các công nghệ mới có thể được áp dụng để ngăn cản các áp lực như tình trạng thay đổi khí hậu.

Sự "sụp đổ" cũng có thể xảy ra mà không cần có tình trạng bạo lực nào tác động tới. Trong một số trường hợp, các nền văn minh chỉ đơn giản là nhạt nhoà dần rồi biến mất.

Thế nhưng khi nhìn đến tất cả những lần sụp đổ đã xảy ra và các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trở lại, thông điệp được đưa ra là rất rõ ràng: chúng ta không thể / không nên tự mãn.

Có một số lý do khiến ta có thể thấy lạc quan, đó là chúng ta có khả năng sáng tạo và đa dạng hoá để tránh được thảm hoạ.

Quả là thế giới vẫn đang xấu đi trong một số mảng vốn đã góp phần tạo ra sự sụp đổ của các xã hội trước đây. Khí hậu đang thay đổi, khoảng cách giàu nghèo đang tăng thêm, thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, và những đòi hỏi của chúng ta đối với môi trường đang vượt quá khả năng đáp ứng của Trái Đất.

Cầu thang tồi

Như thế vẫn chưa phải là tất cả. Đáng lo ngại là thế giới giờ đây đang ngày càng đan xen lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn.

Trước đây, sự sụp đổ chỉ gói gọn trong các khu vực - là sự thụt lùi tạm thời, và con người thường dễ dàng quay trở lại đời sống nông nghiệp hoặc săn bắn hái lượm. Với nhiều người, điều đó thậm chí còn là sự chậm lại đáng mừng so với tình trạng phải chịu sự áp chế, kiềm toả của nhà nước thời kỳ đầu. Hơn nữa, những loại vũ khí có trong thời kỳ bất ổn xã hội cũng còn sơ sài: dao kiếm, cung tên, và thảng hoặc có súng đạn.

Ngày nay, sự sụp đổ xã hội gây tác động ở quy mô to lớn hơn thế nhiều. Vũ khí mà một quốc gia có thể có được, thậm chí là các nhóm, tổ chức nào đó có thể có được trong bối cảnh xã hội tan rã thời hiện đại gồm từ chất độc sinh hoá cho tới vũ khí hạt nhân.

Những công cụ bạo lực mới, như vũ khí giết người tự động, có thể sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Con người đang ngày càng trở nên chuyên môn hoá hơn, trở nên xa lạ hơn với việc trồng trọt, làm ra lương thực thực phẩm và làm ra những đồ vật thiết yếu phục vụ cuộc sống căn bản. Một cú thay đổi khí hậu nghiêm trọng có thể sẽ khiến chúng ta không thể quay trở lại thực hiện những kỹ năng đơn giản của nghề nông.

Hãy nghĩ về một nền văn minh như một chiếc thang được làm rất tồi. Khi bạn leo lên, mỗi bậc bạn bước lên sẽ rớt xuống. Nếu rớt xuống từ độ cao mới chỉ là vài nấc thang ngang thì sẽ không sao. Nhưng càng trèo lên cao, độ cao rớt xuống càng lớn. Cuối cùng, một khi bạn leo lên tới một độ cao nhất định thì cú rớt xuống dứt khoát sẽ là cú ngã trí mạng gây chết người.

Với sự phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng ta có lẽ đã đạt tới điểm "tốc lực tối đa" của nền văn minh. Bất kỳ cú sụp đổ nào - bất kỳ cú ngã nào từ chiếc thang xuống - đều có nguy cơ trở thành cú sụp đổ vĩnh viễn, không thể gượng lại.

Bản thân chiến tranh hạt nhân có thể tạo ra mối đe doạ về sự sinh tồn: loài người hoặc sẽ tuyệt chủng, hoặc sẽ thụt lùi trở lại Thời Đồ đá.

Trong lúc chúng ta đang trở nên ngày càng mạnh mẽ về kinh tế và về sức bền chịu đựng, năng lực công nghệ của chúng ta cũng tạo thành những mối đe doạ không tiền khoáng hậu mà không nền văn minh nào từng có.

Chẳng hạn như những thay đổi khí hậu mà chúng ta đang phải đối diện thì có bản chất khác với lần thay đổi khí hậu lớn vốn đã xoá sổ nền văn minh Maya hay Anazasi. Chúng có tính toàn cầu, do con người gây ra, xảy ra nhanh chóng hơn, và nghiêm trọng hơn.

Những thứ hỗ trợ cho quá trình tự làm mình tàn lụi của chúng ta không phải là đến từ những vị láng giềng thù nghịch, mà từ sức mạnh công nghệ của chính chúng ta. Sự sụp đổ, trong trường hợp nền văn minh đương đại của chúng ta, có thể là một cái bẫy từ từ sập xuống.

Sự sụp đổ của nền văn minh chúng ta không phải là điều không thể tránh khỏi. Lịch sử nói rằng nó nhiều khả năng sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có lợi thế độc đáo là khả năng học hỏi từ những đống đổ vỡ của các xã hội trước kia.

Chúng ta biết mình cần phải làm gì: giảm bớt khí thải, cân bằng tình trạng bất bình đẳng, đảo ngược lại tình trạng suy thoái môi trường, khuyến khích sáng tạo công nghệ và đa dạng hoá các nền kinh tế.

Các đề xuất chính trị đã được đưa ra, nhưng quyết tâm chính trị thì chưa có.

Chúng ta cũng có thể đầu tư vào việc phục hồi.

Đã có những ý tưởng được phát triển rất tốt về việc cải thiện khả năng các hệ thống lương thực và tri thức để chúng ta có thể hồi phục sau thảm hoạ.

Tránh tạo ra những công nghệ nguy hiểm và dễ dàng tiếp cận được cũng là điều quan trọng. Những bước đi đó sẽ làm giảm bớt nguy cơ không thể đảo ngược viễn cảnh sụp đổ trong tương lai.

Chúng ta chỉ đi đến tình trạng sụp đổ nếu như chúng ta cố tình nhắm mắt làm ngơ. Chúng ta chỉ bị đẩy đến gần ngày tận thế nếu như chúng ta không muốn lắng nghe quá khứ.

Luke Kemp là nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu về sự sinh tồn của các xã hội, Centre for the Study of Existential Risk, tại Đại học Cambridge.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn