Ngày Này Năm Xưa: 12/12/1987: Mỹ kêu gọi Tây Âu tăng chi tiêu quốc phòng

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai 20174:44 SA(Xem: 5042)
Ngày Này Năm Xưa: 12/12/1987: Mỹ kêu gọi Tây Âu tăng chi tiêu quốc phòng

12-2

Nguồn: Shultz calls on European allies to increase defense spending, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1987, trong chuyến thăm chính thức đến Đan Mạch, Ngoại trưởng Mỹ, George Shultz, đa đưa ra một tuyên bố kêu gọi các đồng minh NATO của Mỹ ở Tây Âu tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng của họ. Shultz thẳng thắn thông báo với nước chủ nhà Đan Mạch rằng “điều quan trọng là tất cả chúng ta phải tăng đóng góp cho NATO, đảm bảo rằng chúng ta làm mọi thứ có thể để duy trì các giá trị của mình.” Lời kêu gọi này là nhằm phản ứng trực tiếp trước Hiệp ước INF mới được ký giữa Mỹ và Liên Xô.

Chuyến thăm của Shultz là trạm dừng đầu tiên trong hành trình nhiều trạm dừng ở châu Âu. Chỉ vài ngày trước, Liên Xô và Mỹ đã ký Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm Trung (INF) hứa hẹn sẽ loại bỏ nhiều kho vũ khí hạt nhân của hai nước ở châu Âu. Những người chỉ trích hiệp ước này ở Mỹ và Tây Âu lập luận rằng điều này sẽ khiến cho các đồng minh của Mỹ gần như không có khả năng tự vệ trước các lực lượng vũ trang thông thường khổng lồ của Liên Xô. Bản thân Shultz cũng không phải là người ủng hộ hiệp ước này.

Tuy nhiên, khi hiệp ước được triển khai, vị Ngoại trưởng phải kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu cho các lực lượng vũ trang thông thường của họ. Như Shultz kết luận, “Đó không phải là một quan điểm. Đó là một sự mô tả thực tế.” Đan Mạch ủng hộ mạnh mẽ Hiệp ước INF. Tuy nhiên, Mỹ đã chỉ trích Đan Mạch trong nhiều năm bởi chính ngân sách quốc phòng nhỏ của nước này. Theo một nhà ngoại giao Mỹ, triết lý của người Đan Mạch là “Liên Xô không phải là mối đe dọa lớn và trong bất kỳ trường hợp nào, những người bạn Anh và Mỹ của họ sẽ luôn luôn đến giúp.”

Các cuộc đàm phán giữa Shultz và các quan chức Đan Mạch rất thân thiện, nhưng vẫn phản ánh căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và một số đồng minh NATO liên quan đến các vấn đề quốc phòng ở châu Âu. Thay vì đồng ý với ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ về việc gia tăng chi tiêu quốc phòng, đại diện của Đan Mạch đã đẩy mạnh hơn nữa việc đưa châu Âu trở thành một vùng “phi hạt nhân.” Những cuộc thảo luận không hồi kết, và sự từ chối của Đan Mạch trong việc xem xét tăng chi tiêu quốc phòng, là bằng chứng về sức mạnh ngày càng tăng của phong trào “phi hạt nhân hóa” ở Tây Âu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn