Chuyện vị tể tướng Đại Việt từ bỏ món ăn ưa thích để tránh “tham nhũng”

Thứ Bảy, 19 Tháng Giêng 20197:00 CH(Xem: 3857)
Chuyện vị tể tướng Đại Việt từ bỏ món ăn ưa thích để tránh “tham nhũng”

Nguyễn Văn Giai (1554-1628) người Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần “khai quốc” thời Lê trung hưng, nổi tiếng chính trực, thanh liêm và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình.

Nguyễn Văn Giai xuất thân trong một gia đình có tổ tiên từng nhiều đời đỗ đạt nhưng đến đời người cha Nguyễn Văn Củng, thì chỉ còn là một khóa sinh nghèo. Vốn có sức khỏe bẩm sinh, Nguyễn Văn Giai vừa làm đủ các nghề khó nhọc vừa theo học.

Khi đã có vốn chữ nghĩa, cần học lên, ông tìm đường ra xứ Bắc, làm thuê để tiếp tục học ở Thăng Long. Ông học rất thông minh, nổi tiếng về thơ Nôm và về tài ứng đối.

Năm 1579, nhà Lê trung hưng mở khoa thi ở Thanh Hóa, ông ra thi và đỗ Giải nguyên.

Tháng 8 năm 1580, nhà Hậu Lê mở khoa thi Hội đầu tiên ở sách Vạn Lại, ông đi thi tiếp, đỗ Hội nguyên (đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân), rồi vào thi Đình đỗ luôn Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của thời Lê trung hưng.

Chuyện vị tể tướng Đại Việt từ bỏ món ăn ưa thích để tránh "tham nhũng"
Nguyễn Văn Giai. (Tranh minh họa từ Báo Bình Phước)

Nguyễn Văn Giai đóng vai trò tham mưu kế sách quân sự trong trướng cho Trịnh Tùng, đóng góp công lao vào việc đánh bại nhà Mạc, chiếm kinh thành Thăng Long năm 1592. Ông cũng bày mưu giúp chúa Trịnh dẹp yên biến loạn từ con thứ Trịnh Xuân. Sau đó ông có công cùng đi đánh Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, được thăng làm Thiếu úy, gia phong Dực vận tán trị công thần, rồi thăng làm Thái bảo, được xem là người có công lao đứng đầu triều lúc đương thời.

Dưới quyền cai quản của tể tướng Nguyễn Văn Giai, triều đình Lê trung hưng còn giữ được sự thống nhất nội bộ, mặc dầu xu hướng suy thoái đã không tránh được. Tuy không ngăn cản được Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông vào năm 1619 nhưng Nguyễn Văn Giai ra sức nắm cương triều chính, không để xảy ra chuyện lục đục, năm bè bảy mảng. Khi có những mâu thuẫn tranh chấp giữa hai con Trịnh Tùng là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân, Nguyễn Văn Giai đã cố sức dập tắt, cuối cùng bắt được Xuân về cho Tùng trị tội, nhờ đó các thế lực phản loạn bị dẹp yên.

Để chia bớt quyền hành của chúa Trịnh, ông đã có sáng kiến lập ra Phủ Thừa tướng bên cạnh Phủ chúa, ngấm ngầm bảo vệ vua Lê.

Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là người thanh liêm, tự ông nêu gương cho các quan noi theo, ngay cả chúa Trịnh cũng kiềng nể. Gia phả còn chi lại lời ông răn bảo triều thần:

Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy.

Có một giai thoại kể về sự liêm chính của ông như sau:

Khi Nguyễn Văn Giai đang giữ chức Tể tướng kiêm Đô ngự sử thì ở Kinh Bắc xảy ra vụ trọng án, bị can là con một nhà giầu và có thế lực, theo tội danh phải xử tử; người nhà bị can bèn biện 100 nén vàng, mâm xôi cái thủ đội đến nhà nhờ ái thiếp của ông xin hộ. Bà trả lại vàng chỉ nhận chỗ xôi thịt.

Chuyện vị tể tướng Đại Việt từ bỏ món ăn ưa thích để tránh "tham nhũng"
(Tranh minh họa từ Báo Bình Phước)

Khi ấy có lễ Tế giao, ông phải trai giới túc trực tại đàn mấy ngày liền, về tới phủ bụng đói thấy xôi thịt bày sẵn, nhất là cái thủ lợn là thức ông thích, liền ngồi ăn ngay. Nửa chừng lửng dạ sinh nghi mới hỏi sao biết trước ông về mà bày mâm. Người ái thiếp thụp lạy kể hết sự tình. Ông cau mặt buông đũa thở dài: “Ta đã trót ăn của đút rồi, còn biết nói sao? Cũng may án này có mấy chỗ có thể khoan giảm nếu không phép nước sẽ điên đảo chỉ vì quan tham ăn!” Và cũng từ đó ông bỏ hẳn cái thú ăn thịt thủ chấm mắm ngấu; còn như hai bữa hàng ngày thấy mâm có món nào lạ ông cũng tra xét thật kỹ rồi mới cầm đũa.

Nguyễn Văn Giai mất khi đang tại chức ngày 13 tháng 1 năm Mậu Thìn, tức 27 tháng 2 năm 1628, thọ 75 tuổi. Triều đình truy tặng ông là Đại tư đồ, thụy là Cẩn Độ.

Dựa theo bài viết “Tấm gương này mới đáng soi”
Đăng trên Facebook Góc nhàn đàm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn