Hạt muối và chiến tranh

Thứ Hai, 07 Tháng Giêng 20198:00 SA(Xem: 4928)
Hạt muối và chiến tranh

Truyền thuyết kể rằng vào thuở hồng hoang, khi kiến tạo đất trời, Mẹ Đất phải xa Cha Mặt Trời. Trong cuộc chia ly ấy, Mẹ bị tách rời khỏi các con. Mẹ đau buồn và khóc nhiều lắm, khóc bất cứ nơi nào Mẹ nghỉ chân. Những giọt nước mắt không ngơi của Mẹ thấm vào lòng đất thành những hồ nước mặn, thành đại dương bao la chứa những hạt muối. Từ đó muối được gọi là giọt lệ của Đất. 

hat-muoi-va-chien-tranh

Thời La Mã muối được dùng để trả lương cho lính, tiếng Latin gọi là Salarium — nguồn gốc của từ Salary trong tiếng Anh nghĩa là “lương”. Muối quý lắm. Làm đổ muối được cho là xui xẻo. Bức tranh “Bữa Ăn Tối Cuối Cùng” của Leonardo da Vinci có vẽ cảnh Judas phản Chúa và lọ muối đổ trên bàn ăn trước mặt. Người Tây Phương có lệ thảy chút muối ra sau vai để cầu may mắn, vì cái xấu luôn nhòm ngó đằng sau lưng sẽ bỏ đi mà không ám hại mình. Các võ sĩ Sumo nặng tín ngưỡng Thần Đạo luôn bốc một nạm muối tung đầy trên sàn trước khi đấu vật….

Lịch sử nước Mỹ cũng thấm đẫm hạt muối. Những hạt muối trắng nhỏ nhoi nằm trong lòng đất, từ hai bờ biển Đông-Tây bao la, đã một thời làm thay đổi cục diện toàn bộ nước Mỹ xinh đẹp trong cuộc Nội Chiến.

Năm 1862, Tướng Union William Tecumseh Sherman khẩn thiết: “Từ Tướng Washington đến Napoleon đều biết rằng thiếu muối thì cuộc chiến sẽ thê thảm… Cần có muối để chữa trị vết thương, bảo quản thực phẩm và sức khỏe cho ngựa của kỵ binh. Muối là hàng buôn lậu quan yếu (của phe miền Nam)… Thiếu muối, quân đội sẽ không tồn tại” . Binh sử đã nhắc nhở Sherman về thất bại của tướng George Washington khi bảo vệ xe muối trước đế quốc Anh trong thời giành độc lập 1777. Bên Âu Châu thì Napoleon, do thiếu muối, đã làm thiệt hại hàng ngàn quân sĩ và ngựa sau khi thua trận ở Nga năm 1812 và buộc phải rút quân về.

Mờ sáng ngày 1, tháng 10, 1864, cuộc Nội Chiến bước vào năm cuối và khốc liệt hơn bao giờ hết. Năm ngàn quân Union bao vây Saltville, quyết san bằng thành phố này dưới sự bảo vệ và chống trả mãnh liệt của lính Confederate. Cuộc nội chiến nước Mỹ xảy ra phần lớn ở các tiểu bang phía Đông nước Mỹ. Nhưng riêng Virginia có đến hơn 120 trận lớn nhỏ. Vì vị trí chiến lược, thủ đô của phe Confederate phải dời từ Montgomery, Alabama, về Richmond, Virginia. Virginia là nơi có nhiều đường sắt; và vì trên hết, tiểu bang này có nhiều mỏ khoáng sản cần thiết cho cỗ máy chiến tranh. Đó là than, sắt, chì, muối diêm và muối. Saltville là thủ đô muối của Confederate.

hat-muoi-va-chien-tranh1
Salt Kettle

Trước Nội Chiến, miền Nam nước Mỹ tiêu thụ chừng 220 triệu tấn muối mỗi năm, với vịnh Mễ Tây Cơ bao la là nguồn cung cấp muối vô tận. Nhưng miền Nam chú tâm vào bông gòn. Vì thế miền Nam ít sản xuất muối mà chủ yếu mua lại muối từ các chuyến tàu Anh – vừa rẻ, lại đổi được bằng bông gòn. Các tàu này chứa muối đầy khoang đáy tàu để làm thêm nhiệm vụ giữ cho tàu thăng bằng trên sóng biển.

Muối hầu hết được sản xuất ở phía Bắc nước Mỹ. Gần bờ biển ở Syracuse, New York, nước biển được bơm vào, đun sôi và phơi nắng. Syracuse được biệt danh là Salt City – Thành phố Muối của miền Bắc. Nơi đây làm muối từ thời thuộc địa, sản xuất hàng triệu thùng muối mỗi năm.

Vào thời ấy, muối được dùng để thuộc da, trong hóa chất y tế và quan trọng nhất là để bảo quản thực phẩm khi máy lạnh chưa ra đời. Và tất nhiên muối không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày. Phe Union nhìn thấy điều đó, và đã tìm mọi cách ngăn chặn nguồn muối để làm cho miền Nam phải kiệt quệ. Các hãng xưởng, kho muối mà phe miền Nam hiện có và đang nhanh chóng xây dựng là mục tiêu tấn công của Union.

Khi chiến dịch bao vây chặn đường vận chuyển và xuất nhập của Union bắt đầu thì mọi thứ khan hiếm.

Miền Nam khốn đốn. Dân miền Nam thiếu muối đến mức phải ăn bánh lạt, tái sử dụng muối đã ướp thịt. Các hạt muối vụn rơi trên sàn của nhà kho ướp sấy cũng được gom lại mà dùng. Miền Nam là xứ trồng trọt chăn nuôi. Thiếu muối thì gia súc dễ bệnh tật. Việc ướp thịt và làm lương khô cho quân đội khó khăn. Các loại thịt khô chỉ còn cách đun sôi. Cùng với sự hạn chế vận chuyển, giá muối lên cao khủng khiếp. Từ đầu năm 1861, 100 kg muối ở New Orleans giá 50 xu, năm sau thì đến 25 đô! Vài nơi như Georgia, Texas giá muối đắt như vàng. Một bao muối giá 125 đô, tương đương 1,250 đô ngày nay!

Một vị tướng Union giải thích: “Phá hủy kho muối để làm gì? Muối quyết định số phận cuộc chiến này. Lính Confederate không thể chiến đấu, hành quân đi bộ 3 ngày trường với khẩu phần là một chút thịt bò luộc, 170 gram bánh bột bắp, 100 gram muối.”

hat-muoi-va-chien-tranh4
Xưởng muối ở Syracuse, NY

Trong khi miền Nam bị thiếu muối thì các nô lệ gan dạ lại bỏ trốn về doanh trại Union và cung cấp nhiều tin tức quý báu. Năm 1862 một nhóm nô lệ đã khai báo về một xưởng làm muối gần hoàn thành, có lính bảo vệ ở vịnh St. Joseph, Florida. Tàu Union treo lá cờ ngưng chiến, thông báo sẽ tấn công nếu nhân viên làm muối không dừng tay sau 2 tiếng đồng hồ. Phe miền Nam từ chối, thế là 2 quả cà nông liền bay vào hãng. Lính Union đã phá hủy và đốt sạch kho muối ấy. Mùa Đông năm đó, phe miền Nam thiếu hụt đến 20 ngàn binh sĩ. Lính bị bệnh tật vì thiếu muối, và bỏ trốn vì không kham nổi đói rét… Từ sau đó, các số bom đạn và chiến dịch của Union phần lớn nhắm vào các hãng, kho muối, các tàu lửa chở muối…

Tầm ảnh hưởng quan trọng của muối cũng được kể lại trong hồi ký của hai phe. Một thủy thủ Union, sau trận chiến ở Georgia năm 1863, viết:“Muối là thứ hiếm và thiết yếu cho phe miền Nam; càng phá hủy kho muối thì hòa bình sẽ đến sớm. Họ [lính miền Nam] không thể sống thiếu bacon [thịt ba rọi xông khói], mà làm bacon thì phải có muối”. Trong khi đó một lính miền Nam lại than trách: “Tổng thống [Jefferson Davis] có thể là người sáng lập đất nước trong mắt người dân, nhưng ông ta dường như không phải là người làm ra muối cho quốc gia.”

Phe Confederate phải rao thưởng cho tư nhân sản xuất và gia tăng sản xuất muối. Dù có bờ biển Florida và muối New Orleans, nhưng làm muối miền Nam thời ấy cần nhiều sức lao động, cần nắng và nơi khô ráo, cần các lò nấu lớn, khu vực rộng.

hat-muoi-va-chien-tranh3
Xưởng muối ở Florida của phe Confederate bị tấn công và đốt phá (Harper’s Weekly, November 15, 1862.)

Thành phố Saltville trước nội chiến chỉ khiêm tốn với 1 lò và 70 chảo. Đến năm cao điểm của cuộc chiến 1864 có đến 38 lò nấu với 2,600 chảo. 300 tòa nhà sản xuất đến cả ngàn tấn muối. Hàng đoàn xe lửa dài chục dặm nối đuôi chờ vận chuyển muối cho phe miền Nam và chở gỗ cho lò muối đến Saltville.

Đảo Avery Island ngoài khơi New Orleans – mỏ muối của miền Nam với các muối vòm trong lòng đất – bận rộn ngày đêm. Hòn đảo này và New Orleans đã phải nhiều phen chống trả và giữ vững lò muối cho đến khi bị tướng Banks của Union san bằng năm 1863.

Tại Saltville phe Union phải mất nhiều lần tấn công, trải qua bao chiến dịch, tiêu hao nhiều quân lực mới chiến thắng. Trận đầu tiên xảy ra vào 2 tháng 10, 1864. Năm ngàn quân Union công phá thành phố do 300 lính Confederate cố thủ. Phe Union thua trận này và nhiều lính bị bắt làm tù binh.

Phe Confederate thắng nhưng lại gây sai lầm khi sát hại các tù binh ấy, trong đó có nhiều người da đen. Hai tháng sau, quân Union do tướng Stoneman quyết trả thù. Là sĩ quan West Point cùng phòng với  tướng Stonewall Jackson của Confederate sau này, Stoneman lại gia nhập Union và gặp nhiều thất bại, Bộ trưởng chiến tranh Edwin Stanton gọi Stoneman là “Một trong những sĩ quan bất tài”.

hat-muoi-va-chien-tranh2
Tương ớt Tabasco

Ở Saltville, Stoneman lấy lại danh tiếng với chiến thắng, phá hủy hãng muối ở đây. Thắng lợi này làm miền Nam thực sự suy sụp. Mất thành phố này là mất miền Nam.

Tháng 4 năm sau phe Confederate đầu hàng. Hạt muối nhỏ nhoi mặn mà đã quyết định vận mệnh nước Mỹ.

Sau Nội Chiến Edmund McIlhenny, một thư ký nhà băng, lấy vợ là con gái của chủ hòn đảo Avery và trở về quê quán sau khi tản cư. Họ chẳng có gì làm ngoài trồng ớt và khoai tây. Ớt trồng ở đảo này có nguồn gốc từ Mễ Tây Cơ nhưng lại thích hợp với loại đất mặn nên xanh tốt và thơm, mọc chỉ thiên, khi chín màu vàng đỏ. Edmund cho ra đời loại tương ớt đầu tiên của nước Mỹ, tên là Tabasco, nhờ vào mỏ muối và những dụng cụ nghiền nấu còn lại trong hãng muối trên đảo.

Đầu năm nay, tôi  sẽ đi mua muối, dù muối ở nhà còn đầy. Những lon muối Morton có hình cô bé xinh xắn, mặc váy vàng, tay cầm dù, kẹp lon muối đổ, vui chơi dưới trời mưa.

SB

Austin, TX

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn