Bí mật chiến tranh VN

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai 20175:00 CH(Xem: 6472)
Bí mật chiến tranh VN

Hoàng Ngọc Lung

LGT (Gươm Thiêng): Đại Tá Hoàng Ngọc Lung sinh năm 1932 tại Bắc Việt. Sau khi đậu tú tài năm 1951, ông bước vào đời quân ngũ và tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định với cấp bậc Thiếu Úy. Năm 1954, ông được thăng Đại Úy, Tiểu đoàn trưởng và Tham mưu trưởng Trung Đoàn. Vô Nam, ông giữ chức Chỉ huy phó Trường Tình Báo Cây Mai, nơi đào tạo các sĩ quan, hạ sĩ quan của 3 ngành Quân Báo, An Ninh Quân Đội, và Chiến Tranh Tâm Lý. Năm 1961, ông tự học và tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa. Năm 1963, ông là Sĩ quan liên lạc tại Fort Bragg, North Carolina, Hoa Kỳ. Năm 1969, ông là nhân viên quân sự đầu tiên của bộ TTM trong phái đoàn VNCH tham dự Hội Nghị Ba Lê. Từ năm 1972 đến cuối tháng 4 năm 1975, ông giữ chức Trưởng Phòng 2/TTM. Tới Hoa Kỳ từ năm 1975, ông được mời viết sách cho phòng Quân Sử của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông tiếp tục theo học và tốt nghiệp Computer Science năm 1976 và là chuyên viên Computer Analyst trong suốt thời gian 21 năm tại Hoa Kỳ. Ông được ân thưởng nhiều huy chương của chính phủ VNCH và Hoa Kỳ, bao gồm cả Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Bronze Star, các huy chương đặc biệt của Hoàng Gia Thái Lan, chính phủ Nam Hàn, Trung Hoa Dân Quốc… Nhận được thư của ông Huỳnh Bá Phụng, cựu sĩ quan Phòng 2/TTM, báo tin Tổng Hội CQN/QL/VNCH Úc châu sắp xuất bản Đặc San Gươm Thiêng, Đại Tá Hoàng Ngọc Lung, tuy đã 80 tuổi, sức yếu, nhưng ông cũng đã cố gắng viết bài trình bầy về một bí mật trọng đại của cuộc chiến tranh VN: Mỹ và Cộng sản Hà Nội đã thỏa thuận ký Hiệp Định Paris vào ngày 26.9.1972. May mắn, nhờ có tài liệu tịch thu được của VC tại tỉnh Quảng Tín, TT Nguyễn Văn Thiệu đã phản đối quyết liệt, buộc Mỹ và CS phải rời ngày ký Hiệp Định tới 4 tháng sau, 27.1.1973. Thời gian 4 tháng tuy không dài, nhưng chắc chắn thời gian đó cũng đủ để có những ảnh hưởng nhất định đến cuộc chiến, làm chậm bước tiến của quân xâm lăng CS, cứu được nhiều sinh mạng, và thảm kịch CS chiếm trọn Miền Nam đã không thể xảy ra trước ngày 30-4-1975. Đặc San Gươm Thiêng chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của ông Hoàng Ngọc Lung, và sau đây trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả nguyên văn bài viết của ông.

* * *

Tại bàn tròn Hội Nghị Ba Lê: Phái đoàn VNCH (trái); Phái đoàn của VC (phải); Phái đoàn Mỹ (trước); và đối diện là CS Bắc Việt.

Diễn biến lịch sử về tình hình chiến cuộc ở VN trước đây đã là đề tài của biết bao sử gia viết phân tách hoặc bình luận. Cộng thêm việc giải mật của các tài liệu Hoa Kỳ, những sự tiết lộ qua các cuộc phỏng vấn hay tự thuật của nhiều giới chức thẩm quyền liên đới, đã phô bày khá rõ rệt và đầy đủ.

Kỷ niệm năm thứ 20 của Đặc San Gươm Thiêng, tiếng nói của Tổng Hội CQN/QLVNCH Úc Châu, Ban Chủ Biên đã yêu cầu tôi viết một bài về chiến tranh VN. Tôi rất phân vân không biết phải viết gì. Tôi không phải là nhà văn, một ký giả, cũng không phải là người viết trên bất kỳ diễn đàn nào, ngoại trừ đã viết mấy cuốn Quân Sử theo nhu cầu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vào những ngày đầu tôi tới Hoa Kỳ năm 1975. Các tài liệu này hiện được lưu trữ tại Library of Congress của Mỹ. Vì vậy, trong khuôn khổ giới hạn của tờ Đặc San Gươm Thiêng, tôi xin đóng góp sơ sài về một vài sự việc tương đối đáng để ý trong sự bức tử làm sụp đổ chế độ VNCH chúng ta.

Trong 24 năm phục vụ trong quân ngũ, tình hình chiến sự đã ám ảnh tôi rất nhiều từ khi bắt đầu giã từ học đường, đi động viên vào khóa 1 Nam Định năm 1951. Lúc đó tôi mới 19 tuổi dù rằng lệnh động viên chỉ áp dụng cho lứa tuổi 20 tới 28 mà thôi. Tôi bị gọi nhầm nhưng vẫn tuân theo mệnh lệnh quân ngũ và ra trường với cấp bậc Thiếu Úy. Đầu tiên ở trong quân ngũ tôi đã phục vụ ở các đơn vị tác chiến tại các khu vực Bùi Chu, Hưng Yên, các đơn vị hoàn toàn do các sĩ quan VN tự trị đảm nhiệm, và chiến dịch cuối cùng mà trung đoàn của tôi tham gia là chiến dịch Đinh Tiên Hoàng vùng Thất Sơn Rạch Giá, sau đó tôi trở về Sài Gòn làm công việc tham mưu.

Trong địa hạt tham mưu, thời cuộc đã đưa tôi vào địa hạt Quân Báo. Tin tức chính xác, trung thực nhất là thâu lượm, tịch thu được các tài liệu của CS, cộng thêm các nguồn gốc tin tức khác để phối kiểm. Ngay như tin tức kỹ thuật điện đàm, kiểm thính cũng có thể tạo ra tin tức giả mạo đánh lừa. Tôi lấy thí dụ, trường hợp sư đoàn 320 của CS trú đóng ở nam Pleiku, nhưng khi di chuyển xuống Ban Mê Thuột chúng đã muốn đánh lừa quân ta nên vẫn để lại bộ phận điện đài tại chỗ, và không di chuyển theo sư đoàn. Điều này đã tạo ra sự ngộ nhận của giới chức QĐ 2 của ta đã lầm tưởng mục tiêu của địch là Pleiku chứ không phải BMT như phòng 2 quân đoàn đã ước tính.

Với các tin tức tài liệu tịch thu được của địch, đã khiến tôi phải suy nghĩ lại câu châm ngôn vẫn được truyền tụng từ trước của Tôn Tử: “Biết Mình Biết Địch, Trăm Trận Trăm Thắng.” Trong chiến tranh VN lời nói này không còn là bất hủ vì chúng ta không những phải biết địch, biết mình, mà còn phải biết được người bạn đồng minh Hoa Kỳ của mình. Sự thay đổi đường lối chiến lược của Hoa Kỳ chính yếu là đặt quyền lợi của Hoa Kỳ trên hết nên Hoa Kỳ đã tìm cách rút ra khỏi VN bằng cách ký kết giảng hòa với CS qua hiệp định Ba Lê.

Tài liệu học tập của chính uỷ CS ở tỉnh Quảng Tín bị quân ta tịch thu ngày 10 tháng 10 năm 1972 đã nêu lên nội dung mới là thông báo phải học tập văn kiện hiệp định Ba Lê để CS chuẩn bị hành động. Tài liệu này phù hợp với tình báo ở Tây Ninh cho biết CS đã mở khóa học đặc biệt để hướng dẫn thảo luận hiệp định này tại bộ chỉ huy Trung Ương Cục Miền Nam, ngày ngưng bắn sẽ là ngày 26-9-1972. Phương án của địch là chiếm đất giành dân, cắm cờ và xách động dân chúng xuống đường, cướp phá các cơ sở quân sự, nhằm cướp chính quyền VNCH.

Ngày 17.10.1972, Tổng thống Thiệu ra lệnh bộ Tổng Tham Mưu hỏa tốc mang tài liệu này về Sàigòn để làm bằng chứng xác thực và cụ thể nhứt để Tổng Thống nói chuyện với Kissinger về việc Việt Nam phải ký kết chung với Hoa Kỳ vào hiệp định Ba Lê. Vì vậy cũng đã trì hoãn được thời gian ký kết để chuẩn bị.

Ngày 17.8.1972, Kissinger gặp TT Thiệu tại dinh Độc Lập với sứ mạng, bằng mọi giá, thuyết phục VNCH ký Hiệp Định Ba Lê, mà Mỹ và VC đã thỏa thuận sẽ ký ngày 26.9.1972. Tuy nhiên, với bằng chứng Mỹ đi đêm với VC do VNCH tịch thu của VC tại tỉnh Quảng Tín, TT Thiệu đã phản đối quyết liệt, nên mãi đến 27.1.1973, Hiệp Định mới được ký kết. Hình trên cho thấy TT Thiệu tự tin, chủ động khi phản đối Kissinger. Trái lại, Kissinger lúng túng, thụ động, mất tự tin, nụ cười gượng gạo, ngượng ngập, khi bị tố quả tang hành động đi đêm với VC. © Bettmann/CORBIS

Thời đó, các cuộc mật đàm giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản, Hoa Kỳ không hề thông báo cho VNCH biết trước các chi tiết nội dung và ngày ký hiệp định. Tổng thống Thiệu rất tức giận về bí mật thỏa hiệp song phương giữa Mỹ và CS, vì về phía CS, ngay ở cấp Xã ủy cũng đã biết các chi tiết về nội dung thỏa hiệp, trong khi đó ngay cấp lãnh đạo Quốc Gia VNCH không được biết gì về việc này.

Lệnh từ Phủ Tổng Thống đòi phải đệ trình tài liệu đó tới Tổng Thống trong thời gian sớm nhứt, và không được trễ hơn sáng hôm sau, trước khi ông gặp Kissinger. Tài liệu này phải được hoàn toàn bảo mật không được cho Hoa Kỳ biết.

Để thi hành chỉ thị này, Bộ TTM đã ra lệnh cho bộ tư lệnh KQVN điều động phi cơ L19 để di chuyển tài liệu từ Quảng Tín về Huế; đồng thời xử dụng 2 phản lực cơ chiến đấu A37 từ Cần Thơ về Sàigòn, đón 1 sĩ quan cấp tá thuộc Trung Tâm khai thác Tài Liệu Bộ TTM, ra Huế nhận lãnh tài liệu, để Trung Tâm Khai Thác làm phiếu phúc trình chuyển đến văn phòng Tổng Thống trước hạn định.

Nhờ vậy, Tổng Thống Thiệu đã trao cho Kissinger tài liệu này. Và kết quả chung cuộc là ngày ký hiệp định Geneve đã được trì hoãn, tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973, 4 tháng chậm hơn ngày 26 tháng 9 năm 1972 mà Mỹ và CS đã thỏa thuận.

Ngày 1.3.1973, đại diện 12 quốc gia và LHQ họp tại Paris ký kết Chương trình 9 điểm, đòi 4 bên (Mỹ, VNCH, CS Bắc Việt & VC Miền Nam) đã ký kết Hiệp Định Ba Lê ngày 27.1.1973 phải tôn trọng thực hiện. Nhưng khi VC vi phạm Hiệp Định, xua quân xâm lăng VNCH, tất cả các quốc gia và LHQ đều im lặng.

Hậu quả của việc ký kết Hiệp Định Paris cho phép CS vẫn được duy trì các đơn vị quân sự tại chỗ ở miền Nam không phải rút lui ra Bắc, mặt khác đã đưa đến sự rút lui của các đơn vị Hoa Kỳ và các đơn vị Đồng minh tham chiến ở miền Nam. Đáng kể hơn nữa là sự chi viện của Hoa Kỳ đã giảm thiểu tối đa sau khi Tổng Thống Nixon phải thoái vị về vụ Watergate.

Tổng thống Ford người kế nhiệm chỉ đề nghị một ngân sách chi viện là $522 triệu Mỹ Kim cho cả 2 nước VN và Kampuchia. Phần VN là $300 triệu. Quốc hội Hoa Kỳ còn cử một phái đoàn lưỡng viện sang VN vào cuối tháng 2-1973 để nhận xét và báo cáo sự thiết yếu của ngân khoản này. Phái đoàn này đã được VN cung cấp thật đầy đủ các dự kiện thiết yếu, được phép tiếp xúc với các đơn vị của VN tại chỗ ở các Quân khu, để thấy sự thiếu hụt chính xác về quân cơ, quân dụng và đạn dược của VNCH.

Một cuộc triển lãm tại bộ Tổng Tham Mưu, về những vũ khí của VC do quân đội VNCH tịch thu được.

Bộ TTM của VNCH cũng đã tổ chức 1 cuộc triển lãm trình bày các vũ khí tối tân đủ loại của CS đã xử dụng và bị tịch thu như các đại pháo, chiến xa, vũ khí phòng không, các loại hỏa tiễn, súng ống đủ loại, không thiếu một thứ gì kể cả dụng cụ ống dòm Hải quân, mìn v.v.

Tất cả những nổ lực kể trên cũng không giúp ích gì cho sự gia tăng ngân khoản viện trợ. Trong khi CS miền Bắc được Nga Sô, Trung Cộng trợ giúp rất nhiều các loại vũ khí phòng không như hỏa tiển Sam E2 của Nga, các loại xe tăng thiết giáp… Sự gia tăng nhiều đến nỗi không còn kho chứa hàng để ẩn giấu mà để công khai lộ thiên mọi chổ mọi nơi. Sự vận chuyển xe cộ được xử dụng theo hệ thống dẫn dầu vào miền Nam trên đường xâm nhập đã thu ngắn thời gian từ ngoài Bắc vào Nam từ 4 tháng xuống còn 2 tuần.

Cuộc tổng tấn công của CS vào Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3, 1973 mở đầu cho cuộc xâm lược của CS sau khi ký hiệp định Ba Lê đã được phát giác từ khi chúng còn chuẩn bị trong mấy tháng đầu năm 1973 khiến cựu Đại Tướng Cao Văn Viên khi ra thuyết trình tại hội đồng An Ninh Quốc Gia đã trình bày là sự tấn công này đã được biết từ trước, nhưng vấn đề tương quan lực lượng, đã không cho phép chúng ta làm gì khác hơn.

Tóm lại tình hình biến chuyển của thời cuộc chiến tranh ở VN đã được thời gian hậu chiến phô bầy rất nhiều bí ẩn trong chiến tranh VN. Một chi tiết chưa được ai bộc lộ trước đây là Chính phủ Dương Văn Minh ngay khi lên cầm quyền đã âm mưu quyết định bắt giữ 5 sĩ quan cao cấp của Bộ TTM đứng đầu là cựu Đại Tướng Cao Văn Viên. Danh tánh của 4 người còn lại tôi không cần nêu ra vì tôi thiết nghĩ ai cũng có thể suy đoán đó là những người nào mà không sợ sai lầm.

Hoàng Ngọc Lung
Ngày 21 tháng 11 năm 2012

https://saigontimes.org/
( Vo Hong Phi chuyen )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn