Nguyễn Mạnh Côn – Đem tâm tình viết lịch sử

Thứ Năm, 27 Tháng Mười Hai 20186:00 SA(Xem: 8033)
Nguyễn Mạnh Côn – Đem tâm tình viết lịch sử

Sinh ngày 7 tháng 5 năm 1920 tại Hải Dương. Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội. Năm 1939, ông cộng tác với báo Đông Pháp, và sau đó (1945) là báo Thống Nhất.

Năm 1949-1950, Nguyễn Mạnh Côn phục vụ Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, hay còn gọi là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Sơn Tây.

Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, rồi đi dạy học tư.

Năm 1954, di cư vào Nam làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, ông viết sách và làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Chỉ Đạo (1956-1961), chủ bút báo Văn Hữu, đồng thời cộng tác với các báo Tia Sáng, Tin Mai…

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Mạnh Côn bị chính quyền mới bắt đi học tập cải tạo, và mất ngày 1 tháng 6 năm 1979 khi còn ở trong trại.

Tác phẩm chính

– Đem Tâm Tình Viết Lịch sử (1958)

– Kỳ Hoa Tử (1960)

– Lạc Đường Vào Lịch sử (1965)

– Mối Tình Màu Hoa Đào (1967)

– Giấc Mơ Của Đá (1968)

– Hòa Bình…Nghĩ Gì…Làm Gì (1969)

– Sống Bằng Sự nghiệp (1969)

Nói đến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn phải kể đến những tác phẩm như Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, Lạc Đường Vào Lịch Sử… biểu lộ tâm cảm băn khoăn của lớp thanh niên thập niên 1940, 1950 trên đường đi tìm một con đường cho công cuộc giải phóng quê hương,  giành độc lập tự do cho dân tộc và đất nước. Có những lựa chọn ý thức hệ của những trí thức tiểu tư sản, từ Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường đến Hồ Hữu Tường, từ Vũ Khắc Khoan đến Lê Quang Luật, từ Nghiêm Xuân Hồng đến Nguyễn Mạnh Côn…

dem-tam-tinh-viet-lich-su2

Nhà văn Tuấn Huy đã nhận định như sau về thời đại và tác giả Nguyễn Mạnh Côn: “Khách quan mà nhìn nhận có một luồng gió mới thổi vào văn học của chúng ta những năm giữa thập niên 1950 trở về sau. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, theo tôi, luôn luôn tên tuổi ông đi sát với tên tuổi nhà văn Doãn Quốc Sỹ bởi những tác phẩm của hai nhà văn này gần như trọn vẹn đều có những nhân vật đầy ưu tư trước những thăng trầm đổi thay của đất nước. Họ là những người luôn luôn quằn quại thao thức vì bị lịch sử giày vò.

“Riêng Nguyễn Mạnh Côn, qua bút hiệu Nguyễn Kiên Trung đã phơi bày một cách thật ẩn dụ tình cảm và tâm trạng của cả một thế hệ thanh niên đã bị thất vọng sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ những nao nức hăng say khi cuộc “cách mạng mùa Thu” tràn đến, rồi sự vỡ mộng ê chề khi thấy rõ tuổi xuân và xương máu của mình đã bị một nhóm người lừa gạt. Từ “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử” đến “Lạc Đường Vào Lịch Sử” đến “Hòa Bình…Nghĩ Gì… Làm Gì”, Nguyễn Mạnh Côn đã mang hết cả những tâm cảm của ông để kể lể chuyện trò với chúng ta về những suy tư, về những khao khát của một con người. Một con người có những dằn vặt, có những vò xé, có những đớn đau, có những ước mong, có những hy vọng. Một con người đôi khi tưởng như lạc lõng, tưởng như cô đơn, tưởng như nghịch lối, tưởng như nghịch dòng. Nhưng là một con người thủy chung đi tới tận cùng cuộc hành trình về tư tưởng mà chính mình phác họa.

“Kể cả những thời điểm mà Sài Gòn đã có nhiều cán bộ văn hóa Cộng sản xâm nhập, nằm vùng hay ngang nhiên thao túng; kể cả những thời điểm mà cuộc chiến dằng dai đã khiến mọi người hầu như rã rời thấm mệt thì Nguyễn Mạnh Côn vẫn hiên ngang đứng ở một chỗ cao, của một vị thế riêng, chống lại Cộng sản. Và một điều đáng nói khác với những cây bút ‘chống cộng ồn ào’ khác, Nguyễn Mạnh Côn đã chống Cộng bằng tư tưởng và lý luận, bằng sự trầm tĩnh và nghiêm trang, bằng sự hòa nhã và đứng đắn, bằng những gì phát xuất ở con tim, và bằng những gì phát khởi từ tấm lòng. Ông là nhà văn mà Cộng Sản coi là thù nghịch nhưng vẫn phải nể trọng…”

Về tác phẩm “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”, nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh có phững phân tách sau đây:

“Nội dung của Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử là những tâm sự của một chiến sĩ đang tranh đấu trực diện trong công cuộc giải phóng đòi tự do độc lập cho đất nước trong những bức thư viết ở những thời điểm quan trọng của lịch sử Việt Nam. Những không gian và thời gian như Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 1945, như Hà Nội, Nội Thành, Liên Khu 1, ngày 26 tháng 12 năm 1946, như Hà Đông ngày 3 tháng 2 năm 1947, như Phú Thọ ngày 29 tháng 11 năm 1952, như Hải Phòng  ngày 19 tháng 7 năm 1954, là những cột mốc đáng nhớ của một thời đại đầy biến động Việt Nam.

dem-tam-tinh-viet-lich-su1

“Ngày 3 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, Việt Minh cướp chính quyền, hớt tay trên các đảng phái quốc gia. Ngày 26 tháng 12 năm 1946 ở Hà Nội, trong nội ô thành phố, Tự Vệ Thành đã nổ súng đánh Pháp, bắt đầu cho cuộc kháng chiến giành độc lập. Ngày 3 tháng 2 năm 1947 ở Hà Đông, Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức thành lập, và cuộc đảng tranh đẫm máu và gay gắt nhất đã tạo những vết thương đau đớn cho dân tộc. Ngày 29 tháng 11 năm 1952 tại Phú Thọ là ngày bắt đầu cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố để thực hiện đấu tranh giai cấp. Ngày 19 tháng 7 năm 1954 tại Hải Phòng là ngày bắt đầu chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 theo Hiệp ước Genève.

“Từ thời điểm ấy, Nguyễn Kiên Trung kể cho bạn đọc nghe về cuộc đời của mình và thế hệ mình theo ngõ đẩy đưa của thời cuộc. Và từ đó như tấm gương phản chiếu thấy được sự bội phản lường lọc của những người Cộng Sản Việt Nam.Với kỹ thuật tranh đấu được huấn luyện từ hệ thống Cộng Sản thế giới, họ áp dụng vào thực tế và đã thành công trong việc nắm giữ chính quyền và thực hiện chính sách vô sản chuyên chính.

“Tác giả Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử đã trút ngay lên mặt giấy một sự cần thiết phải gào thét, phải nức nở cho số phận những người bạn tôi sắp phải chết, ngoài kia, bên trên vĩ tuyến Bắc 17 độ. Nói là bạn, nhưng chỉ có một số nhỏ là bạn của tôi thật, còn nhiều người mới quen biết sơ qua trên con đường kháng chiến, nhiều người chưa hề được gặp mặt, nhiều người tôi đáng tôn lên là bậc thầy – Phan Khôi, Đào Duy Anh, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, những người ấy sắp bị Việt Cộng mang ra xử án…”

Tóm lại, Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử được viết cách nay nửa thế kỷ mà xem ra tới bây giờ, vẫn còn nhiều suy nghĩ đáng chú ý. Lịch sử đã bị chế độ hiện hữu bôi xóa, và những bài học để thế hệ sau hiểu biết chứa đầy những giả trá. Do đó, những cuốn sách như Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử vẫn còn giá trị và còn cần được đọc.

dem-tam-tinh-viet-lich-su

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn