Chuyện Trần Khánh Dư trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông

Thứ Hai, 17 Tháng Mười Hai 20181:00 CH(Xem: 5919)
Chuyện Trần Khánh Dư trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, nếu người có công lớn nhất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thì người có công lớn thứ hai chính là Trần Khánh Dư. Nhưng nếu Hưng Đạo Vương không rộng rãi bao dung thì có lẽ Trần Khánh Dư đã không có được chiến công lớn đến thế.

Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư

Minh Huệ Vương Trần Phó Duyệt là con của Trần Thủ Huy và là em cùng cha khác mẹ với Trần Thủ Độ, theo Trần Lý dẹp loạn lập công lớn.

Minh Huệ Vương có ngươi con trai là Trần Khánh Dư. Năm Khánh Dư được 3 tuổi thì Minh Huệ Vương tuẫn quốc. Vua Trần Thái Tông thương tình nhận nuôi Khánh Dư, sau này lớn lên được phong là Nhân Huệ Vương, được tự do ra vào cung, giữ chức Phiêu kị đại tướng quân.

tranKhanhDu-thuyen
Bìa tiểu thuyết lịch sử “Trần Khánh Dư” của Lưu Sơn Minh.

Trần Khánh Dư là người giỏi võ nghệ và có tài cầm quân, nhưng lại là người háo sắc. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Khánh Dư được giao trấn giữ vùng phía tây Thăng Long, và đánh thắng quân Nguyên Mông liên tiếp 10 trận.

Trần Khánh Dư nhờ giỏi binh pháp nên được giao trọng trách chỉ dạy cho các tướng. Ông được xem là người giỏi binh pháp chỉ sau Hưng Đạo Vương.

Đắc tội lớn

Khi công chúa Thiên Thụy con vua Trần Thánh Tông đã lớn, Hưng Đạo Vương xin cưới công chúa Thiên Thụy cho con trai là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Vua Thánh Tông đồng ý và công chúa trở thành dâu của Hưng Đạo Vương.

Một lần Trần Khánh Dư về thành Thăng Long dự yến tiệc, vào nội cung và gặp công chúa Thiên Thụy. Khánh Dư từ thuở nhỏ được nuôi trong cung nên đã quen biết với công chúa Thiên Thụy từ lâu. Do háo sắc, Trần Khánh Dư đã bất chấp và khiến công chúa phải kêu cứu. Trần Khánh Dư bị bắt.

Mặc dù để bảo hộ triều đại, nhà Trần có rất nhiều cuộc hôn nhân nội tộc, nhưng đây là ảnh hưởng từ thời Trần Thủ Độ (Xem bài: Lý giải tường tận con người Trần Thủ Độ qua xuất thân và lá số tử vi). Còn việc Trần Khánh Dư định làm nhục người đã có chồng thì lại là tội rất nặng. Huống hồ đây lại là công chúa, dâu của Hưng Đạo Vương.

Vua Trần Thánh Tông niệm tình Trần Khánh Dư có công lao và tài năng nên không muốn xử chết, nhưng nếu không xử chết sẽ làm phật ý Hưng Đạo Vương. Vì thế vua Thánh Tông quyết định xử đánh đến chết, nhưng trong phiên xử lại cho lính cầm gậy cố ý chúc đầu gậy xuống, vì thế mà lực đánh mạnh nhưng phần nhiều là vào nền đất.

Xử phạt thời Trần. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả).

Qua 100 gậy, Trần Khánh Dư vẫn sống. Theo luật thời đó, nếu qua được 100 gây là trời tha không đến nỗi phải chết, nhờ đó mà Trần Khánh Dư mới được toàn mạng.

Những chuyện như thế khó giấu được Hưng Đạo Vương, nhưng từ đầu đến cuối vụ án này ông không hề có ý gì. Thậm chí Trần Khánh Dư nhờ bị đánh nương tay mà sống ông cũng không hề tỏ thái độ.

Trần Khánh Dư dù thoát chết nhưng bị mất hết chức tước, bị tịch thu hết điền sản. Ông về cùng bọn tiều phu đốn củi đốt than kiếm kế sinh nhai.

Hưng Đạo Vương không nhắc chuyện cũ

Đến năm 1282, trước tình hình Mông Cổ đánh bại nhà Tống và đang chuẩn bị binh lực tiến đánh Đại Việt, vua Trần Nhân Tông quyết định phục chức cho Trần Khánh Dư. Chuyện này được Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả như sau:

Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: “Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?”

Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi: “Ông lái ơi, có lệnh vua triệu.”

Khánh Dư trả lời: “Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu.”

Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo: “Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế.”

Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá [đến gặp vua]. Vua nói: “Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi”, bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua.

Biết nhà Vua muốn Trần Khánh Dư được phục chức, là người giữ chức Quốc Công Tiết Chế, Hưng Đạo Vương vẫn đồng ý không phản đối gì.

Không phụ lòng tin, Trần Khánh Dư lập công lớn

Năm 1285, 50 vạn quân Nguyên Mông tràn qua biên giới tiến đánh Đại Việt, 20 vạn quân của Toa Đô sau khi đánh Chiêm thành bị sa lầy cũng từ phía nam đánh ngược lên, Đại Việt hai đầu thọ địch. Trần Khánh Dư được phục chức đã sát cánh cùng binh tướng nhà Trần lần đánh lui quân Nguyên Mông.

Tháng 12/1287, một lần nữa 50 vạn đại quân Nguyên Mông vượt biên giới tiến đánh Đại Việt, Trần Khánh Dư được giao trọng trách trấn giữ Vân Đồn.

Vân Đồn
Vị trí quan trọng của Vân Đồn trên đường thủy

Vân Đồn là một cứ điểm quan trọng trên đường thủy, quân Nguyên Mông theo đường thủy tất phải qua đây. Hưng Đạo Vương đã để Trần Khánh Dư trấn giữ nơi này. Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép rằng: “Khánh Dư làm phó tướng ở Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao phó cho giữ hết công việc ngoài biên giới.”

Quân Mông Cổ chia làm 3 cánh, trong đó cánh quân thủy đặt dưới sự chỉ huy của Ô Mã Nhi tiến vào vùng biển Đại Việt. Ô Mã nhi có 700 chiến thuyền mới đóng cùng 120 chiến thuyền của Hải Nam. Đi theo các chiến thuyền này còn có đội thuyền chở 70 vạn thạch lương do Trương Văn Hổ chỉ huy.

Quân Đại Việt tổ chức chặn đánh cánh quân thủy của Ô Mã Nhi ở các nơi nhằm tiêu hao bớt rồi rút ngay nhằm bảo toàn lực lượng.

Khi Ô Mã Nhi đến Vân Đồn, Trần Khánh Dư chỉ có 100 thuyền. Lúc này Trần Khánh Dư biết không thể chặn được Ô Mã Nhi, nhưng với nhãn quan của một người giỏi cầm quân, ông nhận thấy các thuyền của Ô Mã Nhi tiến rất nhanh, các thuyền chở lương nặng nề không theo kịp. Lương thực đối với một đạo quân khổng lồ như vậy là tối quan trọng, vì thế Trần Khánh Dư chủ định đánh đội thuyền lương của Trương Văn Hổ.

Thượng Hoàng Trần Thánh Tông hay tin Trần Khánh Dư không ngăn thủy binh của Ô Mã Nhi thì cả giận, sai Trung sứ đến Vân Đồn triệu Khánh Dư về kinh chịu tội.

Trần Khánh Dư đang chuẩn bị đánh thuyền lương, nếu đi về Kinh chịu tội thì sẽ mất đi cơ hội này nên nói với Trung sứ rằng: “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn.” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trần Hưng Đạo hay tin cũng muốn để Trần Khánh Dư lập công, nên đã để Trần Khánh Dư có cơ hội. Quả nhiên đúng như Trần Khánh Dư dự đoán, thuyền lương của Trương Văn Hổ đi sau rơi vào trận địa bố trí sẵn và bị đánh tan.

Chiến công trọng yếu tại Vân Đồn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
(Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả).

Trương Văn Hổ không còn lựa chọn nào khác, đành cho quân trút hết lương thực xuống sông rồi chạy trốn về Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung Quốc ngày nay). 70 vạn thạch lương chỉ trong một trận đánh đã biến mất. (Xem bài: Chiến công trọng yếu tại Vân Đồn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư)

Quân Nguyên Mông muốn đánh nhanh thắng nhanh, nhưng Hưng Đạo Vương cho các quân chủ lực rút hết khiến quân Nguyên Mông không biết vua Trần chạy hướng nào: nếu chia quân ra để truy tìm thì dễ bị gặp quân chủ lực Đại Việt, nếu tập trung quân lại thì không biết đánh ở đâu.

Quân Nguyên Mông đánh nhanh thắng nhanh không được, mà đánh lâu dài thì không tìm được lương thực vì Trần Hưng Đạo thực hiện kế “vườn không nhà trống”, còn 70 vạn thạch lương đã bị Trần Khánh Dư diệt sạch.

Trong khi đó, các cánh quân nhỏ của Đại Việt liên tục chia nhau ngày đêm tấn công, khiến quân Nguyên Mông ăn không ngon ngủ không yên, binh lực cứ tiêu hao dần. Lương thực cạn kiệt khiến binh sĩ không còn tinh thần chiến đấu mà chỉ muốn trở về.

Chỉ sau 3 tháng tiến đánh Đại Việt, vào tháng 3/1288, quân Nguyên Mông buộc phải rút trở về. Chiến thắng của Trần Khánh Dư tại Vân Đồn trở thành chiến thắng quan trọng nhất giúp Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông lần thứ 3.

Trần Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn