Nguyễn Xí và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai 201710:00 CH(Xem: 6283)
Nguyễn Xí và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
nguyen xi

Đền thờ ông Nguyễn Xí ở huyện Nghi Lộc,Nghệ An

Tôn Thất Thọ

       Đầu Thế kỷ  XIV, lợi dụng lúc nhà Hồ giành ngôi nhà Trần, giặc Minh đã kéo 80 vạn quân sang xâm lược nước ta. Vào giữa năm 1407, giặc đã tràn tới Thanh- Nghệ. Chúng thực hiện nhiều hành động rất tàn ác, bạo ngược.  Trước thảm họa xâm lăng, nhân dân ta đã không chịu khuất phục. Nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã bùng lên ở nhiều nơi. Phong trào lớn nhất ở vùng Thanh – Nghệ do  Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng lãnh đạo kéo dài hơn 6 năm ( 1407-1413). Đến năm Bính Thân (1416) , Lê Lợi cùng 18 chiến hữu đã làm lễ thề Lũng Nhai nguyện đốc sức, đồng lòng, sống chết có nhau. Đầu năm Mậu Tuất( 1418), ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi  bắt đầu phất cao ở vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa ) 

      Bấy giờ , Nguyễn Xí cùng anh là Nguyễn Biện đã hăng hái tham gia đầu quân khởi  nghĩa. Năm Mậu Tuất ( 1418), tên phụ đạo phản bội là Lê Ái mở đường cho giặc Minh mở cuộc vây quét lớn vào căn cứ Lam Sơn, chúng dã bắt con gái của Lê Lợi mới 9 tuổi, bắt bớ vợ con nghĩa quân, tàn hại nhan dân. Nguyễn Xí cùng các tướng Đinh Lễ, Phạm Văn, Đỗ Bí, Trương Lôi. Lê Đạo chỉ huy nghĩa quân đánh trả kiên cường, bảo vệ được Lê Lợi để từ đó rút lên núi Chí Linh an toàn.

Cuối năm Canh Tý (1420), lại  một nhóm phản bội khác dẫn đường cho quân giặc mở đường tấn công căn cứ Mường Thôi, Lê Lợi đã cử Nguyễn Xí cùng các tướng Nguyễn Đình Lý, Phạm Vấn, Lê Triện đem quân mai phục, tiêu diệt quân địch tại Bồ Mông, tạo điều kiện cho nghĩa quân sau đó thừa thắng , đập tan một cuộc tấn công lớn của giặc.

Năm Nhâm Dần (1423 ), giặc Minh do Mã Kỳ chỉ huy tấn công vào Quan Du ( Quan Hóa, Thanh Hóa), lần này,  nghĩa quân bị tổn thất nặng, phải rút ra Sách Khôi ( Nho Quan- Ninh Bình). Tại đây, nghĩa quân  gặp phải nguy cơ bị tiêu diệt do quân giặc đưa quân từ Tây Đô ( Thanh Hóa) ra; Đông Quan ( Hà Nội ) vào. Để thoát khỏi tử địa, Lê Lợi chủ trương: “Đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết”, Nguyễn Xí cùng các tướng  Phạm vấn, Lê Triện, Lê Hào, Lê Linh, Trương Lôi, Trịnh Khả…đã chỉ huy nghĩa quân chiến đấu anh dũng, giét chết được tướng giặc là Phùng Quý, tiêu diệt hơn 1000 tên, thu hơn 100 lừa, ngựa…

         Năm Giáp Thìn (1424), bộ chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn đã quyết định chuyển  hướng chiến lược, vào xây dựng căn cứ tại Nghệ An. Nguyễn Xí đã tham gia hạ đồn địch tại Đa Căng ( Thọ Xuân, Thanh Hóa) ,  mở đường cho nghĩa quân vào Nghệ An. Tại đây, Nguyễn Xí đã chỉ huy quân ta đánh thắng trận Bồ Đằng. Trong trận này, lúc đầu nghĩa quân bị địch chặn đường trước mặt, đuổi sát sau lưng, ông  đã mưu trí lợi dụng địa hình hiểm yếu, bố trí phục kích bất ngờ lúc sập tối, nên đã giết được hơn 2000 tên giặc, trong đó có chủ tướng Trần Trung, thu hơn 100 ngựa.

Tiếp theo là việc hạ đồn Trịnh Sơn và giành chiến thắng Trà Lân trong thế “ trúc chẻ tro bay”, giết tướng giặc là Trương Bản cùng 1000 tên giặc. Trà Lân vốn là thành lũy kiên cố của giặc Minh dựng lên nhằm án ngữ con đường thượng đạo, ngăn cản kế hoạch di chuyển nghĩa quân vào đất Nghệ. Trước tình thế đó, giặc đã huy động binh lính từ Đông Đô và Tây Đô vào thành Nghệ, mở chiến dịch đánh chiếm lại Trà Lân bằng đường thủy sông Lam và cả đường bộ, do các tướng Trần Trí và Phương Chinh cầm đầu, nhưng nghĩa quân ta do Nguyễn Xí chỉ huy đã chặn đứng , tiêu diệt  được một số lớn lực lượng của địch ở Khả Lưu và Bồ Ải (  Anh Sơn, Nghệ An), giết được tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống Đô ty Chu Kiệt và trên 1000 tù binh, buộc quân Minh phải rút về cố thủ ở thành Nghê, từ đây, nghĩa quân đã có điều kiện để tràn xuống đồng bằng, từng bước vây hãm căn cứ đầu não của địch, kế đó tiến ra Diễn Châu, Thanh Hóa, tấn công phủ Tân Bình, Thuận Hóa, làm chủ một khu vực rộng lớn từ đèo Tam Điệp đến đèo Hải Vân.

      Năm Bính Ngọ ( 1426), nghĩa quân bắt đầu tiến quân ra Bắc, Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ được lệnh nhận 3000 quân và 2 thớt voi ra dóng ở vùng Thanh Đàm ( Thanh Trì, Hà Nội ) để phối hợp với các cánh quân khác áp sát địch quanh thành Đông Quan.

Tháng 10 năm ấy, Vương Thông dẫn 50 000 quân sang tăng viện, mới tới được 5 ngày, y đã lấy  thêm quân ở Đông Quan mở cuộc tấn công ra vùng Chương Mỹ ( Hà Tây ). Nguyễn Xí cùng  Đinh Lễ lãnh đạo nghĩa quân đánh tan quân giặc ở Chúc Động- Tốt Động ( Hà Tây ), tiêu diệt  hơn 6 vạn quan giặc.

     Năm 1427, Thành Đông Quan bị ta bao vây, quan Minh còn 4 vạn quân trong thành , thỉnh thoảng vẫn  đánh thọc ra ngoài. Nguyễn Xí và Đinh Lễ đem 500 quân thiết đột tới đánh, Vương Thông phải tháo chạy. Khi  đến Mỵ Động, chúng quay lại phản kích, Nguyễn Xí và Đinh lẽ ra sức chiến dấu, chẳng may voi bị sa lầy, cả hai bị giặc bắt. Đinh Lễ bị giặc giết. Nguyễn Xí bị chúng giam giữ, nhưng ông đã mưu trí trốn thoát về lại bản doanh. Lê Lợi lại cử ông tiếp tục cầm quân đánh giặc.

      Tháng 9 năm Đinh Mùi ( 1427),  Liễu Thăng hung hăng đem 10 vạn quân theo đường Quảng Tây tiến sang ; Mộc Thạnh đem 5 vạn quân theo đường Vân Nam tràn xuốn, khi đến Chi Lăng, Liễu Thăng bị nghĩa quân ta phục kích chém chết. Tháng 10 năm đó, Nguyễn Xí  lại cùng với Đinh Liệt đem 3000 quân tấn công trại địch ở Xương Giang, trận này quân giặc thiệt hại rất nặng nề; từ đó chúng rơi vào thế tuyệt vọng , lần lượt ra hàng để được  tha tội chết. Với chiến thắng này , nghĩa quân Lam Sơn đã dập tắt mọi ý đồ xâm lăng của quân giặc. Nước ta giành  được độc lập sau 10 năm gian khổ kháng chiến.

      Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397), mất năm Ất Dậu (1465), ông đã liên tục phục vụ qua 4 triều đại;  là một vị tướng tài giỏi của nghĩa quân Lam Sơn , mặc dù gặp nhiều gian lao trên đường chiến đấu, nhưng dưới sự chỉ huy của anh hùng Lê Lợi, ông đã hành động rất ngoan cường, đã chỉ huy quân ta chiến thắng ở nhiều trận đánh quyết định, từ đó góp phần đưa nước giành lại nền độc lập …

https://nghiencuulichsu.com/2017/12/04/22788/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn