Truyền kỳ về vị Trạng nguyên Tam nguyên đầu tiên trong sử Việt

Thứ Bảy, 24 Tháng Mười Một 20183:00 SA(Xem: 6836)
Truyền kỳ về vị Trạng nguyên Tam nguyên đầu tiên trong sử Việt

Nhìn lại lịch sử các kỳ thi khoa bảng trước đây, mỗi khoa thi có 3 kỳ thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Các sĩ tử vượt qua thi Hương sẽ vào thi Hội, vượt qua thi Hội mới vào đến thi Đình. Sĩ tử đứng đầu thi Hương là đậu Giải nguyên, đứng đầu thi Hội là đậu Hội nguyên. Tại kỳ thi Đình, một sĩ tử vừa phải đỗ đầu, vừa phải đạt điểm tuyệt đối mới được xem là Trạng nguyên. Chính vì thế mà trong lịch sử khoa bảng, có những khoa thi không có Trạng nguyên. Thế nhưng song song với Trạng nguyên có một danh hiệu cũng cao quý không kém là đỗ Tam nguyên, tức là đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Đỗ Tam nguyên chưa hẳn đã là Trạng nguyên, vì người đó chỉ là đỗ đầu thi Đình. Có những người không phải là Trạng nguyên, Bảng nhãn hay Thám hoa nhưng vẫn là Tam nguyên. Thật ra số lượng Tam nguyên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam còn ít hơn cả Trạng nguyên. Mà Trạng nguyên đồng thời là Tam nguyên thì chỉ có một vài người: Đào Sư Tích nhà Trần (Xem bài: Vị trạng nguyên Đại Việt giỏi đến mức vua Minh phải tìm cách diệt đi để trừ hậu họa), Phạm Đôn Lễ nhà Lê sơ, Vũ Dương nhà Lê sơ.

Nhưng bên cạnh ba vị Trạng nguyên kiêm Tam nguyên có thể khảo chứng được này, còn có một vị Trạng nguyên khác, thường được nhắc tới như là Tam nguyên đầu tiên trong sử Việt, đó là Nguyễn Quán Quang.

7837
(Tranh minh họa: Bìa sách về Trạng nguyên, NXB Kim Đồng)

Trong danh sách 47 vị trạng nguyên treo ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) thì Nguyễn Quán Quang được ghi đầu tiên rồi sau đó mới là Nguyễn Hiền. Tuy nhiên trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng như Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục lại không thấy chép về ông. Chính vì thế việc Nguyễn Quán Quang hay Nguyễn Hiền là vị Trạng Nguyên đầu tiên của Việt Nam vẫn còn gây nhiều tranh luận.

Nguyễn Quán Quang được biết tới với giai thoại đỗ Tam nguyên và đối đáp với tướng Mông Cổ.

Từ cậu bé học lỏm đến Tam nguyên

Nguyễn Quán Quang lúc nhỏ có tên là Nguyễn Quan Quang, sinh ở xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Gia đình ông nghèo khó, bữa đói bữa no, nên không thể có tiền cho Nguyễn Quan Quang ăn học. Ông vẫn hay la cà ngoài lớp học lắng nghe các trò đọc “tam tự kinh”, nhìn qua cửa học lỏm chữ rồi dùng gạch non viết xuống nền sân. Dù không có thẻ tre và bút, nhưng nét chữ bằng gạch non viết xuống nền sân rất rõ ràng và đẹp.

Một lần tan học, thầy đồ ra ngoài sân thì thấy có nhiều chữ viết như rồng bay phượng múa. Biết được người viết những chữ này là cậu bé vẫn la cà ở ngoài lớp học, thầy đồ kinh ngạc nói rằng: “đây mới chính là trò giỏi”. Rồi thầy cho gọi Quan Quang vào lớp và thu nhận làm học trò.

Nguyễn Quan Quang nổi tiếng thông minh học một biết mười, chẳng bao lâu mà đã thông kinh, thuộc sử, ứng khẩu thành thơ.

Nguyễn Quan Quang dùi mài kinh sử. (Tranh minh họa qua truyenxuatichcu.com)

Lớn lên Nguyễn Quan Quang đi thi đời vua Trần Thái Tông, với tài năng vượt trội đỗ cả Giải nguyên, Hội nguyên và Trạng nguyên tức đỗ Tam nguyên. Ông trở thành Tam nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng. Theo văn bia số 1 tại Văn miếu Bắc Ninh, thì ông là người đỗ Trạng nguyên khoa thi Bính Ngọ 1246, tức năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 đời vua Trần Thái Tông.

Người dân thời đấy đều gọi ông là “ông Tam nguyên”, và gọi tên ông là Quán Quang.

Sau khi vinh quy bái tổ, Nguyễn Quán Quang được vào Triều làm quan. Vua Thái Tông thấy ông có dáng người cao lớn, lại có khí phách hơn người nên rất quý mến, ban quốc tính cho ông, gọi là Trần Quán Quang.

Thể hiện khí phách Đại Việt trước đại quân Mông Cổ

Khi vó ngựa quân Mông Cổ đang giày xéo đất Tống và lăm le muốn tràn sang Đại Việt, Vua cử Quán Quang đi thương nghị.

Viên tướng Mông Cổ muốn thể hiện sức mạnh nước mình để áp chế ông, nên nhân lúc đi qua một ao bèo bèn vớt một cây bèo lên rồi bóp nát trong tay.

Quán Quang hiểu ý viên tướng muốn nói là ví Đại Việt như bèo, Mông Cổ có thể bóp nát trong tay. Quán Quang bèn nhặt một hòn đá to rồi ném xuống, bèo liền dạt ra tạo thành khoảng trống rồi nhanh chóng các cánh bèo tụ lại kín ao. Bấy giờ viên tướng Mông Cổ hiểu ý ông muốn nói là người Việt có sức mạnh đoàn kết, không thể khuất phục được.

Tranh minh họa từ Báo Bình Phước.

Vì Đại Việt không tỏ ý khuất phục Mông Cổ nên phải đợi đến năm 1258, sau khi đánh bại Đại Lý, quân Mông Cổ mới có bàn đạp tiến đánh Đại Việt.

Trong cuộc chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất, Trần Quán Quang có nhiều đóng góp nên được Vua phong cho làm Bộc Xạ (chức quan chỉ sau Tể Tướng). Ông làm quan rất thanh liêm, hết lòng vì Giang Sơn Xã Tắc.

Khai sáng việc học tại quê nhà

Khi về già Trần Quán Quang về quê mở lớp dạy học. Nhớ lại thuở xưa gia cảnh nghèo khó phải học lỏm ngoài cửa, ông rất yêu quý trẻ nghèo hiếu học. Người dân Tam Sơn cho rằng ông là người khai sáng việc học của quê hương, mở đường cho đất Ba Gò sau này có một “kho nhân tài”.

Sau khi ông mất, người dân nhớ đến cảnh ông sống đạm bạc như người tu hành, nên dựng một ngôi chùa để tưởng nhớ đến ông, gọi là chùa Linh Khánh. Ngôi chùa này đến nay đã không còn nữa, nhưng vẫn còn cây hương tạc bằng đá vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Nội dung ghi trên bia nói về công đức của ông đối với dân làng.

Người dân cũng lập đền thờ ông trên núi Viềng, phong ông làm Thành Hoàng và gọi là “Đại vương Phúc Thần”. Triều đình cũng phong cho ông là Đại Tư Không.

Hàng năm cứ vào ngày 22 tháng Chạp âm lịch, dân làng lại tổ chức “tế phong mã” để tưởng nhớ đến ông.

Trần Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn