Bản lĩnh người Giao Chỉ khiến vua Hán phải bội phục

Thứ Ba, 13 Tháng Mười Một 20187:00 CH(Xem: 4880)
Bản lĩnh người Giao Chỉ khiến vua Hán phải bội phục

Từ thời Giao Chỉ còn phải lệ thuộc vào phương Bắc cho đến khi giành được độc lập và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, rồi Đại Việt, nước ta vẫn luôn có những vị sứ thần làm rạng danh cho dân tộc, trong đó phải kể tới bản lĩnh của Trương Trọng.

SuThan-vn-tq
Sứ thần đối đáp với vua phương Bắc. (Ảnh qua Youtube)

Sau khi Trưng Nữ Vương bị quân Đông Hán đánh bại, Giao Chỉ phải lệ thuộc vào nhà Hán. Bấy giờ theo sách “Các sứ thần Việt Nam”, quận Nhật Nam (vùng đất từ Quảng Bình đến Bình Định ngày nay) có người tên là Trương Trọng có học hành nên được làm Thuộc Lại. Tuy vóc dáng nhỏ bé, nhưng Trương Trọng lại rất thông minh, lanh lợi.

Cuối năm 78, theo lệ nhà Hán thì mỗi năm các vùng phải cho người về kinh đô Lạc Dương cống nạp sản vật quý hiếm và báo lại tình hình ở nước sở tại, Trương Trọng được viên Thái Thú cử đi chầu vua Hán.

Trương Trọng đến kinh đô Lạc Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam – Trung Quốc) tâu bày mọi việc trong quận lên vua Hán. Hán Minh Đế thấy Trương Trọng là dân ở cõi xa, lại thấy người thấp bé nên rất coi thường, bèn hỏi:

– Viên tiểu lại nhỏ bé kia người quận nào?

Trương Trọng khảng khái đáp rằng:

– Thần là Kế Lại, người thay mặt Thái thú Nhật Nam vào chầu vua và dâng sớ lên triều đình, chứ không phải là một viên lại nhỏ. Bệ hạ muốn dùng người có tài cán hay chỉ muốn đo xương thịt?

Vua Hán thấy câu trả lời cứng cỏi, dù tức tối nhưng không có lý do gì để bắt bẻ nên đành thôi.

Kinh đô Lạc Dương. (Ảnh từ chudu24.com)

Mấy hôm sau vào dịp tết Nguyên Đán, vua mở tiệc mừng với các quần thần cùng sứ giả các nơi. Nhìn thấy Trương Trọng, vua Hán nhớ lại chuyện mấy hôm trước, nên nhân lúc có đủ các quan bèn nói:

– Nhật Nam có nghĩa là “phía Nam mặt trời”. Ta nghe nói tất cả nhà cửa của dân chúng ở quận này tất thảy đều xoay hướng về phương Bắc để trông thấy mặt trời, có đúng phải vậy không?

Hàm ý của vua Hán chính là ví mình như mặt trời vậy, Giao Chỉ phụ thuộc nhà Hán thì tức là dân ở quận đó phụ thuộc vào vua Hán, vậy nên mới nói là “xoay hướng về phương Bắc để trông thấy mặt trời”.

Bấy giờ, Trương Trọng bình tĩnh đáp rằng:

– Tâu bệ hạ, theo thiển ý của thần thì Nhật Nam không phải là phía Nam mặt trời. Một bậc túc nho không ai hiểu như thế. Đất Trung Nguyên có quận gọi là “Vân Trung” nhưng quận ấy có ở trong mây đâu? Có quận gọi là “Kim Thành” nhưng có phải là thành xây bằng vàng đâu? Ấy là người đời đặt tên thế thôi chứ thực không phải như thế. Lại nữa, ở nơi nào thấy mặt trời cũng đều mọc ở đằng Đông, kẻ thất phu cũng hiểu được như thế. Còn ở xứ Nhật Nam không ai xoay về phương Bắc để trông thấy mặt trời. Ngược lại “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” là tục lệ của người dân Nhật Nam. Chứ chẳng ai thay đổi được tục lệ đó.

Hán Minh Đế cùng quần thần đều ngây người trước câu trả lời của Trương Trọng. Sự thông minh và tài ứng đối của ông đã khiến Hán Minh Đế phải thêm một lần khâm phục. Sau này ông được vua Hán trọng dụng, phong làm Thái Thú quận Kim Thành.

Trần Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn