Câu chuyện về vị tướng một tai trung thành phò tá nhà Ngô

Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Một 20183:00 SA(Xem: 5294)
Câu chuyện về vị tướng một tai trung thành phò tá nhà Ngô

Đỗ Cảnh Thạc là vị tướng góp công lớn giúp Ngô Quyền thống nhất thiên hạ, đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ cho dân tộc.

Góp công đánh đuổi quân Nam Hán

Đỗ Cảnh Thạch (912-967) quê ở huyện Thanh Oai (Hà Nội ngày nay), được biết đến với biệt danh là “độc nhĩ đại tướng quân” tức đại tướng quân một tai.

Theo sử liệu thì Đỗ Cảnh Thạc từ bé đã tỏ ra thông minh, 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, thường theo cha đi săn.

Về việc ông bị mất một tai, “Thần phả Đỗ tướng công” có ghi chép rằng:

“Một hôm giặc vào bắt lợn của nhà, ông xông ra giằng lợn lại bị chúng đánh đập, cáu tiết ông giằng chiếc đòn khiêng lợn đánh túi bụi, sau vì thế cô mà bị chúng quây bắt trói lên cây và xẻo mất một bên tai”.

Sau sự việc này ông tìm thầy học võ liền 3 năm, sau đó đầu quân cho Dương Đình Nghệ, trở thành tướng tài giúp Dương Đình Nghệ đánh đuổi  quân Nam Hán  trở về nước.

Sau khi Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn phản bội sát hại, ông kéo quân về Ái Châu đầu quân cho Ngô Quyền, rồi cùng Ngô Quyền thần tốc bao vây thành Đại La bắt được Kiều Công Tiễn, kịp thời thống nhất các lực lượng nhằm chuẩn bị đón đại quân Nam Hán đang chuẩn bị tiến sang.

7590
Trận đánh trên sông Bạch Đằng. (Tranh dân gian: chiến thắng sông Bạch Đằng lần thứ nhất)

Năm 939 “Độc nhĩ tướng quân” một lần nữa sát cánh cùng Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thống nhất Giang Sơn bờ cõi, chấm dứt thời kỳ bắc thuộc, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc – thời kỳ tự chủ.

Trung thành với nhà Ngô

Sau khi Ngô Quyền lên ngôi, Đỗ Cảnh Thạc được phong Thái úy đứng đầu các quan võ trong triều đình.

Năm 944, Ngô Quyền mất, con trai là Ngô Xương Ngập lên nối ngôi, nhưng em vợ Ngô Quyền là Dương Tam Kha cướp ngôi của Ngô Xương Ngập, đồng thời nhận em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con nuôi.

Ngô Xương Ngập chạy trốn đến vùng Hải Dương. Dương Tam Kha sai Đỗ Cảnh Thạc truy bắt Ngô Xương Ngập, nhưng vì trung thành với nhà Ngô nên Đỗ Cảnh Thạc 3, 4 lần truy tìm Ngô Xương Ngập đều cố tình làm ngơ để Ngô Xương Ngập có cơ hội trốn thoát được.

Dương Tam Kha lên ngôi Vua nhưng nhiều người không thuần phục, làm Sứ quân trấn giữ các nơi, đất nước rơi vào cảnh nội chiến.

Năm 950, Dương Tam Kha sai Đỗ Cảnh Thạc cùng Ngô Xương Văn đến đánh Sứ Quân ở Thái Bình, giữa đường Ngô Xương Văn bảo các tường rằng:

Đức trạch của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả. Chẳng may Tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình vương (tức Dương Tam Kha) là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, còn tội gì hơn nữa! Nay lại sai chúng ta đi đánh các ấp vô tội kia, may mà được đã vậy, nếu họ không phục thì làm thế nào?”

Đỗ Cảnh Thạc vốn đã có lòng trung thành với nhà Ngô, liền tuân mệnh Ngô Xương Văn, các tướng khác cũng đều xin phụng mệnh.

Sau đó Đỗ Cảnh Thạc bàn cùng Ngô Xương Văn bí mật đem quân quay trở lại đánh úp Dương Tam Kha, các tướng cùng đồng tình, hai Sứ quân ở Thái Bình cũng đồng thời trợ giúp.

Ngô Xương Văn nhờ đó đánh bại được Dương Tam Kha, đón anh là là Ngô Xương Ngập trở về, hai anh em cùng xưng Vương, Đỗ Cảnh Thạc góp công lớn nên được trọng dụng.

Năm 965, Ngô Xương Văn đi dẹp loạn Sứ Quân ở Thôn Đường và thôn Nguyễn thì bị tử trận. Về sự việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi ngắn gọn như sau: “Ất Sửu, năm thứ 15, (Tống Càn Đức năm thứ 3). Vua đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, mới vào đến cõi, đỗ thuyền lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết.”

Thời loạn lạc trở thành Sứ quân

Ngô Xương Văn mất, trong kinh thành các binh tướng nổi lên tranh giành quyền lực. Trong cuộc chiến tranh giành này Lã Xử Bình thắng thế khi chiếm được thành Cổ Loa.

Giang Sơn đứng trước loạn lạc, các Sứ quân nổi lên khắp nơi tạo thành các cát cứ, Đỗ Cảnh Thạch kéo quân đến vùng Đỗ Động Giang, đắp thành Quèn (hay trại Quyền) và đồn Bảo Đà (ở 2 huyện Quốc Oai và Thanh Oai, Hà Nội ngày nay).

Đỗ Cảnh Thạc chiếm cứ một vùng rộng lớn ở nơi giáp ranh giữa đồng bằng và miền núi, lập 72 trại sở, tạo chiến thuyền, tích trữ lương thảo, quân sĩ ngày đêm luyện tập.

Trấn giữ cả vùng Quốc Oai và Thanh Oai (thuộc Hà Tây, Hà nội ngày nay), Đỗ Cảnh Thạc giúp người dân nơi đây được ổn định trong thời kỳ nhà Hậu Ngô sụp đổ, chiến loạn xảy ra khắp nơi. Là một thế lực mạnh trong 12 Sứ quân, Đỗ Cảnh Thạc nhiều lần đẩy lùi cuộc tấn công của các Sứ quân khác, đặc biệt là Sứ quân Lã Đường.

Khi Đinh Bộ Lĩnh ngày càng mạnh, nhiều Sứ quân theo về, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh các Sứ quân còn lại nhằm thống nhất Giang Sơn. Thế nhưng khi tiến đánh Đỗ Cảnh Thạc, quân của Đinh Bộ Lĩnh bị vây khốn. Trong lúc tình thế nguy ngập thì Sứ quân Đinh Nga (vốn đã hàng phục Đinh Bộ Lĩnh) đem quân tới giải vây, đồng thời quân từ Hoa Lư đến tiếp viện nhờ đó Đinh Bộ Lĩnh mới thoát được. Thừa thắng, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh chiếm được Đỗ Động GIang.

Giao chiến hơn 1 năm sau, đến năm 967 thì Đỗ Cảnh Thạc không còn đủ sức chống đỡ, bị trúng tên và mất ở núi Sài Sơn.

Đánh giá về “Độc nhĩ tướng quân”, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho rằng:

“Tướng công phò suốt ba đời nhà Ngô, trải bao biến cố vẫn giữ một lòng trung hiếu, không màng danh lợi, cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Thật là một tấm gương trung hiếu chói lọi cho đời sau noi theo”.

Hiện nay tại Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội) vẫn còn đền thờ tướng quân Đỗ Cảnh Thạc. Vị trí trung tâm của thành Quèn xưa kia nay là nơi thờ Thành Hoàng làng “Độc nhĩ đại vương” Đỗ Cảnh Thạc.

Trần Hưng 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn