Từ nhạy cảm nào khiến Mao Trạch Đông kiêng kỵ nhất?

Thứ Tư, 07 Tháng Mười Một 20181:00 CH(Xem: 6598)
Từ nhạy cảm nào khiến Mao Trạch Đông kiêng kỵ nhất?

Là lãnh tụ Trung Quốc từng trải qua bao cuộc chiến loạn, chắc chắn khi sinh thời có nhiều điều ông Mao Trạch Đông không ưa thích. Những gì lãnh tụ không ưa dễ trở thành cấm kỵ, nhạy cảm. Có lẽ chưa có ai nghiên cứu hệ thống về những từ ngữ được xem là nhạy cảm đối với Mao. Bài này chỉ nhìn vào một sự kiện liên quan đến thời đau khổ ở Trung Quốc vì thảm họa không có lương thực.

418q
Mao Trạch Đông hiệu triệu nhân dân “Khi nhàn rỗi ăn loãng, khi bận rộn ăn khô” (Ảnh: Internet)

Năm 1960, chính quyền Mao Trạch Đông đã biết rõ nạn đói nghiêm trọng thế nào, chỉ cần nhìn vào sắc mặt xanh xao thường thấy của cô bé Lý Nạp bên cạnh Mao (con gái của Mao) là có thể hiểu được mức độ trầm trọng của thảm họa. Trong tình cảnh này, dĩ nhiên ông Mao thường xuyên cử người đi khảo sát tình hình ở khắp nơi. Đến nửa sau năm 1960, Trung ương thành lập Chính phủ do ông Chu Ân Lai làm Thủ tướng và Tổ lãnh đạo “rau dưa thay thế” (qua thái đại, 瓜菜代) (thay cho lương thực) với sự tham gia của các ông Lý Phúc Xuân, Lý Tiên Niệm, Đàm Chấn Lâm, Tập Trọng Huân, đồng thời cũng cho mở văn phòng chuyên trách. Cùng thời kỳ, các tỉnh cũng thành lập tổ lãnh đạo và văn phòng tương tự, hội nghị tổng kết tình hình “rau dưa thay thế” sẽ được tổ chức vào dịp gần cuối năm.

Cái tên tổ lãnh đạo “rau dưa thay thế” là độc đáo hiếm thấy. Từ kế hoạch này, các địa bàn trên toàn quốc lập tức hành động, triển khai gom rau dại, lá cây, rễ củ ở khắp nơi nhằm thay thế cho thực phẩm để ăn chống đói. Nhưng thực tế, “phong trào” này quần chúng đã sớm nghĩ ra và thực hiện rồi, vì thế mà khắp trung nguyên bao la đã hết sạch lá cây, nói gì đến rau dại.

Cái tên “rau dưa thay thế” tuy quái lạ, nhưng chung quy vẫn có “dưa” có “rau”, chỉ gợi cảm giác lương thực chắc ít nên bị thay thế mà thôi. Nhưng nếu giải thích cho rõ căn cứ vào tình cảnh lịch sử, chúng ta sẽ thấy cái gọi là “dưa” và “rau” trong “rau dưa thay thế” tuyệt đối không có, thay vào đó là những thực vật như phần dưới đây liệt kê ra.

Hãy lấy sự kiện ngày 9/11/1960, khi tổ đảng của Viện Khoa học Trung Quốc gửi “Kiến nghị về xử lý thay thế phẩm lương thực” cho Trung ương làm dẫn chứng, để xem “dưa” và “rau” trong “rau dưa thay thế” là những thứ gì. Theo báo cáo, “quả và hạt sồi, rễ bắp, rễ lúa mì có thể ăn được”. Cho dù lúc này các nhà khoa học còn đang “nghiên cứu” tình hình: Theo các nhà khoa học dự tính, mỗi năm cả nước có khoảng 8 tỷ cân vỏ quả sồi, trong đó tinh bột thu được của nhân quả sồi là từ 43% – 60%, cứ 100 cân quả sồi sau khi bỏ vỏ thì thu được 30 – 50 cân tinh bột, nếu lấy tinh bột từ 20% sản lượng sồi trên toàn quốc thì có 600 – 700 triệu cân; còn về giá trị dinh dưỡng của “rễ ngô, rễ lúa mì”, các nhà khoa học và chuyên môn nhận định: “Một mẫu rễ bắp xay thành bột có thể thu về 50 cân trở lên, nếu thu hoạch trên toàn quốc, lượng bột thu được từ 20% sản lượng rễ ngô và rễ lúa mì thì có vài tỷ cân thực phẩm thay thế lương thực”. Các nhà khoa học còn “nghiên cứu” ra những loại thực phẩm thay thế lương thực như: protein chiết từ lá cây cối (leaf protein), Chi Chlorella, tảo đơn bào (Platymonas), bột rễ cây ngô và rễ lúa mì, cây chấp, thài lài…

Chỉ cách đó khoảng nửa năm, “giới khoa học” mới theo chỉ đạo của Mao Trạch Đông “nghiên cứu” đề tài khoa học quan trọng “Có nhiều lương thực phải giải quyết thế nào?”, thế nhưng sau đó tên đề tài bị sửa thành “Khi lương thực quá ít phải làm thế nào?”, và kết quả nghiên cứu thì giống nhau. Theo báo cáo, “thực vật hoang không chỉ có tinh bột mà còn có protein phong phú”. Báo cáo đưa ra hai số liệu nghiên cứu về hóa sinh và lý sinh của Viện Khoa học Trung Quốc: có thể chiết được protein từ 20 loại lá cây, cây hoang dại và cây cối các gia đình trồng, “cứ 100 cân lá tươi lấy được từ 2 -10 cân protein khô, có hàm lượng protein từ 50% – 70%. Còn đối với rơm, mỗi năm trên cả nước có khoảng 6000 tỷ cân, nếu lấy 10% rơm là thứ có thể ăn được thì cứ 100 cân dự tính có 20 cân có thể làm thực phẩm thay thế, chỉ riêng khoản này thu được 12 tỷ cân thực phẩm thay thế”. Các nhà khoa học lại vẽ ra một cái bánh to: “vài tỷ cân” cộng thêm “12 tỷ cân” là số lương thực khổng lồ. Từ đây, kết luận báo cáo của Viện Khoa học Trung Quốc là: “Nên tranh thủ thời gian thực hiện trên phạm vi rộng”.

Báo cáo này được gửi cho ông Chu Ân Lai, rồi ông Chu Ân Lai chuyển cho ông Mao Trạch Đông, cộng thêm báo cáo về lương thực của các địa phương khác nữa, có thể nói trên bàn các lãnh đạo cấp cao Trung Nam Hải toàn những văn kiện có từ ngữ trung tâm là “rau dưa thay thế”.

Cách đó chưa lâu, Mao phấn khởi sốt sắng yêu cầu mọi người nhanh chóng nghĩ cách giải quyết vấn đề lương thực, ra lệnh các nhà khoa học cùng tham gia vào phong trào Đại nhảy vọt đang hừng hực khí thế, yêu cầu họ cùng nông dân nghĩ ra cách thiết thực giải quyết vấn đề thực tế “lương thực nhiều phải làm thế nào”.

Vậy tại sao trong chớp mắt lương thực lại biến đi đâu?

Trong khoảng 1958 – 1960, thời gian chưa đầy 3 năm mà tình hình thay đổi đến khó chấp nhận. Bản thân ông Mao Trạch Đông cũng không muốn chấp nhận thực tế này, nhưng cũng không còn cách nào khác. Trung ương cho thành lập Văn phòng Tổ lãnh đạo “rau dưa thay thế” cấp tối cao, dĩ nhiên Mao biết, nhưng Mao không muốn chấp nhận, không tham gia hội nghị, đối thoại, không nghe báo cáo chuyên đề “rau dưa thay thế”. Vì từ “rau dưa thay thế” là từ nhạy cảm mà Mao không muốn thấy. Có vô số báo cáo “rau dưa thay thế” được đặt lên bàn Mao Trạch Đông, nhưng tất cả các “chỉ thị” của Mao chưa bao giờ xuất hiện cái từ làm Mao ngán ngẩm này.

Lần lượt báo cáo của các tỉnh An Huy, Hồ Bắc, Phúc Kiến, Sơn Tây, Chiết Giang, Hà Bắc gửi đến, Mao đều phê chuyển xử lý. Cho đến khi các tài liệu điều tra của Ban Tổ chức Trung ương và của Ban Giám sát Trung ương về vấn đề Tín Dương (tỉnh Hà Nam) gửi đến, phản ánh tình hình “người chết đói khắp nơi và cán bộ rối loạn kỷ cương nghiêm trọng”, Mao chỉ phê “nhờ Lưu, Chu xem ngay, đến chiều cùng bàn cách xử lý”. Thời gian khi đó là vào ngày 26/10. Hai ngày sau, Thư ký Bí thư tỉnh Hà Bắc là Diêm Đạt Khai chuyển “Báo cáo vắn tắt tình hình” (vấn đề lương thực) kỳ 581 cho Mao thông qua Văn phòng Trung ương. Phê chuẩn của Mao Trạch Đông là: “In và phát tài liệu này cho Bí thư thứ nhất Đảng ủy các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành, quận xem tham khảo”. Dĩ nhiên Mao Trạch Đông luôn ghi nhớ từ “rau dưa thay thế”, nhưng những lời phê duyệt của Mao không chạm đến từ này. Cùng ngày, ông Hồ Kiều Mộc gửi thư cho Mao về vấn đề “rau dưa thay thế”, trong thư viết, “trong tình hình thiếu thốn lương thực thì đẩy mạnh sản xuất rong tiểu cầu có ý nghĩa quan trọng: thứ nhất là, ít nhất có thể bảo đảm không có người chết đói, thậm chí giảm người bệnh phù thũng; thứ hai là giảm tình trạng dùng lương thực thay thế bừa bãi gây trúng độc” (trích Quyển 9 Bản thảo Mao Trạch Đông từ khi lập quốc đến nay); lá thư còn nhắc đến lợi ích của việc phát triển loại lương thực thay thế này. Qua thư của ông Hồ Kiều Mộc cho thấy, nhiều người vì đói nên ăn bừa bãi rễ cỏ và lá cây dẫn đến bị trúng độc, ảnh hưởng đến sức lao động, vì thế sức lao động sụt giảm nghiêm trọng.

Lúc này, từ “rau dưa thay thế” không còn xuất hiện nhiều, thay vào là “thực phẩm thay thế” (đại thực phẩm, 代食品), vì thứ thay thế là ép từ rễ cây chứ làm gì có rau và dưa. Tất cả những gì có thể dùng để chống đói đều gọi là “thực phẩm thay thế”. Sau đó, các báo từ địa phương đến trung ương gửi cho Mao đều dùng từ “thực phẩm thay thế” thay cho từ “rau dưa thay thế” trước đây.

Cho dù thế, ông Mao Trạch Đông cũng không muốn nhắc đến từ mới này. Ngày 12/12/1960, “Tài liệu về tình hình thực phẩm thay thế” được ông Diêu Y Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính Chính phủ chỉnh lý và gửi cho Mao Trạch Đông. Sau khi xem, Mao biết các tỉnh đã nỗ lực giải quyết vấn đề lương thực, cũng biết mức độ nghiêm trọng như thế nào, thế là lập tức phê tài liệu gửi cho ông Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Dương Thượng Côn: “Căn cứ tài liệu này, đánh điện cho Đảng ủy các tỉnh, thành phố để hiểu tình hình…”. Trong phê chuẩn, Mao Trạch Đông vẫn không nhắc đến từ “thực phẩm thay thế”.

Ngày 23/12 cùng năm, báo cáo cuối cùng về vấn đề “rau dưa thay thế” hoặc “thực phẩm thay thế” là do ông Phó Thủ tướng Chính phủ Đàm Chấn Lâm viết. Trong phần thứ 3 của báo cáo viết: “Năm ngoái cần áp dụng phương pháp trước chặt sau lỏng, bắt đầu vào vụ thu hoạch hè phải tranh thủ cân nhập kho lương, kế hoạch sử dụng theo tiêu chuẩn thấp, rau dưa thay thế, theo chính sách ngày mùa ăn nhiều, nông nhàn ăn ít”.

Ông Mao Trạch Đông lập tức phê chuẩn: “In và phát cho các đồng chí nghiên cứu thảo luận xem có hợp lý không”. Vậy là trong phê chuẩn báo cáo cuối cùng liên quan đến “rau dưa thay thế”, Mao vẫn tránh từ nhạy cảm này.

Sau đó, nhờ tình hình chuyển biến tốt dần mà từ này cũng rơi vào lãng quên, mãi về sau không còn thấy ai nhắc đến nữa…

Mộc Vệ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn