Nhà Thờ Đức Bà Paris lung linh trong câu chuyện Dame de Cœur

Thứ Sáu, 02 Tháng Mười Một 20189:01 SA(Xem: 6216)
Nhà Thờ Đức Bà Paris lung linh trong câu chuyện Dame de Cœur
Nhà Thờ Đức Bà Paris lung linh trong câu chuyện Dame de Cœur
Những ngọn đèn trên quảng trường trước Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) vụt tắt. Toàn bộ mặt tiền nhà thờ chìm trong bóng tối. Im lặng. Rồi một giọng nói cất lên. Một, hai, rồi ba đốm sáng vụt lên rồi khuất trong màn đêm trên mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà. Buổi biểu diễn âm thanh và ánh sáng Dame de Cœur bắt đầu như vậy. Đốm sáng như linh hồn của chàng lính trẻ, mới 18 tuổi, bị thương nặng trong Thế Chiến I (1914-1918) và sắp lìa cõi đời. Trong cơn hấp hối, chàng lính trẻ gặp một nữ y tá và bảo cô kể cho nghe về Nhà Thờ Đức Bà vì anh chưa một lần được đặt chân đến thăm. Notre-Dame de Paris được miêu tả qua những vần thơ, với giọng kể ngọt ngào, truyền cảm và thương cảm cho người lính trẻ xấu số và lãng mạn. Đối lập với hình ảnh đen trắng về chiến trường khói lửa của Thế Chiến thứ nhất, Nhà Thờ Đức Bà được miêu tả mang mầu nhuộm vàng, vàng như những hạt lúa mì, đẹp nổi bật giữa đảo Cité. Tiếp theo là màn ánh sáng mãn nhãn, xen giữa những câu đối thoại giữa người lính và nữ y tá, quyến rũ theo nhịp kể ngọt ngào về lịch sử và kiến trúc của Nhà Thờ Đức Bà. Dame de cœur làm nổi bật vẻ đẹp hơn 850 năm của Nhà Thờ Đức Bà Tiếng chuông nhà thờ ngân vang khi nữ y tá nói bắt đầu nói về kho báu của Nhà Thờ Đức Bà, về cột mốc số 0 (le point Zéro), điểm khởi đầu của 14 quốc lộ Pháp, nằm trên quảng trường, rồi đến tiếng đàn ống (orgue) và dàn hợp xướng. Tổng cộng 17 bức tranh ánh sáng lộng lẫy lần lượt ôm trọn trên mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà. Từng họa tiết trang trí, từng bức tượng bên ngoài nhà thờ được chiếu sáng, hiện lên lung linh trong màn đêm yên tĩnh. Nhà Thờ Đức Bà khoác một mầu áo khác nhau, lộng lẫy qua nhiều sự kiện quan trọng của Paris. Đến cuối buổi trình diễn là một bầu trời đầy sao và dường như thêm một vì sao, linh hồn của người lính trẻ, vừa bay lên hòa vào cõi vĩnh hằng. Trong khoảng 20 phút, khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với Dame de Cœur. Đức ông Chauvet, quản lý Nhà thờ Đức Bà, cùng với đội tình nguyện muốn người dân Paris khám phá lại vẻ đẹp hơn 850 năm lịch sử của viên ngọc giữa đảo Cité. Nhờ tài trợ của một nhà hảo tâm người Mỹ, họ muốn tưởng nhớ đến những người lính Mỹ đã sát cánh chiến đấu với quân đội Pháp trong Thế Chiến thứ nhất, năm 2018 đánh dấu tròn 100 năm. Vì thế, hòa bình là chủ đề chính của buổi chiếu bên ngoài Nhà Thờ Đức Bà. Bên trong, khán giả có thể cảm nhận được vẻ đẹp, nét linh thiêng pha chút huyền bí của nhà thờ trong tiếng đàn ống và ánh sáng phát ra từ 80 đèn chiếu được bài trí một cách tinh vi. Đây là lần thứ hai, tác phẩm Dame de Cœur được chiếu tại Nhà Thờ Đức Bà. Khoảng 160.000 khán giả đăng ký nhận giấy mời cho 16 xuất diễn trong 8 buổi tối (18-25/10/2018), sẽ được vào bên trong quảng trường trước cửa nhà thờ. Dĩ nhiên, du khách hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng từ xa tác phẩm hòa âm ánh sáng này. Nhưng với ánh sáng của những ngọn đèn và tiếng ồn giao thông, khó có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và ý nghĩa của câu chuyện về người lính trẻ. Bruno Seillier, người thổi hồn vào những công trình cổ Không phải lần đầu tiên Nhà Thờ Đức Bà là nhân vật chính trong những tác phẩm của Bruno Seillier. Tác giả, đạo diễn người Pháp từng nổi tiếng với những buổi hòa âm ánh sáng khác như La Nuit aux Invalides (Paris), 1918 : La naisance d’un monde nouveau (điện Invalides), Les Luminessences d’Avignon (Avignon), Les Ecuyers du Temps (lâu đài Saumur), La Conquête de l’Air (Grand Palais, Paris), Les Chroniques du Mont (tu viện ở Mont-Saint-Michel), La cité des pierres vivantes (Carcassonne)… Trả lời đài KTO, một kênh truyền hình Công Giáo của Pháp, đạo diễn Bruno Seillier giải thích về niềm đam mê với lịch sử, với các công trình kiến trúc và những sáng tạo của ông bắt nguồn từ niềm đam mê đó : « Điều mà tôi đặc biệt thích, đó là nâng giá trị của một công trình, một câu chuyện, một cuộc đời, một ngày tháng lịch sử. Hồi còn nhỏ, tôi rất thích những di tích của các thành phố lớn, cũng như ở những thành phố nhỏ bình dị hơn. Niềm đam mê, ngưỡng mộ, tình yêu dành cho những công trình kiến trúc, cho lịch sử, tôi muốn chia sẻ trong các buổi biểu diễn. Vẻ đẹp và truyền tải là những từ chủ đạo trong các tác phẩm của tôi ». Chính nhờ niềm đam mê với lịch sử và kiến trúc, từ một ý tưởng, một dự án, một địa điểm, một ngày tháng đáng nhớ, đạo diễn Bruno Seillier có thể tư vấn và thiết kế những dự án văn hóa, du lịch có quy mô với độ chính xác cao đến như vậy. Ông giải thích tiếp : « Thời điểm khám phá đầu tiên, đó là một công trình, một nơi chốn. Tôi cần được tiếp xúc trực tiếp với công trình đó, thường là một mình, để có thể cảm nhận được, để đối thoại được với địa danh đó. Và đó là thời điểm đặc biệt ! Sáng tạo luôn là một quá trình phức tạp. Bắt đầu là giọng nói, rồi những hình ảnh đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Lần đầu tiên, chúng tôi cảm thấy áp lực, vì không biết có thành công hay không. Sau đó khi thấy đứa con của mình biết đi, thì gánh nặng giảm đi rất nhiều và tràn đầy niềm vui ». Tác giả của những buổi trình diễn âm thanh ánh sáng biết chọn những từ ngữ chính xác, giọng nói truyền cảm lột tả hết vẻ đẹp thi vị của mỗi công trình và để người xem như được sống trong câu chuyện : « Đúng là cần giọng kể vì đó là yếu tố truyền tải đầu tiên. Rồi còn phải kể đến hình ảnh. Dù có vẻ hơi tiêu cực một chút, nhưng khi nói đến những buổi chiếu video hình ảnh quy mô lớn, tôi rất thích nhắc đến cụm từ « cảm giác rạo rực » ở ba cấp độ khác nhau. Cấp độ thứ nhất hoàn toàn mang tính công nghệ, thị giác. Đây là cú sốc công nghệ, ví dụ khi nhìn thấy bức tường nhúc nhích, biến đổi… đó là điều ngạc nhiên thứ nhất. Cấp độ hai chủ yếu là xúc cảm. Công trình toát ra được hiệu lực cảm xúc. Và cấp độ ba là tinh thần. Người ta như nhìn thấy tâm hồn và chính ở điểm này, những lời kể giúp công chúng hiểu sâu hơn và kích thích họ muốn trở lại lần sau. Vì rất nhiều người nói với tôi rằng, ở buổi chiếu thứ nhất, họ không hiểu hết nội dung. Mỗi người tiếp nhận một cách khác nhau và vì vậy họ cần xem lại ». Buổi biểu diễn Dame de Cœur hoàn toàn miễn phí vì Đức ông Chauvet muốn « chinh phục lại » người dân Paris, những người thường nản lòng trước đoàn du khách xếp hàng dài để vào thăm Nhà Thờ Đức Bà. Tuy nhiên, khán giả cũng được kêu gọi đóng góp một phần vào chi phí của buổi biểu diễn. Chi phí cho đợt diễn năm 2017 lên đến hơn 100.000 euro.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn