Sài Gòn xưa: Cầu Ba Cẳng và những truyền thuyết

Thứ Ba, 23 Tháng Mười 20183:00 SA(Xem: 7275)
Sài Gòn xưa: Cầu Ba Cẳng và những truyền thuyết

Người Sài Gòn xưa thường nói “dân chơi cầu Ba Cẳng”. Vậy cầu Ba Cẳng là cây câu nào? Giờ nó ở đâu mà nhiều người Sài Gòn kiếm hoài không thấy?

Cầu Ba Cẳng thuộc vùng Chợ Lớn bắc qua một cái Vàm (Ngã ba kinh rạch) của kinh Hàng Bàng, do quan Khâm Sai người Pháp ra lệnh xây dựng. Cầu có tên tiếng Pháp là “Pont des 3 arches” (cầu có 3 nhịp vòng), được xây bởi công ty Brossard et Mopin – công ty từng xây chợ Bến Thành năm 1914.

Sài Gòn xưa: Cầu ba cẳng và những truyền thuyết

Cầu ở cuối đường Kim Biên, đầu đoạn rạch Bãi Sậy, nay lấp thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khoẻ quận 6. Cầu Ba cẳng nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng.

Sài Gòn xưa: Cầu ba cẳng và những truyền thuyết

Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về cầu như sau: “Ở vùng quận 6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt, hình dạng rất lạ, có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng.”

Sài Gòn xưa: Cầu ba cẳng và những truyền thuyết

Cầu Ba Cẳng không đóng góp gì nhiều cho giao thông ở khu Chợ Lớn vì nó chỉ là cầu đi bộ giúp người dân tiện qua chợ Kim Biên, và là nơi hóng gió, hàn huyên…

Cầu Ba Cẳng đã bị “xoá sổ” hồi năm 1990 do bị sập.

Còn về cụm từ “dân chơi cầu Ba Cẳng” thì có nhiều giải thích khác nhau.

Người ta kể rằng hồi năm 1955, có một đám côn đồ sau khi làm việc phi pháp bị hai ông cảnh sát rượt đuổi. Chúng chạy lên cầu Ba Cẳng. Vì cầu có ba hướng lên xuống mà cảnh sát chỉ có hai người, do đó, chỉ chận được hai ngã. Bởi vậy, đám côn đồ thoát thân may mắn. Từ đó người ta nói “dân chơi cầu Ba Cẳng” với ngụ ý là dân giang hồ dám làm mà không dám chịu, nhưng lại may mắn mà né được nạn…

Sài Gòn xưa: Cầu ba cẳng và những truyền thuyết

Cũng có cách giải thích khác rằng ngày xưa có 1 cuộc hỏa hoạn lớn ở đường Gia Long (nay là Trịnh Hoài Đức, Sài Gòn). Người ta đổ xô lên cầu chen lấn, đứng xem quá đông, khiến cầu (bằng gỗ) bị sập. Sau đó cầu được xây lại thành ba nhánh bằng “bê tông cốt sắt” vững vàng hơn. Dân chúng trong vùng không còn gọi là cầu Khâm Sai nữa và gọi theo hình dáng xây dựng “Cầu Ba Cẳng”. Vậy thì theo câu chuyện này, “dân chơi cầu Ba Cẳng” dùng để chỉ những ai làm ẩu, không có tính toán gì, cứ thấy chuyện lạ là nhào vô, thỏa ý tò mò tới độ cầu sập, sinh ra tai nạn.

Sài Gòn xưa: Cầu ba cẳng và những truyền thuyết

Cũng có truyền thuyết kể rằng cái tên “dân chơi cầu Ba Cẳng” gắn liền với “hiệp sĩ” Mã Ban ở khu cầu Ba Cẳng, kẻ từng là nỗi khiếp sợ của đám du đãng ở Chợ Lớn. Cũng vì có thể trấn áp đám đu đãng nên Mã Ban dần trở thành bảo kê, được các chủ quán người Hoa “lì xì”, được một ông chủ người Hoa gả con gái cưng cho. Người ta kể rằng Mã Ban rất chịu chơi và thường là chịu chơi quá đà, mấy lần sạt nghiệp… Từ đó mới có cụm từ “dân chơi cầu Ba Cẳng”. (Xem bài: Sài Gòn xưa: Hiệp sĩ cầu Ba Cẳng)

Sài Gòn xưa: Cầu ba cẳng và những truyền thuyết

Rạch Bãi Sậy hay kênh Hàng Bàng ngày này đã lấp đến 90% và trở thành đường Bãi Sậy và đường Phạm Văn Khoẻ. Nhà cửa mọc lên phủ kín bờ rạch, che khuất dấu vết cây cầu xưa. Dẫu sao đi nữa, cầu Ba Cẳng cũng là cây cầu đi bộ đầu tiên của Sài Gòn.

Lê Nguyên
Ảnh trong bài lấy từ AnhXua.com

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn