Trung Quốc kéo dài « con đường tơ lụa » đến Đông Âu

Thứ Ba, 05 Tháng Mười Hai 20176:00 SA(Xem: 7027)
Trung Quốc kéo dài « con đường tơ lụa » đến Đông Âu

RFI

Một thời sự kinh tế được báo Pháp chú ý nhiều là cuộc họp giữa thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với 16 nước Đông Âu diễn ra ngày hôm qua (27/11) tại Hungary, một thành viên ngang bướng của Liên Hiệp Châu Âu.

Diễn đàn kinh tế tại Budapest thể hiện rõ tham vọng bành trướng sang châu Âu của Bắc Kinh. Le Figaro nhận định khái quát qua hàng tựa : « Bắc Kinh trải dài những « con đường tơ lụa mới của mình » qua Đông Âu. Việc thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được đón tiếp long trọng trong một diễn đàn kinh tế quy tụ lãnh đạo chính phủ và các bộ trưởng của 16 nước Đông Âu, trong đó nhiều nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu cho thấy Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang đi từng bước, có phương pháp để « củng cố vị thế và ảnh hưởng tại Trung và Đông Âu ».

Một lần nữa Trung Quốc lại chơi bài vung tiền để lôi kéo. Hôm qua, thủ tướng Lý Kkhắc Cường thông báo dành 3 tỷ euro đầu tư vào các quốc gia Đông Âu. Một chi tiết khác cũng được le Figaro chú ý: Việc chọn thủ đô Hungary là nơi diễn ra cuộc họp cũng không hề ngẫu nhiên chút nào.

Hungary của thủ tướng Viktor Orban là nước châu Âu cởi mở nhất với đầu tư Trung Quốc và cũng là thành viên hay chống đối lại những chủ trương của Bruxelles nhất. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto được Le Figaro trích dẫn đã khẳng định : « Trong vùng này, chúng tôi nhìn thấy vai trò lớn của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới như là một cơ hội chứ không phải là một đe dọa ».

Còn thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, trong bài phỏng vấn của Le Figaro hôm 24/11 thì lý giải sự hấp dẫn Trung Quốc: « Châu Âu vẫn chỉ ưu tiên phạt Hy Lạp bằng áp đặt chính sách kham khổ mà chẳng đầu tư gì. Với các nước khác thì Hy Lạp rất cuốn hút, vì thế người Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để đầu tư ».

Theo le Figaro, năm 2016, tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc đã kiểm soát cảng Pirée chiến lược của Hy Lạp. Để chuyển được đống của cải « made in China » đến tận trung tâm châu Âu, Bắc Kinh chuyển cấp vốn để hiện đại hóa trục đường sắt nối cảng Pirée-Budapest.

Tờ báo nhận định, « các đầu tư Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở ( sân bay, cảng biển, đường sắt) ở châu Âu nằm trong chiến lược « Một con đường, một vành đai » hay còn được gọi bằng một cái tên mỹ miều hơn là "con đường tơ lụa mới" ».

Để thực thi ý đồ lớn này, Trung Quốc đang dệt lên tấm vải của họ không chỉ bằng tiền tỷ mà cả bằng các điểm chuyển tiếp ảnh hưởng mà các nhà ngoại giao ngày nay vẫn thường gọi là "quyền lực mềm". Một thí dụ là tuần trước, Trung Quốc và Bulgari đã kết hợp thành lập trung tâm nghiên cứu về cơ sở hạ tầng giao thông tại Sofia, trong khi mà tại đất nước Đông Âu này đã có 11 cơ sở, tổ chức của Trung Quốc.

Le Figaro dẫn số liệu của Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc cho biết: Đầu tư Trung Quốc năm ngoái đổ vào Liên Hiệp Châu Âu đạt 35 tỷ euro. Hơn 2/3 số này là từ các doanh nghiệp Nhà nước nhằm phục vụ tham vọng lớn của Bắc Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn