Cuộc tử thủ của gần 1.000 người Do Thái trước 5.000 quân La Mã năm 70

Thứ Ba, 16 Tháng Mười 201812:00 CH(Xem: 5273)
Cuộc tử thủ của gần 1.000 người Do Thái trước 5.000 quân La Mã năm 70

Bị quân La Mã với số lượng áp đảo vây hãm thời gian dài, người Do Thái ở pháo đài Masada quyết định tự sát thay vì đầu hàng.

Di tích pháo đài Masada ngày nay. Ảnh: Wikipedia.

Di tích pháo đài Masada ngày nay. Ảnh: Wikipedia.

Vào thế kỷ thứ nhất, đế quốc La Mã thống trị Địa Trung Hải và đánh chiếm nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, trong đó có vương quốc Hasmoneans của người Israel. Tuy nhiên, sự cai trị tàn bạo của đế quốc La Mã đã khiến người Do Thái liên tục vùng lên đấu tranh vũ trang, trong đó sự kiện đáng nhớ nhất là trận tử thủ của gần 1.000 người Do Thái tại pháo đài Masada năm 70, theo War History.

Năm 66, người Do Thái ở tỉnh Judea, ngày nay là khu vực phía bắc Israel, bắt đầu vùng lên chống lại đế chế La Mã. Ban đầu, cuộc khởi nghĩa thành công khi biến thành phố Jerusalem thành căn cứ địa vững chắc. Tuy nhiên, Jerusalem thất thủ sau cuộc bao vây và đột kích của quân La Mã vào năm 70, buộc quân nổi dậy rút về co cụm phòng thủ ở pháo đài Masada.

Masada là pháo đài kiêm cung điện do vua Herod Đại đế của Judea xây dựng. Nó được thiết kế làm nơi trú ẩn cho nhà vua trong những thời điểm khủng hoảng.

Pháo đài Masada được đánh giá là kiệt tác về kiến trúc, cũng là thử thách khó nhằn với mọi kẻ thù muốn vây hãm. Công trình này tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi, bao quanh là dốc đứng, cách duy nhất để tiếp cận nó là tuyến đường độc đạo quanh co ở sườn đông ngọn núi. Đây là đoạn đường dài, hiểm trở, buộc lực lượng tấn công phải chia ra thành từng nhóm nhỏ tiếp cận, khiến họ dễ bị quân phòng ngự tập kích từ trên cao.

Thông thường, khi không thể tấn công một thành trì, người ta sẽ vây hãm nó trong thời gian dài, cắt đứt nguồn tiếp tế để lực lượng phòng thủ bị đói khát. Tuy nhiên, Masada lại là nơi có thể đối phó với mọi mối đe dọa. Ở đây có các hầm chứa nằm sâu trong lòng núi để tích trữ nước mưa và nhà kho chứa đầy thực phẩm, thậm chí có cả không gian trồng trọt để sản xuất thực phẩm tươi.

Khu vực tập kết của lực lượng La Mã trước trận vây hãm. Ảnh: Wikipedia.

Khu vực tập kết của quân La Mã trước trận vây hãm. Ảnh: Wikipedia.

Khoảng 960 người Do Thái có mặt trong pháo đài, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già, khi quân La Mã kéo đến. Chỉ huy nhóm người này là Eleazer Ben Yair, chiến binh xuất thân trong gia đình có truyền thống chống lại đế chế La Mã.

La Mã huy động Quân đoàn Fretensis số 10 và lực lượng hỗ trợ với quân số trên 5.000 binh sĩ, đông gấp 5 lần số người ở trong pháo đài Masada. Chỉ huy lực lượng vây hãm là Flavius Silva, thống đốc cai quản tỉnh Judea.

Quân La Mã xây thành lũy hình tròn xung quanh pháo đài Masada, nhằm ngăn đối phương thoát ra tìm viện binh hoặc phát động phản công. Thành lũy được xây bằng đá và lợi dụng địa hình sẵn có với kích cỡ đủ rộng để tuần tra canh gác, đồng thời có nhiều tháp canh để theo dõi mọi động thái tại Masada. Trên thành lũy còn bố trí máy bắn đá để tấn công ngay khi phát hiện đối phương.

Tuyến phòng thủ của La Mã cũng có nơi tập kết lực lượng để phát động tấn công. Khu vực này cách pháo đài Masada 280 m, cho phép các đơn vị bộ binh áp sát pháo đài mà không bị lộ diện trước lực lượng phòng thủ, cũng như giúp công binh có vị trí lắp đặt máy bắn đá gần phòng tuyến của người Do Thái.

Lợi dụng các khối đá sẵn có, đội công binh La Mã xây một đoạn dốc dài bằng đất và gạch vụn chạy từ nơi tập kết trên sa mạc đến đỉnh ngọn đồi. Ở phía sau phòng tuyến, họ chế tạo một tháp công thành để đối phó với cánh cổng lớn của pháo đài Masada.

Chiến thuật này khiến lực lượng phòng thủ bên trong pháo đài không có cách nào để đối phó. Quân đội La Mã tin chắc sẽ giành được thắng lợi nhanh chóng và những người bên trong Masada sẽ phải buông vũ khí đầu hàng.

Tuy nhiên, trước khi quân đội La Mã kịp tấn công, những người Do Thái đã giết hết gia đình của mình và tự sát. Họ dường như nhận ra kết cục không thể tránh khỏi của cuộc tấn công và quyết định không chịu đầu hàng đối phương. Khi quân La Mã vào trong pháo đài, họ chỉ tìm thấy hàng trăm xác chết.

Sự kiện pháo đài Masada thất thủ đã đặt dấu chấm hết cho cuộc nổi dậy ở Judea, nhưng câu chuyện từ cuộc tử thủ này đã trở thành nguồn cảm hứng cho những thế hệ người Do Thái sau này.

Phần dốc tấn công do công binh La Mã xây dựng. Ảnh: Wikipedia.

Phần dốc tấn công pháo đài do công binh La Mã xây dựng. Ảnh: Wikipedia.

Duy Sơn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn