Bí ẩn giáo phái săn giết trí thức ở Ấn Độ

Thứ Hai, 08 Tháng Mười 20181:00 SA(Xem: 6330)
Bí ẩn giáo phái săn giết trí thức ở Ấn Độ

Cách đây khoảng 1 năm, nữ nhà báo nổi tiếng Gauri Lankesh, biên tập viên và chịu trách nhiệm xuất bản tuần báo Gauri Lankesh Patrike, bị bắn chết bên ngoài nhà riêng ở thành phố Bengaluru, bang Kamataka thuộc miền nam Ấn Độ. Cái chết của bà Lankesh (55 tuổi) lập tức gây chấn động dư luận cả nước và một thời gian bị nghi là vụ ám sát chính trị, theo Đài NDTV. Tuy nhiên, thông tin từ cuộc điều tra cho thấy đây dường như là âm mưu hoàn toàn khác.

Bí ẩn giáo phái săn giết trí thức ở Ấn Độ - ảnh 1

Những kẻ sát nhân đã bám theo bà Lankesh suốt nhiều tháng, theo dõi nhất cử nhất động của nạn nhân nhằm xác định thời gian thích hợp nhất để ra tay. Ngày 5.9.2017, nữ nhà báo kỳ cựu từ văn phòng làm việc về nhà thì các hung thủ ập đến trên một chiếc mô tô. Một tên áp sát và nã súng. Tờ The Times of India nhận định cái chết của bà đã tạo nên cơn địa chấn khắp quốc gia Nam Á này. Bengaluru đã tổ chức tang lễ trọng thể cho nữ nhà báo và hàng ngàn người xuống đường khắp Ấn Độ, hô to khẩu hiệu: “Tôi là Gauri. Tất cả chúng tôi đều là Gauri”.

Nhiều người cho rằng bà Lankesh đã bị bắn chết vì lên tiếng chỉ trích chính phủ và chống phong trào cực hữu đang trỗi dậy tại Ấn Độ. Thế nhưng cảnh sát điều tra vụ việc lại cho rằng cái chết của nữ nhà báo là một phần trong mưu đồ nguy hiểm của một giáo phái bí mật, nhằm diệt trừ các thành phần trí thức, theo tờ The Washington Post. Manh mối thu thập được trong quá trình điều tra cho thấy vụ sát hại vào ngày 5.9 có liên quan đến 3 vụ ám sát nhằm vào các trí thức khác từ năm 2013. Giới hữu trách đặt giả thuyết những kẻ sát nhân có liên hệ với Sanatan Sanstha, giáo phái ngầm bị cáo buộc đã sử dụng phương pháp thôi miên để gieo rắc vào đầu các tín đồ ý tưởng cần phải trừ khử bất cứ ai là kẻ thù của Hindu giáo.

Các nhà điều tra đã tìm thấy danh sách những mục tiêu, bao gồm hơn 20 nhà văn và học giả nổi tiếng của Ấn Độ. Sự tồn tại của danh sách trên và những cáo buộc nhằm vào các thành viên của giáo phái Sanatan Sanstha đã gây hoang mang trong cộng đồng trí thức, nhất là khi bạo lực gia tăng, liên quan đến các tổ chức quá khích. “Không nghi ngờ gì nữa, đây là nhóm gồm các cá nhân lên kế hoạch, ra tay trong 4 vụ giết trí thức và một số nghi phạm bị bắt giữ là phần tử của Sanatan Sanstha”, theo ông B.K.Singh, người đứng đầu đội cảnh sát đặc biệt phụ trách điều tra vụ giết hại bà Lankesh.

Vào năm 2013, một số tên chạy xe máy đã bắn chết bác sĩ Narendra Dabholkar. Hai năm sau lại xảy ra vụ ám sát nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Govind Pansare, trong lúc ông đi bộ vào buổi sáng. Cùng năm, nhà văn M.M.Kalburgi trúng đạn thiệt mạng khi ra mở cửa nhà. Kết quả giám định pháp y cho thấy loại súng dùng để ám sát ông Kalburgi cũng là hung khí trong vụ sát hại bà Lankesh. Ngoài ra, một nghi phạm đang bị giam giữ phục vụ điều tra trong vụ ám sát nữ nhà báo được xác định có liên hệ với Sanatan Sanstha, theo tờ The Indian Express. Cảnh sát cũng tìm thấy sổ ghi chép của những kẻ tình nghi trong vụ án mới nhất, cho phép họ mở rộng phạm vi điều tra và xâu chuỗi những vụ giết trí thức trước đó. Đến nay, vẫn chưa có nghi phạm nào bị truy tố và kết án.

Từ lâu, giáo phái Sanatan Sanstha đã đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến những hành vi bạo lực kiểu khủng bố. Giới hữu trách đã buộc chính quyền New Delhi chính thức cấm nhóm này từ năm 2011, nhưng Sanatan Sanstha vẫn tiếp tục hoạt động ngoài vòng pháp luật.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn