Nước Mỹ trong mắt người Pháp

Chủ Nhật, 03 Tháng Mười Hai 20174:00 SA(Xem: 5846)
Nước Mỹ trong mắt người Pháp

american-symbols-dale-jackson

 Tác giả: Hồ Anh Hải

Ngày nay, các tin tức về nước Mỹ luôn tràn ngập báo, đài, mạng khắp thế giới, tới mức dân chúng các nước biết về các ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ nhiều hơn biết về các nghị sĩ hoặc các nhà lãnh đạo của chính nước mình. Nhưng không dễ có được cái nhìn tổng quát về nước Mỹ, bởi lẽ đất nước này quá rộng lớn, nhất là quá đa dạng, đa nguyên, và sôi động, biến đổi, sáng tạo từng giờ từng phút. Để hiểu nước Mỹ thì không những chỉ đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, lướt mạng, mà cần đọc những cuốn sách do các nhà thông thái viết. Dường như người Pháp, chứ không phải người Mỹ, viết được những cuốn sách hay nhất về nước Mỹ.

Viết về nước Mỹ cách đây ngót hai thế kỷ

Năm 1831, nhà sử học và nhà văn người Pháp Alexis de Tocqueville 26 tuổi cùng bạn là Gustave de Beaumont lên đường sang Mỹ làm một cuộc khảo sát dài hạn. Chính phủ Pháp giao cho hai người nhiệm vụ tìm hiểu chế độ nhà tù ở Mỹ, nhưng Tocqueville đã mở rộng phạm vi công việc, khảo sát toàn bộ hệ thống chính trị-xã hội nước Mỹ – quốc gia duy nhất trên thế giới chưa từng biết đến chế độ phong kiến và đang xây dựng nền dân chủ đầu tiên trên trái đất. Bắt đầu từ cảng Newport bang Rhode Island xứ New England miền đông Mỹ, hai ông đáp xe ngựa rong ruổi dọc ngang đất nước rộng mênh mông này ròng rã suốt 9 tháng trời.

Kết quả chuyến đi ấy là sự ra đời cuốn sách dài hai tập “Nền dân chủ ở nước Mỹ” (De la Démocratie en Amérique, tiếng Anh Democracy in America. Bản tiếng Việt của nhà xuất bản Tri thức in năm 2014, Phạm Toàn dịch, hơn 800 trang, lấy tên là Nền Dân trị Mỹ, nghe nói vì để tránh từ “dân chủ” nhạy cảm) xuất bản năm 1840. Hơn 170 năm qua, sách này đã trở thành tác phẩm kinh điển trong kho tàng sách viết về xã hội học, là cuốn sách có ảnh hưởng chưa từng thấy đối với nước Mỹ; nó không những giúp thế giới hiểu rõ hơn về nước Mỹ mà lạ thay, nó còn tác động rất lớn tới cách nhìn của người Mỹ về chính tổ quốc họ, tới mức người Mỹ nói Tocqueville hiểu nước Mỹ hơn cả họ.

Nền dân chủ ở nước Mỹ mang lại cho Tocqueville danh tiếng lẫy lừng. Bách khoa thư Mỹ American Spectrum Encyclopedia đánh giá sách này đã làm cho Tocqueville trở thành người dẫn đầu châu Âu cổ xúy cho dân chủ, một chế độ mới ra đời ở Mỹ mà ông tin là cuối cùng sẽ thay thế các chế độ quân chủ và chế độ quý tộc hồi ấy đang thống trị châu Âu.

Điều đáng quý là triết gia-nhà quý tộc Tocqueville cũng nhìn thấy cả những mối nguy hại tiềm ẩn của dân chủ, ông cảnh báo cần chống lại “sự độc đoán của đa số”: việc phục tùng theo đa số sẽ có thể ngăn cản sự phát huy cá tính. Những phát kiến của Tocqueville còn nguyên giá trị cho tới ngày nay; nó chứng tỏ ông có một nhãn quan hết sức sáng suốt vượt qua sự hạn chế của tầng lớp quý tộc đặc quyền đặc lợi mà ông xuất thân. Trong lịch sử thế giới hiếm thấy một người trẻ thế mà đã viết được một cuốn sách “để đời” như vậy. Tocqueville quả là có trí tuệ hơn người. Sau cuộc cách mạng 1848, ông làm nghị sĩ và bộ trưởng ngoại giao trong nền Cộng hoà thứ II của nước Pháp (1848-1852). Năm 1856 ông xuất bản cuốn “Chế độ cũ và Cách mạng“, một tác phẩm lịch sử quan trọng. Năm 1859 Tocqueville mất quá sớm ở tuổi 54.

Theo dấu chân Tocqueville

173 năm sau, một nhà quý tộc người Pháp khác lại lên đường sang khảo sát nước Mỹ theo hành trình Alexis de Tocqueville từng đi năm xưa, theo lời mời của Atlantic Monthly, một tạp chí Mỹ có uy tín, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Tocqueville (1805-2005).

Đó là Bernard-Henri Lévy, dân Pháp ưa nói ngắn nên gọi ông là BHL.

Lévy sinh ra trong một gia đình Do Thái. Hiện nay ông được coi là một triết gia siêu sao (superstar philosopher), nhà báo, nhà hoạt động xã hội, nhà làm phim; đẹp trai như Alain Delon, tiếng tăm lừng lẫy không kém Tổng thống Chirac. Thời báo New York viết Lévy là một nhà quý tộc Pháp kiểu mới, người sở hữu một cung điện ở Morocco và lấy vợ là một ngôi sao điện ảnh xinh đẹp. Nhiều tác phẩm của ông thuộc loại bestseller ở phương Tây, như Ai giết Daniel Pearl (Who Killed Daniel Pearl, 2002), Sự dã man mang bộ mặt con người (La barbarie à visage humain)… Lévy từng làm những bộ phim tài liệu nổi tiếng như Bosnia, Một ngày chết chóc tại Sarajevo, và là nhà đồng sáng lập Nhóm chống phân biệt chủng tộc SOS Racism. Ông cũng là đối tượng bị một số người công kích, cho là thực tài kém, chỉ giỏi đánh bóng hình ảnh trên truyền hình và báo chí. Truyền thông chính thống Trung Quốc không ưa Lévy.

Atlantic Monthly sắp đặt chuyến đi và thuê người lái xe cho Lévy vì ông không biết lái xe(!). Chuyến đi này chịu ảnh hưởng bởi 3 sự kiện: chiến tranh Iraq, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cơn bão Katrina. Lévy vượt qua hơn hai chục nghìn km trên đất Mỹ, đi ô tô là chính, đôi chỗ đáp máy bay. Ông xuất phát từ Newport, đi sang hướng Tây rồi ngoặt xuống phía Nam, sau đó đi sang Đông, cuối cùng lên phía Bắc trở về nơi xuất phát.

Trong chuyến đi dài một năm ấy, Lévy lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất nước “hùng vĩ mà điên rồ” này. Cũng như Tocqueville, ông đến thăm các nhà tù ở nhiều nơi, như đảo Riker tại New York, gặp các tử tù và cảnh sát coi trại giam. Ông thăm các khu nhà “ổ chuột” ngoại ô, cộng đồng đạo Islam (Việt Nam gọi nhầm là đạo Hồi) người Mỹ ở Detroit, thị trấn của giáo phái Amish bang Iowa. Ông dự hội chợ súng tại Dallas, thăm New Orleans quê hương nhạc Jazz… cuối cùng trở về nơi khai sinh nước Mỹ – thành phố Provincetown ở mũi Cod, nơi năm 1620 chiếc thuyền buồm May Flower cặp bến đưa 120 tín đồ Thanh giáo đổ bộ lên đất Mỹ, những người được coi là cư dân đầu tiên dựng xây nên Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ vĩ đại sau này.

Dọc đường Lévy tìm gặp và trò chuyện, phỏng vấn nhiều người từ dân thường tới chính khách. Ông phỏng vấn ngôi sao điện ảnh Sharon Stone trong toà nhà lộng lẫy của cô, hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Barack Obama và John Kerry, nguyên đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa Tân Bảo thủ Richard Holbrooke. Ông hỏi chuyện từ cô gái bồi bàn cho tới ả gái điếm chuyên nghiệp. Ông phỏng vấn nhà văn Norman Mailer và học giả Francis Fukuyama, một người Mỹ gốc Nhật, tác giả cuốn “Hồi kết của lịch sử”. Ông tới thăm nhà chính trị học Samuel Huntington từng làm thế giới xôn xao với học thuyết “Sự đụng độ giữa các nền văn minh”…

Tóm lại, ông tiếp xúc với đủ loại người trong xã hội Mỹ, qua đó phác thảo nên bức tranh về nước Mỹ ngày nay, đầy màu sắc, mang đủ tiếng nói của mọi thành phần xã hội, vì thế bức tranh của ông rất sinh động và hấp dẫn.

Nước Mỹ làm người ta ngỡ ngàng

Khác với Tocqueville, lần này Lévy vừa đi vừa viết (theo yêu cầu của Atlantic Monthly); sau khi kết thúc hành trình, các bài phóng sự đó tập hợp thành cuốn sách có tên Ngỡ ngàng nước Mỹ: Đi thăm Mỹ theo dấu chân Tocqueville” (American Vertigo: Traveling America in the Footsteps of Tocqueville, sau đây viết tắt là American Vertigo). Bìa sách do nhà xuất bản Random House ấn hành năm 2006 vẫn dùng tên tiếng Anh như trên, dù sách viết bằng tiếng Pháp. American Vertigo là cuốn sách thứ 30 của Lévy và là cuốn đầu tiên ông xuất bản tại Mỹ trước khi xuất bản ở Pháp.

Chuyến đi của Bernard-Henri Lévy nhằm khảo sát các vấn đề chính của nền dân chủ Mỹ, thí dụ, bản chất đặc thù của tinh thần yêu nước Mỹ, sự chung sống của tự do và tôn giáo trong xã hội (kể cả tôn giáo …bóng chày), chiến tranh chống khủng bố, chủ nghĩa Tân bảo thủ, vấn đề dân nhập cư bất hợp pháp, chế độ nhà tù và việc tư hữu hoá nhà tù, chế độ bảo hiểm y tế, quản lý súng đạn v.v… Ông rất băn khoăn khi thấy số người thu nhập thấp ở Mỹ chiếm tỷ lệ khá cao trong khi xã hội cực kỳ xa hoa.

Lévy phát hiện tinh thần yêu nước của người Mỹ xuất phát từ nội tâm chứ không phải là hình thức. Ông thấy quốc kỳ Mỹ được treo ở khắp nơi, không những công sở mà nhiều nhà tư cũng treo quốc kỳ, khác hẳn châu Âu. Cờ Mỹ phấp phới bay tại cổng vào nhà chứa ông tới thăm, tượng Nữ thần Tự do đặt ở đầu giường của các cô gái điếm, tất cả đều rất trang trọng chẳng khác gì tại các trung tâm thương mại, học viện quân sự, chứng tỏ gái điếm cũng là những người yêu nước quan trọng. Lá quốc kỳ được đa số người Mỹ rất quý: không được làm bẩn, không được vứt dưới đất, không được treo chúc xuống; khi quá cũ không dùng được thì phải đốt đi chứ không được vứt vào sọt rác. Tượng trưng cho những gì người Mỹ giành được trong cuộc đấu tranh dựng nước của họ, lá quốc kỳ Mỹ luôn kiêu hãnh tung bay, như câu “Nơi đây lá cờ vẫn đứng vững” trong bài hát của Michael W. Smith cách đây hai trăm năm.

Dĩ nhiên Lévy tập trung khảo sát vấn đề nghèo khổ và nhà tù – hai nỗi xấu hổ nhất của nước Mỹ. Ngoài 5 nhà tù ngày xưa Tocqueville từng đến, Lévy còn tới thăm trại giam tù nhân chiến tranh Afghanistan tại Guantanamo trên lãnh thổ Cuba. Ông phát hiện nước Mỹ coi nhà tù như trại cách ly của người mắc bệnh đậu mùa, như một kiểu bãi chôn rác, dường như nước Mỹ chỉ lo sao cách ly được thế giới của người bình thường với thế giới của phạm nhân nhằm bảo đảm an ninh cho xã hội. Ngược lại, châu Âu không những quan tâm tới mức độ tội trạng và sự trừng phạt tương ứng mà còn xem xét cơ hội hoàn lương cho phạm nhân được tha.

Để khảo sát hệ thống y tế Mỹ, Lévy đã đến thăm bệnh viện Mayo (Mayo Clinic) ở thành phố Rochester bang Minnesota, nơi nhà văn nổi tiếng Hemingway từng hai lần đến chữa bệnh. Năm 1863 khi mới ra đời đây chỉ là một phòng khám tư nhân, ngày nay nó đã phát triển thành cả một hệ thống điều trị lâm sàng-giảng dạy-nghiên cứu y khoa lớn nhất nước Mỹ, trang bị tiên tiến nhất, tổng số nhân viên lên tới hàng chục nghìn người [năm 2016 là hơn 63 nghìn], trong đó có 1500 bác sĩ và nhà khoa học [2016 là hơn 3300]; hàng năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân đến đây khám và điều trị [2016 là hơn 1,3 triệu người đến từ 137 nước]. Bệnh viện còn đặt nhiều cơ sở ở một số nơi khác. Mayo Clinic có truyền thống tự lực, rất ít xin chính quyền tài trợ, thế mà tình hình tài chính của họ lại rất khá, hàng năm doanh thu mấy tỷ USD [năm 2016 là 10,32 tỷ; tài sản bệnh viện gần 7 tỷ USD]. Các thày thuốc ở đây giữ được y đức nghiêm chỉnh, “Họ phục vụ bệnh nhân với mong muốn mạnh mẽ như nguyện vọng trau dồi kiến thức y học”. Trong tình hình dân chúng Mỹ phàn nàn về các thiếu sót của chế độ bảo hiểm y tế và một số bác sĩ do ngại bị kiện cáo chẩn đoán nhầm mà không tận tình phục vụ bệnh nhân, Lévy cho rằng Mayo Clinic là một kỳ tích của y tế nước Mỹ. Ông viết “Mayo Clinic và các thày thuốc của họ muôn năm! Triết lý tự lực và mục tiêu không kiếm lời của Mayo Clinic muôn năm!”

Để tìm hiểu vấn đề tôn giáo ở Mỹ, Lévy đã tới thăm nhà thờ cộng đồng Ki Tô (community church) Willow Creek ở South Barrington bang Illinois, một nhà thờ độc đáo đón nhận tín đồ tất cả mọi giáo phái Ki Tô, vì thế mỗi tuần nơi đây có 17,5 nghìn người đến làm lễ; chưa kể nhà thờ này còn có hơn chục nghìn nhà thờ phụ thuộc rải rác nơi khác trên khắp nước Mỹ. Ông cũng tới thăm thư viện lịch sử gia đình do một nhà thờ đạo Mormon sáng lập; tại đây có bộ sưu tập mọi thứ giấy tờ liên quan tới đời sống gia đình mấy thế kỷ qua của khắp thế giới, như giấy chứng hôn, khai sinh, khai tử. Lévy thừa nhận, tại nước Mỹ “Bí quyết sức mạnh của tôn giáo là nó thoát ra khỏi cảm giác xa cách, cảm giác siêu việt của trung tâm thần học châu Âu” – ông nói và kết luận: tôn giáo không làm Mỹ trở thành một nước cuồng nhiệt, “Ở Mỹ, tôn giáo không phải là mồ chôn nền dân chủ mà là cái nôi của dân chủ.”

Lévy sang thăm Mỹ trong tình hình đa số người Pháp đang có tâm lý không ưa Mỹ, chính phủ của Tổng thống Chirac tỏ thái độ chống cuộc chiến tranh Iraq, báo Pháp hay vạch ra các tệ nạn của xã hội Mỹ. Bản thân Lévy cũng chống chiến tranh Iraq. Tuy thế trong American Vertigo, ông vẫn nhìn nước Mỹ với con mắt khách quan, thậm chí còn uốn nắn một số thành kiến của người Pháp. Chẳng hạn về nạn béo phì ở Mỹ mà báo chí châu Âu thổi phồng, ông viết: đi tới đâu tôi cũng giương mắt tìm kiếm hình ảnh những nhóm người Mỹ béo phì đăng trên báo chí châu Âu …nhưng tôi thấy số người béo ở đây không hề nhiều hơn ở Pháp.

Lévy cũng băn khoăn về một số vấn đề của nước Mỹ, chẳng hạn ông suy nghĩ nhiều về chủ nghĩa Tân bảo thủ nổi lên sau vụ 11 tháng 9 và đang ảnh hưởng rất mạnh tới đường lối đối ngoại của chính quyền Bush. Ông thắc mắc nhiều về vấn đề tại sao người Mỹ biết thừa là Tổng thống Bush rõ ràng đã nói dối trên vấn đề vũ khí hủy diệt của Iraq thế mà giới truyền thông và trí thức Mỹ lại lờ đi không nói gì, trong khi trước đây Tổng thống Nixon vì vụ Wategate mà mất chức, Tổng thống Clinton chỉ vì nói dối trong vụ Lewinsky mà suýt bị phế truất. Là một người phái tả Pháp, Lévy thất vọng với phái tả Mỹ, với đảng Dân chủ Mỹ, cho là họ chưa đề ra được một cương lĩnh gì mới.

Trong khi kể lại nhiều tấm gương công dân Mỹ tự nguyện hăng hái cứu giúp nạn nhân cơn bão Katrina – chẳng hạn một cảnh sát hưu trí bỏ tiền túi thuê hai máy bay lên thẳng đi cứu những nạn nhân đang mỏi mắt chờ trên mái nhà – Lévy thắc mắc về vai trò mờ nhạt của chính quyền Mỹ trong việc cứu trợ này; phải chăng đó là hậu quả của chủ trương “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn” mà chính quyền Mỹ theo đuổi.

Nếu 170 năm trước Tocqueville lo ngại về sự chuyên quyền của đa số thì nay Lévy bổ sung thêm một nỗi lo cho nước Mỹ: các cộng đồng da màu vốn là thiểu số đang ngày một đông lên (vì đẻ khoẻ) khiến vai trò của người da trắng ngày một giảm đi; rồi đây đường lối chính trị nhấn mạnh chủ nghĩa tinh anh của người da trắng theo đạo Tin Lành tồn tại hai trăm năm qua sẽ tiếp tục ra sao. Ông cũng phát hiện người Mỹ ngày nay băn khoăn trăn trở nhiều về nền văn hoá của mình chứ không tràn đầy tự tin và cảm giác trách nhiệm như thời Tocqueville.

Do Lévy là người Pháp nên đôi chỗ cuốn sách vẫn thể hiện tâm lý chuộng châu Âu, và đây chính là chỗ American Vertigo bị một số báo Mỹ phê phán. Tờ San Francisco Chronicle viết “Lại có một ông Tocqueville xét nét nền dân chủ của chúng ta.” Báo The Christian Sciences Monitor viết: Lévy hay nêu ra những vấn đề hết sức ngây ngô về nước Mỹ, do đó ông có nhiều kết luận ấu trĩ. Trong khi đó tạp chí Mỹ Vanity Fair đánh giá Lévy là “Siêu nhân và nhà Tiên tri: nước Mỹ chúng ta chưa có một người tương đương như ông.” (Superman and prophet: we have no equivalent in the United States).

Dĩ nhiên tập phóng sự American Vertigo khác với sách Nền dân chủ ở Mỹ của Tocqueville, một tác phẩm viết sau chuyến khảo sát, có tính chất tổng kết và nặng triết lý.

Nhìn chung American Vertigo thể hiện được con mắt sắc bén và sự phán đoán có lý trí của tác giả. Qua cuốn sách, người đọc thấy hiện lên một nước Mỹ sinh động, có nền văn hoá đa nguyên phong phú mà tác giả khâm phục.

Cuối cùng, Bernard-Henri Lévy kết luận: nước Mỹ đang thay đổi, nhưng nước Mỹ sẽ bền vững lâu dài; “Tôi không nghĩ là có lý do làm cho đất nước này hết hy vọng.” □

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn