Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp

Thứ Ba, 25 Tháng Chín 20184:00 SA(Xem: 8091)
Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp

Có khá nhiều ngộ nhận khi đề cập đến mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh – Gia Long và người Pháp, một phần do không nắm vững những dữ kiện lịch sử vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, phần khác, lớn hơn, do một định hướng đầy ác ý, nhằm khoác cho nhân vật lịch sử này cái tội tày đình “cõng rắn cắn gà nhà”.

Nhìn chung, những ngộ nhận này tập trung vào các nhận định sau:

  • Chính quyền Pháp cử quân sang xâm lược Đại Việt trong khuôn khổ hiệp ước Versailles ngày 28-11-1787 ký giữa đại diện của chúa Nguyễn Ánh và đại diện của Pháp hoàng Louis XVI.
  • Những người Pháp phục vụ trong hàng ngũ quân Nguyễn Ánh giữ vai trò quyết định trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn; không có họ, Nguyễn Ánh không thể đánh bại nhà Tây Sơn.
  • Nguyễn Ánh đã mở đường và tạo điều kiện thuận lợi cho quân Pháp xâm lược Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX.

Xem xét thấu đáo những dữ kiện lịch sử thời kỳ này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn trung thực và khách quan hơn về những gì đã thực sự diễn ra.

Sứ mạng bất thành của Giám mục Bá Đa Lộc

Giám mục Bá Đa Lộc (Evêque d’Adran – Pigneau de Béhaine) gặp chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần vào năm 1776, sau khi chúa và quần thần phải rời bỏ kinh đô Phú Xuân (Huế) chạy vào Nam dưới sức ép của cả nhà Tây Sơn lẫn quân Trịnh. Năm 1777, Định vương, lúc này đã là Thái Thượng vương, bị nhà Tây Sơn sát hại tại Long Xuyên (bây giờ là khu vực Bạc Liêu – Cà Mau), dòng họ Nguyễn lúc ấy chỉ còn mỗi Nguyễn Ánh, cháu gọi Nguyễn Phúc Thuần là chú. Mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc bắt đầu từ đó. Tháng 10-1777, trước sự truy sát ráo riết của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh được Bá Đa Lộc đưa đi trốn lánh trong rừng, rồi sau đó chạy ra đảo Thổ Châu (Poulo Panjang).

Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp
Bá Đa Lộc. (Ảnh từ wikipedia.org)

Những năm đầu thập niên 1780, trước thế mạnh của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh phải ẩn lánh nhiều nơi và cuối cùng quyết định nhờ Bá Đa Lộc đưa con là hoàng tử Cảnh làm con tin đi sang Pháp đề nghị triều đình Pháp viện trợ người và vũ khí để lật ngược tình thế. Trên đường đi, Bá Đa Lộc ghé lại Pondichéry, thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ, và từ đó đến thủ đô Paris của Pháp vào những tháng cuối năm 1787. Ngày 28-11-1787, một hiệp ước hỗ tương được ký giữa Giám mục Bá Đa Lộc, đại diện chúa Nguyễn Ánh, và bá tước De Montmorin, Thượng thư Bộ Ngoại giao, đại diện Pháp hoàng Louis XVI, với hai điều khoản cốt yếu sau:

  • Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến và 1.650 quân.
  • Nguyễn Ánh chịu nhượng cho Pháp quyền sử dụng đảo Côn Nôn và hòn đảo hình thành cửa bể Tourane (Đà Nẵng)

Trong thời gian còn lưu lại Paris, phái bộ Việt có cuộc tiếp xúc với một người Mỹ là đại diện của chính quyền Washington tại đây. Đó là Thomas Jefferson, người sẽ làm Tổng thống thứ ba của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ (1801-1809), cũng là người đã soạn ra bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, Jefferson đang có đam mê sưu tập các giống lúa gạo châu Á để trồng thử nghiệm tại quê hương của ông là bang Virginia. Trong cuộc gặp gỡ tình cờ đó, Bá Đa Lộc và phái bộ Đại Việt hứa khi trở về sẽ tìm cách gửi giống lúa Việt cho Jefferson.

Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp
Thomas Jefferson, người đã tiếp xúc với phái bộ Bá Đa Lộc tại Paris năm 1787.

Hiệp ước Versailles

Hiệp ước Versailles là một quyết định của Nguyễn Ánh, lợi hay hại, đúng hay sai và ở mức độ nào, là chuyện phải bàn nhiều, và không thuộc về chủ đề hôm nay. Song cần khẳng định ngay để đính chính một nhầm lẫn khá phổ biến, đó là hiệp ước này đã chết từ trong trứng nước! Theo kế hoạch thực hiện do triều đình Pháp vạch ra, người chịu trách nhiệm phối hợp thi hành với phía Việt là bá tước de Conway, Thiếu tướng Tư lệnh quân đội Pháp tại Pondichéry (Ấn Độ). Ngay những ngày cuối năm 1787, Bá Đa Lộc xuống tàu đi Pondichéry, nhưng tất cả những gì diễn ra trong cuộc gặp gỡ giữa ông và de Conway là một thất vọng não nề.

Trước tiên, de Conway viện nhiều lý do để không thi hành hiệp ước, lời qua tiếng lại, rồi thư đi thư lại hàng chục lá, lời lẽ từ nhã nhặn đến gay gắt rồi không nề hà chuyện xúc phạm nhau (những lá thư đó được đăng gần đầy đủ trong tác phẩm La Geste Française en Indochine của Georges Taboulet – Paris 1955). Không phải là de Conway dám cưỡng lệnh thượng cấp ở Paris, mà trên thực tế, công khố Pháp lúc ấy đã đến hồi khánh kiệt, triều đình Pháp mặc nhiên cho phép ông ta tùy nghi hành xử. Như vậy là không có một điều khoản nào của Hiệp ước Versailles được thi hành cả. Cũng cần nói thêm là vào năm 1817, chính phủ Pháp cử thuyền trưởng Achille De Kergariou đưa tàu Cybèle đến Việt Nam yêu cầu triều đình nhà Nguyễn thi hành Hiệp ước Vresailles về việc nhượng hai vị trí đã ghi, vua Gia Long cử người trả lời thẳng thừng là phía Pháp không thi hành hiệp ước thì chả có lý do gì phía Việt Nam phải thực hiện cam kết của mình.

Hiệp ước bất khả thi, Bá Đa Lộc cảm thấy bẽ mặt vì không hoàn thành được sứ mạng do Nguyễn Ánh giao phó. Để vớt vát thể diện, ông ta lưu lại Pondichéry trong hơn một năm để quyên góp tiền, mua tàu và chiêu mộ nhiều người Pháp không còn ràng buộc trong quân đội hay chính quyền Pháp nữa. Họ không đông đảo như hai vạn quân Xiêm, mà chỉ gồm khoảng một, hai chục người, trong đó, số người được sách vở và các tài liệu thường xuyên nhắc đến không quá 10 người. Đó là: Philippe Vannier (sau có tên Việt là Nguyễn Văn Chấn), Olivier de Puymanel, Dayot, De Forçant, Laurent de Barisy… Riêng Puymanel, người Việt gọi là ông Tín, nguyên là Đại tá công binh, đã đảm trách việc xây thành Sài Gòn năm 1790, và là người đầu tiên áp dụng mô hình kiến trúc Vauban nổi tiếng của châu Âu vào việc xây dựng thành quách Việt Nam tại nhiều nơi.

Người phương Tây thán phục vua Gia Long - “Con người phi thường”
Thành Gia Định hay còn gọi là thành Bát Quái do vua Gia Long cho xây dựng. Kiến trúc Vauban loại này còn xuất hiện ở Hạc Thành, cũng do vua Gia Long cho xây dựng (Xem bài: Câu chuyện chim Hạc giúp Vua Gia Long tìm đất quý xây thành). (Ảnh qua Wikipedia)

Về phần J.B. Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng), mãi đến năm 1793, ông ta mới tới Đại Việt, không tới một lượt với những người trên như nhiểu tác giả lầm tưởng, kể cả Quốc sử quán triều Nguyễn về sau. Như vậy, thời gian từ lúc Bá Đa Lộc và phái bộ rời Paris (cuối năm 1787) đến khi về đến Đại Việt (tháng 6 âm lịch 1789) là hơn một năm rưỡi, Thomas Jefferson ở Paris chờ hạt giống mãi không có, đành về nước. Chi tiết này gián tiếp đính chánh nhầm lẫn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến viếng thăm Việt Nam, nhân buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Hà Nội, ông đã nhắc rằng Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson từng trồng giống lúa Việt Nam trên đất Mỹ.

Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp
Jean-Baptiste Chaigneau. (Tranh qua Wikipedia)

Đến đây, đã có thể khẳng định về ngộ nhận thứ nhất: những người Pháp được Bá Đa Lộc chiêu mộ đến Đại Việt đầu quân dưới trướng Nguyễn Ánh hoàn toàn không dính líu gì đến triều đình Pháp, họ đến với tư cách tự nguyện và chỉ khoảng một hai chục người, được Nguyễn Ánh giao cai quản ba chiếc tàu Long Phi (Chaigneau Nguyễn Văn Thắng), Phụng Phi (Vannier Nguyễn Văn Chấn), Bằng Phi (De Forçant Lê Văn Lăng), đặt dưới quyền chỉ huy chung của tướng Việt là Nguyễn Văn Trương, cùng một số việc chuyên môn khác.

Có thể nói rằng sự hợp tác của những người Pháp trên đã giúp Nguyễn Ánh được thuận lợi nhiều hơn trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, song với một số lượng ít ỏi như thế, họ cũng chỉ có những đóng góp nhất định. Càng không thể nói rằng nhờ có họ mà Nguyễn Ánh mới chiến thắng được nhà Tây Sơn. Chúng ta cần nhớ là gần một năm trước khi những người Pháp này cập bến Đại Việt (1789), năm 1788, quân đội của Nguyễn Ánh đã tự mình đánh bật quân Tây Sơn dưới quyền Nguyễn Lữ ra khỏi đất Gia Định rồi. Hơn 10 năm sau, trong trận đánh quyết định ở đầm Thị Nại vào đầu năm 1801, trận đánh được các nhà chép sử đánh giá là “đệ nhất võ công” của nhà Nguyễn, công lao lớn nhất vẫn là của những danh tướng Việt Nam Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Võ Di Nguy. Những dữ kiện này là sự trả lời đanh thép cho ngộ nhận thứ hai. (Xem bài: Trận thủy chiến hỏa công bậc nhất sử Việt vào đầu thế kỷ 19)

Cuối cùng, tôi khâm phục cách hành xử sáng suốt của Nguyễn Ánh, hoàn toàn khác biệt với những gì mà những người có ác ý đã khoác cho ông. Bằng nhiều cách cư xử có tình có lý với những người Pháp tình nguyện giúp ông, ông đã tận dụng được sở trường của họ để họ đóng góp vào cuộc đấu tranh chống nhà Tây Sơn một cách có hiệu quả. Ông giao họ những nhiệm vụ cá nhân nhất định dưới quyền các tướng lãnh Việt, như trường hợp Chaigneau, Vannier, De Forçant…, không bao giờ để cho họ khuynh loát, kể cả trường hợp giám mục Bá Đa Lộc mà tôi sẽ đề cập đến trong bài sau.

Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp
Hoàng tử Cảnh – tranh vẽ của họa sĩ cung đình Pháp Maupérin (1787).

Những hiểu biết về khoa học, sự hữu dụng của những người Pháp này đã thu hút sự chú ý của các lãnh đạo nhà Tây Sơn, và nhiều lần, Nguyễn Nhạc đã tìm cách mời sĩ quan công binh Olivier de Puymanel về giúp nhà Tây Sơn, nhưng không được đáp ứng. Khi cuộc nội chiến kết thúc với thắng lợi hoàn toàn về phía mình, Nguyễn Ánh – Gia Long cũng chỉ thăng thưởng những người Pháp trên tương xứng với công lao đóng góp của họ. Trong lúc các khai quốc công thần người Việt như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất…. được phong tước Quận công, giữ các chức vào hàng chánh nhất phẩm như Tả Quân, Hữu Quân, Trung Quân… thì những người Pháp có nhiều công lao như Chaigneau Nguyễn Văn Thắng, Vannier Nguyễn Văn Chấn cũng chỉ được phong chức Chưởng cơ (tòng nhị phẩm) và các tước Thắng Tài hầu, Chấn Võ hầu…

Với cách hành xử có tình có lý này của Nguyễn Ánh – Gia Long, luận điệu cho rằng ông bị những người Pháp khuynh loát không còn đứng vững. Điều này còn rõ hơn sau khi ông đã lên ngôi hoàng đế, nhiều người Pháp lần lượt bỏ về nước, chỉ còn ở lại triều đình Việt Nam hai người Pháp là Chaigneau và Vannier, một phần do cuộc hôn nhân của họ với hai người phụ nữ Việt (lần lượt) là bà Benoite Hồ Thị Huề và bà Nguyễn Thị Sen (Liên). Song cuối cùng, đến triều Minh Mạng, năm 1824, hai người Pháp này cũng đưa gia đình về Pháp nốt. Điều đó có nghĩa là kể từ những năm đầu triều Minh Mạng, đồng thời với một chính sách hết sức khắc nghiệt của nhà Nguyễn đối với đạo Cơ Đốc và các giáo sĩ phương Tây, không còn một bóng dáng người Pháp nào tại triều đình nhà Nguyễn. Thực tế này chứng tỏ luận điệu cho rằng Nguyễn Ánh – Gia Long đã mở đường và tạo điều kiện thuận lợi cho quân Pháp xâm lược Việt Nam là vô căn cứ. Phải hơn ba mươi năm sau khi người Pháp cuối cùng rời khỏi chính quyền nhà Nguyễn (1824) thì Pháp mới nổ phát súng đầu tiên mở đầu âm mưu xâm lược đất nước ta (1858).

Cũng cần nhắc thêm một chi tiết: Pháp đã từng lập kế hoạch đánh úp kinh đô Phú Xuân của các chúa Nguyễn vào năm 1760, khi Nguyễn Ánh chưa ra đời, chiến dịch này chỉ phải dừng lại giữa chừng đoạn đường xâm lược vì nhiều biến chuyển bất lợi cho đạo quân xâm lược do bá tước d’Estaing chỉ huy (tổn thất trên đường đi, bệnh tật …). Chuyện Pháp xâm lược Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX thuộc về một kế hoạch đã dự liệu từ lâu, trong khuôn khổ cuộc tranh giành thuộc địa gay gắt giữa hai đế quốc Anh và Pháp, việc cấm giết đạo của triều Nguyễn chỉ là cái cớ gần nhất. Còn chuyện Nguyễn Ánh – Gia Long sử dụng người Pháp làm tay sai cho mình vào cuối thế kỷ XVIII lại càng không có một dính dáng nào đối với những gì mà thực dân Pháp đã thực hiện tại Việt Nam hơn 60 năm sau đó.

Tất cả những dữ kiện trinh bày ở trên đủ cho thấy luận điệu “cõng rắn (Pháp) cắn gà nhà” áp đặt cho Nguyễn Ánh đã tỏ ra lạc lõng, lố bịch và đầy ác ý.

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả (có bổ sung hình ảnh và chú thích minh họa)

Đăng lại từ báo Trí Việt News, độc giả quan tâm có thể tham khảo tại triviet.news

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn