Thư tịch Lý – Trần và lệnh cướp phá của nhà Minh

Thứ Bảy, 22 Tháng Chín 20187:00 SA(Xem: 6294)
Thư tịch Lý – Trần và lệnh cướp phá của nhà Minh

Lời tòa soạn: Bài viết này là phản hồi về một số ý kiến mới đây cho rằng việc đốt sách của nhà Minh tại đất An Nam là do hậu thế thổi phồng, và trong sử Việt sự thiệt hại thư tịch phần nhiều là do chính người Việt làm ra.

Lý Văn Phượng, người thời Minh, có viết quyển “Việt kiệu thư” (Đề tựa năm 1540), trong đó chép lại hai sắc chỉ của Minh Thành Tổ liên quan đến việc tịch thu và phá huỷ sách vở, văn bia đất An Nam. Sách “Thơ văn Lý – Trần” đã trích nguyên văn hai đoạn trong sắc chỉ từ quyển ấy, kèm bản dịch như sau:

21/8/1406, khi quân Minh tiến đánh nhà Hồ:

Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão không thiêu huỷ, ngoài ra, hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như các loại sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước ấy, ngoài những bia do trung quốc dựng từ xưa đến nay đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn.

Thư tịch Lý - Trần và lệnh cướp phá của nhà Minh
(Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả).

Thế nhưng, tiêu chí “tịch thu và phá huỷ có chọn lọc” ấy, vì không đủ nhân lực và thời gian chọn lọc, đã khiến phát sinh sắc chỉ thứ 2:

Ngày 16/6/1407:

Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ như “thượng đại nhân, khưu ất dĩ”, và tất cả bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh một chữ, hễ trông thấy là phá huỷ lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng làm vậy thì khi đài tải sẽ bị mất mát nhiều.

Từ nay, các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại.

Vậy, sau cuộc cướp phá hàng loạt ấy, một số thơ văn, sử liệu từ thời Trần về trước vẫn còn truyền lại được, là vì sao?

Lê Quý Đôn (Thời Lê – Trịnh) viết trong Đại Việt thông sử, phần Văn nghệ chí:

Về thời toàn thịnh dưới triều Trần, văn học cực thịnh, luật lệ giấy tờ đầy đủ. Hồi đầu thời (Trần) Nghệ Tông, Chiêm Thành mang quân đánh ta, đốt phá cướp bóc hầu hết. Sau đó các sách vở giấy tờ dần dần thu thập lại được. Đến thời nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng (nhà Minh). Triều ta (nhà Lê) dẹp loạn, lập lại trị bình, các bậc danh Nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm các sách vở, giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại, nhưng sau cuộc binh hoả, mười phần chỉ còn lại được bốn năm phần.

Vua (Lê) Thánh Tông ham thích sách vở, hồi đầu năm Quang Thuận hạ chiếu tìm tòi các dã sử, thu thập những truyện ký cổ kim còn chứa ở các nhà riêng, hạ lệnh cho đem dâng lên cả. Khoảng năm Hồng Đức, vua lại hạ chiếu cầu những sách vở còn sót lại mang cất ở bí các. Trong dịp này có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền, đều được khen thưởng nhiều. Do đó những sách của đời trước cũng dần dần được đưa ra.

Tiếc rằng phần sách vở thu thập được này, qua nạn binh lửa cuối thời Lê lại lao đao lần nữa.

Thư tịch Lý - Trần và lệnh cướp phá của nhà Minh
(Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả).

Cuộc cướp phá của nhà Minh không phải nguyên nhân duy nhất gây nên sự mất mát của sách vở Lý – Trần, nhưng các sử gia thời Lê (Toàn thư, Đại Việt thông sử), Nguyễn (Lịch triều hiến chương loại chí, Cương mục) về sau vẫn luôn nhấn mạnh nguyên nhân này hơn các nguyên nhân khác, vì đấy là hành động cướp phá có quy mô và mưu đồ chính trị rõ ràng. Hơn nữa, không chỉ sách vở chịu thất thoát, mà văn bia cũng bị huỷ hoại nhiều. Sách vở có thể có nhiều bản sao, được một số tư nhân cất giấu, nhưng văn bia – thứ vừa to lớn, vừa đặt chốn đông người, số phận lại không may mắn vậy. Nếu ai từng đọc qua những văn bia Lý – Trần còn sót lại, sẽ thấy rõ sự khác biệt trong phong cách viết so với văn bia từ Lê trở về sau.

Vậy có phải nhà Minh là thủ phạm huỷ diệt văn hoá Lý – Trần?

Lịch sử là một dòng chảy, và văn hoá cũng trôi theo dòng chảy ấy. Cùng một triều đại, từ lúc “khai quốc” đến khi “vong quốc”, sau nhiều sự kiện, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, luật lệ, văn hoá đều có ít nhiều biến đổi. Thậm chí, từ thời vua cha đến vua con, tỷ như từ thời Trần Nhân Tông đến Trần Anh Tông, việc xăm mình, tiêu chí tuyển chọn quân sĩ, xu hướng trọng dụng Nho sinh cũng đã khác rồi.

Sự khác biệt của thời Lê so với Lý, Trần, vì vậy, không đơn giản chỉ vin vào nguyên nhân “Nhà Minh đã huỷ tất cả của Lý – Trần” hay “Nhà Lê quyết định từ bỏ phong cách Lý – Trần để học theo Minh”. Đó vừa là sự kế thừa xu hướng xã hội cuối thời Trần, vừa là hệ quả từ những biến động trong cuộc chuyển giao Trần – Hồ, vừa là hậu quả cuộc đô hộ của nhà Minh, và cả sự tiếp thu những lợi thế mà họ Lê nhìn thấy từ nền cai trị kiểu nhà Minh. Những sự kiện nào đấy, qua một thời gian, dần dần sẽ tạo nên những đặc điểm nào đấy trong xã hội, và từ những đặc điểm ấy, giới lãnh đạo lại đưa ra những luật lệ mà họ cho là có lợi cho bản thân, nhưng đồng thời vẫn nằm trong ngưỡng giãn nở của toàn xã hội. Và rồi những sự kiện khác lại phát sinh, và tiếp diễn. Đó là sự tương tác từ nhiều hướng, bởi nhiều đối tượng.

Còn nếu cứ bắt buộc phải định tội, thì bảo rằng nhà Minh khiến văn hoá Lý – Trần biến mất là sai (mà thật ra cũng không thể gọi là biến mất), nhưng hỏi nhà Minh có ý định huỷ diệt không, có từng hành động không, có gây hậu quả lớn lao không, có phải là tội ác đáng căm giận đời đời không, thì là có.

Giết một người nhưng người ấy không chết, vẫn là có tội, chỉ là khung hình phạt khác thôi. Một đám giết một đứa, mỗi kẻ trong đám vẫn có tội như thường: Ngộ sát, cố sát, mưu sát, tội khác nhau, không thể gom vào một nhóm được, nhưng đều là có tội.

Bí Bứt Bông
Bài viết đăng trên Facebook Lạc Ngắm Nhân Gian
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn