Khi các nhà độc tài sùng bái phế tích

Thứ Tư, 12 Tháng Chín 201812:00 CH(Xem: 6536)
Khi các nhà độc tài sùng bái phế tích
Getty Images

Cung điện hiện ra phía đường chân trời, với mặt tiền đầy những góc cạnh và những cửa sổ mở toang hoác, quá chói chang để có thể nhìn được dưới ánh nắng như đổ lửa ở Iraq.

Chỉ lái xe một quãng ngắn men lên con đường ngoằn ngoèo hình xoắn ốc để lên đến đỉnh, ta sẽ thấy sườn núi hiện ra với những hòn sỏi rời rạc mọc đầy những cây ô liu và cây cọ vươn mình lên ở nơi từng là một khu vườn sum suê.

Đống hoang tàn

Đây từng là một trong những cung điện xa hoa nhất của Saddam Hussein.

Bên trong, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của sự tinh tế, những lối đi và khung lò sưởi được chạm khắc tuyệt đẹp, ngọn đèn chùm lộng lẫy vẫn còn treo trong phòng lớn ở lối ra vào.

Nhưng giờ đây, các bức tường lỗ chỗ những hình vẽ graffiti và trẻ em địa phương đang đá bóng trong không gian vang vọng.

Bản quyền hình ảnh Paul Cooper
Image caption Nhìn xuống khu phế tích Babylon, Dinh Tổng thống của Saddam Hussain rộng bằng khoảng năm sân bóng đá

Trên sàn rải rác những viên thủy tinh của chiếc đèn chùm, và cung điện của một kẻ từng là nhà độc tài hét ra lửa đã trở thành một đống hoang tàn rỗng toác.

Nếu chúng ta bước ra ngoài bao lơn phòng ngủ của nhà độc tài, cả một vùng bằng phẳng trải dài ra trước mặt và một đống đổ nát khác sẽ được thâu vào tầm mắt: một mớ hỗn độn những bức tường vỡ và kiến trúc cổ xưa nằm trải dài cho thấy nơi mà cách nay 2.500 năm, thành cổ Babylon từng thống trị thế giới.


Quang cảnh ấn tượng đó hiện ra trong tầm mắt không phải là do ngẫu nhiên.

Khách đến thăm cung điện này ắt phải nhìn thấy những tàn tích của Babylon và rút ra sự liên hệ rằng trước mặt họ có sự hiện diện của một nhà thống trị vĩ đại mà di sản còn để lại cho cả ngàn năm sau.

Saddam không phải là nhà độc tài đầu tiên lợi dụng những phế tích cổ đại theo cách này.

Thật ra, mối liên hệ giữa việc lý tưởng hóa những di tích cổ xưa và nhà cai trị độc tài đã có từ lâu đời.

Đó là vì những phế tích không bao giờ là những gì như chúng ta thấy ở bề ngoài: một tập hợp những bức tường sụp xuống trên nền cát. Chúng còn là nơi lưu trữ những ký ức và huyền thoại nữa. Chúng giúp tạo nên những câu chuyện về sự vĩ đại trong quá khứ trở thành điêu tàn trong thời hiện đại và tạo tiền đề cho việc tạo dựng lại những chế độ chuyên chế của quá khứ trong thời hiện đại.

Sự chiếm đoạt những tàn tích như thế cũng đặt ra nguy cơ đối với chúng - và với sự tàn phá di tích cổ xưa ở Palmyra do cái gọi là Nhà nước Hồi giáo làm là một đòn giáng mới nhất, chúng ta cần phải nhớ là những nỗ lực của Saddam, và trước ông ta là Mussolini và Hitler, để 'gìn giữ' những di tích thường tước chúng ra khỏi bối cảnh - bao gồm những di tích vốn không thích hợp với thông điệp của nhà nước.

Bản quyền hình ảnh Paul Cooper
Image caption Từ phòng ngủ củaa Saddam Hussain nhìn ra là quang cảnh khu phế tích còn sót lại của Babylon

Iraq ngày nay sở hữu một trong bộ sưu tập những di sản khảo cổ phong phú nhất thế giới.


Vùng đồng bằng Lưỡng Hà của hai con sông Tigris và Euphrates làm thành xương sống của đất nước là nơi có những đô thị cổ xưa nhất trên giới, trong đó có Uruk, Ur, Babylon và Nineveh.

Những phế tích này từ lâu đã được các cường quốc thực dân thăm dò và cướp bóc, và các cổ vật được tìm thấy đã được đưa đi để trưng bày trong các bảo tàng nước ngoài.

Vào thế kỷ 19, các bức chạm khắc từ thời Assyria ở Nineveh đã được đưa tới Bảo tàng Anh quốc, và Cổng Ishtar của Babylon bị dỡ mái ngói đem đi dựng lại ở Bảo tàng Pergamon ở Berlin.

Tuy nhiên, sau khi giành được chức tổng thống Iraq, Saddam Hussein quyết định sử dụng những di tích này cho một mục đích khác: để tạo dựng sự tôn thờ sự thượng đẳng của đất nước Iraq với ông ta ở trên đỉnh.

Tăng cường khảo cổ

Để thực hiện được kế hoạch này, khảo cổ học có vai trò quan trọng tối thượng. Thật ra, các nhà khảo cổ học của Iraq nằm trong số những người đầu tiên mà Saddam gặp sau khi ông ta lên nắm quyền vào năm 1968.

"Các cổ vật… là những di tích đáng quý nhất người dân Iraq có được," ông ta được dẫn lời nói với họ tại cuộc gặp. Những di tích này, ông ta nói, "cho thế giới thấy đất nước của chúng ta… là hậu duệ của những nền văn minh trước đây vốn có đóng góp to lớn cho nhân loại".

Bản quyền hình ảnh Paul Cooper

Trong thập niên sau khi Đảng Ba'ath của Saddam nắm được quyền lực ở Iraq, ngân sách chi cho Bộ Cổ vật tăng hơn 80%.

Các di chỉ khảo cổ ở Nineveh, Hatra, Nimrud, Ur, 'Aqar Quf, Samarra và Ctesiphon đều trải qua sự phục dựng quy mô.


Nhưng đối với Saddam, viên ngọc trên chiếc vương miện của Iraq vẫn luôn là Babylon.

Babylon là một trong những đô thị vĩ đại nhất của thế giới từ thế kỷ 18 cho đến thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Đó từng là đô thị lớn nhất thế giới vào hai thời điểm trong lịch sử, và có lẽ là thành phố đầu tiên có số dân vượt 200.000 người.

Nó bị Alexander Đại đế chiếm đóng vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và có một giai đoạn hưng thịnh ngắn ngủi trước khi nó trở thành trống trơn trong những cuộc chiến sau thời trị vì của Alexander Đại đế. Sau cuộc chinh phục của Đạo Hồi trong thế giới Ả rập vào thế kỷ thứ 7, du khách đến thăm khu vực này mô tả lại rằng nó chỉ còn là tàn tích.

Tái thiết Babylon

Đối với Saddam, đô thị phế tích Babylon luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Ông ta đã ra lệnh thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng để tái thiết những bức tường thành của Babylon với chi phí lên đến hàng triệu đô la khi mà cuộc chiến Iran-Iraq đang ở giai đoạn cao trào.

Ông đã cho nâng tường thành lên độ cao không tưởng trong lịch sử là 11,5m và việc này đã hứng chịu chỉ trích từ cộng đồng khảo cổ quốc tế vốn cáo buộc ông ta là đã biến Babylon thành 'Disney của nhà chuyên chế'.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Trong bước hoàn thiện, Saddam đã cho xây một hí trường theo kiểu La Mã phi lý về mặt niên đại giữa phế tích.

Khi các nhà khảo cổ nói với ông rằng các vị vua cổ đại như Nebuchadnezzari đã cho in tên mình trên những viên gạch xây thành Babylon, Saddam cũng một mực đòi in tên ông ta trên những viên gạch hiện đại dùng trong việc tái thiết.


Những nỗ lực này đã được ông Paul Bremer, lãnh đạo lâm thời của liên quân, người cũng là đại sứ dưới chính quyền mới của Iraq sau khi Saddam bị lật đổ vào năm 2003, mô tả là 'một sự lệch lạc, một thứ quái đản thế phẩm'.

Trong bối cảnh một chế độ chuyên chế, những phế tích cổ xưa làm thành một khung nền thiết yếu.

Vào năm 1981, Babylon là nơi diễn ra lễ kỷ niệm một năm ngày quân Iraq tiến đánh Iran và các quan chức Iraq lúc đó đã dùng khẩu hiệu Nebuchadnasar al-ams Saddam Hussein al-yawm (ngày hôm qua là Vua Nebuchadnezzar, hôm nay là Saddam Hussein).

Có lúc Saddam cho xây một mô hình khổng lồ của ông ta bằng gỗ dán đang đứng nhìn xuống cổng Ishtar của Baghdar, và trong lễ hội năm 1988, một diễn viên đóng vai vua Nebuchadnezzar đã trao cho Bộ trưởng Văn hóa Iraq một biểu ngữ tuyên bố Saddam Hussein là 'cháu trai của Nebuchadnezzar' và 'người giương ngọn cờ của vùng Lưỡng Hà".

Mussolini phục hồi Rome

Saddam chỉ đơn giản là làm theo bước của Mussolini.

Ở nước Ý vào đầu thế kỷ 20, người tự phong mình là công tước này đã nhìn thấy những phế tích của thành Rome là một công cụ đặc biệt có sức mạnh.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Mặc dù các chính quyền đi trước cũng tuyên bố họ là người thừa kế của La Mã cổ đại, phong trào phát xít của Mussolini đã đưa lý tưởng này lên một tầm cao mới.

Bản thân Mussolini thường được mô tả trong các văn bản tuyên truyền như là 'Augustus mới', gợi lại vị hoàng đế La Mã vốn cho dựng lại phần lớn thành Rome dưới thời trị vì của ông.

"Rome là điểm khởi đầu và điểm tham chiếu của chúng ta," Mussolini phát biểu trước đám đông trong Lễ kỷ niệm ngày ra đời của Rome vào năm 1922, không lâu sau khi ông ta lên nắm quyền.

"Đó là biểu tượng của chúng ta, hoặc nếu chúng ta muốn, là huyền thoại của chúng ta. Chúng ta mơ về một nước Ý của thời đại La Mã, vốn khôn ngoan và hùng mạnh, có kỷ luật và tinh thần đế quốc. Phần lớn những gì là tinh thần sống mãi của Rome đã hồi sinh trong chính quyền phát xít."

Tuy nhiên chính phủ phát xít đã gặp phải một vấn đề: từ thời cổ đại, Rome đã phát triển và đè lấp lên những phế tích, nuốt chúng vào cơ thể biến đổi không ngừng của thành phố. Người dân sinh sống giữa ngọn cột và những cây cột đổ nát, dọn chỗ để xây dựng nhà cửa và lấy đá của chúng để xây dựng công trình riêng của mình. Cả thành phố đã phát triển bằng cách che lấp lên những di tích và làm lu mờ di sản mà Chính phủ phát xít muốn dựa vào.

Để giải quyết vấn đề này, Mussolini đã ra lệnh một cuộc đại khai quật, dỡ sạch các nhà cửa và toàn bộ các khu vực và tái định cư những người dân sinh sống ở đó. Ông ta cho khai quật lăng mộ của Augustus và cho xây một quảng trường phát xít xung quanh, cho giải tỏa những công trình tập trung xung quanh Nhà hát Marcellus và cũng đào nền của Đấu trường Colosseum, làm phát lộ một căn phòng dưới lòng đất và dọn sạch nơi từng có cây cỏ xanh tươi.

Để lại cho thế hệ sau

Vào tháng Năm năm 1938, chỉ 16 tháng trước khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Hitler đến thăm Rome.

Trong chuyến thăm, Mussolini đã cho nhà độc tài của nước Đức thấy thủ đô của nước Ý đã biến đổi với những phế tích được phát lộ và hoàn tất.

Hitler đi thăm thành phố vào ban đêm, và các kỹ sư của Mussolini đã chiếu sáng những phế tích vừa được phát lộ bằng pháo sáng màu đỏ để chúng càng thêm nổi bật giữa những tòa nhà hiện đại xung quanh.

Hitler đã đi qua tất cả những di tích quan trọng nhất của thành Rome và kết thúc ở đấu trường Colosseum được thắp đèn sáng rực.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cuộc diễu hành của Phát xít Đức tại Nuremberg nhằm thể hiện rằng Đệ tam Đế chế sẽ tồn tại dài lâu như Đế chế La Mã

Quốc trưởng nước Đức đã bị ấn tượng đúng như Mussolini hy vọng.

Hitler luôn bị cuốn hút trước các di tích. Một bức vẽ Quảng trường phế tích Roman Forum của họa sỹ người Pháp Hubert Robert vào thế kỷ 18 luôn treo trên tường của văn phòng làm việc của Hitler ở Reichstag, tức tòa nhà Quốc hội Đức, và bản thân ông cũng vẽ nhiều di tích trong suốt thời gian ông ta làm họa sỹ.

Hitler thường bày tỏ ác cảm với kiến trúc hiện đại và tình yêu của ông ta đối với những kiến trúc cổ điển của Rome cổ đại. "Nếu Berlin cũng có số phận như Rome," Hitler than vãn vào năm 1925, "thì một ngày nào đó những thế hệ sau này chỉ có thể chiêm ngưỡng những siêu thị của người Do Thái và khách sạn của các tập đoàn như là như là những công trình ấn tượng nhất của thời đại chúng ta, những biểu hiện văn hóa đặc trưng của thời đại chúng ta."

Đối với Hitler, di tích của quá khứ là phiên bản lịch sử được lý tưởng hóa, điều mà ông ta hy vọng mình sẽ làm được trong Đệ tam Đế chế. "Hitler muốn nói rằng mục đích của các công trình của ông ấy là truyền đạt thời đại và tinh thần của ông ấy cho hậu thế," kiến trúc sư trưởng của Đệ tam Đế chế Albert Speer nhớ lại trong hồi ký. "Cuối cùng, tất cả những gì còn lại để nhắc nhở nhân loại về những kỷ nguyên vĩ đại trong lịch sử là những công trình kiến trúc hoành tráng," ông ta nhận xét.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn