Tha chết cho 10 vạn giặc Minh – Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”

Thứ Tư, 12 Tháng Chín 20188:00 CH(Xem: 6774)
Tha chết cho 10 vạn giặc Minh – Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”

Một dân tộc sau 20 năm chịu cảnh nô lệ, thế nhưng sau khi giành được chiến thắng đã đại nghĩa tha chết cho hơn 10 vạn đội quân của triều đình phương Bắc đã từng đô hộ mình. Không chỉ thế dân tộc đó còn sửa sang đường xá, cung cấp ngựa, thuyền cũng như lương thực đầy đủ để đội quân này về nước.

Tấm lòng đại nhân đại nghĩa ấy tưởng như chỉ là chuyện hoang đường, nhưng đã được người dân Đại Việt thực hiện, khiến kẻ xâm lăng chỉ có thể cảm kích đến chảy nước mắt, dù nhục nhã thua trận vẫn chỉ có thể cúi đầu tâm phục khẩu phục. Đó chính là cái kết “đại nghĩa” và “chí nhân” mà Nguyễn Trãi nói đến trong câu thơ:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi và Đại Cáo Bình Ngô. (Tranh qua thoibao.today)

Bối cảnh

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra bắt đầu từ năm 1418. Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi cùng các nghĩa quân nhiều lần phải rút về núi Chí Linh trước sức mạnh của quân Minh.

Đến năm 1420, Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân, ra mắt chủ tướng Lê Lợi với cuốn sách “Bình Ngô”, nêu những kế sách để đánh đuổi quân Minh. Được Lê Lợi tin tưởng, ông đã vạch ra kế sách chiến lược đánh quân Minh, từ đó nghĩa quân Lam Sơn giành được nhiều thắng lợi quan trọng và ngày càng lớn mạnh, hết tiến về phía Nam lại tiến ra Bắc, tiến quân đến đâu giành thắng lợi đến đó.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi hiến kế cho Lê Lợi. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Trước tình hình này, vào tháng 9/1426, nhà Minh cử Vương Thông làm tổng binh đưa 5 vạn viện binh sang, hợp với hơn 5 vạn quân ở Giao Chỉ thành hơn 10 vạn, tiến đánh quân Lam Sơn. Quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại ở Tốt Động – Chúc Động. Vương Thông thua trận phải chạy vào thành Đông Quan (tức thành Thăng Long) cố thủ rồi cho người về nước xin thêm viện binh.

Nguyễn Trãi nhiều lần viết thư cho Vương Thông đề nghị nghị hòa, nhưng Vương Thông chỉ đồng ý nhằm kéo dài thời gian chờ viện binh, mặt khác cho đào hào cắm chông để cố thủ. Nguyễn Trãi biết được điều này nên cho quân vây thành chặt hơn, đồng thời gửi tiếp thư cho Vương Thông nói rõ nếu muốn hàng thì quân Minh phải ra hàng ngay.

Biết quân Minh không hàng vì còn hy vọng quân cứu viện, Nguyễn Trãi bèn tính kế đánh bại 15 vạn viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh.

10 vạn quân của Liễu Thăng đến ải Chi Lăng thì bị phục binh xông ra đánh úp khiến bị tan rã hoàn toàn, Liễu Thăng cũng bị tử trận.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Quân khởi nghĩa. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Mộc Thạnh đưa 5 vạn quân đóng ở biên giới, chần chừ chưa vội tiến quân nhằm nghe ngóng cánh quân của Liễu Thăng. Quân Lam Sơn đưa một số tù binh mang sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đến báo cho Mộc Thạnh biết Liễu Thăng đã tử trận.

Cánh quân của Mộc Thạnh hay tin thì kinh hoàng, phút chốc cả 5 vạn quân tan vỡ quay đầu chạy về nước. Quân Lam Sơn thừa thắng đuổi theo khiến hàng vạn quân Minh bị tiêu diệt.

15 vạn viện binh thoáng chốc đã bị diệt sạch. Việc đánh thành Đông Quan lúc này là quá dễ với nghĩa quân Lam Sơn. Nhiều tướng bàn nên tấn công hạ thành, nhưng Nguyễn Trãi muốn chiêu hàng để đỡ hao tổn binh sĩ hai bên.

5 lần một thân một mình vào thành khuyên hàng

Để chiêu hàng Vương Thông, Nguyễn Trãi không chỉ nhiều lần viết thư khuyên nhủ, mà ông cũng đã phải 5 lần một mình vào thành Đông Quan nhằm phân tích tình hình khuyên nhủ các tướng quân Minh nên đầu hàng. Đồng thời ông cũng đảm bảo sẽ cung cấp đủ ngựa, thuyền, lương thực để toàn bộ 10 vạn quân Minh được an toàn trở về nước.

Thế nhưng quân Minh biết rằng, trong thời gian thống trị ở Giao Chỉ, họ đã gây rất nhiều nợ máu cho người dân nơi đây. Việc tha thứ cho 10 vạn quân gây bao nhiêu tội ác an toàn về nước được xem là điều không thể, nhất là các tướng chỉ huy. Vì thế mà các tướng Minh đều liều chết quyết giữ thành chứ không hàng.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi vào thành khuyên hàng. (Tranh qua lichsuvn.net)

Vương Thông một mặt trả lời sẽ xem xét nhằm giảng hòa, một mặt cho quân dò la tình hình vây thành. Quân Minh tìm ra được điểm yếu, liền đem quân bất ngờ vượt thành đánh ra để phá vây. Thế nhưng quân Lam Sơn đã chuẩn bị trước tình huống này, nên giả thua bỏ chạy. Quân Minh đuổi theo thì rơi vào trận địa mai phục, Vương Thông bị ngã ngựa suýt nữa thì bị bắt, phải chạy tháo thân trở vào thành.

Vương Thông viết thư về báo với vua Minh về việc giảng hòa với quân Lam Sơn, trong thư có đoạn sau:

Chớ tham đất một góc mà làm nhọc quân đi muôn dặm, giả sử dùng quân được như số quân đi đánh khi đầu, lại được 6, 7, 8 đại tướng như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được, tuy nhiên có đánh được cũng không thể giữ được…

Đại Việt sử ký toàn thư

Nguyễn Trãi dùng nhân nghĩa, kiên trì thuyết phục quân Minh đầu hàng, đúng như những gì ông viết trong “Bình Ngô đại cáo”:

Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công

Trước sự kiễn nhẫn cùng sự chân thành của Nguyễn Trãi, lại đang lâm cảnh đường cùng, Vương Thông đồng ý nghị hòa. Ông ta liền đưa một số tướng làm con tin giao cho quân Lam Sơn. Người dân cùng các tướng sĩ đến xem đều đề nghị xin cho giết bọn chúng, nhưng Lê Lợi đáp rằng:

Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?

Đại Việt sử ký toàn thư

Tội ác quân Minh gây ra cho người dân Giao Chỉ

Nói đến đây, phải nhắc lại tội ác mà quân Minh từng gây ra cho người dân Giao Chỉ.

Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, nhà Minh đã vơ vét mang về phương bắc 235.900 con voi, ngựa, trâu bò; thóc gạo 1,36 triệu thạch, thuyền bè 8.677 chiếc, cùng hơn 2,5 triệu khí giới. Đó là chưa kể số kim loại quý, cùng các mỏ vàng, bạc, ngọc trai, gỗ quí, lâm sản, hồ tiêu, v.v.

Nhằm thực hiện nền thống trị lâu dài, nhà Minh không ngừng xây thành lũy, cầu cống, đường sá. Hàng chục vạn dân đinh từ 16 đến 60 tuổi phải ra các công trường với chế độ lao dịch cưỡng bức và sinh hoạt rất thiếu thốn. Các công trường khai mỏ và mò ngọc trai cũng nhiều nhân công. Những người thợ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Tội ác của quân Minh. (Tranh minh họa trong Việt Sử Bằng Tranh tập 23, họa sĩ Mạnh Quỳnh, qua hungsuviet.us)

Chính sách thuế khóa nhà Minh áp dụng với Giao Chỉ rất nặng nề, trong đó có 2 ngạch chính là thuế ruộng đất và thuế công thương nghiệp. Nhà Minh cử nhiều hoạn quan sang Việt Nam để tiến hành thu thập thuế, cống gửi về kinh đô, đồng thời vơ vét thêm chừng ấy nữa cho riêng mình.

Ngoài ra, quân Minh còn liên tục đàn áp những nghĩa quân kháng Minh với những tội ác như chém giết, cướp bóc, mổ bụng đàn bà có thai, để khủng bố lòng người. Họ cũng không nhân từ với những người nổi dậy. Cuốn sách sử của Trung Quốc là “Minh sử bản mạt kỷ sự” có ghi chép về thời kỳ này rằng quân Minh đã “chôn sống hàng ngàn tù binh rồi chất xác họ thành núi, hoặc rút ruột người treo lên cây, hoặc nấu thịt người để lấy dầu”.

Nguyễn Trãi đã mô tả trong “Bình Ngô đại cáo” như sau:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán ;
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
Nặng nề những núi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?

Các thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn như Lê Lợi, Nguyễn trãi cùng các tướng sĩ khác đều có thù nhà với quân Minh. Hầu hết người dân Giao Chỉ đều khổ sở dưới sự áp bức của nhà Minh. Ấy vậy mà dân tộc ta lại có thể làm ra một quyết định “đại nghĩa”: tha cho và giúp đỡ toàn bộ đội quân từng gây tội ác thấu trời xanh như vậy trở về nước.

Hội thề Đông Quan

Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427), toàn bộ quân Minh ra đầu hàng, các thủ lĩnh của hai bên tham gia hội thề ở phía Nam thành Đông Quan, ngay bên bờ Nhị Hà (nay là sông Hồng).

Rất nhiều người nhắc lại với chủ tướng Lê Lợi về sự thống khổ mà người dân từng chịu đựng, cũng như tội ác của quân Minh đã từng gây ra, thế nhưng Lê Lợi đáp rằng:

Việc dùng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh, trả lại đất cho nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cầu gì hơn nữa, hà tất phải giết hết, để kết mối thù với nước lớn.

Đại Việt thông sử

Tại hội thề lịch sử Đông Quan, Vương Thông đại diện cho các tướng sĩ quân Minh đọc “bài văn hội thề”, thề rằng sẽ ngừng chiến mà rút quân về nước, việc rút quân về nước sẽ hoàn tất trong vòng 5 tháng, trên đường rút về không thực hiện việc cướp bóc sách nhiễu dân chúng, không tái diễn xâm lược Giao Chỉ.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Hội thề Đông Quan, bên phải là người Việt, bên trái là người Minh. (Tranh: Trí Thức VN)

Về phía nghĩa quân Lam Sơn cũng hứa cung cấp đủ ngựa, thuyền và lương thực cho hơn 10 vạn quân Minh rút về nước.

Kết thúc hội thề các tướng nhà Minh phải cúi đầu thực hiện đúng các cam kết mà nghĩa quân Lam Sơn đặt ra. Quân “thiên triều” cảm kích xấu hổ chảy nước mắt, dù nhục nhã nhưng phải tâm phục khẩu phục.

Lê Lợi lệnh cho các lộ ở Bắc Giang và Lạng Sơn tu sửa đường xá để quân Minh rút về nước. Quân Lam Sơn cũng cung cấp 500 thuyền và hơn 2 vạn ngựa cho quân Minh sử dụng, cũng như lương thực đầy đủ, các quan lại đô hộ của nhà Minh cũng được thả về nước sau đó. Các quân tướng nhà Minh trước khi về nước đã vô cùng cảm kích đến trước dinh Bồ Đề mà lạy tạ.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Quân Minh rút về Trung Quốc. (Tranh qua motthegioi.vn)

Sách “Đại Việt thông sử” có ghi chép rằng các tướng Minh là Phương Chính, Mã Kỳ tới dinh Bồ Đề cáo biệt Lê Lợi, ở lại chơi suốt cả buổi chiều, Lê Lợi sai sắm trâu ngựa, trướng vẽ và lễ phẩm hậu tặng.

“Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép rằng: “Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt.”

Vương Thông nói chuyện với Lê Lợi suốt đêm rồi mới về nước, Lê Lợi cho đem trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu.

Về sự việc này Nguyễn Trãi có mô tả trong “Bình Ngô đại cáo” như sau:

Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay.

“Minh sử kỷ sự bản mạt” ghi chép rằng: “Vương Thông lực yếu mà phải xin hoà, Liễu Thăng lại sang rồi bị thua chết. Sau đó lại xuống chiếu sai sứ sang giao hảo và rút quân về, nhục nhã thực bằng Tân, Trịnh hội thề dưới chân thành, hổ thẹn ngang với Kính Đường cắt đất giảng hoà vậy”

Từng là một dân tộc “đại nghĩa”

Một dân tộc suốt 20 chịu cảnh nô lệ, người dân bị đô hộ rên xiết thấu cả trời xanh, như những gì Nguyễn Trãi đã mô tả:

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

Thế nhưng một dân tộc được xem là nhược tiểu ấy sau khi chiến thắng đội quân hùng mạnh của “thiên triều”, vẫn bao dung không chấp vào tội ác, không chỉ tha cho toàn bộ đội quân hơn 10 vạn trở về nước, mà còn tu sửa đường xá, cung cấp ngựa xe, thuyền, và lương thực đầy đủ, đúng như những gì Nguyễn Trãi mô tả:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Đội quân được gọi là “thiên triều” ấy chỉ có thể cảm kích, “hổ thẹn đến rơi nước mắt”, thua trận phải tâm phục khẩu phục, sau này không còn có ý tưởng dòm ngó nước nam. Đó cũng chính là dùng đức để cảm hóa nhân tâm.

Có người bình rằng việc tha chết cho 10 vạn quân Minh chỉ là do vua quan Đại Việt muốn yên ổn, nhưng sự thật không phải là như vậy. Trong lịch sử nước ta đã rất nhiều lần người Việt đánh bại quân xâm lược mà không hề chùn bước vì muốn yên ổn. Hơn nữa, mối thù sâu đậm do quân Minh gây ra không phải là chỉ cần mấy chữ “muốn yên ổn” là có thể xóa nhòa được.

Tha chết cho 10 vạn giặc Minh - Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
Nguyễn Trãi và Đại Cáo Bình Ngô. (Tranh qua honviet.com)

Tư tưởng của Nguyễn Trãi – “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” – đã thể hiện tấm lòng đại nghĩa của người dân Đại Việt, ghi lại một điểm sáng chói lọi nhất trong sử Việt. Thời khắc huy hoàng ấy không có được nhờ một chiến thắng, không đánh đổi bằng máu và nước mắt, mà đạt tới nhờ lòng vị tha.

Tiếc thay đến nay tư tưởng “chí nhân”, “đại nghĩa” của cha ông ta xưa kia đã bị thay thế bởi những điều xa lạ. Rất nhiều người Việt ngày nay vừa bình luận về một mâu thuẫn nào đó thì câu cửa miệng là “phải đấu tranh” để đạt được cái này cái kia. Áp dụng “đấu tranh giai cấp” vào trong xã hội, giáo dục “đấu tranh giai cấp” trong nhà trường, những sai lầm đó đã và đang hủy hoại phần quý giá nhất trong tâm hồn người Việt. Quan hệ giữa người với người ngày nay quả thật là quá căng thẳng.

Nếu xã hội Việt Nam ai ai cũng có thể bao dung tha thứ cho nhau, đối xử với nhau đều dùng Nhân, Nghĩa, vứt bỏ thứ “học thuyết đấu tranh” tồn tại bấy lâu nay, thì mối quan hệ xã hội mới có thể bền chặt, chúng ta mới có được cơ sở để xây dựng một đất nước hùng cường.

Trần Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn