Vì sao người Czech không nói tiếng Đức

Thứ Hai, 10 Tháng Chín 20187:00 CH(Xem: 7631)
Vì sao người Czech không nói tiếng Đức
Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tôi bước vào một cửa hàng bán búp bê múa rối ở Prague và tiến về phía góc xa trong căn phòng, nơi những người thợ chạm trổ đang bận rộn tạo hình các tác phẩm từ gỗ.

Một khi cặp mắt được tô xong là nhân vật được hiện ra rõ nét. Rồi chẳng mấy chốc người chủ tiệm sẽ tới kéo những sợi dây để thử xem các con rối nhảy múa ra sao.


Tôi đứng gần những cánh cửa, ngắm nhìn và băn khoăn tự hỏi liệu những người thợ có biết rõ về lịch sử mà họ đang nắm trong bàn tay hay không.

Bởi nhờ con búp bê múa rối khiêm tốn mà nước Czech - và cả ngôn ngữ Czech nữa - đã tình cờ được cứu thoát.

Hồi thế kỷ 17, khi vương quốc Bohemia dưới thời trị vì của nhà Habsburg, ngôn ngữ Czech hầu như đã biến mất.

Việc những người Bohemia theo đạo Tin Lành thua trận trước các lực lượng Công giáo tại Bilá Hora (Núi Trắng), địa điểm nay thuộc về Cộng hòa Czech, đã mở ra một giai đoạn cai trị của người Áo mà về sau leo thang thành những phân rẽ chính trị và tôn giáo sâu sắc trong khu vực.

Sự thất bại lan rộng ra và làm phân rẽ châu Âu hơn nữa, dẫn tới Chiến tranh Ba mươi năm, là khoảng thời gian mà người Czech theo đạo Tin Lành bị người Cơ đốc giáo thống trị. Và có những thứ quan trọng hơn cả quyền lực cũng bị đe dọa: bản sắc và ngôn ngữ của nhân dân.

Khi triều đình theo Tin Lành chạy khỏi Prague vào đầu thập niên 1600, thành phố suy tàn, đi xuống trong gần hai thế kỷ. Vị vương mới, Ferdinand II, không nương tay với những ai không theo Công giáo. Ông coi những người theo đạo Tin Lành như mối đe dọa đối với tôn giáo của mình.

Những người dân Czech, hầu hết là nông nô và dân lao động, bị buộc phải nói bằng tiếng Đức, thứ ngôn ngữ của những kẻ xâm chiếm đất nước mình.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Rất nhanh sau đó, các học giả, những người ban đầu chống đối việc dùng tiếng Đức, đã ngả theo việc dùng thứ tiếng này.

Ngay cả các diễn viên người Czech cũng bắt đầu trình diễn bằng tiếng Đức như thứ ngôn ngữ chính thức. Tiếng Czech trở thành chỉ còn là thứ ngôn ngữ địa phương, và lẽ ra đã rơi vào quên lãng nếu như không nhờ vào vài mẩu gỗ khiêm nhường.


Việc làm búp bê múa rối từ lâu đã là một hình thức phản kháng của người Czech.

Những người tạc tượng bằng gỗ từ thời Thế kỷ 17, vốn đẽo tượng vào các ghế ngồi kiểu Baroque trong các nhà thờ hơn là làm những bản sao con người, bắt đầu làm con rối cho các nghệ sỹ Bohemia ngay sau khi Ferdinand II lên nắm quyền.

Lý do là bởi con rối là thực thể duy nhất còn lại được quyền nói tiếng Czech ở chốn công cộng.

Trong lúc người dân cả nước tuân theo lệnh phải nói thứ ngôn ngữ mới, tiếng Đức, thì các nghệ sỹ lang thang và các nghệ nhân làm con rối vẫn nói tiếng mẹ đẻ, Slavic, thông qua các nhân vật là những con rối gỗ.

Khó có thể nói là chỉ vài trăm con rối và các nghệ nhân làm con rối có thể bảo toàn được một ngôn ngữ, nhất là chỉ nhờ việc tận dụng kẽ hở của giới chức, nhưng di sản còn lại cuối cùng của người dân nước này nối với quá khứ đã được kết buộc bằng những sợi dây điều khiển con rối.

Cũng dễ hiểu vì sao những con rối này lại chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim người Czech, và vì sao sự kỳ diệu từ những con rối vẫn tiếp tục lan tỏa khắp thành phố.

Đi quanh Prague, bạn sẽ nhanh chóng nhìn thấy đâu đó một cửa hàng bán con rối gỗ, hoặc chí ít cũng là một khu chợ có những con rối được treo từ trần nhà hay trên khung cửa sổ.

Hầu hết các con rối vẫn được làm từ gỗ vào treo trên những sợi dây, như chúng vốn đã vậy từ thời xưa. Chúng đung đưa trong khung cửa sổ các cửa hàng, nhìn ra ngoài như mời gọi người qua đường hãy đem chúng đến với cuộc sống.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vẫn được khắc hoạ thành các nhân vật truyền thống là vua, hoàng hậu, phù thủy, nông nô, và các con vật, chúng dường như không mấy thay đổi so với trước, ngoại trừ thực tế là nay chúng hầu như chỉ dành cho trẻ con và để trang trí, thay vì để tỏ thái độ phản kháng.

Trên đường phố, những người biểu diễn múa rối tạo ra điều kỳ diệu. Tôi xem buổi diễn múa rối tại một quảng trường lát sỏi đầy quyến rũ, nơi nghệ nhân múa rối đội mũ nhung điều khiển bọn rối nhảy nhót. Trong giai điệu thời Trung cổ, chàng nông dân trẻ khiêu vũ cùng nàng công chúa, câu chuyện tình của Czech kể rằng chàng thanh niên đã chiếm được trái tim nàng.

Nằm cách không xa khu vực của người Do Thái, ở giữa trung tâm khu Staré Mĕsto là Nhà hát Múa rối Quốc gia, nơi thu hút dân địa phương và cả du khách nước ngoài tới xem các buổi diễn.

Tôi vào xem và khi lắng nghe vở múa rối Don Giovani từ một khung cửa sổ mở, nghe những từ nặng dấu âm ngữ Czech, tôi không khỏi băn khoăn so sánh, không rõ nó khác đến đâu so với tiếng Đức nếu các nghệ sỹ, nghệ nhân không làm nó sống lại trong lòng người dân Czech.

Tôi băn khoăn tự hỏi liệu những người đang bước đi ngoài phố kia và nói tiếng Czech có nhận ra rằng họ đang nói thứ ngôn ngữ gần như đã bị giết chết từ vài thế kỷ trước, nhưng may mắn được các diễn viên và những con rối duy trì, bảo vệ.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn