Lý Quang Diệu viết về những ngày cuối đời ( chính sách đàn áp tôn giáo và người chống đối do cha nội này cố vấn cho VC )

Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một 201710:00 CH(Xem: 7720)
Lý Quang Diệu viết về những ngày cuối đời ( chính sách đàn áp tôn giáo và người chống đối do cha nội này cố vấn cho VC )

LeeKuanYew

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Personal Life: Choosing when to Go”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 294-301.

Biên dịch: Nguyễn Tiến Chương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các phần khác của cuốn One Man’s View of the World

Trình tự công việc hằng ngày của tôi đã được định sẵn. Tôi thức dậy, kiểm tra email, đọc tin tức, tập thể dục và ăn trưa. Sau đó, tôi đến văn phòng tại Instana, kiểm tra các văn bản và viết các bài báo hoặc bài phát biểu. Vào buổi chiều hoặc tối, tôi thỉnh thoảng có lịch phỏng vấn với các nhà báo, sau đó tôi có thể dành một hoặc hai giờ học tiếng Hoa.

Tôi tập thể dục như một thói quen hằng ngày. Ở tuổi 89, tôi có thể đứng lên mà không cần đến gậy đỡ. Khi tôi còn ở độ tuổi 30, tôi thích hút thuốc và uống bia. Tôi bỏ thuốc lá vì nó đã làm tôi mất giọng trong các chiến dịch tranh cử. Việc này xảy ra trước khi có những nghiên cứu y tế về việc hút thuốc có thể dẫn đến ung thư phổi và cổ họng. Kỳ lạ hơn, sau đó tôi trở nên dị ứng với thuốc lá.

Việc uống bia nhiều khiến tôi có “bụng bia” và nó đã được chụp trong những bức ảnh trên báo chí. Tôi đã bắt đầu chơi golf nhiều hơn để giữ thân hình, nhưng sau đó phải chuyển sang việc chạy bộ và đi bơi, những hoạt động này tốn ít thời gian hơn để đạt được cùng khối lượng luyện tập thể dục. Hiện tại, tôi đi bộ trên máy tập 3 lần mỗi ngày: 12 phút buổi sáng, 15 phút sau giờ trưa và 15 phút sau buổi tối. Trước buổi tối, tôi từng bơi 20 đến 25 phút. Nếu không có nó, tôi không thể có được sức khỏe tốt như hiện nay. Đó là một quy tắc.

Tôi tiếp tục có hẹn gặp những người khác. Bạn phải gặp gỡ người khác vì bạn bắt buộc phải có quan hệ xã hội nếu như bạn muốn mở rộng quan điểm của mình. Bên cạnh người Singapore, tôi gặp cả người từ Malaysia, Indonesia và rất nhiều lần, người Trung Quốc, Châu Âu và người Mỹ. Tôi cố gắng không chỉ gặp những bạn cũ và các chính trị gia hàng đầu mà còn những người từ nhiều lĩnh vực khác nhau như các học giả, người kinh doanh, nhà báo và cả những người bình thường.

Tôi hạn chế nhiều những chuyến bay xa bởi vì hiện tượng chênh lệch múi giờ, đặc biệt là khi tôi đến thăm Mỹ. Cho đến năm 2012, tôi vẫn đến Nhật mỗi năm một lần để nói chuyện tại Hội thảo Tương lai Châu Á- hiện tại là lần thứ 19, được tổ chức bởi tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nihon Keizai Shimbun (Nikkei). Có khoảng thời gian, tôi đến thăm Trung Quốc gần như mỗi năm một lần, mặc dù hiện tại tôi không thích đến Bắc Kinh vì sự ô nhiễm ở đấy. Nhưng các nhà lãnh đạo (Trung Quốc) ở đó nên bạn vẫn phải đến đó để gặp họ. Hội đồng Quốc tế JP Morgan, nơi tôi là một thành viên, đã vinh danh tôi khi tổ chức cuộc gặp thường niên năm 2012 tại Singapore, và Hội đồng Cố vấn của hãng Total cũng vậy. Đi Pháp thì không có vấn đề gì. Mất 12 tiếng bay thẳng trên chiếc Airbus 380, tới đó rồi về. Nhưng đến Mỹ thì mệt mỏi hơn rất nhiều, đặc biệt là vì thay đổi múi giờ, từ ngày trở thành đêm và ngược lại. Đi ra nước ngoài giúp tôi mở mang tầm nhìn. Tôi thấy được cách thức những nước khác phát triển. Không một nước hay thành phố nào đứng yên, tôi đã chứng kiến London và Paris thay đổi, hết lần này qua lần khác.

Rời khỏi chính trường tức là tôi không còn được biết rõ như trước về những việc đang diễn ra và những áp lực phải thay đổi. Vì thế nhìn chung tôi đồng thuận theo quyết định của các bộ trưởng. Tôi hiếm khi bày tỏ những quan điểm trái ngược, ít ra là hiếm khi hơn so với khi tôi còn làm việc trong chính phủ và tham dự các cuộc họp nội các, điều giúp tôi có thể tham gia đầy đủ vào các cuộc tranh luận.

Thỉnh thoảng, khi tôi nhất quyết không đồng ý với việc gì đó, tôi bày tỏ quan điểm với Thủ tướng. Một ví dụ là khi chính phủ định giới thiệu lại các chương trình bằng tiếng địa phương Trung Quốc trên các kênh truyền hình miễn phí. Một ý kiến đã được đưa ra: “Hiện tại tiếng Quan thoại đã được thiết lập vững chắc trong người dân rồi, bây giờ chúng ta hãy quay lại tiếng địa phương để những người già có thể thưởng thức các phim truyền hình.” Tôi đã phản đối, chỉ ra rằng khi còn là thủ tướng, tôi đã phải trả một cái giá rất đắt để xóa bỏ các chương trình tiếng địa phương, để khuyến khích mọi người nói tiếng Quan thoại. Vì vậy tại sao giờ phải quay ngược lại? Tôi đã làm cả một thế hệ người gốc Hoa nổi giận, vì các chương trình tiếng địa phương yêu thích của họ đã bị cắt bỏ. Đã từng có một người kể chuyện rất hay tên là Lee Dai Sor trên kênh Rediffusion, và chúng tôi đã phải cắt bỏ chương trình này. Tại sao giờ tôi lại phải đồng ý để tiếng Quảng Đông và Phúc Kiến xâm nhập vào thế hệ tiếp theo? Nếu bạn để chúng quay lại, bạn sẽ thấy nhiều người lớn tuổi bắt đầu nói chuyện với con cháu bằng tiếng địa phương. Điều đó sẽ quay trở lại, chậm rãi nhưng chắc chắn.

Mỗi đất nước cần một thứ ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được. Việc tích hợp bốn loại ngôn ngữ lại với nhau sau khi người Anh ra đi đã từng là một nhiệm vụ khó khăn của chúng ta. Những trường học của người Hoa, nơi mà phần lớn những học sinh gốc Hoa theo học, tự hào về ngôn ngữ của họ, đặc biệt sau khi có sự trỗi dậy của Trung Quốc Cộng sản năm 1949. Tôi phải đấu tranh rất nhiều để biến Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung cho tất cả các trường học và tiếng mẹ đẻ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Những nhà sô-vanh ủng hộ tiếng Hoa đã chống lại chính sách này rất gay gắt. Những nhà báo và trường học của người Hoa muốn tăng số học sinh và độc giả của họ. Vì sự kiểm soát của tôi đối với người Hoa lúc đó chưa đủ, nên bộ trưởng báo chí của tôi lúc đó là Li Vei Chen đã phải kiểm soát khắt khe các tòa báo tiếng Hoa, các trường trung học tiếng Hoa cũng như trường Đại học Nanyang cùng nhân viên của họ để hạn chế và ngăn chặn biểu tình, đình công và lãn công.

Cuối cùng thì chính giá trị thị trường của nền giáo dục bằng tiếng Anh đã giải quyết được vấn đề. Vì thế, chúng ta có Singapore ngày nay, với việc tiếng Anh kết nối chúng ta với thế giới và thu hút những tập đoàn đa quốc gia, và tiếng mẹ đẻ được xem như là ngôn ngữ thứ hai, giúp chúng ta có sự gắn kết với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Đó từng là một bước đột phá vượt bậc. Nếu người dân chọn con đường khác, Singapore đã bị đẩy lùi lại.

Vì những lý do tình cảm và thực tiễn trong giao thương với Trung Quốc, chúng ta cần tiếng Hoa như là ngôn ngữ thứ hai. Nhưng chúng ta chắc chắn không cần các tiếng địa phương. Việc đảo ngược quá trình gỡ bỏ tiếng địa phương ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng – điều mà chúng ta đã phải mất rất nhiều thời gian, năng lượng và nguồn vốn chính trị đạt được – sẽ là một điều hết sức ngớ ngẩn.

***

      Cuộc sống tốt hơn là cái chết. Nhưng cái chết cuối cùng cũng đến với tất cả mọi người. Đó là thứ mà ở tuổi thanh xuân con người không nghĩ đến. Nhưng ở tuổi 89, tôi thấy lãng tránh vấn đề này là vô ích. Việc tôi quan tâm đó là: Tôi sẽ ra đi như thế nào? Sự kết thúc có đến nhanh chóng không, bằng một cơn đột quỵ ở một trong số các động mạch vành? Hay sẽ là một cơn đột quỵ trong não khiến tôi nằm liệt trên giường bệnh nhiều tháng, trong trạng thái bán hôn mê? Trong số 2 cách đó, tôi thích cách nhanh chóng hơn.

Một thời gian trước đây, tôi đã cho soạn một bản hướng dẫn điều trị y tế cao cấp. Bản hướng nói rằng nếu tôi phải được cho ăn bằng đường ống và không thể hồi phục và ngồi dậy, bác sỹ của tôi sẽ phải tháo ống tube và cho tôi ra đi sớm. Tôi đã để tờ hướng dẫn được ký bởi một người bạn làm luật sư và một bác sĩ.

Nếu bạn không kí một tờ hướng dẫn như vậy, người ta sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi đã chứng kiến điều này trong nhiều trường hợp khác. Anh rể của vợ tôi, Yong Nyuk Lin, phải đeo ống. Ông ấy ở nhà, và vợ ông ấy cũng nằm liệt giường, trong thân hình tàn tạ. Tâm trí ông ấy đã trở nên vô thức. Hiện tại ông ấy đã chết. Nhưng họ giữ ông ấy như thế trong một vài năm. Làm vậy để làm gì? Thường thì các bác sỹ và người thân của bệnh nhân tin rằng họ nên kéo dài cuộc sống, nhưng tôi thì không đồng ý. Mọi thứ đều đến lúc phải kết thúc và tôi muốn nó xảy ra với tôi càng nhanh và càng ít đau đớn càng tốt, chứ không phải để tôi nằm bất động bán hôn mê trên giường bệnh với một cái ống dịch chuyền thức ăn xuống dạ dày. Trong những trường hợp ấy, người ta chỉ còn là một cái xác mà thôi.

Tôi không thích tự gắn ý nghĩa cho cuộc sống – hoặc nghĩ ra những câu chuyện lớn lao về cuộc đời – mà chỉ tìm cách đo lường nó bằng những gì bạn nghĩ bạn muốn làm trong cuộc sống. Đối với tôi, tôi đã hoàn thành những việc tôi muốn làm, trong khả năng lớn nhất của tôi và tôi hài lòng với việc đó.

Những xã hội khác nhau có những quan điểm triết học khác nhau về cuộc sống hiện tại và kiếp sau. Nếu bạn đến nước Mỹ, bạn sẽ tìm thấy những người theo đạo Thiên chúa nhiệt thành, đặc biệt là trong nhóm người bảo thủ ở vùng Vành đai Kinh Thánh (Bible Belt) chiếm phần lớn miền Nam nước Mỹ. Ở Trung Quốc, mặc dù qua nhiều thập kỷ truyền bá chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao, việc thờ cúng tổ tiên và những phong tục tín ngưỡng khác dựa trên đạo Phật và Đạo Giáo vẫn còn phổ biến. Ở Ấn Độ, niềm tin vào kiếp luân hồi vẫn tồn tại rộng rãi.

Tôi không phải là người theo thuyết vô thần. Tôi không công nhận cũng không phủ nhận việc Chúa tồn tại. Vũ trụ được cho rằng sinh ra từ vụ nổ Big Bang. Nhưng những con người trên thế giới này đã phát triển hơn 20.000 năm qua, trở thành những sinh vật biết suy nghĩ, và có thể có cái nhìn vượt ra ngoài bản thân và khám phá về bản thân. Đó là kết quả của thuyết Tiến hóa Darwin hay đó là do Chúa? Tôi cũng không biết nữa. Do đó tôi không cười nhạo những người tin vào Chúa. Nhưng tôi không nhất thiết phải tin vào Chúa – hay phủ nhận rằng Chúa tồn tại.

Tôi đã có một người bạn rất thân, Hon Sui Sen, một tín đồ Công giáo La mã ngoan đạo. Khi ông ấy gần mất, các linh mục đã ở bên cạnh ông ấy. Ở tuổi 68, ông ấy khá trẻ để ra đi nhưng ông ấy hoàn toàn không tỏ ra sợ hãi. Là người Công giáo La mã, ông ấy tin rằng ông sẽ gặp lại vợ mình vào kiếp sau. Tôi ước rằng tôi cũng có thể gặp lại vợ mình ở kiếp sau nhưng tôi thực sự không tin vào điều đó. Tôi chỉ không còn tồn tại tương tự như bà ấy không còn tồn tại nữa – chứ nếu không thế giới bên kia sẽ bị quá tải dân số. Thiên đường có phải đủ rộng lớn và không có giới hạn để luôn đủ chỗ cho tất cả mọi người trên thế giới trong hàng ngàn năm qua không? Tôi rất nghi ngờ về điều đó. Nhưng Sui Sen đã tin vào điều đó và nó đã mang lại cho ông ấy sự bình yên nhất định trong tư tưởng khi ông ấy vượt qua những thời khắc cuối cùng bên cạnh các linh mục. Vợ ông ấy, người đã mất vào tháng 11 năm 2012, đã tin rằng họ sẽ gặp lại nhau lần nữa.

Những người xung quanh từng khuyên tôi, rằng tôi sớm muộn gì cũng như thế, đã không còn làm như vậy nữa bởi vì họ biết rằng điều đó vô ích. Vợ tôi có một người bạn thời đi học, cô ta rất sùng đạo và đã không ngừng cố gắng truyền đạo cho vợ tôi. Nhưng cuối cùng, vợ tôi đã tránh xa khỏi người bạn đó và nói rằng: “Thật vô lý. Mỗi lần gặp mặt cô ta đều muốn tôi trở thành một người theo đạo Thiên chúa.” Vợ tôi không tin vào kiếp sau, mặc dù đúng là sẽ thoải mái hơn nếu bạn tin vào kiếp sau dù nó không thực sự tồn tại.

Cứ mỗi ngày trôi qua tôi cảm thấy thể xác mình mất thêm năng lượng và ngày càng ít năng động hơn. Nếu bạn muốn tôi ra ngoài khi nắng nóng lúc hai giờ trưa để gặp gỡ người khác, bắt tay và ôm hôn các em bé, tôi sẽ không thể làm được nữa. Tôi có thể làm như vậy 20, 30 năm trước, nhưng giờ thì không thể. Bạn chấp nhận cuộc sống khi nó tới, với sự già đi của thể xác qua thời gian. Thỉnh thoảng người thư ký của tôi nhìn thấy tôi nghỉ ngơi trong phòng làm việc và hỏi tôi có cần hoãn cuộc gặp tiếp theo hay không. Tôi thỉnh thoảng vẫn nói: “Không, hãy để nó tiếp tục”. Tôi cần 15 phút chợp mắt để đầu óc sau đó có thể hoàn toàn tập trung được. Nhưng nếu tôi không thể, tôi sẽ nói rằng: “Được, hoãn lại đi. Để tôi ngủ một lát”. Bạn không thể dự đoán được cơ thể bạn sẽ trở nên như thế nào. Dù tôi có mạnh mẽ và kỉ luật tới đâu, tình trạng của tôi vẫn sẽ tiếp tục xuống dốc.

Cuối cùng, sự hài lòng lớn nhất của tôi đối với cuộc đời đến từ thực tế rằng tôi đã dành nhiều năm tập hợp sự hỗ trợ, ý chí để biến đất nước này thành một nơi nhân tài được trọng dụng, sạch bóng tham nhũng và bình đẳng cho mọi sắc tộc. Điều đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi tôi ra đi. Nó không giống như khi tôi mới nhậm chức. Chính phủ Lim Yew Hock lúc đó đã tham nhũng rồi. Những người Singapore trẻ tuổi có thể sẽ không biết đến cái tên Mak Pak Shee, một thành viên của chính phủ đó. Ông ấy là một người lai Ấn Độ và Quảng Đông với một bộ ria mép, và được gọi người “dàn xếp” – tức giúp hoàn thành các ưu đãi để đổi lấy một khoản phí.

Singapore như hiện tại là một địa chỉ sạch bóng tham nhũng trong một khu vực mà nạn tham nhũng rất phổ biến. Các thể chế đã được lập ra để giữ cho nó như vậy, ví dụ như văn phòng chống tham nhũng. Mọi người thăng tiến dựa trên năng lực của họ chứ không phải sắc tộc, ngôn ngữ hay tín ngưỡng của họ. Nếu chúng ta giữ vững được những thể chế này, chúng ta sẽ tiếp tục tiến bộ. Đó là hi vọng lớn nhất của tôi.

Đây là phần cuối cùng trong cuốn One Man’s View of the World được Nghiencuuquocte.net biên dịch. Bản dịch các phần khác của cuốn sách có thể xem được tại ĐÂY.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn