Sự hồi sinh của một vùng biển đã chết

Thứ Sáu, 10 Tháng Tám 20186:00 SA(Xem: 7522)
Sự hồi sinh của một vùng biển đã chết
bbc.com
Dene-Hern Chen BBC Future

Taylor Weidman Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman

Đối với chàng trai trẻ Madi Zhasekenov, mùa hè trên bờ biển Aral từng là điều giản dị. Ba tháng nghỉ hè của anh trôi qua tại cảng gần nhà của anh ở Aralsk, ở tây nam Kazakhstan, gặp gỡ giao lưu với ngư dân kéo lưới hàng ngày.

"Tôi thường móc mồi vào lưỡi câu rồi ra đứng dọc bờ biển câu cá," Zhasekenov, nay đã 58 tuổi, kể. "Tôi từng bắt được cá to cá bé đủ cả. Chúng tôi hay nghịch, lấy cá câu được cho chó, mèo ăn."


Nhưng đến năm Zhasekenov 17 tuổi, mực nước biển Aral giảm xuống và độ mặn tăng nhanh đến nỗi cá nước ngọt vốn từng rất nhiều ở đó đã không thể tồn tại được nữa. Một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất đối với Zhasekenov là khi anh nhận ra mình cần đi mua cá cho cả nhà ăn.

"Chúng tôi không biết cách mua cá vì chúng tôi từ trước tới giờ chỉ biết đi câu về thôi", ông nói. "Lần đầu tiên đi mua cá, tôi có cảm giác thật tồi tệ."

Ở bờ bên kia của Biển Aral, cư dân vùng Moynaq, một trung tâm đánh bắt cá nhộn nhịp của bắc Uzbekistan với hơn 30.000 lao động, cũng gặp phải vấn đề tương tự.

Taylor Weidman Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Những con tàu rỉ sét nằm trên sa mạc nơi từng là cảng biển ở Moynaq, Uzbekistan

"Hồi tôi 5, 6 tuổi là lúc tôi lần cuối cùng nhìn thấy các tàu thuyền trên biển khi tôi đi bơi," Marat Allakuatov, 47 tuổi, người từng sinh sống tại Moynaq, nói.


Ngày nay, đáy biển trơ khấc, chỉ còn lại lớp cặn muối và những vỏ tàu cá rỉ sét bị bỏ hoang. Nền kinh tế địa phương đã bốc hơi cùng với nguồn nước.

"Do biển biến mất, người dân nơi đó thành ra thất nghiệp," Allakuatov nói. Ông nay làm việc tại một khách sạn ở Nukus, thủ phủ của Cộng hòa Karakalpakstan, một vùng tự trị thuộc Uzbekistan nằm quanh Moynaq. "Thế hệ trước đã chính thức mất hy vọng về tương lai."

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Một nhà máy đóng hộp cá từng rất phát đạt nay rơi vào tình trạng hoang tàn

Do nghề cá lụi tàn, các cộng đồng ở hai bên bờ biển đối diện nhau đã phải đối diện với số phận tàn khốc tương tự như nhau trong thời thập niên 1990.


Thế nhưng sau hơn hai thập niên, họ đã có những hướng đi khác nhau.

Ngày nay, Biển Bắc Aral ở Kazakhstan đã hồi sinh, nguồn nước và nền kinh tế đã quay trở lại Aralsk. Nhưng Biển Nam Aral ở Uzbekistan vẫn khô đáy, và cư dân nơi đó phải chịu một bầu không khí ngột ngạt.

Tại sao hai thành phố lại có hai kết cục khác nhau đến vậy?

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Ở phía bên kia của biển, thành phố Aralsk của Kazakhstan có một số phận rất khác

Trở về từ cõi chết

Từng là hồ nước ngọt lớn thứ tư trên thế giới, Biển Aral ngày nay chỉ còn diện tích bằng một phần mười so với diện tích nguyên thủy của nó

Với hơn 67 ngàn cây số vuông, Biển Aral từng là hồ nước ngọt lớn thứ tư trên thế giới.

Thế nhưng những chính sách nông nghiệp cứng nhắc của Liên Xô hồi thập niên 1950 đã nắn dòng chảy từ hai dòng sông là Amu Darya và Syr Daryam, thay vì đổ vào biển thì lại chảy vào hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho các thảo nguyên sa mạc ở vùng Trung Á để trồng bông. Mực nước biển giảm mạnh; các loài cá nước ngọt từng sinh sôi nảy nở rất nhiều ở nơi này dần biến mất theo mực nước cạn dần.

Ngày nay, biển chỉ còn diện tích bằng một phần mười so với trước kia, và hầu như bị chia làm đôi. Trông hơi giống như hình số 8, Biển Bắc Aral - nửa trên - thì nằm ở Kazakhstan. Biển Nam Aral, gồm một dải nước ở phía tây và một bể cạn ở phía đông, nằm ở Uzbekistan.

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Phần biển Aral thuộc Uzbekistan đã biến thành sa mạc

Hồi thập niên 1990, cả hai nửa đều đối diện với cùng kết cục. Nhưng đã có sự thay đổi kể từ khi Ngân hàng Thế giới đưa một dự án cứu trợ trị giá 87 triệu đô la vào Kazakhstan.

Dự án này bao gồm việc xây dựng một con đập dài 12 km chạy dọc theo kênh hẹp nối Biển Bắc Aral với phần phía nam, nhằm giảm bớt tình trạng nước tràn khỏi Biển Bắc Aral. Việc cải tạo các dòng kênh có sẵn trên sông Syr Darya chạy ngoằn ngoèo từ Dãy núi Thiên Sơn của Kazakhstan lên phía bắc cũng giúp tăng dòng nước đổ vào Biển Bắc Aral.

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Taylor WeidmanImage caption Con đập dài 12km, được chỉ tay trên bản đồ, đã cứu được một phần Biển Bắc Aral

Hoàn thành vào mùa hè 2005, đập Kokaral vượt quá sự mong đợi của Ngân hàng Thế giới, giúp mực nước trong biển dâng cao lên lên 3,3m chỉ sau bảy tháng, điều mà các khoa học gia những tưởng phải mất đến khoảng 10 năm.

"Khi đó, chúng tôi không trông đợi quá nhiều, và kết quả đạt được thật là kỳ diệu," Masood Ahmad, người đứng đầu nhóm làm việc tại Ngân hàng Thế giới, người đã chuẩn bị và thẩm định dự án hồi 2001, nói.

Sự trở lại của Biển Bắc Aral đã làm sống lại ngành ngư nghiệp ở Aralsk. Vào 2006, tổng sản lượng cá đánh bắt được là 1.360 tấn, trong đó đa số là cá bơn, một loài cá nước mặn mà người Kazakhstan không thích. Đến 2016, Cơ quan Thanh tra Nghề cá Aralsk ghi nhận đánh bắt được 7.106 tấn cá do các loài cá nước ngọt đã xuất hiện trở lại, trong đó có cá vược, sản phẩm mà ngư dân bán rất được giá, cùng các loài cá tráp, rắn mào, và cá da trơn.

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Nhờ sự hồi sinh của Biển Bắc Aral mà nghề cá đã quay trở lại với Aralsk

Đáng ngạc nhiên là chính phủ Kazakhstan đã đóng một vai trò then chốt trong quá trình phục hồi này.

"Hầu hết các chính phủ thường ưu tiên cho những gì tạo ra thu nhập, như là cải thiện hệ thống tưới tiêu thủy lợi để tăng sản lượng cây trồng, hoặc quản lý nguồn nước để cung ứng cho các thành phố," Ahmad nói. "Cải thiện môi trường và hệ sinh thái là điều cuối cùng mà các chính phủ đưa vào danh sách các việc ưu tiên, thế nhưng chính phủ Kazakhstan đã làm."

Thay đổi vận may

Với Aldanbek Kerinov, sự trở lại của ngành cá ở Biển Bắc Aral cho phép anh đổi nghề.

Từng làm tài xế taxi từ hồi bảy năm về trước, kiếm được từ 3.000 đến 5.000 tenge (7 đến 11 bảng Anh) một ngày, nay, chàng trai 27 tuổi làm việc cùng hai anh trai trên hồ.

Ở nhiệt độ dưới 0 độ C trong tháng Hai, họ nhấc lên chừng 20kg cá vược từ các mẻ lưới đặt dưới mặt nước băng giá của Biển Aral. Được người Kazakhstan vô cùng ưa chuộng, loài cá này được basn với giá khoảng 650 tenge (1,45 bảng) một ký cho các nhà máy chế biến cá và cho các khách hàng khác.

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Nay, các ngư dân địa phương ở Aralsk có khi đánh bắt được mẻ lưới trị giá tới 10 bảng Anh

"Vào mùa đông, đôi khi chúng tôi mỗi người đánh bắt được [lượng cá trị giá] khoảng 50.000 tenge" trong một lần cất lưới, Kerinov nói. "Tức là 150.000 tenge (335 bảng Anh) cho ba anh em chúng tôi. Chúng tôi thích đánh bắt được cá vược như thế này, dù chỉ một mẻ thôi cũng đã tốt hơn lái xe taxi rồi."

Kerinov thì còn quá trẻ để chứng kiến cảnh nước biển đánh vào các bức tường ở cảng Aralsk. Bờ biển hiện nằm cách thị trấn chừng 20km, tức là bạn cần phải lái xe hai giờ đồng hồ mới tới nơi nếu đi trong điều kiện tuyết mùa đông rơi dày.

"Chúng tôi đang mơ một ngày biển sẽ về gần đến Aralsk để mình khỏi phải lái xe đi xa quá," Kerinov nói. "Mỗi ngày, chúng tôi sẽ có thể từ nhà đi ra đánh bắt cá luôn."

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Nghề cá đã trở lại với người dân Kazakhstan sống gần Biển Aral, nhưng họ vẫn phải lái xe đi 20 km mới ra tới vùng nước trước kia từng ở ngay sát thềm nhà

Theo Ahmad, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhờ vào việc cải thiện dòng chảy của sông Syr Darya, khoảng 2,7 tỷ mét khối nước mỗi năm tràn qua đập Kokaral đi xuống vùng biển phía nam.

"Nước tràn ra, bốc hơi mất," ông nói. "Nó không đem lại giá trị sinh thái hay các lợi ích gì nhiều. Kể từ khi đập Kokaral được xây dựng vào năm 2005 cho đến nay, hơn 30 tỷ mét khối nước đã chảy tràn ra khỏi Biển Bắc Aral."

Nâng đập cao thêm 4 mét nữa sẽ giúp giữ thêm được 15 tỷ mét khối nước ở Biển Bắc Aral, ông nói thêm. Điều này sẽ giúp tăng diện tích mặt biển, hiện đang là 800 cây số vuông, rộng thêm 400 cây số vuông nữa.

"Sẽ tăng thêm 50%," Ahmad nói. "Điều này sẽ cần khoảng 4, 5 năm."

Các kế hoạch để làm việc này đang được đưa ra như giai đoạn hai dự án của Ngân hàng Thế giới, nhưng gần đây đã bị ngưng lại. Theo Ngân hàng Thế giới, dự án đang chờ chuẩn thuận từ chính phủ Kazakhstan.

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Tại Moynaq, Uzbekistan, nơi cũng từng có ngành ngư nghiệp rất phát triển ở Biển Aral, câu chuyện lại đi theo hướng rất khác

Ở bên kia biên giới, tại Uzbekistan, câu chuyện rất khác. Ngân hàng Thế giới đã có một số dự án khôi phục các hồ có sẵn quanh Biển Nam Aral, như Hồ Sudoche, nhưng mức độ thành công thì khiêm tốn hơn.

Trở ngại chính có vẻ như là sự đòi hỏi từ phía Uzbekistan, bởi dòng chảy của Sông Amu Darya đang được dùng ở thượng nguồn phục vụ nông nghiệp, không đủ nước để chạy xuống đổ vào Biển Nam Aral.

Sự phụ thuộc to lớn vào thu nhập của ngành trồng bông cũng làm trở ngại tới các nỗ lực đưa Biển Nam Aral trở về thời hoàng kim. Từ 1930 đến 1990, Uzbekistan cung cấp trên hai phần ba lượng cotton được sản xuất tại Liên Xô. Nước này đứng thứ năm trong tổng số 90 quốc gia trồng bông trên thế giới, và là nhà xuất khẩu bông lớn thứ hai vào thị trường Mỹ.

Ngày nay, Uzbekistan vẫn là nhà xuất khẩu bông lớn thứ năm trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil, và Úc.

"Chính phủ lẽ ra có thể hành động để phục hồi Biển Nam Aral, nhưng nếu vậy thì họ lại thành ra đẩy rất nhiều nông dân, những người đang dùng nguồn nước này, vào cảnh thất nghiệp," Ahmad nói. "Bạn không thể từ bỏ thứ đang đem lại thu nhập cho mình."

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman
Image caption Việc làm hồi sinh Biển Nam Aral thì phức tạp hơn, do nông dân cần dùng nguồn nước cho việc trồng trọt

Vào năm 2015, bể trũng phía đông của Biển Nam Aral đã hoàn toàn cạn kiệt và dòng nước đã không bao giờ trở lại.

"Thật đáng tiếc," Allakuatov xót xa. "Tôi nghĩ rằng tình hình kinh tế đang được coi trọng hơn vào lúc này so với việc giữ gìn nguồn nước, đời sống tự nhiên và môi trường."

Những trận bão cát

Ở Moynaq vẫn có công ăn việc làm. Đáy biển khô cạn đem lại những cơ hội mới cho các công ty khai thác khí đốt tự nhiên trong việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên nằm bên dưới.

Thế nhưng điều này cũng khiến cư dân địa phương có thêm những mỗi lo ngại mới.

Với việc một diện tích mặt nước rộng lớn nay bị thu hẹp lại ghê gớm, khí hậu khu vực bị ảnh hưởng, gồm cả việc thay đổi nhiệt độ và lượng mưa. Đáy biển trơ ra cũng làm lộ ra nhiều muối và trầm tích, trong lúc việc các nhà nông trồng bông sử dụng phân hóa học từ hàng chục năm qua thì khiến tồn đọng lại nhiều hóa chất độc hại trong đất.

Bản quyền hình ảnh Taylor Weidman

Khi có gió lớn, các trận bão cát được hình thành, quần đảo các khu vực cư dân gần đó. Các nghiên cứu cho thấy việc phải đối diện với thứ bụi cát này một cách dai dẳng làm tăng bệnh dịch về đường hô hấp ở những người sống gần đó.

"Bụi cuốn lên từ đáy biển Aral, thế là muốn bay khắp nơi - không chỉ ở vùng Karakalpakstan mà còn cả ở vùng tây bắc Turkmenistan nữa," Allakuatov nói. "Người dân phải chịu đựng bụi cát có lẫn muối."

Bên kia biên giới, ở Aralsk, biển tiếp tục là tâm điểm cuộc sống của Zhasekenov. Là giám đốc của Bảo tàng Khu vực Aralsk và Bảo tàng Ngư nghiệp, vị trí mà ông được thừa kế từ người cha đã quá cố - Zhasekenov biết cặn kẽ về lịch sử của biển, và về những giấc mơ đem dòng nước chảy về cảng cũ, nơi đặt bảo tàng của ông.

Vào lúc này, ông vui khi thấy sự hồi sinh của Biển Bắc Aral, và ông lạc quan rằng biển rồi sẽ trở lại thời hoàng kim khi xưa.

"Giờ đây, nếu tôi đi tắt thì biển chỉ cách có 14km, và tôi sẽ có thể đưa một số ngư dân về nhà. Rồi các ngư dân sẽ đem cá đến cho chúng tôi. Điều này khiến tôi nhớ lại tuổi thơ," ông nói. "Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn thấy nước lại dâng cao lên đến cảng."

Bài viết có sự đóng góp của Serik Dyussenbayev.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn