Thách đấu và truyền thống hiệp sỹ châu Âu

Thứ Hai, 30 Tháng Bảy 20181:01 CH(Xem: 5685)
Thách đấu và truyền thống hiệp sỹ châu Âu
Đội kỵ binh diễu hành của Quân đội Ba Lan ngày nay mang trang phục thời xưaBản quyền hình ảnh DEA / G. COLLIVA/Getty Images
Image caption Tranh thêu hình hiệp sỹ thời Trung Cổ ở châu Âu

Ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác, võ thuật đã có từ hàng nghìn năm, nhưng tầng lớp học võ và dụng võ nhanh chóng được nhà nước sử dụng, đưa vào quân đội.

Nhà nước cũng tổ chức thi để tuyển võ sinh và lập ra Võ Ban huấn luyện binh sỹ.

Tại châu Âu thời cổ đại cũng có các cuộc thi tài trong đấu trường La Mã của những võ sỹ nô lệ gladiator.

Nhưng sức mạnh quân sự chủ yếu nằm ở các đội quân chuyên nghiệp phục vụ Rome, giống như các chiến binh Sparta của Cổ Hy Lạp.

Tuy thế, châu Âu thời Trung Cổ lại có một tầng lớp riêng, các hiệp sỹ kỵ binh với những cuộc thách đấu kinh hoàng, như Nguyễn Giang tìm hiểu:

Truyền thống hiệp sỹ bảy thế kỷ

Sau khi quân La Mã thua tộc Gothic ở trận Andrianpole năm 378, châu Âu rơi vào thời kỳ các lãnh chúa phân liệt.

Một tầng lớp võ sỹ tự do cũng hình thành từ những tay đánh thuê.

Từ khoảng thế kỷ 7 giới này ngày càng đông và được gọi là hiệp sỹ (knights).

Bản quyền hình ảnh DEA / J. E. BULLOZ/Getty Images
Image caption Trận chiến của hai hiệp sỹ trong sách cổ

Khác với võ quan ở Việt Nam và Trung Quốc ăn lương của vua, hiệp sỹ châu Âu thời kỳ đầu phải tự lo cho mình ngựa, bộ giáp và đao kiếm.

Một số nhờ các thành tích chiến trận mà được vua hoặc đại lãnh chúa phong tước cùng đất để có thể lập ra dòng họ trong lâu đài của riêng.

Nhưng con số đông hơn là người đánh thuê hoặc hiệp sỹ tự do.


Trong thời bình, không ai thuê ra chiến trận, họ đã tự tổ chức các cuộc thi đấu để rèn luyện tài năng và kiếm tiền.

Châu Âu thời Trung Cổ có hai dạng thi đấu chính là song đấu (jousting), và 'melee a cheval' (tiếng Pháp: hỗn chiến kỵ binh).

Về tầm vóc, các cuộc đấu có thể tổ chức trên những vùng đồng bằng dạng tournament để luyện quân.

Còn các cuộc song đấu thường xảy ra vì hiệp sỹ thách thức nhau (challenge to arms).

Về kỹ thuật, họ thường bắt đầu bằng đấu giáo - jousting: hai kỵ sỹ chĩa giáo dài phi ngựa lao thẳng vào nhau từ khoảng cách xa.

Sức nặng của ngựa và kỵ sỹ mang bộ giáp thời Trung Cổ có khi tới 70kg, cộng với tốc độc ngựa phi nước đại tạo ra một cú tấn công đầy sức mạnh.

Nếu bị đâm trúng, kỵ sỹ có thể bị văng xa nhiều mét, bị chấn thương nghiêm trọng, có thể chết tại chỗ.

Nếu người đó vẫn đứng dậy được thì hiệp sỹ kia cũng xuống ngựa và hai bên đấu kiếm cho đến khi một người bị giết.

Ngựa (nếu còn sống), giáp trụ và gươm đao là những thứ đắt giá trở thành chiến lợi phẩm của kẻ thắng cuộc.

Bản quyền hình ảnh Ralph Orlowski
Image caption Một buổi diễn lại đấu trường thời xưa

Có những kỵ sỹ ra lời thách đấu trên toàn châu Âu và sẵn sàng chết cho danh dự.

Đôi khi các cuộc thách đấu có con số đông hơn hai người.

Năm 1398 bảy hiệp sỹ Pháp đã thách đấu mọi hiệp sỹ của xứ Anh.

Trong ba năm liền, họ đeo các biểu tượng quý tộc của Pháp và chờ đón các đối thủ đến song đấu, một chọi một.

Các cuộc đấu luôn bắt đấu bằng ngựa và giáo, sau bằng kiếm và cuối cùng là bằng rìu và dao.

Hồi thế kỷ 11, vị vua tương lai của Anh, William the Conqueror (sinh ra tại Falaise và có tên Pháp là Guillaume), chỉ là con rơi của Công tước xứ Normandy nên hồi trẻ chưa có tài sản gì.

Ông từng là một "kỵ sỹ không nhà" rong ruổi ngựa đi khắp nơi để thách đấu và làm nghề vệ sỹ.

Đây là thời châu Âu hỗn loạn với nhiều cuộc chiến đẫm máu giành lãnh thổ và ảnh hưởng của các dòng tộc vua chúa.

Đối thủ chính trị hoặc kẻ thua trận tại các đấu trường thường bị chém chết tại chỗ, hoặc chịu hình phạt chặt chân tay.

Quy tắc thi đấu thượng võ

Sự man rợ đó chỉ chấm dứt nhờ ảnh hưởng của Cuộc Thập tự chinh và tác động của Giáo hội La Mã.

Các cuộc viễn chinh sang Đất Thánh Jerusalem chống Hồi giáo đem lại tình đoàn kết cho các hiệp sỹ châu Âu.

Dần dần, một bộ quy tắc ứng xử và thi đấu (Knight Code of Chivalry) được hình thành, đề cao danh dự cá nhân, chữ tín và tinh thần thượng võ.

Người thua trong các trận thách đấu không bị đâm chết bằng giáo hay bổ sọ bằng rìu mà được tha nhưng phải nộp tiền thế mạng, hoặc chịu khuất phục làm bề dưới của kẻ thắng.

Tinh thần vị tha Thiên Chúa giáo cũng đem lại văn minh cho các tập quán tàn bạo trong hoạt động quân sự và ở cả ngoài xã hội.

Sau khi William The Conqueror thắng trận Hastings và giành được ngôi vua Anh năm 1066, ông đã cấm buôn bán nô lệ vốn chiếm 10% dân số đảo Anh.

Trước đó, vua chúa Anglo-Saxon dung thứ cho các cuộc tập kích bắt người và việc chủ giết nô lệ chỉ là lỗi (sin), mà không phải tội ác (crime).

Bản quyền hình ảnh Christophel Fine Art/Getty Images
Image caption Vua Pháp Phillippe Auguste và các hiệp sỹ bảo vệ Vương miện trong trận Bouvines 1214 - tranh của Horace Vernet

Mặt khác, châu Âu không còn là thời của các lãnh chúa nhỏ lẻ mà định hình các triều đại lớn từ Ba Lan sang Bohemia, Hungary, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh và Tây Ban Nha.

Vua chúa không muốn mỗi cuộc thi tài của giới hiệp sỹ, dù là tổ chức cá nhân hay ở mức độ quốc gia, kết thúc bằng con số trăm tay kiếm của họ thiệt mạng vô tích sự.

Nhưng cũng vì thế mà dần dần, hiệp sỹ không còn tồn tại tự chủ vì chế độ tập quyền của các vua chúa.

Hiệp sỹ hoặc nhận đất để trở thành quý tộc và quản lý nông nô, đóng thuế cho vua, hoặc vào quân đội làm sỹ quan phục vụ cho vua, hoàng đế.

Quỹ đất có hạn nên về sau này, thanh niên con nhà quý tộc và thị dân nhờ chiến tích chiến trận có thể được phong hiệp sỹ nhưng chỉ là tước vị, không còn đất phong.

Một trong số các nhóm hiệp sỹ Thánh Chiến cuối cùng nằm ngoài vòng kiểm soát của vua chúa là Dòng Đền (Templar Knights).

Họ là các tu sỹ Ki Tô Giáo cưỡi ngựa, mang kiếm, đeo khiên và khoác áo choàng có hình thánh giá màu đỏ.

Sau khi trở về từ Đất Thánh, những dòng tu vũ trang (military orders) chiếm các vùng đất khác nhau, ở Pháp, Đức, Ý, Croatia, Ba Lan.

Dòng Teutonic từng làm chủ một vương quốc nhỏ ở vùng giáp biên giới Đức và Ba Lan nhưng sau bị tiêu diệt.

Sang đến thế kỷ 14, các tu sỹ - hiệp sỹ Dòng Đền bị Giáo hoàng Clement V giải tán.

Di sản là gì?

Cũng từ thế kỷ 14 -15, công nghệ chiến tranh đã tiến bộ hơn trước, khiến áo giáp của kỵ binh hạng nặng không thể chống lại súng hỏa mai và súng thần công.

Bản quyền hình ảnh Pacific Press/Getty Images
Image caption Đội kỵ binh của Quân đội Ba Lan ngày nay mang trang phục thời xưa diễu hành trên đường phố Warsaw

Các quân đội châu Âu vẫn duy trì kỵ binh như một binh chủng nhỏ, cơ động cho đến Thế Chiến 2 nhưng giới hiệp sỹ thì đã bị xóa sổ hoàn toàn từ Chiến tranh Napoleon.

Ngoài vài nước vẫn cho cha truyền con nối tước quý tộc, ngày nay, tước hiệp sỹ (knighthood) chỉ còn thuần tuý là một thứ huân huy chương vua chúa ban phát.

Tuy thế, quy tắc hiệp sỹ vẫn còn tồn tại cho tới tận thế kỷ 19-20 mà ta biết qua các cuộc thách đấu bằng kiếm hoặc bằng súng vì tình ái hoặc danh dự.

Một ngày hè năm 1841, nhà thơ Mikhail Lermontov trở thành một trong số văn nghệ sỹ quý tộc Nga nổi tiếng chết vì đấu súng với người bạn cũ từ trường võ bị.

Truyền thuyết nói rằng nhà thơ Nga cố ý bắn lên trời, không nhằm vào bạn còn khẩu súng từ tay Nikolai Martynov thì chĩa thẳng vào tim Lermontov, giết chết ông tại chỗ.

Trong bài thơ Cái chết của Nhà thơ, viết về Alexander Pushkin, Lermontov như đã dự báo về chính mình:

Người chết rồi, Nhà Thơ! - chết vì danh dự -

Chết trong oan nghiệt những lời đồn,

Đã gục xuống mái đầu từng ngẩng cao kiêu hãnh,

Viên đạn trong tim và khát vọng rửa hờn… (lời dịch của Tạ Phương).

Một di sản còn lại của quy tắc hiệp sỹ châu Âu là tính chuyên nghiệp của quân đội, theo nhà nghiên cứu Michael Mallett.

Từ ba giá trị xưa, Thượng Đế - Danh dự và Trách nhiệm, quân đội châu Âu hiện đại tâm niệm rằng họ chiến đấu vì Tổ quốc - Danh dự và Trách nhiệm.

Cách đối xử tàn bạo với bên chiến bại nằm ngoài các giá trị này.

Chính vì thế, những hành động của Wehrmacht và Hồng quân Nga hành hạ, giết hại tù binh đã liên tục bị lên án từ Thế Chiến 2 đến nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn