Nửa thế kỷ đi tìm

Thứ Năm, 19 Tháng Bảy 20186:00 SA(Xem: 5727)
Nửa thế kỷ đi tìm

FB Luân Lê
Bao nhiêu hộ dân ở Thủ Thiêm cũng đã phải trải qua những khổ ải cùng cực trong vòng gần 20 năm mà vẫn chưa thấy chút hy vọng nào.

Cái chết như của Hiến sau hơn chục năm sống trong bế tắc và sự bất công đè nén, cũng đã là một tấn bi kịch không thể mô tả hết bằng lời văn chữ viết.

Nay có người đàn bà đã 40 năm mòn mỏi đi đòi đất của gia đình mình, nhiều người đã chết, bà sống côi cút cảnh nay đây mai đó, trong khi 16.000m2 đất của gia đình bà lại bị gia đình khác chiếm đoạt công khai và cho thuê hơn chục tỷ đồng một năm. Và thành phần gia đình nhà này hầu hết là cán bộ, công chức và là đảng viên.

Chúng chia nhau từng lô đất và tự cấp sổ đỏ cho mình, còn gia đình chủ đất thì bị đá ra ngoài đường. Và có ai ngờ đâu được bà vẫn kiên trì tới hơn một nửa đời người, tới gần nửa thế kỷ, chỉ để đi đòi đất trong vô vọng.

Tôi nể phục sự kiên nhẫn của bà. Nhưng thấy xót xa cho những thân phận chẳng có chút vị thế hay tiếng nói nào. Và bên cạnh họ, những người bị dồn vào cảnh khốn cùng, là những kẻ sống ung dung và nhởn nhơ trên sự bất công hiển hiện trước mắt. Chúng chà đạp lên mọi luật lệ, đạo lý để tước đoạt tài sản của người khác, sống an hoà trên sự phẫn uất của chính những đau đớn và tuyệt vọng, máu và nước mắt, của những người mà bọn chúng nhẫn tâm cướp đoạt.

Bao kẻ đi chùa cầu xin tài lộc, bao kẻ đi chùa cầu xin thăng quan tiến chức, bao kẻ đi chùa để mong ăn nên làm ra, bao kẻ đi chùa để mong cầu điều tốt đẹp, có nhìn thấy ngay trước mắt mình mỗi ngày là hàng ngàn, vạn, triệu mảnh đời sống những cảnh bi ai, thiếu thốn, khổ cực, phẫn uất?

Bốn mươi ba năm chấm dứt chiến tranh trên mảnh đất quê hương, thì bốn mươi năm ròng rã người đàn bà bé mọn này lang bạt khắp nơi đi tìm công lý cho mình nhưng chưa bao giờ được thấu tỏ và ngó ngàng tới.

Nửa thế kỷ đi tìm mảnh đất mà vốn dĩ nó thuộc về chính mình, mặc dầu nó vẫn hiện hữu, nhưng dường như nó trở nên vô hình trước luật pháp và trước những bàn tay quyền uy khác.

Và nửa thế kỷ đi tìm, lần đầu tiên bà ấy mới được gặp mặt người có chức phận tiếp dân của Thanh tra Chính phủ, trong khi người này vẫn ngày ngày ra vào trụ sở tiếp dân một cách thường xuyên.

Nửa thế kỷ trôi qua, với hàng tạ giấy tờ, văn bản chất lên, nhưng mới được một lần gặp mặt một người mà họ không cách bà xa bao nhiêu ngoài cánh cổng sắt và mấy người bảo vệ hoàn toàn và tuyệt đối trung thành với các chỉ lệnh.

Tôi vẫn thấy rùng mình vì nghĩ về con số 40 năm. Quả là khủng khiếp và dã man.

Chúng ta có thể nguyền rủa hết được lũ người sống bất lương và vô đạo quanh ta và trên mảnh đất này không?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn