Đất và Mạng

Thứ Hai, 09 Tháng Bảy 20185:03 SA(Xem: 5730)
Đất và Mạng

Đất ở dưới đất, mạng ở trên không, nhưng lại gặp nhau vào lúc này.

Về đất, có đại gia đất. Buôn bán đất là cách làm giàu nhanh và to trong thời buổi hiện nay. Những người buôn đất nhắm, tìm những vùng đất béo bở bỏ tiền mua với giá rất hời rồi khai thác, bán lại hay cho thuê, kiếm tiền tỷ tỷ. Kẻ ăn theo cũng phất lên. Nhưng bất hạnh, những người dân lâu nay sống với những mảnh đất, thửa vườn, đám ruộng ông bà để lại bỗng dưng thành người mất đất, khổ vì đất. Mua bán, thuê mướn đất đai là chuyện hấp dẩn trong các đám tiệc, trên mạng. Rồi World Cup 2018 Russia lại hấp dẫn nhiều người, theo cách khác. Mọi việc đều có lý do của nó.

Lã Bất Vi khi xưa bên Tàu cho rằng “buôn vua” là cách làm giàu lớn nhất trong các cách buôn. Suốt một đời, ông theo đuổi kế sách nầy. Ông đã nghĩ đúng. Ông đã thành công. Nhưng oái ăm “tác phẩm” của ông lại giết ông. Nếu Lã Bất Vi sống lại có buôn đất không thì không chắc, nhưng hậu duệ của ông thì chắc chắn có đấy.

Đất thường đi đôi với nước, nhưng đôi khi chỉ nói “đất” hoặc “nước” là đủ, chẳng hạn như nước A, nước B. Bán một mảnh đất nhỏ là bán đất, nhưng một ông vua, một chính quyền nhường đất cho nước ngoài bị gọi là kẻ bán nước chả cần nói (đầy đủ) bán đất và nước. Sử sách ghi Lê Chiêu Thống, Trần Ich Tắc là hai kẻ bán nước. Mất một số mảnh đất thì khổ cho một số người, còn mất nước là họa chung của cả một dân tôc

Ta thường thấy, nước bị mất có thể:

Do nhà nước yếu kém bị ngoại bang mạnh hơn dùng vũ lực đánh chiếm buộc phải nhường đất. Triều Tự Đức, chính quyền vừa yếu vừa thủ cựu đã bị Pháp bắt phải “nhượng địa”, đành chịu bị mất nước. Một thầy dạy sử của tôi ở trung học (xin không nêu tên), khi dạy đoạn nầy đã đoc mấy câu do ông viết:

Biên Hòa, Gia Định, Định Tường,
Bên ta thua trận phải nhường đất đai.
Pháp toan bảo hộ lâu dài,
Mà vua ta lại nghĩ sai tình hình.
Cho người qua đến Pháp đình,
Lo bề chuộc những tỉnh thành mất đi.
Điều đình chẳng được việc chi.
Bắt Phan Thanh Giang đi về uổng công...

Nhắc lại để cám ơn thầy. Nhờ mấy câu thơ trên dễ thuộc, mà chúng tôi nhớ được một số sự kiện lịch sử. Ươc gì Thầy, hay các vị khác viết tiếp những câu sử ca, như kiểu Việt Nam Quốc Sử Diển Ca về ngày nay để người đời sau đọc, nhớ dễ dàng. Thế nào thì cũng có người viết, viết bằng văn vần hay văn xuôi, không quan trọng, quan trọng nhất, khi viết sử, là phải viết chính xác. Sửa lịch sử là có tội với dân tộc.

Có khi, có kẻ tự nguyện bán nước cho ngoại bang, như Trần Ich Tắc, chỉ vì muốn làm vua, để hưởng vinh hoa phú quí. “Bình Ngô Đại Cáo” đã viết:

... Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.
Chước dối đủ muôn nghìn khóe,
Ác chứa ngót hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa, nát cả càng khôn,
Nặng khóa liễm vét không sơn trạch.... (Bản dịch của Trần Trọng Kim)

“Bình Ngô Đại Cáo” được dạy ở bậc trung học phổ thông. Không biết các thầy cô dạy văn giảng như thế nào, liên hệ thực tế ra làm sao. Bình thường chỉ đọc thôi đã thấy oán hận rồi.

Có khi vua nước nhỏ buộc phải nhường đất, cắt đất cho nước mạnh để cầu hòa, để xin được tấn phong, được che chở. Nhưng, sau khi cắt đất xong thì cũng không được hòa đâu. Vua quan bán nước bị “cất” kỹ, bị nước lớn khinh khi bè lũ bán nước, Yanukovych Tổng thống Ukraina là ví dụ. Bị thất thế, ông nầy mời quân Nga vào bán đảo Crime. Ông ôm hàng tỷ USD chạy sang Nga sống tại một xó xỉnh nào đó, biệt vô âm tín, chẳng ai biết. Nhưng thâm tâm vẫn thấy có tội:

Tổng thống Ukraine bị phế truất ngày 2.4 lần đầu tiên thừa nhận ông đã “sai lầm” khi mời quân đội Nga vào Crimea và cam kết sẽ cố gắng thuyết phục Moscow trả lại bán đảo bên bờ Biển Đen...

Trước đây, các nước mạnh dùng vũ lực để chiếm các nước yếu, như Tàu đã chiếm nước ta, đó là thực dân kiểu cũ, và có cách bán nước kiêu cũ như của Lê Chiêu Thống. Ngày nay có chính sách thực dân kiểu mới (neo-colonialism) và cũng có cách bán nước kiểu mới. Kiểu sau dùng quyền lực mềm tinh vi hơn, hiệu quả hơn. Nếu có thỏa thuận với nước chủ nhà thì là “thượng sách” - Bất chiến tự nhiên thành. Đừng nghĩ rằng nước lớn dùng tiền bạc để mua nước nhỏ. Ngược lại là khác, họ sẽ chiếm rừng vàng biển bạc của nước nhỏ để nuôi “mẫu quốc”. Họ sẽ dùng nước nhỏ như một công xưởng quốc tế để chế biến, sản xuất, một bãi phế liệu khổng lồ. Họ sẽ dùng đàn bà con gái nước nhỏ để giải quyết việc “ấy”. Chuyện nầy trước “chơi”, sau thực, chính nó tạo ra thế hệ con lai F1, F2 và dân nước nhỏ từ từ bị xóa. Khi đó đừng nói tới lịch sử với giống nòi.

Bán nước là mang tội lớn nhất với dân tộc dù bán nước theo kiểu nào. Ngay những người bán nước cũng biết điều này, nên họ “khôn” hơn. Và họ nhất quyết thực hiện cho được kế hoạch. Nhưng mưu mô càng tinh vi thì tội lỗi càng lớn, càng cay độc lắm, càng oan trái nhiều (Kiều)

* * *

Thời nầy là thời của mạng, thời 4.0. Mạng không phải là 4.0, nhưng 4.0 thì có mạng.

Lịch sử phát triển của loài người tiến từ chỗ tối tăm đến văn minh như ngày nay. Con người đã làm những cuộc cách mạng công nghiệp được đánh số “chấm không”. Và chắc chắn, sẽ còn tiến lên “các chấm không” tiếp theo. Như thế nhân loại mới tiến bộ, tồn tại được. Nếu giữ nguyên muôn năm trường tồn thì quả là phản động (phản lại sự chuyển động) với loài người.

Các cuộc cách mạng công nghiệp mang lại cho con người nhiều tiện ích kỹ thuật. Và cuộc cách mạng khác, như Cách Mạng 1789 của Pháp, mang lại cho con người những thứ như tự do, dân chủ, công bằng, nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân v v... Những cuộc cách mạng lớn kia thường bắt nguồn, ra đời và phát triển trong những nước có sự “thoải mái”, quí trọng tài năng và sáng tạo. Tinh thần (hay môi trường/không khí/cơ chế) đó là mảnh đất màu để văn hóa, khoa học nẩy mầm, phát triển. Nếu tư tưởng tiến bộ đó gặp một chế độ hà khắc thì như gieo hạt trên đất cằn, chết ngay. Còn tự ca ngợi như “con ếch muốn to bằng con bò” trong thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine thì chỉ để “tự sướng thôi. Nhân loại mang ơn những nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học. Họ, một số ít, nhưng đã đẩy thế giới đi lên.

Một nước được xem là tiên tiến hay không là dựa vào những thành tích lớn về khoa học mà nó đã góp cho nhân loại, nhóm G7 là ví dụ, chứ không phải có bom A, bom H hay làm nên điều “kỳ diệu”. Một số nhà nước khoe có nhiều người dân dùng internet, chứng tỏ nước đó đang ở đỉnh cao trí tuệ. Và 4.0 là mơ ước.

Dùng thì dùng, nhưng, có nước lại xem internet là kẻ thù.

Cũng như hiện nay 100% các nước trên thế giới đều tổ chức bầu cử, ứng cử, có quốc hội... dù thế có người vẫn cho rằng các định chế kia là sản phẩm của các nước phương Tây, họ “dị ứng” với chúng. Dị ứng thì dị ứng nhưng phải sắm ra cho có như người ta, vì đó là xu thế. Các nước độc tài càng đầy đủ, càng chu đáo, kín kẻ hơn. Họ cố len vào các tổ chức có chữ “UN” hay chữ “W” như UNSC, UNHRC, UNESCO, WTO [*]... Họ dùng những tổ chức đó như món trang sức thôi. Ngay cả những hiệp ước, hiệp định, tuyên ngôn họ vừa ký vừa nghĩ tới cách vô hiệu chúng. Họ qua mắt cả thế giới. Khi bí thế họ mới nhân nhượng để có những cái FTA (Free Trade Agreement: Hiệp ước Tự do Mậu dịch).

Thực tế, một số Tổng thống/Thủ tướng của các nước đầu tàu của internet cũng không ưa “net” chút nào. Thỉnh thoảng các ông cũng chê đài này, báo nọ, phóng viên kia. Ông Tổng thống Donald Trumph từng tỏ ra không thích một số báo, đài của Mỹ vì đã nói một số sự thật của ông. Chê, khăn, thích hay không thích là thái độ của ông ấy, nhưng ông không thể dùng quyền của Tổng thống để trả thù, hay “cắt mạng”, vì luật không cho phép. Những nhà lập pháp, dân biểu, nghị sĩ của họ thông hiểu luật, không chấp nhận những đạo luật mù mờ. Báo chí, người dân có thể dùng mạng để phê phán và nói sự thật với chính phủ, với các vị cầm quyền. Lần nữa, chính quyền của dân là chính quyền biết nghe dân nói điều đúng.

Nói đúng, nói sự thật không phải là nói xấu chế độ, lãnh đạo hay bất kỳ ai. Trái lại, nói sai sự thật, nói điều không đúng, đánh tráo trắng đen, phải trái mới là xuyên tạc, vu khống.

Không có nước văn minh nào mà dân trí thấp. Dân giàu thì nước mạnh, dân nghèo thì nước cũng nghèo theo, dân lạc hậu, mất mạng mơ gì 4.0.

Với dân thì đất nước là thiêng liêng, phải bảo vệ. Mất đất là mất hết. Với cuộc sống, thời 4.0, mạng như là tai, mắt, miệng. Mạng yểu thành điếc, mù, câm.

Chú thích:

[*] Các chữ viết tắt của các tổ chức:

UNSC = United Nations Security Council: Hội Đồng Bảo An LHQ.

UNHRC = United Nations Human Rights Council: Hội Đồng Nhân Quyền LHQ

UNESCO = United Nations Educational Scientific and Cultural Organization: Tổ chức Giaos dục, Khoa học và Văn hóa LHQ.

WTO = World Trade Organization: Tổ chức Thương mại Thế giới

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn