Những người Hàn Quốc đóng gạo vào chai nhựa chuyển sang Triều Tiên

Thứ Bảy, 26 Tháng Năm 20188:00 SA(Xem: 4608)
Những người Hàn Quốc đóng gạo vào chai nhựa chuyển sang Triều Tiên
Những người Hàn Quốc đóng gạo vào chai nhựa chuyển sang Triều Tiên

Các nhà hoạt động Hàn Quốc chuẩn bị ném chai chứa gạo sang Triều Tiên.

Khi các nhà hoạt động lái xe tải nhỏ tới một hòn đảo gần Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ), con đường bùn đất bị một thiết bị xây dựng chắn ngang. Vì thế, những người tình nguyện trong độ tuổi 50-70 dỡ hàng xuống và kéo bao tải nặng đi gần một cây số tới điểm thả hàng.

Chỗ này gần tới nỗi Jeong Gwang-il và các thành viên trong nhóm có thể bơi sang Triều Tiên. Hai tháng một lần, họ tới mỏm đá này để chuyển những món hàng tiếp tế đóng trong chai nhựa cho người dân Triều Tiên, theo CNN.

Nhóm của ông đợi thủy triều đổi hướng và bắt đầu ném hàng trăm chai nhựa xuống biển. Mỗi chai hai lít chứa một kg gạo trắng và một USD - khoản tiền có thể giúp người Triều Tiên mua được một cân gạo, theo các nhà hoạt động. Họ hy vọng số gạo này giúp nuôi sống 41% dân số bị suy dinh dưỡng tại quốc gia này, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Nhóm của Jeong cũng gửi kèm thuốc diệt ký sinh trùng sang Triều Tiên. Bác sĩ đã phát hiện giun sán trong dạ dày một binh lính Triều Tiên đào tẩu qua Khu Phi quân sự năm ngoái. Họ còn gửi thêm một USB chứa video thông tin từ thế giới bên ngoài cùng một mẩu giấy ghi dòng chữ "Chúa yêu thương các con".

Các nhà hoạt động có thể theo đạo, có thể không, đã công khai chuyển thực phẩm và thông tin sang Triều Tiên theo cách này qua nhiều năm. Tim Peters, một nhà truyền giáo người Mỹ sinh sống nhiều năm tại Hàn Quốc, thường chuyển các túi nhựa chứa đầy hạt giống sang Triều Tiên.

Các nhà hoạt động như Peters, Jeong và Kim Yong-hwa, cựu sĩ quan Triều Tiên đào tẩu, nay phải đối mặt với một trở ngại mới, đó là chính phủ Hàn Quốc.

Các nhà hoạt động Hàn Quốc vận chuyển đồ tiếp tế tới mỏm đá gần Khu Phi quân sự. Ảnh: CNN.
Các nhà hoạt động Hàn Quốc vận chuyển đồ tiếp tế tới mỏm đá gần Khu Phi quân sự. Ảnh: CNN.

Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng tư, hai bên nhất trí giảm căng thẳng và hướng tới ký hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh.

Các nhà hoạt động như Peters và Jeong Gwang-il khi đó sống trong cảm xúc đầy mâu thuẫn. Một mặt, họ cảm thấy vui mừng vì quan hệ giữa Bình Nhưỡng với thế giới bên ngoài ấm lên, mặt khác, họ lo lắng về việc cuộc sống của người dân Triều Tiên không được đề cập trên bàn đàm phán.

Trong thỏa thuận chung được ký hôm 27/4, Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí dỡ bỏ dàn loa phát thanh tuyên truyền và chấm dứt việc thả tờ rơi ở biên giới hai nước.

hỏa thuận này không đề cập tới việc người dân Hàn Quốc gửi vật phẩm sang Triều Tiên, nhưng hôm 4/5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã ra tuyên bố yêu cầu các nhóm hoạt động dân sự phải ngừng hoạt động tiếp tế này. Ngày hôm sau, cảnh sát chặn một nhóm thả bóng bay mang truyền đơn sang biên giới Triều Tiên.

Jeong cho hay các nhà chức trách Hàn Quốc vừa liên lạc với ông, yêu cầu ngừng gửi đồ đóng chai sang Triều Tiên. Jeong từ chối, tiếp tục gửi một lô khác sang Triều Tiên hôm đầu tuần.

Các nhà hoạt động Hàn Quốc chuẩn bị ném chai chứa gạo, tiền, thuốc và thông tin tuyên truyền sang Triều Tiên. Ảnh: CNN.
Các nhà hoạt động Hàn Quốc chuẩn bị ném chai chứa gạo, tiền, thuốc và thông tin tuyên truyền sang Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Hồi tháng hai, Jeong đã gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Nhưng bây giờ ông lo ngại Trump có thể bỏ qua những trường hợp mà Jeong từng nhắc đến để đạt được cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

"Tôi rất thất vọng vì quyền con người không nằm trong chương trình nghị sự các cuộc họp thượng đỉnh", Jeong nói, kể rằng ông từng bị tra tấn khi ngồi tù ở Triều Tiên nhiều năm trước.

Đứng trên mỏm đê chắn sóng, Jeong và các bạn quan sát những chai nhựa cuối cùng chậm rãi biến khỏi tầm nhìn. Họ không có bằng chứng cho thấy những chai nhựa này đến được với dân thường Triều Tiên, nhưng tuyên bố lính biên phòng Hàn Quốc bảo họ rằng đã nhìn thấy binh lính và dân thường Triều Tiên đổ ra bờ biển nhặt các chai chứa gạo.

"Chúng tôi đang gửi đi mà không kèm bất kỳ điều kiện nào. Chúng tôi gửi đi tình yêu thương", Kim Yong-hwa, cựu binh sĩ Triều Tiên nói. Đó là thông điệp của hy vọng, thông điệp nằm trong cái chai.

Theo VnExpress

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn